top of page

Bruce Dickinson: có cả một bầu trời bên ngoài Iron Maiden

Tự nhận là fan cứng của Iron Maiden từ hồi mới nghe nhạc Rock, tôi đâm ra hay theo dõi ca sĩ Bruce Dickinson như một thói quen, giống như cách tôi tìm nghe nhạc của Michael Kiske thời hậu Helloween vậy. Và có lẽ có nhiều người cũng như tôi cảm thấy thất vọng nhường nào với Maiden sau khi nghe album The X Factor (1995), khi Bruce Dickinson đã rời nhóm (cộng thêm vào sự thất vọng từ trước đó khi tay guitar Adrian Smith ra đi). Tôi không nghe Iron Maiden nữa cho đến tận khi họ ra đĩa The Final Frontier năm 2010.

Cơ trưởng Dickinson (ảnh từ Flickr)

Trong 15 năm không Maiden với tôi, cuộc phiêu lưu của Bruce Dickinson lại càng in dấu trong suy nghĩ của gã mới lớn. Còn gì cool hơn khi chứng kiến ca sĩ lừng danh của Maiden dứt bỏ vinh quang để quay ra làm những thứ khác: đại diện nước Anh đi thi đấu giải vô địch thế giới đấu kiếm, trở thành cơ trưởng Boeing, dẫn radioshow về nhạc Rock hàng tuần, sản xuất dòng beer cho riêng mình, và bên cạnh tất cả những thứ đó, vẫn kịp ra đến 5 album solo. Đỉnh cao của "chuyến bỏ nhà đi bụi" có lẽ là album hay nhất của anh, Chemical Wedding năm 1998.


Bruce Dickinson cũng thừa nhận việc rời bỏ thành công của Maiden tự nhiên đem đến cho anh những cuộc phiêu lưu mới, những thứ anh không bao giờ nghĩ tới nếu cứ ngồi ủ chân trong bốn bức tường vinh quang của Maiden.


Mọi chuyện nhen nhóm từ tầm năm 1989, nghĩa là sau 7 năm cùng Iron Maiden chinh chiến với những thành công liên tiếp thành công, Bruce Dickinson trong lúc rảnh rỗi mới kích hoạt điều khoản hợp đồng với hãng đĩa, cho phép anh có quyền thu một album solo, và kết quả là đĩa Tattooed Millionaire (1989). Một người bạn giới thiệu anh với tay guitar Janick Gers để viết nhạc cùng cho album này, người lúc đó đang bất đắc chí vì sự nghiệp âm nhạc, định bán hết cả đàn phơ để vào trường học tấm bằng cử nhân, ngõ hầu trở thành giảng viên môn Luật. Bruce đề nghị mua lại hết đàn phơ của Jan, với điều kiện anh phải viết và thu nhạc với Bruce, và đương nhiên Jan được quyền “mượn” đồ về chơi khi cần.


Sau sự ra đi không ngờ tới của Adrian Smith sau đĩa 7th Son of a 7th son (có lẽ không ngờ với cả Adrian), Janick Gers được Bruce giới thiệu vào Maiden, và Jan lập tức tỏa sáng. Chỉ có điều, cánh cửa mở ra với người này lại đóng lại với người khác - Bruce Dickinson tự nhiên mất người viết nhạc cùng. Anh nhận ra hóa ra anh chả quen nghệ sĩ nào nữa ở bên ngoài thế giới của Maiden. Chưa kể, cố thủ sau bức tường thành kiên cố của những thành công của Maiden suốt 10 năm, thậm chí anh cũng không biết gì nhiều về thế giới ngoài kia, không chỉ là về âm nhạc. Những hành trình lưu diễn liên tiếp đến các miền đất trên thế giới, hóa ra chỉ gói tròn trong khách sạn, xe bus lưu diễn, sân khấu, và các buổi tiệc. Không hơn!


Thế rồi trong một lần rảnh rỗi lúc đang lưu diễn ở Orlando, Mỹ, Bruce chạy đi ngồi thử tour lái máy bay cá nhân , và kết quả là lần đăng ký đi học lái máy bay ngay sau đấy. Thời gian bay lượn vô tình giúp Bruce tách ra khỏi cái guồng của cỗ máy Maiden: anh chợt tìm thấy thêm những sứ mệnh ngoài âm nhạc cần chinh phục. Không mất quá nhiều thời gian để Bruce trở thành phi công, rồi cơ trưởng của Boeing 757, 747, 737, v.v. Chưa cần nghĩ đến việc tiếp tục với âm nhạc như là nghệ sĩ solo "hậu" , ngay lúc này, phi công Bruce Dickinson đã sẵn sàng cho cuộc sống không Maiden. "Bầu trời" giờ đây trở thành giới hạn mới của Bruce.


Tình cờ cái, thời gian lêu hêu ở Los Angles giúp Bruce Dickinson quen được với Roy Z và nhóm The Tribe, lúc đó là nhóm jam nhạc và biểu diễn gồm toàn mấy tay đầu gấu anh chị gốc Mỹ La tinh (tay chơi conga thậm chí ở tù ra). Tự nhận thấy mình cũng trên răng dưới các tút như mấy anh em kiếm tiền bằng đánh quán kia (dù thực ra chả có tí ti ông cụ gì tương đồng giữa anh em băng đảng Mỹ la tinh và ông ca sĩ trắng trẻo đến từ London), cộng với việc đánh giá cao tài năng của The Tribe, Bruce đề nghị Roy Z tham gia viết nhạc cùng, làm mấy tay giang hồ vốn fan của Maiden sướng phát điên xả súng tùm lum (trừ việc họ không có súng). Duy có một điều mà mấy gã không ngờ, thực ra chính Bruce Dickinson mới là người đang phát điên vì bắt đầu được thả sức làm âm nhạc của riêng mình. Ball To Picasso phát hành năm 1994 với nguyên băng The Tribe lo phần nhạc cho Bruce Dickinson.

Adrian Smith, Bruce D. va The Tribe: Eddie Casillias, Roy Z., David Ingraham

Cuối năm đó, Bruce Dickinson còn điên rồ lao vào giữa lửa đạn của chiến tranh Balkan, ngay giữa lòng Sarajevo để biểu diễn cho lính và dân quân, bất chấp việc UN không thể thực hiện lời hứa bảo vệ anh và bỏ rơi anh ngay tại sân bay. Trước đó, Metallica và những tên tuổi lớn khác cũng từ chối tham gia show này.


Chuyến đi bão táp tới Sarajevo không ngờ đem lại cho Bruce nhiều băn khoăn về cuộc sống và sự tồn vong. Anh như càng sống gấp hơn và âm nhạc như là một đầu ra giải tỏa cho những băn khoăn ấy. Ngay ở cuối thời thịnh của nhạc Grunge, không ngạc nhiên khi đĩa Skunkworld (1996) có quá nhiều ảnh hưởng từ phong trào nhạc đến từ Seattle đó, và đúng là Bruce sáng tác với rất nhiều âm thanh của SoundgardenRage Against The Machine trong đầu.


Có điều, các fan của Maiden sau Skunkworld giờ càng thù ghét sự tự do bay nhảy của anh, nhất là khi kẻ đóng thế tôi nghiệp Blaze Bailey trong Iron Maiden diễn không được như kịch bản. Accident of Birth (1997) ngay sau đó và ca khúc hit “Man of Sorrow” là sự quay đầu kịp thời về với âm hưởng Rock n Roll truyền thống. Nó giúp Bruce nhận ra anh không thể đi quá xa so với bản ngã của mình, và đồng thời chinh phục lai sự yêu mến của các fan.


Sự đón nhận không ngờ tới của khán giả với ”Accident” cũng là thứ khiến Bruce nhận ra công thức chiến thắng cho âm nhạc của riêng mình: đó là nhạc Rock n Roll thuần túy kết hợp với sự tinh tế trong ngôn từ của lời hát. Chưa kể, âm thanh của mấy nghệ sĩ Mỹ la tinh tài năng nhưng ít danh tiếng kia, bỗng mang đến một gia vị lạ lùng khiến món ăn Rock n Roll bỗng trở nên tân thời.


Các chuối sự kiện ở trên dần chắp nối và dẫn dắt Bruce đến album hay nhất của anh, Chemical Wedding (1998). Cái tên của album được Bruce chôm từ ý tưởng anh và ông bạn nhà sản xuất phim Julian Doye bàn thảo cho bộ phim về Aleister Crowley (hai người đều muốn làm một bộ phim kinh phí thấp về Mr. Crowley). Ý tưởng của Bruce là làm bộ phim về Alister Crowley sống lại ở thời hiện tại nhờ nhập vào một nhà khoa học bị "tẩu hỏa nhập ma" lúc nghịch hóa chất.


Chả liên quan lắm đến phim, Bruce cứ lấy Chemical Wedding là tên của album tiếp theo, và lần này, anh huy động sức nặng trong phần nhạc từ hai tay guitar Roy Z và ông bạn cũ Adrian Smith. Ý tưởng của album hoàn toàn được lấy cảm hứng từ các tác phẩm của William Blake, một nhà thơ kiêm họa sĩ người Anh rất nổi tiếng cuối thế kỉ 18, đầu 19, và ông cũng từng kinh qua nghịch hóa chất. Chả gì thì Newton cũng đã từng là nhà Giả Kim học (có người còn đồn là nhờ quả táo thì Newton mới che giấu dược quá khứ pháp sư). Chất liệu tuyệt vời cho một album mang chủ đề về các pháp sư và thuật giả kim huyền bí.


Bài đầu tiên “King In Crimson” lập tức gây ấn tượng với sức mạnh đáng ngại trong âm nhạc kết hợp giữa Bruce, Roy Z và Adrian Smith. Lối đánh guitar phối hợp giữa hai cây guitar phong cách hoàn toàn khác nhau không ngờ lại là sự pha trộn "hóa chất" tuyệt vời để cho ra một sản phẩm vừa nặng, vừa mạnh mẽ mà đầy giai điệu. Và giọng Bruce thì vút lên mạnh mẽ "Arise, awake, the King in crimson comes"...


Thành công của những hit chủ đề như "Chemical Wedding", "The alchemist" như càng củng cố vững chắc cho sứ mệnh mà Bruce mơ hồ theo đuổi lâu nay: âm nhạc của anh ở bên ngoài Maiden đã tự tìm được chỗ đứng vững chắc. Anh đã không thế biết nhiều về âm nhạc, sáng tác, sản xuất, và viết lời nhiều đến thế nếu như anh vẫn tiếp tục ở lại Maiden.


Và rồi những gì các Maiden fan muốn đã đến, Bruce đồng ý tái hợp, nhưng với điều kiện là cả Adrian Smith cũng phải quay lại. Tưởng gì, quá ngon cho các fan của Maiden, nay được nhập thêm cả các fan riêng của Bruce. Steve Harris đương nhiên đồng ý trước điều kiện mà cả thế giới đều có lợi (thật ra gã manh nha muốn chơi 3 guitar từ lâu rồi). Với lại, ai mà không nhớ hai tay này chứ.


Iron Maiden sẽ vẫn luôn là một thành trì không thể sụp đổ. Những người không nghe nhạc của Iron Maiden sẽ không bao giờ hiểu sứ mệnh của họ: nhac của Iron Maiden đề cao giá trị của lòng tự tôn và bản ngã đã đi sâu vào tận đáy lòng của hàng triệu người trong suốt hơn 30 năm. Với các fan gạo cội trông chờ Bruce lâu nay, đó là sự tiếp nối của những thành công mà Iron Maiden của Blaze Bailey không có. Nhưng với Bruce Dickinson, người luôn chiến đấu vì những sứ mệnh cuộc đời, quay trở lại Maiden năm 1999 còn là để tạo ra thêm một thế hệ fan mới. Những người nghe Maiden của thập niên 80s đều đã trưởng thành, và họ cần một hế hệ tiếp nối để giữ lửa.


Âm nhạc của Maiden từ 2000s dù nhận nhiều ý kiến trái chiều, không thể phủ nhận họ đang cống hiến năng lượng còn lại cho những đứa trẻ được sinh ra ở thế kỷ 21. Họ không tiếc công đi lưu diễn nhiều hơn, xa hơn, chịu khó biểu diễn live nguyên cả album mới cho các fan trẻ. Bruce tự mua chiếc Boeing riêng và độ nó thành máy bay lưu diễn (Ed Force One) để có thể đến những nơi hàng không thương mại không đến được. Họ là những người tiên phong chấp nhận phát hành nhạc online, thay vì dè bỉu và cho rằng đó là ăn cắp trí tuệ. Họ đã đào tạo thêm những Maiden fan thế hệ mới, những người sẽ còn ngồi trên trái đất này thêm 50 năm nữa. Có lẽ tầm nhìn là thứ khiến cho Iron Maiden trở nên vĩ đại đến vậy.


***

“Dude, you’ve got to go back. The world needs Iron Maiden” – tay bass Eddie Casilas nói với Bruce khi anh hỏi The Tribe rằng có nên quay lại Maiden không.


Chấp thuận đề nghị của Bruce Dickinson cũng có nghĩa là sẽ không còn thời gian anh giành cho The Tribe bởi guồng máy vắt sức mang tên Maiden. Đó cũng có nghĩa là bớt đi nồi cơm và lấy đi niềm vui kiêu hãnh của hội này, nhất là với những gì họ làm được trong suốt gần chục năm chinh chiến cùng nhau. Tôi nghĩ đó là một câu trả lời bộc trực nhưng phi thường, nhất là khi đem đặt lên bàn cân giữa niềm vui của một nghệ sĩ ít danh tiếng và hàng triệu fan trên thế giới.


Có lẽ bất cứ cuộc phiêu lưu nào cũng tạo ra một khoảng lặng phía sau người vừa rời đi. Mỗi sự thay đổi và mỗi cuộc phiêu lưu mới lại tạo ra thêm một khoảng lặng mới. Cái là, có người chọn ngồi nhìn các khoảng lặng ngày một dài ra. Còn kẻ chọn tiếp tục phiêu lưu, thì có khi cái đầu còn không kip có thời gian ngoảnh lại.


Nói vuốt đuôi thế thôi, chứ ai biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu như hồi đó anh ca sĩ nọ không đột nhiên muốn tập bay và phát hiện ra có cả một bầu trời trên kia?


Hẹn gặp lại.


Kcid

471 views

Recent Posts

See All
bottom of page