top of page

Childish Gambino: thiên tài hay ngớ ngẩn?

Updated: Jan 3, 2021

Lại nhớ khi video clip của bài “This Is America” của Childish Gambino (CG) (aka Donald Glover) được tung ra, cả thị trường rộn ràng xôn xao. Chả là, ngay đoạn đầu video có ngay hình ảnh một bác người da màu cầm cây đàn guitar thùng lên gẩy, trong khi nhân vật CG cởi trần uốn éo người bước ra rồi rút khẩu súng giắt sau quần bắn thẳng giữa đầu bác, máu phụt tung toé. Những hình ảnh sốc hàng loạt trong clip đó khiến mọi người thi nhau phân tích. Và không lâu sau đó bản “This Is America” đã được ca tụng là một "masterpiece" - tuyệt phẩm của CG.

Cái tên Childish Gambino lúc đó được nhắc tới trên đủ các phương tiện báo chí, mạng xã hội vì một bản video clip đầy gai góc ấn tượng khi phản ánh nạn bạo lực súng ống và phân biệt chủng tộc ở nước Mỹ.


Nhưng ngược lại hẳn vụ tung hô này, gần 7 năm trước đó, khi CG mới ra album đầu tay Camp (2011), tạp chí âm nhạc tự coi là uy tín nhất như Pitchfork chấm cho album có 1,6 điểm - một điểm số không chỉ thể hiện mức độ thảm hại của chất lượng âm nhạc mà còn cả sự bất tài của người nghệ sĩ. Lý do cho số điểm liệt đó là “phần flow bị gượng gạo và tầm phào”, “phần production pop pha rap quá đà”, “lợi dụng mấy chủ đề có tính nặng nề như chủng tộc, đầu đường xó chợ để tạo dựng một tính cách giả tạo”. Thế nên sau đó, dù là mấy ông khác ở Pitchfork có cố review các album sau của CG để "nâng điểm" lên chút nhưng do đã đâm lao phải theo lao, lời khen và điểm số nếu có vẫn phải tiết chế kể cả với những album rất hay như “Awaken, My Love!” (2016)3.15.20 (2020) (Riêng ông chấm điểm thối cho album Camp hồi đó thế quái nào lại còn sống cùng khu phố với CG nên chắc cũng sợ bị trả thù mới không dám ra mặt).


Thực ra trong đĩa Camp, ở lời rap bài đầu tiên “Outside”, CG đã tự thừa nhận việc anh may mắn được sinh ra và nuôi nấng đầy đủ hơn nhiều người da màu khác. Khi đa phần thanh niên da màu kiểu gì cũng nhón chân ít nhiều vào chuyện đường phố thì CG được đi học ở trường của người da trắng. Một cậu bé da màu đeo kính mọt sách, trong trường CG bị bạn bè tò mò kỳ thị trong trường vì cái mũi to hay mái tóc xoăn, còn ngoài đường anh bị những người gốc Phi chế nhạo sự ẻo lả yếu đuối của một thằng thư sinh. Giống như “bánh Oreo”, CG thấy mình chỉ như vỏ bọc màu đen socola ngoài cho lớp nhân kem màu trắng bên trong, chẳng hoà nhập được với cộng đồng nào cả.


Đó cũng là vấn đề khi CG bắt đầu lấn sân sang mảng âm nhạc và đặc biệt là Hip Hop. Với nhiều người, anh không đủ “street cred” / “uy tín của đứa đầu đường xó chợ” để làm rapper đúng nghĩa. Nhưng niềm tin của anh đã được khẳng khái thể hiện theo cách rất riêng trong bài “Fire Fly”: “These black kids want somethin' new, I swear it / Somethin' they wanna say but couldn't cause they embarrassed” rằng có những đứa trẻ da màu khác cùng hoàn cảnh như anh sẽ đón nhận nhạc rap của anh. Và CG còn "tiên tri" được trước Pitchfork sẽ vùi dập nhạc của anh vì hội này thích tỏ vẻ uy tín bằng việc chỉ khen nhạc Rap của mấy tay có ý tưởng điên rồ hoặc phong cách ngầu “But Pitchfork only likes rappers who crazy or hood, man” trong lời bài “All The Shine”.


Thực ra tôi thấy lời của CG trong mấy bài Rap không hẳn là chất lượng cao như các rapper có số má. Nhưng bù lại, với một rapper mới vào nghề, anh làm nhạc và có thể tạo ra những phần flow hay mà nhìn tổng thể âm nhạc của đĩa Camp vẫn đủ cuốn hút và giải trí. Đĩa Because The Internet (2013) sau đó cũng vậy. Không đến mức "đẳng cấp" nhưng lại ẩn chứa nhiều thứ hay ho!


Vì nói cho cùng, thời điểm mà CG lấn sang mảng âm nhạc, anh chàng với tên cúng cơm là Donald Glover này đã có kinh nghiệm dày dặn và uy tín tài năng ở đủ các bộ môn nghệ thuật khác như: diễn viên (nổi nhất trong bộ sitcom “Community” và một số phim như “The Martian”, “Magic Mike XXL”), đạo diễn (ví dụ như series “Atlanta” do anh sáng tạo nên và phụ trách đạo diễn một số tập), viết kịch bản và sản xuất phim, và cả mấy màn hài độc thoại bựa ra trò.


Vì thế sai lầm lớn nhất của Pitchfork khi đánh giá nhạc của CG là cố đánh sâu vào cốt lõi nhưng thực tế, với nghệ sĩ có khiếu hài hước và cái nhìn mỉa mai với xã hội như Donald Glover (aka Childish Gambino) thì không nên nghiêm trọng hoá lúc đánh giá nhạc của anh. Đó là vì kiểu gì thì kiểu, nhạc của anh sẽ luôn song hành hai mặt quan trọng của giải trí: ngớ ngẩn và thiên tài.


Cái sự “thiên tài” thì có lẽ còn tuỳ cảm nhận của từng người, nhưng sự “ngớ ngẩn” theo cách hài hước, mỉa mai tôi nghĩ là rất rõ ràng ai cũng nhận ra và xuyên suốt trong các tác phẩm âm nhạc của anh (thú thực thì, từ “ngớ ngẩn” và “thiên tài” là tôi học được từ một video phân tích bài “This Is America” trên Youtube). Thật vậy, cái “thiên tài” thực sự trong clip nhạc đó dĩ nhiên vẫn là âm thanh đối lập giữa những khúc nhạc nhẹ với tiếng đàn bass điện tử màu sắc đen tối, những hình ảnh đối lập giữa sự êm đềm của tiếng đàn guitar lúc đầu hay đội đồng ca nhà thờ với bạo lực đẫm máu qua phát súng của CG, sự chăm chút khẩu súng sau khi gây ra án mạng với hình ảnh xác người bị kéo lê xềnh xệch trên sàn nhà. Ý nghĩa sâu xa của nó thì vô vàn như bao người đã phân tích là nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực súng ống, cách dùng phương tiện truyền thông để đánh lạc hướng người Mỹ khỏi mặt tối của xã hội.

Và dĩ nhiên cái “ngớ ngẩn” trong đó thì nhiều: lời rap câu từ ngắn ngủn, giai điệu chả có gì đặc biệt, điệu bộ uốn éo của CG trong clip, những điệu nhảy và nụ cười tươi rói giả tạo của cả nhóm xen giữa hàng loạt hình ảnh bạo loạn phía sau, đến mức chính CG chia sẻ anh cũng chả hiểu ý nghĩa của đoạn cuối clip là gì. Phần nhiều là anh thừa biết một ý nghĩa nào đó nhưng muốn người xem tự có những cảm nhận riêng của mình.


Phải chăng cái là sự “ngớ ngẩn” đó đều là có chủ ý và sắp đặt, góp phần nâng tầm cho sự “thiên tài” của CG?


Đấy là mới chỉ nói đến bài “This Is America” khi phần hình ảnh có công đóng góp lớn ý tưởng điên rồ của CG. Còn về mặt âm nhạc, đặc biệt từ album “Awaken, My Love!”, CG đã thể hiện tài năng thẩm âm mới đầy dị hợm sau hai album tập trung ở bộ môn Hip Hop có phần truyền thống hơn.


Bìa đĩa Awaken là hình ảnh khá ghê người với gam màu xanh tối cùng khuôn mặt một người da màu không rõ nam hay nữ có tròng mắt trắng dã. Mở bài “Me And Your Momma” là bầu không khí chậm rãi soulful đầy ảo diệu, rồi vào nhạc là âm sắc khác hẳn của dàn đồng ca đầy hào hùng da diết. Tiếng hát của CG không dễ nhận ra sau hai sản phẩm Hip Hop trước đây.

Bài thứ hai “Have Some Love” chỉ càng chứng tỏ thêm bước rẽ ngoặt không ai ngờ trong thể loại nhạc của CG. Đầy màu sắc Funk, album chịu ảnh hưởng lớn của bố già George Clinton cùng hai ban nhạc ParliamentFunkadelic từng tạo ra. Âm thanh trong đĩa Awaken có sự thân quen đó từ dòng nhạc Funk nhưng vẫn thể hiện sự “thiên tài” của CG ở phần giai điệu và thể hiện giọng ca. Điểm này cũng là sự “ngớ ngẩn” mà nếu làm nhạc không giỏi, đĩa Awaken sẽ chỉ là bầu âm thanh lổn nhổn.

Rõ ràng là giọng hát của CG đã hơi lạ ở bài đầu rồi, nhưng từ sau đó anh toàn chơi giọng mái nghe mà tôi phải mắt tròn mắt dẹt tra đi tra lại trên Google xem có đúng là giọng của đàn ông hát không, chứ chưa nói đến có phải phát ra từ miệng ông CG không.

Chỉ đến khi xem bản diễn live bài “Redbone” tuyệt hay, tôi mới tin tuyệt đối là CG hát được giọng đó thật. Cái giọng nghe đầy hoang dại và quái đản, không hề tình tứ như mấy người da màu chuyên đưa vào nhạc Soul. Thế nhưng nghe lâu thêm để quen và chấp nhận là CG cố tình phá cách bằng lối hát đó, thì thấy anh vẫn làm chủ hoàn toàn những cú ngân dài có độ ngọt của nhạc Soul trong đó. Rồi đến khi anh rú cái giọng lên cao hơn, nghe mới thật hay làm sao theo chất giọng “kinh hoàng” đó.

Thế đấy, CG thực tế là hát được hay giống bao ca sĩ nam khác nhưng anh lại cố tình chọn cách thế hiện có vẻ “ngớ ngẩn”. Như thể sau cú tát của Pitchfork, anh càng cố tình không trau chuốt mà phá vỡ luôn những định kiến về dòng nhạc người nghe đã quen tai. Đã là album nhạc Soul / Funk thì giọng hát cần ngọt ngào thì CG chọn hướng đi gồ ghề thô ráp hơn, không chỉ thách thức mỗi người nghe mà cả hội phê bình nhạc. Thế là tự dưng cái lạ tưởng như “ngớ ngẩn” đó lại tôn phần nhạc thường làm nền nổi lên gấp bội. Ta bỗng thấy mấy yếu tố cực hay ho ngoi lên như tiếng guitar và đàn synth chơi câu nhạc cực bắt tai và dễ nhận (nhân tố cực mạnh cho bài soundtrack phim “Get Out” sau này), hay khúc solo guitar bè lúc cuối trong bài “Redbone”; rồi thì âm thanh “tịt mũi” và “khục khặc” từ cây guitar điện trong “Boogieman” lẫn câu riff bằng bass funky ấm áp trong “Baby Boy”.

Quan trọng là mặc dầu CG lựa chọn giọng hát không giống ai cho đĩa này, sự “thiên tài” của anh vẫn được minh chứng qua phần vocal hát bè phần lớn đều do anh tự thể hiện bằng việc hát các giọng và cao độ khác nhau rồi ghép lại.

Sau bài “This Is America”, CG vẫn bóng gió về một album cuối cùng khép lại sự nghiệp âm nhạc của anh. Thế nên lúc nhìn cái bìa đĩa là một tờ giấy trắng và cái tên “3.15.20” đại diện cho ngày phát hành, rồi đa số tên các track được ẩn bằng thứ tự số phút số giây của track đó trong tổng thời lượng đĩa, tôi cũng lường được sự quái dị được mang đến ở đây, giống như album Yeezus của Kanye West từng mang lại. Đúng là trong đó có những bài như bài “32.22” có loạt tiếng ồn âm thanh điện tử, tiếng hát bị autotune bóp méo hết và tiếng thở hổn hển đầy màu sắc Yeezus. Còn lại, đĩa 3.15.20 sẽ dễ dàng thành một bản tổ hợp tạp nham của các loại âm thanh.


Ở bài “Algorhythm”, CG quay lại với nhạc Rap trên nền nhạc điện tử ma quái và xen kẽ bằng phần hook đầy giai điệu tiếp nối với phần interlude và bridge vừa mang màu sắc siêu hiện đại vừa hoang dã. Các track sau như “Time”, “12.38” là nhạc R&B, Soul xen lẫn Hip Hop nhưng vẫn trên nền nhạc điện tử chủ đạo. Cái tôi yêu ở nhạc album này còn là không khí chill trong “24.19”, “42.16” (tên thật trước đó là “Feels Like Summer”) và “47.48” nghe phiêu và tình cảm vô cùng. Cuối cùng, CG không quên làm bản kết “53.49” không khí hừng hực kích thích, đối trọng với bài “Algorhythm” ở đầu, như món tráng miệng ngon đến bùng nổ mọi ngóc ngách màng nhĩ, cú kết cho một tổng thể bữa tiệc âm nhạc đa dạng chưa từng có.

Qua album cuối này, mọi người đều hiểu được ý đồ đạp bỏ mọi ranh giới giữa các thể loại nhạc của CG, và để lại chỉ hai trường phái: nhạc haynhạc chán. Cái “thiên tài” của CG lần này hay ở chỗ đã tiết chế đúng lúc cái sự “ngớ ngẩn” điên rồ (dù vẫn đầy rẫy), vì quan trọng hơn cả, lần này quan điểm âm nhạc của anh cần được đưa đến với người nghe, và thêm một lần nữa tô đậm tính sáng tạo vô biên của anh với bộ môn nghệ thuật âm nhạc.

Và rồi như cái bìa đĩa 3.15.20, Childish Gambino đã làm giới phê bình trắng mắt ra và nhiều ông phải công nhận đó là tuyệt phẩm cuối cùng của CG, rằng hóa ra sự “thiên tài” hay “ngớ ngẩn” đều hay cả nếu nó có dụng ý.


Xem ra, những thứ cố ra vẻ gồng mình như Pitchfork thỉnh thoảng gây ra lại mới là “ngớ ngẩn”.

Hẹn gặp lại!


Kunt

3,025 views

Recent Posts

See All
bottom of page