top of page

Aretha Franklin: người chiếm "linh hồn" của bài hát


Vậy là tôi đã mất bài hát này rồi. Cô ta đã cướp nó khỏi tay tôi.” - huyền thoại Otis Redding, người cũng được gọi là Vua Nhạc Soul phải thốt lên khi nghe xong bài “Respect” mà Aretha Franklin cover lại của chính ông.

Từ ca khúc gốc năm 1965 của Otis có nội dung đi theo hướng người đàn ông đòi sự “kính trọng” từ người vợ khi về đến nhà sau mỗi ngày làm việc. What you want, honey, you got it / And what you need, baby, you got it / All I'm askin' is for a little respect when I come home

Năm 1967, Aretha biến nó thành bài kêu gọi bình đẳng nữ quyền, cần sự “tôn trọng” của người chồng với người vợ của mình: What you want, baby, I got it / What you need, do you know I got it? / All I'm askin' is for a little respect when you come home

Ngoài việc thay đổi lời, sự cách tân của bà với ca khúc còn ở cách trình bày bài hát với phần hát bè rộn ràng tiết tấu nhanh của chính chị em nhà Franklin. Họ hát nhanh câu phụ hoạ “(Just a, just a, just a, just a)”, rồi láy từ “(Re, re, re ,re)” trước khi bật ra chữ “Respect”, rồi chính Aretha đánh vần rõ từng chữ “R-E-S-P-E-C-T”. Phần cuối outro “(Sock it to me, sock it to me, sock it to me, sock it to me)” mà chị em Franklin sáng tạo thêm vào bài hát làm tổng thể cả bài hát trở nên bắt tai, hấp dẫn khác xa sơ với bản gốc. Trong bản này của Aretha, “sock it to me” không có nghĩa dung tục như tiếng lóng của cụm từ này, mà nó chỉ nhấn mạnh cánh đàn ông hãy “chứng tỏ đi, chứng tỏ đi, chứng tỏ đi” rằng người phụ nữ hoàn toàn đáng được “tôn trọng”. Và thế là Otis bị Aretha cướp mất bài hát đó thật! Bản cover của bà đưa tên tuổi Aretha Franklin đến với số đông người nghe nhạc, đem lại hai giải Grammy năm 1968, được xếp thứ 5 các ca khúc hay nhất mọi thời đại của Tạp chí Rolling Stone.

Aretha cùng mấy chị em gái sở hữu tài năng âm nhạc từ nhỏ, tuy nhiên bà lại là người có đầy đủ tố chất thành tài nhất nhà. Không chỉ học hát từ nhỏ tại nhà thờ theo dòng nhạc Gospel, Aretha còn được người cha - là nhà truyền giáo nổi tiếng nhất bấy giờ thuê thày về dạy đàn piano cho bà. Với tính cách nhút nhát, bà trốn các buổi học nhạc nhưng lại tự mày mò chơi đàn mỗi lúc ngồi một mình. Dù không hề biết đọc bản nhạc, Aretha vẫn sớm nắm bắt được cách chơi những hợp âm đầy màu sắc của nhạc Gospel chỉ qua cảm nhận của đôi tai. Giọng hát thiên phú và kỹ năng chơi đàn thuần thục khiến chuyên gia âm nhạc mà cha của bà mời đến để tư vấn và huấn luyện còn phải thốt lên ngay buổi đầu tiên rằng ông không có gì để chỉ bảo thêm nữa vì sự cảm thụ và trình độ âm nhạc của Aretha đã ở mức thượng thừa.


*****

Tôi nợ bà nhiều. Bà thực sự quá tuyệt vời. Luciano” - một tờ giấy ghi những lời cảm kích của huyền thoại Luciano Pavarotti cùng với vô vàn hoa phủ khắp phòng khách sạn của Aretha Franklin.

Chỉ mới vài tiếng trước đó, Aretha đã đưa ra một quyết định táo bạo khi làm người diễn thế chân Pavarotti để trình bày bản opera “Nessun Dorma” nổi tiếng gắn liền với cái tên nam ca sĩ opera ở phút chót tại giải lễ trao giải Grammy năm 1998.

Khi nhận được tin báo từ nam ca sĩ ngay khi chương trình mới bắt đầu, rằng ông không khoẻ để lên hát như lịch trình, nhà sản xuất chương trình hôm đó bủn rủn chân tay vì cả dàn nhạc 65 nhạc công và 30 ca sĩ hát bè đã được chuẩn bị sẵn sàng. May thay Aretha vừa mới biểu diễn bản “Nessun Dorma” tại một sự kiện khác mới hai tối trước đó, nên bà nhận được ngay lời đề nghị làm nhân vật chính thay thế bất đắc dĩ. Có vấn đề là bản của Pavarotti có phần hoà âm dàn nhạc khác, cao hơn ba cung. Điều đó đồng nghĩa với việc Aretha sẽ phải liều lĩnh thực hiện nốt Si cao vút kinh điển ở đoạn cao trào cuối bài. Ngẫm nghĩ một lúc bà nhận lời và chỉ có thời gian nhẩm qua bài đó chưa đầy 20 phút trước khi lên diễn. Khi chuẩn bị bước lên sân khấu, nhìn thấy dàn nhạc công và ca sĩ hùng hậu, bà nắm chặt tay ông sản xuất chương trình nói “Quả này hay ho đây!”. Aretha Franklin sở hữu giọng nữ trung mezzo-soprano, đủ rộng, khoẻ và dầy tiếng để thừa sức hát nhạc Soul và Gospel. Có điều, hát những nốt cao không phải là thứ mà bà luôn nhắm tới để phô trương. Tuổi trẻ của Aretha được dành để đưa thứ giọng soulful của mình chạm tới trái tim người nghe. Tiếng hát của bà ngọt lịm có chút khàn, thi thoảng kéo người nghe tụt lại phía sau cùng với bà để phiêu trên tiếng đàn piano qua kiểu hát vào trễ nhịp được xử lý rất chuẩn và mang dấu ấn riêng. Chất giọng đầy đặn đó ngày một mở rộng âm vực hơn, giúp Aretha với tới những nốt cao hơn và cả xuống những nốt thấp hơn bất chấp tuổi tác. Thứ phá hoại giọng bà nhiều nhất là thuốc là và rượu được bà tiêu thụ liên tục do căng thẳng trong công việc, những chuyến lưu diễn và gã chồng bạo hành. Khi cai được rượu rồi thì Aretha lại phải đối mặt với quãng thời gian đen tối. Cha của bà mất sau mấy năm hôn mê vì bị bắn trong một vụ trộm tại nhà. Rồi các chị em của bà cũng lần lượt mất sớm vì căn bệnh ung thư, khiến cho bà vẫn phải trút nỗi niềm qua làn khói thuốc. Là một con người vô cùng kín đáo, với một tinh thần tươi vui của âm nhạc Gospel ăn sâu trong máu, Aretha thi thoảng mới có những phút trải lòng, nhưng mọi câu chuyện đó đều được tô vẽ bằng những màu sắc tươi đẹp. Vì thế ở khúc cuối bài hát “Nessun Dorma”, tiếng hát của bà lúc lên cao có một cảm xúc tươi sáng như ở khúc cao trào cuối bài của âm nhạc Gospel, khác với cách thể hiện chuẩn xác từng cao độ và âm lượng cũng như kỹ thuật lấy hơi ở nhạc Opera của Pavarotti. Nhưng mà đâu đó vẫn đau đáu nỗi buồn ẩn giấu không được chia sẻ của bà qua âm sắc có chút khàn đục do chất giọng bị tàn phá đằng đẵng nhiều năm bởi thuốc lá. Rồi khi Aretha kéo vút giọng lên nốt Si đáng sợ đó, người nghe cảm thấy như một dòng điện chạy sau gáy, rồi xuống dọc sống lưng, và lan ra hai cánh tay họ. Vincerò! / Vincerò! / Vincerò!” (I will win)


Chẳng ai ngờ họ được một ngày chứng kiến Nữ Hoàng Nhạc Soul trình bày một bản Opera xuất sắc và đầy cảm xúc theo cách rất riêng của bà. Aretha Franklin không "cướp" lấy bài "Nessun Dorma" của Pavarotti như cái lần bà làm với Otis Redding, nhưng bà đã “Soul hoá” một bản Opera kinh điển thành một bản version của riêng bà và trở thành màn trình diễn không thể thiếu trong các lần sau này.


*****

Khi bà ấy bước ra trong chiếc áo choàng lông, tôi ngỡ ngàng nhận ra Aretha. Rồi bà ngồi xuống chiếc đàn piano, tôi không kìm nén được sự ngạc nhiên lần nữa. Đã lâu rồi bà không còn mấy khi biểu diễn cùng chiếc đàn piano. Ngoài chất giọng thiên phú, bà còn là nghệ sĩ dương cầm có tài năng bẩm sinh. Thế nên cả khi tôi đã biết trước mình có thể mong đợi gì ở màn trình diễn này của Aretha, tôi vẫn không thể kìm được cảm xúc bay tận cung trăng khi bà bắt đầu đánh đàn và hát” - Huyền thoại Carole King nhớ lại.

Tại buổi lễ Kennedy Center Honors năm 2015 vinh danh huyền thoại Carole King, Aretha Franklin vừa bấm những phím đàn vừa cất giọng hát bài “(You Make Me Feel Like) A Natural Woman” do chính Carole cùng người chồng cũ đã sáng tác dành riêng cho Aretha.

Năm đó Aretha đã ở tuổi 73. Ở độ tuổi đó, tiếng hát của bà vẫn đủ làm tất cả khán giả, không chỉ Carole mà cả tống thống Barack Obama phải lau nước mắt vì xúc động trước chất giọng đầy soulful dù đã trải qua hơn 6 thập kỷ đi diễn. Như lời của Carole nói, cả khi Carole King có bản thu âm riêng của ca khúc này trong album nổi tiếng Tapestry, bài “(You Make Me Feel) Like A Natural Woman” này đã trở thành bất hủ nhờ giọng hát đầy sức mạnh của Nữ Hoàng Nhạc Soul. Bởi lẽ Aretha Franklin có một cách thể hiện âm nhạc với sự giao thoa giữa cái tình của nhạc Soul và âm sắc cao trào của nhạc Gospel rất riêng và tinh tế, giúp bà biến các ca khúc của người khác thành như bài hát của chính mình.

Bởi lẽ Aretha mang trong mình một cảm xúc của người phụ nữ từng trải qua nhiều biến cố trong đời, mà tại mỗi thời điểm, giọng hát đó lại được thể hiện một cách khác, xuất phát từ nỗi đau hoặc niềm vui. Bởi lẽ hiếm người con gái nào phải gánh trọng trách của một người phụ nữ ở độ tuổi quá trẻ như Aretha Franklin. Bà mang thai khi mới 12 tuổi, và chỉ hai năm sau đó, Aretha lại sinh thêm người con thứ hai, trong khi không mấy ai biết danh tính của người cha đẻ. Bà sau đó lấy chồng ở tuổi 19 và mối quan hệ đó cũng chỉ kéo dài được 8 năm. Cả khi những sự việc đó ập đến với một cô gái trẻ, chúng chưa bao giờ đủ dập tắt một huyền thoại - người được sinh ra để hát nhạc Soul. Aretha không đơn thuần chỉ có chất giọng thiên phú để hát nhạc Soul, vì yếu tố đó cũng không phải là điều gì đó quá hiếm hoi trong vô vàn con người luôn theo đuổi bộ môn âm nhạc. Thứ mà bà nắm giữ cho riêng mình là sức mạnh cảm thụ và tầm nhìn đối với từng bài hát, rồi thể hiện nó với tràn đầy cảm xúc, thậm chí khác nhau ở mỗi thời điểm. Đó chính là lý do khi nghe Aretha Franklin hát live thực sự lại còn hay hơn rất nhiều lần. Chỉ cần xem bà đánh đàn piano và hát những câu hát lúc nhanh lúc chậm, thả mỗi nốt nhạc theo một cảm xúc mới thấm thía hết cái danh Nữ Hoàng Nhạc Soul. Có người nói bà không chỉ là Nữ Hoàng của dòng nhạc này mà bà chính là Nhạc Soul, bà là chính nó.


Mỗi câu hát của cùng một bài có thể được thể hiện khác nhau ở mỗi thời điểm của cuộc đời, nhưng nó đại diện cho cảm xúc vui hoặc buồn của người hát vào lúc đó. Và dù cách thể hiện đó có khác đi ra sao, người ta vẫn luôn đồng cảm với tiếng hát của “người đàn bà” này. Chính thế nên với cùng một bài "(You Make Me Feel Like) A Natural Woman", gần 50 năm sau bản studio, Aretha Franklin đã chiếm lấy "linh hồn" của bài hát một lần nữa theo một cách thể hiện khác trong bản diễn live năm 2015.

Hẹn gặp lại! Kroon

853 views

Recent Posts

See All
bottom of page