top of page

Nhạc Funk bất tử của Funkadelic / Parliament

Updated: Apr 16, 2020



CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT: Sự "trở lại" bất ngờ của bố già nhạc Funk - George Clinton


Vào cuối thập niên 80, Andre Young - một thanh niên đang theo đuổi ước mơ sản xuất beat cho nhạc Hip Hop, đang tìm tòi hướng đi cho riêng mình. Anh đã thử nghiệm khá thành công với sự vay mượn nhạc Funk của nhóm Ohio Players. Cái anh thiếu lúc đó là nhiều sản phẩm âm nhạc funky như vậy từ thời những năm 70.


Lục lọi trong thùng đĩa vinyl cũ, anh tìm được mấy album của nhóm ParliamentFunkadelic. Duyên số đó đã khai sáng cho Andre với vô vàn âm thanh funky tuyệt hay mà anh sử dụng trong đến 5 bài ở album solo đầu tay của chính mình - The Chronic. The Chronic sau đó không chỉ trở thành một trong những đĩa Hip Hop kinh điển, với phần sản xuất nhạc tinh tế, nó còn giúp Andre khẳng định vị thế một producer và rapper đẳng cấp với nghệ danh Dr. Dre và phổ cập đến đại chúng một thể loại G-funk đặc trưng cho hip hop bờ Tây của Mỹ.


Cái ngày thể loại G-funk (viết tắt của Gangsta funk) được nổi tiếng cũng chính là ngày nhạc P-funk (viết tắt của Pure Funk) của bố già George Clinton được hồi sinh. Người nghe sau đó tìm tòi để nghe lại nhạc của ông và các cộng sự có được từ thời kỳ đỉnh cao.


Cho đến nay, nhạc của George và hai ban nhạc đình đám FunkadelicParliament trong thập niên 70 cùng với vô số dự án hợp tác khác của ông đều thuộc top được sample lại nhiều nhất, trên 400 lần. Ví dụ bài "Flashlight" của Parliament được mượn sample 60 lần, "(Not Just) Knee Deep" của Funkadelic là trên 70 lần và "Atomic Dog" của riêng George xuất hiện gần 150 lần. Các nghệ sĩ mượn nhạc của ông bao gồm Dr.Dre, Snoop Dogg, Tupac, De La Soul, Warren G, v.v.


Ấy vậy mà trước đó không lâu, George đã phải vật lộn tìm lại hướng đi cho âm nhạc của ông khi hàng loạt các nghệ sĩ, các dòng nhạc mới không ngừng sinh sôi nảy nở. Có thể tưởng tượng được cảnh ông già George ngày ngày hồi tưởng lại cái thời hoàng kim của hai ban nhạc Funk nổi tiếng một thời mà ông đã gây dựng, và cái cách tụi trẻ làm cho âm nhạc của ông "trở lại", có lẽ cũng nằm ngoài khả năng tưởng tượng siêu việt của ông.


CÂU CHUYỆN THỨ HAI: "không tài năng nào để lọt ra ngoài"


Một ngày George Clinton và cả ban nhạc Funkadelic đang ngồi thu âm cho đĩa Let’s Take It To The Stage, phát hành năm 1975. Lúc đó cả nhóm đã thu một lượt cho bài "Get Off Your Ass And Jam", thì có một tay thanh niên da trắng bước vào studio đề nghị cho ghi âm solo guitar với mức giá là $25.


Chả ai trong nhóm lúc đó biết thằng này là ai. Cả hội đều đang phê thuốc như cái cách vẫn hay làm khi jam nhạc. Thằng cu da trắng kia cũng vậy. Trông vẻ mặt nó hiện rõ nét nghiện ngập. George đồng ý để nó đánh thử.


Rồi nó bắt đầu chơi, hay đến ná thở! Câu intro nghe rùng rợn ghê người. Sau đó trống và bass vào cùng đoạn lời “Shit goddamn. Get up your ass and jam” lặp đi lặp lại. Thằng cu kia cứ tiếp tục biến tấu đoạn solo của nó suốt cả bài. Cho đến khi kết thúc rồi, nó vẫn chơi tiếp rất hăng say. Còn cả hội Funkadelic vẫn há hốc mồm.


George rút túi đưa cho nó hẳn $50. Nhưng ông quá phê để hỏi tên nó. Hoặc có hỏi rồi mà lại quên. Sau cái khoảnh khắc thằng đó bước ra khỏi studio là cả hội không bao giờ gặp lại nó nữa. George không tài nào liên hệ lại được để mời tham gia thêm. Không một dấu tích để lại ngoại trừ đoạn solo guitar thần sầu trong suốt hơn 2 phút đó.


Bình thường chẳng mấy ai lại dễ tính để một kẻ lạ mặt chơi nhạc cùng như vậy. Nhưng George không phải là người đó. Tôn chỉ làm việc của ông là tìm cảm hứng từ bất kỳ ai và không bao giờ để lọt tài năng nào ra khỏi căn phòng studio của mình.


Thế nên với hai ban nhạc FunkadelicParliament, ngoài việc hợp tác với một số cạ hợp nhạc với ông từ thuở sơ khai như tay guitar siêu hạng được ví với Jimi HendrixEddie Hazel, tay trống siêu đẳng Tiki Fulwood, và tay bass chơi mượt mà Billy Nelson, George luôn mở lòng với các cộng sự mới như tay keyboard tài ba Bernie Worrell và sau này là các nghệ sĩ thế hệ trẻ. Số người mà George hợp tác trong có khi lên đến cả 70 người, tính đến thời điểm ông từ bỏ âm nhạc tạm thời sau mấy vụ lùm xùm với các hãng đĩa.


Chính việc một mình một tay quản lý một đội lớn như thế, mếch lòng và mâu thuẫn giữa mọi người là điều không tránh khỏi. Các thành viên cạ cứng rồi cũng bỏ đi và những kẻ khác lần lượt theo bước, đa phần đều do bất đồng về tiền bạc. Tất cả bởi George theo đuổi quá nhiều dự án album cùng một lúc, thời gian làm việc của các thành viên trong studio quá tải mà tiền công thì thường xuyên bị khất lần.


Người cũ bỏ đi thì George quay đi tìm lính mới - những nghệ sĩ trẻ mới vào nghề và sẵn lòng cho những khó khăn để chứng tỏ bản thân. Nhưng rồi việc đó cũng chỉ kéo dài cho đến khi họ không chịu đựng được thêm nữa.


Việc George Clinton hợp tác với nhiều nghệ sĩ thực ra đều nằm trong chiến lược của ông. Nó cũng giống cách các nghệ sĩ nhạc Jazz hay làm: khi một sản phẩm âm nhạc thành công, hãng đĩa sẽ để mắt tới những người góp sức, để rồi khi những người thường là các nghệ sĩ trẻ đó có cơ hội ký các hợp đồng thu âm, họ sẽ quay lại George để rủ hợp tác, như cái cách ông đã tạo cơ hội cho họ thời kỳ đầu. Tất cả đều dựa vào nhau mà sống thôi.


Cuối cùng, điều quan trọng đối với chính George, ấy là âm nhạc trong các dự án ông chỉ đạo luôn đổi mới và hấp dẫn, nhờ việc không có tài năng nào bị ngó lơ.


CÂU CHUYỆN THỨ BA: "nguồn cảm hứng" được truyền từ George


Ngày hôm đó Funkadelic thu âm bài "Maggot Brain". Để đổi gió, George có ý tưởng đây sẽ là bản nhạc sâu lắng và buồn xé lòng. Có được Eddie Hazel đánh guitar trong band là ông yên tâm lắm. Eddie được ví như Jimi Hendrix thứ hai vậy. Nhưng George lại muốn Eddie phải đánh hay hơn thế. Hay nói cách khác, phải có gì mới lạ hơn nữa.


Ông bảo nhỏ Eddie “Mày tưởng tượng mẹ mày vừa mới chết ý! Mày cứ đánh như vậy cho tao”. Eddie sốc và cáu lắm, gườm gườm nhìn George giơ tay ra hiệu để vào nhạc.


Ấy thế mà hắn có cảm xúc hơn bình thường thật. Tiếng đàn như than khóc, lúc nhức nhối, lúc tĩnh lặng suốt hơn 10 phút. Tuyệt vời tới mức cho đến về sau, "Maggot Brain" vẫn luôn là bài mà George tự hào về ban nhạc nhất. Album cùng tên phát hành năm 1971 trở thành một tuyệt phẩm sau đó.


George Clinton là vậy. Ông như người đạo diễn phim hay tay nhạc trưởng, truyền cảm hứng cho cả nhóm. Có lần một cộng sự thử đánh trống cho ông nghe. Thấy mặt George đang ngẩng lên trời, trông có vẻ không thèm để ý gì lúc tay trống này đang dạo thử một vài câu nhịp, thì bất ngờ George quay ra bảo dừng lại. Ông bắt hắn đánh lại câu riff trống liền trước đó và bảo đó chính là tiếng ông muốn để vào bài mới. Các cấu trúc bài nhạc như được vẽ trong đầu George khi ông nghe mọi người jam với nhau.


Nhiều thành viên và cộng sự sau này có ý trách móc George đã lợi dụng tài năng của họ, chỉ trích rằng George là kẻ không biết chơi nhạc, hát cũng không hay, không đọc được cả bản nhạc, nhưng lại giành hết công cho những bản nhạc bất hủ của hội nghệ sĩ tài năng đứng đằng sau.


Đó là nhận định sai lầm! George là kẻ lãnh đạo tài năng với cái tai âm nhạc hơn người, và ở thời của ông, vai trò của nhà sản xuất chưa được tung hô như sau này. Từ những ngày đầu tiên mới vào nghề, ông từng bị Motown từ chối ký hợp đồng thu âm cho ban nhạc The Parliaments mới thành lập, nhưng lại được mời sáng tác nhạc cho các nghệ sĩ khác như Jackson 5, Diana RossThe Supremes.


Nhạc của George Clinton sáng tác được khen độc đáo và lạ lẫm. Đến khi nó lạ quá cũng là lúc ông quay sang thử nghiệm với nhạc cho The Parliaments. Mặc dù Parliaments được thành lập bởi George và có những thành công đầu tiên nhờ ông, do mâu thuẫn với hãng đĩa trong thời kỳ đầu của sự nghiệp, ông không được quyền sở hữu cái tên đó. Thế nên vào thập niên 70, George lập ra ban nhạc mới với cái tên là Funkadelic cùng với chính những anh em từ nhóm Parliament sang.


Nhạc của Funkadelic chịu ảnh hưởng của Jimi Hendrix Sly Stone - nó được miêu tả là nhạc Motown mang phong cách ầm ĩ - một thứ nhạc Funk với màu sắc của Psychedelic Rock. Vậy nên tiếng guitar điện rè đặc được chơi chủ đạo trên nền nhịp điệu funky bậc thầy của bass và trống.


Sau đó khi George lấy lại được quyền sở hữu cái tên Parliament, ông vẫn đi theo dòng nhạc Funk đó. Cái khác với Funkadelic chính là âm thanh chủ đạo trong Parliament nằm ở tiếng kèn nghe rất cuốn.


Số lượng album được George tung ra đều đặn liên tục với cả hai ban nhạc ông dẫn dắt cùng lúc, mà chất lượng thì vẫn luôn ở tầm xuất sắc. Phần lớn là nhờ sự cộng hưởng của các ý tưởng âm nhạc từ nhiều cái đầu, từ sự luôn đổi mới, từ chất xúc tác là những chất kích thích như LSD, nhưng chắc quan trọng nhất là từ định hướng âm nhạc của bố già George Clinton.


Cùng với cả Parliament lẫn Funkadelic, George và 15 thành viên được ghi nhận trong Rock and Roll Hall of Fame, luôn nằm trong danh sách các nghệ sĩ đỉnh nhất mọi thời đại của tạp chí Rolling StoneSpin.


Thế nhưng điều đáng tự hào nhất chính là âm nhạc của George và cộng sự của ông đã là nguồn cảm hứng dồi dào cho âm nhạc hiện đại của các nghệ sĩ thế hệ sau, từ Prince, Red Hot Chili Peppers, Janelle Monae cho đến Outkast, Kendrick Lamar, Eminem và Childish Gambino. Riêng thể loại G-funk trong Hip Hop thì mãi mang ơn lớn với George Clinton và hội Parliament / Funkadelic. Từ đó nhạc Funk của George trở nên bất tử.


Hẹn gặp lại!


Kink

605 views

Recent Posts

See All
bottom of page