“Heavy Metal and mullets, it’s how we were raised
Maiden and Priest were the gods we praised”
Fat Lip – Sum 41
Nếu bạn đã từng theo dõi Kcid tui trên EmoodziK, kẻ cố gắng xàm lờ những thứ từ Slayer tới Van Halen, hãy đừng thắc mắc tại sao tôi lại có những khoảnh khắc dành cho Blink-182 và Sum 41. Nếu thử gạt qua những thành kiến về Pop Punk và tận hưởng những âm thanh cuốn mang hương vị lẫn cả Rock Rap lẫn Heavy Metal, những khoảnh khắc “ngon lành” của họ có lẽ cũng mang nhiều ý tưởng âm nhạc hay ho. Khi họ vui, có lẽ ít người vui bằng.
***
Năm 2004, Sum 41 quyết định bay tới đất nước Congo xa xôi để thực hiện một bộ phim tài liệu về cuộc nội chiến ở nước này, với sự hợp tác cùng quỹ từ thiện War Child Canada. Bộ phim dự tính nói về những hậu quả từ cuộc nội chiến kéo dài đằng đẵng suốt từ năm 1998 và đã gây ra cái chết cho khoảng 3 triệu rưỡi người tới thời điểm đó. Bộ phim dự tính ghi lại hành trình đi thăm các quân nhân thiếu niên, những nạn nhân chiến tranh, và cả lực lượng gìn giữ hòa bình từ Liên Hợp Quốc. Một hành động khá là can đảm của một ban nhạc Rock tới từ một nơi khá bình yên như Canada. Và sự việc có lẽ đã đi ra ngoài dự tính của những nghĩa cử cao đẹp.
Vài ngày sau khi Sum 41 hạ cánh xuống thành phố Bukavu, xung đột từ biên giới giữa Congo và Rwanda lại bắt đầu trở nên phức tạp. Đấu súng đã nổ ra ngay gần khách sạn nơi Sum 41 trú ngụ. Đạn bay vèo vèo qua cửa kính và cả ban nhạc lẫn tùy tùng chỉ còn biết nằm rạp xuống sàn. Một trái bom thậm chí nổ ngay rất gần và cửa kính khach sạn vỡ tung tóe lẫn mọi thứ đều rung lên bần bật. Tất cả nhận ra họ có thể sẽ chết nơi đất nước xa lạ này.
May thay giữa lúc bom đạn đó đã xuất hiện một nhân viên gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc – Chuck Pelletier – người đã đứng ra chỉ huy tất cả những người còn sót lại trong khách sạn đi trốn vào một căn phòng phía sau và trấn tĩnh mọi người cho tới khi tình hình lắng xuống.
Nhưng tình hình đã không được cải thiện, và xe tăng cùng lực lượng vũ trang đã được điều tới để hộ tống những người bị kẹt lại trong khách sạn. Dưới sự điều khiển của Chuck Pelletier, từng tốp 10 người được hộ tống vào xe bọc thép, và một ngày sau, ban nhạc cùng đoàn làm phim đã tới được sân bay và trở về Toronto an toàn.
Tháng 10 năm đó, Sum 41 cho ra album có lẽ là hay nhất của họ, Chuck, lấy cái tên dành tặng cho người lính gìn giữ hòa bình đã cứu sống 45 người mắc kẹt nọ ở Congo.
Album Chuck đã được chơi như thể đó là thứ cuối cùng Sum 41 muốn được làm nếu như ngày mai họ không còn được chơi nhạc nữa. Và đó là một album nặng và lạ lẫm chưa từng có Pop Punk band nào có thể nghĩ tới. Họ đã chơi một thứ Metal đặc sệt.
***
Những người thích nghe Pop Punk hẳn không ai lạ gì cái tên Sum 41, ban nhạc thành lập năm 1996 với ca sĩ chính kiêm guitar Deryck Whibley, lead guitar Dave “Brownsound” Baksh, tay bass Jason “Cone” Mc Caslin, và tay trống Steve “Stevo 32” Jocz. Sum 41 có lẽ luôn được nhắc đến như là một phiên bản khác của Blink-182, hay nôm na là một phiên bản “con ghẻ” của Green Day lừng danh thuở nào, với lối hát hát gào thét nhấm nhẳng như chó cắn trên nền guitar 4 gam với mấy cậu trai ăn mặc theo kiểu dân California quần thụng áo thun giày ba ta nhảy tưng tưng.
Kể ra nếu Sum 41 mà tới từ California nước Mỹ thật, thì có lẽ mọi chuyện chắc lúc nào cũng vui vẻ và đều đều như cái thứ nhạc Pop Punk nhiều người thích kia.
Album Chuck dường như đã lột trần tất cả: Sum 41 không phải tới từ thủ phủ California của Pop Punk, và trong họ dường như mang dòng máu Metal nhiều hơn.
6 track đầu tiên của album này đều là những track không thể bỏ qua. Brownsound đem tới những câu riff không khác gì Thrash Metal với tiếng đàn vặn xuống chơi ở drop D đầy u tối, và mỗi khi đến lượt, anh shred và shred như muốn rách toang cây đàn của mình. Stevo-32 thì nhảy múa trên giàn trống của mình và không ngần ngại chơi cả chân bass đôi. Cone chơi bass nhanh chưa từng thấy, và Deryck Whibley, kẻ có lẽ là muốn níu kéo cái sự Pop Punk nhất cũng phải cuốn theo tốc độ kinh hồn đó khi những track như “Open Your Eyes” với ý tưởng phỏng theo bản hit “Hell Song” lừng danh trước đó, cũng phải chơi với tốc độ tăng lên chóng mặt trong album này.
“The Bitter End” thậm chí còn là một track “nhạc Mỹ lời Ca” phỏng theo bản gốc “Battery” trong album Master of Puppets của Metallica lừng danh, thứ bỗng khiến mọi người nhớ lại Brownsound cùng các đồng đội Sum 41 đã chơi lại “Master of Puppet” tuyệt vời như thế nào trong lễ trao giải của MTV dành cho Metallica không lâu trước đó.
Dĩ nhiên Sum 41 còn có nhiều những ẩn ý hơn thế.
Hẳn mọi người còn nhớ, trong soundtrack “What We’re All About” cho phim Spider Man 2 (2002), Sum 41 thậm chí còn phối hợp hoàn hảo để Kerry King lừng danh nhảy vào giữa để solo.
Và rất nhiều âm hưởng của Metal rải rác trong 2 album đầu tay của họ: All Killer No Filler (2001) có ca khúc lẩu thập cẩm “Fat Lip” với phần lời nhắc tới “Maiden và Priest là những thứ bọn tôi tôn thờ”, bản nhạc ngắn ngủn “Pain For Pleasure”, còn Does It Look Infected (2002) có quá nhiều những câu riff tuyệt vời dù chưa đủ độ chính muồi như trong album Chuck. Đó là những “Mr. Amsterdam”, “A.N.I.C”, hay “Still Waiting” mà người nghe có thể lập tức gợi nhớ tới Metallica hay Iron Maiden, dù những câu hát và cách chọn hợp âm vẫn đa phần là kiểu Pop Punk truyền thống.
Điều này đã khiến tôi rất nhiều lần phải tự hỏi, tại sao Sum 41 lại chọn Pop Punk trong khi trình độ chơi nhạc của các cây của họ vượt trội so với những gì cần cho thể loại này?
Câu trả lời có lẽ không quá phức tạp. Có bao nhiêu ban nhạc Metal từ Canada có thể thành công ở Mỹ?
Rush chắc hẳn là cái tên sẽ bật ngay ra từ mỗi người. Nhưng đằng sau họ, dường như là cả một khoảng lặng khá dài trước khi ai đó tìm thấy một band thứ hai.
Tất cả các ban nhạc từ Canada đều muốn vào được thị trường Mỹ, nhưng điều này xem ra khó hơn những người ở bên ngoài hai đất nước này thường tưởng tượng. Bởi trong khi hầu như tất cả mọi người đều nghĩ Canada có khác gì Mỹ đâu, thì hóa ra sự thật lại không phải vậy. Buffalo có lẽ là thành phố duy nhất ở Mỹ có phong cách giống Canada, còn phần còn lại của nước Mỹ đều thấy những gì hát về Canada đều thật lạ lẫm.
Mọi người thường nhìn thấy số nhỏ những người đã thành danh như Alanis Morissette hay Celine Dion, nhưng có những band cực kỳ đình đám ở Canada như Spirit of the West, Ron Hawkins, hay The Tea Party chỉ có thể đánh chiếm được tới Buffalo, và rồi ngậm ngùi rút về Canada. The Tragically Hip, ban nhạc có lẽ là được yêu mến số 1 ở Canada và thậm chí còn khiến thủ tướng Trudeo phải khóc nức nở trên truyền hình khi nghe tin ca sĩ chính Gord Downie bị chết, thì có lẽ cũng hiếm hoi có thể vượt ra được khỏi Buffalo để chơi trước khoảng 100 người mỗi đêm ở những thành phố khác trên nước Mỹ. Họ có tới 9 album đạt no 1 ở Canada, nhưng chưa từng lọt vào top 100 ở Mỹ.
Các nhà đài ở Canada cũng là một yếu tố làm khó trong việc quảng bá âm nhạc của họ. Đa số các nhà đài đều thuộc về chính phủ, và thậm chí họ còn nghĩ ra một đạo luật tréo ngoe khi những gì phát trên sóng đều phải là sản phẩm nội địa. Thế nên hãy quên việc những thứ “lai căng” và ảnh hưởng từ Mỹ sẽ được phát trên sóng đi nhé.
Bị bó chặt ngay trên đất nước của mình, đã có những Hard Rock band như Slaves On Dope thậm chí đã từng rủ nhau nhập cư trái phép tới Los Angeles, cùng nhau sống trong một căn phòng 1 phòng ngủ, chỉ để chờ có được hợp đồng ghi âm của Mỹ.
Hãy nhớ, những The Weeknd, Justin Bieber, hay Drake, đều đã từng được phát hiện ra bởi người Mỹ trước khi nổi tiếng.
Có lẽ vì vậy, không có quá nhiều lựa chọn dành cho Sum 41 khi họ phải tìm một con đường thân thiện hơn bằng cách viết nhạc có lời lẽ người Mỹ có thể thấy thân quen, cũng như cách ăn mặc và những trò nghịch phá trên video trông như đám thanh niên từ California. Avril Lavigne, một người con Canada ưu tú khác, xem ra cũng đã phải tìm cho mình một con đường tương tự. Con số 5 triệu đĩa bán được trên đất Mỹ dù không thể so với những Bieber hay Weeknd, nhưng có lẽ cũng khiến khối bậc tiền bối chơi Rock từ Canada phải ganh tỵ và thèm thuồng.
Chỉ tiếc là sau Chuck, Sum 41 đã gọi thứ âm nhạc trong album này là một sự “ích kỷ”. Họ tự bêu xấu bản ngã và tài năng chơi nhạc xứng đáng của mình, và chỉ khiến cho tay lead guitar tài năng Dave Brownsound phải ra đi.
Hai album tiếp theo của Sum 41, Underclass Hero (2007) và Scream Bloody Murder (2011), với tôi đều là sự thảm hại khi hầu như tất cả đều là âm nhạc 4 gam và không còn sự bất ngờ cũng như biến chuyển trong bài hát, dù rằng khả năng viết nhạc đầy tự sự của Deryck Whibley lúc này cũng khá ổn. Dù rằng Sum 41 đã có những bước tiến để trở nên già dặn hơn những Pop Punk band khác, họ đã không thể chạm tay tới những tiềm năng mà họ có thể đạt được.
Tay trống Steve Jocz cũng đã rời Sum 41 từ sau Bloody Murder và nghe đâu anh hiện giờ đang đi bán bất động sản.
Dave Brownsound đã trở lại Sum 41 từ album 13 Voices (2013), nhưng có vẻ như tiếng nói đậm chất Pop Punk của Deryck giờ đã lấn át hoàn toàn được phần Metal.
Bạn có thể nghe playlist chỉ toàn là Metal của Sum 41 TẠI ĐÂY.
Hẹn gặp lại!
Kcid
Comentarios