top of page

The Shadows: Cây Stratocaster đầu tiên của nước Anh

Nếu như có ai từng hỏi, ai là ban nhạc quan trọng bậc nhất ở nước Anh bên cạnh The Beatles vào thập niên 60s, thì với tôi, đó là The Shadows. Rất xin lỗi nếu như câu trả lời này khác với câu trả lời của các bạn, nhưng chắc chắn trước khi The Beatles xuất hiện, The Shadows và phần nào đó là sự kết hợp của họ với Cliff Richards mới là những người hoành hành trên các bảng xếp hạng. Thậm chí, khi The Beatles bắt đầu thành danh trong sự nghiệp của mình, họ thậm chí đã không muốn xuất hiện trước công chúng với cây đàn Fender suốt thời gian đầu chỉ vì không muốn bị liên tưởng tới The Shadows và cây Fender Stratocaster màu đỏ.


Câu chuyện của Cliff Richards


Với cái tên cúng cơm Harry Rodger Webb, Cliff Richards vốn đi hát từ khi còn học ở trường trung học. Anh lập ra ban nhạc The Drifters với tay trống Terry Smart và hai tay guitar Norman Mitham và Ian Samwell, những người cùng có sở thích chơi thứ nhạc Skiffle vốn được du nhập từ nước Mỹ xa xôi. The Drifters nhanh chóng kiếm được hợp đồng thu âm với hãng EMI và Harry Webb cũng nhanh chóng lấy nghệ danh là Cliff Richards (trong đó chữ Richards được chính tay guitar Ian Samwell gợi ý từ cái tên Little Richards, một thần tượng từ nước Mỹ của anh). Theo mốt thời đó (tên ca sĩ + ban nhạc), ban nhạc cũng đổi tên thành Cliff Richards and The Drifters.


Chả hiểu sao cái thứ nhạc Skiffle này làm mê đắm đám thanh niên nước Anh thời đấy đến thế. Cũng có thể tại nó thiên về guitar với thứ âm nhạc pha giữa Folk dân ca, nhạc Blues, nhạc Country; cùng với các nhạc cụ thậm chí phi tiêu chuẩn như washboard (tựa như cái mâm sắt để giặt đồ dùng để làm bộ gõ). Cliff Richards cũng xuất thân từ ban nhạc Skiffle mang cái tên dài thòng The Dick Teague Skiffle Group, còn John Lennon lừng danh sau này thì cũng từ một skiffle band mang cái tên The Quarry Men mà ra.


Được cái là mặc dù đều bị ảnh hưởng từ cái thứ âm nhạc gốc Blues của nước Mỹ, mấy người này cũng đã bắt đầu manh nha tự viết nhạc cho mình. Cliff Richards, người được lăng xê như là Elvis của nước Anh thời đó, may sao vớ được bản "Move It" do tay guitar Ian Samwell sáng tác và ghi âm tháng 7 năm 1958 ở Abbey Road Studio. “Move It” bay vèo vào vị trí số 2 bảng xếp hạng nước Anh và được các hậu bối của Cliff Richards sau nay tung hô là bản nhạc Rock 'N Roll đầu tiên của thế hệ của họ.


Bài này nếu nghe ở thời điểm bây giờ thì nó thực sự không có gì quá đặc biệt với cái màu sắc Rock 'N Roll đặc sệt và lối thu âm mono vì lúc ấy chỉ có đầu thu 2-track. Nhưng có lẽ ở thời điểm hỗn mang khi nước Anh còn đang sùng sục tìm cách chơi cho ra những âm thanh day dứt như người Mỹ, sự xuất hiện của “Move It” thật chẳng khác gì sự khởi đầu  của Rock 'N Roll như cách mà Bill Haley & His Comets (cũng là một thần tượng của giới trẻ nước Anh thời đó) xuất hiện với “Rock Around The Clock”. Cliff Richards và The Drifters nhanh chóng được ký để đi tour khắp nước Anh nhưng đùng cái, lúc này tay guitar Norman Mitham bỗng rút lui khiến tay quản lý John Foster phải chạy đôn chạy đáo tìm người thay thế.


Lúc ấy ở London, phòng trà 2i, vốn là chỗ đám nghệ sĩ mới (thường là chơi nhạc Skiffle) thường tới biểu diễn khá tự do. John Foster vốn tính kiếm tay guitar khá nổi danh thời đó là Tony Sheridan để về chơi cho The Drifters, nhưng rốt cục lại tóm dc anh này chơi guitar khá cự phách lại còn đeo cặp kính như Buddy Holly. Tay guitar này tên là Hank Marvin.


Nhân tiện thì cây Fender Stratocaster đầu tiên của nước Anh cũng là do Cliff Richards mua cho Hank Marvin. Đủ thấy Cliff Richards trân trọng tài năng của anh này thế nào.


Câu chuyện của The Shadows


Hank Marvin (tên cúng cơm Brian Robson Rankin), dĩ nhiên cũng xuất thân từ ban nhạc chơi Skiffle như bao người với cái tên The Crescent City Skiffle Group. Điểm khác biệt của Hank Marvin có lẽ đến từ sự tò mò với cây đàn guitar điện và luôn tìm cách để tạo ra âm thanh “kiểu Mỹ” giống như những gì anh nghe thấy ở trên đài. Chưa kể, khi anh này vô tình chạm cây guitar của mình vào chân mic tạo ra một tiếng “bang” ở trên sân khấu cũng như khi tiếng đàn của mình đứt cái “pực” khi còn đang cắm trên amply, Hank đều cảm thấy có một sức hấp dẫn đặc biệt với cái tiếng feedback hoặc tiếng rú rít mà cây đàn vô tính tạo ra.


Điều đặc biệt nữa của Hank Marvin, là cái sự đam mê các câu solo guitar chỉ có một nốt một mà người Mỹ vẫn thường làm. Chứ sao, trong một cái thế giới mà cây guitar vốn được chỉ định là chơi hợp âm và thường là nhạc cụ để “đệm hát” cho người khác, việc chơi liên tiếp các nốt nhạc như cách của một nhạc cụ độc tấu có lẽ hãy còn là một ý tưởng táo bạo ở thập niên 50s. Những bậc kỳ tài như tay guitar Blues là James Burton người Mỹ là một trong những người đem tới cho Hank Marvin nhiều sự tưởng tượng nhất – chí ít là anh tưởng tượng ra ông Burton này phải to khỏe như Hulk vì có thể nhéo dây chíu chíu với cái dây đàn guitar thời đó chắc phải to như cây đũa. Điều mà người Anh chưa học được từ người Mỹ thời đó do cách trở địa lý, ấy là việc người Mỹ xài dây đàn banjo trên guitar cho dễ nhéo (thường dây đàn banjo được lắp xen kẽ ở dây 1 và 3 với dây guitar cho dễ nhéo).


Nói về cái khoản “lạc hậu” này thì chắc chuyện kể mãi không hết. Một tay guitar thuộc loại sừng sỏ sau này của nước Anh là Andy Summers (lead guitar của The Police) cũng đã từng cảm thấy vô cùng tự hào khi vô tình tìm ra cách nhéo dây khi kéo một nốt ở dây B và nhả nó về đúng note gốc. Một cảm giác tự hào vô đối vì anh đã chơi được nốt nhạc Blues đầu tiên.


Lúc này cùng quê Newcastle với Hank Marvin còn có tay guitar Bruce Welch (tên cùng cơm là Bruce Cripps) và cũng tự lập ra một ban nhạc chơi thể loại mà ai-cũng-biết-là-gì-đấy (nói nhỏ: skiffle) tên là RailRoaders. Khi Marvin và Welch này cất công chạy xuống London để đi xem cái phòng trà 2i nó ra sao, hai ông kết quá bèn nhập band luôn (với cái tên RailRoaders) để quyết thi thố ở cái xứ London này coi sao. Lúc này thì Hank Marvin cũng khá là kinh nghiệm với cây Windsor G5 lắp dây đàn banjo cộng với pick up tự lắp và lại còn có thêm một cái amply nhỏ xíu đi cùng – thứ có lẽ cũng là xa xỉ với các tay guitar thời ấy. Thật chứ lúc đấy mấy cái anh RailRoaders này cũng trầy trật với các cuộc thi tìm kiếm tài năng, nhưng được cái bộ đôi Marvin-Welch kiếm được chỗ đứng khá ổn ở phòng trà 2i. Nền âm nhạc nước Anh thời cuối thập niên 1950s chả khác nào nước Việt thời sau những năm 2000s.


Và đó cũng là nơi Cliff Richard tìm ra Hank Marvin. Anh này đồng ý tham gia band The Drifters miễn là có ông bạn Bruce Welch vào cùng chơi rhythm. Cũng từ đây, phần nền trong nhạc của Cliff Richards bỗng trở nên thật đặc biệt với phần guitar của bộ đôi này vì không chỉ có những phần rhythm guitar quen thuộc, Hank Marvin luôn sẵn sàng châm thêm các câu guitar solo điểm xuyết ở phía sau. Cliff Richards nhân tiện có gà mới lại không vui vẻ mấy với tay bass nên gọi một anh chơi bass khác là Jet Harris vào, và cùng với đó, anh này tiến cử tay trống Tony Meehan. Đội hình 4 người Hank Marvin, Bruce Welch, Jet Harris, và Tony Meehan trở thành ban nhạc chơi phía sau của Cliff Richards và thu âm album kinh điển Livin Loving Doll năm 1959.


Và họ cũng nhân tiện đổi tên thành The Shadows sau khi cái tên The Drifters trùng với một ban nhạc khác ở Mỹ.


Câu chuyện của cây Fender Stratocaster màu đỏ


Giống như máy bay Boeing 747, chiếc xe Citroen DS, máy tính Macintosh của Apple, cây Stratocaster của Fender cũng lọt vào nhóm những sản phẩm biểu tượng của thế kỷ 20. Với người Anh, cây Strat màu đỏ gắn liền với Hank Marvin (giống như những cây Strat đen gắn với David Gilmour của Pink Floyd hay Eric Clapton). Nhưng thực ra đó lại là sự nhầm lẫn đầy may mắn của Hank Marvin.


Chắc không nhiều người từng thắc mắc tại sao nước Anh ở cuối thập niên 1950s không có cây đàn “tử tế” như anh em người Mỹ. Lý do họ ko có Fender và Gibson cho tới tận đầu thập niên 1960s là vì lệnh cấm vận nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ - một hệ quả từ xung đột giữa quân đội hàng hải hai nước từ thế kỷ 19. Chả liên quan lắm đến chiến tranh nhưng các nhà bán đàn thời đó vô tình buộc phải chuyển qua nhập đàn làm từ các nước trong khu vực châu Âu như hãng Hofner từ Đức hay Tatay từ Tây Ban Nha.


Dĩ nhiên trong điều kiện không có internet thời đó, Hank Marvin lờ mờ nhận ra thần tượng James Burton của mình chơi cây Fender Stratocaster. Cliff Richards, vốn không có gì ngoài điều kiện, bèn quyết định nhập một cây về cho Hank sau khi nhìn cuốn catalog mà ban nhạc đưa cho anh, và thế mới thành câu chuyện cây Stratocaster đầu tiên của nước Anh là dành cho Hank Marvin. Khỏi phải nói với Hank và Bruce khi lần đầu nhận cây đàn Strat màu đỏ, hai ông đã mất công nhìn ngắm và trầm trồ nó mất bao thời gian. Mãi về sau, cả đám mới biết mình nhầm to vì James Burton hóa ra chơi cây Fender Telecaster. Gà vãi!


Nhưng gà thế lại hay, bởi cây Stratocaster thì mới có cần nhún và  khỏi phải nói thì cần nhún của cây Strats đã giúp Hank Marvin thổi hồn vào tưng nốt nhạc như thế nào. Thú thật, trước giờ người ta chỉ quen bấm vào phím và gảy pưng một cái – thế mới thấy nước Anh lạc hậu thế nào. May mắn hơn, Hank Marvin vô tình vớ được cục phơ echo box do ông bạn chê không xài và phát hiện ra mình có thể tạo ra tiếng âm vang như những gì anh nghe thấy trên radio của nhạc Mỹ. Yên tâm nhé, cuối cùng Hank Marvin cũng có thể tạo ra được âm thanh người Mỹ. Nhân tiện, sau 1960, lệnh cấm vận cũng được gỡ đâm ra từ nay anh em muốn chơi đàn Mỹ kiểu gì cũng có.


Jerry Lordan, một nhạc sĩ vốn là bạn thân của The Shadows bỗng một ngày mang tới bản demo của Apache. Bộ tứ của The Shadows quyết định thu bản này sau khi nghe Lordan chơi trên cây ukulele và hát giai điệu ư ử. Mọi chuyện sau đó trở thành lịch sử.


Câu chuyện của “Apache”


Tháng 7 năm 1960, cả nước Anh tỉnh dậy trong một giai điệu nhạc instrumental mới toe. Bắt đầu trên các bảng xếp hạng ở vị trí 19, bản nhạc này leo một lèo lên vị trí số 1 vào tháng 8 và thậm chí còn leo cao hơn cả "Please Don’t Tease" của Cliff Richards, bản nhạc cũng có The Shadows chơi ở phía sau.


Mọi chuyện được manh nha từ khi Jerry Lordan, một nhạc sĩ tự cho là không quá giỏi trong chơi nhạc, phát hiện một hòa âm cực lạ khi anh bạn chơi piano jazz chuyển từ C minor sang F major và đòi chỉ cho bằng được. Dĩ nhiên chơi guitar thì ông nào cũng muốn dễ bấm, nên Jerry chuyển nó xuống một quãng 3 để biến nó thành bài ở giọng A minor và chuyển sang D major, và rồi nghĩ ra toàn bộ giai điệu cho bài này với ý tưởng phản ánh tính cách can đảm nhưng cũng quá khích của người Anh-điêng (Indian).


Nhưng đoạn dạo mở đầu trong bài này thì hoàn toàn là ý tưởng của Hank Marvin khi anh chơi ở những nốt lạc lõng D# ngay ở nốt thứ ba của đoạn dạo – nốt không nằm trong cả A minor lẫn D major. Ý tưởng khác thường nhưng nghe hợp lạ lùng khiến bản nhạc nghe thật cuốn ngay từ đoạn mở đầu.


Góp giọng với phần solo réo rắt với những nốt nhạc như thở gấp gáp từ cần nhún của cây Strats là phần rhythm chắc cú của Bruce Welch – nói thì các bạn đừng lo cho anh này vì mặc dù không có được cây Strats như cục cưng Marvin thì Bruce vẫn được Cliff “tạo điều kiện” với cây Gibson J200 với tiếng đàn mập mạp đầy đặn, cây đàn mà Bruce nhìn thấy Elvis Presley từng đeo. Trong khi đó, tay trống Tony Meehan cũng góp phần tạo ra phần beat đặc trưng (mặc dù kỹ thuật thu âm với 2-track đã khiến tiếng kick drum của anh gần như biến mất). Cả hội thậm chí còn cố gắng tạo ra tiếng trống như tiếng trống trận của người Anh-điêng – dĩ nhiên là sau khi lục tung cả phòng thu Abbey Road họ tìm thấy một cái trống y như cái trống đội của Việt Nam nhà mình, và vì chỉ có thể thu tất cả trong cùng một lúc, Cliff Richards đã phải góp sức gõ cái tiếng trống trận thình thình dễ nhận thấy ở đoạn đầu đó.


Tất cả những điều đó chỉ nói lên sự hợp tác không chút tính toán giữa Cliff Richards và bộ tứ The Shadows, những người đáng nhẽ bị coi là lép vế hơn so với những ngôi sao mà họ chơi nhạc cùng.


Khỏi phải nói thì còn nhiều yếu tố khác giúp sức cho The Shadows, như việc phòng thu Abbey Road lúc đó hãy còn chưa quá bận rộn do The Beatles còn chưa kịp thành hình, cũng như việc hãng đĩa khá hào phóng trong việc để Cliff Richards lẫn The Shadows phát hành đĩa song song cùng với nhau, với hơn chục cái top 10 cho cả mỗi đội hình.


Riêng với The Shadows, họ đã tạo ra một cách nghe nhạc hoàn toàn mới cho khán giả ở thời đầu thập niên 1960s khi tạo ra những bản nhạc không cần người hát và đẩy tiếng guitar solo lên vị trí trung tâm với những hit liên tiếp sau "Apache" như "Kon-Tiki", "Wonderful Land", "Foot Tapper", “F.B.I”, v.v. Chưa kể, tiếng đàn guitar không lẫn vào đâu được của Hank Marvin không chỉ khiến cho tiếng đàn solo trở nên mềm mại và sâu lắng, nó còn khiến cây guitar solo trở nên thật quan trọng và biết bao thanh niên bỗng cầm lấy cây đàn để chơi một nốt nhạc từ đây. Album tổng hợp Twang! (2004) phát hành tới 40 năm sau đó như là một sự tưởng thưởng quan trọng tới Hank Marvin và các đồng đội, khi những tay guitar rock kỳ cựu nhất như Tony Iommi, Ritchie Blackmore, Brian May, Mark Knopfler hay Steve Stevens đều góp mặt và chơi một bản hit của Hank Marvin, người đã truyền cảm hứng cho tất cả.


Nó lại khiến tôi nhớ lời tay guitar kỳ cựu Joe Brown (cũng gốc là dân Skiffle nhé) từng nhận xét “Tao ước gì tao có số tiền xu bằng số người không nhận ra họ đã bị ảnh hưởng bởi Hank Marvin”.


***

Góc nhảm cức:

Có nhiều giả thuyết về việc tại sao The Beatles không chơi Fender ở giai đoạn đầu sự nghiệp của họ mà lại chọn đi cùng với dòng đàn Hofner của Đức. Dĩ nhiên đàn Hofner thì không hề tồi với âm thanh khá đặc trưng, dù rằng đó không phải đàn Mỹ. Tiền có thể cũng là vấn đề. Nhưng lý do to đùng mà tôi thấy khá hợp lý là việc The Beatles không muốn bị liên tưởng tới The Shadows, cỗ máy tạo hit ra đời trước họ một vài năm. Mãi tới album Rubber Soul (1965), The Beatles mới bắt mò tới cây Fender Stratocaster và hình như cũng từ đó nó trở thành cây đàn quen thuộc của George Harrison. Khỏi phải nói thì The Beatles luôn đúng, vì họ đã góp phần vào số lượng bán đàn kỷ lục của Rickebbackers và Hofner năm 1964.


Nhưng ít nhất thì cũng có kẻ khè được cả The Beatles trong mấy năm đúng không?


Hẹn gặp lại!


Kcid

© 2018 by EmoodziK

bottom of page