top of page

Earth, Wind & Fire: âm nhạc giao thoa hoàn mỹ

Toàn bộ thành viên của Earth, Wind & Fire định vị chỗ ở phòng thu âm của Paramount cho buổi thu âm nhạc phim Sweet Sweetback's Baadasssss Song. Maurice White ngồi sau giàn trống còn ông em Verdine White ôm cây bass. Cả ban nhạc theo đó chơi biến tấu theo những phân đoạn phim chính được chiếu trên chiếc màn hình to uỵch. Toàn bộ phần nhạc phim được Earth, Wind & Fire thể hiện hoàn toàn ngẫu hứng theo lối free form, được hoàn thành trong 3 ngày làm việc. Bản soundtrack có những khúc bị lạc điệu, nhưng cũng vẫn được ghi nhận tích cực, cho một ban nhạc lúc đó vẫn còn là những nghệ sĩ vô danh. Không ai ngờ rằng một ngày, ban nhạc Earth, Wind & Fire của Maurice White đã trở thành một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại, được những huyền thoại âm nhạc khác như Quincy Jones và Miles Davis phải ca tụng hết lời.


Ai đã từng nghe Maurice White thổ lộ ý định rời khỏi nhóm Ramsey Lewis Trio đều phải thốt lên rằng anh hẳn mất trí khi bỏ một nhóm nhạc đang thành công và có thu nhập ổn định. Người nhà, đặc biệt là mẹ anh cũng vậy. Họ mà nghe kế hoạch anh vẽ ra thì chắc ai cũng nghĩ anh điên.

Có điều ánh mắt sáng bừng với đầy niềm tin mãnh liệt khi Maurice kể về kế hoạch đó nếu giảm bớt được độ điên thì cũng chỉ thay vào đó là sự hoài nghi từ phía người đối diện.

Kế hoạch của Maurice như sau: anh muốn lập một ban nhạc, với số lượng đông đến 9-10 người cũng được, chơi loại nhạc có được sự thu hút với đủ sắc tộc màu da. Thứ nhạc đó phải mới mẻ mà vẫn có sự thân quen với bất kỳ ai nghe được nó. Thế nên nó sẽ có Jazz, Funk, Soul, R&B, Rock, Pop, Disco và cả Latin lẫn âm hưởng từ châu Phi. Nghe chừng đó như một nồi lẩu thập cẩm mà người nấu chỉ giỏi không cũng chưa chắc đã làm ra món ăn ngon. Mà có lẽ còn cần các nguyên liệu thực sự tươi mới và những đầu bếp tài ba thì may ra mới có hy vọng.

Trước mắt tên ban nhạc được lấy từ cung hoàng đạo của chính Maurice White, trong đó nguyên tố chính là Lửa, và hai nguyên tố phụ là Đất và Khí. Nhưng để gọi cho thuận tai, Maurice đổi Khí thành Gió để trở thành cái tên Earth, Wind & Fire (EWF).


Ở thời kỳ đó, thế giới âm nhạc đang ở giai đoạn bị chia rẽ. Các nhà đài lập ra các kênh với format gọi là Album Oriented Radio (AOR), cũng có thể hiểu là Adult Oriented Rock, một cái tên nói giảm nói tránh với mục đích chủ yếu bật nhạc "thân thiện" với người da trắng để người da trắng nghe. Không chỉ thế, cả bản thân nhạc Rock cũng bị xẻ nhỏ thành các dòng Southern Rock, Heavy Metal, kể cả Punk khi mới ở thời kỳ “chập chững”, v.v. Đã thế sự sát nhập của nhiều hãng thu âm cũng dẫn đến chỉ một vài hãng lớn sẽ nhăm nhe vào những khán giả da trắng trẻ tuổi sinh ra trong những gia đình trung lưu, bởi đó là thị phần chính lúc bấy giờ. Ý đồ của Maurice là phải phá vỡ được các ranh giới đó, có như vậy thì sức lan toả của EWF mới đủ lớn mạnh.

Đây không phải là hướng đi dễ dàng chút nào. Mặc dù nhân tố Lửa là thứ chính nằm trong cung của Maurice, anh không phải là người nóng vội, chóng nản. Ngược lại, con đường mà Maurice dẫn dắt cho EWF đến với thành công mà anh đặt ra từ ngày đầu dù là một chặng đường dài nhưng chưa bao giờ lạc lối. Đấy là nếu ta không tính thời gian vài ba năm đầu tiên.

Maurice rủ ông em trai cùng mẹ khác cha - Verdine White, kém tới 10 tuổi gia nhập ban nhạc EWF. Nếu như Maurice thành thục điêu luyện trên giàn trống thì Verdine là một tay bass đỉnh cao. Bộ sậu ban đầu của EWF ngày đầu thập niên 70 cũng kịp làm ra hai album đầu tay, trong đó có album cùng tên rất hay, trước khi tan đàn xẻ nghé vì các xích mích, mà trong đó chính là sự áp đặt của Maurice White về cái ý tưởng nhạc của anh. Trừ ông em Verdine ra, các thành viên ngày đó đều trạc tuổi Maurice và cùng có kinh nghiệm trong nghề nên họ đều có cái tôi quá cao để mà nghe theo Maurice – một người cũng chưa có thành tích gì để chứng tỏ.

Chính thế nên thời khắc ban nhạc giải tán bỏ lại hai anh em nhà White, Maurice đã khởi nghiệp lại và làm theo lời khuyên của người bạn, đó chính là bổ sung các nhân tố mới trẻ hơn cho EWF. Lần lượt ban nhạc có quân số đông đảo với toàn thành viên cỡ tuổi Verdine, tức là đều kém hơn Maurice cả chục năm. Tưởng như những nhân tố trẻ mới thiếu kinh nghiệm thì sẽ dồn Maurice cùng EWF vào ngõ cụt tiếp theo, nhưng không hề. Khi Maurice có được quyền chỉ đạo với đám đàn em của mình, anh đã lái con thuyền đó vào một dòng chảy âm nhạc mới không ai nghĩ tới.

Khi EWF ban đầu chơi thứ nhạc còn nặng chất Jazz, là thể loại thuộc thế mạnh của Maurice, khác xa nhạc chơi trên radio, thì anh đã tính xa hơn bằng việc pha trộn thêm nhiều dòng nhạc khác vào, một mặt để giảm bớt yếu tố kén khách của Jazz mà vẫn giữ được cái tinh tế, cộng thêm các gia vị thân quen khác của những người nghe từ các background khác nhau.

Thời đó, EWF thường được đem lên so bàn cân với hai ban nhạc Funk khác, đó là Sly & The Family StoneParliament / Funkadelic của George Clinton. Cái khác biệt của EWF với hai band kia là: nếu như âm nhạc của Parliament / Funkadelic mang nặng màu sắc ảo diệu với những yếu tố kỳ dị từ không gian vũ trụ, thì nhạc của EWF đi sâu hơn với Disco Funk cùng nội dung gần với mặt đất hơn; nếu như âm nhạc của Sly & The Family Stone hướng về các thông điệp chính trị thì EWF hát những lời ca vui vẻ, tích cực với khẩu hiệu “Nếu bạn không hát những lời ca hạnh phúc, thì nên giữ im lặng”.


Nhưng để có được sức hút và cạnh tranh được với hai band đàn anh kia, Maurice White và EWF đã không thể một sớm một chiều hoàn thiện được cái ý tưởng nhạc giao thoa ở quy mô rộng như vậy. Dù đang nắm giữ trong tay một đội ngũ nghệ sĩ trẻ tuổi tràn đầy năng lượng, Maurice và ban nhạc đều phải lần mò con đường chưa ai đặt chân tới. Trong lần đụng mặt với Parliament / Funkadelic tại một buổi show mà EWF là band mở màn, sức nóng rõ rệt của ban nhạc của George Clinton sau đó thổi bay cái tên EWF vừa lộ diện. Qua âm thanh bùng nổ của giàn nhạc Funk trên sân khấu dưới sự chỉ đạo của Clinton, đám đông khán giả toàn người da màu tràn từ đầu này sang đầu kia ở phía bên dưới, ùa theo tiếng nhạc. Các thành viên của EWF đều nhận ra sự thật là nếu chỉ so về thể loại Funk, họ còn xa mới sánh cùng Parliament / Funkadelic hay Sly Stone được. Sự khác biệt trong âm nhạc để cạnh tranh của EWF lúc đó phải là tiếp tục tìm ra tổ hợp âm thanh giao thoa nhiều thể loại theo công thức hoàn chỉnh nhất.

Vào thời gian trước sự vụ đụng độ ngoài ý muốn với Parliament / Funkadelic, ban nhạc EWF cũng đã nâng tầm âm nhạc của họ lên mấy bậc so với bộ sậu ngày đầu. Trong đội ngũ trẻ tuối đó, Maurice đã có bộ khung gồm:


1. Ông em Verdine White (bass): có khiếu âm nhạc cộng việc được đào tạo bởi những nhạc công tài ba từ nhỏ, Verdine cứ thế trở thành cao thủ chơi bass cho ban nhạc. Nếu nghe bài “Keep Your Head To The Sky” của band, mới thấy cậu em của Maurice không chỉ bám chắc sườn nhịp tạo bởi phần trống theo lối funky, mà vẫn chơi những nốt bass hay như đối trọng với giai điệu trong bài.


2.Philip Bailey (ca sĩ): giống Maurice White, ngoài khả năng chơi trống, Philip sở hữu một chất giọng cao và hay khó đỡ. Dù tham gia sau, anh nhanh chóng thành một nhân tố quan trọng trong việc đồng sáng tác nhạc, và góp giọng chính cùng với Maurice. Bản “Devotion” khó có thể được nâng bổng lên những tầng không gian mới nếu không có giọng ca của Philip. Chất giọng falsetto giả thanh cao vút mượt như nhung của anh còn là vũ khí quan trọng khi EDW hát những bản Disco Funk sau này.


3. Larry Dunn (keyboard): có lẽ nhờ Larry, Maurice mới chuyển tải được phần hợp âm dày mang nhiều màu sắc lạ và những khúc chuyển hợp âm hay tông giọng phức tạp cầu kỳ của thứ nhạc Jazz. Chỉ cần nghe kênh youtube của anh Charles Cornell phân tích về bản “After The Love Has Gone”, một bài trữ tình của EWF, bộ não như bị nổ tung bởi loạt những lần bài hát giảm tông chỉ có ½ cung mà nghe như lên cao hơn, hay sau loạt thay đổi tông tuân theo vòng tròn bậc 5 (Circle of fifths) mà các band nhạc Funk khác không hay dùng, hoặc những hợp âm dày phải vươn tới nhiều nốt cùng lúc như B7sus13, Bbm7, Ab7sus13. Có điều về mặt âm sắc thì hòa hợp vô cùng.


Phần guitar thì được củng cố sau này nhờ góp mặt của hai cầm thủ có phong cách khác nhau nhưng bù đắp một cách hiệu quả. Một người là – Johnny Graham với lối chơi bluesy của Albert King và người kia là Al McKay có những câu lick chịu ảnh hưởng của James Brown. Khi Johnny có kỹ thuật solo tốt hơn và tiếng đàn hay hơn nhờ việc sử dụng dây đàn nhẹ và chỉnh dây xuống nửa cung, thì Al bồi thêm phần hợp âm dày đậm chất jazz của Larry bằng các nốt trên guitar đầy nhịp điệu, thay vì chú tâm vào các hợp âm mà anh này phải lắc đầu quấy quậy trước sự phức tạp của nó.


Phần trống thì thường được đảm nhiệm bởi Ralph Johnson và chính Maurice White nhưng do Maurice về sau tập trung vào vocal, vai trò đó nhường lại cho Ralph, với sự bổ sung sau này của Freddie White – người nhà của anh em Maurice và Verdine nhờ nhịp trống cực chắc của cậu này. Từ chính nhịp điệu chắc tay qua dùi trống của Freddie, Maurice quyết định đưa thêm bộ gõ congas được chơi bởi ca sĩ Philip Bailey vào cho thêm màu sắc phong phú, mà không bị loạn nhịp.


Thế là sự giao thoa hòa hợp của các nhạc công và hai giọng hát của Maurice và Philip, cộng thêm bộ kèn của saxophone và trumpet, đã làm nên âm thanh đặc trưng cho EWF. Ở thời điểm ban nhạc phát hành album xuất sắc Head To The Sky (1973), tính ra, ngoài phần vocal, họ có tới 12 loại nhạc cụ được chơi: trống, congas, bass, guitar, sitar, clarinet, piano, organ, saxophone, sáo, trumpet và cả kalimba – loại đàn được ví như piano của vùng đất châu Phi mà Maurice hay chơi. Để trộn nhiều nhạc cụ khác nhau này lại, đòi hỏi Maurice phải cực kỹ tính trong từng đoạn nhạc của mỗi bài. Ấy vậy mà cũng chưa đủ để EDW át lại được với Parliament / Funkadelic ngày đó.

Nhân tố quan trọng tiếp theo của ban nhạc, giúp họ làm thứ âm nhạc giao thoa hoàn hảo lại đến từ nhà sản xuất nhạc thiên tài Charles Stepney được Maurice White mời về. Sự góp sức của Charles với EDW được ví như George Martin của The Beatles hay Quincy Jones của Michael Jackson.

Với đôi tai đạt trình "pitch perfect" và nhạy bén, Charles là người duy nhất có thể quát mắng lại với Maurice mà anh này phải im re vì sự nể trọng. Charles xuất hiện kể từ lúc EDW bắt đầu làm nhạc cho album Open Our Eyes (1974), đánh dấu sự khởi đầu cho một tổ hợp âm thanh hoàn hảo. Với phần giọng hát, ông chỉ cho Maurice và Philip chính xác quãng bè nào nên hát để làm mịn hơn hòa âm vocal vốn dĩ đã gần như tròn trịa nay được đầy đặn hơn. Với Al McKay – tay guitar và nhạc công gặp khó khăn nhất trong việc theo các hợp âm jazzy phức tạp - Charles chỉ cho Al nên chơi hợp âm rút gọn với cụ thể nốt nhạc nào thì không được đánh. Ông còn đưa vào sự phá cách của số chỉ nhịp lẻ phức tạp 7/8 cùng giàn dây có màu sắc huyền ảo trong bài “See The Light” ở album That’s The Way Of The World (1975) sau này.


Dưới bàn tay của Charles, âm nhạc phức tạp của EWF bỗng chốc có sự giao thoa tuyệt đẹp. Ví dụ như sau, khi bài “Mighty Mighty” trong album Open Our Eyes được bật lên, có nhiều thứ được xảy ra cùng một lúc. Tiếng bass, tiếng guitar rhythm, tiếng kèn, tiếng hát bè trên rất nhiều track đan chéo với nhau. Mỗi track nhạc cụ (tính cả vocal) chạy trên một giai điệu với những câu lick riêng, có vẻ như không cái nào phụ thuộc vào cái nào, thế mà ghép vào thì lại là những đồ thị âm thanh giao với nhau ăn khớp đến từng nhịp lẻ, từng nốt nhạc một.


Hoặc như bài nổi tiếng nhất của ban nhạc, “September” nằm trong album tổng hợp của EWF, từng nhạc cụ (vẫn tính cả vocal) sẽ chơi một câu giai điệu riêng, không một cái nào đánh theo chùm các nốt để chỉ phục vụ tạo nên các hợp âm đầy đủ. Thế nhưng, ghi ghép lại các câu đàn này, mỗi nốt nhạc của mỗi nhạc cụ tại mỗi khoảnh khắc sẽ hợp lại làm nên hợp âm cần có. Và đó chính là sự thiên tài trong phần hòa âm cực kỳ khó chơi của EWF.


Về mặt thương mại, để vươn tới được lượng khán giả số đông, là tổ hợp “giao thoa” của những phân khúc đối tượng khác nhau, Maurice White đã đi những bước táo bạo trong kế hoạch lăng xê ban nhạc. Khác những nghệ sĩ da màu khác, anh lờ các hãng đĩa đặc thù như Motown và Chess để tránh việc bì gò ép theo đúng một vài dòng nhạc đặc trưng của người da màu, R&B hay Soul. Hãng Warner Bros ban đầu có vẻ là một bến đỗ tốt nhưng rồi sau khi bản chất phân biệt chủng tộc của ban bệ lãnh đạo lòi ra, Maurice nhờ tay quản lý chuyển EWF sang Columbia Records sau khi gây ấn tượng mạnh với Clive Davis. Dưới sự bảo trợ của Clive, tài năng của tay quản lý trong các thương vụ đàm phán, và dĩ nhiên chất lượng âm nhạc phù hợp với người nghe mọi màu da sắc tộc, EWF dần dà có được thành công thương mại, khẳng định vị trí trên các bảng xếp hạng như mục tiêu Maurice đặt ra ngày nào. Dĩ nhiên, anh phải có những thỏa hiệp nhất định như việc ngậm ngùi chấp nhận để tay quản lý lôi cậu em Freddie White vào studio ghi thêm phần trống snare chắc nịch ở nhịp 2 và 4 trong bài “Shining Star” để nó Rock và hợp thị hiếu đám đông hơn. Nhờ thế, với album That’s The Way Of The World và single “Shining Star” này, EWF đã trở thành nghệ sĩ da màu đầu tiên có được cả album và đĩa đơn đứng đầu bảng xếp hạng Billboard. Với thành công của That's The Way Of The World, Maurice giờ đã có thể thuê hẳn Phenix Horns - đội kèn cho EWF. Không dừng ở đó, Maurice có những ý tưởng táo bạo trong việc đưa vào các live show của ban nhạc màn trình diễn pháo hoa, ảo thuật, đèn laze, các thành viên ban nhạc bay lơ lửng và biến mất, hay không kém gì các show của các band nhạc Rock màu mè như KISS.

Nhìn đám đông khán giả ở phía dưới có cả da trắng lẫn da màu, các thành viên của EWF đều hiểu rằng họ đã đến đích. Và ngày EWF diễn mở màn cho Sly Stone ở Madison Square Garden, khi Verdine White bay vút lên không trung trong tiếng hò reo đến cháy họng của đám khán giả ở dưới, làm lu mờ hoàn toàn màn trình diễn của Sly ngay sau đó, thì Maurice biết rằng, anh và ban nhạc đã đạt đỉnh cao thế giới, và ý tưởng của anh không hề điên rồ như những người xung quanh anh từng nghĩ.


Hẹn gặp lại!

Kroon

1,004 views

Recent Posts

See All
bottom of page