top of page

Faith No More: có gì khác ngoài Alternative Metal?

Có một thứ dở ẹc dành cho những band one-hit-wonder (ban nhạc đứng cao trên bảng xếp hạng với một bản hit duy nhất trong sự nghiệp), ấy là những ai không phải fan cứng của họ thì đa phần chỉ biết đến đúng 1 bài mà ai cũng biết là bài gì đấy. Đã thế nếu mấy người này cất công đến xem ban nhạc biểu diễn thì cũng chỉ đứng khoanh tay gật gù cả show chỉ chờ cho đến khi bài ưa thích “duy nhất” của mình xuất hiện để xoã cho bõ tiền vé.


Nhưng tội nghiệp ban nhạc hơn cả, ấy là trong đa số trường hợp, collection âm nhạc của các band này nhiều khi lại hay hơn rất nhiều so với những gì các bảng xếp hạng đánh giá họ!

Faith No More (FNM) là một ví dụ điển hình như vậy! Công bằng mà nói, họ không hẳn là một ban nhạc one-hit-wonder theo đúng định nghĩa chính xác của tên gọi này nhờ bài “Epic” định hình âm thanh cho thập niên 90 (vì rồi sau đó họ vẫn hoạt động ngon lành). Các fan cứng của FNM thì yêu mến họ lắm. Thậm chí người ta còn ca tụng họ như những kẻ tạo ảnh hưởng cho dòng nhạc Rap Metal và sau này biến thể thành Nu Metal, cũng qua sức ảnh hưởng của chính bài “Epic” đó. 


Chỉ có điều với phần đông người nghe nhạc, thứ âm nhạc đầy sáng tạo và đa dạng của FNM lại bị thị trường ngó lơ. Đâm ra, sau thành công thương mại duy nhất của bản single đó và album The Real Thing (1989), FNM không bao giờ có lại được danh tiếng mà họ xứng đáng với chất lượng âm nhạc độc đáo trong suốt sự nghiệp.

Nhưng trước hết, hãy cùng xem lại bản “Epic” này có gì hay ho?

Nếu dùng đôi tai của thời đại bây giờ để nghe bản hit này thì một điều dễ thấy là sự “cũ kỹ” của nó. Ở thời điểm ca khúc được phát hành năm 1989, nền âm nhạc đã có sự pha trộn của Rock và Rap đến từ Run DMCBeastie Boys và ban nhạc cùng thời Red Hot Chili Peppers, những nghệ sĩ có tên tuổi hơn FNM rất nhiều. Trong bài “Epic”, đoạn rap và phần nhạc nền funky có sự tương đồng với âm thanh của mấy nghệ sĩ này. Thành ra, khá là kỳ lạ khi một ca khúc của một ban nhạc “kém danh” lại được coi là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa cho kỷ nguyên mới của Rap Metal và Alternative Metal.


Tuy nhiên nếu nghe thật kỹ, bài “Epic” chính ra có nhiều yếu tố lạ hơn là quen. Đó là sự kết hợp chưa từng có của âm thanh guitar mạnh mẽ thô ráp Metal, tiếng keyboards đối ứng với giai điệu bài đóng vai trò một gia vị khác biệt, tiếng bass funky chơi điêu luyện, tiếng trống chắc nịch, và đoạn guitar solo đầy kích thích ở giữa bài, thứ có lẽ mang nhiều tính "metal" hơn là "alternative. Không dừng ở đó, câu kết outro lắng đọng bằng màn piano ngay sau loạt âm thanh Metal ồn ào là thứ “khác bọt” của FNM. Những yếu tố đó có lẽ là lý do bản track “Epic” của FNM được yêu mến đến vậy.

Tuy nhiên, để nói bài “Epic” đại diện cho nhạc của FNM là một điều cực kỳ thiếu sót với ban nhạc tài năng này.


Họ không chỉ có công khai sáng cho thế giới âm thanh Rap Metal, Alternative Metal, và là nguồn cảm hứng cho Nu Metal, họ còn minh chứng cho các ban nhạc Rock khác và cả người nghe thời đó về khả năng biến hoá vô hạn của dòng nhạc Rock.

Khi mà thử nghiệm trong âm nhạc được đặt lên hàng đầu, trên cả mục đích thương mại, các thành viên của FNM luôn tự thách thức bản thân sáng tạo ra các sản phẩm âm nhạc không biên giới để nhét chung trong cùng một album. Rap kết hợp Metal do đó cũng chỉ là phần nổi của “tảng băng” sáng tạo âm nhạc mà FNM để lại.


Từ thời kỳ trước “Epic” và album The Real Thing (1989), ban nhạc cùng ca sĩ Chuck Mosley (RIP) đã đưa lời Rap vào nhạc của họ một cách hiệu quả như trong bài “Introduce Yourself” và “We Care A Lot”. Nhưng cái hay ho của FNM là giữ được âm thanh guitar của Metal vô cùng khỏe do Jim Martin chơi (Martin vốn là bạn thân của Cliff Burton và được "học nghề" từ chính James Hetfield của Metallica), đua nhau với tiếng trống vô đối của Mike Bordin và tiếng bass đầy sáng tạo của Billy Gould. Nhờ thế mà trong cùng một album đó, những ca khúc nặng nhưng khó gọi tên thể loại (hay nôm na là Alternative Metal) như “Chinese Arithmetic” đã trở thành điểm sáng qua màn cao trào điệp khúc nửa hát nửa rap và interlude sau đó.

Sau khi Mosley bị đuổi, Mike Patton được tuyển vào hát thay thế. Mặc dù vậy, cái chất của FNM vẫn còn nguyên bởi phần lõi của FNM ở ba thành viên Roddy Bottum (keyboards), Billy Gould (bass) và Mike Bordin (trống). Ba người này thường sẽ sáng tác phần xương sống cho bài: tay guitar Jim Martin hoặc sẽ chế câu guitar hoặc sẽ đánh theo phần track mà Gould đã viết riêng cho anh.

Thế nên, lúc Mike Patton nhập hội, toàn bộ nhạc của album The Real Thing đã xong xuôi. Patton qua bộ khung đó sáng tác ra giai điệu và lời hát trong đúng 12 ngày làm việc, bao gồm cả bài “Epic”. Chắc khỏi phải nói, ai cũng biết Patton có một chất giọng cực tốt, khỏe, với âm vực hiếm có rộng tới 6 octave và có thể hát nhiều kiểu, từ rap, hát nhẹ, hát gằn cho đến khàn đục đều ra chất (ngoại trừ lối hát lè nhè giọng mũi duy nhất xuất hiện trong đĩa The Real Thing).

Kết quả là The Real Thing trở thành một sản phẩm xuất sắc của FNM, mà khi nghe trọn vẹn, ta nhận ra 3 điều lâu nay khán giả lầm tưởng về họ:

  1. Bản hit “Epic” không phải là một trong những bài hay nhất của nhóm.

  2. FNM không chỉ chơi mỗi thể loại Rap Metal.

  3. Nhạc của họ không hề giống Red Hot Chili Peppers, Run DMC hay Beastie Boys.


Đây nhé, đơn cử như trong bản track nghe nặng nhất album này, nhưng lại cũng là hay nhất của đĩa, “Surprise! You’re Dead!”, đây chính là âm thanh Thrash Metal mà Jim Martin "mượn" của Metallica chứ đâu, và hinh như còn là kết quả của những lần Martin còn hay jam với người bạn thân Cliff Burton. Trên cái nền nhạc đó, Patton cũng rất nhạy khi sáng tác lời và thể hiện được sức mạnh của ca khúc không thua kém gì James Hetfield dù lúc đó Patton mới có 21 tuổi. Còn tiếng bass của Billy Gould thì vẫn đủ ấm và rõ tiếng, thể hiện trình chơi bass điêu luyện của anh, không bị nuốt chửng trong âm thanh guitar Thrash Metal tàn bạo.


Còn trong bản ballad “Zombie Eaters”, Patton có lối hát nhẹ bẫng trước mỗi khi cao trào đẩy lên. Lúc đó anh mới gắn đoạn rap với đoạn hát một cách liền mạch, cái mà các ban nhạc thế hệ sau không thể làm được, đó là tạo sự chuyển tiếp rất mềm về mặt âm sắc giữa rap và hát.

Nhắc mới nhớ, tới khi Patton vào FNM, họ mới có được bộ sậu giỏi và chuẩn chỉnh nhất. Sự đóng góp của từng thành viên trong âm thanh đó tạo một gắn kết chắc chắn mà lại vẫn bộc lộ cá tính của mỗi người, bất kể họ chơi thể loại gì. Hơn cả, họ có chung sở thích vứt bỏ sự cám dỗ của thương mại, để theo đuổi âm nhạc mới và kỳ dị. Tiếp theo sau The Real Thing, album tuyệt phẩm Angel Dust (1992) phát hành, chỉ mỗi tội nó bị coi là sản phẩm kế nhiệm kém tính thương mại hóa nhất. Cũng bởi lẽ thường tình sau thành công của The Real Thing, FNM đáng nhẽ chỉ việc lặp lại công thức âm nhạc đó, phục vụ nhu cầu của hãng đĩa để tiếp tục kiếm thêm người hâm mộ. Ấy nhưng FNM lại đi làm điều ngược lại.

Sự trải nghiệm trong Angel Dust càng đẩy họ ra xa khỏi "công thức chiến thắng" của bài “Epic”, hay nói rộng ra là sự bó buộc Rap Metal hay Alternative Metal. Âm nhạc của FNM đã khác hẳn cái sự na ná với âm nhạc của bất kỳ ban nhạc nào cùng thời, thì dĩ nhiên càng đẩy họ đi xa khỏi thị trường âm nhạc đại chúng. Tự dưng, những thứ hay ho nhất của FNM, của Angel Dust lúc này bị lu mờ bởi dòng nhạc Grunge nổi lên như cồn. Thật là đáng tiếc khi không có nhiều người hâm mộ nhạc để ý tới thứ âm thanh đặc sắc lôi cuốn của “Caffeine”, “Midlife Crisis”, “Smaller And Smaller”, “Crack Hitler”. Không mấy ai tìm nghe để bắt gặp bản thân họ không cưỡng lại được vẻ đẹp của sự hỗn loạn trong hơn 1 phút cuối bài “Malpractice” hay đoạn vào nhạc chao đảo của “Be Aggressive”.


Sau Angel Dust, tay guitar Jim Martin bỏ nhóm vì sự mẫu thuẫn về chí hướng nghệ thuật. Đây cũng là điều thực sự đáng tiếc khi chính những câu riff guitar của Martin là thứ làm nhạc FNM trở nên đầy đặn, khiến các ca khúc heavy của nhóm đều là điểm sáng. Dù vậy album King For A Day… Fool For A Lifetime (1995) sau đó vẫn đủ ổn để lột tả sự sáng tạo không giới hạn qua trải nghiệm chất Jazz Funk như bài “Evidence” trước khi đuối sức hơn ở Album Of The Year (1997) – một cái tên có phần lệch lạc khi so sánh với các tác phẩm trước của nhóm.

Trong bối cảnh FNM ngày một lạc xa khỏi con đường dẫn tới thành công về mặt thương mại, họ đã luôn có cơ hội để tìm lại vinh quang để chơi lại thứ nhạc Rap Metal như bài “Epic”, nhất là lúc này đây Rage Against The Machine vẫn có thể khuấy đảo người yêu nhạc và “bộ máy chính trị” bằng nhạc Rap Metal và Korn với Nu Metal rồi tiếp theo là System Of A Down với Alternative Metal và Progressive Metal, những ban nhạc mà theo tôi mang một mối nợ lớn từ FNM.


Rồi chỉ vì phong cách nhạc lạ, khó có thể xếp hạng loại nhạc, âm thanh quá nặng so với các nghệ sĩ thời kỳ Post-Grunge nhưng lại “bác học" hơn so với mấy ban nhạc kể trên, FNM vẫn luôn mãi mãi chỉ là kẻ đánh bóng tên tuổi cho hàng loạt biến thể của nhạc Rock phát triển sau đó. Âu cũng vì FNM không muốn lặp lại những gì họ đã làm, chứ chưa nói đến đi copy nhạc người khác.


Cho đến gần đây khi FNM cho ra đĩa Sol Invictus (2015), sự thử nghiệm vẫn còn đó và âm thanh thì vẫn đầy sức mạnh, hay ngang ngửa thời đỉnh cao của họ, Angel Dust và The Real Thing, để trở thành một tuyệt phẩm thứ ba của FNM.

Nhạc FNM vẫn vậy. Không chịu bó buộc theo khuôn mẫu. Cấu trúc bài hát không có một format phù hợp phát trên radio. Nhịp điệu, tốc độ, tông nhạc thay đổi trong cùng một bài. Album đa dạng màu sắc từ thể loại Metal, Thrash, Punk, Rap, Pop, New Wave, Progressive. Thế nên thật khó để tóm gọn hay dùng từ nào để lột tả hết được âm nhạc FNM.

Ca khúc “Epic” do đó còn xa mới được coi là đại diện thương hiệu và chất lượng nhạc của FNM được. May ra chỉ có chính từ “Epic” đó có thể diễn tả được không khí và cảm xúc cao trào khi nghe nhạc của Faith No More.


Và xin hãy thử dành thơi gian nghe Faith No More trong một lần đầu óc hoàn toàn trống rỗng, sau khi bạn đã dành tất cả sự yêu mến của mình cho những ban nhiều tên tuổi hơn chính FNM, nhưng đều có điểm chung là cảm hứng từ chính họ.


Hẹn gặp lại!

Kink

367 views

Recent Posts

See All
bottom of page