top of page

Nghệ thuật hip hop của Kendrick Lamar

Updated: Oct 11, 2021

Năm ngoái 2018, một sự kiện chưa từng xảy ra trong lịch sử âm nhạc đại chúng từ trước đến nay là việc Kendrick Lamar được nhận giải Pulitzer cho album DAMN.


Không ai có thể phủ nhận cái tên Kendrick Lamar đã trở nên quá phổ biến trong giới âm nhạc nói chung và dòng hip hop nói riêng. Thế nhưng không ai ngờ được giải Pulitzer lại được trao cho một nghệ sĩ hip hop, một giải mà trước nay chưa có nghệ sĩ hay nhạc sĩ nào ngoài thể loại nhạc cổ điển và jazz đạt được tức là kể cả Bob Dylan, Stevie Wonder, hay những nghệ sĩ gạo cội khác đều chưa có được.

Và khi DAMN được xướng tên ở giải Pulitzer, đã có rất nhiều người phản đối vì giải thưởng vốn dành cho dòng nhạc đại chúng nay lại dành cho hip hop, thứ nhạc mà nhiều người định kiến coi là chỉ cổ xuý cho bạo lực và tệ nạn xã hội. 

Tuy nhiên cái họ không nhận ra là ở những nghệ sĩ thực thụ như Kendrick Lamar, họ cũng phải dành hết tâm huyết trong thời gian dài để tạo ra tác phẩm nghệ thuật, không thua gì những thể loại nhạc khác.

Giải thích cho kết quả khá là gây tranh cãi này, hội đồng chấm giải đưa ra đánh giá như sau: “Album này là tổng hợp các bài rap mang trình độ kỹ thuật cao được gắn kết bằng tính chân thực của ngôn từ và sự linh hoạt trong nhịp điệu để viết nên một tác phẩm âm nhạc đầy cảm xúc về những phức tạp trong cuộc sống của người da màu tại Mỹ”.

Vậy chúng ta cùng nhìn lại xem lời đánh giá của hội đồng Pulitzer cho album DAMN chính xác nhường nào.

1. Chân thực của ngôn từ Ngay từ bài DNA, Kendrick tấn công lại lời tố cáo của Geraldo bên đài truyền hình Fox khi hắn ta tuyên bố rằng nhạc hip hop ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ Mỹ gốc Phi hơn là nạn phân biệt chủng tộc. Kendrick thẳng thừng nêu bật những góc cạnh trong cuộc sống của người da màu phải vật lộn đấu tranh ở ngay tại nước Mỹ, tất cả những điều kể cả tốt lẫn xấu anh đều chứng kiến và nó nằm trong dòng máu và gen của dân tộc anh “I know murder, conviction/Burners, boosters, burglars, ballers, dead, redemption/Scholars, fathers dead with kids.


Bài Element sau đó được Kendrick nhắm tới những kẻ coi thường anh và khẳng định vị trí đỉnh cao của anh trong giới nhạc hip hop và kết thúc bằng một câu kết hết sức thẳng thừng “Last LP I tried to lift the black artists/But it's a difference between black artists and wack artists."

Hai bài Feel và Fear sau đó đều là những lời chia sẻ hết sức chân thực của Kendrick với cuộc sống của anh. Nếu như Feel là sự thất vọng về thế giới xung quanh anh sau khi bản thân đạt được danh vọng, vì lúc đó đến cả bạn bè và gia đình cũng trở nên giả dối và chính anh cảm thấy mọi cảm xúc của chính mình cũng tự dưng bị thay đổi; thì đến bài Fear là một hành trình tua ngược lại thời gian về những nỗi sợ anh trải qua ở 3 thời kỳ:

  • Khi anh mới chỉ là đứa trẻ 7 tuổi, anh sợ những cú đòn của mẹ;

  • Khi anh là cậu thiếu niên tuổi 17, anh sợ cái chết có thể xảy đến bất kỳ lúc nào giữa những mâu thuẫn của các băng nhóm mà anh tham gia và cũng như sự tàn bạo của cảnh sát lúc đó với người da màu;

  • Khi anh đã trưởng thành và thành công ở tuổi 27, nỗi sợ của anh là mất đi cuộc sống ổn định, mất đi uy tín với người nghe và bị những kẻ khác đánh giá công kích;

Thực sự rất khó có thể liệt kê hết những lời hay ý đẹp trong nhạc của Kendrick khi anh hiện nằm trong top những storyteller trong nhạc hip hop hiện nay. Cái tài của anh không chỉ dừng ở việc kể một câu chuyện trong cùng một bài mà nó có thể là từ nhiều góc nhìn khác nhau của mỗi nhân vật trong chuyện của anh như ở các đĩa trước. Và ở đĩa DAMN, Kendrick còn để dành một cú twist trong câu chuyện ở bài cuối cùng mà tôi sẽ đề cập sau cùng.

2. Linh hoạt trong nhịp điệu Rất nhiều các rapper tài năng đã đạt trình “lướt” trên beat của bài rap một cách tài tình. Bạn tưởng tượng mỗi khuông nhạc trong bài sẽ thường (phổ biến) có 4 nhịp 1 2 3 4 và cứ như thế các rapper sẽ cố nhấn trọng âm vào mỗi nhịp và phần gieo vần vào một trong những nhịp này. Mục đích là để không bị lệch nhịp.  Thường dễ nhất là rap 2 âm tiết / 1 nhịp vì tốc độ vừa phải còn nếu nhanh thì có khi lên đến 4 âm tiết hoặc hơn.

Cái khó ở đây sẽ là nếu số âm tiết / 1 nhịp là số lẻ như 3 hoặc 5 thì sẽ khó đúng nhịp hơn rất nhiều, giống như một cái bánh bạn chia ra 2 phần hoặc 4 phần đều nhau thì dễ hơn nhiều so với 3 hoặc 5 phần.

Trước đây nhóm rapper Migos được mọi người hoan hô ầm ĩ khi phổ biến kỹ thuật “chia bánh làm 3 phần” mà trong nhạc lý gọi là “chùm 3” trong bài Versace khi các anh rap từ 3 âm tiết “Versace” vào đúng mỗi nhịp. 

Trong DNA, Kendrick sử dụng kỹ thuật này ở khúc chuyển nhịp nửa cuối bài khi anh rap liền một hơi không nghỉ với toàn những nốt chùm 3 đầy thách thức. Đoạn này khi thu âm không hề được chuẩn bị trước mà Kendrick cứ một mạch acapella một lèo sau khi nhạc tắt. Anh sau đó đề nghị với Mike Will Made It - producer của DNA về việc anh muốn Mike làm cú chuyển beat sao cho nó gây kích động nhất và kết quả là một trong những đoạn flow và beat nghịch tai nhưng gây kích thích màng nhĩ người nghe nhất đến giờ của Kendrick.

Các bài sau đó cũng đều thể hiện tài năng biến đổi nhịp điệu của Kendrick mà đỉnh cao chắc là cách đảo nhịp liên tục ở bài Feel khi anh rap dồn dập nhưng có những cú dừng không hề lặp lại ở mỗi bar khuông nhạc, vì vậy sẽ rất khó để rap theo. Mặc dù Kendrick không sử dụng lối “phá” nhịp ví dụ như ở verse 3 của bài mAAd City trong album trước đó (bài phân tích của đồng chí Martin Connor trên trang rapanalysis.com) khi anh sử dụng một chuỗi nốt móc đơn, móc kép, chùm 3 móc kép, chùm 5 móc kép, chùm 6 móc kép, .... vô cùng phức tạp. Nhưng cách đảo nhịp ở Feel sẽ làm cho từ được reo vần sẽ rơi vào các nhịp khác nhau ở mỗi khuông nhạc cộng với việc lặp từ “feel like” xuyên suốt bài khiến cho người nghe luôn tập trung vào bài rap và có được đồng cảm với chính Kendrick.


3. Tác phẩm âm nhạc đầy cảm xúc Đối với phần lớn các tay rapper, họ thường ít khi có tiếng nói hoặc ít nhiều chịu sức ép của hãng đĩa khi phải theo hướng nhạc hợp tai với số đông người nghe. Nhưng Kendrick hoàn toàn khác. Anh tham gia vào quá trình chọn nhạc làm sao cho phù hợp với ý đồ, theme và concept mà anh đặt ra cho mỗi album và không album nào giống album nào. 

Nếu như nghe đĩa Good Kid M.a.a.d City âm nhạc vẫn còn ảnh hưởng của Dr. Dre và vì vậy vẫn “như” một trong số album Hip Hop đương đại xuất sắc nhất thì ngay đĩa To Pimp A Butterfly, Kendrick đã khám phá ngay cách sử dụng nhạc free jazz và funk trong rap mà chưa nghệ sĩ hip hop nào thử nghiệm liều lĩnh như vậy. Kết quả là đĩa To Pimp A Butterfly được đánh giá là một sản phẩm âm nhạc đi ngược thời gian để viết lại nhạc hip hop những năm 70 hồi mới còn sơ khai. 

Trong đĩa DAMN, nó là sự kết hợp r&b, pop và trap nhưng vẫn được phức tạp hoá qua cách chuyển đổi nhịp bài rap ở trong cùng một track như DNA hay XXX và bài cuối cùng của đĩa.

Cái cách Kendrick chọn beat cho một bài trong album nó khác xa những đĩa nhạc hip hop khác vì cái bạn cảm nhận được là “làm sao có thể rap trên nền nhạc biến đổi phức tạp này được” nhưng Kendrick cân được hết.

Vì vậy ở đĩa DAMN, bạn được trải qua các cung bậc cảm xúc khác nhau từ chất G-funk của West Coast trong Loyalty, những giai điệu beat slow jam phiêu như Love và Lust, đến sự mạnh mẽ uy lực của tiếng bass và guitar điện trong DNA.

Tuy nhiên nếu gạt bỏ đi hết những thứ nhạc nền hay nhịp điệu, cái cảm xúc vẫn còn đó ở nội dung và nó thậm chí gây sốc với người nghe khi câu chuyện cuối cùng được gợi mở trong track cuối cùng - bài Duckworth.


Nhân vật Ducky trong bài là một nhân viên nhận order tại một nhà hàng KFC. Ông biết được Anthony “Top Dawg” Tiffith nằm trong hội băng nhóm đã từng cướp và giết một khách hàng tại chính nhà hàng ông nên mỗi lần Anthony xuất hiện, ông đều đưa món gà và hai miếng bánh bích quy mà không lấy một đồng nào nhằm đánh thức cái thiện bên trong con người Anthony. Kết quả là Anthony sau đó huỷ kế hoạch quay lại cướp tiền tại chính cửa hàng KFC này.


4. Twist của câu chuyện

Cái twist của câu chuyện chính là Ducky là bố đẻ của Kendrick và Anthony lại chính là ông chủ hãng đĩa TDE mà Kendrick được ký hợp đồng thu âm. Cả hai người đàn ông này chỉ gặp lại và nhận ra nhau sau khi Kendrick tình cờ đưa bố đến gặp sếp. Do vậy nếu cái ngày định mệnh mà hai người gặp lần đầu, Ducky không thể hiện sự hào phóng với Anthony thì rất có thể sau đó bố anh sẽ bị bắn chết khi Anthony quay lại cướp rồi sau đó phải ngồi tù và bản thân Kendrick sẽ trở thành kẻ lông bông rồi chết trong những vụ nổ súng giữa các băng nhóm. Và đó chính là tiếng súng định mệnh xuất hiện trong bài đầu tiên Blood.

Câu cuối bài Duckworth là “We gon’ put it in reverse”. Và cú twist tiếp theo ở đây chính là nếu bạn bật đĩa DAMN này theo trình tự ngược từ cuối lên thì câu chuyện sẽ kể về sự nghiệp của Kendrick được bắt đầu như thế nào. Sau đó anh dần trở thành con người tự mãn và ở bài DNA thể hiện sự kiêu ngạo của Kendrick khi anh tin rằng những thứ vĩ đại nhất đều nằm trong DNA của anh. Kết thúc câu chuyện ở bài Blood là anh bị cướp đi mạng sống bởi chính người phụ nữ mù sau khi chính anh bày tỏ mong muốn giúp đỡ bà, một cái kết ngược hoàn toàn với kết quả của sự nhân hậu trong hành động của cha anh với Anthony.

Thế nên, để nói nhạc hip hop cổ xuý bạo lực là một cái nhìn phiến diện khi vẫn còn những câu chuyện về những mặt trái trong xã hội và sự vật lộn trong cuộc sống của người da màu tại Mỹ mà hiếm khi được kể lại một cách chân thực như nhạc hip hop nói chung và sản phẩm nghệ thuật của Kendrick nói riêng. Do vậy dù giải Pulitzer là một kết quả hoàn toàn bất ngờ nhưng nó hoàn toàn xứng đáng với tay rapper trẻ tuổi tài năng này. 

Ít ra thành tựu này cũng bù lại mấy kết quả ngớ ngẩn trước đó mà hội hàn lâm Grammy đã từng trao như: giải nghệ sĩ mới xuất sắc nhất năm 2014 được trao cho Macklemore (thay cho Kendrick), album của năm 2016 trao cho đĩa 1989 của Taylor Swift (“yo Taylor, tôi rất mừng cho cô, tôi sẽ để cô nói nốt bài phát biểu nhưng album To Pimp A Butterfly của Kendrick Lamar là một trong những album hay nhất mọi thời đại. Một trong những album đỉnh nhất mọi thời đại”), và năm ngoái là album của năm 2018 được trao cho đĩa 24k của Bruno Mars (thay cho DAMN).


Peace ✌🏽

Kunt

4,867 views

Recent Posts

See All
bottom of page