Hỏi anh về Jason Becker: Jason Becker là một cầm thủ vĩ đại. Đương nhiên những gì xảy ra với Jason là một tội ác. Nếu không vì vụ ALS đó, Jason hẳn sẽ có một sự nghiệp vĩ đại. Nhắc đến "Perpetual Burn" hay mấy đồ của Cacophony thời đó, vĩ đại đúng không? Giống mấy cái tao chơi vậy.
Hỏi anh về Dream Theater: ban nhạc vĩ đại. Nhìn mấy tay chơi nhạc đúng nghĩa tạo ra âm nhạc hay như vậy và bán được nhiều đĩa sướng vãi. Nhưng hội đó là ngoại lệ thôi. Và hội đó không được chuộng ở Mỹ như ở Nhật hay vài chỗ ở châu Âu đâu.
Hỏi anh về Alex Skolnick (Testament): Alex... nó không them chơi rock nữa rồi. Nó toàn chơi cái gì mà gọi là fusion. Jazz diếc gì đấy trộn với vài món khác.
Hỏi anh về The Great Kat: tao chỉ nghe vài bài của Great Kat, nhưng nếu chúng mày đánh giá cô đó vào hạng cao thủ thì xin lỗi, với tao nghe thật nực cười.
Hỏi anh về Grunge: Grunge có lẽ là thứ khủng khiếp nhất từng xảy ra đối với âm nhạc. Mấy gã ăn mặc như hội làm cho Seven Eleven, đội mấy chiếc vớ lên đầu vào giữa tháng 7 và chơi thứ nhạc như c*t. Kinh vãi.
Hỏi anh về Steve Vai: Cầm thủ vĩ đại, mặc dù tao không nghe lão nhiều lắm. Kiểu như, với tao thì Joe Satriani hay Eric Johnson chắc chắn là vĩ đại, và Steve Vai cũng thế. Mỗi tội tao hay nghe chơi guitar kiểu châu Âu hơn, như là Uli Jon Roth, Gary Moore, Ritchie Blackmore, Yngwie, hay Al DiMeola (dĩ nhiên lão này là người Mỹ). Steve Vai thì có âm sắc rất Mỹ rồi.
Về nước Mỹ: âm nhạc của nước Mỹ nhìn thấy gớm. Chắc giờ là thời của Anti Guitar Hero. Mấy tay chơi giàu kỹ thuật kéo lại được chút. Tao nhớ có tay guitar chơi cho Smashing Pumpkins với thằng chơi cho Marilyn Manson đều được lên bìa tạp chí guitar. Đúng là bọn đó bán được nhiều đĩa thật, nhưng tao không nghĩ chỗ của mấy thằng đó là ở trên trang bìa tạp chí guitar. Courtney Love nữa, tao không đâm chọc nhóm Hole đâu nhưng mà cô đó lên bìa tạp chí guitar chi vậy?
Đó là Joe Stump. Một người Mỹ cho là mình thấm nhuần tư tưởng âm nhạc của châu Âu từ thời phục hưng đến thời hiện đại, chứ không them chơi theo kiểu Mỹ. Một người tự cho rằng mình, cũng giống như Yngwie Malmsteen, bị ảnh hưởng từ Ritchie Blackmore, Gary Moore, hay Uli Jon Roth và “không ai bảo ai” cùng sáng tạo ra thứ gọi là Neo-classical. Hỏi anh về Yngwie Malsteen thì biết.
“Tao cũng kinh qua đủ loại review của lều báo rồi, và tao biết thừa chúng mày ngoài kia gọi Yngwie là kẻ tiên phong như thế nào và tao chỉ là thằng ăn theo. Tao được cái không thèm chấp nê, nên tao vẫn tồn tại và ra đĩa đến tận bây giờ. Dù rằng ở Mỹ fan base của tao không quá đông, thị trường châu Âu nói chung biết đến tao nhiều hơn.
Nên nhớ là lần đầu tao nhìn thấy Yngwie trên mục “Spotlight” của tờ "Guitar Player" hồi năm 1983, tạo đọc thấy nó nghe Blackmore, Uli Jon Roth, với Al DiMeola, đều là những tay guitar ưa thích của tao. Lúc đấy tao cũng nghĩ có thể tao cũng hơi giống tay Yngwie này. Rồi thì tao nghe đĩa của đám Alcatrazz (band đầu tiên của Yngwie Malmsteen) và bắt đầu tập theo vài lick của bọn đó. Dĩ nhiên lúc đó tao đã chơi khá nhiều đồ của Al DiMeola, và dĩ nhiên đồ của Yngwie thì bị ảnh hưởng bởi Al, nên mấy ý tưởng đó cũng giống của tao phết. Nên nhớ là hồi tao là sinh viên ở Berklee, tao chơi hơi bị nhiều đồ của Paganini với Bach, là những thứ mà sau này Yngwie nó suốt ngày chơi theo và truyền bá. Nhưng đúng là Al Di Meola với John Mclaughlin là những người gây ảnh hưởng cho tao về cách dung miếng gảy chơi nhạc cổ điển.
Vậy đó, tao bị ảnh hưởng bởi cùng những người như Yngwie. Nói cách khác, Yngwie thì rõ rang là ảnh hưởng đến cách chơi của tao (bởi thành công của nó). Một phần là vì tao là một trong số ít người trên thế giới này có nhiều hơn hoặc ít ra là ngang bằng kỹ thuật của nó.
Nhớ nha, tao thực ra bị ảnh hưởng bởi Ritchie Blackmore với Gary Moore hơn là Yngwie. Đừng quên Paganini với Bach nữa”.
À, đến đây mọi chuyện bắt đầu thú vị. Vì khỏi cần nói ra thì những gì xuất hiện ở bề ngoài của Joe Stump, đều mang dáng dấp của Yngwie. Tinh thần chơi guitar thì toàn neo-classical. Ăn mặc và bề ngoài cũng giống (thậm chí cũng đeo cả mấy chiếc vòng với thánh giá ở bên tay trái), guitar cũng màu vàng và là cây Stratocaster phím lõm. Và bìa đĩa thì, dù không phải kiểu "Yngwie gọi thì Joe Stump thưa", nhưng font chữ, hình ảnh, lửa và chim, thôi thì tùy mọi người đánh giá. Có chăng, hay là gã Joe Stump này tay nhanh hơn Yngwie Malmsteen thật?
Ấy nên khi hỏi gã về cây Stratocaster phím lõm mà gã dùng y chang như của Yngwie: "tao với Yngwie dĩ nhiên đều bị ảnh hưởng từ Ritchie Blackmore. Nhưng tao chọn cây phím lõm một cách tự nguyện thôi, chứ đừng nghĩ tao bị ảnh hưởng bởi Ritchie hay Yngwie. Đơn giản vì nó rất dễ để làm chủ được nốt, cao độ và vibrato. Nhưng chắc chắn Ritchie Blackmore là ngườ khiến tao tìm đến cây guitar phím lõm. Còn Yngwie, mày có thể đoán được, cũng nhờ Ritchie đấy. Dĩ nhiên nó sẽ không bao giờ công nhận điều đó.
Nói thế này cho đơn giản, Yngwie lấy đồ của Ritchie Blackmore và đẩy nó lên tầm cao hơn. Còn tao lấy đồ của Yngwie và đẩy nó lên một tầm cao nữa. Có rất nhiều thứ trong nhạc của tao mà chắc chắn Yngwie sẽ không thể chơi được. Trừ khi nó tập liên tục 5 hay 6 tiếng một ngày."
Đến đây thì mọi thứ quả nhiên rất giải trí. Người luôn bị coi là “clone” nay lớn tiếng cho rằng mình còn giỏi hơn bản gốc. Dĩ nhiên tui thì không đủ trình để đánh giá ai giỏi hơn. Nhưng tui có thể khẳng định, nếu không thi guitar mà thi xem ai “tự tin” hơn, hẳn tui sẽ đặt cửa cho Joe Stump.
Vậy bài nào của Joe Stump mà khó vãi, là bài Yngwie khó mà chơi được? Đoạn quét dây arpeggios trong bài "Rapid Fire Rondo", theo chỉ định của Joe Stump thì đừng nghịch vào. Ngược lại, với Joe Stump, bất cứ thứ gì của Yngwie Malmsteen, gã đều chơi được nếu không muốn nói là nhanh và sạch hơn. Kiểu, tao ngồi xem tv, uống beer và ngồi nghe “concerto” của Yngwie và ghi ra bản nhạc cho vui trong 2 phút.
Nhưng rồi quanh những câu chuyện của Joe vẫn chỉ luôn là Yngwie Malmsteen. Ngay như bản “concerto” và album cùng tên chẳng hạn, Joe Stump cũng phải gật gù đó là album cực hay dù có quá nhiều thứ Yngwie tự lặp lại mình trong đó. Ngay từ album đầu Yngwie chơi với Alcatrazz (từ năm 1983), "nhà phân tích Joe" đã chỉ ra ngay mấy món Yngwie chơi rất ăn khách thời đó là đồ “mượn” từ Uli Jon Roth. Cụ thể hơn là từ đĩa Virgin Killer hay In Trance của Scorpions. Và chỉ khi nhắc đến album đầu tay của Yngwie Malmsteen, Rising Force, Joe Stump mới gật gù cho đó là album vào hàng tâm đắc nhất, bên cạnh những Made In Japan của Deep Purple, hay We Want Moore của Gary Moore. Cung co the, Joe Stump khong khóai Graham Bonnet và band Alcatrazz thời 1983?!?
Thế đấy, cho dù Joe Stump có nói rằng, nhạc của anh là thứ của Yngwie nhưng giận dữ và mạnh mẽ hơn, rồi về mặt kỹ thuật thì anh thượng thừa hơn, nhưng thứ trong câu chuyện của anh vẫn chỉ xoay quanh Yngwie và Yngwie. Và về mặt thời gian, album đầu tiên của Joe, Guitar Dominance, mãi đến năm 1993 mới ra lò, nghĩa là đã sau Yngwie đến cả hơn chục năm chứ chưa nói gì đến chuyện thế giới âm nhạc của thập niên 90s đã sang một hình thái khác.
Ở góc độ một fan nghe nhạc của thể loại instrumental, tui chỉ nghĩ đơn giản có thêm những người như Joe Stump chỉ làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Và hơn thế, những cuộc phỏng vẫn cóp nhặt như ở trên chỉ khiến mọi thứ xung quanh anh trở nên giải trí hơn và những người nghe nhạc thuần tùy càng thêm cảm kích về những gì mà phiên bản “gốc” như Yngwie Malmsteen đã tạo ra.
Tui sẽ không nói dối khi nói rằng, tui đã không đủ sức nhận ra sự vĩ đại của Yngwie Malmsteen từ những lần đầu nghe anh, nhất là khi có quá nhiều người bị ám ảnh với cái mác “đánh guitar nhanh nhất thế giới” của Yngwie. Những người như Joe Stump, đâm lại giúp tui ngộ ra được vài điều.
Vậy nên, xin đừng ghét Joe Stump, dù cho các bạn có cho anh là gì đi nữa.
Trong một diễn biến khác, năm 2019, Graham Bonnet trong công cuộc phục hưng lại Alcatrazz, đã chọn Joe Stump làm tay guitar mới nhất của band. Xin không bình luận gì thêm.
Lưu ý: phỏng vấn cóp nhặt từ nhiều nơi trên internet, và tự xào nấu lại không theo một bài bản gì, chủ đích là để lung lạc người đọc theo cách của lều báo chính thống.
Hẹn gặp lại.
Kai