top of page

Bìa đĩa của Led Zeppelin có gì hot?

Updated: May 4, 2021

Bên ngoài tài nghệ guitar anh hùng cái thế và khả năng sản xuất âm nhạc thần sầu, Jimmy Page còn được biết đến với gu thẩm mĩ xuất sắc. Nó thể hiện từ việc band xuất hiện trên sân khấu thế nào: hình ảnh của Jimmy với cây đàn và cây vĩ, Robert Plant trẻ trung phanh ngực trần, John Paul Jones bí ẩn giữa dãy harmon organ, hay hình ảnh của tay cứng cựa John Bonham trên giàn trống cao. Và một phần không thể thiếu trong những màn "trình diễn", đó là những bìa đĩa của Led Zeppelin.


1. Led Zeppelin 1

Bìa đĩa đi vào lịch sử với hình khí cầu Hindenburg bốc cháy. Hình được chính Jimmy Page chọn, như để mô tả lại sự tích tên của band (Lead Zeppelin – khinh khí cầu bằng chì). Bìa sau thì được chụp bởi Chris Derja, ông bạn chơi bass của Jimmy trong Yardbird, người nhìn thấy John Paul Jones đến thử việc sợ quá không dám xin vào chơi cho Led Zeppelin, đành chuyển nghề qua nhiếp ảnh.

Bìa đĩa khí cầu Hindenburg và tấm hình chụp bởi Chris Derja

Bìa album cũng gây ra một số rắc rối, chẳng hạn như khi biểu diễn ở Copenhagen năm 1970, Band đã phải lấy tên là The Nobs, vì sợ rắc rối với bà Eva von Zeppelin, cháu của nhà phát minh ra khí cầu hơi Hydro kiểu Zeppelin. “Bọn nó có thể nổi tiếng thế giới nhưng mấy thằng khỉ này nghĩ dễ mà tự nhiên dùng họ của người khác mà ko hỏi à?” Bà Eva von Zeppelin thậm chí còn đến tận TV studio để ngăn buổi diễn của lũ “The Nobs”.


2. Led Zeppelin 2

Album Led Zeppelin 2 có số lượng pre-order lên đến nửa triệu chỉ riêng ở Mỹ, và sau này thậm chí đá văng Abbey Road của Beatles ra khỏi vị trí No 1.

Bìa đĩa được "photoshop" từ thời chưa có Photoshop

Bìa đĩa là một nhóm nhìn giống như phi công của Đức Quốc Xã ở thế chiến 1. Nhìn gần hơn là mặt của bốn anh giai đứng xếp hàng cùng các phi công, còn có cả một cô gái nữa. Phía sau là hình ảnh phản chiếu của chiếc khí cầu Hildenberg đang cháy. Bìa đĩa này giúp họa sĩ David Juniper được đề cử một giải Grammy cho Best Recording Package vì tay nghề "photoshop" đi trước thời đại.


3. Led Zeppelin 3

Quá mệt nỏi sau tour diễn dài, Jimmy PageRobert Plant đi nghỉ dưỡng chỉ mang theo đàn, chó cưng và đến nghỉ ở nhà nghỉ ven hồ tên là Bron-yr-Aur (nôm na nghĩa là "golden breast") cạnh sông Dovey, xứ Wales. Album được thu âm sau đó, có âm thanh khác hẳn hai đĩa trước, với nhiều thử nghiệm và acoustic, và chỉ béo bở cho cánh báo chí nhảy vào chê bai bầm dập là album chơi "nhẹ hều" và "yếu ớt".


Bìa đĩa thì được thiết kế gồm cái vỏ đục lỗ và một đĩa quay bên trong, khi quay thì hiện ra mặt của các thành viên ở các lỗ tròn trên đó, và xung quanh có các hình theo cùng chủ đề bay lượn như là airships hay bướm. Page thậm chí vẫn không hài lòng với thiết kế cuối cùng.

Bên trái: bìa đĩa lúc lột cái đĩa xoay ra/Bên phải: bìa đĩa đầy đủ

Buồn cười là, kẻ ít khi chịu cho ai credit như Jimmy page lại viết ở phía trong bìa đĩa là “credit đến bài Bron-yr-aur, ngôi nhà cottage nhỏ ở South Snowdonia, về việc vẽ ra một bức tranh bị lãng quên về sự hoàn thiện đích thực, đôi khi đóng vai trò như phần thưởng với ý đồ âm nhạc”.


Trên đĩa vinyl bản phát hành năm 1970 còn có dòng chữ “Do what thou wilt” và “So mote to be” khắc nguệch ngoạc lên hai mặt, và là dấu tích của Page, làm như là mấy câu thần chú của Aleister Crowley. Điều này, cùng với sự hứng thú đáng ngạc nhiên mỗi khi Page nói chuyện về Aleister Crowley, và thậm chí còn mua ngôi nhà cũ của Crowley ở gần hồ Loch Ness, Scotland, làm dấy lên nghi vấn Jimmy Page cũng tu luyện nghệ thuật hắc ám.


4. (Không đề)

Album thứ tư. Không có tên. Nhưng lại có bốn biểu tượng. Sự kết hợp tuyệt đỉnh giữa acoustic và rock nặng. Mỗi tội nó gây rắc rối cho các bảng xếp hạng, vì nó không có tên. Mọi người gọi đại nó là Led Zeppelin 4, hoặc Four symbols.


Hình ảnh gây tò mò nhất có lẽ là ông già vác bó củi đằng trước mà không có bất cứ chữ nghĩa nào. Và khi mở cái bìa ra, thì hóa đấy lại là góc của một bức tranh trên bức tường đang bị phá dở. Chưa kể bên trong còn có hình vẽ về Hermit, số IX của quân bài tarot. Khó hiểu vãi.

Bìa đĩa có bức tranh ở trong bức tranh rất hiểm

Và như lời Jimmy Page: “tên chả là gì cả. Led Zeppelin là gì cơ chứ? Âm nhạc mới quan trọng. Cần gì tiêu đề”. Thế là album này thậm chí còn chả ghi tên band nhạc là gì. Khổ nhất chắc là billboard vì không biết cho cái đĩa này lên bảng xếp hạng thế nào.


Mấy tay nhiều chuyện thì thậm chí đi nghiên cứu xem ông già vác củi đó là ai, và phát hiện đó là pháp sư của thế kỷ 19 tên là George Pickingale. Ông này sau truyền nghề cho Aleister Crowley, người mà Page có vẻ hay nghiên cứu.


Còn Page thì bảo: Robert Plant mua cái tranh đấy ở tiệm đồ cũ.


5. Houses of the Holy

Nhạc của Houses of the Holy thì hơi kiểu như Led Zeppelin III, tràn đầy sự thử nghiệm. Cũng có khi là do kỳ vọng quá cao của khán giả sau đĩa 4 quá hay. Hồi phát hành đĩa Led Zeppelin 3 sau Led Zeppelin 2 cũng bị kỳ vọng y hệt. May thay Led Zeppelin không phải ban nhạc hay nghe lời khán giả.


Bìa đĩa thì là hình chụp mấy cô ở Giant Causeway, nôm na là "Gành Đá Đĩa của Ireland". Xong bài tên là "Houses of the Holy" thì mang đến không kịp lúc làm master. Đành để vào đĩa sau!!! Bó tay mấy cụ.

House of the Holy, đĩa nhạc hay hơn nhiều người tưởng

6. Physical Graffiti

Jimmy Page muốn thu một LP hai mặt từ lâu. Chưa kịp làm thì những Blonde on Blonde (Bob Dylan), Tommy (The Who), Goodbye Yellow Brick road (Elton John), The lamb lies down on broadway (Genesis) phát hành trước. Giận vãi. Không thể thua được. Physical graffiti là thời điểm thích hợp với số track Led Zeppelin có trong tay. Cũng nhờ lần trước quên không cho track “Houses of the Holy” vào đĩa trước mà giờ thời lượng lấn thêm được tý.


Có lẽ là một trong những album có bìa đĩa độc đáo dễ nhận ra nhất trong nhạc Rock, với khung cảnh là mặt tiền điển hình của một ngôi nhà ở New York, và trên mỗi ô cửa đều có thể trượt qua trượt lại để không thì là chữ, để có thì là hình của thành viên ban nhạc. 

Làm cái bìa còn mất công thế này huống chi là nhạc

Mặt sau của bìa đĩa, nếu để không cũng không có gì ấn tượng, mà thò tay gạt thử chơi, thấy hiện ra chữ P.H.Y.S.I.C.A.L.G.R.A.F.F.I.Ti được luôn. Ghê ghê.

Không táy máy thì có khi không nhận ra đâu

7. Presence

Sau rất nhiều các biến cố đặc biệt là vụ tai nạn xe hơi xảy ra với Robert Plant, mãi rồi Zeppelin mới tụ lại được và hầu như không có gì trong tay cho album tiếp theo. Presence không có quá nhiều tinh thần như trước, nhưng bù lại có “Achilles last stand”. Dù không có quá nhiều ý tưởng từ 3 đồng đội, Jimmy Page không trách ai cả mặc dù không có những input thường thấy từ phàn keyboard của John Paul Jones, và Plant thì đang vác theo cả cái chân bó bột đi thu âm. Cũng có thể vì cả band đều nhớ nhà vì sau những chuyến diễn dài dằng dặc, lần này lại còn thu âm ở Munich nữa. Theo như Page, thì album này là album tâm đắc nhất của anh về phần guitar. Pagey là vậy, luôn đứng lên vì một điều gì đó.


Bìa đĩa thì nhìn như phim hoạt hình, làm như không có gì còn “thật”. Có người nói, ngay cả cái tên album cũng phản ánh Zeppelin không dám nói trước tương lai. Ngẫm mới thấy, các cụ đã nghĩ ra chữ "ảo" từ lâu trước khi có anh-tẹc-nét.

Bìa đĩa đúng kiểu cạn kiệt ý tưởng ngồi nhìn cái cục đen đen

Có người còn đem cái bìa này ra so với bìa đĩa Wish You Were Here của Pink Floyd, cái mà có hai ông mặc đồ bí dây nịt bắt tay nhau xong một trong hay người bốc cháy. Bìa đĩa Presence thì có hình của một gia đình có vẻ “trung lưu” ngồi ở nhà hàng. GIữa cái bàn trắng là một cái cục đen thùi lùi. Cục đó được mệnh danh là ‘The Object’ chả ai biết là gì mà thấy mấy người trong gia đình chuyền qua chuyền lại như cái rì mốt TV. Sau Jimmy Page cũng đem cục đó ra bán đại trà lưu niệm.


Page với Plant thì bảo đấy là cây Tháp Bút (Obelisk). Hai tay này còn suýt đặt tên đĩa là Obelisk. Sao cũng được, Page bảo “cái đó khiến mọi người để ý và chiêm nghiệm xem cái gì mới là thật, giống như nhạc trong đĩa đó vậy”.

Nhưng thực ra, đằng sau cái thứ ảo diệu như thực tại đó, hình ảnh đẹp nhất còn đọng lại chắc vẫn là lần thu âm album ở Munich. Robert Plant, vẫn lết theo cái chân băng bột mắt cá, cố gắng ngồi lên cái sofa trước cây mic nhưng khuỵu tay và ngã ngay xuống cái chân đau. “F*ck!” Plant gào lên, có thể tưởng tượng anh đau thế nào. “Nào! Xem nào” - Jimmy Page lao ra như tên bắn từ trong bàn mix, lo lắng cái chân người anh em lại vỡ nát lần nữa và bế thốc Plant dậy. Dĩ nhiên ai cũng biết so với Robert Plant vạm vỡ hay phanh ngực, thì Jimmy Page nhẹ cân và nhỏ bé hơn khá nhiều.


Dù rằng không ai có thể cảm nhận được hết nỗi đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần của Robert Plant thời điểm đó, nhưng cách Pagey lao ra xuýt xoa trước người anh em của mình có lẽ cũng góp phần làm giảm sự đau đơn. Hoặc cũng may là cú ngã không quá nghiêm trọng. Và Plant cũng hoàn thành phần ghi âm của Presence. Nhưng ai biết đâu đấy.


8. In Through the out door

Album studio cuối cùng của Led Zeppelin, và mang đầy hy vọng cũng như các ý tưởng để trở lại vào thập niên 80s. So với thời của Led Zeppelin 1, chất nhạc của In Through The Outdoor đã khác xa. Tựa đề album thì không ngần ngại mang ý là “cửa khó nhất để quay trở vào”.


Đặc biệt hơn, đĩa này được bỏ vào trong giấy gói màu nâu như đồ gói siêu thị. Cho khán giả ngã ngửa luôn.

Đĩa nhét trong giấy gói xôi chả khác nào mở nút chai trúng xe Merc

Chớ vội nhăn mặt, vì lột cái lớp giấy gói nâu ra thì mới thấy được bìa đĩa ở trong. Bìa trước thì có hẳn 6 kiểu, là 6 góc chụp khác nhau trong một quán bar kiểu New Orleans. Và vì cái giấy gói, người mua sẽ không thể biết là mình mua được bìa nào. Quả nhiên đa trí, vì các fan cuồng sẽ lặn lội mua hết đĩa này đến đĩa khác cho đủ bộ sưu tập. Đây nhé, phải lột cái lớp giấy công nhân ra thì mới biết được ở trong là cái bìa nào. Tưởng tượng mấy fan cuồng phải mua bao nhiêu cái đĩa thì mới có đủ cả bộ sưu tập 6?

Gom đủ 6 loại bìa đĩa để trúng thưởng

9. Coda

Khi Led Zeppelin tan rã sau cái chết của John Bonham, đó dường như là một cơn ác mộng với Rock n Roll ngay ngưỡng cửa bước sang thập niên 80s.


Và trong khi tất cả mọi người dính dáng đến Led Zeppelin còn đang loay hoay tìm cách tự xoa dịu mình về sự mất mát quá lớn, chỉ có Jimmy Page là lang thang trong phòng thu. Một phần cũng vì điều khoản ràng buộc hợp đồng với hãng đĩa phải ra thêm 1 album nữa. Nhưng phần lớn là để anh giết thời gian khỏi những ám ảnh sau cái chết của người bạn tri kỷ.


Jimmy thì trước giờ vẫn luôn có ý tưởng làm một album retro, vì anh vẫn còn quá nhiều đồ ghi âm hay ho trong studio của riêng anh ở Berkshire: "Coda".


Bìa đĩa Coda chỉ có hai màu xám và xanh. Bản thân cái bìa không có điều gì đáng nói, chỉ có chữ coda, thì ở bên trong được chú thích là “thứ cuối cùng, có khi chả quan trọng mấy của bài hát”.

Coda là dành tặng Bonzo?

Quan trọng hơn cả, để tri ân người bạn thân thiết Bonzo, Jimmy Page phát hành track “Bonzo’s montreaux” trong Coda. Cách sản xuất lợi dụng hiệu ứng khiến cho tiếng trống của Bonzo tạo ra được cả nhạc. Có thể Jimmy vẫn có đôi chút tiếc nuối vì trước đây, do điều kiện kỹ thuật không cho phép, track solo trống “Moby Dick” trong Led Zeppelin 2 không thể thâu tóm được hết năng lượng trong màn solo của Bonzo.


Bởi vì dù không ai có thể níu kéo lại điều gì từ Led Zeppelin, tôi cho là tình bạn và sự ăn ý của Jimmy Page với John Bonham vẫn luôn ở đó, và hiện diện trên tất thảy mọi thứ xoay quanh Led Zeppelin. Bonzo thường xuyên chọn cách riff bộ trống của anh theo tiếng đàn của Jimmy Page, chứ không phải cùng với John Paul Jones. Rồi cả những lần phô diễn của Jimmy Page với polyrythm (hai người chơi ở hai nhịp khác nhau như trong "Kashmir" hay "When the Levee breaks"), hay chơi như progressive với nhịp lẻ, tất cả đều có cảm giác không thể chệch đi đâu được nhờ những cú đập chắc nịch của Bonzo.


Ấy vậy mà, hóa ra âm thanh dày đặc chát chúa của Bonzo lại được tạo ra từ bộ trống không lớn lắm.


R.I.P Bonzo.


Chú thích: hình ảnh được cóp nhặt từ Internet vì bản thân người viết cũng keo đến mức không có nổi một cái đĩa LP nào của Led Zeppelin.


Kcid

1,429 views

Recent Posts

See All

4 Comments


Huy Lam
Huy Lam
Apr 15, 2023

Cảm ơn những bài viết của bạn giúp mọi người hiểu thêm về Led Zeppelin. Best band ever

Like

Thuần Nguyễn
Thuần Nguyễn
Mar 23, 2020

Bài viết ni dễ thương kinh khụng :* Nhất là chỗ #4 ấy ạ

Like

K.K.N.
K.K.N.
Mar 23, 2020

Chính nó. https://www.emoodzik.com/post/led-zeppelin

Like

sayohyeahyeah
sayohyeahyeah
Mar 22, 2020

Good times, bad times. Rock n roll forever led zeppelin

Like
bottom of page