top of page

Bỗng dưng nhạc của John Legend thăng hoa


Lời mở đầu: bài viết chủ yếu review album Darkness and Light của John Legend. Bài viết mang tính chủ quan, không áp đặt, chỉ nhằm mục đích chia sẻ.

Nhạc của John Legend thuộc dạng kỳ lạ đối với tôi. Vì mặc dù rất thích nhạc r&b, tôi đã không ít lần thấy "nản" với các nghệ sĩ r&b bị dần dần thương mại hoá khi pha nhiều pop mainstream hay nhạc điện tử ở các album sau này (tôi đang nói đến Usher). Nhạc của John Legend do vậy có ấn tượng tốt với tôi ở chỗ nó không quá thương mại. Anh hát cực hay: ấm và tình cảm, với cách đánh piano mượt mà. Dù vậy, nó không đủ đặc biệt với tôi để tìm hiểu thêm. Có người từng nói John Legend là một nghệ sĩ mà mọi người đều quý và ước là họ có thể ưa thích nhạc của anh hơn (mà không được). Tôi đúng là kiểu như vậy đấy, và cảm giác lúc nghe mấy album đầu nhìn chung ok dù không có nhiều kích thích. Nó như thiếu một cái "màu" gì đó đặc trưng để mình tìm nghe lại nhạc của anh. Nhưng là “màu” gì thì tôi chịu. Kể cả đến bài "All Of Me" nổi đình nổi đám của John mà chắc bây giờ đã trở thành “cưới ca” vì bao nhiêu đám cưới đều bật bài hát này, nhưng tôi vẫn nghe với đôi tai khép hờ (tất nhiên tai tôi không tự khép lại được, tôi ví von thế thôi). Cũng có thể do tôi trót cưới trước khi có bài này rồi và sau trở nên khô khan hóa nên không cảm nhận được sự lãng mạn trong giai điệu. Tôi chỉ thấy nó hơi bị "sến" kiểu nhạc pop, hơn là mang màu sắc r&b. Ah, thế mà đến lần nghe đĩa Wake Up! mà John hợp tác với ban nhạc hip hop The Roots thì tôi rất kết vì cái “chất” của The Roots và nhận ra rằng John hoàn toàn đủ tài năng để “tô màu” nhạc của anh. Khả năng là do anh đang định hướng tới mainstream, hoặc anh chưa tìm đúng producer?


Thế rồi chắc hẳn John dò được suy nghĩ này của tôi nên đến album Darkness and Light (2016), BAAAM!!!, có một sự thay đổi rõ rệt xảy ra. Đầu tiên phải kể đến số lượng nhà sản xuất và viết nhạc giảm hẳn, từ 24 và 44 cho album Love In The Future trước đó xuống còn 1 và 12 cho Darkness and Light. Nhà sản xuất duy nhất đó là Blake Mills, người đã từng hỗ trợ cho album Sound and Color của nhóm Alabama Shakes rất thành công trước đó. Blake sản xuất gần như toàn bộ album và cùng với John đồng sáng tác các bài hát cùng với sự góp sức của các nhạc sĩ khác. Nếu bạn từng nghe bài "Don’t Wanna Fight" nổi tiếng của Alabama Shake thì bạn biết là có thể đón chờ một sự thay đổi lớn trong album này của John Legend.

Có thể kể ngay đến sự biến đổi trong âm thanh của từng track nhạc và phần thu âm hát trong đĩa Darkness and Light: các âm thanh này hoàn toàn khác xa âm thanh truyền thống cũng như kiểu màu sắc "hoàn hảo sắc nét" thông thường. Ấn tượng đầu tiên của tôi đến từ "I Know Better" với lời tự sự:


Legend is just a name/ I know better than to be so proud/

I won’t drink in all this fame/ I’ll take more love than I’m allowed;

Vụ này phải quay lại nghệ danh Legend của anh, vốn tên thật là John Stephens. Từ những lần chơi nhạc đầu tiên cho Kanye West, nhà thơ J. Ivy nghe nhạc của John và nhận xét nhạc của anh có âm hưởng kiểu cũ, “old school”, nên sẽ gọi anh là John "Legend" (trong một dị bản khác tôi nghe được từ cô bạn người Arizona, Mỹ, thì Kanye West chỉ kiểu khích bác "ông hay thế này, tại sao không lấy mịa nghệ danh là Legend cho mấu").


Và phải đến  đĩa này tôi mới cảm thấy âm thanh “old school” rõ nhất ở anh, và dường như "I Know Better" trở thành cây cầu nối với những đĩa trước đây của chính anh khi vẫn hát kiểu ballad với piano chủ đạo, nhưng nay lại mang thêm âm sắc của nhạc gospel với bổ trợ của tiếng Hammond organ chuyên dùng trong blues và reggae. Tiếp theo là track "Penthouse Floor" với phần beat phong cách hip hop nhưng nổi trội là cách chơi câu bass "tan chảy". Chưa dừng ở đó, Blake còn đẩy thêm âm thanh nghịch tai bằng tiếng guitar lạch cạch và lại là hammond organ cùng tiếng đàn dây nghe căng căng, được kết bằng đoạn rap rất hay của Chance The Rapper.


Blake không dừng ở đó với cái giỏ đựng hộp màu mang theo cả khí cụ của anh. Anh và John còn mời Brittany Howard, ca sĩ trong chính ban nhạc Alabama Shakes hát chung trong bài hát cùng tên với album, "Darkness and Light". Giọng hát biến đổi ma mị và cực khoẻ của Brittany len lỏi đan xen với giọng hát của John biến thành bản ballad với chất soul cực hay và là bài hát yêu thích nhất của tôi trong đĩa. Và đằng sau giọng hát là tiếng snare nổ chơi rất chậm, và lại là tiếng guitar lạch cạch như nhạc của Alabama Shakes. Âm thanh hammond organ lần này đóng vai trò “phá đám” với hợp âm nghịch và chói tai lâu lâu châm vào nhịp giữa mỗi khuông nhạc của câu điệp khúc. Hay vô cùng!!! Các bài sau đó lần lượt mang tới âm sắc quái dị khác nữa. Chẳng hạn như "Love Me Now" có phần hát đệm bị phá tiếng và câu riff chính của tiếng đàn piano cố tình được chỉnh lệch tông đi một chút, khiến cho âm thanh như phát ra từ chiếc đàn lâu ngày không căng lại dây nghe rất cổ lỗ sĩ. Nhưng rồi, phần production đỉnh nhất của đĩa có lẽ vẫn là trong bài "What You Do To Me", khi Blake tạo ra đoạn điệp khúc cực “chất” với tiếng bass chao đảo đôi phần lấn ép tiếng guitar nhiều lớp, và cả tiếng slide guitar lúc ầm ĩ dồn dập rồi ngay lập tức biến mất hoàn toàn sau khi kết thúc điệp khúc; khiến cho bài hát được chia thành hai phần tách biệt đối lập. Kết thúc album là "Marching Into The Dark" với tiếng dàn dây quái dị ở outro chính là lời khẳng định cho một album có âm thanh nghe chừng tưởng mộc mạc, nhưng được tô điểm bởi các “màu sắc” của sự không hoàn hảo, và đâu đó in hằn vài nét vung chém phá cách. Và tất nhiên nhà sản xuất chỉ có thể khuếch trương âm thanh đến mức nào đó, vì "không có bột thì cũng khó gột nên hồ". Tôi cho là giai điệu kiểu soul/gospel pha với r&b chính là công thức phù hợp cho John Legend, giúp cho cả anh lẫn Blake tỏa sáng.


Dù vậy, có lẽ John Legend vẫn sẽ phải mất công thuyết phục tôi hơn nữa, trước hết là ở phần nhạc sử dụng nhiều hợp âm khá dễ đoán. Thêm nữa, album này của anh vẫn một số bài không quá hay, chỉ ở mức "filler" làm đầy đủ cho đĩa, mặc dù những bài nào hay thì đều rất ấn tượng với âm thanh rất độc đáo.


Thế nên tôi cũng vui cho anh vì John Legend có lẽ đã tìm được người khai thác hết tài năng của anh và làm nổi bật tinh thần “old school” như cái tên Legend của anh. Hãy cùng chờ đón album tiếp theo của anh, vì thường là ở lần cộng tác thư hai (sophomore), những gì hay nhất thường sẽ được trình làng.

Hẹn gặp lại

Kroon

392 views

Recent Posts

See All
bottom of page