top of page

Fleetwood Mac: Đồn như Lời

Cả ban nhạc ngồi xung quanh Lindsey Buckingham để nghe gã phang lên những dây đàn của mình một cách giận dữ, liên tục nhồi những cú chặt như muốn húc đổ tất cả những rào cản phía trước. Lúc đầu, gã còn cố gắng giữ lyric của bài hát thật bí mật và còn gọi đại bài này với cái tên “Strummer”. Đó chính là “Second Hand News”, ca khúc mở màn của album Rumours 1977, và lời lẽ của nó thì không hề giấu diếm sự giận dữ và đả kích dành cho ca sĩ chính Stevie Nicks. Hãy để dành chi tiết của những xích mích hay nghi kỵ giữa từng cá nhân cũng như việc họ đắm chìm trong chất kích thích như thế nào ở một diễn đàn khác, chỉ riêng việc album này được thu âm trong suốt hơn 12 tháng trong tình trạng lúc nào cũng căng thẳng với nhau và trở thành một album kinh điển đã khiến khán giả nghe nhạc đôi lúc phải tự hỏi thứ động lực gì đã khiến họ làm được tới như vậy.


I ain’t gonna miss you when you go

Been down so long / I’ve been tossed around enough…’


Nhưng kỳ lạ thay, Stevie Nicks vẫn luôn chấp nhận những màn tra tấn lạnh lùng của Buckingham, vẫn luôn hát bè thật đẹp đẽ cho gã trong phòng thu và làm đi làm lại điều đó cả chục năm trong các tour lưu diễn; khi cô cũng là người biết rõ nhất những lời lẽ đó là nhắm vào ai. Fleetwood Mac vẫn luôn tồn tại theo năm tháng theo cách như thế, khi luôn ưu tiên sản phẩm âm nhạc của họ trên hết những sự mâu thuẫn ra mặt giữa các thành viên ban nhạc.


Album Rumours bán được hơn 40 triệu bản và là một trong những album bán chạy nhất trong lịch sử âm nhạc có lẽ không chỉ bởi thứ âm nhạc được gọt giũa kỹ lưỡng giữa các thành viên có thể chơi nhạc không kém cạnh ai từ bộ khung Mick Fleetwood (trống), John McVie (bass), và Lindsey Buckingham (guitar), sự hòa quện độc nhất vô nhị giữa ba giọng hát chính là Stevie Nicks-Buckingham-Chris McVie, và sự cân bằng trong màu sắc âm nhạc với những sáng tác được chia đều cho 3 người hát chính; album này vẫn luôn hấp dẫn khán giả bởi những mâu thuẫn và rắc rối không hề giấu diếm trong nội dung bài hát, những thứ mà ngay cả những người trong cuộc có lẽ cũng không ngờ báo chí sau này có thể hào hứng đào đi đào lại trong suốt bao thập kỷ. Nổi nhất có lẽ sẽ vẫn luôn là sự hục hặc của cặp Nicks-Buckingham, nhưng chuyện đường ai nấy đi của vợ chồng nhà McVie lẫn vợ chồng nhà Fleetwood có lẽ vẫn luôn được nhắc tới cho thêm phần gia vị ngọt ngào của album mà chính họ cũng phải nhận là những “Đồn như Lời”.


Thì đây, ngay sau khi Buckingham vừa dứt lời sau track đầu tiên, Stevie Nicks đã đáp trả không hề giấu diếm ở track thứ hai “Dreams”.


Thunder only happens when it's rainin'

Players only love you when they're playin'

Say women, they will come and they will go

When the rain washes you clean, you'll know

Dreams - trời mưa khắc có sấm anh gì ơi


Để rồi sau đó Buckingham tiếp tục cái sự giận dữ và đả kích Stevie Nicks với hai track “Never Going Back Again” và “Go Your Own Way”, xen giữa là bản “Don’t Stop” được sáng tác bởi Chris McVie như một sự tung hứng diệu kỳ.


Nếu như “Secondhand News” có tất cả sự giận dữ và huỵch toẹt đập vào mặt của Buckingham, “Dreams” lại mang tới những đả kích duyên dáng nhưng thật thâm thúy và nhiều lớp nghĩa từ một cô gái có dáng vẻ mỏng manh nhưng luôn chiếm thế cửa trên. Buckingham cũng không vừa, khi lập tức độp lại liên tiếp ngay sau đó với “Go Your Own Way”:


You can go your own way/ Go your own way

You can call it/ Another lonely day


Đặc biệt hơn, bản được thu âm trong album thậm chí còn thua xa mức độ giận dữ khi lần đầu tiên Buckingham mang demo tới chơi cho ban nhạc nghe. Phần demo của bài này có thể tìm thấy trong album Deluxe phát hành lại của họ: Buckingham quả nhiên còn cay nghiệt hơn và đáp trả thẳng lại những gì Stevie Nicks nhắn nhủ trong “Dreams”.


You can go your own way (khuyết phần hát đối đáp vì Lindsey lúc này chỉ hát một mình)

You can roll like THUNDER (ủa không có mưa sao có sấm, không có lửa sao có khói đây anh?)

Dù thế nào Stevie Nicks sẽ vẫn luôn hát bè tuyệt đẹp cho Buckingham


Và tới lượt Stevie Nicks, lại có một sự đáp trả không hề nhẹ trong “Silver Spring”, bài hát lúc đầu vốn là B-side của single “Go Your Own Way” – đúng vậy, hai bài hát như nước và lửa được đặt vào 2 mặt của đĩa single – nhưng không hiểu thế nào lại không được chọn vào trong đĩa Rumours (bài này luôn có mặt trong các ấn phẩm phát hành lại sau này)


“Time cast a spell on you, but you won't forget me

I know I could have loved you

But you would not let me”


Tính ra nửa đầu của album Rumours này có 6 bài thì 3 bài đã mang theo sự phẫn nộ của Lindsey Buckingham và bài “Dreams’ của Steve Nicks. Dĩ nhiên không thể phủ nhận nhưng ca khúc rất hay khác như “Don’t Stop” và đặc biệt là nửa sau của album với những chủ đề rộng hơn ngoài cặp Buckingham-Nicks, tôi vẫn luôn tìm nghe đi nghe lại 4 hay 5 ca khúc đập nhau chan chát giữa Buckingham và Nicks này với tất cả sự hào hứng và tò mò tự hỏi không biết họ đã dày vò tình yêu của người còn lại thế nào. Chẳng phải Buckingham và Nicks đã từng rất yêu nhau và thậm chí còn ra chung album Buckingham Nicks cùng nhau trước đó?


Chưa kể, trước khi Rumours ra mắt không lâu, có vẻ như bộ khung kết hợp giữa tàn dư của Fleetwood Mac tên tuổi những năm thập niên 60s, và bộ đôi Buckingham-Nicks đã có sự khởi đầu cực ăn ý và đánh dấu kỷ nguyên mới của họ với album mang tên Fleetwood Mac (1975).


*

Mới trước đó không lâu, Fleetwood Mac làm mưa làm gió ở nước Anh cuối thập niên 60s với bộ khung còn sót lại từ thời John Mayall and the Bluesbreakers: lead guitar Peter Green cùng với tay trống Mick Fleetwood và tay bass John McVie đã thu nhạc với nhau dưới cái tên Fleetwood Mac (ghép giữa họ của Mick và John) trước khi xuất hiện trên các bản xếp hạng với những ca khúc như bản instrumental "Albatross" năm 1968 hay “Man Of The World” năm 1969. Peter Green thì được biết tới như một tay guitar chơi blues đầy giai điệu và cảm xúc với phong cách có thể đối trọng với những bậc kỳ tài thời đó như Eric Clapton, Jeff Beck, hay Jimmy Page. Âm nhạc của Fleetwood Mac thời kỳ này thậm chí ảnh hưởng nặng tới cả những band từ Mỹ như Carlos Santana, và bằng chứng là anh này đã cover lại những “Black Magic Woman” của Peter Green.

The Mac vốn là ban nhạc của Peter Green


Thế đùng cái, ngay khi Fleetwood Mac dường như chuẩn bị gia nhập những tên tuổi lớn cuối thập niên 60s, Peter Green đùng đùng bỏ nhóm. Những mảnh ghép với những người thay thế trong suốt nửa đầu thập niên 70s xem ra đã không thể bù đắp lại cho sự thiếu vắng một bậc virtuoso như Green.


*

Trong lúc ấy ở Los Angeles, cặp tình nhân Lindsey BuckinghamStevie Nicks thì có cuộc sống chật vật để tìm hợp đồng thu âm. Buckingham thường ở lỳ ở nhà tập guitar và viết nhạc với ông bạn Waddy Wachtel (người sau này cũng thu âm cùng họ) trong khi Stevie Nicks chấp nhận lao ra ngoài làm nhân viên quán café hay nhà hàng để kiếm sống cho cả hai và nuôi dưỡng cái giấc mơ con của họ. Chấp nhận vai trò như một người “bảo mẫu”, Nicks có một niềm tin sắt đá rằng Buckingham không bao giờ nên đi làm và chỉ cần cứ tập guitar như vậy, gã sẽ có ngày trở nên tài giỏi. Dĩ nhiên cô cũng có những ước mơ về sự nghiệp âm nhạc cho riêng mình, nhưng cũng thật kỳ lạ là trong giai đoạn đầu sự nghiệp của Buckingham và Nicks, Stevie dường như chưa bao giờ lo lắng về tài năng của bản thân mà chỉ tập trung kiếm tiền để cả hai đủ ăn mà tồn tại.

Tài năng guitar hay bị bỏ qua của Lindsey Buckingham


Mỗi khi Nicks không phải làm việc, cô lại lấy đàn ra và viết nhạc theo cách khác hẳn Buckingham. Nếu như gã thường xây dựng bài hát từ phần khung và đắp dần các lớp lang, bài hát thường đến với Stevie Nicks một cách khá nhanh chóng với lời và nhạc dường như được khuôn đúc ra cùng một lúc. Cái sự nhanh gọn này của Stevie Nicks có lẽ là thứ khiến kẻ cầu toàn như Buckingham vừa cảm thấy bị trêu ngươi lại vừa xen lẫn sự ganh tỵ. Stevie Nicks luôn cho rằng Buckingham quá nghiêm trọng và cầu toàn không cần thiết, trong khi Buckingham thì luôn nghĩ Nicks không cố gắng hết mình.


Có lẽ đó cũng là lý do Stevie Nicks luôn cảm thấy dửng dưng và ở thế “cửa trên” với những cố gắng của Buckingham, trong khi gã này thì luôn sùng sục làm nhạc, sản xuất và thử nghiệm hết mình để rồi mua lấy cái sự bực bội từ sự dửng dưng của cô bạn gái. Càng tệ hơn cho Buckingham sau này khi họ đã tham gia Fleetwood Mac, Stevie Nicks luôn được đón nhận rầm rộ từ những bản hit do chính gã sản xuất. Có lẽ một phần sự tức giận của Buckingham tới từ việc Stevie Nicks viết nhạc mới thật dễ dàng làm sao, dù cô chỉ biết có bài ba hợp âm.


Với Buckingham, Stevie Nicks luôn khiến gã phải làm thêm việc cho các bài hát của cô, bởi Stevie không phải là người chơi nhạc và chỉ biết nhìn ca khúc từ một người hát. Còn với Nicks, cô không đủ trình chơi nhạc như mọi người bởi đơn giản trong khi Buckingham được tập đàn cả ngày ở nhà, cô phải lao ra đường để kiếm ăn cho cả hai. Nhà bao việc mà bày đặt giận hờn.


Năm 1973, hãng đĩa Polydor cuối cùng cũng ký với bộ đôi này và giúp họ ra album Buckingham Nicks. Album này sau đó bán trầy trật, dù cặp uyên ương này đã gây được không ít ấn tượng với khán giả ở Los Angeles lúc đó với khả năng hát bè cùng nhau và tài chơi guitar “fingerstyle” độc đáo của Lindsey Buckingham. Polydor nhanh chóng bỏ rơi cặp đôi với thứ âm nhạc khác lạ này.


Đó cũng là lúc Stevie Nicks bắt đầu lăn tăn về tương lai của mình. 27 tuổi, sự nghiệp âm nhạc đi vào ngõ cụt, những cố gắng bươn chải làm những công việc chân tay để nuôi giấc mơ dường như cũng chẳng đến đâu. Stevie Nicks thậm chí đã nghĩ tới việc quay lại trường đại học. Trong khi đó, Buckingham còn bận đi tour cùng Don Everly, thần tượng của gã, để được hát các ca khúc kinh điển của Everly Brothers. Trong quãng thời gian cô đơn một mình đó, Stevie Nicks đã viết “Landslide”.


*

Keith Olsen, nhà sản xuất cho album Buckingham Nicks tình cờ gặp Mick Fleetwood khi anh đang đi tìm studio và người sản xuât cho album mới. Olsen cho Mick nghe thử bản “Frozen Love” của Buckingham Nicks, và Mick lập tức ấn tượng với lối chơi guitar của Buckingham. Qua Keith Olsen, Mick Fleetwood đề nghị Buckingham tham gia thu âm cho album mới của Fleetwood Mac, nhưng Olsen nhanh chóng đề nghị ngược lại với Mick rằng Buckingham và Nicks là một cặp đôi và họ luôn đi với nhau. Và thế là lịch sử được xác lập.


Thực ra điều duy nhất khiến Mick lo lắng chỉ là trong band của họ đã có Christine McVie là ca sĩ chính, và việc có hai cô biết hát trong band chỉ tổ rắc rối. Nhưng hóa ra, Stevie Nicks và Chris McVie đều có phong cách của riêng mình và hai người đều sẵn sàng làm việc cùng nhau và trở thành bạn tốt.


Buckingham và Nicks đã đem tới một luồng gió mới cho Fleetwood Mac, với những gì họ chuẩn bị cho album thứ hai đã không bao giờ thành sự thật với sự bỏ rơi của Polydor. Nicks góp hai bản kinh điển là “Rhiannon” và “Landslide”, còn Buckingham thì đem tới nhiệt huyết của một kẻ cầu toàn nay đã có trong tay những kẻ chơi nhạc như mơ ước. Album Fleetwood Mac sau đó bán được 4 triệu bản và sự kết hợp Anh Mỹ của ban nhạc có tới 3 ca sĩ hát cùng nhau bỗng đem tới một luồng gió mát lành trên các bảng xếp hạng.

Vai trò viết nhạc và hát đều tay nhưng ít được để ý của Chris McVie


Chỉ có tay bass John McVie lâu lâu lại ngó hai vị đồng nghiệp mới người Mỹ mà tặc lưỡi rằng “Trước bọn tao cũng là blues band cơ đấy!”


“Nhưng giờ anh lại ở gần ngân hàng hơn” – Keith Olsen đáp lại.


*

Sự thăng hoa của Fleetwood Mac ở thập niên 70s là thứ mà Buckingham luôn đổ tại mỗi khi nghĩ tới việc đánh mất Stevie Nicks – nhưng cũng là thứ mà Buckingham không thể rời bỏ cho tới tận năm 1987, khi gã rời bỏ Fleetwood Mac và bỏ lại Stevie Nicks phía sau.


Nhưng cũng chính gã với sự cầu toàn đến phát điên của mình đã là người cố ghép nối những mảnh nứt vỡ của đội hình Fleetwood Mac và biến công sức âm nhạc của họ trở thành những album bán cực chạy với thứ âm nhạc truyền cảm hứng cho không chỉ các nghệ sĩ Pop Rock sau này, mà còn cả những người hát nhạc kịch.


Cho dù đó có là để chứng tỏ bản thân trước Stevie Nicks, hay chỉ sự nỗ lực để âm nhạc giữ lại vĩnh viễn sự nguyền rủa của gã dành cho cô, thì Lindsey Buckingham đã luôn biết cách tạo ra những tuyệt phẩm, và Fleetwood Mac đã không thể có được danh tiếng của họ nếu không có gã.


Hẹn gặp lại!


R.I.P Christine McVie (30.11.2022)


Kcid

628 views

Recent Posts

See All
bottom of page