Joan Baez: Tiếng hát át tiếng bom
- K.K.N.
- Mar 23
- 11 min read
(Bài viết có sử dụng tư liệu từ bài báo “Joan Baez In Hanoi: 12 Days Under The Bombs” của Tim Cahill trên Rolling Stone)
Hà Nội, 19h30 tối Giáng Sinh năm 1972.
Trời quang đãng không một gợn mây. Sau khi mục sư Michael Allen hoàn tất bài cầu nguyện bắt đầu cho nghi lễ Giáng Sinh, Joan Baez bước ra ôm cây đàn guitar thùng và hát bài “Lord’s Prayer” bằng chất giọng cao vút đầy cảm xúc. Bỗng dưng một tiếng bom nổ làm rung chuyển mọi thứ. Tiếng guitar của Baez ngừng trong giây lát rồi lại tiếp tục cùng giọng hát đầy mạnh mẽ của cô. Dưới đám đông một người hét lớn “Im lặng nào”, nhưng rồi một giọng nói khác cất lên: “Không cứ hát tiếp đi!”. Thế rồi tiếng còi báo động vang lên inh ỏi cắt ngang giọng hát của Baez. Một người Việt trong đám đông liền hét lớn một câu bằng tiếng Anh: “Mọi người kiếm ngay mũ bảo hiểm đi”. Bài hát của Baez đã bị cắt đứt bằng loạt âm thanh hỗn loạn của mọi người chạy đi tìm chỗ trú ẩn, tiếng còi rú báo động một cuộc không kích của những chiếc phản lực Phantom mà đế quốc Mỹ dội bom xuống địa bàn Hà Nội vào những ngày cuối năm 1972.

Đó là quãng thời gian mà Joan Baez cùng đoàn bay tới Hà Nội để chuyển những món quà và thiệp Giáng Sinh từ người thân của những tù binh Mỹ, cũng như để chứng kiến những gì mà cuộc chiến chống đế quốc Mỹ đã gây ra với đất nước và con người Việt Nam. Sự có mặt của một nghệ sĩ nhạc Folk nổi tiếng như Baez trong chuyến đi tới Hà Nội vào thời điểm dầu sôi lửa bỏng cũng bắt nguồn từ tinh thần phản chiến của một nhà hoạt động xã hội vì nhân quyền con người như cô. Chuyến đi đáng nhẽ chỉ kéo dài 1 tuần từ ngày 16 đến ngày 23 tháng 12, nhưng cuộc không kích ném bom đã diễn ra từ ngày thứ hai khi Baez có mặt ở Hà Nội đã khiến đoàn của cô phải lùi ngày về cho đến sáng ngày 30, ngày cuối cùng của cuộc ném bom vì không có máy bay nào có thể cất hay hạ cánh tại Hà Nội trước đó.
***
Yếu tố tiếp lửa cho Joan Baez luôn tận tụy với các hoạt động vì nhân quyền và công bằng xã hội chính là nhạc Folk từ những ngày đầu. Khi mới 13 tuổi, Baez được người cô dẫn đi xem buổi hòa nhạc của nghệ sĩ Folk nổi tiếng Pete Seeger. Seeger không chỉ đánh thức người nghệ sĩ bên trong cô bé Joan Baez ngày ấy bằng âm nhạc, ông còn là người truyền cảm hứng cho cô với lý tưởng đấu tranh vì nhân quyền bằng âm nhạc khi Seeger là một trong những cây cao bóng cả của làng nhạc Folk, đặc biệt vào thập niên 60 với các buổi nhạc hội Newport Folk Festival mà Seeger cũng là thành viên trong bản quản trị.
Thật khó tưởng một dòng nhạc mộc mạc với phần phối khí chỉ đa phần là cây guitar thùng và giọng hát của người nghệ sĩ lại mang sức mạnh phản kháng đến vậy. Tất cả cũng đều nằm ở những vần thơ trong ca từ qua giai điệu đi vào lòng người. Với Joan Baez, sức mạnh đó được nhân lên gấp bội nhờ chất giọng nữ cao trong trẻo, ngọt ngào và đầy truyền cảm của cô. Nhưng hơn cả, kỹ thuật rung ngân (vibrato) đặc trưng của Baez biến chất giọng trời phú đó như tiếng hát của thiên thần, xoáy vào sâu thẳm tâm hồn của người nghe.
Tôi không bao giờ quên giọng hát tràn ngập cảm xúc đó của Joan Baez trong ca khúc “Donna Donna” mà tôi được nghe qua những cuộn băng cassette từ những ngày bé được tiếp cận với âm nhạc quốc tế. Giai điệu ngọt tình của ca khúc qua tiếng hát đầy đặn đó cứ vương vấn trong tâm trí để rồi mãi sau này khi được nghe lại, tôi vẫn dễ dàng nhận ra giọng hát quen thuộc đã hớp hồn mình ngày nào.
Nhưng thứ tôi không hiểu được ngày ấy chính là những lớp nghĩa ẩn sau ca từ của “Donna Donna”, một ca khúc không phải hát về một cô gái, mà là câu chuyện về một chú bê được đem ra chợ và chuẩn bị đưa vào lò mổ. Ở một khía cạnh nào đó, nó là phép ẩn dụ để nói tới những con người Do Thái vô tội, nạn nhân của nạn diệt chủng Holocaust. Ở một lớp nghĩa xa hơn, nó là một bài giảng cho nhân loại, rằng nếu chúng ta có nhận thức rõ ràng về cái tôi và quyền con người thì sẽ không dễ bị kẻ khác thao túng và làm hại.
Trong bài “House of Rising Sun” cũng nằm trong album đầu tay Joan Baez, Vol. 1 (1960) cùng với “Donna Donna”, giai điệu đầy cảm xúc lại được Baez chuyển tải qua giọng hát đẹp mê hồn. Những nốt nhạc cao được ngân vang lâu sẽ lại là những khoảnh khắc người nghe thẫn thờ và đê mê bởi chất giọng trong trẻo đang rung lên truyền thứ năng lượng chạm tới tâm hồn, để rồi một lần nữa, các ca từ của bài lại là một thông điệp ẩn sâu mang nhiều ý nghĩa. “Ngôi nhà của bình minh” như cái tên bài hát nghe đẹp vậy nhưng có thể hiểu là khu nhà chứa, nơi cướp lấy tuổi thanh xuân của biết bao cô gái (“And it's been the ruin for many poor girl”). Với nhiều phiên bản của “House of Rising Sun” được thể hiện qua giọng ca của những nghệ sĩ khác nhau, cả nam lẫn nữ giới, “ngôi nhà” vì thế cũng có thể hiểu theo một nghĩa xa hơn về một số phận và kết cục nghiệt ngã, là nấm mồ chôn vùi cuộc đời của những mảnh đời bất hạnh không có lối thoát (“I'm going back to New Orleans / My race is almost run / I'm going back to spend my life / Beneath that Rising Sun”).
***
Hà Nội, phố Khâm Thiên, một ngày cuối năm 1972.
Joan Baez cùng đoàn có mặt để chứng kiến hậu quả thảm khốc của chuỗi những ngày đế quốc Mỹ dùng những chiếc máy bay phản lực Phantom và máy bay B-52 ném bom dội xuống thành phố Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng. Trước mắt họ là những con người Việt Nam đang phải nhấc và vác xe đạp của mình đi qua đống đổ nát. Baez bước tới phía một cụ ông đang tập tễnh để cố gắng bước qua đống bùn và gạch. Cô cầm tay ông để đỡ và có thể cảm nhận toàn thân ông đang run lẩy bẩy. Ánh mắt cô và ông nhìn nhau đẫm lệ. Sau một vài câu tiếng Việt mà Baez không hiểu nổi, ông ngẩng lên và nói một câu tiếng Đức: “Danke schön” (nghĩa là “Cám ơn cô nhiều!”).
Đi qua những hố bom và đống gạch vỡ, Joan Baez bắt gặp một người phụ nữ đi lang thang hát lẩm bẩm trong mồm. Tưởng rằng người phụ nữ đó vui mừng vì thoát chết sau trận đánh bom, cô lại gần thì mới thấy không một nụ cười nào nở trên môi. Thay vào đó là sự đau đớn tột cùng lằn trên khuôn mặt khắc khổ đó. Người phụ nữ vừa hát đi hát lại một câu, thẫn thờ bước từng bước và nhặt từng viên gạch lên rồi lại đặt xuống. Người phiên dịch nói với Baez rằng cô ta đang hát gọi tìm các đứa con của mình. Cả hai con của cô đều bị chôn vùi dưới đống gạch và cô ấy không bao giờ được gặp lại chúng nữa. Không kìm được cảm xúc, Joan Baez đã phải quay trở lại xe để đi về. Có người nói với cô rằng ở phía trước, có một gia đình bốn người đều thiệt mạng. Xác họ nằm đó, vẫn ôm chắt lấy nhau.

Joan Baez đã thu âm một nửa số bài trong album Where Are You Now, My Son? (1973) ngay trong hầm tránh bom tại Hà Nội trong quãng thời gian cô tận mắt chứng kiến đế quốc Mỹ ném bom tàn phá. Trên bìa album có ghi dòng chữ: “Cuộc chiến tranh Đông Dương vẫn chưa tới hồi kết thúc, và cuộc chiến chống bạo lực gần như mới chỉ bắt đầu”.
Trong bài "Rider, Pass By" ở album Where Are You Now, My Son?, trên nền nhạc ấm áp của tiếng đàn piano và điểm suyết đàn bass, Baez viết giai điệu và lời ca từ cảm xúc về những cuộc chiến tranh vô nghĩa mà cô được tận mắt chứng kiến. "The horses of the riders / Have waited at the tide / But years have passed, they know at last / Their heroes will not ride / So the women oh so gracefully / Mount noble horses high / Shattering the timelessness / Of rider, please pass by". Dùng hình ảnh những con ngựa cô đơn đứng chờ chủ trong vô vọng, cái giá mà những người lính phải trả quá lớn, không chỉ cho chính họ mà cả với người thân. Bởi thế ở track cuối mang cùng tên album, "Where Are You Now, My Son?", Baez viết về chính những người dân Việt Nam mà cô gặp khi đặt chân tới đống đổ nát sau trận không kích. Số phận có thể đã cứu những người này để họ giữ được mạng sống nhưng liệu đó có là điều may mắn hay không khi người thân của họ đều không bao giờ có thể trở lại? Trong track dài hơn 20 phút chiếm hết một mặt của đĩa, bài nhạc lồng những âm thanh máy bay phản lực, tiếng khóc của những con người vô tội. Cả bài là những đoạn thơ mà Baez trầm giọng đọc một cách nhẹ nhàng để kể về từng con người đó, và cô chỉ cất giọng hát câu: "They say that the war is done / Where are you now, my son?" như để hát lại lời hát đau thương mà người mẹ Việt Nam bất hạnh đang kiếm tìm xác con trai mình dưới đống gạch đổ nát.
***
Đã có quãng thời gian một thập kỷ khi bắt đầu sự nghiệp âm nhạc, Joan Baez chỉ hát các ca khúc Folk cổ truyền được phối khí lại qua cách chơi đàn guitar và tiếng hát của mình, như bài “Donna Donna” và “House of Rising Sun” mà tôi có nói tới ở đầu bài viết, và những bản cover, trong đó đáng nói đến nhất là các ca khúc của Bob Dylan – người nghệ sĩ mà cô đã từng đem lòng yêu.
Baez gặp Dylan lần đầu tiên vào năm 1961 tại một đêm nhạc. Khi ấy, Baez thì đã thành danh và thậm chí được nhiều người ví như “Nữ hoàng nhạc Folk”, còn Dylan vẫn chỉ là kẻ vô danh. Mặc dù không mấy ấn tượng trước bộ dạng luộm thuộm của Dylan, Baez lại bị cuốn hút trước những ca khúc mà tay này sáng tác với ca từ đẹp như thơ. Thử tưởng tượng một nghệ sĩ vẫn đang hát những bài Folk quen thuộc đang kiếm tìm sự mới mẻ trong nội dung thì nay gặp ngay một tài năng thiên bổng về viết ca từ như Dylan, thật không khó để hiểu sự hững thú của Baez muốn được hát những bài nhạc của tay nghệ sĩ trẻ này. Vẫn biết giọng hát của Dylan là một điểm yếu, nhưng lời hát của ông lại quá đẹp, thứ nếu được chuyển tải qua giọng ca thiên phú của Joan Baez quả nhiên là một sự kết hợp hoàn mỹ. Về phía Bob Dylan, được một nghệ sĩ nổi tiếng trong làng nhạc Folk như Baez, người đã lên bìa tạp chí Time khi mới 21 tuổi, hát các ca khúc của ông thì còn gì may mắn bằng. Hơn cả, Baez và Dylan còn cùng nhau song ca trong các show diễn nhạc Folk càng tạo sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn khi cả hai cùng truyền đạt những thông điệp phản kháng với bất công xã hội và những cuộc chiến vô nghĩa.

Tư tưởng sáng tạo âm nhạc vượt thời gian của Bob Dylan ngày đó có thể không hoàn toàn làm Baez và những người yêu nhạc Folk truyền thống hoàn toàn đồng tình, nhất là khi ông liều lĩnh chuyển hướng với nhạc cụ guitar điện với âm thanh ồn ào làm mờ đi ca từ - thứ ngôn ngữ tối quan trọng của dòng nhạc này, thì ít nhất Dylan đã truyền cảm hứng cho Baez thử sức với những sáng tác của riêng cô và thể nghiệm các phong cách nhạc vượt qua khỏi sự mộc mạc của Folk cho giai đoạn sau này. Kể từ thập niên 70, Joan Baez bắt đầu trình làng các ca khúc cô tự sáng tác, bắt đầu với album One Day At A Time (1970), rồi sự thể nghiệm trong âm nhạc với album Where Are You Now, My Son? (1973), và đáng nói nhất có lẽ là Diamond & Rust (1975), trong đó ca khúc cùng tên được coi là một trong những nhạc phẩm hay nhất mà Baez từng viết. Điều thú vị là “Diamond & Rust” được cô sáng tác lại mang chủ đề riêng tư và gần gũi hơn khi nhân vật được nhắc đến trong bài lại chính là Bob Dylan. Đã có kha khá số ca khúc mà Baez hoặc Dylan viết về người còn lại, tuy nhiên “Diamond & Rust” mang một giai điệu đẹp và lời hát chân tình về tay bạn trai có tính cách đôi lúc khó ưa mà cô từng yêu này: “My poetry was lousy, you said / Where are you calling from? / A booth in the Midwest / Ten years ago / I bought you some cufflinks / You brought me something / We both know what memories can bring / They bring diamonds and rust”.
Có thể thấy đằng sau thứ nhạc Folk mộc mạc có giai điệu trữ tình là vậy, ca từ của chúng lại mang sức nặng vô cùng lớn về mặt cảm xúc, bất kể là những câu chuyện xoay quanh cuộc đời hay lớn lao hơn về sự vận hành của xã hội. Với Joan Baez, các ca khúc cô sáng tác hay lựa chọn để cover ít nhiều đều đến từ những gì cô từng trải qua. Nếu như những cảm xúc đó ban đầu bắt nguồn từ việc cô từng bị đám bạn trong lớp học phân biệt đối xử vì gốc gác Mexico của mình, thì trở về sau, chúng được khơi nguồn từ những dấu ấn trong cuộc đời, từ các hoạt động xã hội mà Baez tham gia, và từ chính thực tế mà cô trải nghiệm qua các chuyến thực địa ở những vùng đất phải hứng chịu các cuộc chiến tranh như Việt Nam, Bosnia, Israel và gần đây nhất là Ukraine.
***
Hà Nội, khách sạn Thống Nhất, ngày ném bom đầu tiên.
Joan Baez sợ hãi vừa trú trong hầm vừa chuẩn bị tinh thần để nói lời từ biệt với con trai và các chị em của mình. Ngày ném bom thứ hai, Baez làm rơi cả chiếc đĩa đựng đồ ăn khi giật mình nghe tiếng cửa hầm sập mạnh. Đến những ngày sau đó, Baez đã quen với âm thanh bom dội bên ngoài và điềm tĩnh để hát những ca khúc như “Don’t Let Nobody Turn You Around” cho mọi người nghe.
Vào ngày ném bom cuối cùng, sau nhiều ngày được tôi luyện như một chiến binh, thay vì trốn bên trong hầm trú ẩm, Baez điềm nhiên bước ra ban công khách sạn để hát cho những người xung quanh, ngay giữa tiếng mưa bom.
Sau hơn 4 thập kỷ, một ngày đầu tháng 4 năm 2013, Joan Baez đã quay trở lại Hà Nội. Bà ở ngay tại chính khách sạn năm nào, nay đã trở thành một tòa nhà sang trọng mang tên The Metropole Hanoi. Bước xuống căn hầm trú ẩn nằm ngay dưới khu quầy bar của khách sạn, Baez nhắm mắt lại, đặt bàn tay lên bức tường xi măng và hát “Oh, Freedom”, ca khúc mà bà vẫn thường hát trong những cuộc biểu tình đòi nhân quyền ở Mỹ trong thập niên 60.
“Oh freedom, oh freedom
Oh FREEDOM FREEDOM over me
And before I'll be a slave
I'll be buried in my grave
And go home to my Lord
And be free
No more weeping
No more shooting
There'll be singing”
Hẹn gặp lại!
Kroon