Trong một video dàn dựng lại điệu nhảy theo bài “Smooth Criminal” của một user trên Youtube, có một comment như sau: “Là một vũ công, tôi nghĩ đây là một trong những bài nhạc mà bạn không cần “học” theo vũ đạo được sáng tạo cho nó. Đó là vì những điệu nhảy đã tự hình thành sẵn bên trong mà bạn chỉ cần tái hiện lại những động tác đó với người xem”.
Đây cũng chính là những gì tác giả của bài “Smooth Criminal” - ông hoàng nhạc Pop Michael Jackson từng chia sẻ: “Tôi không tạo ra những điệu nhảy, mà chúng thực sự tự hình thành. Vũ đạo là cách thể hiện dưới dạng hình thể. Bạn trở thành một phần nhạc đệm cho bài hát. Giống như khi hóa mình thành tiếng bass của bài “Billie Jean”, tôi không thể cưỡng lại trước những bước nhún nhảy mà chân mình cử động theo bởi đó chính là thứ mà cây đàn bass bảo tôi nên làm”.
Dĩ nhiên những lời nói trên dành cho những người ít hay nhiều có kỹ năng và kinh nghiệm trong bộ môn nhảy. Vậy nhưng âm nhạc của Michael quả thực được tạo ra như thể một “thứ chất kích thích”, khiến người nghe tiếp nhận bằng thính giác, đánh thức tới các cơ và rồi chuyển hóa thành những cử động đầu, chân, tay và thậm chí cả người theo nhịp điệu của bài nhạc đầy diệu kỳ!
***
Một lần tôi mới bật để nghe thử lại album Blood On The Dance Floor / HIStory In The Mix (1997) của Michael. Đây là một đĩa nhạc tôi nghe không nhiều vì những bản remix từ một vài track trong album HIStory trước đây nằm ở nửa sau của đĩa. Tuy nhiên với những bài original, tôi thấy ưng giai điệu của ca khúc cùng tên, “Blood On The Dance Floor”, rất mê đoạn nhạc buồn thẫn thờ ở khúc 2 phút 48 giây xen giữa phần nhạc nặng của âm thanh Industrial trong “Morphine”, đoạn hát giọng giả thanh đặc trưng của Michael trong “Ghosts”, hòa âm ma quái ở đoạn điệp khúc của “Is It Scary”.
Ở lần nghe này tôi mới tậu được bản đĩa xịn và trải nghiệm qua bộ loa có chất lượng khá ổn. Và tôi chợt nhận ra bài “Blood On The Dance Floor” có phần mix tuyệt hảo. Dù âm thanh các nhạc cụ được thu khá dầy nhưng từng track nhạc cụ có âm sắc tách bạch và cực kỳ sắc nét. Tiếng trống đanh chát rõ tiếng và tiếng bass cực mẩy không làm nhòe những âm thanh điện tử khác. Dù rằng track này được Michael đồng sáng tác và sản xuất cùng Teddy Riley từ thời album Dangerous, âm sắc điện tử của nó đúng thực không phù hợp với màu nhạc của Dangerous và hoàn toàn hợp lý khi ghép chung với những bài còn lại.
Thế nhưng có một điểm chung của âm nhạc Michael tạo ra ở thời điểm này kéo ngược trở về trước, đến thời kỳ anh được tự do sáng tạo với Off The Wall (1979) - album solo đầu tiên phát hành qua hãng đĩa Epic Records, đó là gần như tất cả các bài mà Michael đưa vào các đĩa đều mang một không khí âm nhạc đầy kích thích tới người nghe. Để làm như vậy, ngoài việc từng track nhạc cụ được thu âm rõ nét, có âm sắc mang cá tính riêng, thì về tổng thể chúng đều đan xen với nhau một cách tài tình.
Như cách Michael Jackson có nói về âm nhạc và vũ đạo của anh mà tôi đề cập tới ở đầu bài viết, những điệu nhảy đều tự được thể hiện ra ngoài giống như thứ ngôn ngữ âm nhạc đang xui khiến vậy.
Đây nhé, trong album Off The Wall, ca khúc chính của đĩa, “Don’t Stop ‘Til You Get Enough” là một bản Disco pha Funk được mở đầu bằng câu bass chơi ngắt nghỉ lệch với tiếng shaker đều đặn. Chính âm thanh của hai nhạc cụ chơi “lệch pha” mang phong cách funky đó tạo cảm giác thôi thúc tay chân người hát lẫn người nghe cảm thấy ngứa ngáy. Thế rồi BUMMMMM, các nhạc cụ từ bộ strings, bộ trống với tiếng cowbell âm vang, tiếng guitar chơi theo câu giai điệu của điệp khúc, cùng đồng loạt cất lên. Sau đó dàn nhạc cụ kèn được bồi thêm vào xen kẽ các nhạc cụ khác, hệt như cách ban nhạc Earth, Wind & Fire sản xuất cho âm nhạc của họ. Bạn tưởng tượng đôi chân có thể nhún nhảy theo nhịp trống đều đặn, nhưng phần eo hông, hay hai cánh tay và đầu đều có thể lắc lư theo các nhạc cụ khác nhau. Thậm chí chỉ cần bám theo nhịp điệu của 1 tới 2 nhạc cụ trong các lớp track ghi âm của bài là đủ tạo nên sự sống động về thị giác tượng hình cho những tác động đến từ thính giác.
Và các bạn biết không? Không chỉ câu hát, mà phần lớn những giai điệu và nhịp điệu của các nhạc cụ đều do Michael Jackson sáng tác.
Trong album Off The Wall, nếu đọc phần credit các bạn sẽ thấy, với những bài do Michael sáng tác thì producer Quincy Jones sẽ để tên anh trong vai trò đồng sản xuất. Lý do là vì Michael không đơn thuần chỉ sáng tạo ra giai điệu vocal, mà anh chính là tác giả của rất nhiều câu nhạc chơi bởi trống, bộ gõ, bass, các nhạc cụ khác, thậm chí cả dàn string được ghi âm.
Michael không biết đọc và viết bản nhạc. Nhưng khả năng cảm thụ âm nhạc từ bé cùng những buổi tập luyện mà người bố rèn dũa cho Michael và các anh em từ thời Jackson 5 đã nuôi dưỡng khả năng sáng tạo một bài nhạc về sự hòa hợp mang tính tổng thể thay vì chỉ đơn thuần một track giai điệu dành cho phần hát.
Cách Michael viết nhạc như sau: anh ghi âm lại giai điệu qua chiếc băng cassette, lồng thêm âm thanh beatbox để thể hiện nhịp điệu bài đó, và giả tiếng các nhạc cụ khác, hoàn toàn bằng giọng của mình, để các chuyên gia thu âm sau đó không chỉ hiểu đầy đủ ý tứ về nhịp, mà cả vòng hòa âm của bài. Trong bản demo bài “Beat It” ở album Thriller (1982), người nghe có thể nghe được các nốt nhạc của các hợp âm, rồi phần hòa âm lẫn giai điệu, tiếng đàn bass hòa cùng nhịp trống, mà tất cả đều tạo ra từ khả năng biến hóa giọng hát của Michael. Là một kẻ cầu toàn, Michael muốn những ý đồ nhạc hiện ra trong đầu anh đều được chuyển thể y nguyên những gì anh mường tượng trong đầu. Đó là lý do tại sao Michael còn hát từng nốt nhạc trong mỗi hợp âm cho một tay nhạc công chơi guitar để người này chơi lại một cách đầy đủ nhất. Vậy nên cũng không lạ lùng gì khi Michael dùng giọng để hát cả phần hòa âm dàn string với đầy đủ ngắt nghỉ lẫn những câu nhạc làm đầy cho bài để những người có mặt trong studio có thể bê y nguyên vào nhạc cụ mình đảm nhận.
Nhờ cách sáng tác lấn sân nhiều sang mảng biên soạn và sản xuất mà những gì chúng ta nghe ở âm nhạc của Michael Jackson phần lớn là ý tưởng của một mình người nghệ sĩ vĩ đại này. Khi mà Michael chuyên tâm trau chuốt đến từng nốt trong giai điệu và nhịp điệu của mỗi nhạc cụ là khi anh đã thổi hồn và cá tính cho mỗi track nhạc cụ đó. Bởi sâu xa điều Michael muốn chuyển tải cuối cùng vẫn là từng âm thanh mà chúng ta nghe được đều là một thành tố gây kích thích để không một ai có thể ngồi yên được.
Đó có thể chỉ là cái gật gù đầu lên xuống giống như cách Michael nhảy khi hát “Annie are you okay?” hay cái lắc vai khớp theo nhịp tiếng snare đanh chát trong bài “Smooth Criminal”, rồi có thể chỉ là búng ngón tay trong “The Way You Make Me Feel” ở album Bad (1987). Đó có thể là để đưa đầu lắc ngang sang hai bên mà phần vai trở xuống giữ cố định trong bài “Remember The Time”, hay vung hai tay và chân mỗi khi cú nhấn xuất hiện trong bài “Jam” ở album Dangerous (1991). Rồi cũng có thể bạn bắt đầu đứng lên và muốn trườn hai đầu gối trên sàn về phía trước như trong bài “Scream”, hay lắc người thật mạnh theo những câu nhạc fill ở “2 Bad” trong album HIStory – Past, Present And Future – Book I (1995).
Để làm được thứ âm nhạc khơi nguồn cho các điệu nhảy một cách hiệu quả đến vậy không hề đơn giản. Trong bài “Billie Jean” ở album Thriller mà tôi đã từng viết trước đây, cái tôi chưa nói đến là thời lượng dài tới 29 giây của phần mở đầu bài chỉ gồm trống và bass đã từng được nhà sản xuất nhạc Quincy Jones đề nghị Michael cắt ngắn lại để dễ thu hút sự chú ý với người nghe hơn khi người ta sớm nghe giọng hát anh cất lên. Có điều Michael khăng khăng giữ nguyên quan điểm của mình vì phần intro đó tạo cảm hứng cho đôi chân anh muốn được nhún nhảy. Nếu nhịp trống đều đặn dẫn bài tạo cảm giác về tempo và những cử động cơ bản thì khi câu bass dập dình cất tiếng, nó như chính cử động lắc ở bàn chân và sau đó đàn synth vang lên ngắt quãng từng nốt một lại như thôi thúc phần trên của cơ thể uốn theo.
Đấy là vì mỗi nhạc cụ đó không hề đi song hành với nhau về nhịp độ hay cao độ. Chúng lần lượt xuất hiện để làm tạo sự bất ngờ và mới mẻ, yếu tố được Michael chú trọng vô cùng bởi như vậy nó mới tạo cảm hứng cho người nhảy tạo ra các động tác khác biệt ở mỗi khúc nhạc khác nhau.
Trong bài “Bad”, câu nhạc mở đầu chan chát đã cho thấy “cá tính” của một bài có cái tên không hề đơn giản. Rồi tiếng bass chơi theo nhịp 3 nốt đen tiếp nối bằng nốt móc đơn nhanh gấp đôi liền sau và dấu lặng xen kẽ làm cho phần nhịp có sự giật cục, tựa như bước chân thăm dò của “nhân vật bass”. Thế rồi phần pre-chorus dồn dập để chuyển tiếp sang chorus lại theo nhịp điệu khác khi phần vocal hát lệch phách với trống, tạo nên những khúc nhạc khác nhau mà vũ đạo có thể tự nhiên chuyển đổi theo. Các câu fill bằng trống hay nhạc cụ có âm sắc chát chúa luôn là sở thích của Michael bởi nó sẽ tạo sự kích thích cao độ cho những động tác nhấn cực đẹp khi biểu diễn.
Tương tự như vậy, những bài mà anh sáng tác đa phần có những khúc verse – pre-chorus – chorus và rồi cả bridge với sự khác biệt về nhịp độ và cao độ. Và phần lớn chúng dùng để đẩy độ căng bài nhạc lên trước khi vươn tới cao trào đầy thỏa mãn ở điệp khúc.
Cho tới album Dangerous, sau khi Michael chủ động tách khỏi sự giúp đỡ của Quincy Jones, anh vẫn mang tới phong cách âm nhạc gợi hình ảnh như vậy. Sự khác biệt hơn từ album này, ngoài âm thanh New Jack Swing trong bài “Jam”, hay âm thanh còi xe ô tô thay tiếng snare trong “She Drives Me Wild” mà Teddy Riley mang tới trong khâu production, từ phía cá nhân Michael Jackson, anh còn đi theo hướng sáng tạo các khúc nhạc tương phản mạnh / nhẹ trong cùng một bài. Trong “In The Closet”, khúc mở đầu mang màu sắc gợi tình đối lập với lúc phần trống mạnh mẽ xuất hiện, rồi lại quay sang khúc nhạc lắng lại, cứ liên tục như vậy như thể bài hát đưa cơ thể của người biểu diễn (và thậm chí người nghe) như được giãn ra tại những khúc lặng và lại rung lên bần bật để nhún nhảy ở những khúc nhạc dồn dập. Hơn thế, lối sáng tác của Michael còn tạo cả tương phản về nhạc điệu khi anh lồng ghép những đoạn verse ít giai điệu nhưng nặng về nhịp, với những đoạn điệp khúc hay post-chorus tràn ngập giai điệu của phần hát giả thanh làm mềm cho bài hát, hệt như cách anh làm một cách hoàn hảo trong “Who Is It”.
Sáng tạo hơn nữa, tới album HIStory, trong bài “They Don’t Care About Us”, Michael nâng tầm ở phần trống qua nhịp điệu dancehall của người Jamaica qua tiếng bộ gõ và vỗ tay có âm sắc đanh chát. Anh tối giản hòa âm trong đa phần bài nhạc để đưa tiếng trống và giọng hát theo cụm hai nốt một để nhấn theo nhịp. Những tiếng synth làm mềm chỉ xuất hiện trong những đoạn post-chorus khi giai điệu hát được rõ nét hơn. Thế nhưng âm thanh còn bùng nổ mạnh mẽ hơn cả khi tới phần instrumental break, tiếng snare nện vào sớm trước nhịp downbeat của đầu khuông nhạc sau đó gây bừng tỉnh cho người nghe, hệt như thể một phát súng bất ngờ vang lên làm cả đám đông ở dưới phải náo loạn, thể hiện đúng tinh thần thông điệp phản đối bạo lực của cảnh sát trong lời bài hát.
Tất cả những biến đổi về nhạc trong các bài này đều mang nhiệm vụ khơi dậy những chuyển động của cơ thể, mà tới “They Don’t Care About Us”, nó dường như không chỉ là những điệu nhảy nữa, mà còn là sự vùng lên của những con người bị áp bức.
Sự tinh tế của Michael Jackson không dừng ở phần làm nhạc, hay giọng hát trời phú của anh. Đó còn là cách anh dùng giọng hát của mình hơn cả một nhạc cụ để thể hiện ý nghĩa của mỗi bài.
Chúng ta đều quá rõ một Michael Jackson có giọng ca đầy nội lực mà cũng lại tràn đầy cảm xúc mượt mà từ khi anh hát trong Jackson 5 trở về sau. Với những bài “Ben”, “Who’s Lovin’ You”, “Got To Be There”, và rồi sau này là “She’s Out Of My Life”, “Lady In My Life”, “Liberian Girl”, “Heal The World”, “Earth Song”, “Little Susie”, “Speechless” và nhiều nữa, Michael có thể sáng tác và hát những ca khúc đầy ngọt ngào chạm tới trái tim người nghe. Thế nhưng, anh cũng lại tự thay đổi phong cách và tạo sự khác biệt lớn kể từ ra mắt Off The Wall khi theo đuổi phong cách âm nhạc có nhịp độ tương đối nhanh để phù hợp với khả năng trình diễn vừa nhảy vừa hát mà không nghệ sĩ nào sánh bằng cho tới giờ. Vì thế giọng hát của Michael trong các bài như vậy mang một lớp cá tính khác nữa. Nó được nhấn nhá theo nhịp điệu mà anh muốn thể hiện của riêng track vocal. Do đó các âm tiết được hát không phải lúc nào cũng ngân dài, mà đa phần ngắt nghỉ nhanh để có sức nặng cho mỗi từ / âm tiết được nhấn vào. Bởi vậy trong một số bài do nhạc sĩ khác sáng tác cho Michael, họ phải viết câu hát có nhiều nốt nhạc để anh có cơ hội sáng tạo tiết tấu phù hợp.
Cách anh phát âm ca từ cũng được thay đổi uyển chuyển, kể cả nếu từ đó được phát âm chệch đi, ví dụ như “come on” sẽ được Michael hát thành “cha’mone” hay “shamone”, với mục đích cho âm sắc gây kích thích đôi tai hơn. Đó là chưa kể đến rất nhiều âm đệm “hee hee”, “hoo hoo”, tiếng nấc cụt và những tiếng beatbox anh tạo ra để thành một phần không thể thiếu trong phần instrumental của bộ gõ trong bài. Chúng ta có thể thấy là những khoảnh khắc nhấn nhá ca từ, những âm đệm phụ họa ngẫu hứng này không chỉ tạo sự bất ngờ mà hỗ trợ rất nhiều trong việc tăng sức hấp dẫn cho người trình diễn.
Ví dụ như trong phần thể hiện của nhóm nhảy Jabbawockeez theo bài “P.Y.T. (Pretty Young Thing)” trong chương trình America’s Best Dance Crew ở mùa đầu tiên, ngoài việc họ khéo léo kết hợp những động tác đặc trưng của Michael với những điệu nhảy mới mà nhóm được khơi gợi từ nhạc điệu của bài, Jabbawockeez rất thông minh khi đẩy đoạn bridge vào để tạo độ nhấn cho màn trình diễn. Với nhịp 4 nốt 1-2-3-4 dồn dập trong câu hát “Pretty young thing” và “You make me sing” (được Michael thu âm méo tiếng qua vocoder cho giống tiếng robot đến độ không thể nhận ra được lời hát), thì âm tiết rõ nét không qua tinh chỉnh liền sau đó là “uh!” như tiếng kêu được nhấn cực mạnh chỉ vỏn vẹn trên 1 nhịp và “ha, ha, ha” vang ra như hơi thở trên 3 nhịp, đều là những nhịp lẻ ở sau hai câu hát trên làm cho bài hát có sự chuyển đổi nghịch tai về nhịp và âm điệu rất hay. Tận dụng cách đảo nhịp đó, các thành viên của Jabbawockeez ngửa người ra sau theo âm “uh!” và rồi nhún người lên xuống theo tiếng thở “ha, ha, ha” tạo màn biểu diễn thị giác rất khớp với âm nhạc.
***
Vào năm 1994, Michael Jackson bị một nhạc sĩ là Crystal Cartier tố cáo anh đạo nhạc của cô để dùng cho bài “Dangerous” sau khi Michael nghe được cuộn băng demo của Crystal. Ngoài việc khẳng định anh không hề quen biết với cô nhạc sĩ cũng như chưa từng nghe cuộn băng demo, Michael có nói đến việc anh đã sáng tác vài trăm bài nhạc kể từ năm lên 7 tuổi, cụ thể như 60-70 bài cho album Bad và 70 bài cho album Dangerous nhưng không được dùng đến. Khi miêu tả quá trình sáng tác bằng cách thu âm giọng vào băng cassette, ngay trước tòa Michael còn bình tĩnh để beatbox lại câu bass lick của bài “Streetwalker” (mà sau này được dùng làm nguồn cảm hứng cho “Dangerous”). Kể về quá trình sáng tác “Billie Jean”, anh thể hiện lần lượt từng lớp nhạc mà anh thu âm, ban đầu là câu bass lick kinh điển, nối tiếp bằng tiếng đàn synth cho hợp âm mà anh nghe được trong đầu, và sau đó là giai điệu bài hát; tất cả đều do Michael beatbox / hát ngay tại tòa hoàn toàn chuẩn xác về tông và cao độ. Và cứ thế khi vị quan tòa hỏi tới quá trình viết nên “Dangerous”, Michael lại diễn tả rõ ràng từ đoạn rap cho đến phần B-section làm cầu nối dẫn đến cao trào của điệp khúc, tất cả đều được anh hát acapella với tiếng gõ nhịp mà anh tự tạo ngay trước bồi thẩm đoàn.
Do đó không ngạc nhiên gì khi tòa đã đưa ra quyết định Michael, cùng hai đồng tác giả là kỹ sư âm thanh Bill Bottrell và nhà sản xuất Teddy Riley, đều không có đủ bằng chứng đã đạo nhạc.
Điều đáng nói nữa là tại tòa, Michael nói rằng tất cả những gì anh sáng tác, từ giai điệu hát, lời ca, cho đến nhịp trống và các câu lick nhạc cụ đều xuất hiện trong đầu anh như những “nhân vật” mang các tính cách riêng đứng cạnh nhau để tạo thành một tập thể âm thanh và hình ảnh toàn diện. Do đó phần vũ đạo đã và sẽ mãi mãi là một thành tố không thể tách rời khỏi âm nhạc của ông hoàng nhạc Pop, thứ đã truyền cảm hứng lớn tới vô vàn các thế hệ nghệ sĩ sau này.
RIP Michael Joseph Jackson (29.8.1958 - 25.6.2009)!
***
Hẹn gặp lại!
Kroon
Comments