top of page

George Harrison và những miếng ghép

Updated: Nov 29, 2023

Bạn sẽ làm gì nếu là cầm thủ solo của ban nhạc vĩ đại nhất thế giới? Có lẽ bạn cũng không nhất thiết phải đi mời thêm một cầm thủ kỳ cựu khác về đánh cùng để rồi người đó toả sáng qua những câu đàn solo và “cướp” sóng của mình - rủi ro khá cao có mấy ai muốn thử. Nhưng trường hợp của George Harrison thì khác. Việc ông rủ người bạn với biệt danh “slow hand” như Eric Clapton vào đánh solo cùng mình để thu âm “While My Guitar Gently Weeps” cùng The Beatles đã không để lại ấn tượng như vậy. Bài hát vốn dĩ đã tuyệt đẹp từ bản gốc trong lần thu thử đầu tiên (có thể nghe trên đĩa Anthology 3), với chỉ độc tiếng guitar acoustic và giọng hát của George đã quá hay nhờ giai điệu ngọt ngào vào phần chuyển giọng giữa A minor (La thứ) ở đoạn verse và A major (La trưởng) ở điệp khúc càng tôn nét đẹp đượm buồn của hợp âm thứ chủ đạo của bài. Nhưng những thành viên còn lại của Beatles, cụ thể là Paul McCartney và John Lennon lúc đầu đều làm ngơ với sáng tác này của ông, giống như bao lần trước. Cũng có thể George trình làng bài này ngay đúng thời điểm chiều tàn của Tứ quái rồi, nên dẫu mấy tay kia có miễn cưỡng thu thử nhưng George biết rằng không ai thực sự hết lòng để chơi bản nhạc tâm huyết của mình.

Thế rồi Eric Clapton xuất hiện! Người bạn thân của George từ thời Yardbirds còn đánh khởi động cho Beatles vốn đã luôn nể phục tài năng sáng tác nhạc của ông, nên cũng không khó cho Eric để cảm được và chơi câu đàn ai oán khắc khoải trên chuỗi hợp âm đã sẵn đi vào lòng người. Sự xuất hiện của Eric vào đúng thời điểm các thành viên của Beatles đã không còn sự gắn kết với nhau - giống như một gia đình đã bắt đầu khục khoặc - bỗng như một người khách phá tan bầu không khí căng thẳng đó và khiến cho từng người trong gia đình bỗng chuyện trò thoải mái với nhau hơn. Nhờ sự xuất hiện của Eric mà Paul Macca đã tạo ra thêm phần intro lệch nhịp trên đàn piano tuyệt hay và còn thêm một lớp bass nữa bằng cây Fender Jazz đồng thanh cùng cây Rickenbacker. Còn Ringo Starr - người chỉ vừa mới trở lại sau khoảng thời giản nghỉ chơi Beatles vì quá chán - bỗng xuất thần với cách chập mở hi-hat ở cuối mỗi khuông, và hoàn thành một bản “While My Guitar Gently Weeps” hoàn chỉnh như bây giờ.

Việc George phải kéo Eric Clapton vào cũng cho thấy suốt bao năm, thuyết phục John và Paul chấp nhận bài của mình đối với George khó như thế nào. Mặc dù khỏi phải nhắc lại John Lennon vốn chơi thân với George như thế nào và đã từng mất công nài nỉ George tham gia Beatles khi từ sớm đã thấy được tài năng âm nhạc hiếm có của anh. Nhưng riêng vụ đóng góp bài cho album, thì John vốn đã luôn tỏ ra thiếu kiên nhẫn với những bài hát mà George đưa ra. Chấp nhận mình nhỏ hơn John và Paul vài tuổi, có lẽ khả năng sáng tác của George Harrison đã phải chờ để đạt đến độ chín vào nửa sau thập niên 60. Khác với hai cỗ máy viết nhạc sòn sòn như cặp đôi Lennon - Macca, George dành nhiều thời gian để hoàn thiện các nhạc phẩm của mình, dù có khi chỉ là tiêu đề bài hát. Paul Macca từng phát biểu rất chảnh chọe rằng: “Trước album Abbey Road, tôi thấy các bài George sáng tác hầu như không đủ gây ấn tượng”. Trớ trêu thay Abbey lại chính là album ghi âm cuối cùng của Beatles tại phòng thu, và cũng là album George "được" chọn tới 2 ca khúc: “Something” và “Here Comes The Sun”.


Nhưng gì diễn ra hậu Abbey chỉ chứng tỏ lời phát biểu của Paul ở trên sai bét. Trước khi Abbey Road được ghi âm vào năm 1969, George đã sáng tác “Isn’t It A Pity” và “Art Of Dying” năm 1966, “All Things Must Pass”, “I’d Have You Anytime”, “Hear Me Lord” và “Let It Down” năm 1968. Tất cả các bài này đều bị ban nhạc ngó lơ. Đến đầu năm 1969, George tiếp tục có thêm “Wah-Wah”, “Run Of The Mill”, sau đó là “What Is Life”, “Behind That Locked Door” và “My Sweet Lord”. Hầu như tất cả những bài trên đều là những ca khúc hay nhất trong siêu phẩm album của George Harrison - All Things Must Pass phát hành không lâu sau này.

Không cần chờ đợi lâu, bài “Something” của George được phát hành dưới dạng single của album Abbey Road leo lên vị trí số 4 bảng xếp hạng ở Anh và Mỹ. Vậy là mất đến 11 năm kể từ khi gia nhập Beatles, 6 năm kể từ “Don’t Bother Me” - ca khúc đầu tiên mà George sáng tác cho Beatles, ông đã chạm được vào vị trí mà lâu nay cặp Paul - John vẫn ngự trị. Nhưng khi mọi thứ dường như quá muộn với Beatles, thì George Harrison đã sẵn sàng với các miếng ghép tốt nhất của mình, để khép lại chuyến đi cùng Beatles và tiếp tục con đường ước mơ âm nhạc của mình.

***

Miếng ghép đầu tiên mà George mang theo, nghe có vẻ kỳ lạ, là đức tin từ văn hóa Ấn Độ. Âm nhạc của đất nước này và mối quan hệ thân thiết với nghệ sĩ sitar Ravi Shankar như bật chiếc “công tắc” trong bộ não của George, khiến ông mê mẩn tìm hiểu mọi thứ, từ nhạc cụ đến tôn giáo của Ấn Độ, và quan trọng hơn, tin rằng nên văn hóa này có thể giải đáp cho các câu hỏi ngổn ngang của ông về tình yêu và cuộc sống. Tình yêu của ông trỗi dậy đến độ George mang một niềm tin sắt đá rằng kiếp trước ông được sinh ra tại đây. Ông chính là người tiên phong đưa tiếng đàn sitar vào bài “Norwegian Wood”, pha trộn nhạc Ấn với nhạc phương Tây. Kể cả với bài “Here Comes The Sun”, dù không có một nhạc cụ Ấn nào được chơi, George mượn khái niệm âm nhạc Taal để tạo các khuông nhạc có số chỉ nhịp 3/8 và 2/8 (hoặc có thể diễn giải theo chuỗi 11/8, 4/4 và 7/8) để gộp các chùm 3 hoặc 2 nốt móc đơn lại trong câu đàn chuyển tiếp, tạo nhịp điệu rất lạ tai với nhạc phương Tây.

Không chỉ đưa chất liệu nhạc Ấn vào các bài của Beatles, George còn hơn cả sẵn sàng cho việc kết hợp thể loại nhạc này vào album All Things Must Pass. Vốn dĩ đã hiểu sâu nhạc lý của nền văn hoá Ấn Độ, ông thành thạo các dải scale của “Raga”, khuôn khổ về giai điệu của âm nhạc đất nước này, và áp dụng kết hợp nó với nhạc phương Tây, một điều mà chưa có ai từng làm trước đó.


Trong bài “Isn’t It A Pity” trên tông giọng G major (Sol trưởng), ở khuông nhạc thứ 6 lúc George hát chữ “pity”, nốt Si giáng lạ lẫm với hợp âm bí ẩn C#m7b5 cùng nốt bass G tạo một âm sắc nghịch tai. Có điều với người hiểu sâu âm nhạc của Ấn Độ như George, sự lạ lẫm với người phương Tây lại là điều quen thuộc đối với ông. Hay như bài “Beware of Darkness”, đây lại là một cấu trúc hoà âm phức tạp khác khi xuất hiện cả hợp âm G7 và G#m đứng cạnh nhau ở bài, thể hiện một tầm nhìn nghệ thuật trong sáng tác nhạc đầy tinh tế của ông. Bài “My Sweet Lord” thì pha trộn với nhạc Bhajan của đạo Hindu mang một màu sắc phương Đông kết hợp với Gospel, khi giàn đồng ca đổi phần lời từ “Hallelujah” sang “Hare Krishna” trong đoạn điệp khúc phía cuối bài. Sự lĩnh hội sâu xa của nền âm nhạc Ấn càng mở rộng tầm nhìn và phá vỡ mọi rào cản của các hợp âm nào có thể được đưa vào, tạo nên những giai điệu lạ đến tuyệt đẹp.

Ngay chính bài "While My Guitar" cũng vốn được sáng tác sau cuộc hành hương tới Ấn Độ của Beatles mà George là người khởi xướng. Ringo Starr trụ được 10 ngày, Paul Macca thì khá hơn được 6 tuần. Chỉ có John Lennon và George Harrison là trụ được đến cuối. Paul thì cho rằng mấy trò Ấn độ này là "chuyện của riêng George", trong khi cặp John và George dường như trở nên suy tư hơn về những câu hỏi lớn trong cuộc đời không thể được giải đáp. Có lẽ chỉ riêng George Harrison là bắt đầu đi tìm những câu trả lời cho những câu hỏi này. Không ít người đã phải há hốc miệng vì sự tương hỗ trong tư tưởng âm nhạc của Bob DylanGeorge Harrison: người đầu tiên thì đã dám đặt ra những câu hỏi thời đại, và người thứ hai thì đã tìm cách trả lời được không ít những câu hỏi đó.

Quay lại sự nghiệp solo của George Harrison thời hậu Beatles, miếng ghép thứ hai đầy tầm nhìn mà ông mang theo là sự hợp tác với nhà sản xuất nhạc lừng danh Phil Spector.

Brian Wilson, thủ lĩnh của The Beach Boys, đã từng gọi Phil Spector là nhà sản xuất nhạc có tầm ảnh hưởng lớn nhất. Với mỗi bản thu âm, Phil luôn có khả năng biến chúng thành một biểu tượng của nền âm nhạc hiện đại. Nếu như điều mà Brian Wilson học được từ Phil là cách tạo ra âm thanh mono một cách hoàn thiện nhất, thì ở album All Things Must Pass, George đã vận dụng hoàn hảo kỹ thuật thu âm “wall of sound” từ nhà sản xuất nhạc huyền thoại lắm tài nhiều tật này.


Không lâu trước đó, Phil Spector được John Lennon và George Harrison mời về để “sản xuất” cho mấy bản thu của album trước đó họ gọi là "Get Back", thứ lâu nay vốn là độc quyền của George Martin, với mục đích làm sao biến chúng thành một album hoàn chỉnh cuối cùng của Beatles dưới cái tên mới - Let It Be. George đã rủ nhà sản xuất người Mỹ này sang nước Anh để đảm nhiệm album All Things của mình. Ngồi nghe cả kho bản demo nhạc mà George đã sáng tác, Phil ngỡ ngàng trước chất lượng của chúng, cứ bài sau lại còn hay hơn bài trước. Quan trọng hơn, George Harrison đã có sẵn những ý tưởng trong đầu để vận hành cách thu nhạc "Wall of sound" của Phil.

“Wall of sound” là kỹ thuật thu vốn được Phil Spector phát minh ra để khắc chế sự thiếu không gian và bó hẹp của kỹ thuật thu mono, bằng cách để cho cả giàn nhạc công chơi cùng một loại nhạc cụ, đánh cùng một giai điệu, trên cùng một tốc độ. Sự hạn chế trước đây của kỹ thuật thu mono và các đầu thu ít track khiến cho 1 track nhạc phải thu đè nhiều lần và dần âm thanh sẽ bị triệt tiêu. Nhưng khi chúng được chơi bởi nhiều người, hoặc thu nhiều lần, thì những độ chênh độ lệch cực nhỏ về tần số là đủ biến chúng trở thành một giàn “đồng ca”, tôn cái âm thanh của mỗi loại nhạc cụ trở nên vĩ đại hơn. Vốn là "kẻ thù" của âm nhạc stereo, Phil Spector luôn cho rằng âm nhạc nghe chính xác nhất là âm nhạc được phát ra bởi tất cả các nhạc cụ dầy và lớn hơn bao giờ hết, tràn ngập trong phần hiệu chỉnh reverb độ vang cùng một lúc từ cùng một loa phát - thay vì việc âm thanh khán giả nghe được luôn bị biến đổi theo vào khoảng cách hai loa nếu thu bằng stereo, và như thế không phản ánh chính xác thứ được nghe trong phòng thu.

Hãy tưởng tượng, trong studio lúc này đã có sẵn 2 giàn trống thường được phụ trách bởi Alan White, Ringo Starr, hay Jim Gordon. Guitar thường xuyên được kết hợp bởi ít nhất 5 bè, từ Eric Clapton, George Harrison, Peter Frampton, Pete Ham, Tom Evans, và Joey Mollan. Phần bass thì ít nhất có 2 cây gồm Bobby Whitlock Klaus Voorman. Đó là những cái tên, nếu không từ mấy ông bạn thân của George và Eric, thì cũng là thành viên của những Badfinger hay bộ sậu của Derek and the Dominos sau này. Tỉ như buổi thu bài “Isn’t It A Pity”, sẽ có toàn bộ thành viên ban nhạc Badfinger phụ trách đàn guitar thùng, Alan WhiteRingo Starr ngồi sau giàn trống, Mal Evans gõ tambourine, Klaus Voormann đánh bass, Billy Preston chơi keyboard và Eric Clapton chơi guitar. Tính sơ sơ cũng phải 18 người đảm nhiệm cho một buổi thu, nhưng mọi thứ đều như một sự “hỗn loạn có kiểm soát” vì Phil và George đều biết rất rõ họ đang làm gì. Cũng giống như việc George không muốn bỏ bất cứ bài nào của mình và sẵn sàng phát hành album gồm tới ba đĩa, Phil cũng không muốn cắt bớt phần thu overdub nào cả. Thậm chí khi album đã thu gần xong, George Harrison vẫn lẳng lặng rủ Peter Frampton vào và chỉ cho Frampton chơi y như các bè rhythm trước và rồi hai ông này tiếp tục làm dày thêm cho các bài nhạc của mình.


Điều đáng nể là dù việc tạo một âm thanh vĩ đại như vậy, Phil vẫn sắp xếp được những lần thu live trong studio như bài “My Sweet Lord” để giữ được sự chân thực của hoà âm các nhạc cụ, và chưa bao giờ tiếng hát của George bị lấn át hay chìm nghỉm trong lớp âm thanh đó. Không gian âm nhạc của All Things Must Pass quá rộng lớn cho một album nhạc được sản xuất thời kỳ đó. Nó như không gian bãi cỏ với rặng cây phía sau lưng George trên hình bìa đĩa vậy, bát ngát nhưng nhân vật chính của chúng ta vẫn là tâm điểm.


Miếng ghép to đùng tiếp theo trong âm nhạc của George Harrison hẳn là những người bạn chơi nhạc thân thiết. George chưa bao giờ là một ngôi sao sáng đơn độc. Cách vận hành trong việc làm nhạc của ông luôn cần có những người bạn xung quanh. Nếu như trước đây, những người đồng đội người anh là John Lennon và Paul McCartney, thì nay là đồng đội cũ Ringo Starr, người bạn thân Eric Clapton, Alan White (tay trống của Plastic Ono Band và sau chuyển sang đầu quân cho Yes), Bobby Whitlock, Carl Radle, Dave Mason, Jim Gordon (những người sau này cùng Eric Clapton lập nên ban nhạc Derek and the Dominos), các thành viên của Badfinger, và nhiều người trong số họ vốn đã là những bậc virtuoso. Có điều George chưa bao giờ rủ ai chơi nhạc cùng mà không làm bạn với họ trước cả. Đó là khi niềm tin được đặt lên trên, và sự hiểu nhau là chất xúc tác cho những sáng tạo được thoả sức phát triển từ mỗi cá nhân. Trong nhóm thu âm cho đĩa All Things, nhân vật chính George Harrison chưa bao giờ áp đặt với bất kỳ ai. Cái tôi của một thành viên Beatle hẳn hoi không bao giờ lộ diện và thậm chí nó được thể hiện ngay trên bìa đĩa All things - George Harrison và 4 cái tượng gốm đuổi chim vứt lăn lóc tượng trưng cho Tứ Quái nay đã là dĩ vãng.


Đây cũng chính là lý do mà dường như sự hợp tác của George với những người bạn mới này lại đạt hiệu quả hơn thời kỳ ông chơi trong Beatles. Ở thời kỳ hậu Beatles, việc giao du cùng những kẻ trông như dân hippie này mang lại hạnh phúc và củng cố tự tin hơn cho George. Chính họ là người dẫn dắt cho ông thử sức với bộ môn slide guitar trong một lần Dave Mason - người hay chơi ngón đàn này vắng mặt ở show diễn của Delaney and Bonnie (ban nhạc Eric Clapton cực kết) tại Copenhagen. George nhận lời đảm nhận đóng thế trong tâm trạng hồi hộp, không biết rằng khoảnh khắc đó đã giúp ông có thêm kỹ thuật slide guitar đặc trưng được George chơi nhiều trong album All Things và sau này. Những cú vuốt trên dây đàn mượt mà giúp ông thể hiện những quãng nốt nhạc mang nhiều cảm xúc và giai điệu hơn, thứ ông luôn chú trọng hơn là kỹ thuật, cả từ thời chơi trong Beatles. George thường chơi slide trên đúng 1 dây, và vẫn giữ nguyên cách điều chỉnh dây đàn tiêu chuẩn, khác xa những nhạc công chơi slide guitar khác. Câu đàn solo chơi theo lối slide guitar của George có thể nghe trên đoạn coda cuối bài “Isn’t It A Pity”, và trong loạt các ca khúc khác trong album All Things như “My Sweet Lord”, “Beware Of Darkness”, “What Is Life”, “Wah Wah” hay “I Dig Love”.


Và có lẽ miếng ghép nhỏ nhưng thiết yếu nhất của George Harrison là mưu cầu của ông. Có lẽ với tính cách ít thích thể hiện nhất trong bộ tứ, George Harrison vẫn luôn là người gìn giữ được sự ham thích cuồng nhiệt với âm nhạc và cây guitar từ ngày đầu Beatles cho đến tận sau này. Vốn không thích đi lưu diễn, phải đối mặt với đám fan cuồng nhiệt lẫn việc phải sống trong thế giới của những ngôi sao nhạc Rock đầy hào nhoáng, George chỉ muốn giam mình trong phòng thu và làm ra một thứ nhạc mà ông cảm thấy có ý nghĩa, cho dù có 10 người nghe hay 10 triệu người nghe thì ông đã cảm thấy nhạc của mình liên quan lắm rồi. Coi nào, đây là một Beatle, người đã có quá đủ thành công trong suốt thập niên 60s, và xin hãy để việc trở thành ngôi sao nhạc Pop cho những John Lennon hay Paul Macca kia, George Harrison chỉ muốn làm nhạc của chính mình.

Sẽ không có All Things nếu không có tinh thần bất cần đó của George. Chơi tất tay luôn với 3 chiếc LP ra cùng lúc, tay bass Bobby Whitlock đã phải thốt lên rằng George Harrison đã đẩy giới hạn lên quá cao tới mức ngay chính George cũng không thể quay lại giới hạn đó nữa. Nhưng liệu đó có phải là mối quan tâm lớn của ông?


***

George đã rất hí hửng vì được vào ban nhạc chung với ông anh mới quen Paul McCartney. Sau khi được Paul giới thiệu với John Lennon, George gây ấn tượng với John nhờ sự hiểu biết âm nhạc của mình. Còn George thì ngưỡng mộ John vì kinh nghiệm đủ cả đàn hát, gái gú lẫn riệu chè của ông anh cả siêu ngầu này. Đổi lại, John học được rất nhiều trong kỹ thuật chơi nhạc từ cậu em - kẻ nắm giữ kiến thức các hợp âm jazzy hơn hẳn con số 3 phổ biến ngày đó - những cũng là người chỉ muốn chơi lùi sau để được dạo chơi thỏa thích trên cần đàn. Nói thì hơi xấu hổ, nhưng George cũng là người chỉ cho John cách chơi đàn guitar trên đủ hết 6 dây thay vì chỉ tập trung vào 4 như John quen trước đó - vì John Lennon thực ra từ đầu chỉ biết chơi mandolin. Và thế là rất tự nhiên, George Harrison đã dần dà tạo một sơi dây gắn kết với John và Paul, trở thành một miếng ghép ít ồn ảo nhưng không thể thay thế của Tứ Quái.

John Lennon thực sự đã bị cuốn phăng đầy thuyết phục ngay từ lần đầu nghe All Things Must Past. Nhưng John cũng là người không may rời khỏi thế giới này trước, và rồi cũng chính George Harrison là người đã bỏ dở sự nghiệp âm nhạc của mình để dang tay đón nhận Julian Lennon với sự hậu thuẫn lớn lao về tinh thần sau biến cố khủng khiếp đó. Nhiều hơn một lần George Harrison phải nhận những cú sốc thay đổi cuộc đời mình, và cũng nhiều hơn một lần, ông sẵn sàng bỏ âm nhạc - ý nghĩa của cuộc đời mình - để dang rộng tay hỗ trợ cho những người khác. Khi Beatles rệu rã và một Ringo Starr chịu hết nổi không khí căng thẳng giữa 4 người đã bỏ band ra đi, chính George là người đã xuống nước đến khuyên Ringo Starr quay lại để thu White Album. Hãy hỏi những người xung quanh George Harrison, vợ cũ của ông, và cả vợ của bạn... Không một ai có thể có một lời nói xấu về George.


Nên dù ông nói chỉ cần có 10 người thích nghe nhạc của ông đã đủ khiến ông hài lòng, thì tôi vẫn muốn có thêm nhiều triệu người trân trọng All Things Must Past của ông đó, thưa George Harrison ở trên cao!


Hẹn gặp lại!


Kink


3,567 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page