top of page

Viên đạn định mệnh Shady/Aftermath: 50 Cent & The Game (pt. 1)


Yo! This is an invasion I repeat: you motherfuckers are being invaded Shady Records Aftermath 2003 We invadin' the streets to charge your motherfucking movie theatres Ain't shit you can do without 'em Eminem, Obie Trice, D12 50 Cent, G-G-G-G-G-G-Unit (It's not my plan, it's God's plan) 50 Cent đã mở màn như vậy trong mixtape Shady Times: Invasion Part 1 ở track đầu tiên “Shady Invasion Intro”. Tôi vẫn nhớ các thành viên trên forum Hip Hop nước ngoài với cái tên D12World thời đó vẫn luôn háo hức đón chờ các sản phẩm âm nhạc đến từ binh đoàn anh em trong Shady Records / Aftermath. Mỗi đầu mục trao đổi liên quan tới một ấn phẩm nhạc mới, từ đĩa đơn, album chính thức, bản mixtape như bộ ba Invasion của DJ Green Lantern, bản leak của một bài không phát hành chính thống từ Shady / Aftermath là có thể lôi kéo cả hàng trăm hàng nghìn người vào bàn luận sôi nổi. Thời kỳ 2000-2005 có lẽ là thời kỳ hoàng kim của Aftermath Entertainment (do Dr. Dre sáng lập) và Shady Records (do Eminem cùng Paul Rosenberg - tay quản lý của Em lập ra). Những nghệ sĩ nào được nhắm vào một trong hai lò này kiểu gì cũng phải nên cơm nên cháo.

Đó là lẽ dĩ nhiên khi bệ phóng là huyền thoại Dr. Dre, từ nhóm N.W.A. ra với những bản beat hot nhất luôn được săn đón trên thị trường Hip Hop. Dre còn vừa tung ra album “2001” bán được 6 triệu bản tại Mỹ sau 2 năm.

Bệ phóng thứ hai là Eminem, đệ tử ruột của Dre, và cũng là rapper hot nhất hành tinh lúc bấy giờ. Sau Slim Shady LP bán được 4 triệu bản tại Mỹ sau 2 năm, đến Marshall Mathers LP bán được 1,78 triệu bản chỉ sau đúng 1 tuần (đến giờ đã vượt con số 11 triệu), và tiếp tục The Eminem Show bán ngay 1,3 triệu trong 7 ngày đầu tiên (đến giờ là 10 triệu) chỉ riêng tại nước nhà. Đến bộ phim 8 Mile cùng soundtrack nhạc phim của nó cũng đem đến cho Em vô số giải thưởng. Với sự hậu thuẫn của hai nhân vật rapper đình đám nhất ngành âm nhạc Hip Hop bấy giờ, không ai có thể nghi ngờ sự thành công đến với những nghệ sĩ được ký với Aftermath Entertainment hay Shady Records: từ D12, Obie Trice đến 50 Cent, The Game, v.v. Tuy nhiên, khi ngẫm lại những gương mặt tiêu biểu này, tôi chợt nhận ra sự nghiệp của họ đều gắn chung liền với một yếu tố: những viên đạn định mệnh. Có điều đối với mỗi người, nó lại có tác động khác nhau đến sự nghiệp của riêng họ nói riêng và cả đế chế Shady/Aftermath nói chung.

1. 50 Cent - 9 viên đạn mang tới danh vọng

Tháng 5 năm 2000, lúc đó 50 Cent (tên thật là Curtis Jackson) đang ngồi trên xe trước nhà bà, thì bỗng một con xe khác tiến tới bên cạnh. Một kẻ dùng khẩu 9mm chĩa ngay vào 50 bắn 9 phát vào bàn tay, cánh tay, hông, hai chân, ngực và một bên má. Lý do cho vụ nổ súng là một bài rap trước đó của anh - “Ghetto Qu’ran” tọc mạch quá nhiều về McGriff, một tay trùm buôn ma tuý khét tiếng, dẫn đến vụ ám sát trả thù với 50 Cent nhưng bất thành. Dưới sự chỉ đạo của McGriff, đám nhân viên của hãng ghi âm Murder Inc. Records (được nhận định là lập ra dưới sự lãnh đạo của Irving “Irv Gotti” Lorenzo chỉ để rửa tiền cho McGriff) lên kế hoạch giết hại 50. Kẻ ra tay (là bạn thân và vệ sĩ của Mike Tyson) bị bắn chết sau đó mấy tuần trong cuộc nổ súng giữa các băng nhóm. Sau vụ ám sát hụt, hãng đĩa Columbia vội hủy hợp đồng với 50 Cent. Bài rap mang tính động chạm quá nhạy cảm, cũng như “sức hút với đạn dược” quá lớn của 50 lúc bấy giờ khiến anh bị các hãng ghi âm cạch mặt. Họ sợ bị liên lụy. Không để vụ việc đó cản trở sự nghiệp, 50 chuyển sang Canada lánh nạn và tiếp tục ghi âm độc lập. Một ngày cuộn băng ghi âm của 50 đến tai Eminem nhờ luật sư của 50 quen với Paul Rosenberg – quản lý của Em. Thích thú trước tài năng và “tiểu sử khét mùi khói súng” của 50, Em ký hợp đồng ghi âm với anh chàng khi đang làm phim 8 Mile.

Riêng viên đạn xuyên qua má trong cuộc nổ súng đã làm lưỡi của anh sưng vĩnh viễn, dẫn đến giọng rap của 50 “ngọng” một cách đặc biệt. Nhưng nhờ tiểu sử gangsta cộng với giọng rap đặc trưng đó đã gây sức hút đặc biệt tới công chúng. Ở soundtrack nhạc phim 8 Mile mà Eminem đóng chính, 50 ra mắt mọi người qua 3 bài. Và anh đã tận dụng nó hết mức để thể hiện khả năng viết lời đa dạng của mình. Ở bài “Places To Go”, verse đầu tiên 50 rap về tài năng của mình qua dẫn chứng rằng ai ở lò Shady và Aftermath đều phải đặt mục tiêu tạo ra những track nhạc kinh điển. Còn nếu không thì vứt ngay thùng rác bằng cách gieo vần rất thú vị và giọng flow rất chill. I'm the best, don't you get it? Forget it, when I spit it, it's crazy / You love it, admit it, you like that I live it, it's Shady / Aftermath in yo' ass, bitch / If it's not a classic, when it's done we trash it / Flow I got it mastered, stunt and get yo' ass kicked, bastard (Yeah) / When measures get drastic, Glocks made out of plastic / Cock it, aim it, blast it, run n****, now stash it (Come on!)”

Thì verse thứ hai, 50 rap giọng cao hơn hẳn, và dùng lối lặp phụ âm “p” và từ “picture”, đồng thời vẫn giữ được hai âm vần chính (mà tôi phiên âm theo tiếng Việt là “át” và “éc”) trong cả đoạn, khiến Eminem phải thốt lên đó là đoạn verse khiến Em còn định bỏ nghề (Câu nhận xét này thuộc kiểu “con hát mẹ khen hay” vì verse đầu rõ ràng vẫn hay ho hơn). Còn trong hai bài còn lại, 50 đều thể hiện cách viết lời có sự mỉa mai thú vị trong đó anh đá đểu bóc mẽ những ông gangsta rởm trong bài “Wanksta” rồi kích bác R. Kelly và chua ngoa đá đểu mấy chị em làng Hip Hop như Lil Kim, Lauryn Hill và Ashanti trong bài “Love Me”. Do hợp đồng ghi âm của 50 được ký với liên doanh giữa Shady và Aftermath, anh cũng có được sự quan tâm đặc biệt từ phía Dr. Dre. Nhìn thấy tiềm năng đột phá cực lớn ở 50 Cent, cả Em và Dre đều tập trung giúp 50 hoàn tất album đầu tay với hãng đĩa để phát hành ngay đầu năm 2003, hợp đồng với 50 mới ký chưa đầy một năm trước đó. Thử hỏi khi video clip đầu tiên “In Da Club” phát sóng trên tivi, dòng chữ “Shady/Aftermath Artist Development Center” hiện trên khung cảnh như phim hành động Mỹ, rồi trong phòng thí nghiệm giữa đồng không mông quạnh, mặt hai ông lớn Dr. Dre và Eminem trong bộ cánh giáo sư nhìn xuống “chiến binh” 50 Cent đang được hoàn thiện thì sao không hot cho được? Phần nhạc chậm rãi nhưng cực ngầu đúng chất của “Giáo sư” Dre nữa lại càng hợp cảnh 50 thực hiện các bài tập gym đu người trong phòng lab.


Phải nói là giọng rap có âm điệu của 50 đúng là một điểm mạnh. Trước khi rap anh sẽ thường lắng nghe phần beat để xem giai điệu và nhịp điệu “nói gì” để ạnh sẽ rap theo. Anh có thể rap chậm mà rất hay nhờ tông giọng lên xuống theo nhạc của Dre như trong “In Da Club”, có thể vào theo nhạc trong câu rap mở đầu của “Don’t Push Me”, có thể rap như hát trong beat của Em trong “Patiently Waiting”, chen thêm những câu giọng cao đanh đá sau đó. Tôi nghĩ là cách rap này của 50 là cảm hứng cho Em có đoạn bridge hát liền sau đó trong “Patiently Waiting” cực hay trước khi vào đoạn rap (đây là thời kỳ đỉnh cao về mọi mặt của Eminem nên chiêu gì anh tung ra cũng đều chất lừ, còn giờ thì ... haizzz).

Quay lại với 50, nhờ tiểu sử khét tiếng đó, nội dung nào anh rap đều được đón nhận nồng nhiệt từ người nghe vì hẳn là một kẻ từng buôn thuốc, giao du băng đảng, “bất tử” tới độ bị bắn tới 9 phát không chết thì lời ca nào anh nói đều là vàng là ngọc cả. Trong bài “Many Men (Wish Death)” 50 có nhắc tới vụ chết hụt đó đầy tự hào: In the Bible, it says what goes around, comes around "Hommo" shot me, three weeks later he got shot down Now it's clear that I'm here for a real reason ‘Cause he got hit like I got hit, but he ain't fuckin' breathin'

Rồi khi 50 rap về nghề dắt gái ma cô trong “P.I.M.P.” đi chăng nữa, ai ai cũng phải há hốc hết cả mồm, từ bài rap cho đến video clip các cô gái “tung tẩy” lượn qua lượn lại. Nhờ thế mà album Get Rich Or Die Tryin’ (2003) dễ dàng lọt vị trí số 1 khi bán tới 872 nghìn đĩa tuần đầu, kiếm thêm 822 nghìn bản ở tuần thứ hai và giờ là 9 triệu bản, chỉ riêng ở Mỹ. Đĩa thứ hai The Massacre (2005) của 50 bán veo 1,15 triệu bản chỉ trong tuần đầu cho thấy sức nóng của anh tới dường nào. Con số cực ấn tượng của 50 chứng tỏ mỏ vàng Shady/Aftermath may mắn vớ được, khiến công ty mẹ Interscope và ông trùm Jimmy Iovine, cũng không cần đợi tới album thứ hai đã ngay lập tức để mắt tới 50. Ngày đó, nhìn hai ông lớn Dre và Em giờ có thêm 50 Cent cưỡi trên các con xe sang trọng đến các buổi tiệc, giải thưởng mới thấy sức mạnh quyền lực của bộ ba trong giới âm nhạc bấy giờ khiếp sợ thế nào. 2. The Game - 5 viên đạn làm lại cuộc đời Tháng 10 năm 2001, Game (tên thật là Jayceon Taylor) đang ở trong căn hộ của mình. Có tiếng gõ cửa của một nhóm khách không mời. Game bị bắn 5 phát, quanh vùng ngực, nhưng vẫn đủ sức gọi xe cấp cứu. Tại bênh viện, anh rơi vào hôn mê bất tỉnh kéo dài ba ngày.


Ngày đó anh vẫn đang mải mê buôn hàng cấm nên luôn thận trọng hết sức. Lúc nào đi đâu Game cũng dắt bên mình 3 khẩu súng. Ở một nơi như Compton, lại còn kiếm tiền bằng nghề “nóng” thì không đề phòng không được. Do đó khi được Chúa cho cơ hội sống lần hai, anh quyết định từ bỏ nghề và tập tành làm rapper. Ngồi cày cả đống các album Hip Hop kinh điển nhất trong suốt 5 tháng trời khi hồi phục sau vụ nổ súng đó, Game bắt đầu nắm các kỹ thuật trong bộ môn này. Cuộn băng mixtape của Game đến tai P. Diddy, và sau đó cả Dr. Dre, nhưng Dre đã nhanh tay ký với cậu rapper mới vào nghề này qua hãng đĩa Aftermath của ông vào năm 2003. Lúc này đây, 50 Cent đã nổi lắm rồi. Cùng với Lloyd BanksTony Yayo, 50 lập group G-Unit chuyên rap về nội dung gangsta và gái gú.

Không biết nghĩ thế nào mà cả Dr. Dre và Jimmy Iovine quyết định đưa Game vào làm thành viên thứ tư của G-Unit, một mặt để mượn hơi 50 Cent và nhóm này lăng xê cho Game (thời đó đa phần các rapper đều phải có hội group riêng nào đó), và một mặt để có thêm một thành viên có tiểu sử “bị ám sát hụt” như Game để tăng sức hấp dẫn cho chính G-Unit. Ngày đó, tôi nhớ là sức hút của The Game lớn lắm, kể cả khi anh chưa ra album đầu tay. Game ra mắt công chúng lần đầu trong video clip “In Da Club” của 50, rồi đóng quảng cáo chung với Kanye WestLudacris. Trước khi phát hành đĩa The Documentary (2005), anh vẫn ra mixtape riêng rồi xuất hiện với tư cách khách mời với DJ Green Lantern hay G-Unit. Phải nói là ai được Dr. Dre chăm sóc thì kiểu gì cũng lên hương. Album chính thức đầu tay này có beat của toàn tên tuổi đỉnh: dĩ nhiên là “giáo sư” Dre, Kanye West, Just Blaze, Timbaland, Storch, v.v. Khách mời rap cùng thì có: dĩ nhiên là 50 Cent, rồi thêm Eminem, Mary J. Blige, Busta Rhymes, Nate Dogg, Tony Yayo. Hay cái là dù vào nghề khá muộn, Game có vẻ “bắt nhịp” với cuộc chơi cực tốt. Lối flow rap của anh nghe hợp đậm chất West Coast Hip Hop như Dre từng phát triển dòng Gangsta Rap qua lối nhạc G-Funk của ông. Cái giọng khệnh khạng của tay gangsta một thời lướt mượt cả beat nhanh lẫn chậm rãi. Điểm yếu lớn nhất của Game chỉ là anh lạm dụng (có thể do vốn từ hạn chế) quá nhiều tên riêng trong lời rap. Tính trung bình trong đĩa Documentary, cứ hai câu phải có một tên riêng được nhắc đến, nhiều nhất là Dr. Dre, rồi chính tên anh, 2Pac, Notorious B.I.G., 50 Cent, v.v. Bù lại, tôi thấy khả năng biến hóa của Game trên các beat rất khôn lường. Ít rapper nào như Game có thể vừa nói về bạo lực và cuộc đời gangsta qua những đoạn flow nhanh gọn tiếng đậm chất West Coast, mà lại vẫn đưa được cảm xúc của chính anh trong những bản track chậm buồn.


Trong “Westside Story” rap với 50 Cent, Game tinh tế chêm vào giọng hơi cao lên đúng kiểu của 50, hay trong “We Ain’t” với Eminem, Game cố tình dùng đúng flow chùm ba mà Em dùng trong bài “The Way I Am” khi rap verse thứ 3, theo cách thể hiện sự kính trọng tới Em. Trước đó Game không quên nói vuốt đuôi khen Em một câu: “Lo, get Dre on the phone quick / Tell him Em' just killed me on my own shit”.


Còn ở bản “rap ballad” “Start From Scratch”, người nghe nghe được cả những tiếng thở dài và tiếng nấc của một kẻ say kể lại những kỷ niệm buồn trong cuộc đời của Game. Dĩ nhiên không thể thiếu bản track được sản xuất tuyệt hay dưới bàn tay của Kanye West, bài “Dreams” kể về lần Game tỉnh dậy sau cơn hôn mê: “I woke up out that coma 2001 / 'Bout the same time Dre dropped 2001”. Bài “Dreams” là bài đầu tiên Game ghi âm mà được chọn đưa vào album. Đó cũng là bản tạo cảm hứng cho Dre và mọi người rằng Game đã sẵn sàng, không phải mixtape mà là một album đầu tay đúng nghĩa. Do đó album đầu tiên của Game tôi thấy nghe sướng tai hơn Get Rich Or Die Tryin’ của 50 vì nhạc của Game có sự cân bằng giữa bạo lực và sâu lắng, thứ mà 50 còn thiếu. Về mặt thương mại, khi Documentary phát hành, hơn 500 nghìn bản được mua trong tuần đầu, đưa album lên ngay vị trí top đầu. Cho đến giờ album này bán được tổng cộng 2,5 triệu đĩa tại Mỹ. Không bằng doanh số của 50 nhưng con số này đủ sức gây ấn tượng với một rapper trẻ được mệnh danh đưa West Coast trở lại bản đồ Hip Hop, và thừa đủ thành công để 50 tỏ ra khó chịu với Game. Hai gã cứng đầu này đúng ra không bao giờ nên xếp đứng cạnh nhau. Chỉ vì ý đồ của các ông lớn hãng đĩa nên cả hai mới chấp nhận sử dụng thế mạnh của kẻ kia. Nhưng chưa bao giờ một trong hai kẻ cần đứa còn lại. 50 Cent thì rõ là không cần Game khi đang là rapper hot nhất bấy giờ. Game thì có hưởng lợi từ 50 qua các bản hook mà 50 viết cho đĩa Documentary. Tên tuổi và sự đóng góp của 50 hoàn toàn hỗ trợ tích cực cho kết quả doanh số được kích thêm cầu. Nhưng với người có cái tôi cao và cứng đầu như Game, không có 50 cũng chẳng sao. Trong khi 50 tự thấy mình có công lớn mang tới thành công cho Game, khi có nhiều bài 50 có thể dùng cho album thứ hai Massacre của mình. Chính hai lối suy nghĩ trái chiều đó đã dẫn tới sự mâu thuẫn cực độ và đối đầu nảy lửa giữa hai rapper này trước cả khi Documentary phát hành. Việc album Massacre của 50 bị Interscope ép lùi ngày bán để tránh cạnh tranh trực tiếp với Game cũng là điều gây khó chịu cho 50. Một cuộc đả kích với các bài diss lần lượt ra đời của hai kẻ thuộc cùng một “mẹ” trước cả khi Game xuất hiện trong G-Unit. Lời đồn là 50 Cent đã gây sức ép tới Dre để Game phải chấm dứt hợp đồng với Aftermath khi Game mới chỉ thực hiện có một album. Vụ việc giữa 50 và Game cũng vào thời điểm đánh dấu sự suy tàn của đế chế Shady/Aftermath ngày đó. Ai đúng ai sai cũng khó ngã ngũ, nhưng có một điều chắc chắn là The Game không phải nghệ sĩ tầm thường như 50 tưởng. Bằng chứng là album thứ hai của Game, với cái tên Doctor’s Advocate phát hành dưới hãng đĩa mới mà không có sự trợ giúp của Dre hay 50 Cent nhưng vẫn được khen ngợi và giành những thành công nhất định. Cá nhân tôi vẫn thích Doctor’s Advocate hơn nhiều so với album thứ hai The Massacre của 50 Cent, một lần nữa cũng vì những cảm xúc chân thành trong lời rap của Game. Quan trọng hơn cả là mặc dầu cả 50 Cent và The Game là hai nghệ sĩ mang lại thành công thương mại lớn cho Aftermath / Shady, nhưng tôi vẫn có tình cảm đặc biệt và ấn tượng nhiều hơn với hai nhân vật còn lại, những người đóng vai trò quan trọng không kém như anh em chí cốt với Eminem thời bấy giờ: đó là Obie Trice và nhóm hip hop D12. Hẹn gặp lại phần 2! Kunt

1,894 views
bottom of page