top of page

Nghệ thuật kể chuyện của Nas

Updated: Dec 28, 2021

Trong album Hip Hop Is Dead (2006), Nas bày tỏ nỗi niềm về ngày tàn của dòng nhạc Hip Hop không theo cách thường thấy của rapper. Thay vì ca thán, anh nói đến thực tế đó qua những câu chuyện, trong đó có track “Who Killed It?” được Nas viết bằng màu sắc “phim noir” đen trắng của một câu chuyện hình sự. Lối kể chuyện này của anh chính vì thế càng làm tôn lên sự đối lập của thời kỳ vàng của dòng nhạc Hip Hop với những sản phẩm sau này. Đó là thời kỳ mà sự sáng tạo được bao hàm hết từ beat, gieo vần, flow đến nội dung trong lời rap. Trừ việc làm beat, Nas thuần thục tất cả các kỹ thuật còn lại. Đặc biệt trong số đó, storytelling – kể chuyện - lại là kỹ thuật mà Nas đã đạt tới cảnh giới cao nhất giữa những rapper đẳng cấp nhất, khi anh viết nên những câu chuyện đa màu sắc.


Và quan trọng nhất, đó là những câu chuyện chạm được đến cảm xúc người nghe.

Trong album đầu tay đã đi vào sử sách của những tuyệt tác của lịch sử nhạc Rap, album Illmatic (1994) của Nas nổi tiếng đến độ cái từ “Illmatic”, với nghĩa là “beyond ill” – tạm dịch là “tuyệt đỉnh”, hoặc như ngôn ngữ giới trẻ hiện nay là “đỉnh của chóp”, đã lập tức trở thành một tính từ để miêu tả đẳng cấp đó. Những rapper như J. Cole trong bài “Villematic”, The Game trong bài “Documentary”, Eminem trong bài “Careful What You Wish For” đều lấy “Illamtic” ra để làm tượng đài cho những tác phẩm của họ vươn tới cái chất lượng hoàn hảo đấy. Hoặc đến như Jay-Z trong bài “Takeover” ở thời kỳ đang diss nhau nảy lửa với Nas, Jay vẫn rap như sau “You said you've been in this 10, I've been in it 5/Smarten up, Nas/Four albums in 10 years, n****? I could divide/That's one every, let's say 2/Two of them shits was doo/One was "nah," the other was Illmatic/That's a one hot album every 10 year average”, vậy là dù lúc đó ghét nhau đến mấy, khi kẻ thù vẫn phải gật gù công nhận Illmatic là một tuyệt phẩm, thì nó đúng là tuyệt phẩm.


Nói lan man là vậy, ý kiến cá nhân của một kẻ nghe nhạc Hip Hop ngược dòng như tôi, trên cái nền beat quá raw nhiều phần khó nghe như album đầu tay này, nếu không phải vì những đoạn flow và câu chuyện lôi cuốn, tôi sẽ thường lôi các album sau của Nas ra nghe nhiều hơn vì phần beat được cải thiện dễ tiếp cận hơn. Còn từ cái nhìn khách quan trong bối cảnh ngày đó, thị trường Hip Hop đón nhận album Illmatic này bằng sự hồ hởi chưa từng có. Bởi vì đúng là chưa từng có nhiều những câu chuyện tả thực từ góc nhìn thứ nhất của nhân vật trong các bài rap đến vậy.

Thế nên trước tiên ta tìm hiểu thử cách kể chuyện của Nas trong album này ra sao.

Trong một trong những bài thuộc hạng đỉnh nhất của anh, “N.Y. State Of Mind”, Nas bắt đầu như sau:

Rappers; I monkey flip 'em with the funky rhythm / I be kickin', musician inflictin' composition / Of pain, I'm like Scarface sniffin' cocaine / Holdin' an M16, see, with the pen I'm extreme / Now, bullet holes left in my peepholes / I'm suited up with street clothes, hand me a 9 and I'll defeat foes


Phần dẫn dắt này vẫn đậm chất rapper khi Nas dùng từ “monkey flip” để miêu tả chiêu lộn nhào để đối chọi với đối thủ. Tuy nhiên, khi anh nhắc đến bộ phim Scarface với những hình ảnh “rít cocaine”, “cầm khẩu M16”, “lỗ hổng trên khe nhòm trên cửa do viên đạn xuyên qua” (hoặc như chơi chữ “peepholes” còn hiểu như từ “peoples” vì cách phát âm gần giống nhau để nói đến “những người bạn đã ngã xuống” của Nas), thì ta có thể chờ đợi một bộ phim dựng hình bằng lời chuẩn bị diễn ra.

Đúng vậy:

Reminiscin' about the last time the task force flipped / N****s be runnin' through the block shootin' / Time to start the revolution, catch a body, head for Houston / Once they caught us off-guard, the MAC-10 was in the grass, and / I ran like a cheetah, with thoughts of an assassin / Picked the MAC up, told brothers "Back up!" — the MAC spit / Lead was hittin' n****s, one ran, I made him back-flip / Heard a few chicks scream, my arm shook, couldn't look / Gave another squeeze, heard it click, "Yo, my shit is stuck!" / Tried to cock it, it wouldn't shoot, now I'm in danger / Finally pulled it back and saw three bullets caught up in the chamber / So, now I'm jettin' to the buildin' lobby / And it was full of children, prob'ly couldn't see as high as I be / (So, what you sayin'?) It's like the game ain't the same / Got younger n****s pullin' the triggers, bringin' fame to their name / And claim some corners, crews without guns are goners”.

Tựa như bộ phim bạo lực Scarface mà Nas nhắc tới đầu bài, những khung hình của phân đoạn hành động chân thực hiện mồn một ra trước mắt. “Cái lần đội chống tội phạm xuất hiện”, “cả đám anh em chạy tán loạn khắp khu phố”. Rồi “một khẩu MAC-10 nằm trên bãi cỏ”, “tao liền nhào tới nhanh như con báo”, “vơ ngay khẩu MAC rồi hét lớn “Lùi ngay lại””, “khẩu MAC lên cò”, “đạn bắn tới tấp”, “một thằng chạy, tao nổ súng khiến hắn ngã lộn người về phía sau”. “Bỗng dưng có tiếng đám đàn bà la hét”, “tay tao run bắn mà không dám nhìn”. “Bóp cò thêm lần nữa” thì “chỉ nghe tiếng click”. “Khẩu súng của tao kẹt đạn rồi”, “Rút súng lại tao mới thấy 3 viên còn tắc trong ổ đạn”. “Tao bèn chạy vội tới sảnh tòa nhà”. “Cả đám trẻ con lố nhố đứng đó”. “Nó giống như trò chơi, mà không phải vậy”, bởi khi “bọn nhỏ bóp cò súng, chúng nghĩ sẽ có được cái uy và giành địa bàn của chúng”, còn “bọn không súng thì chỉ chết toi”.

Trong đoạn truyện trên, Nas không chỉ dùng lời để vẽ các khung hình sống động nhờ loạt các tình huống dở khóc dở cười, hoặc những phân đoạn đổi cảnh, anh còn có phần lời thoại trong đó. Không chỉ thế, những ý nghĩa tượng hình được khéo léo đưa vào, như ở phần sau, khi Nas nhắc tới đám trẻ con, anh bảo “chúng có lẽ không thể nhìn được cao như tao”, một phần vì chiều cao hạn chế của tuổi nhỏ, một phần là ý nghĩa của tuổi trẻ bồng bột, chưa đủ trưởng thành để nhìn nhận cuộc đời như anh. Chính thế nên chúng là nạn nhân của con đường phạm tội mà chúng va phải.

Chỉ vậy thôi, một góc phố của New York, thành phố của hai mặt, tráng lệ và góc khuất đen tối đằng sau đó được Nas kể qua phong cách mà ta có thể gọi là “Điện Ảnh Hóa” khi chúng có nhiều tình tiết, hành động tượng hình sống động, những tình huống khác thường và những lời thoại. Nhờ đó, bỗng dưng câu chuyện mà Nas kể lại gay cấn như một bộ phim vậy. Cách kể chuyện này hẳn có những ảnh hưởng nhất định tới các rapper giỏi về kể chuyện như tôi có từng viết về Ghostface Killah – thành viên của Wu-Tang Clan trong bài “Shakey Dog”, hoặc như cách Eminem thể hiện ở verse thứ ba của bài “Criminal”.

Ở album thứ hai ưa thích của tôi, It Was Written (1996), Nas vẫn dùng lối kể chuyện hấp dẫn đưa vào bài rap. Tuy nhiên, có một track cực độc đáo như sau.

I seen some cold nights and bloody days / They grab me, bullets spray / They use me wrong, so I sing this song to this day / My body is cold steel, for real / I was made to kill, that's why they keep me concealed / Under car seats, they sneak me in clubs / Been in the hands of mad thugs / They feed me when they load me with mad slugs / Seventeen precisely, one in my head / They call me Desert Eagle, semi-auto with lead / I'm seven inches, four pounds, been through so many towns / Ohio to Little Rock to Canarsie, living harshly / Beat up and battered / They pull me out, I watch as n****s scattered / Making me kill, but what I feel, it never mattered / When I'm empty, I'm quiet / Finding myself fiending to be fired / A broken safety, n****s place me in shelves, under beds / So I beg for my next owner to be a thoroughbred/ Keeping me full up with hollow heads”.


Nas rap ở đại từ nhân xưng thứ nhất “ta”, nhưng những lời miêu tả từ góc nhìn thứ nhất này lại không phải của một con người. Khác các câu chuyện đường phố thường thấy, chuyện của Nas được kể từ một đồ vật vô tri vô giác. Anh đã “Nhân Cách Hoá” khẩu súng với những suy nghĩ và cảm xúc, một cách thể hiện thực sự sáng tạo.

“Ta đã từng chứng kiến những đêm lạnh và ngày đổ máu”, “Cơ thể ta làm bằng thép, được tạo ra để đi giết người”, “Chúng nhồi cho ta ăn bằng ổ đạn”, “Khi trống rỗng, ta chỉ im lặng”, “thèm muốn ngày được lên nòng”, “Chốt an toàn hỏng, chúng giấu ta dưới gầm giường”, “Mong rồi một ngày gã chủ mới sẽ là tay chơi thứ thiệt, giữ cho ta luôn đầy đạn dược sịn”. Những suy nghĩ tưởng tượng của một khẩu súng mà Nas viết khiến cho người nghe chợt giật mình và tự hỏi có lẽ nào chính những khẩu súng này đã làm mờ mắt và biến người cầm chúng trở thành kẻ sát nhân máu lạnh. Khi mà tác dụng của chúng mang lại sức mạnh uy hiếp và đàn áp cho kẻ cầm chúng, và rồi bỗng dưng những khẩu súng này lại ban cho loài người quyền lực, đúng như tựa đề của bài “I Gave You Power” này.

Lối viết lời rap mà nhân cách hóa sự vật sự việc của Nas chắc hẳn ảnh hưởng tới những rapper sau này như nhóm Hip Hop mà tôi đã từng viết, CunninLynguists rap trong bài “Hard As They Come (Act I)” khi các thành viên đóng vai những thứ có thể gây chết người như rượu, thuốc phiện và virut HIV; hoặc giống A$AP Rocky ví thứ chất gây ảo giác LSD như người con gái trong bài “L$D”. Nhưng ít ai làm được điều như Nas, đó là kể thành nguyên một câu chuyện qua 3 verse dài của một bài như vậy.


Nas sau này còn sử dụng những chiêu thức như “Kịch Tính Hóa” câu chuyện tình tưởng như đơn giản trong bài “Undying Love” ở album I Am… (1999) khi phần mở đầu đầy lãng mạn của một người đàn ông dự định dành sự bất ngờ cho người tình của mình bằng chiếc nhẫn cầu hôn khi trở về nhà đột xuất sau chuyến đi tại Las Vegas. Những gì diễn ra ở cuối bài mới thực sự sốc tới tận ruột gan. Nhân vật chính trong truyện cùng với hỗ trợ của cậu bạn tóm đôi gian dâm ngay tại trận. Cậu bạn thì khử ngay thằng bồ, còn nhân vật chính của chúng ta khi dí khẩu súng vào đầu cô người tình đã không may nổ súng giết chết cô nàng. Nếu chỉ dừng ở đó thì câu chuyện không khác gì vụ trả thù đánh ghen thông thường. Tuy nhiên ở những phân cảnh cuối, lúc cảnh sát ập tới, ở ngoài cậu bạn lao ra ngoài nhà không rõ sống chết ra sao, còn nhân vật chính nằm trong, ôm lấy xác cô bạn gái. Anh lôi chiếc nhẫn trong túi ra đeo vào ngón cho cô và đưa súng lên tự vẫn.

Những câu chuyện mang cái kết buồn cùng cú twist này cũng có thể thấy trong bản track “The Martini” rất hay của Tech N9ne kể về 3 bi kịch xảy đến với những người anh quen vì chuyện tình của họ, hay bài “4 Your Eyez Only” của J. Cole về câu chuyện cảm động của tình cha con được kể lại qua lời của Cole với cô con gái của cậu bạn quá cố.

Sáng tác những lời rap với ngôn từ sắc lẹm, vẫn gieo vần đều đặn và tạo được flow bắt tai không hề đơn giản. Tuy nhiên, để thỏa mãn hết mấy điều kiện đó mà vẫn kể được một câu chuyện dài trọn vẹn qua cả mấy đoạn verse trong nguyên một bài Rap thì vô cùng khó. Do đó nhiều rapper khi kể chuyện họ sẽ phải đổi chủ đề ở các đoạn verse hoặc cùng lắm kể các câu chuyện khác nhau với chung một chủ đề rộng hơn trong bài. Còn Nas luôn tạo một mạch truyện dài, giữ được nhịp độ, và tạo ra các phân đoạn hấp dẫn trong một track dài 3-4 phút, điều đòi hỏi một sự tập trung cao độ hết sức trong lúc sáng tác. Thế mà Nas còn “Điện Ảnh Hóa”, “Nhân Cách Hóa” hay “Kịch Tính Hóa” cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn.

Ấy vậy mà anh vẫn không ngừng gây sự bất ngờ với người nghe khi “Đảo Ngược” cách kể chuyện theo trình tự từ cuối trở về đầu câu chuyện trong bài “Rewind” ở một tuyệt tác khác của mình – album Stillmatic (2001), giống như mạch truyện của bộ phim Memento của đạo diễn Christopher Nolan. Tựa như một bộ phim tua ngược, Nas kể chuyện như sau:

Viên đạn bay ngược trở về nòng súng

Vết thương trên ngực hắn liền trở lại

Giờ quay về lúc đầu, khi hắn còn van nài “bắn đừng xin”

Tao đút khẩu súng lại bên hông, giống như cuộn băng VCR đang tua ngược

Hắn đưa tay lên ả đàn bà đứng bên

Tao nhảy ngược lên chiếc xe van và đóng lại

Xe đi lùi, chầm chậm lò rò

Thằng bạn tao Jungle hét toáng lên “rồi kia nó”

Ngồi phía sau xe, bọn tao ngậm điếu cần

Làn khói bay ngược về chiếc điếu cuốn

Jungle gỡ sà cân cất vào chiếc lọ

Điếu thuốc bỗng trở thành điếu xì gà

Bọn tao nghe nhạc Stevie, tựa như bọn nghe nhạc rock

Khi bật những bản backward của AC/DC

Tao đập tay với đám bạn, rồi nhảy khỏi chiếc xe van

Đi ngược lên thang, cởi chiếc áo đen

Ngồi trong nhà tao nghe điện thoại

Giọng nói bên đầu dây “cửa ngoài ở tao bọn”

Mồm tao há hốc, ngăn không để bốc hỏa

Ổ đạn đã có đầy, thừa sức chơi với mày

Vì khi Jungle nói ‘mày chỗ đang nó bọn”

Gác điện thoại , sau đó tiếng chuông reng

Tao nằm trên giường, đang nghĩ tới cô nàng

Ả vừa đi, lại quay lại, áo quần rơi xuống thảm

Ả đổ mình xuống giường tao và ôm ấp

Tao bảo “nào đời không” khi ả đòi “đi em hôn”

Đầu nhấp nhô rồi đẩy hàng tao lại trong quần

Rồi đứng dậy mặc chiếc áo cooc xê

Áo quần chỉn chu “quá mỏi mệt em “ ả nói

Nhấc chiếc túi Gucci và bỏ lại tao đằng sau

Đi qua cửa, ả bấm chuông hai lần

Tao ọe rượu vodka vào cốc nước đá

Số ba ngược về một, kim chiếc đồng hồ quay

Và đó là khi câu chuyện mới bắt đầu

Là khi tao nghe voicemail trên điện thoại

Lời nhắn lại “Cu, bọn tao đã tìm thấy thằng cần phải giết”.


Tôi sẽ để các bạn tự đọc và hiểu xuôi lại câu chuyện mà Nas kể ở trên. Điều đáng nể là anh tạo một câu chuyện ngược liền mạch này chạy xuyên suốt 38 bars mà vẫn gieo vần đầy đủ. Anh còn thách thức người nghe khi thuật lại các câu thoại ngược từ cuối trở về đầu câu, rất khó đoán. Lối kể chuyện này dĩ nhiên quá khó để các rapper khác có thể học theo, nên không được áp dụng phổ biến như các kỹ thuật kể chuyện kia. Nếu có thì họ cũng chỉ sử dụng theo tính chất trình tự ngược của một concept album như nhóm Hip Hop The Roots đã làm với album Undun hay Kendrick Lamar với album DAMN. Âu cũng vì việc kể chuyện theo cách này kể cũng khó theo dõi cho người nghe nhạc khi họ phải ngẫm lại mấy lần.

Đây cũng là lý do mà nhạc của Nas dù có những thành công thương mại, nhưng anh chưa có những giải thưởng lớn như các đồng môn khác. Anh vẫn như một kẻ rap nhạc underground có được danh tiếng của một nghệ sĩ mainstream, điều mà thực ra đáng nhẽ sẽ dễ lung lạc suy nghĩ đi theo con đường thương mại hóa với một rapper. Nhưng Nas vẫn kiên trì theo đuổi phong cách nhạc và sau hơn 30 năm sự nghiệp với 13 album chính thức, anh vẫn giữ được chất của riêng mình. Bằng chứng là dù có những sản phẩm đuối sức hơn ở thời kỳ giữa, tôi vẫn luôn tìm được cái hay trong nhạc của anh, và chỉ trong mấy năm gần đây, bộ đôi hai phần album King’s Disease (2020) và King’s Disease II (2021) của anh đều thực sự xuất sắc.


Dù ở tuổi đời từng trải và đã kể quá nhiều câu chuyện rồi, Nas vẫn có cách giữ được sự hấp dẫn của thế hệ cũ trong một dòng nhạc mà các huyền thoại hầu như chỉ giữ được lửa trong vài năm đầu tiên của sự nghiệp. Không còn nhiều câu chuyện dài xuất hiện như trước, thay vào đó, Nas vẫn có cách giữ lửa bằng câu chuyện của quá khứ, kể lại việc anh từng kết thúc mối thù với Tupac trong bài “Death Row East”, hay về những ngày tháng tung hoành trong thập niên 90 ở Queensbridge trong bài “Store Run”, tựa như một lão sư đang kể cho các thế hệ sau trong “Sự Hồi Tưởng” từ ký ức của mình.


Hẹn gặp lại!

Kunt

866 views

Recent Posts

See All
bottom of page