top of page

Ozzy Osbourne: nếu không có "no more tears"

Updated: Jun 14, 2021

Năm 1991, có một Ozzy rất lạ phát hành một album cũng rất lạ, và tất nhiên nó hay tuyệt vời. “No more tears” với một Ozzy hoàn toàn tỉnh táo sau hơn 20 năm phụ thuộc chất kích thích, với hình ảnh bìa đĩa không có tí Satan nào thậm chí còn mang đôi cánh, và với một năng lượng khủng khiếp đến từ Zakk Wylde vừa vào độ chín.



“No more tears” cho đến giờ vẫn là đĩa thành công nhất trong sự nghiệp solo của Ozzy Osbourne. Ấy thế mà, track “thương hiệu” của đĩa suýt nữa không tồn tại cơ đấy. Hôm nay rảnh rỗi, chúng ta thử đặt ra tình huống NẾU bài “no more tears” KHÔNG CÓ trong đĩa "Tears" thì album đó sẽ thế nào nhé.


Trước khi chém, tôi muốn nhắc một yếu tố không-thể-thay-thế khiến cho “Tears” hay đến vậy, là ở tài năng của Zakk Wylde lúc này đã đi vào độ chín. Không như hồi “No rest for the wicked”, trong “Tears”, Zakk có đóng góp không nhỏ khi anh vừa sáng tác và vừa viết nhạc. Khi Ozzy sa thải Jake E. Lee sau “Ultimate sin”, cụ tìm ra Zakk Wylde lúc ấy mới 20 tuổi, và hãy còn “quê một cục”. Nhưng như Ozzy thường tự hào về khả năng phát hiện tài năng của cụ: “mọi người thường hay hỏi tao nếu là huấn luyện viên thì tao sẽ chọn mua cầu thủ đã thành danh, hay là phát triển bọn trẻ. Tao thì tao luôn thích những cầu thủ trẻ có tài năng, và luôn ám ảnh trong đầu rằng nó sẽ trở thành thằng giỏi nhất; hơn là những thằng đã thành danh và chơi cho thương hiệu của nó. Đấy cũng là cách tao chọn cây guitar của tao, từ Randy, Jake, Zakk, và sau này là Gus G, từ lúc chúng nó còn chưa có danh tiếng. Tao thích nhìn tụi nó phát triển.”


Zakk Wylde chính ra là người chơi gần với kiểu của Randy Rhoads hay Tony Iommi nhất, và cũng là kiểu mà Ozzy ưa thích nhất; vì bình sinh Ozzy rất thích hát trên nền nhạc xây dựng theo scale kiểu nhạc Blues, khi thường có một hợp âm chính (thường là hợp âm thứ hoặc 7) chơi rất dài và xuyên suốt và các hợp âm khác hoặc riff được xây dựng “chạy quanh” hợp âm này.  Cách chơi như vậy “lợi cả đôi đường” cho Ozzy lẫn lead guitar của cụ, vì người hát thì thoải mái “hùng biện” với câu chữ của mình, còn người chơi guitar thì vừa có thể giữ riff vừa có thể châm thêm các câu tuti đối ấm cùng với ca sĩ - giống y như cách chơi nhạc Blues vậy (tha hồ nhiều lời sang sảng, tha hồ tiếng guitar réo rắt). Jake E Lee là một cây guitar rất giỏi, nhưng cách anh chơi thường chuyển hợp âm khá nhiều và cầu kỳ. Thế đâm ra, Ozzy toàn phải chạy theo Jake.


Trong “Tears”, cả đống bài như  “Mr. Tinkertrain”, “I don’t want to change the world”, “Desire”, “No more tears”, “Hell raiser” là những bài điển hình mà đoạn hát trên nền nguyên một hợp âm như vậy. Chưa kể, phần solo của Zakk cũng thường dựa trên pentatonic (hợp âm ngũ cung) y chang kiểu của Randy và Tony.


Và như đã đề cập ở đâu đó trên emoodzik, cách chơi như vầy, giống như Slash, sẽ khiến cho Zakk Wylde cực kỳ tự do trên sân khấu do tay trái được thoải mái hơn rất nhiều. Và như Slash, anh cực kỳ thoải mái chạy nhảy tung tăng khắp sân khấu. Đừng coi nhẹ điều này, vì Zakk Wylde kể từ đó trở thành nhân vật khiến các buổi biểu diễn của Ozzy cực ép phê. (Chưa kể người anh còn đẹp nữa, như một nông dân Mỹ chính hiệu - chơi cả Southern rock mà lị)

Mọi người mải nghe anh chơi guitar mà quên mất Zakk Wylde rất hót

Quay lại chuyện đĩa “Tears”-nếu-không-có-“tears”, mọi chuyện đâm ra lại bắt nguồn từ sự rắc rối của Ozzy quanh việc ai chơi Bass. Chả là từ hồi Ozzy tách ra hát solo, ông bạn Bob Daisley thường là người cộng sự tin cậy vừa sáng tác vừa chơi bass và có mặt không cách này thì cách kia trong tất cả các studio album của Ozzy. Nhưng Bob lại không thường đi lưu diễn với Ozzy, mà thường là một tay bass ít tên tuổi hơn, chắc là cho rẻ. Thế nên kể từ “No rest for the wicked” tour năm 1988, chơi bass cho Ozzy là Mike Inez (sau đánh cho Alice in chains), và anh này chơi hay đến nỗi Ozzy cho anh vào thu studio album tiếp theo luôn. Bob Daisley cóc cần, anh đi tour với Gary Moore.


Thế là lúc đầu, đĩa “No More tears”, à không lúc đó chưa có tên đó, tạm gọi là “No more Bob Daisley” đi, phần bass là do Mike Inez chơi, và album đã gần như hoàn chỉnh và chuẩn bị đem đi in, vì Ozzy cho là cụ đã hài lòng lắm rồi. Bài mà đáng nhẽ nếu không có “tears” sẽ là “Don’t blame me” (sau này bị đẩy xuống làm bonus track). Playlist nó sẽ trông như vầy:

Tracklist của "No more Bob Daisley"

“Tears” là một đĩa tuyệt hay bởi thứ quan trọng nhất là sự cân bằng của nó, điển hình là phần giữa đậm đặc các bài đỉnh như “change the world”, “mama”, “desire”, “no more tears”, “S.I.N”, “Hellraiser”, và kết bằng “road to nowhere”, mỗi bài một sắc thái và một kiểu, khiến cho người nghe cứ nghe hết track này đến track khác mà không bao giờ hết tò mò xem đĩa này còn gì nữa. Tôi cho là từ track 2 đến track 7 là một trong những series Heavy Metal hay và dài nhất, và 6-7 track này có thể đứng riêng thành 1 album kinh điển (tại sao phải ra album 11 bài nhỉ?) Chưa kể, lời lẽ trong album này còn "deep" nữa vì có sự tham gia của Lemmy Kilmister góp bút trong đến 4 bài là track 2, 3, 4, và 7.


Thế nên với “No more Bob Daisley”, lại rất khó để xếp bài cho cân bằng. Nếu nghe xong 2 track đầu “mr. Tinker train” với “change the world”, chậm lại một chút với track 3 để rồi nghe một lèo “Desire”, “Don’t blame me”, “S.I.N”, “Hellraiser”, rồi “Zombie Stop” với nhịp độ không khác gì “change the word”, thì quả thực sẽ rất nhàm. Tính ra album 11 bài mà có đến 8 bài sùng sục giống nhau, chỉ có 3 bài ballad để phá vỡ nhịp độ thì quả là sự mất cân bằng đáng sợ. Chưa kể, 3 bài ballad đã là quá nhiều cho 1 album heavy metal.


Một chi tiết nữa, tôi cho rằng kiểu chơi quá lạm dụng 2-handed hi-hat beat của tay trống Randy Castillo để cho nhịp nghe cuốn trong quá nửa số track đã gây ra cái sự nhàm này (R.I.P Randy, nhưng anh không phải kiểu tay trống có nhiều câu fill hay cũng như có thể riff bằng bộ trống theo kiểu như Vinny Paul)


Đấy, Mikey đang chơi cực ổn và đáng ra không cần thay, thì đùng một cái, cụ lại lôi Bob Daisley về lại. Nói đến đây, các bạn có thể đoán ra câu chuyện xoay vần thế nào chưa? Bây giờ là “Bobby one more time” rồi nhé.


Đời không như là mơ, bài đinh của đĩa, “No more tears” rốt cục lại do Mike Inez sáng tác phút thứ 91 lúc thu xong cả album rồi mới ngộ chứ. Chả là trong một buổi warm up, anh Mike cứ dạo đi dạo lại cái câu bass nọ, mà Ozzy quay ngoắt lại và hỏi “mày chơi cái đ* gì thế Mike?” Thế là cả band xây dựng bài đó chỉ trong vòng 30 phút, và nghe gần như hoàn thiện. Chưa hết, Ozzy thích bài đó quá nên lấy nó làm tựa cho album thay cho “No more Bob Daisley” luôn.

"Tears", bài mà lời lẽ "so deep" được viết không bởi Lemmy


Xong, chả hiểu loằng ngoằng thế nào, Ozzy cho Mike Inez nghỉ mịa luôn, và thay hết phần bass đã thu bởi Mike Inez bằng phần chơi của Bob Daisley. Trong credit, Mike Inez chỉ được ghi là “nguồn cảm hứng” cho album. Chắc lâu rồi Ozzy mới tỉnh táo, nên cách hành xử có phần lúng túng.


Dù sao thì, bài “No more tears” đã khiến cho album này thực sự lột xác, và chỉ một mình nó có thể làm cho cả đĩa “Tears” trở nên cực kỳ cân bằng. Track số 5 này quả nhiên là một mình nó một kiểu và không cùng chủ đề hay ý tưởng với tất cả các track còn lại, với nội dung nói về một kẻ giết người hàng loạt hay rình rập các cô gái đứng đường, và nội dung kinh dị đen tối cũng là thứ Ozzy luôn ưa thích mà chưa có hay “quên mất” trong đĩa này. Vậy nên sau khi nghe qua track 5, đôi tai chúng ta như trở lại tươi mới và đầu óc như bị xóa sạch bởi những ám ảnh của “change the world” và “mama” trước đó.


Điều này giúp "S.I.N" và "Hell raiser" khởi động nửa sau của album một cách cực kỳ hào hứng sau khi bộ óc người nghe như bị hút vào câu chuyện của “tears”. Tài tình đến thế là cùng, vì những bài chả hay lắm như “Time after time” hay “A.V.H” sau đấy, cũng không làm người nghe thấy nhàm tai.


S.I.N, bài hội đủ mọi phẩm chất anh hùng của Zakk


Như vậy đó, album “Tears” so về độ hay sẽ ở cùng đẳng cấp với “Blizzard”“Diary”, và là 3 album hay nhất của Ozzy (phần còn lại đều ngang ngang nhau). Nó xác lập vị trí của Ozzy như là con khủng long trong ngành Heavy Metal với tài năng nhìn người sáng giá (ý tôi là Mike Inez, haha). Nói gì thì nói, tôi tin là nếu không có bài ”No more tears” trong đĩa này, có lẽ sẽ không có Ozzy của thập niên 90s, sẽ không có Ozzfest, và sự nghiệp của Ozzy có lẽ chỉ được nhớ đến khi Randy Rhoads còn sống. R.I.P Randy (khác với Randy ở trên nhé).


Và biết đâu, Ozzy có khi vẫn đang là ca sỹ cho nhóm Black Label Society của Zakk cường tráng.


Hẹn gặp lại thứ 5.


Kcid

1,599 views

Recent Posts

See All
bottom of page