top of page

Iron Maiden (pt. 2): Chơi 3 guitar làm gì cho cực?

Updated: Nov 16, 2021

Nicko McBrain kết thúc câu fill cuối của “The Trooper”. Ánh đèn sân khấu cũng vụt tắt. Technician của anh đã sẵn sàng để đổi chiếc cồng phía sau lưng Nicko, như một dấu hiệu báo hiệu chủ đề nhạc của Maiden trong phần tiếp theo sẽ chuyển từ chiến tranh sang tôn giáo, trước khi kết lại bằng chủ đề về sự chết chóc. Phải công nhận, kỹ thuật dựng sân khấu và ánh sáng đã giúp cho những buổi diễn của Maiden từ thập niên 2000s trở nên kịch nghệ hơn bao giờ hết, dù cho trước đó họ cũng đã mang rất nhiều thứ lên sân khấu của mình trong những năm 80s. Nhưng trên tất cả, đó là nỗ lực từ đội crew đông đảo và nhất là từ chính 6 người họ, Iron Maiden, những người không ngại bỏ công sức và tiền bạc ra để làm ra những tour diễn đáng nhớ nhất cho các fan của mình.


Iron Maiden hoàn toàn đã có thể nghỉ ngơi sau thập niên 90s nhạt nhòa của họ với sự thay thế không vừa ý cho ca sĩ lừng danh Bruce Dickinson, cũng như sự thoái trào của nhạc Rock nặng nói chung, và chỗ đứng của âm nhạc thiên về guitar nói riêng. Tất cả các thành viên đều có thể ngồi không và sống sung túc với tiền bản quyền, Nicko McBrain có thể đi vòng quanh thế giới mở Drum Clinic để dạy cách đi triplet chỉ bằng một chân mà không chán, còn Steve Harris có thể yên tâm mỗi cuối tuần ra sân xem Những Chiếc Búa, đội bóng ruột West Ham United của anh chiến đấu ở giải ngoại hạng.


Nhưng vào cuối thập niên 90s, bộ đôi ca sĩ Bruce Dickinson và tay guitar Adrian Smith đã được mời lại, và không có thêm ai phải rời Iron Maiden từ đó nữa. Họ sẵn sàng chơi với 3 cây guitar trong một ban nhạc có đến 4 tay guitar xuất sắc.


Maiden cũng không màng đến việc vớt vát lại cảm tình của những fan cũ khắp thế giới, như gã Kcid ngồi ở cái xó Việt Nam xa xôi, hay cả những fan cho rằng họ đã quá cũ với âm thanh guitar đôi trong khi nhạc progressive thì còn chơi chưa tới.


Bằng chứng là từ sau năm 2005, Iron Maiden vẫn đều đặn cho ra những album chất lượng và vẫn tiếp tục đi lưu diễn ở những tour bán sạch vé. Có một điều khá thú vị là từ thập niên 90s (album Fear of The Dark trở đi) Iron Maiden đã hầu như không bán được đĩa ở Mỹ trong khi đĩa của họ vẫn đều đặn đạt Gold và Platinum trên khắp châu Âu và Canada. Nhưng mỗi khi họ lưu diễn ở Mỹ, họ đều có thể đến bất cứ bang nào và đánh ở những hội trường cỡ 15.000 khán giả như không.


Thử làm phép so sánh với Judas Priest, là một band coi Mỹ là thị trường chính. Từ sau thập niên 2000s, Priest chỉ còn thường lui tới diễn ở những tụ điểm như Hard Rock café có sức chứa cỡ 3000 vé. Ở Brazil thì lượng khan giả của Iron Maiden thậm chí sẽ là cỡ trăm ngàn. Họ đánh ở Mumbai, ở Bali, những nơi mà thậm chí đa số khán giả đều không nói tiếng Anh nhưng đều thuộc lòng lời bài hát của họ.


Khi Iron Maiden phát hành album A Matter of Life and Death, album phòng thu tâm đắc nhất của chính ban nhạc, họ đã không ngại chơi nguyên cả album trong tour lưu diễn của họ, điều chưa từng có tiền lệ. Có nghĩa là khán giả sẽ không được nghe những ca khúc kinh điển của Maiden suốt hơn 1 giờ nhạc đầu tiên.

"Rime of the Ancient Mariner" - sự khởi đầu của prog trong nhạc của Maiden?


Iron Maiden là như vậy. Họ có thừa tự tin và sự ngạo nghễ để làm thứ của họ và không cần quá bận tâm ý kiến của thế giới bên ngoài. Ngay từ thuở sơ khai, khi sếp hãng đĩa EMI đi vào phòng thu và có ý kiến này nọ với mấy bài đầu tay của họ, Iron Maiden đã đặt ra nguyên tắc cấm tất cả mọi người trừ thành viên ban nhạc và ông bầu Rod Smallwood không được vào phòng thu khi họ còn đang ghi âm và chưa mix. Nếu như một bài hát phải cần nhiều hơn 4 phút, là khoảng thời gian quen thuộc đối với đa số khán giả cho một bài hát, đề có thể truyền đạt hết ý tưởng, thì bài hát đó sẽ không cần phải cắt ngắn lại. Đĩa A Matter of Life and Death lừng danh thậm chí được phát hành mà không được master, bởi vì ban nhạc thích âm thanh thô không bị nén của bản thu đó. Ở bên ngoài, các kênh radio thì vẫn luôn hờ hững với âm nhạc của Iron Maiden, và thị trường nhạc Pop nói chung thì vẫn không hiểu sao band này có thể suốt ngày hát về những chủ đề lấy từ mấy chương trình TV cũ rích. Iron Maiden vẫn luôn bán được rất nhiều đĩa bất chấp những thứ như vậy.


Bởi lẽ, Maiden từ lâu đã không còn cần phải chứng tỏ mình với ai nữa. Khi Bruce Dickinson và Adrian Smith trở lại với band, họ đã chọn cách trở thành niềm cảm hứng cho những khán giả mới tinh của họ, cách khó hơn rất nhiều thay vì tiếp tục gây ấn tượng với kỹ thuật và kỹ xảo của mình để làm ra những album dễ ăn hit. Đến cả Marty Friedman (lead guitar của Megadeth) cũng đã từng phải thừa nhận rằng, ở thời đỉnh cao của Megadeth, những câu riff của họ quá phức tạp và cầu toàn trong khi những câu riff của Iron Maiden, theo một cách nào đó, rất tập trung nhấn mạnh vào việc âm nhạc. Để so sánh, Megadeth sẵn sàng chơi với nửa tá câu riff khác nhau cho cùng một đoạn chord progression, trong khi Iron Maiden sẵn sàng chơi lặp đi lặp lại ngần ấy lần. Và theo cách nói của Marty Friedman, âm nhạc của Iron Maiden khiến cho đám trẻ dễ bị kích thích và muốn chơi guitar theo bằng được – điều mà Marty luôn tiếc nuối trong thời gian anh cùng Megadeth ở trên đỉnh cao của họ.


Tôi cũng không chắc trưởng nhóm Steve Harris đã nghĩ đến sứ mạng đặc biệt đó khi bước vào thập niên 2000s – anh có lẽ đơn giản chỉ cần Bruce Dickinson trở lại để Maiden có thể tiếp tục, mà không ngờ rằng hai điều kiện của Bruce lại lợi hại đến vậy.


Thứ nhất, Maiden sẽ không thu nhạc ở phòng thu tại nhà Steve Harris, như cách họ đã từng làm trong suốt thập niên 90s, thêm một lần nào nữa. Họ sẽ phải thu ở phòng thu thứ thiệt, nơi có đủ chỗ cho tất cả cá thành viên trông thấy nhau và thu nhạc như đang chơi live cùng nhau. Và hơn thế nữa, Iron Maiden sẽ cần có một nhà sản xuất độc lập thay vì Steve Harris tự sản xuất như X FactorVirtual XI. Maiden cần có một nngười có cá tính đủ mạnh và đủ khách quan để phản bác lại sự cố chấp của Steve Harris khi cần. Nhà sản xuất Kevin Shirley đã gắn bó với Maiden từ Brave New World tới nay là vậy.

"The Wicker Man" - Sự trở lại của Maiden bắt đầu từ câu riff của Adrian Smith


Và thứ hai, tay guitar Adrian Smith sẽ trở lại Iron Maiden cùng Bruce Dickinson. Nếu như lúc đầu tất cả khán giả đều nghi ngờ quyết định của Iron Maiden khi chơi với 3 guitar – thú thực là ngay chính tôi cũng đã từng nghĩ trò này không thể kéo dài được vì các tay guitar sẽ dẫm chân lên nhau, thì hóa ra đây lại là một canh bạc xuất sắc của Steve Harris.


Chơi 3 guitar khó lắm, bởi quá nhiều tiếng guitar phá tiếng sẽ dễ khiến cho bản mix bị phá vỡ. Cách chơi guitar solo lâu nay của mọi người vẫn thường là một kẻ rhythm còn người kia lead, hoặc cả hai chơi guitar bè với nhau và có thêm chút rhythm ở dưới. Dĩ nhiên với vài lớp guitar như vậy thì ai cũng biết rằng có thể thực hiện được trong phòng thu bằng cách thu nhiều lần mà không cần quá nhiều tay guitar tham gia. Chưa kể, mỗi tay guitar đều có thể tự overdub tiếng của mình cho dày nữa.


Nhưng Adrian Smith và các đồng đội đã tìm được những cách sáng tạo để 3 cây guitar không làm bài hát trở nên chật chội hơn. Dễ nhất hẳn là việc một người chơi rhythm trong khi hai người kia chơi guitar bè. Nhưng những cách chơi như tạo ra một giai điệu guitar bè tương phản với giai điệu hát của Bruce Dickinson trong những đoạn hát, trong khi cây guitar còn lại chơi rhythm (như trong “Montsegur”) đã đem lại một màu sắc rất mới cho nhạc của Maiden. Adrian Smith cũng không ngần ngại chơi nhiều với cây Gibson Les Paul với pick up humbucker để tránh dẫm chân lên những khoảng tần số quen thuộc của mấy cây guitar dùng pick up đơn, loại mà Janick Gers và Dave Murray thường dùng. Anh cũng chỉnh dây guitar xuống drop D trong rất nhiều bài (khi hai tay kia chơi ở E standard), nhằm tạo ra màu sắc đa chiều hơn trong phần rhythm. Quan trọng hơn cả, Iron Maiden không hề lạm dụng việc cả 3 guitar đều phải solo trong cùng một bài. Khi bài hát đạt được sự cân bằng cần thiết (như trong “Wicker Man” hay “Rainmaker”), chỉ cần một người solo guitar cũng là đủ làm được tất cả. Chính Adrian Smith là người đã nhóm lên tia lửa đầu tiên cho đội hình Iron Maiden mới với câu riff trong “The Wicker Man”, khi 6 người lần đầu tiên gặp lại nhau và chợt bỡ ngỡ vì không ai mang theo một ý tưởng nào đủ hay cho cả 6 cùng jam.


Chơi 3 guitar khi diễn live thậm chí còn đem lại hiệu quả xuất sắc hơn rất nhiều, mà có lẽ khán giả khi xem video diễn live không thể cảm nhận được bằng những người được đứng xem trực tiếp. Tiếng bass của Steve Harris thì vẫn luôn ở đó như ngay phía trước mũi người nghe, tiếng của Dave Murray và Janick Gers chia nhau ở hai bên tai, và tiếng guitar thứ ba của Adrian Smith dường như chặn ngay cổ họng của người xem. Những phần solo guitar bè nay thậm chí có thể có đến 3 bè, và rất nhiều lần, Adrian Smith sẵn sàng nhường Janick Gers chơi phần guitar trong những bài cũ, trong khi tự anh sẽ “chế” ra những phần mới để làm đầy thêm cho những bản hit ngày xưa. Thường mỗi khi Dave Murray chơi với cây đàn pickup đơn, Smith sẽ chơi với cây có pickup humbucker. Khi Dave Murray lấy cây đàn có pickup minihumbucker, Smith sẽ trở lại với cây đàn pickup đơn có cần nhún sở trường của mình.


Kể cũng khó để mô tả bẳng những dòng chữ giản đơn này tầm quan trọng của Adrian Smith khi anh chính là mảnh ghép còn thiếu của đội hình Iron Maiden của thập niên 90s, những người đã không thể biến những ý tưởng rời rạc của giai đoạn Blaze Bailey làm ca sĩ chính trở nên nhuần nhuyễn và trơn tru. Và Bailey tội nghiệp đã phải trở thành vật tế thần cho một sự thất bại mà anh không phải nguyên nhân chính.

"Sign of the Cross" - có ai nhận ra đoạn đảo nhịp liên tục ở [4/4 (x3), 5/4, 4/4]?


Nếu như bạn chưa rõ về mấy tay guitar trong Maiden, thì trước giớ họ vốn thường chơi với hai tay guitar có phong cách trái ngược nhau. Gạo cội nhất vẫn là Dave Murray có phong cách chơi bluesy với bàn tay trái cực khỏe giúp cho kỹ thuật legato của anh mượt như nước chảy với rất nhiều trường đoạn chỉ chơi bằng tay trái với cực nhiều hammer on / pull off. Tiếng guitar của Dave Murray có lẽ là thứ đặc trưng nhất trong 3 người, thứ có thể nhận ra được ngay lập tức. Khi Dave chơi cặp cùng Adrian Smith trong giai đoạn đầu của Iron Maiden, anh chơi với nhiều đoạn phiêu hơn vì Smith vốn là người ưa sáng tác trước các đoạn solo. Nhưng khi Dave Murray chơi cặp cùng Janick Gers, người còn ưa chế tác tại chỗ hơn cả Dave, thì bỗng Dave Murray lại chơi giống Adrian Smith với nhiều đoạn giai điệu tinh tế. Quan trọng hơn cả, mỗi khi Maiden cần, Dave Murray sẽ vẫn luôn ở đó và cho ra những đoạn guitar cực đáng nhớ. Đó là những đoạn solo định hình phong cách của Maiden từ “Strange World” cho tới “Powerslave” hay sau này là “Rainmaker”. Khi sáng tác nhạc, Dave Murray thường cho ra những bài có cấu trúc khá là kín kẽ và thường ít có chỗ để phiêu. Đó là những “Déjà Vu” hay “Rainmaker”, những bài rất hay về phần nhạc nhưng phần lời thường đơn giản tới mức ngộ nghĩnh.


Còn Janick Gers hẳn là người "chia rẽ" các fan nhất. Những người ưa nghe đĩa của Maiden thì không thích anh vì phong cách chơi quá ngẫu hứng khi biểu diễn và đôi lúc đi hơi quá lố so với phần rhythm đang chơi. Nhưng bù lại, lối trình diễn bùng nổ của anh, với những ảnh hưởng trực tiếp từ những bậc gạo cội như Jimi Hendrix hay Ritchie Blackmore, có lẽ là thứ Steve Harris cực khoái để làm điểm nhấn trong những màn biểu diễn đòi hỏi nhiều thể lực của họ, nhất là khi đã có tuổi, Steve Harris và Bruce Dickinson không thể tiếp tục chạy khắp sân khấu. Trong sáng tác nhạc, Janick Gers thường đóng góp những bản đập vào mặt và đặc biệt là những câu lick máu lửa lặp đi lặp lại mang hơi hướng nhạc dân ca Celtic (như trong “Afraid To Shoot Stranger”). Đó là những “Man On The Edge” hay “The Pilgrim”, những bản nhạc không quá giống những bài còn lại trong album nhưng thật cần thiết để tạo ra sự đa dạng.

"Dance of Death" - trong 3 câu solo, tiếng đàn nào là của ai?


Trong khi đó, bạn thân của Dave Murray, Adrian Smith, có lẽ là người có nhiều tính toán nhất trong cách chơi guitar và chọn nốt để solo của mình. Với thiên hướng chơi bám theo sự chuyển đổi của hòa âm và thường phần solo được soạn trước, tôi nghĩ nôm na thì câu solo của Adrian Smith nghe thường đẹp và hay ho nhất, với những nốt nhạc giống như cách Tarzan đu dây leo chuyền cành qua những cái cây như mọc ra từ những hợp âm khác nhau. Khi biểu diễn, những đoạn solo của Adrian Smith thậm chí còn có thể khiến người ta ngâm nga theo được và không biết có ai đã thử thống kê điều này hay chưa, nhưng những đứa trẻ tập chơi guitar solo như Iron Maiden như tôi ngay trước, thường chọn đoạn solo của Adrian Smith để tập theo và cảm thấy thật tự hào khi chơi được nhạc của Iron Maiden. Phần của Dave Murray coi như bỏ qua, đơn giản vì chơi legato theo Dave… khó quá.


Trong sáng tác nhạc, theo tôi Adrian Smith thậm chí còn nhỉnh hơn hai người đồng đội của mình và có lẽ chỉ thua tay bass Steve Harris về những đóng góp trong sáng tác. Anh có thể viết cả những bài pop hóa dễ lọt bảng xếp hạng (như kiểu của “Wasted Years” hay “Wicker Man”), và cả những tổng phổ hoành tráng sau này (như kiểu của “Brighter Than A Thousand Suns”).

"Brighter Than A Thousand Suns" - có nguyên đoạn đầu chơi ở [4/4, 4/4, 4/4 và 2/4] khá nhức nhối


Mang theo 3 tay guitar trong một ban nhạc đồ sộ như vậy tiến vào thập niên 2000s, có lẽ sự trở lại với thành công của Iron Maiden cũng được đóng góp một phần không nhỏ với sự trở lại của solo guitar vào khoảng giữa thập niên 2000s. Có lẽ đó trùng với thời điểm của Ozzfest 2005, khi Iron Maiden trở lại với sân khấu lớn bằng việc đánh mở màn cho Black Sabbath cùng album Dance of Death. Cùng thời điểm, hẳn mọi người hãy còn nhớ Sum 41 hay Avenged Sevenfold không ngần ngại cho các fan của họ biết rằng Iron Maiden ảnh hưởng đến họ và khiến họ chơi guitar solo. Có thể tưởng tượng ra các Rock fan của Sum 41 lúc đó mới lờ mờ nhận ra, mấy người gây ảnh hưởng cho thần tượng của họ hóa ra chơi guitar khét lẹt và đủ sức đá mông tất cả các ban nhạc trẻ hơn họ cả hai chục tuổi trong bât cứ show diễn nào.


Với thành công của Dance of Death, Iron Maiden sau đó sẵn sàng lược bỏ hết những bài hát 3 hay 4 phút nếu không quá xuất sắc, và tập trung vào làm những ca khúc dài hơn, hoành tráng hơn, và kể về những câu chuyện kỳ vĩ hơn. Cách này có hai điều tốt, thứ nhất là những bản nhạc ngắn hiếm hoi trong các album của họ sau này (như “The Alchemist” hay “Stratego”), thường đảm bảo là hay; và thứ hai là, thời lượng những bài dài đã đủ để album của họ trở nên progressive hơn bao giờ hết, với thời lượng đủ dài để kể về những câu chuyện đầy sức nặng, điều mà các album trước đó của Iron Maiden chỉ làm được lác đác. Quan trọng hơn, từ album Dance of Death trở đi, người nghe có quãng thời gian đủ dài như được phiêu lưu trong một thế giới khác.


Âm thanh guitar và cách tiếp cận với cây đàn guitar có lẽ đã bước sang một thời kỳ mới kể từ sau năm 2000s với sự phát triển của Youtube, Instagram và kéo theo nó là một thế hệ các tay guitar online ngồi chơi đàn trên backing track với những kỹ thuật nếu trước đây phải rất mất công để mày mò học từ băng đĩa, thì nay đều đã được thể hiện một cách nhuần nhuyễn. Âm nhạc progressive và cách chơi guitar đậm chất progressive như đảo hợp âm, chơi với nhịp lẻ, có lẽ vì vậy đã trở thành những thử thách mới với các tay guitar trẻ, ở thời kỳ mà lựa chọn âm thanh cho cây guitar và những kỷ xảo với 10 ngón tay giờ bỗng trở thành dạng thường thôi.

"Lost in a Lost World" - ở tuổi gần 70 Iron Maiden vẫn làm ra được thứ nhạc càng nghe càng thấm thế này


Việc thay đổi trong âm nhạc của Iron Maiden có lẽ cũng bám theo cái sự thay đổi về cách tiếp cận của cây đàn guitar như vậy. Hãy cứ gọi thứ âm nhạc của Iron Maiden là progressive pop cũng được, dù rằng tôi thấy điều đó sẽ khiến những đón nhận về âm nhạc của Iron Maiden với những Dance of Death, A Matter of Life and Death, The Final Frontier, Book of Souls, và mới đây nhất là Senjutsu, với ít những nghi ngại và so sánh với phiên bản của chính họ thời trẻ hơn. Hãy tự cho mình 1 tiếng đồng hồ không bận tâm tới một điều gì cả, và cùng phiêu du trong những chuyến phiêu lưu mà mỗi album của Maiden tạo ra.


Có thể biết đâu, khi bạn bắt đầu nhận ra đây là tiếng đàn của Dave Murray còn kia là Adrian Smith, hoặc khi thấy nhịp của những “Sign of The Cross” nghe từ lâu lắc rồi bỗng nhiên tòi ra nhịp lẻ, bạn sẽ bắt đầu thấy cuộc dạo chơi progressive này hóa ra cũng không kén chọn riêng ai.


Vì một thế giới bán được nhiều đĩa Prog Rock hơn.


Hẹn gặp lại.


Kcid

828 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page