Trong cuộc bạo động gần đây của những người ủng hộ Trump tại tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ - Capitol Building ở Washington vào tháng 1 năm 2021, những hình ảnh ghi lại phác họa lên một nhân vật cởi trần, mặt sơn ba màu đỏ, trắng, xanh và đội trên đầu một cái mũ lông dài với hai cái sừng nhọn chỉa lên trên. Ngay lập tức, Twitter rộ lên các tin đăng đùa cợt rằng frontman Jay Kay của ban nhạc Jamiroquai đến từ Anh Quốc chính là người tham gia vào cuộc bạo động này ở Mỹ.
Tôi khi mới nhìn hình cũng phải giật mình vì sự tương đồng với cái hình bìa đĩa của mấy album đầu tiên và phong cách đội mũ to tổ chảng của Jay Kay, tựa như kiểu dáng mũ mới mà anh mới cho vào bộ sưu tập “nón” của mình vậy.
Quay về thời năm 1996, khi chiếc tivi nhà tôi chẳng may bắt sóng được kênh MTV nước ngoài của nhà hàng xóm, tôi suốt ngày nghiền ngẫm các bài nhạc mới phát trên đó. Trong đó có một bản video mà tôi vẫn ấn tượng cho đến giờ.
Trong một căn phòng màu trắng, chỉ có hai chiếc ghế da màu đen, anh ca sĩ đội cái mũ lông đen xì to oạch trên đầu, xuất hiện một mình vừa hát vừa nhảy trên nền nhạc piano chủ đạo. Dị cái là ngoài cái mũ kia, trông khuôn mặt anh này không đủ nhễ nhại bơ phờ như một alternative band như Oasis, nhưng vẫn râu ria kém sạch sẽ tinh tươm như một boyband nhạc Pop, ở thời điểm nếu không phải mấy band Britpop thì sẽ là Backstreet Boys và Spice Girls thống trị làng nhạc. Rồi những động tác nhảy uốn éo trong căn phòng trên sàn nhà hẳn có bánh trượt để anh ca sĩ có thể di chuyển mà không cần bước chân, và chiếc ghế da lúc đứng yên, lúc trượt theo cùng, ảo diệu và ngược hẳn với những định luật vật lý, đúng như tên bài hát “Virtual Insanity” và album Travelling Without Moving (tạm dịch “Di chuyển mà không cần cử động”). Hình ảnh đó cũng ảo diệu như thứ nhạc mà tôi lúc đó chỉ biết là nó không phải là nhạc Pop hay Rock gì hết. Trên cái nền piano rải các hợp âm nhẹ nhàng nhưng lạ tai, bài hát có một giai điệu vô cùng hay của nghệ sĩ có cái tên lạ mắt – Jamiroquai.
Bản “Virtual Insanity” này được chiếu trên sóng MTV nhiều đến độ thứ nhạc mà sau này tôi biết nó là Funk kết hợp Jazz không phải dễ nghe này. Tuy vậy Jamiroquai lại có được thành công thương mại lớn, đến độ ban nhạc đã trở thành Top 3 những nghệ sĩ thành công nhất nước Anh ở thập niên 90 mà không hề chơi loại nhạc có chữ “Pop” hay “Britpop” trong đó. Dù không giữ được sự ổn định về thành công thương mại tại nước Mỹ, nhưng sức ảnh hưởng của Jamiroquai ở đây vẫn lớn tới mức Tyler, the Creator, SZA, Anderson .Paak, Pharrell Williams đều nhắc tới ban nhạc như một nguồn cảm hứng cho âm nhạc, và đến cả cây đại thụ như Quincy Jones và Maurice White ở Earth, Wind And Fire cũng phải khen ngợi.
Âm nhạc của Jamiroquai thực tế hay và đa dạng hơn cả cái bóng quá lớn của bài “Virtual Insanity”, và Jay Kay – anh ca sĩ có nhiều kiểu dáng mũ hơn mỗi cái mũ giống ống khói đen chùm đầu kia.
Trong album đầu tay Emergency On Planet Earth (1993), Jay Kay theo phong cách nhạc Acid Jazz, là tổ hợp của các yếu tố từ nhạc Funk, Soul và dĩ nhiên Jazz. Bị hạn chế bởi khả năng chơi nhạc cụ, cách để Jay sáng tác nhạc là anh phải ngâm nga giai điệu của một số nhạc cụ chính hoặc giai điệu hát. Người đồng hành sáng tác cùng với anh là Toby Smith – chơi keyboard cho ban nhạc Jamiroquai, sẽ từ đó mò ra được chuỗi hợp âm, và có thể phát triển tiếp hoặc gợi ý cho Jay.
Có thể nói Jay Kay là đại diện của ban nhạc Jamiroquai khi anh hầu như chỉ xuất hiện trên bìa đĩa hoặc video clip, và cũng là linh hồn của ban nhạc vì nó được lập ra bởi anh và gần như tất cả các bài đều do Jay sáng tác. Thế nhưng âm thanh funky tuyệt hay của Jamiroquai chắc chắn không thể thành hình nếu thiếu những thành viên tài năng trong ban nhạc. Đó là lý do Jamiroquai cũng là ban nhạc hiếm thấy có hẳn một thành viên - Wallis Buchanan chỉ chơi đúng didgeridoo – một loại nhạc cụ hơi do bộ lạc ở Úc sáng tạo ra. Cái tiếng “ì oèng” như âm thanh của drone của loại nhạc cụ này có thể nghe ở đoạn đầu bài “When You Gonna Learn?” hoặc chủ đạo trong bản instrumental “Didgin’ Out”. Dĩ nhiên, sự hạn chế của loại nhạc cụ khó chơi với âm sắc khác thường này chỉ là một loại gia vị khác lạ cho nhạc của Jamiroquai khi thứ nhạc funky này đòi hỏi nhiều nhạc cụ khác trong bài.
Với album đầu tay Emergency On Planet Earth (1993), Jay Kay xuất hiện với cái mũ lông dầy và to như một cái nồi úp lên đầu. Nó màu đen sì trong video “When You Gonna Learn?”, “Too Young To Die”, và “Emergency On Planet Earth” nhưng có hai màu sáng và tối trong video “Blow Your Mind”. Tôi cũng không rõ ý nghĩa của cái mũ mà Jay đội, ngoài cái đai quanh chiếc mũ nhìn gợi tới hình ảnh của dân tộc thiểu số bản địa, có vẻ như phong cách retro quay ngược về quá khứ của âm nhạc của Jamiroquai vậy. Vì lẽ đó bài “Blow Your Mind” là một ví dụ của màu sắc nhạc và cả chính phong cách hát cao nhẹ giống với Stevie Wonder, điều mà Jay bị một nhà phê bình chê bai chuyện “bắt chước” đó. Tôi thì không bận tâm tới điều đó, vì nhạc của Jamiroquai mà Jay làm nó funky nhiều hơn soul của Stevie, và giọng của Jay cũng mỏng hơn chất giọng cao mà ngọt của cây đại thụ kia. Bù lại, chính phong cách của Jay và ban nhạc, cố tình thể hiện rõ sự ảnh hưởng từ quá khứ mới là cái nên trân trọng nỗ lực của họ. Và nói thật, nó nghe rất hay!
Tới album thứ hai The Return Of The Space Cowboy (1994), không phải là đĩa nhạc ưa thích nhất của tôi với ban nhạc này, âm sắc jazzy khó nghe hơn nổi lên làm chủ đạo. Nhưng bù lại, nhờ album này mà được thưởng thức những phần trình diễn bass tuyệt đỉnh của một trong những thành viên quan trọng của ban nhạc – Stuart Zender. Ở bản original “Space Cowboy”, Stuart có phần trình diễn slap bass tuyệt hay mà cụ tổ Larry Graham của Sly And The Family Stone từng sáng tạo ra. Không chỉ thế, Stuart là thành tố chính cho ban nhạc khi mang tới những câu bass có giai điệu ấn tượng cùng nhịp điêu funky, thứ không thể thiếu được trong công thức nhạc Funk và là phần xương sống cho nhạc của Jamiroquai. Một loạt những bài cụ thể trong album thứ hai này có được màu sắc sống động hơn đều nhờ anh, bập bùng ở “Stillness In Time”, bay bổng cùng giọng của Jay trong “Manifest Destiny”.
Với album The Return Of The Space Cowboy, Jay Kay đổi sang đội mũ len vừa vặn chụp lên hộp sọ của anh, kéo dài che đôi tai. Cũng không rõ sao anh đổi sang kiểu mũ này, nó cũng không đặc biệt lắm, nhưng đủ để Jay được một phần giấu mình dưới chiếc mũ đó, và cũng đế giữ ấm cho anh trong mấy video clip quay trong tuyết phủ trắng của “Stillness In Time” và “Light Years”.
Rồi, đến album thứ ba Travelling Without Moving (1996), album đã mang lại thành công thương mại lớn cho Jamiroquai, đặc biệt nhờ chính hit single “Virtual Insanity” kể trên. Với con số 11 triệu bản toàn cầu, đĩa này lập kỷ lục là album nhạc Funk bán chạy nhất mọi thời đại. Âm nhạc của nó vì thế cũng “dễ” nghe hơn đĩa trước nhiều, nhờ vẫn thứ nhạc funky đó, nhưng nó soulful hơn và giai điệu bài hát được Jay Kay sáng tác nghe vào tai hơn nhiều. Âm thanh soulful đó được tôn nhiều từ âm thanh keyboard của Toby Smith – người sẽ là thiếu sót nếu không nói kỹ hơn về anh khi Tobby đã đồng hành sáng tác chính với Jay từ những ngày đầu cho đến thời phát hành đĩa thứ năm - A Funk Odyssey (2001). Ngoài phần piano đặc trưng không lẫn đi đâu được mà anh viết cho “Virtual Insanity”, những phần thể hiện âm sắc lung linh như trong “Everyday”, sâu lắng như “Spend A Lifetime”, bay bổng trong nhạc Space Disco với màu sắc Psychedelic tuyệt hay trong “Cosmic Girls”. Nhạc của Toby chơi từ trước khi gia nhập Jamiroquai những ngày đầu đã luôn hợp với Jay, nhờ thứ funky sound phải có giai điệu, trên nền nhạc nhiều hợp âm thứ 9.
Như đã nói trên chiếc mũ mà Jay Kay đội trong thời kỳ này là mũ đen cao to như cái ống khói chụp lên đầu trong bài “Virtual Insanity” và “Alright”. Cái mũ to dài này có lẽ là ấn tượng nhất trong bộ sưu tập mũ của Jay. Nó giúp cho những động tác nhảy của anh có phần tăng tính tượng hình khi anh uốn éo cái đầu. Đã thế, vành mũ rộng tạo một khoảng bóng lên khuôn mặt, che phần mắt của Jay, càng che đi diện mạo khuôn mặt một cách đáng kể, đúng mục đích của anh ca sĩ này.
Sau album Travelling Without Moving này, mấy thành viên cốt cán như Stuart Zender và Toby Smith lần lượt rời khỏi ban nhạc, phần vì sự mâu thuẫn trong cái tôi giữa Jay và Stuart, phần vì lý do cá nhân gia đình như Toby – mới mất cũng không lâu vào năm 2017 vì căn bệnh ung thư.
Có những người vẫn tiếc nuối thời kỳ đầu của một band jam với nhau một cách đúng nghĩa như cái tên Jamiroquai khi các thành viên đều có những tiếng nói nhất định dưới sự chỉ đạo định hướng của Jay. Dù vậy, đến sau này, tôi vẫn thấy Jamiroquai làm ra những album nhạc hay tương đương giai đoạn đầu này, đặc biệt với A Funk Odyssey (2001), Dynamite (2005) hay Rock Dust Light Star (2010). Cái âm thanh điện tử Disco nhiều hơn mà Jay Kay sáng tác ra vẫn giữ được sự funky không lệch đâu của Jamiroquai. Quan trọng nhất là cách sáng tác nhạc có giai điệu trong phần vocal, thứ có thể đôi lúc bị nhịp điệu đầy sôi sục của nhạc Funk lấn át, mà Jay có thể cân bằng được chính là tài năng của anh chàng này. Chất giọng của Jay có thể hợp người này, không hợp người kia do thứ âm sắc mỏng cao, không hẳn ra giọng nam hay giọng nữ, mà cũng lại không thiên về giọng người da trắng hay da màu, nhưng tổng hợp lại nó hòa chung với âm nhạc đa dạng của nhiều nhạc cụ khác nhau được Jay đưa vào: trống, bộ gõ, bass, guitar, keyboard, saxophone, sáo, trombone, trumpet và dĩ nhiên nhạc cụ khí didgeridoo kể trên.
Các chiếc mũ của Jay cũng vì thế mà phát triển không ngừng, từ chiếc mũ lông có gắn các cánh sáng như kim loại gần giống mũ của bộ lạc người da đỏ mang phong cách “phục cổ”, đến cái mũ nhiều cánh trên đầu, thậm chí phát sáng được, mang phong cách “vị lai”. Có điều, hiếm lắm ta mới thấy Jay đội lên đầu chiếc mũ len có 2 cái sửng chỉa như hình bìa quá đặc trưng mà đến bây giờ, khi xem buổi bạo động của nhân vật có chiếc mũ gắn sừng đó, người ta liên tưởng ngay tới Jamiroquai và Jay Kay, dù là hầu như anh chẳng đội nó mấy bao giờ. Chính cái phong cách thời trang gây ấn tượng của những chiếc mũ đã bỗng dưng trở thành một nhận diện thương hiệu cho ban nhạc, khiến Jay hay được nhắc tới như “chú mèo đội mũ” (“Cat in the hat”). Với tôi, âm nhạc luôn là điều quan trọng nhất của nghệ sĩ, trước khi đến với phong cách ăn mặc, thời trang. Nhưng phải nói là thứ nhạc Acid Jazz funky của Jamiroquai chắc khó nổi tiếng được nếu không có những chiếc mũ to oạch “đi vào lòng người” của anh ca sĩ và thủ lĩnh ban nhạc này. Thế nên hình ảnh trong video clip “Virtual Insanity” đó đã đi vào ký ức của bất kỳ ai xem MTV thời những năm của thập niên 90, và nhớ tới ban nhạc một cách sâu sắc, ngang ngửa như mấy video của các boyband/girlband. Bởi vì quan trọng là, đằng sau nó vẫn là thứ âm nhạc Funk bất tử.
Hẹn gặp lại!
Kroon
Comments