Bạn đã ở đây, trong topic này, nghĩa là bạn là một fan của Avril Lavigne. Không giống như những nghệ sĩ khác có những người theo đuổi bao gồm cả đám hâm mộ lẫn những người ganh ghét, những người theo dõi Lavigne (La-veen) thường chỉ là những người hâm mộ cô. Và con số này không hề nhỏ. Xin nhắc lại, không hề nhỏ, tới mức một người không ghét cô như tôi phải quyết định làm một cuộc tìm kiếm xem, tại sao lại có thứ sức hút kỳ lạ đến thế.
Vậy hãy nói tôi nghe, bạn vào đây vì bạn muốn được chia sẻ về khả năng viết nhạc catchy của Lavigne, thứ âm nhạc Pop Punk lôi cuốn với những không khí “feel good” mà bạn bị hút vào khi còn trẻ, khả năng bán được tới 40 triệu đĩa của một cô gái mới ra được có 7 album trong 20 năm vừa rồi, hay cả thuyết âm mưu điên khùng mà cả thế giới đã từng phát sốt khi cho rằng Lavigne thực ra đã chết từ sau album Let Go và đó giờ cô gái đứng dưới vầng hào quang nổi tiếng hóa ra là một clone do hãng đĩa dựng lên vốn mang tên Melissa Vandella? Trước khi ta nói về từng việc một, chỉ xin bật mí rằng tất cả những thứ trên kia đã và đang là cục nam châm hút tất cả các khán giả nghe cô đến từ mọi lứa tuổi vậy. Một kế hoạch hoàn hảo, phải không?
Pop Punk là clgt?
Tôi đã từng cười cười khi nghe tới khái niệm Pop Punk, và hẳn các bạn đọc EmoodziK đều biết quan điểm của bọn tôi về những mâu thuẫn muôn đời giữa Punk và Pop, a.k.a. “những Punk Rock bỗng trở nên popular lại bị chính những fan cuồng quay lưng”. Nhưng khi các bạn lớn hơn một chút và bỗng nhiên có con gái, con của bạn thích Avril Lavigne và hỏi đây là nhạc gì; hãy tin là mặt của tôi đã rất nghiêm nghị và hai chữ “pop punk” bật ra khô như tiếng gõ cowbell vậy.
Kể thì nghe cũng giống Blink 182, cám ơn Travis!
Nhưng hãy cám ơn Avril Lavigne khi đã truyền bá khái niệm này một cách hoàn hảo trong thời gian đầu thế kỷ 21, dù rằng ai là người nghĩ ra khái niệm này hãy còn gây ra nhiều tranh cãi. Tại sao ư? Đa số người nghe nhạc ở thời điểm đó đều chọn nhạc Pop, nhưng phần đông trong số họ cũng đã phát ngán phong trào boyband girlband rồi. Thế giới đầu thế kỷ 21 cần một thứ gì đó phá cách hơn, và hòa cùng với nhịp xuất hiện của những Blink-182 hay Sum 41, Avril Lavigne xuất hiện như một sự cân bằng cho một nửa của thế giới này, điều mà trước giờ chưa có nữ nghệ sĩ nào làm được. Chứ sao, Punk dường như không phải chỗ cho phái nữ, nhưng Pop Punk thì hoàn toàn ok nhá. Sự xuất hiện của Lavigne có lẽ đến ở một thời điểm không thể hợp lý hơn, khi thế giới đã bắt đầu ngán boyband girlband và quay sang đám Pop Punk nhìn sạch sẽ và biết chơi nhạc như Blink-182.
Avril Lavigne, khi đó mới 17 tuổi, đã phát hành một album có đầy đủ thứ âm nhạc Pop Punk đang thịnh hành của Blink-182 thời đó, kết hợp với sự giận dữ đã bị thất truyền từ thời Jagged Little Pill của Alanis Morissette. Cũng nhờ khả năng phát hiện tài năng của chuyên gia săn đầu người như L.A Reid đã giúp ông lần ra Avril Lavigne và sau màn thử giọng thuyết phục, Lavigne đã ký với hãng đĩa Arista lừng danh của Clive Davis. Nhân tiện thì Reid là người đã từng phát triển sự nghiệp cho những Kayne West, Rihanna, Justin Bieber, cũng như là đồng sáng lập hãng đĩa LaFace cùng Kenneth Edmond tự là Babyface, và giành giải Grammy khi viết ra ca khúc “End of The Road” cho Boyz II Men. Ai cũng nhướng mày khi ông ký Lavigne với hợp đồng hơn 1 triệu đô lúc đó. Nhưng dĩ nhiên hẳn là có 1 kế hoạch tuyệt hảo đúng không?
Ai chơi nhạc ở phía sau Lavigne?
L.A. Reid không ký hợp đồng triệu đô với Lavigne để trở thành một flop, chắc chắn như vậy. Đó là cả một kế hoạch thu lời dài hơi có sự sắp xếp chu đáo từ hãng đĩa. Tại sao ư? Chúng ta đã có quá đủ những ví dụ về sản phẩm của hãng đĩa được sản xuất kỹ lưỡng, được viết nhạc giùm, và thậm chí được kéo vào phòng thu hát qua autotune. Bao nhiêu người trong số đó có thể tồn tại và nổi tiếng trong suốt 20 năm? Cần một đội ngũ lớn những người chơi nhạc và nhà sản xuất để duy trì kế hoạch đó hơn là tài năng viết nhạc power ballad 4 gam của cô gái nhỏ. Ít nhất cho đến khi thế giới tìm ra được Taylor Swift hay Billie Eilish.
Bản thu đầu tiên được sản xuất kỹ lưỡng của album Let Go (2002) thực ra được ghép lại từ những miếng ghép tuyệt hảo với sự đạo diễn của Reid, từ âm nhạc có đủ thể loại từ nhanh đến chậm và các âm thanh hầm bà làng từ màn cọ đĩa trong "Losing Grip" cho tới tiếng piano lạ lẫm trong thứ nhạc được tuyên bố là Punk này. Và khi hướng đi Pop Punk bắt đầu gây được chú ý, đội ngũ của Avril lập tức nhân bản ra Under My Skin (2004) và The Best Damn Thing (2007), và quả thực, phần nhạc trong ba album đầu có lẽ là điểm nhấn đáng chú ý nhất đối với tôi trong nhạc của Avril Lavigne, khiến cho cô khác biệt hẳn với những "công chúa biết hát" thời đó như Britney Spears hay Christina Aguilera. Hãng đĩa Arista và RCA sau đó đã làm được một việc tuyệt vời là quy tụ được những tay chơi nhạc lừng danh tới thu âm cho cô gái vàng của chúng ta.
Hãy quên những cái tên mờ nhạt trong tour band của Avril Lavigne đi. Nếu để ý hơn, những người thu âm trong 3 album đầu tay của Avril Lavigne đều là những cái tên sừng sỏ. Đó là những Josh Freese xuất hiện dày đặc trong 3 album này, Kenny Aronoff, Travis Barker (Blink-182), Steve Jocz (Sum 41), Brooks Wackerman (sau chơi cho Avenged Sevenfold) trên giàn trống. Thậm chí ngay cả khi Avril Lavigne quyết tâm đòi lại vị trí công chúa Pop Punk của mình với album đầu tiên của thập niên mới, Love Sux (2022), cô cũng có Travis Barker lừng danh hộ tống ngay phía sau. Punk Pop, hay Pop Punk, dù có thích hay không thì dòng nhạc này vẫn luôn cần có tay chơi trống xịn. Hãy nhìn Blink-182, Green Day, Sum 41 so với phần còn lại ít nổi hơn. Good Charlotte đã từng phải nhờ đến Josh Freese (vẫn là Josh Freese thu nhạc cùng Lavigne đấy) thu nhạc. Offspring hay Paramore cũng phải nhờ đến Josh Freese. Travis Barker thì ai cũng biết rồi, còn Steve Jocz, ai cũng thấy phần nhạc của Sum 41 bỗng thiếu sức sống ra sao sau khi anh này rời nhóm sau album Screaming Bloody Murder (2011).
Không tin hãy nghe thử lại track “Losing My Grip” hay “Take Me Away” với phần rhythm đầy sáng tạo. Trong “Losing My Grip”, cách chơi power chords ở chỉ 3 hợp âm nhưng lại chia ra thành 3-2-3 trong 8 nhip của 1 bar (thay vì 2-2-2-2 hoặc 4-4 quen thuộc) đã khiến cho phần rhythm bài này bỗng có cảm giác như chơi nhịp lẻ thật đáng nhớ. Hoặc như cách dồn trống trong “Take Me Away” trước khi kết thúc đoạn điệp khúc. Lại nhắc tới Josh Freese!!!
Phần rhythm thú vị của "Losing Grip"
Không chỉ thế, ở phần guitar, ngoài rất nhiều track được đảm nhiệm bởi Derryck Whibley (Sum 41 và là chồng cũ của Lavigne), đâu đó còn điểm xuyết những cái tên session cộm cán như Phil X (sau đánh cho Bon Jovi) hay Tim Pierce.
Và điều khiến nhạc của Avril Lavigne mang nhiều chất nữ tính hơn và khác biệt hẳn so với những thứ Pop Punk ào ào của đám con trai ngu ngốc, có lẽ đến từ phần dây luôn xuất hiện thật đúng lúc. Không thể không nhắc tới David Campbell, người có lẽ đã hòa âm phối khí dàn dây cho cỡ vài trăm album hit, từ những Beyoncé hay Rihanna cho tới cả những Linkin Park hay Avenged Sevenfold. Sự hiện diện của David Campbell có lẽ càng trở nên quý giá hơn ở thập niên 2010s, khi Avril Lavigne bỗng trút bỏ bộ cánh punk của mình để hát những thứ gần với nhạc country hơn như trong Goodbye Lullaby (2011) mà vẫn ăn khách.
Nhưng khi Lavigne thật sự nghiêm túc để bỏ bộ sậu Pop Punk sôi động và muốn dấn sâu hơn trong việc làm nhạc của mình, ba album tiếp theo của Lavigne bỗng trở nên thật bình thường.
Khi không còn những tay chơi nhạc số má Kể ra cũng khó cho Avril Lavigne khi bước sang thập niên 2010. Khi em mới xuất hiện, bất cứ ai chơi nhạc đều trở thành cool. Tôi nhớ anh em nhà Moffatts, và cả nhóm Backstreet Boys đã phải cố gắng trình diễn khả năng chơi nhạc của mình thế nào. Nhưng khi bước sang thập niên mới, những nghệ sĩ mới như Katy Perry hay Taylor Swift đều xuất hiện từ những cô gái ôm đàn. Lavigne dường như không còn cách nào khác để làm mới mình nên dường như đã chọn cách quay về nguồn gốc và sở trường của mình.
Một sản phẩm với sự đóng góp của David Campbell
Avril Lavigne rõ ràng đã chọn cho mình con đường hát nhạc country từ khi còn nhỏ. Những kẻ đầu có sạn như L.A Reid chắn hẳn sẽ không ký hợp đồng triệu đô với một người tự nhiên bước ra từ phòng trà ở Toronto, hay một nghệ sĩ vừa chiến thắng trong cuộc thi âm nhạc như The Voice. Khi 14 tuổi, Avril Lavigne đã chiến thắng trong cuộc thi hát trên radio và phần thưởng là được hát cùng thần tượng của mình, Shania Twain trước 20 ngàn khán giả. Ước mong mãnh liệt trở thành ca sĩ nổi tiếng và khả năng viết nhạc bắt tai của cô gái này hẳn là chuyện không phải bàn. Để so sánh, lúc 14 tuổi, tôi vẫn còn đang quỳ gối trước cô bạn ở trung học và dâng lên tấm vé đi xem nhạc Rock, và phải một năm sau thì tôi mới thuộc được hết các gam của “I Miss You Like Crazy” của The Moffatts.
Avril Lavigne được biết rõ mình cần làm gì để trở thành ca sĩ nổi tiếng, và cô đã khéo léo mặc ra ngoài chiếc áo nhạc Country của mình thứ âm nhạc đầy phơ tè và tiếng trống rộn rã mang cái tên Pop Punk. Hãy thử lấy chiếc áo đó ra nhé, nếu như bỏ “Sk8ter Boi” trong Let Go, “Take Me Away” và “My Happy Ending” trong Under My Skin, “Girlfriend” trong The Best Damn Thing, các album đó sẽ giống một album Country Pop/Rock hơn cả. Cách làm này dường như không quá lạ lẫm khi ngoài kia không hề thiếu những thành công tương tự từ Taylor Swift, ca sĩ nhạc country chỉ cần 1 album khác lạ đã tự biến hình thành rock star, hay Miley Cyrus, ca sĩ nhí hát nhạc country trở thành rocker khi chỉ cần thay đội ngũ trong phòng thu. Avril Lavigne thậm chí thừa ca khúc đến mức bán lại cả ca khúc hit “Break away” cho Kelly Clarkson – một ca khúc nhạc country không thể chối cãi. Không thể phủ nhận khả năng viết nhạc với giai điệu catchy dựa trên đàn guitar của Lavigne, nhưng lối viết nhạc dựa trên vòng hòa âm đơn giản thường chỉ 4 gam đã khiến nhạc của Lavigne trở nên dễ đoán, và nếu chỉ vận dụng cách hát để tạo ra khác biệt, kiểu như tái hiện lại sự giận dữ như Alanis Morissette hay mô phỏng cách hát nấc lên như Dolores O’Riordan của The Cranberries trong một số bài, có lẽ chỉ đủ để đưa Lavigne đi một đoạn đường không quá xa. Có lẽ khi chọn chơi acoustic và ít nhạc cụ, chất giọng một màu của Avril Lavigne mới dễ lộ diện từ những nguồn cảm hứng làm sao.
Những bài country rock thế này không hiếm
Thế nên dù Avril Lavigne đã rất cố gắng, từ việc mời những nhà sản xuất lừng danh như Max Martin hay Rob Cavallo, kể cả việc thay đổi hình ảnh của mình qua các album kể cả việc làm bìa album "thiếu vải". Tôi bỗng nhớ những cú dồn trống như trong "Sk8ter boi" và những video clip em trượt skate thật cool.
Cho đến thuyết âm mưu mang tên Melisa Vandella
Phàm là người nổi tiếng, không thể không thiếu những scandal để họ nổi tiếng hơn và chắc chẳng ai từ chối một câu chuyện scandal vô hại. Thuyết âm mưu về Melissa Vandella chắc chắn là một trong những scandal dạng như vậy khi nó giúp Avril Lavigne gây nốt sự tò mò với đám thanh niên rảnh rỗi ưa đi tìm sự giật gân. Và trong lúc sự thật về cái chết của Avril Lavigne từ năm 2003 và cô gái tội nghiệp tên Melissa Vandella bỗng dưng phải đóng thế người nổi tiếng còn đang chờ được kiểm chứng, các thiếu nữ trung học sẽ vẫn tiếp tục mua đĩa của "Melissa" và tôi sẽ vẫn ngồi chờ ngày người phát hiện ra Melissa dựng lên được clone khác cho Chester Bennington và Chris Cornell yêu quý.
Sức ảnh hưởng là có thật
Tôi sẽ không lấy đi bất cứ thứ gì từ Avril Lavigne, vì dù thích hay không, những thứ âm nhạc trong 3 album đầu của em cũng ít nhiều có phần trong đời sống âm nhạc của tôi lúc trước. Chưa kể, đâu đó giữa những cô bạn thời trung học của tôi, hóa ra phần đông vẫn luôn là những cô gái sắp lớn đôi lúc muốn văng tục chửi thề, nhuộm món tóc có màu sặc sỡ hay lấy hết can đảm để có một hình xăm nhỏ xíu mà nào dám về xin mẹ của họ. Có khi họ vẫn thế đến tận bây giờ. Nếu như đám con trai ngông nghênh đã có Heavy Metal và những trò ngu ngốc với chiếc xe máy, thì đám con gái hóa ra cũng cần có những thứ như nhạc của Avril Lavigne. Chí ít thì âm nhạc của Lavigne đã làm cho khối cô gái trẻ cầm đàn guitar và hát. Còn tôi tập theo Lavigne cũng giúp có cơ hội đến gần các cô gái hồi đó hơn.
Travis Barker vẫn là điểm sáng hiếm hoi của Love Sux
Tôi cũng sẽ thú nhận luôn khi Lavigne trở lại với Love Sux (2022) ở đầu thập niên mới cùng Travis Barker, tôi đã kỳ vọng sẽ có nhiều thứ hơn thế. Một vòng hòa âm phức tạp hơn, hay những lời hát khá khẩm hơn đoạn điệp khúc "don't call me baby". Cùng một lý do với những nữ hiệp ôm đàn khác, tôi không muốn đám trẻ bỗng trở nên thích thú với sự quen thuộc trong âm nhạc, dù rằng, nó giúp mấy cô này bán được quá trời đĩa.
Hoặc có thể, tôi thuộc về một thế hệ cần phải học cách tuân theo sự quen thuộc.
Hẹn gặp lại!
Kink
Comments