top of page

Nightwish: chiến thắng lời nguyền Power Metal

Updated: Sep 18

Xưa có một ban nhạc chơi Power Metal (chính là cái thể loại metal “mang tiếng” chuyên hát về những điều hư ảo đẹp đẽ đó), đã bỏ ra đến 250 ngàn Euro để thu âm cho album Once 2004 của họ để đổi lấy một vị trí coi được trên bảng xếp hạng. Album này sau bán được tới 2 triệu bản và đưa họ tới tour lưu diễn hoành tráng vòng quanh thế giới mang tên Once Upon a Tour, trước khi Nightwish sa thải luôn ca sĩ chính của họ, Tarja Turunen, vào ngày cuối cùng của tour lưu diễn.


Bức thư sa thải thì mang những lời lẽ không còn nể nang gì nhau - trong đó có đoạn:


“Bọn tôi chưa bao giờ lăn tăn việc cô không tham gia viết và dựng bài, mà trong suốt 9 năm cô chỉ tới tập ngay trước khi vào phòng thu. Bọn tôi cũng không phiền vụ cô lúc nào cũng đòi đi máy bay. Bọn tôi thấy không ổn với sự tham lam, coi thường fan, và không giữ lời hứa. Một ví dụ rõ nhất là trong show đã bán sạch vé ở Oslo, cô muốn hủy show vì cô bận tập cho buổi biểu diễn solo của mình, lẫn đi gặp bạn bè và xem phim. Chỉ là một trong rất nhiều lần như thế…“


Dù bản thân tôi không phải là người hâm mộ giọng hát opera "cứng như trứng" của cô Tarja này đến thế, thì việc 4 ông trong ban nhạc hùa nhau ký bức thư đẩy cô ca sĩ ra khỏi band như vậy muốn hay không cũng khiến các khán giả của họ thấy chạnh lòng.


Nếu như bạn chưa từng nghe tới thể loại Power Metal, thì xin thưa đó là thể loại bị dè bỉu nhiều nhất trong tất cả các thể loại của Metal. Thậm chí nó còn bị ghét hơn cả Nu Metal hay Metalcore. Đó là một thể loại nhánh của Heavy Metal pha trộn giữa Heavy Metal với tốc độ và đôi lúc có thêm phần giao hưởng hoành tráng. Nội dung của Power Metal thì nôm na là về rồng và kiếm, nên nhạc nhẽo lúc nào cũng hưng phấn và khích lệ tinh thần, thứ mà chắc chắn là tương phản với những món nặng và ai oán như kiểu của Death Metal.


Chắc sẽ không quá khó hiểu khi ở một đất nước nơi tất cả mọi người đều được trao quyền tự do thể hiện sức mạnh như nước Mỹ, Power Metal sẽ không có chỗ đứng ở đây. Ai mà cần sự khích lệ nữa trong khi Power Metal không có đủ cái sự tàn bạo và kích thích như những thể loại được ưa chuộng ở đây. Xem ra cái sự coi nhẹ thể loại này cũng có cùng một lý do mà Iron Maiden hay NWOBHM đã từng không thể vào được thị trường Mỹ.


Nhưng ngược lại, ở phần còn lại của thế giới: Châu Âu, Nhật Bản, Nam Mỹ, và Đông Nam Á nhỏ bé – Power Metal luôn có một vị trí trang trọng trong các thể loại âm nhạc nặng. Có lẽ ngoại trừ Châu Âu, những nơi còn lại đều là những chỗ con người cần được động viên khích lệ hơn cả.


Ai đã từng có một lần bị cuốn hút bởi Power Metal, thì hầu như cũng đều có ít nhất một lần rời bỏ nó. Bởi vì ngoài thứ phần nhạc giàu giai điệu catchy và sự hừng hực khí thế khiến chúng ta phải giương cánh tay lên, nhắm mắt lại và ngân nga theo, Power Metal chưa bao giờ có ý định đi sâu vào những thứ mang tính cá nhân và ẩn ý. Hoặc có thể họ đã có ngụ ý đó khi hát về rồng và kiếm, nhưng có vẻ nó hãy còn quá xa vời với những điều nhỏ nhặt hàng ngày. Thứ âm nhạc giàu tốc độ và kỹ thuật của Power Metal cũng là một lý do khiến cho khán giả của thể loại này khó tiếp cận hơn khi không nhiều người có thể dễ dàng tập và chơi được theo. Có lẽ đó cũng là lý do mà Death Metal bỗng tìm ra cách len lỏi và trở nên thật gần gũi với rất nhiều người sau khi rời bỏ Power Metal, bởi những khía cạnh chân thực và khẩn thiết trong lời lẽ cùng những câu riff ở tốc độ chậm nhưng ngầu bỗng thân thiện hơn rất nhiều. Số những người còn lại đã từng bỏ Power Metal, tôi nghĩ có lẽ thậm chí đã chẳng buồn quay lại nghe nhạc Rock.


Vậy nên màn chia tay của Nightwish với nữ ca sĩ Tarja Turunen, người đã giúp Nightwish tạo ra cá tính của họ giữa hằng hà sa số các Power Metal band na ná nhau, xem ra đã là cái kết cho ban nhạc vốn đã chơi thể loại nhạc yểu mệnh này.


Nhưng gần 2 thập kỷ sau, Nightwish vẫn đang sừng sững là một trong những ban nhạc metal lớn nhất thế giới và trở thành headliner cho những lễ hội âm nhạc đình đám khắp châu Âu như Wacken.


Tôi cũng sẽ phải thú nhận rằng tôi đã không còn để ý đến Nightwish cho đến khi Steve Harris đã gọi Nightwish là những người có thể tiếp bước Iron Maiden. Hẳn không phải là một sự tán dương cho phải phép lịch sự, vì xem ra Nightwish đã làm ra được một thứ âm nhạc chất lượng và thu hút được nhiều đối tượng khán giả.


Thành lập bởi nhà soạn nhạc chơi keyboard Tuomas Holopainen và tay guitar Emppu Vuorinen, Nightwish vốn dự tính sẽ trở thành ban nhạc chơi Folk Rock và acoustic trước khi sự tham gia của ca sĩ được đào tạo bài bản là Tarja Turunen và tay trống cự phách Jukka Nevalainen đã khiến Tuomas phải thay đổi suy nghĩ để chơi một thứ nhạc Metal giàu âm hưởng của nhạc giao hưởng thính phòng. Khi bắt đầu, Nightwish có vẻ giống một band như Avantasia với ca sĩ chính là nữ vì họ có khá nhiều phần dây và guitar không được dày đặc như những band Power Metal truyền thống khác – họ cũng kể về những câu chuyện về nơi hoang đường nhưng đẹp đẽ.


Cho đến khi dòng nhạc Power Metal mất dần sự hào nhoáng của nó và các band của họ đều phải thay đổi: Blind Guardian chuyển qua hát Death cho sâu sắc, Sonata Antarctica cũng không còn làm những thứ âm nhạc với giai điệu catchy, còn Rhapsody thì vẫn loay hoay xào đi xào lại vài ba ý tưởng xuất sắc ban đầu trong khi khán giả cũng không hiểu họ đang hát gì lắm. Tự nhiên những lý do tại sao Power Metal không thể phổ biến hơn bốc chốc tự được phơi bày. Đó là những lời lẽ khi ép vào giai điệu bỗng trở nên khó nghe và khó hiểu cho tất cả mọi người. Những câu chuyện bỗng trở nên xa vời và phần giai điệu catchy bỗng trở thành sự vô tư thiếu sâu sắc. Các ban nhạc Power Metal cũng thường thiếu một tay chơi nhạc virtuoso, người có thể thu hút ánh sáng của sân khấu cũng như dùng những kỹ xảo của mình để thuyết phục khán giả về thứ âm nhạc mà họ mang tới. Hãy nhìn Alexi Laiho, kẻ có lẽ là người đầu tiên phá vỡ được cái ý niệm đó và cũng là một virtuoso ít ỏi đến từ cái thế giới này, để thấy cách khán giả đón nhận Children of Bodom mới thật khác biệt làm sao.


Bên cạnh đó, khán giả cũng không mấy khi được tận hưởng đầy đủ thứ âm nhạc hoành tráng đó khi đi xem họ diễn live. Có quá nhiều trở ngại cho tốc độ, lớp lang của thứ âm thanh “thính phòng” của Power Metal. Những sân khấu nhỏ thì lại càng tệ hơn, khi chỉ cần một chút sơ sót trong đạo diễn, tiếng chân bass đôi của giàn trống có thể đã bung đầy và che mờ hết phần trình diễn guitar đôi loang loáng đòi hỏi sự chính xác cầu kỳ. Nhưng làm sao để các band Power Metal có thể diễn ở những sân khấu lớn và để khán giả của họ có thể cảm nhận được thứ âm thanh kỳ vĩ của họ, khi mà càng ngày càng có ít người dõi theo thể loại này?


Dường như Nightwish đã hóa giải được những thách thức này.


Tuomas Holopainen thay vì tìm kiếm một nữ ca sĩ Opera khác, đã chọn Anette Olzon, một nữ ca sĩ có phong cách thiên về Pop hơn. Tuomas cũng không tiếc tiền của khi bỏ ra tới 500 ngàn Euro để thu album tiếp theo, The Dark Passion Play (2007) cộng với thêm 300 ngàn Euro để quay video clip quảng bá. Tính ra album này đã ngốn của Nightwish cả triệu Mỹ kim, nhưng những thử nghiệm trong đó về những bài hát ngắn và dễ tiếp cận hơn, cũng như những âm hưởng được kết hợp từ âm nhạc phương đông lẫn nhạc Folk của dân Celtic cũng đã khiến cho The Dark Passion Play đến được tới nhiều khán giả hơn.


Bằng chứng là có người biết tới Nightwish từ thời thịnh của Opera Rock với Tarja Turunencos, người thì biết tới họ từ nhạc phim như bản “When Your Lips Are Red”, cũng có fan hâm mộ họ từ bản phối “Phantom of the Opera” màu sắc Metal. Thậm chí có kẻ biết đến họ vì chơi game online. Chính tôi đây vẫn còn nhớ có lần vào những năm 2010, được một người bạn là dân bản địa Malaysia chở trên xe đi vòng vèo qua những đồi núi xanh mát với bản “Erämaan Viimeinen” mở lớn; không thể phù hợp hơn với khung cảnh.


“Bồ tèo cũng thích metal à?”, tôi thắc mắc. “Tao thích chơi game online – bài này trong game”, bạn đáp.


Khoảng thời gian cùng Anette Olzon cũng chính là khoảng thời gian Nightwish gây được ấn tượng mạnh với Steve Harris như đã nhắc ở trên, với hai album The Dark Passion PlayImagenarium (2011) được anh này khen ngợi là ở trình độ sản xuất siêu đẳng.


Đùng cá, Holopainen sa thải Anette Olzon và thay cô này bằng một ca sĩ nữ mới toe chưa được khẳng định là Floor Jansen ngay giữa tour lưu diễn. Lại thêm một lần chia tay không êm thấm và những bình luận về việc Tuomas Holopainen là một kẻ coi thường phụ nữ đã bắt đầu xuất hiện.


Đến đây, có vẻ như Holopainen đã có trong tay đủ các quân bài cần thiết để chèo lái con thuyền Nightwish theo ý đồ của mình.


Bởi nếu suy cho cùng, một ban nhạc Rock vĩ đại sẽ được đo lường bởi điều gì? Sân khấu? Lượng khán giả? Lượng đĩa bán được? Hay sự trường tồn?


Qua hai sự thay đổi ca sĩ chính với hai cặp album ở những thái cực khác nhau giữa Power Metal và Pop Metal, Tuomas Holopainen đã giành được sân khấu lớn cho Nightwish, lượng khán giả không nhỏ, số đĩa bán được tương đối, và nay là thời cơ để anh thực hiện ý đồ lớn lao của mình. Floor Jansen chính là miếng ghép anh còn thiếu, dù rằng ở thời điểm cô được chọn vào Nightwish, không nhiều người đã nhìn ra điều đó.


Bởi nếu cứ tiếp tục theo dõi các bước đi của Hopalainen, không mấy người có thể đoán Nightwish sẽ làm gì tiếp. Anh làm nhạc phim, anh có dự án riêng Auri thu nhạc cùng vợ của mình. Tuomas Holopainen thậm chí còn viết hẳn một album lấy cảm hứng từ câu chuyện của ông Scrooge (ông bác của vịt Donald) giàu có nhưng hà tiện trong phim Disney với cái tên Music Inspired by the Life and Times of Scrooge. Những hành vi trước đó của Tuomas như đổ tiền làm đĩa hay sa thải những ca sĩ xuất sắc chỉ càng làm cho mọi thứ xung quanh Nightwish trở nên khó lường.


Nhưng album năm 2015 cùng Floor Jansen, Endless Forms Most Beautiful, đã mở ra tất cả. Nightwish rốt cục đã trình làng một thứ âm nhạc progressive đầy hào hứng và Floor Jansen đã chứng tỏ rằng cô vừa có thể hát Opera như Tarja Turunencũng như hát được những thứ mang tính cá nhân hơn như Alnette Olzon.

Avantasia, ban nhạc Power Metal hiếm hoi vẫn còn cố gắng bám trụ với cái gốc của mình như Nightwish, cũng đã dần chuyển sang viết về những thứ mang tính chất cá nhân hơn như trong album Moonglow (2019) của họ.


Hãy lấy “Elan” là một ca khúc với âm hưởng Nightwish truyền thống nhưng phần lời lẽ đã được “dọn dẹp” để trở nên gần gũi hơn, chẳng hạn như hát về những thứ như “The cliffs unjumped, cold waters untouched” để rồi sau người kể chuyện và người nghe sẽ gặp nhau ở nơi “Meet me where the cliff greets the sea”. Tôi cho rằng những ngụ ý như vậy dễ nghe và dễ hiểu hơn rồng và kiếm.


Như một cỗ máy được tút tát lại mạnh mẽ hơn, Nightwish thậm chí đã trình làng những ca khúc dài hơn đậm chất progressive như bản “Greatest Show on Earth” dài 24 phút trong album này. Ghê gớm hơn, họ nay đã có thể hiên ngang trình diễn 24 phút bản nhạc đó trước hàng ngàn khán giả mà không lo lắng mọi người sẽ mất hứng thú. Việc liên tục diễn bài này ở các show là một bằng chứng cho việc Nightwish đã tiến một bước rất dài trong việc khẳng định vị thế của họ trong những nhánh âm nhạc khó nhằn nhất.


Với việc tiếp tục thu nạp kèn thủ người Anh Troy Donockley, Holopainen tiếp tục mở rộng thế giới âm nhạc của mình với thêm nhiều màu sắc Celtic. Họ đã có một vị virtuoso đúng nghĩa trong ban nhạc của mình.


Album gần đây nhất của Nightwish, Human. :II: Nature. (2020) có cả nhạc dân ca kiểu Anh, và thậm chí có nguyên một nửa album là nhạc giao hưởng. Sự trường tồn cho một ban nhạc Rock chính là đây.


Đến bao giờ tôi mới thôi hết ngạc nhiên với những con người này?


Hẹn gặp lại!


Kcid

1,511 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page