Mastodon: Mưa dầm thấm lâu lắm
- K.K.N.
- Mar 30
- 10 min read
Updated: Mar 30
Heavy Metal, đặc biệt là Thrash Metal, là những thể loại nhạc đã từng khiến rất nhiều người tự hào về sự phản kháng mạnh mẽ và những ý tưởng tiên phong trong việc đẩy cách chơi nhạc tới những giới hạn mới hơn. Nhưng thứ gì thì cũng có thời của nó trước sự bạc bẽo của thời gian, và dù hãy còn lâu lắm cho tới ngày Metal chết ngắc, tôi nghĩ không ít những fan hâm mộ của mấy dòng nhạc này, giống như tôi, đều phải lặng lẽ thừa nhận sự lạc lõng và dễ đoán của chúng trong âm nhạc thời hiện đại. Sức công phá của Metal có lẽ vẫn còn đó, nhưng cái sự “thẳng thắn” trước khán giả thời hiện đại ngày càng hiểu biết và đòi hỏi, với những thứ khá “cơm bữa” như riff, guitar solo, trống với chân bass đôi, và lời lẽ không mang nhiều sự liên quan cá nhân; Heavy Metal có lẽ sẽ mãi được đón nhận như thứ âm nhạc tuyệt vời của thập niên 80s, thay vì đại diện cho thứ gì đó của thời những năm sau 2000s. Các ban nhạc theo đuổi thứ âm nhạc này thường tìm tới những giới hạn mới bằng những thứ âm nhạc cầu kỳ hơn như Progressive, chơi nhanh và nặng hơn như Extreme Metal, tạo ra sự huyền bí như Death Metal, hoặc thậm chí không ngần ngại hòa trộn Metal với những thứ âm nhạc khác. Mastodon, theo tôi, là đại diện hiếm hoi có khả năng tạo ra thứ âm nhạc nặng đúng nghĩa là Metal của thời đại mới.

Mastodon được thành lập vào năm 2000s, có lẽ là thời điểm khi tất cả những ông lớn của Heavy Metal đều đã không còn mặn mà với cái thứ nhạc này nữa. Họ chỉ gồm 4 người: Troy Sanders (bass/vocals), Brent Hinds (lead guitar/vocals), Bill Kelliher (rhythm guitar/backing vocals) và Brann Dailor (drums/vocals), nhưng những gì 4 người này tạo ra thực ra cũng 3 đầu 6 tay không kém gì bộ ba mà EmoodziK đã từng ca ngợi của Rush. Ngay từ album thứ hai của họ, Leviathan (2004), Mastodon đã ghi tên họ vào lịch sử âm nhạc như là một trong những album Metal hay nhất mọi thời đại mặc dù sinh sau đẻ muộn. Không chỉ được xây dựng với cấu trúc cầu kỳ và những lần đổi nhịp điên cuồng không khác gì một prog band cự phách, điểm mạnh nhất của Mastodon là tạo ra những câu chuyện kỳ vĩ nhất mà trong trường hợp này là từ tiểu thuyết kinh điển về con cá nhà táng Moby Dick.
Hãy để Leviathan cho một ngày khác, vì hôm nay tôi muốn nhắc tới câu chuyện trong album thứ 4 của họ, Crack The Skye (2009). Album này không những là album được Mastodon gửi gắm nhiều ý đồ và lớp lang các ý tưởng với tham vọng tạo ra một album rợn tóc gáy kinh điển để lưu danh hậu thế. Quan trọng hơn cả, mỗi lần nghe lại album này tôi lại khám phá ra thêm những lớp nghĩa lần quất và nếu như so với Leviathan kinh điển kia, Crack the Skye xem ra gần gũi hơn với những ý niệm cá nhân.
Nhân vật chính của câu chuyện là một cậu bé bị bại liệt nhưng lại có siêu năng lực “thoát xác”, giúp cậu có khả năng xuất hồn ra khỏi cơ thể và dịch chuyển tới bất cứ đâu. Trong một lần anh bạn này du hành hơi cao hứng, cậu bay tới quá gần mặt trời và vô tình sức nóng đã đốt cháy sợi dây kim tuyến (nôm na là cọng cáp điều khiển) nối giữa phần hồn và phần xác của cậu. Linh hồn phiêu du của cậu bay lơ lửng ngoài không gian (track mở đầu “Oblivion”) cho tới khi bị cuốn vào một cái Lỗ sâu (wormhole) và chui ra ở một thời đại hoàn toàn khác - thời đại của Sa Hoàng đệ Nhị nước Nga.
"Falling from grace cause I've been away too long
Leaving you behind with my lonesome song
Now I'm lost in oblivion"
Nếu bạn chưa từng nghe, thì wormhole là một lý thuyết được nhà Đại khoa học Stephen Hawkins ủng hộ, cho rằng lỗ đen thực ra cuốn vật thể vào trong đó nhưng sau đó sẽ đẩy ra ở một thực tại song song. Về mặt lý thuyết, wormhole sẽ tạo một đường đi tắt để nối giữa hai điểm khác nhau không không-thời gian, và như vậy nó có thể giúp du hành qua những khoảng cách hay thời đại xa xôi trong vũ trụ. Hy vọng đến một ngày EmoodziK sẽ có một trang anh em chuyên chém về vật lý và vũ trụ, nhưng trước mắt thì chúng ta hãy quay lại với màn du hành bằng âm nhạc.
Cũng xin chú thích thêm là trong cái wormhole đấy thì đầy rẫy các linh hồn tội lỗi nhưng cái hay là ở chỗ hội này biết cách “chạy việc” (track 2 – “Divinations”). Cái, khi nghe tin linh hồn của anh nhân vật chính đang tìm đường quay lại trái đất, hội kia nhanh nhảu đẩy ngay anh này về mà "quên" không tính tới thời điểm. Đâm ra linh hồn lầm lạc kia được nhét vào trong cơ thể của Rasputin, vị Quân sư nổi danh thời Sa Hoàng đệ Nhị, người có được địa vị và sự kính trọng của Sa Hoàng nhờ khả năng “chữa lành” và sinh mạng bất tử. Tôi còn nhớ báo An Ninh Thế Giới ngày xưa còn phải viết đến mấy số về lão này về việc làm sao mà giết mãi lão không chết, còn trong phim và nhạc thì có lẽ lão xuất hiện vô số kể. Tự thấy lại lan man nên xin được quay lại câu chuyện của Mastodon.
Rasputin, lúc này mang theo 2 linh hồn trong 1, quyết định nhảy vào úp sọt Sa Hoàng ở track 4, và việc này bại lộ, lão bị xử tử và thế là hai cái linh hồn bay lên qua vết nứt trên bầu trời (“The Crack In The Skye” – track 6) và track 7 dài tới 13 phút (“The Last Baron”) là nơi mà Rasputin loay hoay tìm cách đưa linh hồn anh bạn nhân vật chính trở về chỗ cũ bởi lúc này đảm bảo mọi người đã phát hiện ra anh bạn đã hồn lìa khỏi xác và không nhanh thì anh sẽ chết thật.
Ngặt một nỗi, tới khi Rasputin có thể giúp anh bạn nhập hồn trở lại thì cậu bỗng nhận ra rằng mình không còn ở chỗ cũ nữa. Lời bài hát dường như ám chỉ cậu mở mắt ra và phát hiện mình đã bị chôn mịa trong một nấm mồ mất rồi, hoặc cũng có thể hiểu cái nơi cậu chui ra không hề giống như nơi cậu từng thuộc về trước đây.
Nghe thì có vẻ nhảm cức và có lẽ không cần tôi phải khẳng định thì ai cũng biết đây là sản phẩm bịa 100% của Mastodon, nhưng những sự việc diễn ra ở bên ngoài album, những thứ ít nhiều đã được ghi chép trong bộ phim tài liệu “Making of Crack the Skye” đã lý giải khá nhiều cái lối suy nghĩ nhiều lớp lang này.
Trước hết, album này là ý tưởng mà tay trống Brann Dailor muốn dành để tưởng nhớ tới Skye Dailor, cô em gái của anh đã tự tước đi mạng sống của mình khi mới 14 tuổi (Brann lúc đó 15). Đó có lẽ là một ký ức không mấy vui vẻ hằn sâu trong suốt cuộc đời của Dailor, nhất là khi hai anh em khá thân với nhau; và cảm xúc khi ấy được Brann mô tả không cần giấu giếm: giống như bầu trời (chơi chữ với tên Skye) như nứt vỡ ra – và đó cũng là tên của album cũng như bài hát trong track 6.
Desperate heathens flock to sirens
Guard your heartache well
Momma don't let them take her
Take her down
Please tell Lucifer he can't have this one
Her spirits too strong
It's written all over your face
I can see the pain
You can make it all go away
Tôi cho rằng ở đây, Brann Dailor với những ký ức đau buồn của mình đã lê lết nhọc nhằn đi qua những tháng ngày tuổi trẻ y như nhân vật chính trong album này – một cậu bé bị bại liệt với khả năng xuất hồn để có thể dịch chuyển. Brann Dailor, một trong những tay trống thời đại mới kiệt xuất nhất, dường như chỉ là một sự hiện diện khác của một cậu bé đang nằm ở chỗ khác, nơi tâm hồn dường như đã bị tê liệt mất một nửa.
Và dĩ nhiên cuộc chu du của Brann Dailor trong hành trình mang tên Mastodon không thể thiếu tay lead guitar Brent Hinds, người mà không lâu trước đó sau khi dự giải MTV Music Award 2007, sau khi quá chén đã va chạm với tay bass Shavo Odadjian của System of A Down và tay guitar William Hudson lúc đi ngang qua nhau. Brent Hinds bị đấm vào mặt không trượt phát nào và té đập đầu xuống đường gây chấn thương sọ não. Sau nhiều tháng điều trị chấn thương đầu, Hinds trở lại đúng lúc Mastodon cùng nhau viết nhạc cho thứ trở thành Crack In The Skye, và tôi có lý do để nghi ngờ kẻ bị đấm mà không chết này chính là nguồn gốc cho ý tưởng của nhân vật Rasputin.
Cặp đội Brann Dailor và Brent Hinds dường như đã cùng nhau thổi hồn vào một câu chuyện phịa đầy vô lý và cùng với sự góp sức từ các câu riff đầy ám ảnh của Bill Kelliher và giọng hát ma quái của tay bass Tron Sanders, câu chuyện của Crack In The Skye đem tới nhiều lớp ý nghĩa hơn sau mỗi lần nghe lại. Đó là:
Các album đầu của Mastodon thường nói về các nhân tố trong Ngũ Hành theo truyền thuyết Hy Lạp (Quintessence, cũng là tên track 3). Remission nhắc tới Hỏa; Leviathan là Thủy; Blood Mountain là Thổ; và Crack In The Skye là Aether (nhân tố thứ năm). Nhân tố Gió còn lại vẫn chưa xuất hiện trong các album của họ;
Trường đoạn “Escape” trong track 4 “The Czar” cũng có thể hiểu là Rasputin "tốt bụng" bày ra để chết và nhờ đó nhân vật chính có thể thoát ra khỏi ông này;
Trong “Crack In The Skye”, bầu trời mở ra để 2 linh hồn bay lên, trong khi tinh thần của Brann Dailor thì rớt xuống (trường đoạn "Spiraling") sau khi chứng kiến em gái của mình quyên sinh. Ý niệm về “vết nứt trên trời” có lẽ cũng là nơi mà Brann Dailor gặp gỡ 2 linh hồn kia giống như 2 thực tại song song bỗng giao nhau tại điểm đó?
Đoạn kết của nhân vật chính có lẽ cùng ý tưởng với bộ phim Source Code do Jake Gyllenhaal thủ vai năm 2011, khi một phế binh hầu như không còn khả năng tiếp tục sống đã nhờ cỗ máy tạo ra một dòng thời gian hoàn toàn khác và tiếp tục cuộc sống của mình ở bên dòng thời gian song song đó sau khi thân xác anh này đã chết. Nói cách khác, Mastodon đã cứu vớt linh hồn của Brann Dailor và anh như đã được sống hết mình trong một thực tại song song hoàn toàn khác so với chính anh trước đây;
Chưa kể, sự hay ho trong âm nhạc của Mastodon không dừng lại ở những lớp nghĩa từ lời hát. Khi nghe những bản instrumental của các ca khúc này trong album Remaster kỷ niệm 15 năm ngày phát hành, những bản nhạc chỉ có riff và trống mà không có lời hát lại đưa người nghe tới những không gian khác hẳn.
Sự xoa dịu và chấp thuận chắc chắn là những giá trị mà album này muốn đem tới. Vẫn biết “xuất hồn”, du hành ngược thời gian, hay đoán biết trước tương lai là những thứ siêu nhiên ai cũng thèm khát được thử, nhưng đoạn kết của câu chuyện dường như nhắc mọi người rằng mọi thứ đều xảy ra theo cách của nó, và thay vì tìm cách thay đổi, hãy chấp nhận rằng mọi thứ xảy ra đều có lý do.
***
Crack The Skye chắc chắn không phải lần đầu tiên Brann Dailor viết nhạc về Skye Dailor, cũng như tạo ra nền móng cho album nhạc của Mastodon. Chính anh cũng là người mở đầu cho Leviathan kinh điển, khi tạo ra đoạn riff mở đầu cho bản “Blood and Thunder” cũng như chơi một phần trống đầy lạ lẫm trong suốt album này với liên tục các cú nhồi trên snare và tom không theo bất cứ một dự định nào và luôn đặt người nghe vào trạng thái liên tục căng thẳng trong suốt hành trình. Không chỉ thế, Brann Dailor luôn biết cách thách thức hai tay guitar cự phách của mình phải tạo ra những thứ mạnh mẽ và da diết hơn, và đặc biệt là những phần kết lại của mỗi bài hát của Mastodon luôn là những đoạn nhạc đáng nhớ.
Blood Mountain (2006), một album concept khác xen giữa Leviathan và Crack The Skye, cũng là một album cực đáng nhớ với phần guitar ảo diệu đầy ám ảnh và nhiều phần nghe như nhạc Psychedelic.
Mastodon không chỉ có phần guitar dày đặc với các câu riff nặng và ngầu nghe ám ảnh nhưng luôn sẵn sàng đổi nhịp và nghe tươi sáng với các đoạn bridge với guitar đôi của Kelliher và Hinds; phần trống luôn hối thúc nhưng cũng cực chính xác với nhịp chẵn lẫn nhịp lẻ của Dailor; sức mạnh của Mastodon còn tới từ 3 người có thể hát là Tron Sanders với chất giọng ma quái, Brent Hinds với chất giọng nhừa nhựa, và cả Brann Dailor có thể hát giai điệu như một Punk rocker. Mastodon có quá nhiều chất liệu để làm nên đủ loại các thể loại nhạc khác nhau, và họ làm thế thật.
Sau 3 album concept liên tiếp, Mastodon quyết định họ không thể làm hay hơn Crack The Skye nữa nên chuyển hướng qua những bản Metal ngắn gọn kiểu truyền thống và hát có giai điệu thay vì ê a hoặc hát gào thét như thời đầu. Họ thậm chí còn leo lên tới vị trí số 10, vị trí tốt nhất trên Billboard của họ, với The Hunter (2011) theo cách này. 8 album của Mastodon tới thời điểm này là 8 phong cách khác nhau cùng với 8 âm thanh khác nhau, nhưng ngoài album đầu chưa có nhiều định hình, 7 album còn lại chưa có chiếc nào tỏ ra hụt hơi. Chưa một ai có thể đoán được Mastodon sẽ làm gì trong album tiếp theo của họ.
Kể cả khi tay guitar Brent Hinds bỗng chốc tuyên bố rời band vào tháng 3 năm 2025 vừa rồi, tôi không nghĩ có một ai có thể mạnh dạn tiên đoán họ sẽ suy yếu hay sẽ trở lại mạnh hơn.
Và mặc dù cá nhân tôi rất tiếc tài năng chơi guitar và viết nhạc của Hinds, tôi đã tự tìm nghe lại Crack The Skye sau khi nghe tin anh rời đi sau 25 năm gắn bó với ban nhạc này. Cũng giống như những lần phải chứng kiến những biến cố khác đi qua.
Chấp nhận rằng mọi việc xảy ra đều có lý do của nó, phải không?
Hẹn gặp lại!
Kcid