top of page

Ẩn sau giàn trống (Ep. 1): Ringo Starr

Updated: Nov 29, 2023

Các tay trống có lẽ luôn là người thiệt nhất trong ban nhạc về mặt hình ảnh, bởi khi mỗi lần biểu diễn thì họ thường bị che khuất bởi cả đống nhạc cụ trên giàn trống (chẳng nhẽ lạ ngồi quay lưng vào khán giả để được nhìn thấy nhiều hơn), còn khi không biểu diễn mà đi ra ngoài cùng band thì y như rằng sẽ bị ca sĩ chính với tay lead guitar làm lu mờ. Thậm chí ở nhiều nơi, khán giả còn không phân biệt được ông nào đánh trống hay chơi bass trong ban nhạc.


Thà như ông đánh bass thường bị dân tình “chọc ngoáy” và làm giảm tầm tài nghệ, bởi đúng là có một số ông kể ra cũng "lười vận động"; đàng này nói về độ sôi động thì chắc hẳn tay trống “yên ắng” nhất cũng hoạt động ở cường độ cao trong ban nhạc. Dù họ đôi khi bị hiểu lầm là “chỉ giữ nhịp” thay vì “chơi nhạc”, tay trống vẫn luôn là người có thể vỗ ngực về những khả năng “trời phú” như tâm thần phân liệt giúp cho bốn tay chân mỗi thứ chơi một kiểu được. Chưa kể, họ có khi còn thuộc bài chả kém gì tay guitar và ca sĩ chính.


Có lẽ lúc này là thời điểm thích hợp để EmoodziK có thể giới thiệu một series mới về những con người ồn ào nhưng ít được để ý tới, hy vọng sẽ mang tới được một vài góc cạnh hay ho trong những tài năng “ít xuất hiện” của họ. Nhân vật của ngày hôm nay là tay trống, giỏi nhất thế giới thì không dám nói, nhưng chắc chắn là nổi tiếng nhất mọi thời đại.


Vì anh là Ringo Starr, hay vì anh chơi trống cho The Beatles, hay cả hai thì tui không dám nói. Nhưng hãy nhớ Beatles đã từng có cả tay trống chơi ổn khác (Pete Best) nhưng vẫn chọn Ringo, rồi thì sự nghiệp solo của Ringo Starr không hề thiếu những ca khúc No 1 trên các bảng xếp hạng đại chúng. Với tui, anh có tất cả sự trân trọng dành cho một người có âm thanh cực kỳ đặc trưng khi chơi loại nhạc cụ mà âm thanh của nó thậm chí còn bị gọi là “tiếng ồn”, biết trình diễn hết thế mạnh của mình, và không ngại tỏa sáng khi sân khấu bật lên những ngọn đèn sáng nhất.


Và sau đây là những điều đặc biệt từ Ringo.


1. Ringo Starr thuận tay chiêu

Ringo Starr luôn thừa nhận, anh không thể dồn trống như mọi người đơn giản vì anh là người thuận tay trái mà chơi trên giàn trống của người thuận tay phải. Nghe đâu là do bà của anh cho rằng thuận tay trái là sai tự nhiên, nên từ nhỏ Ringo Starr đã luôn phải giả vờ như mình thuận tay phải. Đem điều này vào chơi trống quả nhiên không đơn giản cho Ringo, bởi với người thuận tay phải khi dồn, nhát đầu tiên sẽ thường vào tay thuận và vì thế mọi người sẽ rất tự nhiên để dồn trống theo chiều từ trái qua phải, nôm na là từ snare tới tom treo và kết lại ở tom sàn.


Điều đó lý giải tại sao Ringo Starr khi dồn trống sẽ đi theo chiều ngược lại, bắt đầu từ tom sàn ngược lên tom treo, và vì thế câu dồn của Ringo nghe sẽ luôn nghịch tai so với câu dồn bình thường. Hãy lấy ca khúc “Come Together” của Beatles làm ví dụ. Khi có hiệu lệnh từ guitar, Ringo Starr sẽ chập nhả với hi hat trong nửa câu đầu, rồi phóng một lèo từ tom thấp ngược lên tom cao.


Tui nghĩ là với “Come Together”, kể cả khi chỉ nghe tiếng trống không, mọi người cũng có thể nhận ra đây là bài gì. Và thử nghĩ xem, Ringo Starr đã tạo ra bao nhiêu câu trống dễ nhận ra như vậy?


2. Khả năng giữ nhịp siêu chắc

Mọi người chơi nhạc đều cần tìm đến anh đánh trống lúc bắt đầu để giữ nhịp. Nhưng khi anh đánh trống chơi quá nhịp nhàng mà không màu mè, mọi người sẽ bắt đầu phàn nàn rằng anh chả làm gì khác ngoài giữ nhịp. Ringo Starr có lẽ là người luôn nằm trong danh sách này, dù rằng “giữ nhịp” ở đây có nhiều thứ ở mức độ tế vi hơn là đếm 1-2-3-4 theo nhịp Rock truyền thống.


Hãy lấy “Ticket To Ride” của Beatles ra làm ví dụ. Ai cũng nhớ bài này có một câu trống đặc trưng mà có lẽ không cần nghe tiếng guitar cũng có thể nhận ra: nó có một tiếng gõ vào tom ở giữa tiếng snare thứ hai và tiếng kick của nhịp tiếp theo. Điều đặc biệt là, cái tiếng tom đó nó không nằm ngay chính giữa, mà nó hơi có độ trễ rất “lười biếng” và ngả về nửa sau của nhịp đó. Hãy thử nghe “Ticket To Ride” được chơi lại bởi một người bất kỳ, bạn sẽ rất khó thấy được cái cảm giác mà Ringo tạo ra với cái độ trễ nhỏ nhoi đó. Và đặc biệt hơn, anh làm như vậy hết từ câu này qua câu khác.


Đã có những youtuber lọ mọ lấy máy ra đo beat của “Ticket To Ride”, và tất cả đều ngạc nhiên vì độ chính xác cực cao trong từng nhịp, cũng như cái “độ trễ” nhỏ xíu mà Ringo tạo ra từ tiếng Tom kia lặp đi lặp lại với tần suất giống hệt nhau.


Vậy nên không ngạc nhiên khi Ringo đem khả năng giữ nhịp siêu hạng của mình vào câu hát, và khiến cách hát của anh cũng trở nên đặc trưng cho dù giọng của Ringo không có âm vực quá rộng. Hãy nghe thử “Have you seen my baby” và để ý cách nhả chữ của Ringo và thử nghĩ xem, nếu đó không phải một tay trống, họ có hát nhịp nhàng như vậy không?


3. Chơi trống theo ca sĩ

Ringo Starr không chơi trống theo cách của nhiều nghệ sĩ trống nhạc Rock khác. Anh không đi cùng cây đàn bass mà anh chơi trống theo ca sĩ. Theo cách diễn giải của Ringo, các câu dồn trống vì vậy, cũng như được bật ra theo cảm xúc của anh ngay lúc đó chứ cũng chả có theo một bài bản nào cả.


Như trong bài “Rain” của Beatles chẳng hạn, một người vốn chơi khá “nhàn nhã” với các câu dồn và thường tập trung vào groove của phần trống của mình sao cho đủ đầy nhất, thì nay bỗng chơi thật bận rộn bởi vì cảm xúc của bài này nó phải như vậy.


Hoặc như trong bài “The End”, Ringo Starr thậm chí đã solo trống. Hãy thử chụp tai nghe lên và nghe những tiếng trống căng nhưng rất rõ ràng để phân biệt giữa tiếng snare, tom cao, và tom thấp, cùng với tiếng kick dồn dập. Rõ ràng người đàn ông này có nhiều thứ trong bụng của anh hơn là cái vẻ “lười biếng” mà anh tạo ra.


Nhưng dù gì thì gì, không ai có thể phủ nhận những sự thêm thắt của Ringo Starr đều làm cho ca khúc trở nên hiệu quả hơn rất nhiều chứ không có làm bài hát yếu đi. Đó như “Yesterday” hay “Eleano Rigby”, khi Ringo không cảm thấy trống có thể giúp, anh khỏi chơi luôn.


4. Chơi trống mà bày đặt nhún nhảy

Món này là món có lẽ ai cũng ấn tượng với Ringo Starr nhất: cái tay phải đảo qua lại như chiên xào trên chiếc hi hat, còn cái tay trái thì cứ phải so vai lên rồi mới nện xuống snare. Swing, ấy là cách Ringo Starr mô ta cử động của mình, và cũng là cách những nghệ sĩ khác khen tặng Ringo khi đem theo những thứ rườm rà đó từ nhạc jazz, thứ cung cách khiến cho lối chơi dường như chậm lại nhưng nó lại làm “động” cho phần nhịp khi người nghe không bào giờ có cảm giác phần trống bị bó buộc trong nhưng tiếng chém nhịp lặp đi lặp lại. Cái sự “swing” đó giúp cho phần beat có thêm nhưng không gian dù nhỏ nhoi để “thở”, và phần nền dường như có sự chuyển động tốt hơn.


Hãy thử xem Ringo chơi nhạc trong The All Starr Band của anh, vẫn những thói quen đó nhưng trong những ca khúc khác ngoài Beatles, nó đã đem đến sự sống động trên sân khấu nhường nào.


5. Ringo Starr liệu có “ảo” quá không?

Có bao giờ bạn tự hỏi Ringo Starr liệu có phải là thật? Hay đó chỉ là một người may mắn được xuất hiện ở đúng lúc trong thành công của ban nhạc Bốn người mà Ba người kia đã làm ra hầu như toàn bộ phần nhạc? Bởi luôn có một điều gì đó hơi “ảo” toát ra từ con người này suốt bấy lâu nay. Liệu Ringo Starr thời trong band Rory Storm có phải tay trống hay nhất Liverpool như lời đồn hay không, để rồi Beatles phải sa thải Pete Best để giành lấy anh? Vậy tại sao Ringo Starr lại không đủ tiêu chuẩn để George Martin cho chơi trong single đầu tay của Beatles, “Love Me Do” mà phải gọi một tay trống session là Andy White? Tại sao sau khi Beatles tan rã, mỗi khi đi lưu diễn Ringo Starr đều phải mang theo những tay trống khác cùng mình? Tại sao thậm chí đến bây giờ khi tham gia chương trình Master Class để dạy trống, Ringo Starr vẫn không tự thị phạm các câu dồn kinh điển của mình như trong “Come Together” mà vẫn phải nhờ đến các tay trống đàn em làm giúp?


Dù cho nhiều lần tui cũng nghi ngờ tài năng của Ringo Starr lắm, nhưng những lời khen tặng mà các đồng nghiệp chơi trống có tiếng như Gregg Bissonnette hay Vinnie Colaiuta dành cho anh, rồi cả những sự trân trọng mà những tay guitar cự phách chơi cùng trong The All-Starr Band như Steve Lukather hay Joe Walsh dành cho anh thì chắc là thứ đáng tin lắm rồi. Và tui cũng tin khi chính Ringo, bộc trực như chính tính cách của mình, đã không ngại thừa nhận bản thân mình cũng chả chơi được những nhịp quá khó. Như trong bài hit “Back off Boogaloo” của mình, Ringo Starr cũng thừa nhận là nhà sản xuất của anh lúc đó, George Harrison, còn nghĩ ra câu beat có lối đi bass phức tạp quá, đâm ra Ringo Starr sẵn sàng “cheat” bằng câu trống nghe như trống trận trong suốt cả bài. Bài đó vẫn hay, và tui dám chắc câu trống “thay thế” của Ringo là phần làm cho bài này dễ ăn khách nhạc Pop hơn cả.


Có lẽ gã này cũng là mẫu người làm hết sức, vui hết mình thôi mà. Gã có nói dối đâu.


Hẹn gặp lại.


Kai

2,277 views

Recent Posts

See All
bottom of page