top of page

Van Halen: mãi như những đứa trẻ

Updated: Jan 24, 2021

Có một sự thật phũ phàng các ông ạ, ấy là chỉ có danh hiệu Guitar Hero cho những kẻ cầm đàn sừng sỏ, chứ không có một danh hiệu Mic Champion nào dành cho những ca sĩ hay nhất. Ít nhất là tôi đây chưa từng nghe. Nhưng cái sự thật này nó cũng phũ 2 chiều các ông ạ, bởi vì hình như những cầm thủ giỏi nhất có lẽ chỉ chắc chắn có thể trở thành guitar hero với 1 trong 3 điều kiện: 1- tên là Joe Satriani, 2- tên là Steve Vai, và 3- ở trong band có ca sĩ thuộc hàng “Diva”.



Hãy nhìn Mick Jagger, Steven Tyler, và sau là Axl Rose đã gián tiếp khiến cho Keith Richards, Joe Perry, hay Slash trở thành những biểu tượng thế nào. Và thử tưởng tượng xem nếu như Edward Van Halen không có David Lee Roth.


Đã có quá nhiều bài viết và sự khen ngợi dành cho Eddie Van Halen như là nhà cách tân với cây đàn guitar khi Van Halen xuất hiện trước thế giới cùng album Van Halen (1978), cũng như những câu chuyện trường kỳ thú vị về cây đàn và âm thanh “brown sound” độc nhất của anh hay món rider không có sô cô la M&M màu nâu thiên tài. Với tôi, Van Halen là một tượng đài, nhưng khoan hãy nói về việc anh tiếp lửa từ Jimi Hendrix để tạo ra một ngành riêng cho những cầm thủ hảo hạng trong thập niên 80s và 90s (xin được dành ở phần sau của câu chuyện này), hãy thử nhìn lại một vài khía cạnh nhỏ nhặt để xem liệu chính chúng ta, những khán giả lâu nay vẫn tung hô Van Halen như là một ban nhạc huyền thoại, có thích những thứ họ tạo ra đến vậy?


Trước hết là âm nhạc. Trộm nghĩ, Van Halen trở thành một kẻ tiên phong trong một nhánh âm nhạc, hóa ra không phải hoàn toàn bởi ngón đàn điêu luyện của Edward. Hãy còn quá sớm ở thời điểm cuối thập niên 70s để chơi đàn theo kiểu độc tấu (sự nghiệp chơi instrumental rock của Joe Satriani chỉ bắt đầu nở rộ vào năm 1987). Van Halen thực ra đã quá khôn ngoan khi trở thành những kẻ tiên phong của thứ âm nhạc vui vẻ và sảng khoái, thứ âm nhạc nói về “good time”. Edward Van Halen có thể bay cao cùng ngón đàn cự phách là nhờ phần nền cực chắc từ phần rhythm cùng ông anh Alex Van HalenMichael Anthony, và quan trọng hơn cả, là khả năng viết nhạc cũng như biểu diễn xuất sắc của David Lee Roth. Đúng vậy, thế giới âm nhạc từ trước đến nay, và cả về sau nữa, đều bắt nguồn từ những ca khúc, là nơi mà khán giả dễ tìm thấy sự thưởng thức của mình trong lời lẽ và giai điệu. Có lẽ gần như không bao giờ trên đời này khán giả đại chúng tìm đến với âm nhạc vì nghe tiếng guitar chói tai.


Đáng nhẽ ra nên có một tên gọi riêng cho âm nhạc của Van Halen, party rock chẳng hạn. Đó là một thứ âm nhạc trọng sự vui vẻ và hung phấn. Đó là một thứ âm nhạc để mọi người nhảy nhót và làm những điều điên rồ. Mục tiêu của Van Halen xem ra cực kỳ đơn giản: khiến cho tất cả đám phụ nữ phải thèm khát mấy thanh niên chơi nhạc trên sân khấu kia, và khiến cho tất cả đám con trai muốn trở thành ấy gã đó (chứ không phải để trở thành Guitar Hero ?) Và những fan rock chân chính liệu có chấp nhận một thể loại mang tên party rock?


Không quá khó để nhận ra âm nhạc của Van Halen là âm nhạc dành cho biểu diễn và sân khấu lớn, là nơi tài năng vô tiền khoáng hậu của Edward Van Halen có thể làm cho hàng chục ngàn người đứng dưới rớt cằm như đang được xem những kỹ xảo điện ảnh tân kỳ nhất. Đúng vậy, những đứa trẻ cần được trông thấy Edward Van Halen trên sân khấu để có thể tự mình cầm cây đàn, thay vì chỉ nghe tứ trong chiếc đĩa nhựa trong thời buổi chưa có youtube. Đó là lý do tại sao những tay guitar như Ace Frehley lại khiến đám trẻ con phát cuồng sau khi đi xem ảnh biểu diễn đến như vậy. Còn ca sĩ chính David Lee Roth thì cực xuất sắc trong cả hai mặt trận: vừa đảm bảo giọng hát lôi cuốn và quyến rũ khi thể hiện các ca khúc của Van Halen trên đĩa, vừa bê phác họa được trọn vẹn cái không khí hừng hực của ca khúc trên sân khấu cùng những màn nhảy nhót và gây sốc khiến khán giả chưa bao giờ thiếu sự no nê khi đi xem show của Van Halen.


David Lee Roth rõ rang không phải là một giọng ca xuất sắc theo kiểu giàu kỹ thuật. Nhưng cái “lửa” và khả năng “sở hữu” bài hát, dù phần nhạc luôn được viết bởi Van Halen đã khiến cho những bài nhạc của Van Halen như được phát ra qua một “bộ kích hoạt” đặc biệt, điều mà sau khi David Lee Roth ra đi rồi, Van Halen không có lại được.


Ấy vậy mà nhớ khi bộ tứ Alex, Edward, Michael, và David mới quen nhau, David lúc đó còn chưa biết hát mấy mà chỉ giao kèo xin vào nhóm lúc này đã cứng của an hem nhà Van Halen với điều kiện sẽ đỡ việc hát giùm cho Edward lẫn bỏ tiền ra cho an hem thu nhạc “cho đã”. Với niềm vui như một đứa trẻ không còn phải học môn không thích, Edward Van Halen đồng ý ngay để dành sức tập trung cho cây đàn, trong khi cũng quên khuấy mất luôn kẻ hát hay nhất bọn thực ra là Michael Anthony. Không có gì quá khó hiểu, David Lee Roth "khôn" vậy vì vốn có gốc gác Do Thái. Điều đó cũng giải thích luôn nhà anh đó giàu sẵn, chứ không giống như ba anh còn lại vốn xuất thân từ gia đình lao động. Anh em nhà Van Halen thì thậm chí còn phải chen nhau trong một căn nhà chật chội, số phận quen thuộc dành cho những người lao động nhập cư từ châu Âu xa xôi. Và tính cách quan trọng mà David Lee Roth ăn đứt đám còn lại, ấy là sự them khát được nổi tiếng. Dĩ nhiên rồi, giàu rồi thì phải háo danh thôi.


Michael Anthony thì chắc hiền và thộn nhất. Hát thì hay nhất nhưng quanh năm chỉ toàn hát bè cho David Lee Roth, và góp phần giúp cho phần hát của Van Halen mỗi lần đi diễn trở nên dày và chắc nịch đối trọng với phần đàn của Edward. Ai chả biết các ca sĩ thường tha hồ màu mè trong phòng thu, và thường chỉ có đến lúc hát live mới dễ bị “lột trần” xem ai hay hay dở. Cái sự biểu diễn tuyệt vời của David Lee Roth, xem ra có công không nhỏ của Michael, người mà, xem ra cái sự hát bè lại thành thế mạnh để giữ vị trí trong band (người không quá nổi bật còn lại là Alex thì đương nhiên không bao giờ lo bị đá khỏi Van Halen nhờ họ của anh), vì xem ra tài năng chơi bass của anh cũng không phải dạng nổi trội.


Mà quả đúng là Michael “Anh thộn” hiền thật, vì từ hồi ra album đầu tay Van Halen khi cả bọn chưa nổi, dù Michael Anthony không đóng góp được gì mấy trong sáng tác, thì phần lời từ bản quyền vẫn luôn được chia ra làm 4 rất công bằng. Chuyện chả có gì cho đến khi album tâm huyết của Edward, 1984, bán được nhiều quá, an hem nhà Van Halen quyết định ép ông Thộn ký phụ lục hợp đồng để từ chối nhận tiền bản quyền từ đĩa đó luôn. Thế mà ông cũng ký. Từ thời album 1984, Michael Anthony (mặc dù là thành viên sáng lập ra Van Halen) tự giáng cấp trở thành nhạc công chơi thuê cho band và từ bỏ hàng triệu đô tiền lời từ bán đĩa. Kể cũng lạ.


Vô địch về “thộn” như vậy, nhưng Michael cũng chẳng ngờ người “thộn” số 2 cũng chạy theo anh một quãng không quá xa. Chính là Edward Van Halen của chúng ta, người mặc cho anh em can gián, tặng không cho Michael Jackson khúc solo đình đám trong “Beat It” mà không cần lấy credit trong đĩa. Chuyện nào ra chuyên đó chớ, vì an hem đều biết MJ dưới bàn tay của Quincy Jones sẽ có thể bán được nhiều đĩa như thế nào, chỉ để nhận được câu trả lời gọn lỏn của EVH “nhưng tớ yêu quý Michael lắm”. Chả phải nói thì ai cũng biết “Beat It” và Thriller 1982 bán được nhiều thế nào, và tặc lưỡi trước số tiền đáng nhẽ chạy vào túi Edward mỗi năm.


Thế đâm ra nhìn vào bộ tứ Van Halen, xem ra mọi thứ cũng khá cân bằng: hai ông thộn (Edward và Michael) chơi với hai ông cáo già (Alex và David). Hai ông có tài năng âm nhạc xuất chúng (Edward và David) kết hợp cùng hai ông cần cù bù nhiều thứ (Alex và Michael). Chỉ có tính khí trẻ con thì cả 4 ông đều không ai có thể nhường nhau.

Alex Van Halen khá "chật vật" trong mấy bài nhịp lẻ thế này


Đúng đấy, mấy thanh niên Van Halen lặng lẽ chào hàng với thế giới bằng album đầu tay đầy sức nặng cùng tên vào năm 1976, và khi lần đầu tiên band có cơ hội đi diễn cùng các tên tuổi lớn (lúc ấy mới chỉ được đánh khởi động cho Journey và Montrose), họ lập tức diện ngay trang phục chơi nhất có thể: mấy đôi giày cao gót của KISS.


Hãy cứ việc đấm tôi một phát nếu bạn cũng cảm thấy choáng với vụ này, bởi cứ cho là các thành viên của Van Halen có yêu quý KISS đến mấy đi, thì bình sinh họ vốn là một “party band”, và một ban nhạc guitar-rock, chứ không phải một gánh xiếc như KISS. Tin tôi đi, mấy người đi diễn cùng hẳn còn choáng hơn bởi vì cả hai ngôi sao sáng nhất trong thời đó là Edward và David đều được biết đến là những gã nhảy nhót điên loạn trên sân khấu. Vầng, trên mấy đôi giày đế xuồng.


Cũng may là không mất quá nhiều thời gian (và sự tự ái) để Van Halen dẹp bỏ đám giày cao gót và trở lại với giày thể thao và những màn nhảy cắt kéo từ trên giàn trống kinh điển của David Lee Roth. Chậm mà chắc, album Van Halen dần đạt Gold và Platinum, và khán giả khắp nơi bắt đầu không thể cưỡng nổi những màn trình diễn "để đời" của Van Halen. Ở bên ngoài, mấy tay này say mèm trong thuốc và rượu. Nhưng ở trên sân khấu, họ luôn đem đến 100% cho khán giả, và quan trọng hơn cả với một ban nhạc rock có tay guitar chủ đạo: những màn trình diễn trên sân khấu của họ sẽ không đêm nào giống đêm nào. Nó đem lại cảm giác “độc nhất vô nhị” cho những nhóm khán giả của mối đêm diễn.


Tour liên miên và thường chỉ dừng 2 tuần để thu đĩa, không quá khó để dự đoán những album tiếp theo của Van Halen tiếp tục bán được hàng triệu đĩa, nhưng chất lượng thì không thể đạt mức kinh điển. Van Halen II (1979), Women and Children First (1980), Fair Warning (1982) và cả khi Van Halen đã cạn kiệt sức sáng tạo phải cho ra album cover Diver Down (1983), tất cả đều đạt Platinum như một sự đảm bảo.

Fair Warning - Album nhiều guitarhơi khó "chấp nhận" với các fan Van Halen


Không quá khi cho rằng, Van Halen là ban nhạc lớn nhất ở thập niên lúc đó, và khán giả đã tung hô họ như những nhà tiên phong đại tài, với thể loại âm nhạc nặng và tài năng chơi guitar siêu phàm. Tất cả những thể loại mà khán giả gán cho họ, cũng như gọi họ là người truyền cảm hứng, hay những sự so sánh ít người bì kịp như với Jimi Hendrix, xem ra đều không phải là lời quá khen dành cho Edward Van Halen. Vẫn luôn với nụ cười thường trực trên môi và tinh thần lạc quan như một đứa trẻ, Van Halen liên tục viết ra những sản phẩm âm nhạc vượt lên mọi rào cản trước khi đám phê bình kịp đưa ra một rào cản, cũng như tạo ra những âm thanh vô tiền khoáng hậu từ cả những cây đàn tự chế lẫn những nhạc cụ khác. Nhìn quanh mới thấy, không có quá nhiều ban nhạc Rock nặng trong thời này dám dấn thân vào con đường xoay quanh cây guitar như Van Halen, điều mà chỉ có những tiền bối như Led Zeppelin, Black Sabbath, hay Deep Purple trước đó mới dám làm. Nhìn quanh, những đại thụ như Randy Rhoads cũng phải dần làm quen với kẻ thất thế Ozzy Osbourne, còn Yngwie Malmsteen cũng phải bắt đầu sự nghiệp cùng cựu ca sĩ của Rainbow là Graham Bonnet trong nhóm Alcatrazz. Sẽ còn rất lâu sau đó trong thập niên 80s để những người nghệ sĩ chơi guitar có thể được công nhận, và có lẽ thời cuối thập niên 70s, chỉ có một mình Van Halen là dấn thân vào con đường đi giữa âm nhạc đại chúng và trình diễn những kỹ xảo cùng cây đàn.


Để rồi mới thật nghiệt ngã làm sao khi đa số khán giả chúng ta chỉ là những kẻ giả dối, khi một mặt thì ca ngợi cuộc cách mạng từ cây guitar mà Edward Van Halen mang lại, nhưng mặt khác, sẽ không sẵn sàng nghe nhạc của họ ra nếu như đĩa nhạc không có nhiều phần lời hay ho và ca sĩ biết hát ra trò. Album Fair Warning (1982) của Van Halen là một ví dụ như vậy, khi David Lee Roth và nhà sản xuất Ted Templeman nhượng bộ Van Halen trước ý định làm nhạc nhiều sự thử nghiệm và mang nhiều khía cạnh “đen tối” hơn. Không còn kiểu nhạc vui vẻ và hừng hực thường thấy, album nặng về trình diễn guitar của Van Halen trầy trật để bán được tram ngàn đĩa, đến mức quản lý của Van Halen lúc đó là Noel Monk đã phải viện đến thế giới ngầm payola, một hệ thống “mua like” thời nguyên thủy, khi các hang đĩa có thể mua thời lượng phát song trên các kênh radio hàng đầu, và nhờ đó tang được lượng bán đĩa. 250 ngàn đô được tung ra để đổi lấy số đĩa bán ra lên đến con số một triệu, mặc dù Fair Warning sẽ vẫn mãi là đĩa bán chậm nhất của Van Halen. Nhưng bù lại, chuỗi kỷ lục platinum đã được chống đỡ bằng “thế giới ngầm”, và quan trọng hơn cả, đừng đánh đồng những sự ca tụng của khán giả về tài năng guitar của ai đó, kể cả anh có là thánh, với việc họ sẽ mua đĩa của anh. Khán giả quả nhiên xảo trá khi một đằng thì tung hô Edward như một vị thánh, nhưng mặt khác lại dè bỉu khi anh bắt đầu nghịch ngợm nhiều với synth trong album cực hay sau đó, 1984, và nghịch ngợm với cực nhiều synth thời hậu David Lee Roth. Coi nào, Edward Van Halen là một trong những nghệ sĩ lớn nhất trong thời đại của chúng ta, và mọi người thì tự cho mình quyền không cho phép anh tạo ra thứ âm thanh khác. Trước mắt thì, Joe Satriani sẽ vẫn phải cặm cụi đi dạy nhạc kiếm tiền còm và chờ thêm 5 năm nữa để khán giả có thể quen với âm nhạc nặng về trình diễn guitar. Âu có lẽ cũng là nhờ khả năng thay đổi thế giới của Edward Van Halen, sau khi tạo ra một loạt những phiên bản nhân bản vô tính của chính mình với mái tóc dài và khả năng quằn quại trên guitar. Đó là glam rock, và đó là bệ phóng để khán giả chợt thấy quen thuộc với cây guitar Rock hơn từ thập niên 80s.


Cũng vì thế, xin đừng bao giờ lăn tăn về việc tại sao Edward Van Halen không bao giờ ra album solo hay instrumental cho riêng mình, cũng như việc anh không bao giờ mưu cầu đi tìm những nghệ sĩ virtuoso xung quanh mình để chơi nhạc cho thỏa chí. Có lẽ, mặc dù tính cách mãi như một đứa trẻ, nhưng Van Halen có tầm nhìn vượt thời gian và hiểu hết tất cả những mâu thuẫn nghiệt ngã của ngành công nghiệp âm nhạc, vốn chỉ xoay quanh việc bán đĩa và lưu diễn. Hoặc chí ít là hầu hết những người vận hành cái ngành công nghiệp đó đều nghĩ vậy. Cũng có thể, Edward Van Halen cũng không quá khao khát phải trở thành ngôi sao nhạc Rock như David Lee Roth. Chỉ có điều chắc chắn rằng, Edward yêu cây đàn guitar như một phần của mình vậy.


Chắc không có ngôi sao nhạc Rock nào như Edward Van Halen, khi trở về khách sạn cùng cả band và ngập ngụa trong gái gú và riệu thuốc, vẫn cầm theo cây đàn. Đừng nói anh không ham mấy trò đó, Edward và David luôn là biểu tượng trong ngành đập đá cũng như đá groupie, nhưng mỗi khi tỉnh dậy, trong khi David sẽ đi tìm đá bất cứ ai phái yếu biết cử động trong tầm mắt, thì Edward tay lại cứ phải mò đàn. Đến mức có lần Edward đã khóc tu tu gọi điện cho quản lý Noel của mình để bắt đền, chỉ vì đang chơi đàn thì ông anh Alex mang gái vào phòng đ ingang qua lỡ chân đạp gãy mất.


Mà khổ cái, Edward khóc vì hỏng đàn một, thì hóa ra anh khóc vì đau tay mười. Chớ sao, giận thằng anh làm gãy đàn ráp mãi lại không được, Edward đã đấm tay vào tường mà quên rằng tay nghệ sĩ tapping không phải lúc nào cũng cứng nhất. Một loạt show của Van Halen đã phải hủy sau đó.


Sau khi thu xếp để có thể dành ra nhiều hơn 2 tuần thu đĩa theo thói quen, quả nhiên Van Halen đã có thể cho ra album hay nhất của họ, 1984, cũng là thời điểm David rời nhóm vì không muốn phải đấu tranh về sáng tạo nghệ thuật với Edward nữa. Van Halen vẫn tiếp tục cùng Sammy Haggar sau đó, với một thứ âm nhạc hóa ra còn Pop hơn thời David Lee Roth.


Nhưng ai mà quan tâm chớ, bởi từ nửa sau thập niên 80s, tất cả thế giới đều biết họ sẽ nhận được gì từ Van Halen, kể cả đó là album trên chiếc đĩa nhựa hay những màn trình diễn như dành riêng cho chính họ. Tính ra, chỉ trong vòng hơn 7 năm, Van Halen đã đi vào lịch sử âm nhạc với tốc độ chắc chắn nhanh hơn đa số các ban nhạc Rock trên trái đất này.


Và vẫn luôn còn đó, mỗi khi Edward xuất hiện trước công chúng, thì y như rằng là cùng cây đàn guitar. Và mỗi khi có “đồ chơi” trong tay rồi, ta luôn thấy Van Halen thường trực nụ cười như một đứa trẻ. Kể cả khi band của anh có trở thành "Van Hagar" như các fan vẫn dè bỉu hay dù có xuống tận đáy của sự thành công như với Van Halen III lạ hoắc đi nữa.


Đứa trẻ ấy đã một tay thay đổi cả lịch sử nhạc Rock.


R.I.P.


Kcid

1,618 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page