top of page

Tản mạn (ep. 18): Wrecking Crew và bí mật vĩ đại trong lịch sử âm nhạc

Updated: Mar 17

Bạn đã từng nghe nói về băng Wrecking Crew? Thành viên của băng này thực ra không có nhận diện gì đặc biệt với người thường. Họ cũng chẳng có thẻ thành viên, không có họp hội hay điểm danh. Tất cả chỉ đơn giản là tui biết tài nghệ của anh thì tui gọi anh, anh thâu nhạc, và nhận tiền. Trên tất cả, đó là sự tôn trọng và tin tưởng gần như là tuyệt đối và cả sự “kín tiếng” khi tên tuổi của những nghệ sĩ tài danh này không nhất thiết cần phải xuất hiện trên bìa đĩa, kể cả khi đó là những ca khúc bán được cả triệu bản.


Có lẽ cũng giống như những ngành công nghiệp khác, những người chịu trách nhiệm sản phẩm đều luôn cần tới những kẻ họ tin cậy để đảm bảo chất lượng đầu ra, mặc dù ai cũng biết số lượng các nghệ sĩ trong ngành công nghiệp âm nhạc nhiều tới mức nào. Những cái tên như Hal Blaine chơi trống, Glen Campbell chơi guitar, hay Carol Kaye chơi bass trong thập niên 60s và nửa đầu thập niên 70s chính là những cột trụ không thể thiếu của The Wrecking Crew, những người đứng sau thành công của vô số những bản hit thời đó tới mức mà việc tìm ra một bản hit không có tên của một trong mấy người này có lẽ còn khó hơn cả lên trời.


1. Larry Knechtel


Tất cả bắt nguồn từ khi tác giả của cuốn sách The Wrecking Crew: The Inside Story of Rock and Roll’s Best Kept Secret, nhà báo Kent Hartman, hé lộ những bí mật không nhiều người bên ngoài giới thu âm từng biết tới về một nhóm nghệ sĩ tự xưng là “Wrecking Crew”. Hóa ra chuyện cũng bắt đầu thật tình cờ từ khi Hartman có dịp bắt chuyện với Larry Knechtel, lúc ấy thường được biết tới là thành viên của ban nhạc Bread (khán giả Việt Nam hầu như ai cũng biết tới bài “If” của band này), nhưng hóa ra có bề dày thu nhạc session cho đủ loại band ở thập niên 60s với tài năng chơi được rất nhiều nhạc cụ từ guitar, bass, keyboard, và cả percussion.


Đây nhé, Larry từng chơi hammond organ trong “Good Vibrations” của Beach Boys, keyboard trong "California Dreamin" của The Mamas & the Papas, hay chơi bass trong “Light My Fire” của The Doors – là những ca khúc điển hình mà ít người ngờ có liên quan tới cái tên Larry Knechtel. Larry tình cờ hé lộ với Hartman rằng ông đã từng tham gia vào một băng có rất nhiều nghệ sĩ tài giỏi (mà giờ mọi người biết tới dưới cái tên The Wrecking Crew), những người đứng đằng sau thành công của các bản hit được phát hành từ Los Angeles trong suốt thập niên 60s và đầu thập niên 70s. Đặc biệt, hội Wrecking Crew còn là nơi những cái tên lừng danh như nhà sản xuất Phil Spector hay nhóm Beach Boys thường xuyên tìm tới. Xin được chú thích là ở thời kỳ thập niên 60s, việc ghi tên các nghệ sĩ chơi nhạc lên credit hãy còn là điều chưa bắt buộc, và vì trình độ hãy còn chưa đồng đều của các nghệ sĩ thời đó cũng như đòi hỏi vắt kiệt sức của việc phải ra đĩa liên tục và biểu diễn; việc có những kẻ chơi nhạc chắc chắn và ít tốn tiền thuê phòng thu hơn hẳn là một lựa chọn không phải suy nghĩ để duy trì việc ra đĩa đều đặn giữa các ban nhạc như vậy.


Larry Knechtel cũng là người nghĩ ra câu riff đặc trưng mở đầu trong bài “Mrs. Robinson” của Simon & Garfunkel, và sau cũng chính là người chơi những câu piano đầy cảm xúc để đẩy giọng hát thiên thần của Art Garfunkel lên tới đỉnh cảm xúc trong “Bridge Over Troubled Water” (ông giành được Grammy sau đó cho phần trình diễn này).


Dĩ nhiên để giúp sức đắc lực cho Simon & Garfunkel trong mấy album của hai anh này như Book Ends và Bridge Over Troubled Water không chỉ có Larry Knechtel mà còn có cả tay bass Joe Osbourne và nhất là kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy, a.k.a đầu lãnh của The Wrecking Crew lừng danh: tay trống Hal Blaine.


2. Hal Blaine


Hal Blaine là tay trống được mệnh danh là người góp mặt trong nhiều ca khúc được thu âm nhất trong lịch sử (đâu đó cỡ hơn 30 ngàn).  Ông từng giữ kỷ lục vô tiền khoáng hậu 6 năm liên từ 1965 tới 1970 góp mặt trong các ca khúc giành Grammy “record of the year” từ những Pet Sounds của Beach Boys, “Strangers of the Night” cùng Frank Sinatra cho tới Bride Over Troubled Water cùng Simon & Garfunkel. Thành danh từ rất sớm khi góp mặt trong bản hit “Be My Baby” của The Ronettes ở giai đoạn đầu thập niên 60s, Hal Blaine có cách giải thích rất đơn giản cho thành công của mình: tao đang chơi ngay ở take đầu tiên thì bị rớt dùi trống nhịp 2 và nhặt lên kịp để đập ở nhịp 4 – cách dễ nhất để sửa lỗi là chơi bỏ nhịp 2 luôn ở tất cả những khuông nhạc sau và biến nó thành một beat đặc biệt. Sự tự tin và danh tiếng của Hal Blaine chỉ chứng tỏ rằng không ai có thể bảo ông phải làm gì trong các bản hit.


Nhắc đến những nhạc phẩm mà Hal Blaine đóng góp cho Simon & Garfunkel, thứ đáng nhớ nhất hẳn là tiếng trống vang dội như tiếng súng canon vọng từ xa xăm trong “The Boxer” mỗi khi hai anh này cất tiếng hát "lie-la-lie". Hãy nhớ rằng ca khúc này được thu vào năm 1970, khi Hal Blaine đã có gần một thập kỷ làm việc với những nhà sản xuất gạo cội như Jimmy Bowen, Brian Wilsion, và dĩ nhiên là Phil Spector, Blaine luôn nghĩ ra những cách tiếp cận mới trong việc thu âm và với danh tiếng khỏi phải bàn cãi của ông ở Los Angeles, những ý tưởng này thường không khó để những nghệ sĩ ghi âm chấp nhận. Hal Blaine đã cũng với kỹ sư âm thanh Roy Halee thiết kế ra cách ghi âm tiếng trống vang rền đó bằng cách nện vào mặt snare ở tầng dưới cùng của hố thang máy và bố trí mic ở phía trên cao để tận dụng tiếng vang độc nhất vô nhị của âm thanh trong cái ống xi măng của tòa nhà cao tầng đó.


Cái tên The Wrecking Crew cũng được chế ra bởi chính Hal Blaine, cũng là người đứng mũi chịu trách nhiệm điều động các anh em đi chơi nhạc mỗi khi có yêu cầu từ phòng thu. Lý do là ở thời đầu những năm 60s, khi Blaine và các cộng sự hãy còn là những nghệ sĩ trẻ tài năng nhưng mới chân ướt chân ráo bước chân vào thị trường âm nhạc, họ cũng gặp phải không ít sự e dè (và cả ganh ghét?) từ những kẻ chơi nhạc gạo cội thời đó. Họ là những người vốn lâu nay quen với việc ăn mặc chỉn chu với vest và cà vạt, chơi những thứ nhạc Jazz và R&B đẹp đẽ trong các quán bar và nay bỗng trở nên “chướng mắt” về một làn sóng của đám nghệ sĩ trẻ như Hal Blaine, những người ăn mặc thì ít để ý và còn chơi thứ nhạc Rock and Roll đơn giản nhưng lại mang tính đại chúng và phá cách. Quan trọng hơn cả, đám nghệ sĩ đã thành danh lo sợ đám nghệ sĩ mới này có nguy cơ sẽ phá hỏng (“wreck”) nồi cơm lâu nay của họ.


Dĩ nhiên việc của các thành viên Wrecking Crew lúc đầu chỉ là lấp chỗ trống, nhưng rồi với hiệu suất đáng kinh ngạc và trình độ chơi nhạc thượng thừa của nhóm này, riết rồi các nhà sản xuất và ghi âm thường gọi cả băng tới thu âm vì xem ra thu càng nhanh và hiệu quả thì họ càng đỡ tốn kém. Các thành viên ban nhạc là những người phản đối kịch liệt nhất chuyện này vì chả ai khoái được người khác “chơi giùm” trong bản thu của họ - kể cả khi đó là những nghệ sĩ cự phách. Nhưng rốt cục, bản lĩnh của những nhà sản xuất cứng đầu, cộng với công nghệ thu âm thời đó còn hạn chế, và nhất là việc một bản thu tuyệt vời cần phải có các nhạc cụ hòa quện với nhau có lẽ là lý do chính đáng nhất để giải thích việc The Wrecking Crew trở nên ăn khách đến vậy. Bằng chứng là sau đó sự góp mặt của Wrecking Crew gần như đảm bảo những ca khúc được thu âm sẽ trở thành hit, và ở những chỗ khác ở nước Mỹ cũng bắt đầu có những hội tương tự như The A-team ở Nashville, hay Funk Brothers ở đế chế Motown. Thế sau này, cũng không quá ngạc nhiên khi những nghệ sĩ session gạo cội như Bernard Purdie cũng lớn tiếng nhận rằng mình chơi “giùm” cho Ringo Starr trong các album của Beatles dù rằng điều này cũng không thể có ai kiểm chứng.


Đây nhé, chẳng hạn như lần Hal Blaine và các đồng đội được gọi tới để ghi âm ca khúc “Mr. Tambourine Man” của The Byrds – một trong những ban nhạc Rock giàu ảnh hưởng sau này – nhưng ở thời đó hãy còn loay hoay để thu âm ca khúc đầu tay. Cùng với Hal Blaine trên giàn trống, tay guitar Jerry Cole, cùng sự giúp sức của Larry Knechtel với câu sliding bass đáng nhớ, chỉ duy nhất Jim McGuinn là thành viên của The Byrds “được phép” thu âm phần guitar của họ trong track nhạc (với câu dạo đáng nhớ); ca khúc này được ghi âm rất nhanh chóng và không khó để hãng đĩa Columbia nhận ra đây sẽ trở thành một hit của họ (bài này sau đạt No. 1 và được coi như một trong những bài Folk Rock đầu tiên trong lịch sử). Xem ra chỉ có tay trống của band, Michael Clarke, đã không thể giữ được sự bình tĩnh vì hóa ra anh chả phải làm gì trong việc thu âm “Mr. Tambourine Man”.


Không những thế, trong phần thu của những bài còn lại cho album đầu tay của The Byrds, dù đã cho phép các thành viên của band “tự thu” phần nhạc của họ nhiều hơn (dưới sức ép của hãng đĩa), nhà sản xuất Terry Melcher vẫn luôn giữ Hal Blaine ở lại phòng thu để “làm mượt” cho phần thu trống và giúp cho phần nền của bài hát trở nên chắc chắn. Điều này chỉ càng làm tay trống Michael Clark phát rồ và chỉ có sự cứng đầu và quyền lực của nhà sản xuất thời đó mới có thể tống được anh đánh trống giận dữ này ra ngoài phòng thu để Hal Blaine yên ổn giúp cho album đầu tay của The Byrds – một trong những album Rock tiên phong đáng nhớ nhất thời đó.


Hal Blaine giỏi thế vì thực ra ông cũng không phải là tay trống Rock 'N Roll từ đầu mà cũng bắt đầu trui rèn tài năng của mình từ việc chơi Jazz trong các câu lạc bộ ở Chicago. Khi bắt đầu làm việc ở hãng Capitol Records, Blaine thấy hóa ra cái thế giới phòng thu này cần quá trời người chuyên đi lấp chỗ trống. Blaine bắt đầu giới thiệu những nghệ sĩ chơi nhạc thời vụ nhưng cứng cựa như tay saxophone Steve Douglas và tay trống Earl Palmer (cũng là một tay trống giữ kỷ lục với số bài được thu không kém gì Blaine); và cả đám bắt đầu gọi riêng lẫn nhau mỗi khi người này bận. Không lâu sau đó, đội hình quen thuộc của Wrecking Crew dần được hình thành với những nghệ sĩ như Leon Russell chơi piano; Joe Osbourne hay Carol Kaye chơi bass; những Glen Campbell hay Tommy Tedesco chơi guitar; cùng Earl Palmer và chính Blaine phụ trách phần trống.


3. Glen Campbell, Carol Kaye, và những người khác


Nếu như Hal Blaine bắt đầu Wrecking Crew từ chính kinh nghiệm phòng thu của mình, các nghệ sĩ khác trong đội thường dừng chân ở phòng thu làm nghệ sĩ session sau nhiều năm chinh chiến lưu diễn.


Tay guitar Glen Campbell chẳng hạn, lại vốn bắt đầu bằng vị trí chơi guitar trong ban nhạc “phiên bản đi lưu diễn” của nhóm The Champs. Chả là với lịch thu âm khá tốn công thời đó (thường các ban nhạc ở thập niên 60s phải ra khoảng 2 album một năm), một số vị quản lý như Burgress của band The Champs đã nghĩ tới việc duy trì 2 phiên bản của ban nhạc này: một trong phòng thu và một đi lưu diễn. Tới đây chắc hẳn mọi người đã đoán ra phiên bản “phòng thu” của ban nhạc này sẽ là ai. Earl Palmer chơi trống, Tommy Tedesco chơi guitar, hay Plas Johnson chơi saxophone, cùng những người khác (tất cả bọn họ sau này đều trở thành thành viên của The Wrecking Crew). Chả gì thì Beach Boys sau này cũng làm thế còn gì.


Nhưng trước mắt, bộ khung này giúp cho The Champs có được thành công đáng ghi nhận với vài cái hit trong top 40, và thế là đội hình phiên bản “lưu động” sẽ mang những ca khúc này đi lưu diễn khắp nơi. Tài năng của Glen Campbell cũng vì thế mà nhanh chóng được phát hiện và được kéo về phòng thu cho đỡ lãng phí, và thế là cũng giống như những thành viên Wrecking Crew khác, tiếng đàn của Glen Campbell có thể nghe thấy ở trong những bản thu của Beach Boys, Nat King Cole, the Monkees, Bing Crosby, The Everly Brothers, và cả Elvis Presley. Không chỉ là một thành viên cứng trong Wrecking Crew, Glen Campbell còn có một sự nghiệp solo khá đáng nể như nhiều người từng biết, với hơn 64 album được phát hành và số đĩa bán được cỡ gần 50 triệu bản.


Tay bass Carol Kaye thì lại có xuất thân từ ban nhạc Jazz chơi trong club. Vốn tin rằng việc chuyển qua chơi Rock 'N Roll chỉ làm thui chột tài năng của các nghệ sĩ chơi Jazz, Kaye mặt khác lúc nào cũng đau đáu với thu nhập khiêm tốn của một nghệ sĩ chơi trong club khi cô vẫn tiếp tục phải đi làm những công việc khác vào ban ngày để duy trì đam mê chơi nhạc của mình.


Sự nghiệp của Kaye cuối cùng cũng dừng chân nơi phòng thu khi một lần cô gặp được nhà sản xuất Bumps Blackwell, người đề nghị cô tới thu nhạc cho một ca sĩ Rock 'N Roll còn mới toe tới từ Mississippi, người mà ông khẳng định là mang tới một thứ âm nhạc rất thú vị, với cái tên Sam Cooke.


Và nằm ngoài dự đoán của Kaye, việc chơi trong những bản hit đình đám của Sam Cooke sau đó như “Summertime (Pt 2)” hay “Wonderful World” hóa ra không khác mấy so với việc chơi nhạc ở club. Tất cả đều là những bản nhạc chất lượng, và nghệ sĩ chất lượng như Kaye Cole nhanh chóng được truyền miệng khắp nơi trong LA và giúp cô ngày càng có thêm nhiều công việc ở phòng thu và thừa sức giúp cô không cần phải đi làm công việc ngoài chơi nhạc nữa. Phần chơi của Kaye có thể nghe được trong những ca khúc đình đám thời đó như “La Bamba” của by Ritchie Valens, “These Boots Are Made for Walkin” của Nancy Sinatra, “ In the Heat of the Night” của Ray Charles, và thậm chí còn góp mặt trong cả vài bài cùng The Mothers of Invention. Khi nghĩ tới Carol Kaye, hãy nghĩ tới con số cỡ 10 ngàn bản nhạc đã từng thu.


Và dĩ nhiên còn rất nhiều nghệ sĩ khác giống như Glen Campbell và Carol Kaye mà khuôn khổ của bài viết không thể nhắc tới, bởi một vị trí thật trang trọng sẽ phải cần để dành cho cha đẻ của “Wall of Sound”.


4. Phil Spector


Vốn lớn lên trong một gia đình có điều kiện, Phil Spector biết mình có năng khiếu âm nhạc và đã từng tới học guitar jazz từ tay guitar Bill Pittman để rồi rốt cục Pittman đã phải từ chối khéo Spector sau vài buổi học vì anh thiếu đi tố chất “phiêu” để có thể chơi được cái món guitar jazz này. Phil Spector sau đó đã lập ra nhóm nhạc Teddy Bears (theo tên của một bài hát của Elvis Presley), và có một vài thành công đáng kể từ những bản nhạc do Spector chắp bút và hòa âm như “To Know Him Is To Love Him” (sau đạt No. 1 ở Mỹ). Nhưng rồi những thành công đó chỉ để dọn đường cho một sự nghiệp lẫy lừng sau này trong một chuyên môn mà Phil Spector hằng ấp ủ: sản xuất âm nhạc. Đó mới là lãnh vực mà Spector có thể tận dụng triệt để đôi tai trời phú của mình, cũng như thỏa mãn tham vọng được làm chủ trong toàn bộ quy trình thu âm, nơi mà từng yếu tố của âm nhạc đều có thể được Spector cân đo đong đếm để tạo nên một tổng phổ hoàn hảo.


Đối với Phil Spector, ‘less’ không bao giờ là ‘more’. Chứ sao, ‘more’ mới là ‘more’ và đội hình trong phòng thu của Phil Spector luôn thường xuyên có nhiều hơn một người để chơi một nhạc cụ (trừ trống) và nếu nhìn khắp cả tổng phổ thì ban nhạc chơi cho một bản thu thường có cỡ 12 người. Phil Spector luôn đau đáu tính tới việc thu âm nơi mà tất cả âm thanh tạo ra dày đặc như một bức tường âm thanh (Wall of Sound) và người nghe khi nghe bản thu sẽ có cảm giác như nguyên một dàn nhạc chơi đập thẳng vào mặt mình. Đó cũng là cách mà Spector vượt qua được những hạn chế của việc thu âm mono với số lượng track hạn chế thời đó.


Nhưng ý tưởng của Phil Spector không nhận được nhiều sự ủng hộ ngay từ đầu bởi vì nó quá tốn công sức để chuẩn bị cả về lực lượng nghệ sĩ lẫn việc setup thiết bị để thu âm. Cho tới khi Phil Spector nhận được lời đề nghị thu âm album He’s a Rebel cho nhóm nhạc nữ The Crystals.


Ông đề nghị tay sax Steve Douglas kiếm cho mình hai cây bass, hai cây guitar cùng hai cây sax, chưa kể tay trống và piano – tổng cộng là 8 nhạc công thay vì ba hay bốn như thường lệ. Khi các nghệ sĩ tề tựu đông đủ, Phil Spector mới nhận ra ông chưa quen hầu hết trong số họ trừ tay bass Ray Pohlman và guitar Howard Roberts. Số còn lại gồm có Tommy Tedesco (guitar), Al DeLory (piano), and Jimmy Bond (contrabass), và người cuối cùng ông được làm quen thì ngồi trên giàn trống. Không ai khác chính là Hal Blaine.


Hãy tưởng tượng, trong khi các nhạc công sẽ thường ngồi dợt với nhau trong khoảng 3 giờ, Phil Spector sẽ ngồi cùng với kỹ sư Larry Levine ngồi trong phòng điều khiển để tinh chỉnh âm lượng cho từng nhạc cụ. Với sự tập trung tới chi tiết một cách khó tính, Spector luôn muốn thử âm lượng từ nhỏ tới mức lớn không thể nghe nổi và đôi khi còn bị phá tiếng. Larry Levine luôn nhẫn nại chỉnh theo sự chỉ đạo của Phil Spector cho tới khi ông hài lòng, kể cả khi điều này đồng nghĩa với việc Levine phải chỉnh nhỏ gần như không nghe thấy tiếng của một vài nhạc cụ trong giàn nhạc. Tất cả những nghệ sĩ chơi ở bên phòng cách âm đều vẫn chơi như bình thường và họ chỉ được nghe bản thu cuối cùng – thường là một thứ âm thanh được hòa trộn với nhau tuyệt hảo.


Trong vòng một tuần sau khi phát hành, album He’s a Rebel đã đạt No. 1 và trở thành chính xác những gì mà Phil Spector kỳ vọng với kỹ thuật ghi âm độc nhất vô nhị của mình.


Và cứ thế, Steve Douglas tiếp tục đi kiếm người cho các dự án của Phil Spector và Spector thực ra chỉ có một yêu cầu duy nhất là “giữ anh đánh trống”. Carol Kaye and Glen Campbell là những cái tên tiếp theo được giới thiệu, và chả mấy chốc, từ 8 vị trí chơi nhạc trong He’s a Rebel, con số đó nhanh chóng trở thành 12 với ba tay guitar, ba tay bass, và ba cây chơi piano. Kỹ thuật Wall Of Sound và Phil Spector vô tình đã trở thành điểm ghép nối hoàn hảo của những nghệ sĩ giỏi nhất thời đó trong hội Wrecking Crew.


Chưa hết, kỹ thuật thu âm độc đáo của Phil Spector sau đó đã thuyết phục được những đôi tai khó tính nhất: The Beatles. Họ đã phải mời nhà sản xuất người Mỹ này vào vị trí mà lâu nay tưởng như độc quyền của thành viên thứ 5 của Beatles, George Martin. Ông được John Lennon mời tới thu “A Long and Winding Road” mà không hỏi trước ông bạn Paul Macca (và bị giận), cùng với những bản kinh điển như “Across The Universe” hay “Let It Be”.


Dĩ nhiên sau đó, Phil Spector tiếp tục làm việc với chú bọ bay sang Mỹ định cư là John Lennon (album ImagineRock n Roll ai còn nhớ?) sau khi Beatles tan rã, cũng như giúp sức cho George Harrison với siêu siêu phẩm đầu tay All Things Must Pass – album mà ai cũng biết là chơi với nhiều nghệ sĩ đến thế nào. Chỉ tiếc là Phil Spector sau bỗng đổi nghề qua làm sát nhân, và từ một người được trọng vọng bậc nhất trong ngành công nghiệp âm nhạc, bỗng kết thúc cuộc đời cô độc trong xà lim lạnh lẽo.


5. Và những session đáng nhớ khác


Chất lượng âm thanh vượt qua rào cản kỹ thuật hạn chế cũng như thành công trong các nhạc phẩm từ Phil Spector đã nhanh chóng được những nghệ sĩ khác để ý. Brian Wilson của Beach Boys, hay Sonny Bonno (chồng của Cher), và cả chính Hal Blaine là những người tiếp theo nhanh chóng tiếp cận kỹ thuật này.


Các album điển hình trong thời gian này có sử dụng đội hình Wrecking Crew và kỹ thuật Wall of Sound có thể kể đến:

  • Album Pet Sounds của Beach Boys

  • Album River Deep Mountain High của Ike & Tina Turner

  • Album Close to You của The Carpenters

  • Bản “I Got You Babe” của Sonny & Cher



Tôi biên cái bài này, cũng bởi dạo gần đây trộm thấy các anh em nghệ sĩ danh tiếng tự nhiên hay nhảy ra bóc mẽ lẫn nhau vụ ai chơi nhạc trong album hay không, khiến tôi chợt nhớ tới một quãng thời gian tuyệt vời trong âm nhạc của thập niên 60s và đầu 70s, nơi những album chất lượng liên tục được phát hành, các kỹ thuật ghi âm và chơi nhạc mới liên tục được phát minh, nhưng mọi thứ vẫn thật “yên bình” ở chỗ, những nghệ sĩ siêu đẳng như Hal Blaine và các đồng đội vẫn khiêm nhường náu mình trong các album bán triệu bản mà không mang tới danh tiếng hay sự gièm pha.


Và sự nể trọng dành cho họ, dù khối người vẫn còn ẩn danh, có lẽ đã được chứng minh trọn vẹn qua thời gian.


Hẹn gặp lại!


R.I.P Hal Blaine 11/03/2019.


Kcid

222 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page