top of page

Franz Ferdinand làm nhạc cho chị em nhảy



Khi xem clip biểu diễn bài “Take Me Out” ở đại nhạc hội T in the Park của ban nhạc Franz Ferdinand, một không khí đầy năng lượng của đám đông khán giả như đang đợi để chuẩn bị bùng lên. Alex Kapranos (ca sĩ chính kiêm guitar và keyboard) đưa tay quạt chả liên tục. Paul Thomson (trống, bộ gõ và hát phụ) đang gõ cymbal lạch cạch để vào nhạc.



Lúc Alex hát là lúc Nick McCarthy (rhythm guitar kiêm keyboard và hát phụ) cũng bồi thêm tiếng guitar cùng với phần bass của Bob Hardy. Tiếng đàn quạt chả ở tempo nhanh vừa đủ và tiếng hát đầy giai điệu của Alex. Có điều tiếng trống của Paul đã nện ngay lối nhịp “four on the floor” với cú kick drum đều đặn ở mỗi nhịp, một nền tảng bất tử của dòng nhạc Disco. Qua tầm 1 phút, tempo bài bắt đầu chậm lại. Vẫn là “four on the floor”, cả ban nhạc bật người nhảy theo từng nhịp mà cú kick drum đập.

1..2..3..4..1..2..3..4

Cả đám khán giả cũng nhảy cùng nhịp như vậy đồng thời đồng thanh “eh eh eh eh eh eh eh eh

Bài hát chuyển sang khúc chính. Vẫn “four on the floor” ở tốc độ trung bình để cả sân khấu, ở trên và dưới có thể nhảy theo nhịp điệu. Alex và Nick, một kẻ đánh quạt chả tiếng ngắt quãng, một kẻ đánh câu riff kinh điển cực bắt tai. Ở dưới đám khán giả hát theo chính giai điệu câu riff đó. Cả không khí hết sức sôi động, dựng hết tóc gáy.


Không cần ai bảo ai, cả ban nhạc đều biết đó là buổi diễn thành công khi cả đám khán giả có thể ngân nga theo câu riff đàn, điều không phải lúc nào cũng tìm được ở một buổi diễn.


Sự chuyển nhạc như 2 bài khác nhau ở khoảnh khắc trong bài “Take Me Out” đó đến giờ vẫn là khúc nhạc đáng nhớ và không bao giờ nhàm tai kể cả nếu nghe nhiều. Và như nhạc Disco, bài hát không cần gì nhiều ngoài một câu nhạc thật lôi cuốn, kể cả phải chơi đi chơi lại.


Đó cũng là nhờ hai yếu tố chính trong nhạc Franz Ferdinand: nhịp điệu rộn ràng giai điệu phải cực bắt tai.


Cái tên Franz Ferdinand lấy cảm hứng từ thái tử của nước Áo. Vụ ám sát của ông vào năm 1914 là khởi nguồn cho Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Các thành viên của ban nhạc vì thế lập nhóm với hy vọng tạo sự tác động chuyển đổi cho âm nhạc. Ước mơ ban đầu lớn lao là vậy, sau dần họ cũng đi theo đúng tiêu chỉ “làm ra nhạc Rock mà đến cả chị em gái cũng phải nhảy”.



Nghĩ là làm, Franz Ferdinand đi theo phong cách nhạc Indie Rock, Dance Rock, và Post Punk Revival. Ở thời điểm ban đầu khi đi tìm chốn nương tựa ở một hãng ghi âm, họ chọn Domino – một hãng đĩa độc lập ở London. Đó là một lựa chọn liều lĩnh bởi Domino lúc bấy giờ chưa có thành công nào đáng kể về mặt thương mại, nhưng ông chủ của nó, Laurence Bell là người am hiểu ngành âm nhạc, có cái tai nhạy bén về nghệ thuật và quan trọng hơn cả, ông luôn đặt mình vào vị trí của người nghệ sĩ, cho phép họ được tự do toàn quyền với sản phẩm nghệ thuật của chính họ. Laurence có niềm tin mãnh liệt vào nhạc của Franz Ferdinand, đến nỗi ông thế chấp cả căn nhà để đầu tư đặt cược cho sự thành công của họ. Vì sự đồng cảm và quyền tự do toàn phần trong sáng tạo âm nhạc, Alex Kapranos và đồng bọn cũng quyết định lựa chọn Laurence và hãng Domino.


Đó là một bước đi đúng đắn với cả ban nhạc lẫn hãng đĩa. Nhờ hợp tác bình đẳng đôi bên đó, Domino giờ đã trở thành hãng ghi âm độc lập lớn nhất. Thành công thương mại bắt đầu từ Franz Ferdinand và không lâu sau đó là Arctic Monkeys và nhiều nghệ sĩ theo dòng indie khác. Về phía Franz Ferdinand, nhờ mối quan hệ tốt của Laurence Bell trong giới, sự thay đổi trong ngành âm nhạc khi các ứng dụng nghe nhạc kỹ thuật số lên ngôi, cho phép việc phân phối nhạc của các nghệ sĩ trẻ và đi theo dòng nhạc lạ dễ tiếp cận người nghe hơn, ban nhạc tìm được vinh quang ngay từ album đầu tiên và chẳng mấy chốc, họ đã có số lượng fan đông đảo trên khắp thế giới, một kết quả mà các thành viên trong ban nhạc chưa bao giờ dám nghĩ tới.


Khi nghe album đầu tiên cùng tên – Franz Ferdinand (2004), một thứ nhạc Rock có âm thanh hơi rè và sạn nổi lên, gợi nhớ tới đĩa Is This It của The Strokes cực kỳ thành công trước đó mấy năm. Album đầu này của Franz Ferdinand vì thế cũng thuộc bộ các album của nhóm nặng về Rock. Tuy nhiên, kể cả ở những bài Rock hơi nặng hơn thì nhịp điệu gây kích thích đôi chân nhún nhảy vẫn là cốt lõi và khác biệt của nhạc Franz Ferdinand bấy giờ.



Không có giai điệu Pop hẳn lôi cuốn như “Take Me Out”, bài “The Dark Of The Matinée” bù lại bằng nhịp điệu Dance được tạo bởi tiếng trống của Paul Thomson và tiếng bass của Bob Hardy, trở thành âm thanh Dance Rock đặc trưng cực dễ nhận của Franz Ferdinand.


Ngoài việc dùng guitar, ban nhạc còn đưa tiếng keyboard vào làm chủ đạo trong bài “Auf Achse” để tạo câu giai điệu chủ đạo cho bài làm nền. Tiếng trống vì thế được làm nhẹ đi, để cho Bob gảy bass bập bùng, tạo không khí nhạc Disco điện tử, đánh dấu sự chuyển hướng trong tương lai của ban nhạc.


Ở album thứ hai, You Could Have It So Much Better (2005), kể cả khi họ chơi thứ Rock nặng hơn chút, Franz Ferdinand vẫn sáng tác ra cái giai điệu tạo dấu ấn trong “Do You Want To”, tiếng riff chậm ở điệp khúc bài “This Boy”, phần trống mạnh mẽ tốc độ nhanh với những cú fill dứt khoát ở “Evil And A Heathen”.



Tuy vậy, thứ nhạc nhảy nhót của ban nhạc được tôn lên rõ nhất phải là ở album Tonight: Franz Ferdinand (2009). Dù là tiếng guitar rè của Rock được tinh giảm để tôn âm thanh Pop lên, cả Paul và Bob vẫn tạo được phần nhịp điệu đảo nhịp kích thích hơn và cách sử dụng đàn keyboard của Nick vẫn sáng tạo để đưa album này vào bộ 3 album huyền thoại của Franz Ferdinand.


Sau này, cả khi nhóm trở về âm thanh Rock hơn chút với Right Thoughts, Right Words, Right Action (2013) và chuyển sang âm thanh phần lớn điện tử với Always Ascending (2018), họ dường như mất đi âm thanh đầy kích thích ban đầu. Có lẽ một phần do tay guitar kiêm keyboard Nick McCarthy dời khỏi nhóm. Nick có công lớn trong đóng góp âm sắc nền đặc trưng cho Franz Ferdinand kể cả khi trên tay anh là cây đàn guitar hay chiếc keyboard.

Dẫu cho Franz Ferdinand đi theo hướng nhạc Dance Rock với tiêu chí nghe tưởng thương mại để “làm các cô gái phải nhún nhảy”, thực tế nhạc họ chơi cực kỳ phong cách, thứ làm nên nghệ thuật đích thực cho Franz Ferdinand.


Quay lại bài “Take Me Out”, ban nhạc có kiểu đổi nhịp điệu và tốc độ trong cùng một bài, một cách khiến nhạc của họ không bị đi theo lối mòn trong phần nhạc nền có tính lặp lại của Disco, mà giữ được tính chất phức tạp hơn theo lối nhạc Rock. Ở bài “Jacqueline” mở đầu album đầu tay, ban nhạc cũng có kiểu intro vào đầu bài nhẹ nhàng chậm rãi trước khi các âm thanh nhún nhảy đổ vào. Bài “The Dark Of The Matinée” còn có cấu trúc bài thay đổi liên tục, intro mạnh mẽ - đoạn verse nhẹ nhàng – đoạn bridge được đẩy dần cao trào – điệp khúc rộn ràng. Không dừng đó, ở phía cuối bài, cả ban nhạc còn giảm tốc độ chậm hẳn lại trước khi quay lại âm thanh vui nhộn.


Phong cách nghệ thuật của nhóm ngoài việc thay đổi về nhịp điệu và tốc độ, nó còn là cách chơi nhạc được thay đổi liên tục của từng thành viên trong cùng một bài, các câu riff rất hay và tạo màu sắc đa dạng hiệu quả cho Franz Ferdinand. Màu sắc này còn được biến đổi qua lối sử dụng vòng hòa âm và đổi tông giọng liên tục. Trong bài “Walk Away”, tông bài chuyển liên tục giữa những khúc intro, verse với điệp khúc. Giai điệu catchy và nhịp điệu nhún nhảy nếu làm không khéo sẽ gây nhàm tai, do đó Alex luôn đưa những hợp âm lạ vào, nếu không phải biến đổi liên tục như “Walk Away” thì cũng phải ở đâu đó trong đoạn bridge trong “Evil And A Heathen”. Cách làm nhạc phiêu như vậy vẫn được Franz Ferdinand tiếp tục khai thác cả trong album gần đây Always Ascending khi họ luôn đi theo hướng ngày một tránh xa hợp âm gốc (giọng chính của bài), tạo cảm giác ngày một “bay bổng lên cao” như tên của đĩa.


Nhạc của nhóm còn thú vị ở chỗ họ xen kẽ những bài khác “bọt” đi chút so với cả đĩa. Như trong album nặng về Rock hơn ở đĩa đầu, họ phải có bản âm nhạc Dance điện tử của “Auf Achse”. Trong đĩa You Could Have It So Much Better cũng nặng về Rock, họ phải có “Eleanor Put Your Boots On” nhẹ nhàng trên nền piano và giai điệu hát như một bài nhạc do The Beatles sáng tác vậy.



Điều cuối cùng mà quan trọng không kém chính là giọng hát và lời ca đa nghĩa của Alex Kapranos - thủ lĩnh của nhóm. Anh có kiểu hát trầm ấm truyền cảm ở những khúc lặng đối lập với cách hát chảnh đúng chất nhạc Rock hiện đại đến từ UK. Phần lời được Alex viết đa nghĩa. Dù trên nền nhạc Dance tưởng là vô thưởng vô phạt, Alex vẫn mượn hình ảnh “giệt hạ bằng phát súng” để nói về mối quan hệ nam nữ ở bài “Take Me Out” nghe vui nhộn đó, hay trên nền “whoo hoo” đơn giản của phần điệp khúc bài “The Fallen”, đầy rẫy các hình ảnh liên tưởng đến tôn giáo như chúa Jesus để tả về những kẻ mượn tôn giáo để bào chữa cho những điều xấu, rồi kể cả lời hát “la la la” trong bài “Ulysses”, Alex mượn một nhân vật ảo tưởng để kể tới chuyến phiêu bồng ảo giác không rõ hồi kết.


Nhìn đi nhìn lại, nhạc nhảy của Franz Ferdinand chả đơn giản tẹo nào. Mục tiêu các anh nghe chừng đơn giản nhưng khi thực hiện, đầu óc các anh vẫn phức tạp lắm. Vừa nhảy vừa vận động não bộ. Có thế Franz Ferdinand mới khiến cả đàn bà và đàn ông ở các lục địa khác nhau đều phải nhảy theo những giai điệu khó cưỡng và tối về thấm nhuần thứ âm nhạc bác học. 


Hẹn gặp lại!

Kink

331 views

Recent Posts

See All
bottom of page