Sau đây là những album ưa thích năm 2013:
1. Arctic Monkeys - AM (indie rock)
Lấy ảnh hưởng từ hip hop và r&b, đĩa AM của nhóm Arctic Monkeys có âm sắc khác hẳn các đĩa trước. Bớt đi tiếng guitar điện ồn ào, đĩa này nhấn vào giai điệu và nhịp điệu của trống và bass, và vì vậy hai nhạc cụ này cũng được thu âm trước. Những bài hay nhất có lẽ là cả đĩa ngoại trừ Mad Sounds và I Want It All.
2. Kanye West - Yeezus (hip hop/experimental)
Một album cực kỳ khó nghe của Kanye West nhưng lại thuộc loại chất nhất của anh. Cái tôi tinh tướng của Kanye thể hiện rõ nhất ở album này.
3. Queens Of The Stone Age - ...Like Clockwork (alternative rock)
Gặp một chút khó khăn trong khâu sản xuất, cuối cùng cả nhóm quyết định tự thực hiện. Kết quả là một sản phẩm âm nhạc chất lượng như nhiều đĩa khác của nhóm. Âm thanh vẫn có phần đen tối u ám. Bài chill nhất đĩa chính là The Vampyre Of Time And Memory.
4. Elton John - The Diving Board (pop/soft rock)
Vẫn biết Elton John chuyên về piano nhưng đĩa nhạc này vẫn là nặng nhất phần piano. Tuy nhiên đây là một trong những đĩa hay nhất thời kỳ sau của ông. Có những câu dạo piano rất hay và riêng làm cho cả album là một bản ballad tình cảm. Tiêu biểu là Ocean Away, Oscar Wilde Gets Out, The Ballad Of Blind Tom và đặc biệt là Home Again.
5. Suede - Bloodsports (alternative rock)
Sau một thời gian dài, ban nhạc britpop với ca sĩ giọng mái độc đáo Suede phát hành album có âm sắc hay gần như thời Coming Up. Đấy là nhờ sự trở lại của nhà sản xuất Ed Buller.
6. J. Cole - Born Sinner (hip hop)
Trái ngược với đĩa Yeezus của Kanye West cùng năm, album này của J. Cole “đằm thắm” hơn với sự tiếc nuối khi anh làm thần tượng của mình thất vọng trong Let Nas Down. Về phần lời, flow và thậm chí production do chính J. Cole đảm nhiệm, tất cả làm nên một album rất ổn của Cole.
7. Vampire Weekend - Modern Vampires Of The City (indie rock)
Một trong những album hay nhất của năm do tính độc đáo của nó. Hội này lại thử nghiệm với âm thanh mới. Ví dụ như thay đổi pitch không chỉ của mỗi giọng hát mà còn cả trống. Bài tiết tấu nhanh thì đánh chậm lại rồi bật với tốc độ cao để tiếng trống cao hơn bình thường và ngược lại. Step, Dianne Young và Ya Hey là những bài tiêu biểu của đĩa.
8. Robbie Williams - Swing Both Ways (swing/pop)
Đĩa này càng chứng tỏ khả năng hát nhiều thể loại của Robbie khi anh một lần nữa thử thể loại swing và vẫn có sức hút như pop rock mà anh vẫn thường tập trung. Kể ra cũng nhờ sự quay lại hợp tác của Guy Chambers mà nhạc đĩa này cũng có lại cái duyên của Robbie.
9. Alter Bridge - Fortress (hard rock/alternative metal)
Cái tôi không thích ở đĩa này là có một số bài đổi tông giữa verse và điệp khúc hơi gượng quá làm mất đi tính mượt mà của giai điệu, vốn là điểm mạnh của Alter Bridge. Tuy nhiên đây vẫn là album hay của các anh. Ai có thể quên được phần guitar thùng dạo đầu classical của Cry Of Archilles, hay tiếng hát cao vút của Myles ở câu đầu trong Calm The Fire hay đoạn solo dài của cả Mark và Myles theo giống như cách phối hợp trong Blackbird trước đây.
10. Janelle Monae - The Electric Lady (neo soul/r&b)
Hay ngang ngửa đĩa The ArchAndroid trước đó, Janelle lại lần nữa thể hiện tài năng qua một album cực hay. Nhân tiện chúc mừng cô được đề cử cho grammy album của năm cho Dirty Computer.
11. Pusha T - My Name Is My Name (hip hop)
Album đầu tay của một trong những rapper có tài nhất hiện nay. Pusha thể hiện cái tôi trong đĩa này để giới thiệu về mình như Eminem từng làm trong My Name Is. Dưới tài năng của Kanye và Pharrell, kết quả là đĩa này nằm trong top những đĩa hay nhất năm này.
12. Twenty One Pilots - Vessel (electropop/hip hop)
Thật khó để diễn tả thể loại của hội này. Tuy nhiên nhạc lại có phần cá tính do cách phối nhạc mạnh mẽ kết hợp âm thanh điện tử. Ode To Sleep có lẽ là một trong những opening track hợp lý nhất khi nhịp điệu và tông thay đổi liên tục.
13. Drake - Nothing Was The Same (hip hop)
Started from the bottom now we’re here. Bài này có lẽ là “rap ca” của năm đó. Drake có lẽ là một trong số ít rapper sở hữu chất giọng ấm và soulful nên anh rap rất tình cảm. Chính vì thế đĩa này cũng có sự hoà trộn khéo léo giữa hát và rap hơn bình thường.
14. Arcade Fire - Reflektor (indie rock)
Âm thanh mang tính thử nghiệm nên không quá dễ nghe. Tuy nhiên khi hiểu được thì mới thấy đĩa nhạc này xuất sắc chừng nào. Nhạc của họ có chừng mực ảnh hưởng từ Bowie và U2.
15. The Weeknd - Kiss Land (r&b)
The Weeknd mang đến một màu sắc mới cho thể loại r&b đương đại. Với sự hỗ trợ của Drake, tên tuổi của Weeknd lại càng nổi tiếng hơn. Album này được fan trung thành đánh giá rất cao, gần ngang ngửa bộ Triology của anh trước đó.
16. Daft Punk - Random Access Memories (electronic/funk/soul)
Album gây đình đám của năm với single Get Lucky. Cũng là album đoạt giải Grammy của năm đó. Giorgio By Moroder có lẽ là bài ấn tượng nhất đĩa này.
17. Paramore - Paramore (alternative rock/pop punk)
Đây là một đĩa rất hay của Paramore. Guitar hay, hát hay, phong cách tốt. Thế nên dù album này vắng bóng hai co-founder của nhóm, các bạn còn lại vẫn làm tốt nhiệm vụ.
18. Justin Timberlake - The 20/20 Experience (neo soul/r&b)
Đĩa này được chia làm 2 phần. Phần 1 chất lượng đồng đều hơn. Tuy nhiên nhìn chung cũng không đạt được đỉnh cao của FutureSex/LoveSounds.
19. Big Sean - Hall Of Fame (hip hop)
Một đĩa hay ngang Finally Famous. Dù nội dung không có gì đặc biệt, phần beat hấp dẫn và cách delivery của Sean vẫn là điểm sáng.
20. James Blake - Overgrown (electronic r&b)
Đĩa nhạc của James rất khó nghe. Do tính thử nghiệm nặng về điện tử. Nhưng giai điệu r&b vẫn là cái níu kéo người nghe lại.
21. Mac Miller - Watching Movies With The Sound Off (hip hop)
RIP Mac Miller
22. Talib Kweli - Prisoner Of Conscious (hip hop)
Talib vẫn gây ấn tượng với chất lượng nhạc của anh. Title không hẳn gợi ý Talib là tù nhân của góc nhìn mang nặng tính chính trị hay xã hội. Ý anh muốn người nghe có cái nhìn rộng hơn về vấn đề, và đừng để định kiến ảnh hưởng tới sự phán xét.
23. Maximum The Hormone - Yoshu Fukushu (alternative metal)
Maximum the hormone trở lại sau 6 năm không ra đĩa và một số trục trặc với các thành viên trong band, và lập tức thổi bay mọi thứ với thứ nhạc điên rồ và năng lượng y như từ thời của Bu-ikikaesu. Tôi đặc biệt thích Yoshu Fukushu, Tsume Tsume Tsume, và bài hát lấy tên band "Maximum the hormone".
24. Portnoy, Sheehan, Macalpine, Sherinian (PSMS) - Live In Tokyo (alternative metal)
Portnoy sau khi rời khỏi Dream theater thì thường xuyên jam với Billy Sheehan, ông bạn lâu năm Sherinian và chơi guitar thì thường hay có sự tham gia của siêu cầm thủ Tony Macalpine. 4 anh trình diễn live toàn ca khúc progressive dỉnh của cả Sheehan, Dream theater, Sherinian, và Macalpine.
25. Orianthi - Heaven In This Hell (hard rock)
Nổi lên từ khi là lead guitar của Michael jackson trong tour THIS IS IT, và mặc dù sau đó là kết cục không ai mong muốn tới với MJ, Oriathi tiếp tục có một sự nghiệp vững vàng trong cả vai trò solo lẫn đi lưu diễn với nhưng band nhác (Alice cooper, Ritchie Sambora, v.v..) và càng ngày cô càng cho thấy độ chín trong cách chơi của mình. Đĩa Heavn in this hell là một đĩa như vậy.
26. Dream Theater- Dream Theater (progressive metal) Lần đầu tiên kể từ lúc tham gia Dream theater, tay trống Mike magini được tham gia toàn bộ quá trình sáng tạo của Dream theater (không như trong A dramatic turn of events, John Petrucci viết cả phần trống cho đĩa đó), và có thể thấy sự bùng nổ của Mike trong đĩa này cực kỳ đáng chú ý. Không uổng công lần đầu tiên band đặt tên album là tên chính họ, Dream Theater muốn album này như sự nhắc nhở với các fan Dream theater là ai và định hướng âm nhạc của họ đã và sẽ trở nên như thế nào.
27. The Civil Wars - The Civil wars (indie folk) "Cái cách mà cặp nghệ sĩ này nói về số phận ban nhạc của họ cũng thật lãnh đạm. Nhưng sự thực là họ càng trốn sâu vào cái tổ kén riêng của mình, âm nhạc của họ càng được đón nhận và yêu thích"
Xin hẹn gặp lại các bạn vào năm 1986.
Comments