Public Enemy: Nhạc chất thì cần gì “hoạt náo viên”?
- K.K.N.
- 6 days ago
- 17 min read
Khi trùm hãng đĩa Def Jam là Rick Rubin nghe bản "Public Enemy # 1", ông ban đầu chỉ định ký hợp đồng solo với MC chính trong nhóm là Chuck D vì Rubin không hiểu thành viên còn lại Flavor Flav thì có đóng góp gì cho Public Enemy. Trong track “Public Enemy # 1” đó, chỉ có mình Chuck rap hết 4 đoạn verse, còn Flav đảm nhiệm khúc intro và outro. Cuối cùng, nhờ vào sự kiên quyết của Chuck, Flav mới được ký hợp đồng ghi âm cùng.

Mà cũng chẳng phải mỗi Flavor Flav, trong một đội hình Hip Hop mà Chuck D gần như rap chính hoàn toàn, Public Enemy còn có cả một tay DJ (ngày đó là Terminator X), đội The Bomb Squad (team chuyên lo sản xuất nhạc cho nhóm), một Bộ trưởng Thông tin - Minister of Information (ngày đó là Professor Griff) như một phát ngôn viên truyền bá tri thức, và đội The S1W (viết tắt của cụm từ "Security of the First World") với những thanh niên da màu cường tráng. Nhiệm vụ của DJ và nhóm The Bomb Squad thì quá rõ ràng rồi, nhất là khi đội hình producer như The Bomb Squad đã trở thành thành tố quá quan trọng giúp đóng góp và làm nên các tuyệt phẩm cho Public Enemy sau này. Còn những thành phần "hỏi chấm" như Bộ trưởng Thông tin Professor Griff, team S1W và Flavor Flav hoá ra lại phát huy tác dụng trong những lần xuất hiện trước công chúng, đặc biệt ở những show diễn, trong đó Griff và S1W thể hiện những màn diễu hành quân đội trên sân khấu, còn Flav sánh vai cạnh Chuck để hỗ trợ tiếp lời của tay MC này và khuấy động bầu không khí phía dưới đám đông.
"Yeah, boyeeeeee!" là câu cửa miệng để hâm nóng buổi diễn của Flavor Flav, người nắm vị trí của một "hype man" trong nhóm nhạc huyền thoại Public Enemy. Thế nhưng cụ thể "hype man" thì đóng vai trò gì cho một nhóm nhạc Hip Hop?
Trong bài viết này, tôi xin tạm dịch "hype man" bằng từ "hoạt náo viên", tương tự như từ "cheerleader" được dùng trong thể thao, mặc dù thực tế là nhiệm vụ của "hype man" còn nhiều hơn cả việc đi khuấy động đám đông. Trong lịch sử phát triển Hip Hop, từ một lúc nào đó, "hoạt náo viên" đã trở thành một nhân tố quan trọng không kém những DJ, sánh vai cùng các MC trong những show diễn. Có điều, trong thể loại nhạc với hai yếu tố chính đến từ phần rap của các MC và phần beat của các DJ / producer, “hoạt náo viên” dường như ít được để ý tới nếu không tận mắt chứng kiến thứ năng lượng bất tận toát ra từ họ trên sân khấu. Cùng với những đột phá và sức ảnh hưởng trong âm nhạc của Public Enemy, Flavor Flav đã trở thành “hoạt náo viên” nổi tiếng đầu tiên trong lịch sử Hip Hop với phong cách độc đáo giúp Public Enemy tiếp cận tới số đông khán thính giả.
Vậy nhưng tại sao Flav có thể để lại dấu ấn khó phai trong một nhóm nhạc có tay MC với tài năng rap thuộc hàng huyền thoại như Chuck và các bản beat thuộc đẳng cấp thượng thừa do nhóm The Bomb Squad tạo nên? Để trả lời câu hỏi này thì trước tiên chúng ta phải nhìn vào The Bomb Squad và Chuck D trước khi đến với Flav.
The Bomb Squad
Phải nói là phần production của team The Bomb Squad (TBS) thuộc hàng đỉnh cao, đặc biệt nếu nhìn vào bối cảnh và công nghệ làm nhạc của thời bấy giờ. Các album của Public Enemy (PE) đa phần đều có âm thanh thô ráp, dầy đặc tiếng sample của nhạc cụ lẫn vocal, tạo ra một không gian âm thanh sống động, nhiều lúc rất “điện ảnh” trong đó. Hơn cả, đó là những đột phá về mặt nhạc đầy táo bạo khi họ đưa những tiếng rít ngang tai, tạo một sức căng để phù hợp với nội dung phản kháng mà MC chính của nhóm là Chuck D thể hiện.
“Cảm về nhạc quan trọng với tôi hơn là độ chính xác về nhịp. Cảm về nhạc cũng quan trọng với tôi hơn cả tông giọng của bài – và vì thế quan trọng hơn bất kỳ thứ gì khác”.
Đây là câu nhận định của Hank Shocklee – trưởng nhóm TBS, về khâu sản xuất thu âm cho các bản beat của PE. Nếu ngẫm sâu hơn về câu nói này, đó là một nhận định khá lạ của một nhà sản xuất nhạc Hip Hop ngày ấy. Nếu đem so với sự phát triển của Hip Hop ở thời điểm nửa cuối thập niên 80, beat của Hip Hop là những vòng lặp của các bản sample, đều đặn, nhiều lúc khá là nhàm chán. Thế nhưng chữ “nhàm” và chữ “chán” hoàn toàn không thể gán cho nhạc của PE được làm bởi các đôi tay vàng của đội ngũ TBS.

Được tạo bởi các thành viên gồm hai anh em Hank Shocklee và Keith Shocklee, Eric "Vietnam" Sadler, Chuck D, mỗi người trong đội ngũ này nắm giữ một phong cách làm nhạc khác nhau, nhưng tụ hợp lại để trở thành nhóm producer vô đối thời bấy giờ. Với khả năng chơi nhạc cụ, Eric như một nhạc sĩ khi lắp ghép các bản sample để tạo tính nhạc, đặc biệt là ở phần lập trình cho nhịp điệu trống được chuẩn về tempo và điều chỉnh tông cho các sample nhạc cụ. Keith thì thuộc làu các bản breakbeat và là bậc thầy về hiệu ứng âm thanh nên anh này sẽ giúp đưa cảm xúc bằng việc tô đậm nét cho phần nhạc, đặc biệt trong khâu lựa chọn âm sắc tiếng snare và kick drum táo bạo từ các bản sample. Chuck sẽ đảm nhiệm tìm các bản sample phần thoại để phù hợp với chủ đề bài rap anh sẽ viết. Còn Hank phụ trách khâu tổng hợp cuối cùng.
Nếu như lối tiếp cận làm nhạc của Eric theo phong cách truyền thống và quy củ, thì Hank – người đảm nhiệm khâu phối âm hòa khí cuối cùng sẽ lại đi theo hướng phá cách và thể nghiệm. Được Chuck ví như một “Phil Spector” của Hip Hop, Hank Shocklee giúp tạo dựng một không gian “wall of noise” khi lồng ghép vô vàn các mẩu sample để tạo thành bức tranh âm thanh sống động, gây kích thích trên mọi giác quan. Không dừng ở đó, Hank lồng ghép những đoạn chuyển beat cực phức tạp, một yếu tố đi trước thời đại đến khó ngờ của Hip Hop ngày bấy giờ. Đây chính là lý do mà sự đối nghịch giữa Eric và Hank lại là thứ tạo ra sức nóng hoàn hảo trong âm nhạc của PE.
Trong mỗi bài của PE, số lượng sample phải lên đến vài chục, dầy đặc và phong phú về thể loại nhạc, từ James Brown, Parliament, cho tới Kool and the Gang hay Rush. Nhờ đó, người nghe có thể bắt gặp các tiếng nhạc cụ rất phức tạp, như tiếng kèn thổi nhát gừng, hay thậm chí cả câu đàn guitar solo. Thế nhưng thay vì chúng được sắp đặt trước trên bộ mix, các thành viên của TBS và cả Flavor Flav lẫn Terminator X sẽ tham gia trực tiếp thu âm. Mỗi người phụ trách từng nhóm sample khác nhau và thu âm live qua phần xử lý âm thanh được từng người thực hiện bằng tay. Đây chính là điểm độc đáo trong lối làm nhạc của TBS.
Đó là khi thu âm mỗi bài, tất cả các thành viên sẽ phải cùng có mặt đề ngồi trước các bàn âm thanh, lần lượt chơi các đoạn sample bằng tay. Ví dụ như bài “Rebel Without A Pause”, Eric sẽ chơi tiếng kick và hi-hat, Hank chơi tiếng kèn, Flav thì chơi âm thanh snare của James Brown bởi khả năng cảm nhịp rất tốt của Flav, còn Terminator X phụ trách tiếng scratch. Hoặc như bài “Don’t Believe The Hype”, Chuck ngồi bên bàn turntable để tạo âm thanh scratch từ bài “Ants In The Pants” của James Brown, còn Keith thì ngồi bên bàn turntable khác để chơi phần nhịp điệu, trong khi Eric lo căn chỉnh tông giọng. Chính thế nên cách thu nhạc của TBS và PE tựa như một ban nhạc thực thụ đang “jam nhạc” cùng nhau, thay vì là các nhạc cụ sống thì là những bàn âm thanh sample. Nếu họ mắc một lỗi trong khi thu âm thì tất cả đều phải bắt đầu lại từ đầu. Quy trình này có thể đòi hỏi sự tập trung cao, nhưng đổi lại, nó mang tới cái “hồn” ít thấy ở các con beat trong nhạc Hip Hop. Chính sự thiếu hoàn hảo tuyệt đối ở phần “trình diễn âm nhạc của các bản sample” này thổi thứ “cảm xúc” không thể tái hiện lại được trong mỗi lần thu âm.
Chuck D
Ngay từ những bài rap đầu tiên, Chuck D đã thể hiện anh là một MC vô cùng tài năng với một lối đi riêng. Vào thời kỳ đó, các bài Hip Hop thường mang đầy năng lượng cho những buổi tiệc như nhạc của LL Cool J và Beastie Boys, hay là những đoạn lời đầy tự mãn, khoe tài thường thấy như với Run DMC, Big Daddy Kane, hoặc có thể là những phần lời về xã hội của KRS-One và Rakim. Nhưng với Chuck và PE, sự tức giận tới mức hung hãn qua phần nhạc của The Bomb Squad và lời của Chuck được thể hiện thẳng tuột tới mức đã có lúc Public Enemy (PE) được xếp vào hàng nguy hiểm (giống như nhóm N.W.A. bên bờ Tây sau này). Khác với chất gangsta của N.W.A., nhạc của PE không mang tính đe dọa và bạo lực, mà ẩn sau đó là một thông điệp thức tỉnh tới mọi người về sự bất công trong xã hội.

Được sinh ra với tờ giấy khai sinh ghi kèm một chữ “n*gro” nặng tính phân biệt chủng tộc, Chuck chứng kiến sự đấu tranh của cộng đồng người da màu đòi quyền bình đẳng trong xã hội, từ việc những người anh hùng dân tộc như Malcolm X và Martin Luther King phải bỏ mạng khi chiến đấu giành nhân quyền, cho đến chuyện người chú của anh bị ép buộc phải tham gia vào cuộc chiến của Đế quốc Mỹ tại Việt Nam. Bởi thế mà khi lập ra PE, Chuck muốn thành viên Professor Griff và team an ninh The S1W đại diện cho nhóm “Security of the First World”, với ý nghĩa rằng người chủng tộc da màu đều thông minh và khỏe mạnh cường tráng, và rằng họ là những con người nguyên thủy đầu tiên thuộc thế giới thứ nhất, chứ không phải những con người kém văn minh thuộc thế giới thứ ba. Anh còn nghiên cứu nhịp điệu trong lối đọc diễn thuyết của nhà lãnh đạo tôn giáo và hoạt động xã hội người Mỹ gốc Phi Louis Farrakhan để nắm lấy tinh thần hùng biện và tư tưởng phản biện chính trị nhằm đưa vào các sáng tác sau này.
“Tôi xếp họ vào cùng hàng với Bob Marley và một vài huyền thoại khác. Bởi rất khó để một nghệ sĩ có thể vừa tạo ra những nhạc phẩm chất lượng mà lại đồng thời chuyển tải được những thông điệp chính trị và xã hội. Nhưng trong khi nhạc của Marley sẽ dụ dỗ người nghe một cách êm ái trước khi hát vang nội dung chính của bài, thì Chuck D lạnh lùng tóm chặt lấy cổ áo và bắt bạn phải nghe lời anh ta rap”.
Adam Yauch – thành viên của Beastie Boys nhận xét như vậy về PE và Chuck D. Trong bài “Rightstarter (Message To A Black Man)” nằm trong album đầu tiên Yo! Bum Rush the Show (1987), Chuck hướng tới cộng đồng người da màu để kêu gọi và đánh thức họ để thay đổi và nhìn nhận thế giới qua một lăng kính tinh tường cùng với anh. Trong bài “Miuzi Weighs A Ton”, Chuck còn nâng tầm khi ví khẩu súng “uzi” thực chất là bộ não và tri thức của anh: “I'm a Public Enemy, but I don't rob banks / I don't shoot bullets and I don't shoot blanks / My style is supreme, number one is my rank / And I got more power than the New York Yanks / If my Uzi wasn't heavy, I would probably fire it / Make you walk the plank if I was a pirate”.
Để tăng tính “sát thương” trong phần lời của mình, Chuck luôn hướng tới các bản beat có sức mạnh và tốc độ cao. Ở album thứ hai, It Takes a Nation of Millions to Hold Us Back (1988), một sản phẩm được coi là tuyệt tác của PE, đa phần các bài có tempo từ 100 bpm trở lên. Qua tốc độ này, flow rap của Chuck nghe càng hừng hực tràn đầy năng lượng. Trong bài “Rebel Without A Pause”, trên nền âm thanh rít ngang tai, câu rap của anh nghe càng cuốn: “From a rebel, it's final on black vinyl / Soul, rock and roll coming like a rhino / Tables turn, suckers burn to learn / They can't disable the power of my label”. Chuck chơi chữ khi nói tới “black vinyl” khi ví những chiếc đĩa than màu đen tượng trưng cho nhạc của người da màu, giờ đây qua giọng rap của một kẻ nổi dậy như anh (“from a rebel”) sẽ thay đổi thế trận (“tables turn” cũng mang nghĩa bàn “turntable” của DJ). Cũng như vậy, Chuck thể hiện lối flow tuyệt hảo trong bài “Bring The Noise”: “Now they got me in a cell 'cause my records, they sell / 'Cause a brother like me said, "Well / Farrakhan's a prophet, and I think you oughta listen to / What he can say to you, what you oughta do is / Follow for now," power, the people say / "Make a miracle, D, pump the lyrical"”. Không chỉ gieo vần, dùng các phép ẩn dụ, Chuck còn đưa các lời thoại, ngắt ngang giữa câu để tách sang hai khuông nhạc khác nhau tạo sự chú ý và nhấn mạnh cho nội dung anh muốn chuyển tải. Tất cả đều là những kỹ thuật rap vượt bậc ở thời điểm bấy giờ. Qua các bài rap ở tốc độ nhanh như vậy, Chuck D có thể dễ dàng cân cùng những ban nhạc Rock và Metal, bằng chứng là anh và PE đã trở thành một trong những nghệ sĩ tiên phong kết hợp các dòng nhạc đối lập nhau này vào thành một. Đó là màn hợp tác cùng Living Colour vào năm 1988 (bài “Funny Vibe” có sự tham gia của Chuck D và Flavor Flav), cùng Sonic Youth vào năm 1990 (bài “Kool Thing” với sự tham gia của Chuck), và dĩ nhiên không thể không nhắc tới bản thu âm của band Anthrax cho bài “Bring The Noise” của PE.
Sự phá cách và đập tan mọi quan niệm truyền thống về nhạc Rap còn thể hiện qua lối viết lời của Chuck. Khi mà đa phần các bài Rap sẽ có sự cân bằng qua những flow rap đều đặn trên con số chẵn 16 khuông nhạc, thì với Chuck, anh cố tình đi ngược quan niệm cũ đó để mang tới “âm thanh” mới, không chỉ bằng cách rap có sự ngắt nghỉ khó lường, mà còn qua số khuông nhạc lẻ, không cố định rập khuôn. Tất cả với một mục đích giống như cách The Bomb Squad khi làm nhạc, đó là tạo sức căng và khó giải tỏa khi nghe nhạc của PE.
Đến đây, chúng ta có thể mường tượng một thứ gì đó mà Flavor Flav có thể mang lại cho một nhóm nhạc toàn tài như PE.
Flavor Flav
Khi Chuck D nằng nặc với hãng đĩa Def Jam để Flavor Flav được ký hợp thu âm cùng anh, Rick Rubin mới hỏi “Thế hắn ta làm được gì?”. Chuck chỉ nói “Tôi không biết, nhưng chắc chắn là một thứ gì đó cần thiết”.
Nếu lấy mấy album đầu tiên của Public Enemy (PE) ra để đánh giá, gần như toàn bộ các phần verse đều do Chuck rap. Flav chỉ xuất hiện ở những câu intro, bridge, adlib hoặc outro. Thi thoảng Flav tiếp lời cho Chuck trong một vài đoạn verse. Vẫn có một vài bài anh rap solo nhưng số lượng này chỉ đếm trên đầu ngón tay, ví dụ như “Too Much Possen”, “Megablast”, “Cold Lampin’ With Flavor”, “911 Is A Joke”, “Can’t Do Nuttin’ For Ya, Man”, “I Don’t Wanna Be Called Yo N**a”. Tuổi thơ gắn bó trong nhà thờ, Flav biết hát và có thể chơi thành thạo tới 14 – 15 nhạc cụ khác nhau, vậy nhưng anh lại không có mặt trong đội The Bomb Squad để tham gia sản xuất. Cùng lắm anh sẽ đảm nhiệm một bàn âm thanh sample để chơi tiếng snare hoặc kick khi thu âm.
Thế cuối cùng chính xác Flav làm gì trong PE? Flav là một “hype man” / “hoạt náo viên”, và anh đã làm điều đó vô cùng xuất sắc.
Khái niệm về một “hoạt náo viên” trong lịch sử phát triển Hip Hop không chỉ dừng ở việc khuấy động đám đông khán giả, nhảy nhót và đi qua đi lại trên sân khấu, mà người đó phải có biệt tài tạo tương tác với khán giả, kể cả những lúc không khí có chùng xuống, rồi biết tiếp lời đúng lúc khi MC chính bị hụt hơi. Do đó, “hoạt náo viên” thực chất không hề giống một thành viên phụ của buổi diễn, mà họ nhiều lúc phải làm chủ sân khấu trong mọi tình huống. Để làm được vậy, “hoạt náo viên” phải coi show diễn đó như của chính mình, thuộc hết lời rap của các bài, chuẩn bị trước hết các màn giao lưu khán giả, tính toán trước các vị trí để di chuyển trên sân khấu. Nói một cách khác, nôm na như khi chúng ta đi dự một đám cưới, MC – người dẫn chương trình tại buổi lễ thực chất như một hoạt náo viên, còn nhân vật trung tâm “MC” thì lại là gia đình cô dâu chú rể. Trong lịch sử Hip Hop, một số “hoạt náo viên” gây dấu ấn là Sen Dog của nhóm Cypress Hill, Spliff Star cùng với Busta Rhymes, P. Diddy cùng với The Notorious B.I.G., hay Proof cùng với Eminem. Nhưng “hoạt náo viên” nổi tiếng thuộc hàng huyền thoại đầu tiên lại là Flavor Flav.
“Flav…. bất cứ nơi nào tên này xuất hiện, hắn đều hút hết danh tiếng, sự chú ý về mình ngay tại nơi đó. Hắn như thể là một vũ trụ mang theo một sức hút riêng vậy"

Chuck D nhận xét vậy về Flavor Flav. Trên sân khấu, trong khi Chuck mặc các trang phục bụi và ngầu, Professor Griff và The S1W diện bộ quân phục, thì riêng Flav sẽ mặc bộ quần áo bóng bẩy nhất, đầu đội mũ lưỡi chai xoay sang một bên, cổ đeo dây chuyền có chiếc đồng hồ to oạch. Trong khi Griff và The S1W gần như đứng một chỗ trang nghiêm, Chuck chỉ qua lại ở một khoảng không gian nhất định lúc rap, thì Flav tạo nhiều điệu bộ vui nhộn, uyển chuyển đi khắp sân khấu để rap tiếp lời cho Chuck và đập tay giao lưu với khán giả. Phong cách đối lập đó của Flav quả nhiên không mấy gây hứng thú cho người quá nghiêm túc như Griff khi tay này hay khó chịu và lo lắng trước hình ảnh nhí nhố đó của Flav sẽ ảnh hưởng tới phong cách và thông điệp nghiêm túc của PE. Có điều Chuck nhìn xa trông rộng hơn thế nhiều.
Chuck hiểu rằng âm nhạc tạo bởi The Bomb Squad có sức căng không kém gì phần lời phản kháng mà anh sáng tác cho PE. Thế nên để dễ kết nối với số đông, PE cần người như Flav để làm nhẹ bầu không khí cho bớt căng thẳng. Bằng chứng là những người không may mắn khi đi xem show của PE vào lần Flav vắng mặt, họ đều có cảm giác thiếu trọn vẹn khi phải căng đầu với những gì diễn ra trên sân khấu.
Nhạc của PE không hề tệ, lời rap của Chuck không hề chán. Ngược lại, cả nhạc lẫn lời trong các bài của PE đều cực chất. Thế nhưng khi lối hòa âm phối khí tạo sức căng qua những âm thanh rít kéo ngang tai ở phần beat mà The Bomb Squad tạo ra, thì giọng rap trầm rất hùng dũng của Chuck cũng sẽ sớm gây mệt mỏi vì nội dung nặng tính chính trị kéo dài trong liền một show. Khi xem các bản live show của PE trên kênh Youtube, dù không thể đủ cảm nhận hết bầu không khí chân thực của buổi diễn, nhưng cũng đủ thấy sự hiện diện của Flav không chỉ làm dịu cho bầu không khí nhờ phong cách đối lập của anh, mà cả giọng rap của Flav cũng giúp cân bằng cho âm nhạc của PE. Thế này nhé, thường khi diễn một bài, Chuck sẽ rap một mình hoặc có thêm giọng rap chung của Griff để tạo độ dầy cho giọng, nhưng cả hai anh đều có tông trầm và đầy nghiêm túc. Còn Flav mỗi khi cất giọng để bồi vào cuối mỗi câu, hay ngẫu hứng mấy câu adlib, chất giọng cao và mềm của anh thực sự rất hòa hợp khi giảm bớt độ nặng nề của show diễn. Nếu như trong một bài nhạc, cách mà giai điệu được đưa về tông giọng chính để tạo cảm giác giải tỏa, thì trong nhạc Hip Hop của PE, có thể coi giọng của Flav ở phần intro, outro hoặc vào cuối mỗi câu rap của Chuck giống như một “hợp âm giải tỏa” sau chuỗi “vòng hòa âm căng đét”.
Đây là lý do mà trong mỗi album của PE, sẽ có một số ít bài xen kẽ do Flavor Flav rap solo để thay đổi không khí, và thường những bài này lại thuộc danh sách yêu thích của fan. Nói đơn cử như bài “911 Is A Joke”, Flav rap về câu chuyện có thật mà anh từng trải qua khi anh còn trong băng nhóm. Lúc đó, một trong mấy người bạn của anh bị dao đâm cắm sâu vào đến phổi, nhưng khi họ bấm 911 để gọi cấp cứu, phải 45 phút sau xe mới tới. Đến lúc đó thì bạn anh đã hôn mê, và trên đường tới bệnh viện thì đã tắt thở. Trong bài “911”, Flav không chỉ rap về sự việc đó: “They don't care 'cause they stay paid anyway / They treat you like an ace that can't beat the trey / A no-use number with no-use people / If your life is on the line, then you're dead today” mà anh còn mỉa mai một thực tại rằng đám bác sĩ cứu thương đó chỉ làm nhiệm vụ thu gom xác vì khi họ tới thì số phận nạn nhân đã an bài: “That's a body bag in disguise, y'all, I'll betcha / I call 'em body snatchers 'cause they come to fetch ya / With an autopsy ambulance just to dissect ya / They are the kings 'cause they swing amputation / Lose your arms or legs to their miscalculation / I can prove it to you, watch the rotation / It all adds up to a fucked-up situation”. Và như số liệu mà Flav hàm ý muốn nói tới, bệnh nhân nếu còn sống thì vẫn có thể mất chân hoặc tay một cách oan uổng vì sự cẩu thả của hội bác sĩ.
Đây là một ví dụ để có thể thấy vai trò “hoạt náo viên” được Flavor Flav thực hiện quá xuất sắc khi anh có thể điềm nhiên tự mình cân một bài rap theo phong cách của riêng anh, như cách Flav làm chủ sân khấu trong các buổi diễn của PE mà không lấn át Chuck D tẹo nào. Không những thế, cảnh Flav thi thoảng ôm cây đàn bass hay ngồi sau dàn trống trên sân khấu khi diễn cùng PE và chơi đệm cho Chuck rap theo cũng là điều các fan cứng không hề bất ngờ vì tài năng chơi nhạc thiên bổng của anh.
Bằng cái duyên và sự toàn tài đó, Flav đã giúp các show diễn của PE trở nên thú vị hơn. Bằng cái duyên và sự toàn tài đó, Flav đã đặt một hệ chuẩn quá cao cho một “hype man” / “hoạt náo viên” của thế hệ sau, để rồi nhiều lúc người ta phải nhìn nhận anh như một MC và một nhạc công chính hiệu.
Cho đến giờ, vai trò của một “hoạt náo viên” ấn định theo cùng một nghệ sĩ trong Hip Hop đã bị phai mờ khi có những rapper (ví dụ như Kanye West) sẵn sàng thừa tự tin để diễn một mình và tạo sức hút qua phần dàn dựng công phu và chuyên nghiệp của sân khấu và ánh sáng, qua dàn đồng ca ở đằng sau. Rồi “hoạt náo viên” / “hype man” giờ cũng có thể trở thành “đội hoạt náo” / “hype crew” như lần Kendrick Lamar kéo hàng loạt anh em lên diễn tại show The Pop Out: Ken & Friends tại L.A. Nhưng dù thế nào thì vai trò của “hoạt náo viên” vẫn được coi trọng và ghi nhận trong dòng nhạc Hip Hop, bởi nói cho cùng, đến các ban nhạc Rock và Metal cũng đều luôn cần có một vài thành viên có thể chạy khắp các vị trí trên sân khấu để vừa diễn và tương tác với khán giả, một yếu tố tạo sự khác biệt và thành công cho một buổi diễn âm nhạc.
Hẹn gặp lại!
Kunt