top of page

Nas vs. Jay Z: cuộc khẩu chiến ngay giữa lòng East Coast

Updated: Dec 28, 2021

Đối nghịch và mâu thuẫn là chuyện xảy ra như cơm bữa giữa các rapper. Trong lịch sử nhạc hip hop, cuộc khẩu chiến giữa Tupac và Notorious BIG có lẽ là khốc liệt nhất, như đại diện cho cuộc chiến giữa West CoastEast Coast hip hop, và đặc biệt là cái kết không ai mong muốn với cái chết khi còn quá trẻcủa hai tay rapper tài năng này.


Cái tôi thể hiện mạnh mẽ ở mỗi rapper khiến cho họ dễ bị kích động vì những sự khích bác coi thường (mà trong ngôn ngữ hip hop là diss - viết tắt của disrespect) cả trong các bài rap hay ở ngoài đời thường.

Nó bắt nguồn từ kiểu văn hóa xa xưa từ thời nô lệ, khi người da đen hồi đó, khi bị bệnh tật hoặc già yếu sẽ bị đem bán buôn theo từng tá (dozen). Những người yếu hơn này sau mỗi ngày làm việc thường tụ tập và trêu chọc sự yếu đuối của nhau (và cả bị trêu chọc bởi những người khỏe hơn), mặc dù không có ý xúc phạm. Thứ trò chơi mang tên "Dozens" đó giúp người da đen giải trí, vì họ không được phép làm gì cả, trở thành một trò chơi cực thông dụng trong cộng động người da đen khi một người "sỉ nhục" người kia và người kia phải đáp lại bằng câu "sỉ nhục" thậm chí còn nặng nề hơn. Cội nguồn của hip hop battle ra đời từ đó. Mặc dầu vậy, ngày xưa các cuộc đấu "võ mồm" thường kết thúc khi một người tức không nói thêm được gì và bỏ đi, và ít khi kết thúc bằng đánh lộn. Nhưng các cuộc "võ mồm" của hip hop ngày nay thường ít khi kết thúc một cách hòa bình như vậy. 


Vô hình trung, điều này khiến cho cộng đồng nghệ sĩ hip hop thường chia bè nhóm không đoàn kết với nhau. Và buồn thay, thời đó không có một cộng đồng đủ lớn cũng là một trong những lý do nhạc hip hop hay bị làm ngơ trong âm nhạc hiện đại.

Cuộc khẩu chiến giữa hai nghệ sĩ hàng đầu Nas và Jay Z cũng vậy, dẫu cho không có một kết thúc thảm như Tupac và Biggie, nhưng nó hoàn toàn không cần thiết và gây ra chia rẽ trong hoàn cảnh hip hop ở thời cuối những năm cuối thập niên 90s đang được ghi nhận một cách mạnh mẽ, chưa kể nó ở ngay trong lòng cộng đồng East Coast.

Ngược dòng thời gian, Nas và Tupac Shakur bắt đầu gây chú ý với giới hip hop từ năm 1991, như là hai đại diện tiêu biểu của East Coast và West coast hip hop; và một năm sau đó là sự xuất hiện của Notorious BIG bên East Coast. Có thể coi Nas là một trong những nghệ sĩ "tiền bối" cùng với Tupac và Biggie phổ cập hoá nhạc hip hop với giới nghe nhạc mainstream, chưa kể đến đóng góp lớn của Nas trong việc giành lại vị thế của East Coast trong cuộc chiến đối trọng với bên West Coast.

Hồi đó, Nas nổi tiếng bất ngờ sau đúng đoạn rap dài 16 khuông nhạc tham gia với tư cách khách mời ở bài "Live At The Barbeque" với Main Source, Akinyele và Fatal. Với Nas, anh hiểu rằng đó là cơ hội hiếm hoi để chứng minh sự hiện diện của mình trong giới nhạc rap, và với cảm hứng đó, anh sáng tác đoạn lời ngay tại phòng thu. Đoạn rap của anh nói về việc anh xuống địa ngục vì đánh chúa Jesus, bắt cóc vợ tổng thống, hành hình hội da màu mà anh ghét như bọn phân biệt chủng tộc KKK, rồi thì ngôn từ của anh còn bệnh hoạn hơn kẻ bị AIDS. Chỉ với đúng 16 khuông nhạc gây sốc đó, mọi người đã ngay lập tức phát cuồng vàtruyền tai nhau về một "vị vua mới" trong dòng hip hop. Kỹ thuật gieo vần cực đỉnh và ngôn từ sắc sảo của Nas nhanh chóng được mọi người so sánh anh như kẻ kế thừa của huyền thoại Rakim (cũng của bên East Coast)


Ngay album đầu tay Illmatic (1994), Nas đã chính thức leo thẳng lên đỉnh cao trong giới hip hop cùng ngang hàng với Biggie và thống trị New York. Illmatic đến giờ được coi là album kinh điển như là sách giáo khoa hip hop. Như anh sau này mô tả, có lẽ tài năng của Nas chỉ đơn giản là biến "broken English" trở thành "poetry", nhưng ngay cả chi tiết nhỏ như anh dùng từ "broken english" khi anh nói về chuyện đó, với tôi đã là một cách dùng từ cực đắt.


Jay Z lúc đó, với hộ khẩu tại New York, cũng muốn được nhờ tiếng thơm của Nas bèn mời anh tham gia một bài trong album đầu tay Reasonable Doubt (1996). Chả hiểu do Nas đã có chỗ đứng trong làng nghề hay do tinh tướng coi nhẹ Jay Z, hay vì lý do nào khác mà không ai biết, Nas đã để Jay Z leo cây trong studio mặc dù trước đấy đã đồng ý tham gia thu âm. Thấy vậy, tay sản xuất Ski Beatz mới chôm một câu trong lời bài "The World Is Yours" của Nas cho vào bản "Dead Presidents II" của Jay Z. Bài này thế nào lại trở thành một trong những bài hay nhất đĩa Reasonable Doubt, góp phần vào thành công vang dội của đĩa đầu tay này của Jay.


Nas không hài lòng đâu. Trong bài "The Message" ở album thứ hai It Was Written (1996), Nas rap câu “Lex with TV sets the minimum” ám chỉ đến Jay Z khi Jay từng ví suy nghĩ bệnh hoạn của bản thân quay lòng vòng như xe Lexus trong bài "Can I Live". Nas còn sau đó trả lời phỏng vấn thẳng thừng bảo “Tôi bỏ ngay con xe Lexus sau khi thấy Jay Z sử dụng xe đó và tìm ngay xe nào ngon hơn cho mình”.

Jay sau đó trả đũa bằng cách ám chỉ “Who’s the best MC’s, Biggie, Jay Z and Nas” và sau vụ ám sát Biggie, Jay tự xưng ngôi đế vương của New York trong bài "The City Is Mine". 

Sự việc lên đến đỉnh điểm là khi Jay Z thẳng thừng nêu tên Nas trong màn trình diễn "Takeover" lúc còn là bản freestyle. Nas hết chịu nổi và cắn câu đúng như Jay đã dự đoán khi đăng đàn đáp trả trong bản freestyle sau này trởthành "Stillmatic". Chỉ đợi có thế, Jay lúc này mới tung ra bản hoàn chỉnh "Takeover" mà anh đã chuẩn bị sẵn trong đó "dis" rằng:

  • Đáp lại việc Nas nghi ngờ xu hướng tính dục của Jay, Jay tả Nas như thằng người mẫu ái cho quảng cáo Karl Kani/Esco;

  • Đáp lại việc Jay bị tố không phải là kẻ đường phố, Jay cũng tuyên bố Nas chỉ biết đến mặt tối của cuộc sống qua câu chuyện của bạn bè là chính;

  • Jay tự hào khi Nas chỉ có một câu rap đỉnh, thì Jay biến nó thành bài rap trọn vẹn hoàn hảo;

  • Jay còn phân tích kỹ lưỡng việc Nas chỉ có một album hay trong giai đoạn 10 năm, đúng vào thời kỳ Nas thực sự xuống dốc với album I am Nastramadus;


Quả đòn này mới đúng là cú đấm chí mạng cho Nas khi anh bị dồn vào chân tường và bắt buộc phải phản công khi "Takeover" của Jay quả thực quá xuất sắc.

Ở thế bị ép, tài năng đỉnh cao trong trình độ rap của Nas, thứ mà Jay Z thực ra cũng còn kém một bậc, đã bộc phát đúng lúc giúp anh tung ra một cú phản đòn cực mạnh qua bài "Ether", một track phải nói là hoàn hảo trong đĩa Stillmatic. Cú ra đòn này được một bài báo ví như chim trên trời rơi cái bẹt xuống đất, mà cá dưới nước cũng ngạt thở chết đuối luôn. 


Nghe đâu trước đấy, Nas cũng có gọi điện hỏi Rakim xem có nên trả đũa Jay Z không, và Rakim chỉ nói là "you gotta do what you feel" và "You can’t let nobody else make that decision for you". Khổ cái là lúc đấy Rakim cũng đang ở trong một cuộc khẩu chiến với Big Daddy Kane, nên nói vậy khác nào bảo Nas "triển thôi"!!! Khổ hơn nữa là ngay sau đấy, khi Rakim chuẩn bị ra "Let the rythm hit 'em" dành cho Kane, thì Kane gọi điện cho Rakim và phân trần là không có ý nói đến Ra', và không nên để truyền thông gây ra mâu thuẫn cho hai ông, thì Rakim đã bỏ bớt 8 câu "không cần thiết" trong bài của anh đi. Ấy nhưng Nas lần này lại không làm theo Rakim trong bài "Ether" (hoặc không kịp?).


Mở đầu bài đó là đoạn sample của Tupac “f*k Jay Z” và sau đó là một tràng sỉ nhục Jay với những từ miêu tả như “Gay-Z” “fan của Nas”, “kẻ giả tạo”, “thằng hèn”, và "Stan" - từ chỉ fan cuồng bắt nguồn từ bài cùng tên của Eminem. Nas ví cặp môi dầy của Jay là “dick sucking lips”, lại còn chất vấn tính trung thành của Jay với Biggie khi ngay sau khi Biggie chết, Jay đã tự coi mình hơn cả huyền thoại này. Nas còn nêu bật vụ Jay bị chính Eminem vượt mặt trong chính bài "Renegade" mà Jay feature đoạn rap Eminem gửi sang.

Lời lẽ của "Ether" mạnh mẽ và tinh xảo đến mức từ “ether” nhanh chóng được cho vào từ điển hip hop để diễn tả sự đánh bại trong một cuộc khẩu chiến. Bản thân từ Ether - nghĩa là chất ê te được đồn đại như thứ hoá chất không chỉ gây mê mà còn có khả năng tách rời linh hồn ra khỏi thể xác. Trong trường hợp này, Ether như kiểu Jay bị Nas tiêu diệt mất cả xác lẫn hồn.

Sự mâu thuẫn của hai tay rapper này chỉ kết thúc sau khi Jay tung ra bản "Supa Ugly" mà anh đã đi quá giới hạn khi nhắc đến việc anh từng ngủ với cô gái, người đã sinh hạ cho Nas một cô con gái. Đến lúc này, mẹ của Jay xuất hiện và yêu cầu anh xin lỗi với gia đình Nas; và Jay đã làm điều đó.

Nas sau đó cũng không gây thêm thù hận gì nữa, và anh cũng thừa nhận cả hai đều đã đi quá xa. Cuộc khẩu chiến đã làm mất quá nhiều công sức cho cả hai, cũng như ảnh hưởng đến uy tín mỗi người.

Nhưng nói theo kiểu vuốt đuôi thì, Nas là người được "hưởng lợi" từ cuộc khẩu chiến, vì sự tức giận khiến cho anh trở lại đỉnh cao của sự nghiệp với đĩa Stillmatic, được ghi nhận vào hàng kinh điển chả khác gì đĩa Illmatic


Và mấy năm sau đó anh và Jay chính thức bắt tay làm hoà và cùng biểu diễn trong live show của Jay, chấm dứt một mối thù hận tốn giấy mực kéo dài gần 10 năm và mở đầu một sự hợp tác mới, với bản hợp đồng thu âm mà Nas ký với chính hãng đĩa của Jay Z.

Đây dù sao cũng là một kết thúc có hậu cho giới nhạc hip hop ở New York hay East Coast nói riêng, và nước Mỹ nói chung, mặc dù, màn khẩu chiến của hai anh cũng vẫn để lại những sản phẩm âm nhạc “choảng nhau” để đời mà ai ai cũng phải nhắc lại sau này.


Và nó luôn khiến cho các fan hip hop phải thấp thỏm trong sự phấn khích, vì sự đả kích, như cái cội nguồn từ trò Dozens, đã luôn là một phần không thể thiếu làm nên hip hop. Chỉ mong các cuộc đả kích không kết thục bằng sự ra đi của bất cứ nghệ sĩ tài năng nào.

Hẹn gặp lại.


Kunt

1,116 views

Recent Posts

See All
bottom of page