top of page

Deep Purple: ai là Hiệp sĩ bóng đêm của Rock n Roll?

Tôi rất thích Ritchie Blackmoore, không chỉ bởi tài năng của ông, mà bởi vì có quá nhiều thằng ghét ông vì cái kiểu “khó làm việc cùng” của ông. Dĩ nhiên tôi đến từ một industry khác, nhưng có lẽ trong ngành nào cũng vậy, dường như những tay khó làm việc cùng bởi sự đỏi hỏi, tính duy mỹ, thường là những tay đem lại cho mình nhiều bài học bổ ích nhất.

Điều này đặc biệt thú vị trong âm nhạc, vì tôi cho là Ritchie Blackmoore mới là nguồn cảm hứng chính của Deep Purple, như những lần lặng lẽ “gánh team” qua những giai đoạn khó khăn, trong khi vai trò người dẫn dắt Deep Purple trong suốt gần nửa thế kỷ, đều được mọi người mặc định cho cụ già Jon Lord (keyboard). Như mặc kệ dư luận, Ritchie chả ngại đem cái mảng “tối” của mình vào âm nhạc của Deep Purple, để rồi góp phần thay đổi cả lịch sử Hard Rock đầu thập kỷ 70.


Trong khi đó – xin đừng vội trách tôi – John Lord luôn có vị trí không thể thiếu trong lịch sử ngành keyboard của Rock n Roll, vốn là một người được đào tạo bài bản trong ngành nhạc cổ điển. Chính John Lord là người có công lớn nhất trong việc đưa keyboard trở thành nhạc cụ thiết yếu trong Rock n Roll, với tiếng Hammond Organ sau này đã thành âm thanh đặc trưng trong nhạc Rock chả khác gì tiếng phơ tè của guitar điện, cũng như tạo ra sự cân bằng cần thiết cho nhạc của Deep Purple.


Nhân tiện, để tôi tóm lược sự tiến hóa của Deep Purple tý, tại vì band có quá nhiều giai đoạn, mà đều được gọi tên theo số La Mã như mark I, II, nọ kia (hồi đầu tôi cũng rất rối). Đáng chú ý nhất, theo tôi, thì có ba cái mark:


. Mark I: là Deep Purple nguyên bản, với Ritchie Blackmoore (guitar), Ian Paice (drums), Jon Lord (keyboard), Lord Evans (vocal), và Nick Simper (bass). Deep Purple được thành lập giống như là một superband, với các cây đều là những nhạc công thượng thặng nhưng lại hầu như không có nhiều ý tưởng âm nhạc. Quá hài lòng với việc được chơi cùng nhau giữa những nghệ sĩ tài năng, Deep Purple thời tiền 70s thậm chí cũng chả màng đến việc viết nhạc cho riêng họ, mà hầu như nổi tiếng nhờ chơi nhạc theo kiểu phối lại nhạc của người khác theo cách hay hơn. Sự lãnh đạo của Jon Lord trong giai đoạn này khá rõ ràng như trong album mang tên ban nhạc, Deep Purple (1969), hay với những thử nghiệm như chơi cùng giàn nhạc giao hưởng (Concerto for Group and Orchestra 1969) Ritchie sau này cũng phải thú nhận là lúc đó, anh em DP chả có ý tưởng gì mấy, nên mọi thứ cứ theo Jon cho khỏe;

Thành tựu đáng nhớ của Jon Lord năm 69

. Mark II: là Deep Purple nổi tiếng nhất, cũng là bộ khung đưa tên tuổi DP như là một trong ba "ông đầu rau" trấn giữ Rock n Roll (cùng với Black Sabbath Led Zeppeline), gồm có: Ritchie Blackmoore, Ian Paice, Jon Lord, Ian Gillan (vocal), và Roger Glover (bass). Mặc dù mk II này chỉ tồn tại trong hai giai đoạn không dài: từ 1970-73 và giai đoạn hồi sinh 1984-89, nhưng đây cũng là những thời gian khủng nhất với hàng loạt album đi vào lịch sử. Sự khác biệt? Ritchie Blackmoore bước lên năm 1970 và cầm đầu sự thay đổi, với định hướng chơi càng nặng và nhanh thì càng tốt. Lúc đầu, cũng vì không có quá nhiều ý tưởng, nên âm nhạc của DP hoàn toàn dựa vào cách chơi jam với nhau để tạo nên bộ khung của bài hát, rồi sau đó sẽ viết lời vào (kể cả Highway Star cũng được sáng tác từ những lần jam với nhau). Cũng trong giai đoạn này, Jon Lord đã thử nghiệm kiểu chơi hoàn toàn mới cho keyboard trong Rock n Roll, khi cụ chơi rhythm bằng keyboard (do Ritchie lười chơi rhythm!!), cũng như tạo ra kiểu chơi đối ẩm với tiếng guitar của Ritchie bằng cây Hammond Organ của cụ. Đỉnh điểm là khi Jon Lord cắm luôn cây hammond của cụ vào amply Marshall và oánh keyboard như một cây guitar số 2. Đây cũng là điểm đặc biệt, và khác biệt trong âm nhạc của DP với hai band tiền bối còn lại là Black Sabbath và Led Zeppeline (đều là ban nhạc với nền tảng Blue Rock);

Câu riff và giai điệu đặc trưng kiểu Ritchie và DP thời đỉnh cao


. Mark VII và VIII: khi Ritchie Blackmoore rời band (đi luôn không trở lại) và được thay bằng Steve Morse, và Stevie ở lại DP cho đến tận bây giờ (trong rất nhiều sự thay đổi, duy chỉ có Ian Paice và Jon Lord là ở lại lâu nhất) Với Mk VII&VIII này, John Lord trở lại là người dẫn dắt chính, dù Deep Purple chơi thứ nhạc không còn nặng và giai điệu như thời đỉnh cao;


Quay lại với Jon Lord, thực ra cái tôi thấy hay nhất ở cụ, trên cả tài năng âm nhạc thượng thừa, có lẽ là sự hào sảng. Như một leader hay một người anh cả đúng nghĩa của band, Jon Lord sẵn sàng lùi lại và nhường chỗ tỏa sáng cho Ritchie Blackmoore khi cần, chẳng hạn như thời 1970-73, hay thời tái hợp năm 1984. Không chỉ thế, ý thức được việc guitar mới là loại nhạc cụ chính yếu của Rock n Roll, Jon Lord sẵn sàng hy sinh niềm đam mê nhạc cổ điển của mình để chơi theo cách thiên về bổ trợ cho Ritchie (và phần nào cả Steve Morse) trong suốt ngần ấy năm. Ritchie không thích chơi rhythm guitar, Jon sẽ chơi. Ritchie cần người solo đối ẩm, Jon sẽ ra mặt. Ritchie cần một đoạn dạo đầu ám ảnh (như trong Knocking on your back door), Jon sẽ ở đó.


Tất nhiên Jon Lord không thiếu những ý tưởng của riêng cụ, và ngoài tầm lựu đạn của Ritchie. Đó là Paice-Ashton-Lord, là ban nhạc chơi cùng Ian Paice và ca sỹ Tony Ashton, với CD rất hay “Malice in wonderland”, hay như những lần Jon chơi cho Whitesnake cùng với David Coverdale (cũng là một cựu DP).


Với resume như vậy, Jon Lord hoàn toàn phù hợp với vai trò của một leader lý tưởng - cực kỳ trong sáng, và được anh em cực quý mến. Nhưng trong tất cả các câu chuyện cuộc đời, anh hùng chỉ xuất hiện khi có sự góp mặt của thứ gì đó đen tối. Và trong câu chuyện này, ở đây có nhân vật “Black”moore. Dù hơi đen tối tý, quan trọng là Ritchie Blackmoore thậm chí còn tài năng hơn cả Jon Lord.

Anh em tưởng nhớ Jon Lord với Burn


Ritchie Blackmoore luôn tràn ngập các ý tưởng âm nhạc, và luôn ám ảnh với các giai điệu, vốn từ sở thích âm nhạc thời phục hưng. Mặc dù cách của ông không phải ai cũng thích (kiểu như “tao thấy chỉ có mỗi cách của tao là hay”) đặc biệt là khi ông không thích một ai đó và muốn thay thành viên ban nhạc (Ian Gillan chẳng hạn). Nhưng hết lần này đến lần khác, lần nào Ritchie đòi hỏi có sự thay đổi, sau đấy đều là thành công. Ngoài Jon và Paicey là bất khả xâm phạm, hai vị trí của ca sĩ và bass đều bị thay đổi liên tục (dẫn đến các mark). Chưa kể, vốn là một người bị ám ảnh về giai điệu, Ritchie lúc nào cũng tỏ ý không hài lòng với các ca sĩ của DP (trong khi Ian Gillan là thần tượng của bao thế hệ ca sĩ Rock) Jon và Paicey thì cho rằng kiểu ca sĩ lý tưởng của Ritchie không tồn tại.


Thử điểm qua những cú thay đổi lớn, trực tiếp và gián tiếp nhờ Ritchie nhé:

  • 1970: Ritchie Blackmoore quyết không chơi cover nữa, quyết không chơi classic nữa, mà phải tạo ra thứ nhạc của riêng DP, và sự ra đời của bộ 3 album kinh điển: In Rock, Fireball, và Machinehead;

  • 1974: sau bộ ba đó là nốt trầm với Who Do We Think We Are, Ritchie sa thải luôn Ian Gillan và Roger Glover, tuyển người mới và cho ra Burn tuyệt hay. Ritchie sau đó, không thích kiểu chơi funky của Glen Hughes, nên sau Stormbringer, ông nghỉ luôn. Chả hiểu sao, sau khi Ritchie nghỉ, DP cũng chỉ ra được 1 đĩa (Come Taste The Band) rồi đường ai nấy đi;

  • 1984: mark II tái hợp không tưởng với Perfect Strangers, sau 9 năm không chơi nhạc với nhau; và leo tót lên đỉnh các bảng xếp hang;

  • 1990: được đúng 1 đĩa, DP lại vấp với album “không đủ hay” là The House Of Blue Light, Ritchie lại sa thải Ian Gillan và thay bằng Joe Lynn Turner và cho ra Slaves And Masters rất hay.

  • 1994: dưới sức ép của ông bầu cho sự kiện 25 năm thành lập nhóm, Ian Gillan trở lại thay Joe Lynn Turner, và lại một album “không đủ hay” là The Battle Rages On…, Ritchie quyết định giã từ DP. DP rơi vào khủng hoảng gần như đến mức kiệt quệ, cho đến khi Steve Morse đến và tạo ra cuộc phục hưng với Perpendicular;

  • (Ngoài ra: chưa kể đến việc năm 1975, Ritchie lập ra nhóm Rainbow và chơi thứ nhạc của riêng ông, và cực kỳ thành công)

DP trở lại không tưởng với Perfect Strangers năm 1984


Dù thế này hay thế khác, không ai có thể phủ nhận sức sáng tạo và khả năng “gánh team” của Ritchie Blackmoore. Ông luôn cho là nhạc cổ điển thì quá phức tạp, còn nhạc blues thì quá bị giới hạn, khiến cho ông bị mắc kẹt đâu đó ở giữa hai thái cực này. Và dường như nó khiến cho không ai có thể hiểu hết hoặc cảm hết được ý tưởng âm nhạc của Ritchie, khiến ông hay nảy sinh bực bội với sự kém hoàn hảo, hay bất mãn vì phải gánh ý tưởng cho quá nhiều người. Và Ritchie cho là ông bỏ hẳn DP năm 1994 cũng vì hướng sáng tác lúc đó không còn chú trọng vào giai điệu nữa. Nhưng thử đếm số lần Ritchie giải cứu DP xem.


*****

Không hiểu sao, Ritchie Blackmoore luôn làm tôi liên tưởng đến Batman với hình tượng “Dark knight” trong bộ phim hoành tráng năm 2008. Batman trong phim đó, dường như làm cho người xem thấy ghét nhiều hơn là tán thưởng, bởi anh đặt cái tôi của anh cùng những vấn đề của anh trên tất cả. Có những thời điểm, dường như đánh đấm với kẻ gian không còn mang tính trừ gian diệt bạo, mà nó như một sở thích của anh vậy.


Đâm ra, ở chiều ngược lại, Jon Lord dường như khá là phù hợp với hình tượng “White knight” trong phim đó, hay hình ảnh của Harvey Dent. Quãng thời gian hiển hách của Harvey Dent cho Gotham cũng là quãng thời gian “thả nổi” Batman trừ gian diệt bạo (nhưng cũng kéo theo khối vấn đề, mà đa số đều đến từ cá nhân Batman).


Và thú vị ở chỗ, Joker từng nói với Harvey Dent rằng “hoặc chết sớm như một vị anh hùng, hoặc sống đủ lâu để thấy mình trở thành kẻ xấu”. Có thể, Jon Lord ở lại với DP quá lâu đã vô hình trung khiến cho nhạc của DP càng về sau càng trở nên bình thường. Như là 2 diện mạo khác nhau, đối lập với thời còn ảnh hưởng của Ritchie, khi album chưa chắc đã là xuất sắc nhưng luôn có bài hit. Có phải vì vậy mà DP mãi đến năm 2016 mới được lưu danh trong Rock n Roll Hall of Fame, khi có một sự nghiệp mặc dù rất dài, nhưng thiếu những khoảng duy trì phong độ đủ lâu như thời 1970-73 để tạo nên một sự nghiệp có sức nặng đáng kể?

Jon Lord nói về Ritchie: “...gã không xấu tính như mọi người nghĩ đâu. Một người bạn đối ẩm tuyệt vời trên bàn ăn nữa chứ. Thử tưởng tượng có chai rượu ngon và Ritchie...”.


Ritchie về Jon Lord: “...công bằng mà nói, thành công của DP không đến từ riêng tao. Ian (Paice) đem đến sự nhiệt tình, còn Jon luôn đem lại sự ổn định. Gã không có nhiều ý tưởng lắm, nhưng gã luôn nhớ các ý tưởng của tao lúc tao quên...”.


Và cũng như hình ảnh cuối phim Dark Knight, khi Batman lao lên chiếc Bat Pot và bỏ chạy trước những người vừa được anh bảo vệ, năm 1997, Ritchie Blackmoore cũng đoạn tuyệt với Rock n Roll, lui về chơi thứ nhạc giàu giai điệu với Blackmoore’s Night; không đến dự lễ vinh danh Hall Of Fame; và giữ tiếng xấu thiên hạ gán cho riêng mình.


“Tao hay mang tiếng xấu, nhưng tao kệ. Bạn thân của tao, những người thực sự biết về tao, đều hiểu chuyện đó” Ritchie đã từng tâm sự trong một lần phỏng vấn cuối thập kỷ 70 “...vì tao rất chảnh, rất đanh đá, bảo mọi người biến mịa đi. Đúng là không nên thế. Nhưng tao chả quan tâm.”

Bản instrument tưởng nhớ Jon của Ritchie


R.I.P Jon Lord. Hẹn gặp lại.


Kcid

1,251 views

Recent Posts

See All
bottom of page