top of page

Hiệu ứng Placebo trong âm nhạc

Tôi khá là tò mò vì cái tên Placebo của ban nhạc Anh Quốc được lập bởi hai thành viên chính: ca sĩ kiêm guitarist Brian Molko và bassist kiêm guitarist Stefan Olsdal. Trong Y học, “placebo” là một hiệu ứng áp dụng trong phương pháp điều trị y tế đánh vào tâm lý bệnh nhân. Trong phương pháp này, các loại thuốc thực tế là giả dược vì không chứa thành phần hoạt chất nào, hoàn toàn trung tính và vô hại, nhưng khi bác sĩ “đánh lừa” bệnh nhân bằng cái mác thuốc chữa trị bệnh, thì tâm lý bệnh nhân được tác động một cách tích cực sau khi uống hoặc tiêm thuốc, dẫn đến việc cơ thể tự động tiết ra endorphins – một chất giảm đau tự nhiên bên trong cơ thể, giúp người bệnh cảm thấy sức khỏe được cải thiện dù thực tế là thuốc họ được kê hoàn toàn không có tác dụng. Hiệu ứng placebo vì thế lợi dụng hiện tượng tâm lý của con người để hỗ trợ trong việc chữa bệnh một cách hiệu quả.

Quay lại với ban nhạc Placebo. Được thành lập từ năm 1994, đây có lẽ là một trong số ít ban nhạc đã trải qua rất nhiều thời kỳ biến chuyển của các dòng chảy âm nhạc, từ Grunge, Britpop đến Nu Metal. Đã có lúc họ được gán ghép với cái mác Britpop nhưng âm nhạc của band thì không như vậy, nhất là khi phong cách ăn mặc cho đến âm nhạc của Placebo thì đều đứng ngoài cách xa những xu thế của âm nhạc. Bởi thế mà ban nhạc đã sớm lọt vào mắt xanh của huyền thoại David Bowie. Bowie mời họ diễn mở màn cho ông tại các buổi biểu diễn từ những năm 1996, rồi sau đó còn diễn tại buổi tiệc sinh nhật mừng tuổi 50 của Bowie, nơi hai chàng trai trẻ Brian MolkoStefan Olsdal được diện kiến các nghệ sĩ trong làng âm nhạc như Billy Corgan (ban nhạc The Smashing Pumpkins), Robert Smith (ban nhạc The Cure) và cả Lou Reed. Placebo còn được diễn chung cùng Bowie trong một số dịp khác, và được ông ghi âm trong một version khác của ca khúc “Without You I’m Nothing” của ban nhạc.


Nhưng phải có một cái gì đó khiến một kẻ tinh tế trong âm nhạc như David Bowie lại để mắt tới hai chàng trai trong Placebo chứ?


Quay lại với hiệu ứng “placebo”, trong âm nhạc của band, tôi nhận thấy có một sự tương quan giữa cái tên và những yếu tố đánh vào tâm lý người nghe nhạc rất thú vị, những thứ mà có thể đã gây hứng thú với thính giác và thị giác của một người như Bowie và vô vàn những fan yêu mến nhạc của họ, trong đó dĩ nhiên có cả tôi.


Bài hát mà Bowie “bắt sóng” lần đầu tiên khi nghe phải nhạc của Placebo là bài “Nancy Boy” trong album đầu tiên Placebo (1996). Trong bài có đoạn lời mà Brian hát như sau:

Kind of buzz that lasts for days / Had some help from insect ways / Comes across all shy and coy / Just another nancy boy / Woman man or modern monkey / Just another happy junkie / Fifty pounds / Press my button / Going down”.


Đoạn lời này chỉ xuất hiện sau khi gần 1/3 bài trôi qua, khi trước đó người nghe cứ ngỡ về cuộc chạm mặt của nhân vật trong bài với một cô gái. Nhưng hóa ra, bài hát này là một tổng kết về các chủ đề tự do trong suy nghĩ, từ chất kích thích, nghiện ngập, tình dục cho tới song tính luyến ái.


Phần lời phía sau còn ấn tượng hơn khi Brian hát tiếp:

Does his makeup in his room / Douse himself with cheap perfume / Eyeholes in a paper bag / Greatest lay I ever had / Kind of guy who mates for life / Gotta help him find a wife / We're a couple / When our bodies double”.


Theo như lời phát biểu của chính Brian, câu “Eyeholes in a paper bag / Greatest lay I ever had” ám chỉ người mà nhân vật chính trong bài đã qua đêm cùng mang một diện mạo xấu xí đến mức phải chùm cả túi giấy lên đầu để che mặt, nhưng điều đó chẳng hề quan trọng vì cặp đôi đó đã có một cuộc mây mưa tuyệt vời.


Trong MV của bài “Nancy Boy”, phong cách trang điểm và ăn mặc của cả Brian Molko và Stefan Olsdal đều có phần nữ tính trong đó, đặc biệt với Brian, khi những hình ảnh xuất hiện trước công chúng về sau của anh ngày càng mang hơi hướng của người phụ nữ hơn. Tất cả bắt nguồn từ cảm hứng mà ban nhạc có được từ câu phát ngôn nổi tiếng của Brett Anderson – thủ lĩnh ban nhạc Suede: “Tôi là người song tính luyến ái nhưng chưa từng trải qua một mối quan hệ đồng tính nào cả”.

Brian Molko, Stefan Olsdal và David Bowie

Có thể ngầm hiểu rằng chính quan điểm phóng khoáng, và tự do trong suy nghĩ, cả về tính dục, của Placebo, đặc biệt trong bài “Nancy Boy” là thứ gây chú ý với David Bowie, người cũng đã từng thay đổi hình ảnh và trang phục mang phong cách ái nam ái nữ để thay đổi cả chính hướng đi âm nhạc của mình. Lời hát và diện mạo của Placebo hẳn là hai yếu tố có tác động mạnh đến tâm lý người nghe nhạc. Có rất nhiều người bị “cản trở” khi tiếp cận với âm nhạc của Placebo bởi yếu tố song tính luyến ái đó. Nhưng cũng lại có nhiều người lại bị thu hút bởi cái “hiệu ứng Placebo” trong thể hiện nghệ thuật, vì nó xóa mờ đi ranh giới giữa hai giới tính như một sự bày tỏ quan điểm tự do trong tư tưởng.


Với tôi, “hiệu ứng Placebo” phát huy mạnh mẽ nhất ở yếu tố thứ ba: Âm Thanh vs. Âm Nhạc.


Nhạc của Placebo được mọi người dán cái mác Alternative Rock và Glam Rock. Nhưng thực tế nó chứa đựng nhiều thành phần khác trong đó rất nhiều, có cả Industrial Rock, Gothic, Electronic, và Post-Punk Revival. Khi nghe nhạc Placebo ta có thể tìm thấy sự ảnh hưởng của David Bowie, Sonic Youth, Pixies, Depeche Mode, The CureNine Inch Nails. Giọng hát của Brian Molko cũng là chất liệu đặc trưng của Placebo nhờ giọng hát cao vút, mai mái và hơi mang âm giọng mũi, khiến tôi có liên tưởng nhiều tới Neil Tennant ở ban nhạc Pet Shop Boys.


Nhưng cái phong cách mà tôi cực ấn tượng trong âm nhạc của Placebo là cách Brian và Stefan chèn “Âm Thanh” trong đó.


“Âm Thanh” chỉ là sóng âm phát ra từ các dao động của một vật thể có khả năng đàn hồi. Nhưng với âm thanh không có tính nhạc, nó chỉ là những tiếng động không theo một trật tự đều đặn hoặc không có cao độ rõ rệt, hoặc nếu có thì cao độ đó hoàn toàn phá ngang hợp âm hay tông giọng bài hát tại thời điểm nó xuất hiện. Đôi lúc sự lấn át của nó sẽ biến thành tạp âm hay thậm chí tiếng ồn.


Trong album đầu tiên, những âm thanh lạ xuất hiện chưa nhiều. Đáng chú ý chắc có bài “I Know” với tiếng didgeridoo – một nhạc cụ tạo bởi thổ dân Úc. Gọi là nhạc cụ nhưng âm thanh nó chủ yếu là những tiếng drone ì èo như âm thanh đến từ người ngoài hành tinh.


Tới ngay album thứ hai, Without You I’m Nothing (1988), mọi việc bắt đầu khác hẳn. Ở bài đầu tiên “Pure Morning”, ngoài tiếng guitar vỡ vụn chịu ảnh hưởng của Nine Inch Nails mà Placebo sử dụng ở album này, từ nửa sau của bài, có một tiếng động rít lên rất nhẹ như được tạo bởi hai kim loại va vào nhau xuất hiện ngay sau mỗi tiếng snare, như thể âm thanh dội kéo dài mỗi nhịp 2 và 4 của bài. Trong bài “Brick Shithouse” sau đó thì tiếng guitar còn vụn nát hơn rất nhiều. Xen giữa các khuông nhạc dồn dập với tiếng bass của Stefan là những đoạn khững lại bởi loạt tạp âm từ hiệu ứng có thể đến từ cây đàn guitar, nhưng nó không rõ về cao độ nên tiếng ồn đó tạo nên tương phản cho những khúc instrumental break chèn giữa rất hay. Chậm lại với ca khúc rất hay cùng tên album – “Without You I’m Nothing”, cây bass của Stefan được chơi qua bộ phơ tè khiến mấy nốt trầm đặc bị lạc quẻ nhưng lại thành điểm nhấn khúc đầu. Cái tài trong cách chơi guitar của Brian nằm ở việc anh không cần chơi quá kỹ thuật nhưng các nốt nhạc và âm sắc của nó hòa vào nhau rất đẹp, đặc biệt với kiểu tuning ưa thích của anh là F, A#, D#, G#, C, C, vừa phù hợp với âm vực của Brian mà lại tạo ra âm sắc riêng cho Placebo. Kể cả với một track khá nhiều track guitar thu đè lên nhau, nếu để ý kỹ vẫn thưởng thức được tiếng đàn của mỗi track, nhưng lùi lại phía sau lại là một bản hòa âm tổng thể rất hay, đến độ những tạp âm như tiếng rít lên hay tiếng dội qua dội lại mà Placebo chủ đích đưa vào ở khúc cuối bài đều hợp tình hợp lý.


Có vẻ như chưa đủ thỏa mãn với âm sắc bị tàn phá của các nhạc cụ hoặc tạp âm ở đĩa trên, tới album Black Market Music (2000), tiếng guitar trong bài “Taste In Men” còn bị bóp nghẹt lại, chơi cả các nốt ngang phè trong câu riff. Có thể nói là tạp âm ở album này đặc sệt nhất trong bộ discography của Placebo, dù là về hiệu quả thì cũng không hay được như các album khác.


Ở các album khác, âm nhạc của Placebo cứ thế thể nghiệm thêm các chất liệu với các tỷ lệ thành phần khác nhau, nhiều tiếng synth, hoặc các âm thanh điện tử khác. Nhưng tiếng động hay tạp âm là vẫn còn. Dù vậy chúng không hề phân tán người nghe khỏi các giai điệu hát được Placebo sáng tác cực hay, đặc biệt ở những đoạn điệp khúc nâng người nghe tới các tầm cao mới. Có những lúc nhạc Placebo hay nhờ phần nhịp điệu được viết gây phấn chấn và không gian âm nhạc lớn, nhưng cũng không lại quá đà gây mệt mỏi như đôi lúc tôi cảm nhận từ nhạc một số band khác, ví dụ U2 hay The Killers. Phần nhiều cũng nhờ cái tài viết nên giai điệu hát trầm bổng ngọt buồn, giọng hát rất hay của Brian Molko, câu bass chơi hay hiệu quả của Stefan Olsdal lúc làm nền lúc tôn cả bài nhạc, và phần tổng thể âm nhạc dầy nhưng hòa quyện với nhau hợp lý.


Dĩ nhiên trong đó Placebo vẫn đưa các tạp âm hay âm thanh phá ngang vào. Ở album Meds (2006) thì tạp âm xuất hiện nhiều. Ví dụ như tiếng rít như xe cứu hóa cuối bài “Meds”; âm thanh như kim loại va vào nhau trong “Space Monkey”; dây đàn piano như thể bị chỉnh méo hẳn tiếng và lệch tông trong “Song To Say Goodbye”. Còn với album Battle For The Sun (2009) thì ít hơn và bị che lấp nhiều bởi giàn nhạc strings. Nếu có thì chỉ là những nốt nhạc phá đám thi thoảng lộ ra trong “Battle For The Sun”; phần guitar riff nghe trái khoáy ở đoạn bridge và outro của “The Never-Ending Why”; hoặc tiếng drone ở cuối bài “Julien”.


Gần đây, sau 9 năm vắng bóng, vào năm 2022, Brian Molko và Stefan Olsdal mới lại quay lại bằng album Never Let Me Go. Điều kỳ diệu là sau quãng thời gian dài, tay nghề làm nhạc của hai anh không hề bị mai một. Ngược lại, đĩa Never này vừa lạ lẫm, vừa thân quen, và về mặt chất lượng thì dễ dàng trong top đầu các album hay nhất của Placebo. Nó hay vẫn là nhờ những yếu tố đặc trưng mà Brian và Stefan giỏi nhất: bài hát có giai điệu trầm bổng đượm buồn, tiếng hát mềm mượt của Brian, và cách phối nhạc hiệu quả, trong đó vẫn lại chứa đựng những “âm thanh” lạ.


Trong đĩa này, các “âm thanh” không có tính nhạc xuất hiện bởi đó là một phong cách không thể thiếu của Placebo. Nó có trong nhiều bài, “Forever Chemicals”, “Hugz”, “Happy Birthday In The Sky”, “The Prodigal”, “Surrounded By Spies”, v.v. mà tôi sẽ không liệt kê hết ra đây để các bạn tự nghe và khám phá.


Có thể thấy trong nhạc của Brian Molko và Stefan Olsdal, “Âm Thanh” không có tính nhạc về bản chất như thứ thuốc giả dược, nó không mang ý nghĩa về khía cạnh nhạc, nhưng khi được sử dụng tinh tế thì nó lại trở thành những “Âm Thanh” có tính nhạc và mang lại hiệu quả cảm xúc tương đương như “Âm Nhạc” mang lại vậy. Và đó cũng chính là “Hiệu ứng Placebo” mạnh mẽ nhất mà cá nhân tôi thấy được khi nghe nhạc của Placebo!


Hẹn gặp lại!


Kink

661 views

Recent Posts

See All
bottom of page