Nhạy cảm… Hay xúc động… Dễ tổn thương…
Một nhà chiêm tinh học từng nói với Halsey rằng: “Biểu đồ chiêm tinh của cô có quá nhiều yếu tố nước trong đó. Cô cảm thấy sao khi ngày nào mình cũng trải qua đủ các cảm xúc của từng con người trên cõi đời này?”. Vậy nên Halsey đã hát lời hát: “My special talent isn't writing, it's not singing / It's feeling everything that everyone alive feels every day” trong bài “Only Living Girl In LA” nằm trong album đầy tự sự được phát hành gần đây nhất – The Great Impersonator. Được thu âm trong khoảng thời gian 2022 và 2024, khi Halsey phải chống chọi với căn bệnh lupus và bạch cầu hiếm gặp, cô đã mượn hình ảnh của nhiều nghệ sĩ gạo cội để tường thuật lại quãng thời gian khó khăn đó, kèm theo một suy nghĩ về một nhạc phẩm cuối cùng của cuộc đời. Là một người vô cùng nhạy cảm, hay xúc động và dễ tổn thương, cả khi Halsey khoác lên mình các vỏ bọc trong The Great Impersonator, cô cũng không thể giấu giếm nổi những cảm xúc dù nhỏ nhất của chính mình. Bởi vậy âm nhạc của Halsey luôn có một sức hấp dẫn đặc biệt đối với tôi qua giai điệu và lời hát đầy bộc bạch và trần trụi được trải lòng bởi người nghệ sĩ mang nhiều nỗi niềm trên cõi đời này.

Khi tìm hiểu về Halsey, tôi mới phát hiện ra 2 luồng ý kiến trái ngược về cô: một là mến mộ và hai là ghét bỏ. Lý do cho sự ghét bỏ có thể được liệt kê đại loại như sau: Halsey không hơn gì mấy cô nàng trên mạng xã hội Tumblr ngày trước (tựa như Instagram model thời nay), thường hay gồng mình để cố tỏ ra là một nghệ sĩ có lời hát văn thơ nhưng mang đầy sự mâu thuẫn, khi lúc thì luôn miệng phản đối sự phân biệt nhưng có khi lại lỡ buông lời coi thường người Châu Á và chuyển giới. Có vẻ như thái độ của Halsey trong các lần xuất hiện trước công chúng, trong các buổi phỏng vấn, trên mạng xã hội là thứ khiến nhiều người cảm thấy vô cùng khó chịu. Mối quan hệ yêu / ghét của khán giả với cô cũng là lý do cho Halsey từng cảm thấy hối hận vì quay trở lại làng nhạc cùng album The Great Impersonator (2024) bởi cô lại phải chứng kiến những luồng ý kiến tiêu cực chĩa vào mình.
Trong bài viết tôi sẽ không đào sâu đến khía cạnh này vì không nắm hết tận tình câu chuyện phía sau và vì âm nhạc của Halsey mới là thứ khiến tôi quan tâm và cảm mến. Tuy nhiên tôi nghĩ chính tính cách nhạy cảm, dễ xúc động và tổn thương của Halsey một mặt là những yếu tố có thể mang lại các phản ứng khiến người khác phật lòng, nhưng mặt khác lại là xúc tác cho Halsey viết ra thứ nhạc tràn ngập cảm xúc đến vậy.
Phong cách sáng tác của Halsey như sau. Với mỗi bài cô sẽ dành từ 20 đến 90 phút để viết, và một khi bắt tay vào làm thì cô sẽ không dừng lại. Halsey luôn biết cách nắm bắt cảm hứng khi nghe những bản nhạc nền được gửi đến. Các giai điệu và lời được cô sáng tác một cách liền mạch. Vì vậy những bài mà Halsey có thể viết từ chính mạch cảm xúc được tuôn trào ra một cách tự nhiên, không hề gượng ép nhất sẽ thường là những bài cô sẽ giữ lại. Ví dụ như trong album If I Can’t Have Love, I Want Power (2021), cả Trent Reznor lẫn Atticus Ross – bộ đôi phụ trách sản xuất cho đĩa nhạc đó của Halsey phải thừa nhận rằng họ không cần phải sửa một ca từ hay nốt nhạc giai điệu nào vì chúng đều được viết một cách chuẩn mực và chắc tay. Nhờ đó, Reznor và Ross chỉ cần lồng những khung nhạc phù hợp để tôn cá tính nhạc nhất có thể cho Halsey.
Về nhạc, lối sáng tác giai điệu của cô có sự ảnh hưởng của Lorde, The Weeknd lẫn Lana Del Rey. Những quãng giai điệu buồn mang màu sắc tối được đan xen giữa những đoạn giai điệu sáng hơn chút qua những chuỗi hợp âm không hề nhàm tai như nhạc Pop thông thường. Âm hưởng tối này cũng là những gì Halsey cảm thụ được từ những nghệ sĩ theo phong cách nhạc Post-Grunge và Emo Rock mà cô hay nghe từ ngày nhỏ như Alanis Morissette và ban nhạc Brand New. Tôi còn thích cả cách Halsey biến đổi nhịp điệu của lời hát, thậm chí là những chùm nhịp lẻ, tạo sự mới mẻ trong một bài nhạc qua từng khúc nhanh và chậm để chuyển tải phần lời tự sự mà tôi sẽ nói tới sau trong bài viết này.
Khi mà cảm xúc được Halsey chú trọng ngay từ bước đầu tiên trong sáng tác, phần nhạc phối khí được lựa chọn đều có những chuyển đổi rất hấp dẫn. Đó là âm thanh điện tử rè của “Castle” đối lập với tiếng guitar thùng ấm áp ở bài “Drive” trong album Badlands đầu tay (2015), tiếng đàn synth điện tử tối tăm của “Eyes Closed” và tiếng bass rất mẩy trong “Strangers” tương phản với tiếng đàn piano nhẹ nhàng trong bài “Sorry” ở album Hopeless Fountain Kingdom (2017), tiết tấu upbeat của “3AM” khác hẳn với sự trầm lắng qua tiếng đàn acoustic ở “You Should Be Sad” và âm thanh giản lược của piano và bass ấm áp cùng khúc chuyển tông buồn man mác của “Forever … (Is A Long Time)” đều cùng trong album Manic (2020). Đến cả một album mang đậm phong cách nhạc Industrial đặc trưng của Trent Reznor và Articus Ross khi sản xuất cho album If I Can’t Have Love, I Want Power (2021), đĩa nhạc cũng mở đầu từ tốn qua “The Tradition” và “Bells In Santa Fe” trước khi các nhạc cụ vào dồn dập, rè đặc xuất hiện trong “Easier Than Lying”, “Girl Is A Gun”, rồi lại tĩnh lại trong “1121”, để sau đó âm thanh điện tử đầy cá tính lại lộ diện trong “Honey”.
Khả năng chơi nhiều nhạc cụ từ violin, viola và cello cho tới cả guitar và piano hẳn giúp Halsey nhiều trong khâu viết nhạc. Rồi thói quen sáng tác những vần thơ từ ngày bé hẳn đã giúp Halsey phát triển cho mình một lối viết lời đầy sự trải lòng.
“Càng ghét bỏ bản thân, ca từ tôi viết ra lại càng cảm xúc”. Hay chí ít đó là nguồn cảm hứng khơi gợi cho Halsey – một nghệ sĩ luôn phải tìm sự yên bình cho tâm trí bản thân.
Halsey là nghệ danh bắt nguồn từ cách cô đảo các chữ cái từ tên thật của mình là Ashley (tên đầy đủ là Ashley Nicolette Frangipane), cũng như gợi tưởng đến ga Halsey Street, điểm dừng trên tuyến tàu điện ngầm tại Brooklyn, nơi mà cô lớn lên từ tuổi ấu thơ. Có điều đó là một ấu thơ không mấy yên bình. Tính cách nhạy cảm dễ tổn thương khiến cô khác biệt hẳn những bạn bè trang lứa, đến độ quãng thời gian học đường của cô tràn đầy nước mắt. Việc bị bắt nạt trong trường cũng là yếu tố dẫn tới việc Halsey từng định kết liễu cuộc đời mình ở tuổi 17, khiến cho cô phải nằm viện mấy tuần sau đó. Người ta phát hiện ra cô bị rối loạn lưỡng cực, một căn bệnh mà mẹ cô cũng mắc phải. Nên cũng không quá bất ngờ khi Halsey sau đó phải tìm đến những thứ chất kích thích để giải tỏa cho tâm trí, theo một cách khác để hủy hoại bản thân.
Chính thế mà không gian u ám, ảm đạm của một thế giới thời kỳ hậu tận thế được diễn tả trong một concept album như nhạc phẩm Badlands đầu tay là hình ảnh ẩn dụ cho một tâm trí bất ổn, đầy rẫy những suy nghĩ tiêu cực luẩn quẩn bên trong Halsey.
Ở đoạn lời đầu tiên của bài “Castle” – track mở màn cho Badlands, Halsey hát: “Sick of all these people talking, sick of all this noise / Tired of all these cameras flashing, sick of being poised / Now my neck is open wide, begging for a fist around it / Already choking on my pride, so there's no use crying about it”. Ngay khi “cánh cổng” của vùng đất “Badlands” được mở ra, người ta được chứng kiến một Halsey mệt mỏi với những lời nói, sự soi mói của mọi người. Biết là cô đã bắt đầu sự nghiệp từ 3 năm trước đó và đã cho ra một bản EP, nhưng ngay tại track mở đầu của album chính thức đầu tiên, Halsey đã không hề kìm nén những suy nghĩ của mình. Hình ảnh ẩn dụ chiếc cổ của Halsey nay được trưng ra (“my neck is open wide”) chỉ chờ có một nắm tay bóp chặt lấy (“begging for a fist around it”) giống như việc cô ra mắt với làng nhạc bằng album Badlands, phơi bày hết những suy nghĩ ẩn khuất và sự yếu mềm cho thiên hạ có thể phán xét và đánh giá. Hình ảnh ẩn dụ này còn được tôn bật lên nhờ sự tương phản với câu sau mà Halsey thừa nhận chính cô đang mắc nghẹn với cái tôi kiêu hãnh của chính mình (“already choking on my pride”), như một phép thử khả năng chịu đựng của mình với búa rìu dư luận.
Trong bài “Hold Me Down” liền sau đó, lấy cảm hứng từ lần Halsey gặp phải mấy tay đàn ông đê tiện, cô tưởng tượng việc nói thẳng ra được những bực tức để dằn mặt đám người đó cũng giống như việc “con quỷ” bên trong cô được vùng dậy. Vẫn theo concept của một thế giới hoang tàn loạn lạc thời kỳ hậu tận thế, Halsey hát: “My demons are begging me to open up my mouth / I need them / Mechanically make the words come out / They fight me, vigorous and angry / Watch them pounce / Ignite me / Licking up the flames they bring about”. Rồi hay như trong “Roman Holiday”, khi Halsey tự nhủ bản thân tránh xa khỏi những rắc rối trong cuộc đời để tìm đến sự khuây khỏa, cô vẫn xen vào đoạn lời những khoảnh khắc được cô khắc họa đầy chân thực: “Do you remember the taste of my lips that night / I stole a bit of my mother's perfume? / 'Cause I remember when my father put his fist through the wall / That separated the dining room”. Sự đối lập giữa khung hình đầy lãng mạn của khoảnh khắc “taste of my lips that night” và khoảnh khắc “when my father put his fist through the wall / that separated the dining room” cho thấy tâm trạng của Halsey hầu như không mấy lúc tìm được đến nơi bình yên, khi mà những chuyện buồn trong quá khứ luôn luẩn quẩn trong trí óc cô. Đến những ca từ đầy chất thơ trong đoạn điệp khúc hướng tới hy vọng: “Oh, we'll be looking for sunlight, or the headlights / 'Til our wide eyes burn blind / We'll be lacing the same shoes that we've worn through / To the bottom of the line” cũng dường như không phải là vĩnh cửu.
Khi nghe bản thu demo của Halsey cho album If I Can’t Have Love, I Want Power, Trent Reznor có nhận xét các bài hát của cô tựa như được sinh ra từ vùng đất của những nỗi đau, để rồi qua âm nhạc, chúng được giải tỏa và bộc bạch bằng những suy nghĩ và cảm xúc. Từ đó người nghe cảm nhận rõ nét sự chân thực mà Halsey lột tả bằng những ca từ vần thơ.
Cách Halsey viết lời thường sử dụng thứ ngôn ngữ tượng hình và các phép ẩn dụ, đặc biệt qua những bối cảnh tương phản lẫn nhau để tăng sức căng cho câu chuyện, kéo người nghe vào trong chính bài hát để thấu hiểu được hết những gì Halsey muốn giãi bày, thậm chí trút bỏ. Cái hay là cả khi cô hát về những niềm đau hay sự hủy hoại, cô vẫn khéo léo vẽ nên những khung hình đẹp mà đượm buồn trong đó. Sự đan xen giữa các ca từ thi vị với những lời lẽ thẳng tuột, giữa những từ ngữ ẩn dụ bay bổng với lời hát thô ráp làm cho bài hát của Halsey không quá khó hiểu và gây ấn tượng mạnh trong tâm trí dù chỉ nghe lần đầu.
Bởi vậy, kể cả với Hopeless Fountain Kingdom – một album “tươi sáng” hơn chút với phong cách nhạc dễ gần với số đông người nghe, thì Halsey cũng lại theo một concept tối tăm khi kể một câu chuyện tình Romeo và Juliet thời hiện đại, lấy ý tưởng từ mối tình tan vỡ của cô với anh bạn trai Lido – người đã giúp sản xuất và góp bút sáng tác nhạc cho Halsey qua 3 album đầu tiên; “You wrote a hundred letters just for me / And I find them in my closet in the pockets of my jeans / Now I'm constantly reminded of the time I was nineteen / Every single one's forgotten in a laundromat machine” (bài “100 Letters”).
Ở album mang cái tên Manic – mang ý nghĩa về tâm trạng vui buồn thất thường, một trạng thái của chứng bệnh rối loạn lưỡng cực, người ta cũng không quá mong chờ một Halsey tìm đến chốn an nhiên cho bản thân mình, khi trong đó cô hát “I know when you go down all your darkest roads / I woulda followed all the way to the graveyard / Oh, 'cause I keep diggin' myself down deeper” (bài “Graveyard”) và “Because nobody loves you, they just try to fuck you / Then put you on a feature on the B-Side / And who do you call when it's late at night? / When the headlines just don't paint the picture right” (bài “929”).
Còn với album If I Can't Have Love, I Want Power, Halsey tìm đến concept về sự khủng hoảng của người phụ nữ trong giai đoạn mang bầu và lúc vượt cạn. Cái cách mà cô muốn nhạc phẩm này được phá cách so với trước thậm chí có thể gây bứt rứt cho người nghe, một phong cách không hề lạ lẫm với bộ đôi Trent Reznor và Atticus Ross qua các bản soundtrack và âm nhạc của Nine Inch Nails, đã cho thấy một album mang lời hát không hề bình yên; “Well, maybe I could hold you in the dark / You won't even notice me depart / Secondhand thread in a secondhand bed / With a second man's head / Leavin' through the door without a word / You won't even notice, little bird / Better off dead, so I reckon I'm headed to Hell instead” (bài “Bells In Santa Fe”).
Bởi vậy, với album gần đây nhất – The Great Impersonator được Halsey viết ra dựa trên quãng thời gian đối chọi với căn bệnh lupus và bạch cầu theo một tâm thế của một nhạc phẩm có thể là cuối cùng của đời mình, người nghe được cô dẫn đi trên chuyến hành trình vượt thời gian để chứng kiến cuộc đời của Ashley Frangipane qua những vỏ bọc của Dolly Parton, Kate Bush, David Bowie, Dolores O’Riordan, Stevie Nicks, Fiona Apple, Björk, v.v. – những nghệ sĩ mà cô ngưỡng mộ; và dĩ nhiên cả vỏ bọc “Halsey” mà cô đã khoác lên mình trong suốt sự nghiệp âm nhạc.
“Càng ghét bỏ bản thân, ca từ tôi viết ra lại càng cảm xúc”. Ở trạng thái sức khỏe và thể trạng như quãng thời gian viết ra The Great Impersonator, mỉa mai thay đó lại như nguồn cảm hứng “hoàn hảo” để Halsey viết ra những ca từ mang cảm xúc mạnh mẽ nhất. Tựa như một con người ở thời khắc chạm cửa tử, hình ảnh của những khoảnh khắc và cột mốc chính trong cuộc đời của một Ashley Frangipane đang hiện ra trước mắt, giống như một cuộn băng hồi ký được bật lên để người nghe được cùng chứng kiến.
Ngay trong bài đầu tiên, “Only Living Girl In LA”, Halsey đưa người nghe đến với thực tại để cùng cô đối diện với tình trạng sức khỏe và căn bệnh hiểm nghèo của mình. Halsey băn khoăn về phản ứng của người đời với cái chết của mình, và rằng đám tang của cô liệu có đông người đến tiếc thương (“Do you think they'd laugh at how I died? / Or take a photo of my family in the lobby / The ceremony's small inside / 'Cause I don't know if I could sell out my own funeral”). Tới “Ego”, những luồng suy nghĩ tiêu cực lại ùa đến (“Walking down a razor-thin edge / And I wake up tired, think I'm better off dead”) và trong “Dog Years”, trí óc cô thậm chí còn vẩn vương đến chuyện một “con quỷ cái” như mình có được lên thiên đàng (“Well, they say all dogs go to Heaven / Well, what about a bitch? / What about an evil girl / Left lying in a ditch?”).
Xen giữa các bài, Halsey đưa người nghe về các mốc trong quá khứ qua các track đầy bộc bạch mang tên “Letter To God” qua các năm 1974, 1983 và 1998. Ví dụ như trong “Letter To God (1974)”, cô kể về ngày khi cô còn bé, cô đã từng ghen tị với cậu bé cùng trường được ba mẹ chiều chuộng vì cậu mắc phải căn bệnh bạch cầu. Với suy nghĩ ngây thơ, cô bé Ashley đã cầu nguyện trước Chúa để mình được mắc bệnh và được những người xung quanh thương yêu chăm sóc: “Please, God, I wanna be sick / I don't wanna hurt so get it over with quick / Please, God, I wanna be loved / I don't wanna be somebody that they wanna get rid of”. Mỉa mai thay, ước nguyện đó giờ đã thành hiện thực và Halsey phải đối mặt với nó. Việc Halsey đặt liền hai track “Panic Attack” và “The End” ngay sau “Letter To God (1974)” càng khiến sự cay nghiệt của số phận được tô đậm nét. Đoạn outro trong “The End” tựa như dấu chấm hết cho một người nghệ sĩ đã trải qua những năm tháng nhiều muộn phiền, giờ cuộc đời được treo bằng sợi dây sinh tử mong manh:
“When I met you, I said I would never die
But the joke was always mine 'cause I'm racing against time
And I know it's not the end of the world, but could you pick me up at 8?
'Cause my treatment starts today”
…
…
…
Khi The Great Impersonator được phát hành, một lần nữa những lời mổ xẻ về tình trạng sức khỏe và tính chân thực trong các câu chuyện được kể trong album này của Halsey lại được đem ra bàn tán. Miễn bàn đến các luồng ý kiến trái chiều trên mạng xã hội, trong các bài review của những nhà phê bình, có thể thấy ví dụ tạp chí NME đánh giá điểm tối đa với lời khen như sau: “Nhìn lại bộ catalogue nhạc của cô, Manic có sự đa dạng về phong cách nhạc nhất, If I Can’t Have Love, I Want Power mang cá tính và tham vọng âm nhạc rõ nét nhất, nhưng The Great Impersonator lại là album chân thực nhất”, nhưng người viết không quên ghi chú thêm “đấy là nếu bạn chọn việc tin vào lời cô ấy hát”. Ở một chiều thái cực còn lại, tạp chí Pitchfork chỉ cho số điểm 4,8 thấp hơn nhiều những bài review của các nhà phê bình khác, với lời nhận xét: “phần lớn album The Great Impersonator mang cảm giác được dựng ra để đặt Halsey vào vị trí của một người nghệ sĩ cô độc và bị đày đọa” và cuối bài kết bằng câu: “Với việc The Great Impersonator rõ ràng muốn chúng ta tin vào các câu chuyện trong album này, liệu đã đủ để nói rằng cô ấy đã chịu đựng vì nghệ thuật, vì những người hâm mộ và giờ coi như cô đã hoàn thành nhiệm vụ hay chưa?”.
Nhạy cảm… Hay xúc động… Dễ tổn thương…
Chứng rối loạn lưỡng cực của Halsey cũng có thể khiến tâm trí cô cường điệu hóa sự vật và sự việc xung quanh mình. Thế nhưng như tôi đã nói đến ở đầu bài viết, đó có thể cũng lại là xúc tác cho Halsey viết ra thứ nhạc tràn ngập cảm xúc đến vậy. Đó là tình yêu dành cho cậu con trai “And with my roots above and all my branches down below / Please tell my boy I love him so / Please tell the world I have to grow bеfore I go / Well, I just wanted you to know” và một niềm hy vọng “That I bеlieve in magic and I believe in sin / I still believe in Heaven, if they'll never let me in / I started to believe in love the day I met my little twin / I think I might start tryin' because I haven't been” (bài “I Believe In Magic”). Đó là thứ tình yêu không trọn vẹn với người bạn tình bởi những vết thương lòng: “The surgeon said, "She had a hole in her heart / But it wasn't her fault, it was there from the start" / Trying to love you through an open wound / 'Cause everything I put inside there just fell right through” (bài “I Never Loved You”). Đó còn là nỗi cô đơn của cảm giác sống để làm hài lòng những người khác: “I will exist in every second / Just to decorate your life / And when you're done, you can discard me / Like the others always do” (bài “Lonely Is The Muse”). Và còn là nỗi tủi nhục của cảm giác bị hắt hủi: “I'm nothing but legs, they used to say / I'm nothing but skin and bones these days / You dangle me high over the drain and tell me I'm lucky you don't drop me there and / Let me wash away or put me on display / By trapping me forever between a glass and a dinner plate” (bài “Life Of The Spider (Draft)”).
Vậy nên với tôi kể cả nếu Halsey có phần nào phản ứng quá trước những sự việc, thì The Great Impersonator (và những album trước đó của cô) vẫn là tác phẩm âm nhạc hay và đẹp theo cách riêng của nó, đặc biệt nếu chúng ta nhìn theo lăng kính của Halsey.
“My special talent isn't writing, it's not singing / It's feeling everything that everyone alive feels every day” (Bài “Only Living Girl In LA”)
Hẹn gặp lại!
Kroon