top of page

Tản mạn (ep. 2): nhạc Rock bị điên hay Ozzy tỉnh táo?

Ian Gillan, ca sĩ huyền thoại của Deep Purple đã từng chia sẻ một điều mà tôi cứ suy nghĩ mãi: sự cuốn hút từ nhạc Rock nặng có vẻ không phải đến từ âm nhạc, mà từ tính cách của người chơi nhạc. Gillan đã dẫn ra những nhân chứng rất cụ thể như bộ ba holy trinity của rock nặng: Jimmy Page, Ritche Blackmore, và Tony Iommi, hay ngay chính trong Deep Purple là Ritchie Blackmore và Steve Morse; mặc dù những cuộc tranh luận xem ai giỏi hơn ai sẽ không bao giờ kết thúc, mỗi người nghe sẽ vẫn cứ chọn ra ngay được cho mình một vị đại hiệp ưa thích nhất. Cũng bởi vì người nghe dường như bị hút đến con người và tính cách của người chơi nhạc, nên nếu có một ai đó làm được trò gì điên rồ hơn những người khác, dễ thường người đó lại ăn khách hơn.


Mỗi tội hình như các band chơi nhạc thời đó không nhân ra điều đó khi họ còn đang ngự trị ở đỉnh cao thời thập niên 70s. Và dĩ nhiên, lẽ thường những bậc virtuoso như Jimmy Page, Ian Paice, Ritchie Blackmore, John Bonham, hay Tony Iommi đều giỏi sẵn rồi nên họ có quyền chọn hình ảnh trước công chúng là đúng rồi.


Nhưng đến đây, bỗng tòi ra một cái sự thật chềnh ềnh. Rõ ràng có một gã có vẻ cũng không có tài năng nổi bật, lại ăn chơi thác loạn, nhưng khi không có gã trong ban nhạc, những đồng đội cũ của gã chợt trở nên thật bình thường.


Đó là Ozzy Osbourne.


1. Ozzy bị điên. Điều đấy thì rõ rồi.

Ozzy thử tự treo cổ năm 14 tuổi để xem cảm giác nó thế nào. Lấy sợi dây phơi đồ của mẹ vắt lên cái xà nhà, Ozzy dưa cổ vào sợi dây và nhảy nhưng tay kia… vẫn cầm đầu còn lại sợi dây. Nếu lỡ có chết thì thả tay ra. Dĩ nhiên treo cổ kiểu đó thì chết sao được mà còn bị ông bô cho ăn đập.


Ozzy còn châm lửa đốt bà chị gã một lần chỉ vì không khoái bả. Ozzy đổ xăng lên váy chị và đốt, và dĩ nhiên sau lại bị ông bô cho ăn đập. Chưa kể, Ozzy còn trói cả ông em tội nghiệp vì ghét nó.


Ở trường, Ozzy có lần dí cả thầy giáo bằng gậy sắt, nhưng may thay, ông giáo quay qua đấm lại Ozzy nên sau đó bị trường sa thải.


Lúc còn niên thiếu, Ozzy còn có bà hàng xóm già 63 tuổi, mà theo gã thì bả sống góa phụ và bị hoang tưởng. Bà thường rủ thanh niên Ozzy vào nhà, quan hệ, và coi gã như chồng bả vậy.


Năm 17 tuổi, Ozzy thử đi đăng lính, như là một cách để trốn đi làm trong nhà máy ở Aston. “Tao mới 17 tuổi và đã chả biết làm gì nữa. Tao muốn thử chu du thế giới và bắn càng nhiều người càng tốt. Nhưng bọn nó bảo tao cút mịa đi. Chúng nó muốn tuyển người, không phải ngợm. Tao thấy tao đâu đến nỗi đâu – tóc hơi dài tý, đeo cái vòi nước trên cổ làm trang sức, mông hơi lòi ra ngoài chút, và chưa tắm độ hơn tháng chứ mấy”.


Vẫn ngoan cố không chịu đi làm nhà máy, 18 tuổi Ozzy thử đi ăn trộm. Rất cố gắng, nhưng tên trộm Ozzy đeo một đôi găng tay cụt ngón và đột nhập vào cửa hang bán quần áo, và dĩ nhiên là bị bắt. Mặc dù tiền phạt chỉ có 25 Bảng, nhưng thậm chí Ozzy cũng chẳng thể trả nổi và phải ở trong tù 6 tuần. Không lâu sau đó Ozzy phải vào lại vì đấm cảnh sát. Từ sau hai lần đó, Ozzy quyết tâm làm gì đó để không phải vào tù nữa.


May quá có ban nhạc tên là Earth lúc ấy đang tuyển ca sĩ, và Ozzy cuối cùng cũng chui vào chỗ có kẻ duy nhất bắt nạt được gã. Không ai khác chính là Tony Iommi. Nay Ozzy đã có nghề nghiệp ổn định là ca sĩ của Black Sabbath.

Chẳng ai hát không vào nốt vào nhịp hay như Ozzy


Xin được tua nhanh qua giai đoạn ở Black Sabbath, bởi đâu đó trên EmoodziK chắc chúng tôi đã có nhắc mấy vụ này. Khi Ozzy rời Black Sabbath, một lần nữa, gã lại rơi vào khủng hoảng vì… chẳng biết phải làm gì – dĩ nhiên thà chết chứ không có chuyện đi làm ở các nhà máy ở Aston. Ozzy lúc đó chỉ muốn uống beer và trở nên béo ị. Cầm theo số tiền còn lại sau khi rời Black Sabbath, gã ở lỳ trong phòng khách sạn suốt 3 tháng, cả ngày chỉ ăn pizza, uống rượu và chơi thuốc. Người duy nhất Ozzy chịu gặp là Sharon Arden, con gái của ông bầu lừng danh Don Arden của Black Sabbath.


Sharon cũng là người nảy ra ý tưởng đưa Ozzy trở lại với ban nhạc solo thời hậu Sabbath, vừa kịp lúc trước khi Ozzy phát phì với đống Pizza, và đương nhiên trở thành người quản lý mới cho Ozzy (cũng là vợ tương lai của gã).


Sự nghiệp của Ozzy Osbourne đã được vực lại nhờ sự nghiệp solo rực rỡ của thập niên 80s như thế đấy, nhưng xin bạn hãy khoan tấm tắc về sự trưởng thành của Ozzy. Đơn giản gã vẫn điên và chóng chán y như thế, có chăng là giờ có thêm Sharon kèm cặp với tài chuyển bại thành thắng có lẽ ở mức bậc thầy trong sách giáo khoa về marketing.


Lúc này cách nhanh nhất để quay trở lại là phải chinh phục nước Mỹ. Và không gì hơn là kết hợp với những tay chơi nhạc người Mỹ. Cũng giống như cách của Black Sabbath dưới tay ông bố Don Arden lúc đó kết hợp với một ca sĩ người Mỹ mang cái tên Dio, Ozzy tìm được một tay guitar còn rất trẻ của nhóm glam metal Quiet Riot, Randy Rhoads. Phần còn lại đã có đội ngũ của Sharon Arden lo hết.


Khi album solo đầu tiên của Ozzy được phát hành dưới cái tên Blizzard of Ozz và số lượng bán được có vẻ ì ạch, Sharon đã quyết định đưa Ozzy tới buổi triển lãm của chính hãng đĩa Epic. Kế hoạch của chị là Ozzy sẽ phát biểu điều gì đó nâng bi cho hang đĩa, và rồi thả hai con chim bồ câu trong cái hộp ra như kiểu một biểu tượng của sự gắn kết.


Chỉ mỗi tội, Ozzy ngớ ngẩn sẽ luôn có những suy nghĩ khác. Phát ngán vì phải chờ mấy bài diễn văn quá lâu nên khi đến lượt mình, Ozzy lôi con chim bồ câu ra và cắn đứt đầu nó và nhổ toẹt ra ngay trước mặt các nhà báo.


Nếu bạn vẫn còn nhớ cách đây không lâu, Ian Gillan mới phát biểu rằng ông nào làm trò càng điên thì càng ăn khách, thì đây chính là minh chứng sống, ủa… chết, của phát biểu đó. Sharon Arden lập tức chuyển phỏm cuộc phỏng vấn kinh dị thành chiến thắng của Ozzy ngay sau đó bằng cách bồi đắp thêm vào những bài báo ăn theo và ghê tởm cái gã dở người này. Đương nhiên là Blizzard of Ozz bán cực chạy và vực dậy sự nghiệp của Ozzy, cũng như gây dựng một hình ảnh hút scandal kiểu mới.


Ozzy bắt đầu ném thịt sống xuống khán giả trong các buổi diễn. Tiếp đó là gan và lòng heo. Khán giả đâu có vừa. Họ đem theo ếch, nhái, rắn, cả... mèo. Ozzy đáp lại với sân khấu được thiết kế có thêm cái giàn chui lên ở giữa, để cấp thêm nước đổ xuống dưới, kiêm thêm việc cho nhân viên chui lên dọn sân khấu trơn trượt đầy máu, thịt và xác chết. Nhưng chả mấy chốc Ozzy trở thành nạn nhân của chính mình. Một khán giả ném lên sân khấu một con dơi – và vì Ozzy cho là nó bằng cao su, gã cắn đứt đầu nó. Ozzy lập tức được đem vào bệnh viện để chính ngừa, và nhận thêm mấy vụ kiện của các tổ chức quyền của động vật, dĩ nhiên là vụ con chim bồ câu kia hãy còn chưa nguội.


Sharon Arden hóa ra cũng vốn thích uống riệu như Ozzy. Nhưng chị cũng là người ngừng nghiện ngập trước, cũng bởi mỗi lần say là hai anh chị nhảy vào tẩn nhau ra trò. Nói ra thì ngại quá, nhưng thậm chí trong buổi diễn, Ozzy còn chạy vào cánh gà lúc mấy đoạn guitar solo để đấm nhau với Sharon, rồi chạy ra để kết thúc bài hát.


Một trong những nỗ lực đầu tiên của Sharon để ngăn Ozzy uống riệu là giấu hết quần áo của Ozzy đi, và chỉ cho mặc khi đi biểu diễn. Thế mới có lần mấy người ở San Antonio, Texas, hẳn là không thể quên cảnh kinh dị với lão béo trong cái đầm xanh chật ních đang uống rượu say sưa ở góc phố. Lão xỉn đến nỗi sau đó tè luôn vào bức tường tưởng niệm trận đánh Alamo năm 1836.


“Tè vào bức tưởng Alamo tức là tè vào bang Texas”. Ozzy bị phạt vì tè nơi công cộng và bị cấm quay lại San Antonio trong 10 năm.


Không hề bị ảm ảnh bởi những rắc rối của Ozzy, Sharon sau đó thậm chí còn cưới luôn gã làm chồng. Sharon chính là người đã dựng dậy một Ozzy suy sụp hoàn toàn sau cái chết của Randy Rhoads và tiếp tục sự nghiệp. Bởi với Ozzy, Randy Rhoads là không thể thay thế.


Sharon cũng chính là người sau này đã gọi cảnh sát đến để bắt chồng mình vào trại cai nghiện, sau một lần Ozzy xỉn đến mức đuổi Sharon ra khỏi nhà và tìm cách trói chị. Và đó cũng là lần Ozzy trở nên tỉnh táo thật, trước khi cho ra album No More Tears – album có bìa đĩa mang tấm hình tỉnh táo của Ozzy.


2. Bởi vì đồng xu cũng có mặt sau, đúng không?

Chắc hẳn không có gì lạ khi mọi người thích mua báo để theo dõi scandal, và sử sách thì ưa ghi lại những câu chuyện về những tay bất hảo và cả điên khùng. Đến cuối ngày, là một nghệ sĩ, Ozzy cần bán được đĩa, và sự điên rồ của gã gần như đã đảm bảo một sự nghiệp lẫy lừng.


Nhưng hóa ra Ozzy cũng suy nghĩ như một người tỉnh.


Từ thời Black Sabbath, cả hội của Ozzy đều đã bị coi như những kẻ phản Chúa bởi vì nhạc của họ có động chạm đến những đề tài như Satan. Ozzy thậm chí đã bị kiện bởi 25 người với lý do con của họ tự tử sau khi nghe nhạc của Sabbath. "Nhưng nếu thực sự Black Sabbath quyết tâm trở thành một ban nhạc chuyên kích động tự tử, liệu mọi người có mua đĩa tiếp theo của họ không?" - Ozzy nghĩ đơn giản và có lý như vậy.


Đến thời Blizzard of Ozz, Ozzy lại gặp rắc rối với ca khúc “Suicide Solution”, nhất là sau khi có gia đình cháu bé John McCollum vốn bị trầm cảm và tự tử sau khi nghe bài này. Nhưng “Suicide Solution” là ca khúc hát về Bon Scott, người chết vỉ say xỉn trước đó không lâu. “solution” không có nghĩa là giải pháp, mà chỉ đơn giản là “chất lỏng”. Hãy nghe Ozzy hát “wine is fine but whisky’s quicker, suicide is slow with liquor”, và nếu đọc lyric thì sẽ hiểu là bài này cảnh báo người ta uống rượu nhiều sẽ chết chứ ko phải khuyên ai đó tự tử.

Suicide solution: solution là "chất lỏng" nhé.


Ngay cả về những màn trình diễn máu me của mình, Ozzy cũng có những suy nghĩ rất khác. “Tao không nghĩ là tao làm gì sai. Mày thấy một thằng ăn hại như tạo chạy loăng quăng trên sân khấu kích động mọi người để có vài giờ vui vẻ thì có gì sai? Tao bị điên ư? Tao có điên hơn một thằng nhóc cầm súng chạy loăng quăng ngoài đường, thứ mà đầy rẫy ở nước Mỹ không? Hay là vào xem tao làm trò trong hai tiếng và chúng mày thấy vui vẻ?”


Mọi người dường như cũng quá để ý đến những scandal của Ozzy mà quên mất album Diary of a Madman (1982) đã mở ra một thời kỳ rực rỡ của sản xuất âm nhạc. Không khó để nhận ra Diary được sản xuất hay hơn hẳn Blizzard ra trước đó không lâu, cũng bởi kỹ thuật ghi âm lúc đó cho phép thực hiện những kỹ xảo và âm thanh hay hơn hẳn. Nhất là tiếng đàn của Randy Rhoads được thể hiện rõ ràng mạch lạc hơn hẳn, đơn giản như đoạn solo trong “Believer” mang cùng một màu sắc như “Mr. Crowley” (dù kém xa về sự nổi tiếng), nhưng nghe âm thanh gọn và sáng hơn rất nhiều.

Hãy nghe từ 3:04 tới 3:32 và so với "Mr. Crowley" từ 2:08 đến 2:42 nhé


“Diary of a mad man” thì là một track còn trên cả tuyệt vời, với Ozzy bai bải trên những nốt cao lạ lẫm và không vào nhịp trên nền nhạc nhịp lẻ của Rhoads. Nó như một sự trải nghiệm thú vị với những ngày cả band luyện tập cho tour diễn: Tommy Aldridge, Don Airey, Randy Rhoads, và Rudy Sarzao, còn ca sĩ chính của họ thì lại ở trong bệnh viện tâm thần. Ozzy đã từng ngồi trong những căn phòng chỉ có vài bộ quần áo với một cái xô để tè. Ozzy cười và khóc. Sau đó bác sĩ trả Ozzy về vì chả làm gì được. Xong đi thu đĩa.


Cũng phải nói thêm là vào tầm giữa thập niên 80s, Ozzy quyết tâm bỏ rượu và thuốc, dĩ nhiên là theo một cách rất trẻ con như mọi khi. Ozzy quyết thức đêm nhiều hơn và ngủ ngày, để tránh gây chuyện. Và dĩ nhiên là cố gắng suy nghĩ về những điều tích cực. “Coi nào, tao viết ra những thứ ý nghĩa như "Killer of Giants, Revelation, hay War Pigs nọ kia. Sao mọi người cứ nghĩ tao tiêu cực? Tao rất bộc trực, và tao viết về những thú tao tin, vậy thôi”.


Và rồi đến khi Ozzy tỉnh táo thật, liệu những ca khúc phản chiến như “Thanks god for the bomb” hay “Mama I’m coming home” sẽ được nhớ đến nhiều hơn câu chuyện về con dơi bị cắn đứt đầu?


Tôi nghĩ hồi còn bé, hầu như ai cũng sợ chết. Lớn lên rồi thì số sợ chết giảm đi chút, hoặc là do bận suy nghĩ những việc khác, hoặc là do bị nhồi sọ những thứ khác. Ozzy thì luôn bị ám ảnh là sẽ bị một căn bệnh không thể chưa được, và không bao giờ tin mình có thể sống được tới 70 tuổi (nhầm to!). Nhưng nếu đúng thế thật, thì có gì là quá đáng khi để đầu óc của mình không bị động chạm bởi những thứ khác?


“Tao lúc nào cũng có thể bị điên trong 3 tháng. Xong tự dung hết và trở nên rất khổ sở. Tao sợ bệnh vãi. Nên tạo quyết định sẽ giữ tao cho riêng mình. Nghe ổn ko? Giữ tao cho riêng mình”.


3. Vậy mọi người không hiểu Ozzy, hay mọi người không thể điên như Ozzy?

“Chị tao bị điên và cắt tất cả đầu mọi người trong bức ảnh gia đình, và thử tự tử vài lần. Có lần bả dọn nhà xong và tao cảm thấy cực khó thở và bực bội. Tạo đấm bả hai mắt đen ngòm và dập lên tường khắp các phòng. Xong chạy ngay ra mách bố ngay khi ông vừa xuống xe: con đập chị te tua. Good job, ông bố đáp. Tao biết mày sẽ đập chị mày. Ngạc nhiên, nhưng tao hiểu là ông rất hiểu chuyện. Thế đấy. Cả nhà tao đều bị điên. Chả có lý do gì cả.”


Cầu được ước thấy, Ozzy sau này tỉnh táo luôn từ đầu thập niên 90s. Nhưng sau album để đời No More Tears (1991), dường như Ozzy cũng không ra được album nào đáng kể nữa trong suốt hơn 30 năm vừa rồi, cho đến khi phát hiện ra bị Parkinson và một lần nữa sợ vãi, cho ra đĩa Ordinary Man (2020).


Nhưng lúc Ozzy tỉnh táo, chị Sharon lại nghĩ ra cách tổ chức Ozzfest nọ kia, và phát hiện ra vô vàn các ban nhạc Rock mới tiềm năng.


Thế nên tôi cũng chả biết điên hay tỉnh thế nào là hơn nữa. Xong tôi bèn biên ra cái bài này.


Còn bạn, bạn chọn điên hay không điên? Và nhạc Rock nặng thực ra cuốn hút bởi điều gì?


Hẹn gặp lại.


Kcid

3,896 views

Recent Posts

See All
bottom of page