top of page

Queen (pt. 1): Giậm chân tại chỗ

Updated: May 4, 2021

Nhà sản xuất Roy Thomas Baker ghé qua căn hộ của Freddie để nghe anh đánh thử piano đoạn đầu bài nhạc anh đang sáng tác còn chưa hoàn chỉnh. Bỗng nhiên Freddie dừng phắt lại và bảo: “Bây giờ đến đoạn opera vào nè cưng”. Và cả hai cười phá lên ngặt nghẽo.


Đã từng sản xuất 3 album với Freddie và ban nhạc Queen từ những ngày đầu, và dù biết anh ca sĩ này luôn mang trong mình bao ý tưởng táo bạo, Roy chưa bao giờ hết ngạc nhiên cả. Nhưng lần này có vẻ thời gian để táo bạo đã không còn nhiều cho bốn chàng trai của Queen, và dường như tràng cười ngặt nghẽo của Rob mang nhiều sự chua chát trước tương lai của ban nhạc hơn là sự vui thích về ý tưởng âm nhạc tầm vóc trong tiếng cười của Freddie.

Queen ở thời điểm đó mới chỉ có một bản hit đúng nghĩa trước đó là single “Killer Queen” từ album thứ ba, Sheer Heart Attack (1974). Họ cũng vừa chân ướt chân ráo hủy hợp đồng ngang xương với hãng đĩa Trident Studio vì bấy lâu nay không nhận được đồng cắc nào từ doanh thu bán đĩa. Sau ba album với thành công chấp nhận được, Freddie Mercury, Brian May, Roger Taylor và John Deacon từ những kẻ thiếu tiền đã trở thành những con nợ chồng nợ chất và vẫn sống trong nghèo khó.

Cái gọi là “sự công nhận của cả thế giới về một ban nhạc vĩ đại” dành cho Queen chưa hề tồn tại. Những gì khán giả có thể đón nhận từ bài “Bohemian Rhapsody” vẫn còn có quá nhiều thứ mới mẻ để tiêu hóa tại thời điểm đó: bài dài đến 6 phút, nhiều phân đoạn khác nhau, không có điệp khúc, phần hát bè opera ở giữa bài quá lạ lẫm cho một track nhạc Rock. Nói cho cùng, chưa từng có bản nhạc nào giống như nó trước đó, và cho đến giờ cũng vậy. A Night At The Opera đã ngốn của Queen 35.000 bảng Anh để thu âm (tương đương hơn 280.000 bảng Anh theo giá trị bây giờ).

Đúng thế, “Bohemian Rhapsody” có đầy đủ những yếu tố để đẩy Queen trở thành thất bại lớn nhất trong lịch sử âm nhạc.

1. SMILE

Sự nghiệp âm nhạc của Freddie Mercury để đến với Queen có rất nhiều trắc trở, từ những ngày đầu anh còn chưa là thành viên trong ban nhạc với Brian MayRoger Taylor. Freddie vốn quen với Brian và Roger qua lời giới thiệu của Tim Staffell, người bạn cùng phòng ký túc xá và cũng là đồng môn tại trường Ealing Art College với Freddie. Nhưng tất cả chỉ có thế, vì cả Tim, Brian và Roger đều khá là chắc chỗ khi cùng chơi trong band Smile.

Ban nhạc Smile (từ trái qua phải): Roger Taylor, Brian May và Tim Staffell

Brian May thì vốn đã sớm thuần thục các kỹ thuật trên cây đàn guitar điện. Không đủ tiền tậu đàn hiệu, Brian và bố hè nhau tự độ đàn, dùng những vậy liệu từ chiếc bàn gỗ đến các bộ phận xe đạp và xe máy để tự lắp ráp. Sau rất nhiều phiên bản, cuối cùng cây guitar điện huyền thoại với cái tên “Red Special” đã được làm ra mất gần 2 năm, và cũng là thứ cuối cùng có thể “đồng cảm” được với anh. Cây “Red Special” này gắn bó với Brian cho đến sau này khi anh chơi và đi lưu diễn cùng Queen.

Roger Taylor thì đã có đôi tai cực nhạy về âm. Chỉ nghe anh căn chỉnh bộ trống của mình là anh em xung quanh đã thấy sướng lắm rồi. Roger chịu nhiều ảnh hưởng từ âm thanh phát ra qua dàn trống của Keith Moon. Anh thích những bộ trống lớn với tiếng dội trong khoảng cách gần như đang đánh trong không gian của một căn phòng.

Còn Tim Staffell thì không chỉ chơi bass mà hát cũng rất hay, thậm chí theo lời đồn đại, anh còn sở hữu giọng hát ngon lành hơn cả Freddie lúc bấy giờ (ở thời điểm đó, giọng của Freddie đang trong giai đoạn tôi luyện và vẫn còn có phần chói tai).

Âm nhạc của ban nhạc Smile và giọng ca của Tim "hơi bị" đẹp


Không ngạc nhiên khi Freddie thực sự hâm mộ cách chơi nhạc của ba anh chàng band Smile này. Đã thế cả Freddie và Roger Taylor đều cùng chung một tình yêu vĩ đại với thần tượng Jimi Hendrix. Hai người đều đã từng đi xem không biết bao nhiêu show diễn của Jimi ở London và thậm chí còn cùng nhau bán đồ second hand ở chợ để kiếm thêm. Học đánh piano từ nhỏ, biết hát và sáng tác nhạc, lúc ấy trong thâm tâm của Freddie, anh muốn làm một phần của ban nhạc Smile, nhưng “cái kiềng ba chân” đó dường như đã đủ vững vàng mà không cần thêm một thành viên nào nữa. Theo sử sách ghi lại thì Smile đã diễn ở khá nhiều nơi tiếng tăm ở London như Royal Albert Hall hay câu lạc bộ Speakeasy. Freddie thì vẫn luôn là người bạn ủng hộ hết mình và thường bám càng Smile tới các buổi biểu diễn.

Thế rồi Smile có hợp đồng ghi âm với hãng Mercury. Freddie ngậm ngùi hiểu rằng cánh cửa cơ hội để mình trở thành một thành viên đã đóng. Dù vậy, anh vẫn tiếp tục hào hứng “bám càng” và đưa ra những ý kiến nhận xét đóng góp sau mỗi buổi biểu diễn. Sự hứng chí nhiệt tình đầy năng lượng đôi lúc quá mức của anh khiến ba anh chàng kia chỉ biết cười trừ vì cái sự “điên khùng” đáng yêu của cậu bạn.

Nếu bạn đã xem phim biopic của Queen thì hẳn cũng để ý là trong thời gian đó, Freddie rất chật vật để tìm một ban nhạc để phát triển ước mơ của mình. Ấy nhưng phim đó lại tua hơi nhanh qua thành công nhỏ bé của Smile, nên cũng không thấy rõ lắm niềm vui giấu giếm hơi bị to của Freddie khi Smile bị Mercury bùng hợp đồng và Tim Staffel quyết định rời nhóm, mặc dù Smile đã kịp thu được vài bài cho hãng Mercury.

Tháng 4 năm 1970, ban nhạc Smile giờ có đội hình mới bao gồm Freddie (ca sĩ), Brian (guitar) và Roger (trống). Họ quyết định tuyển thành viên chơi bass, và sau hai lần thất bại, họ gặp được John Deacon, người thứ tư - mảnh ghép cuối cùng để lập nên bộ tứ huyền thoại sau này.

Nhưng ước mơ âm nhạc của Freddie Mercury mới chỉ bắt đầu. Queen còn quá nhiều việc phải làm trong khi Freddie dường như có vị trí xuất phát khá xa sau ba người đồng đội của mình. Brian May thì đang học Vật Lý và còn được giáo sư đầu ngành mời làm tại phòng thí nghiệm; Roger Taylor thì học Nha Khoa và coi như tương lai làm bác sĩ không có gì phải lo; còn John Deacon thì đang học ngành Điện tử. Mỗi mình Freddie học trường nghệ thuật và vì thế, nếu sự nghiệp của ban nhạc không đi đến đâu – nhất là khi Brian May và Taylor đều đã có kinh nghiệm thương đau với cuộc chơi mang tên Smile – thì hẳn Freddie sẽ là người duy nhất quay về vạch xuất phát trong khi ba anh còn lại đều chắc có “nghề nghiệp ổn định” với những ngành học danh giá nhất của họ.

Đã thế cả ba anh này đều đã thuần thục nhạc cụ của mình trong khi Freddie vẫn đang phát triển giọng hát và ban nhạc thì chưa có nhu cầu dùng đến ngón đàn piano của anh. Có lẽ do sự chênh lệch đó, anh luôn cố bù đắp bằng những ý kiến đóng góp về âm nhạc, trang phục. Cũng tốt thôi, vì sự tự tin và phong cách nhiều màu sắc từ cử chỉ điệu bộ chân tay đến trang phục là điểm khiến thành viên frontman của ban nhạc luôn khác biệt hẳn những người còn lại.


Nhưng nói gì thì nói, Freddie Mercury vẫn có nhiều yếu tố để thất bại với Queen.

2. QUEEN

Tháng 7 năm 1971, Queen đánh show đầu tiên có bộ tứ huyền thoại. Họ chăm chỉ đi diễn và đi diễn với hy vọng lọt vào mắt xanh ông trùm hãng đĩa nào đó chẳng may đang đứng nghe phía dưới kia. Nhưng đa phần chỉ là những lời hứa suông. Thế là nhà vật lý học phải ra tay.

Cuối năm 1971, Brian May gọi điện cho kỹ sư âm thanh lúc trước thu cho Smile, và được đề nghị tới studio mà anh kia mới mở để thử thiết bị cho bạn, và coi như được thu âm miễn phí. Cơ hội vàng cho Queen khi họ được dịp ghi lại những bản demo bằng đồ “hịn” nhất với họ bấy giờ. Tại studio này, Queen thu âm 5 bài trong đó có “Liar”, “Jesus” và “Great King Rat” do Freddie sáng tác.

Lúc bấy giờ, vai trò sáng tác chia đều giữa Brian và Freddie. Còn về phần nhạc, tiếng guitar của Brian và tiếng trống của Roger vẫn là ngon lành nhất, rồi đến tiếng bass của John, và giọng hát của Freddie thì vẫn ở dạng “tiềm năng”.

Có băng demo có khác, Queen bắt đầu nhận được những lời mời từ các hãng đĩa. Sau ai cũng phải công nhận rằng, lúc đó Queen đầy tự tin cao ngạo, hoặc quá liều lĩnh, hay đơn thuần ngu ngốc khi từ chối các lời mời đó với nhiều lý do. Nào thì số tiền đưa ra không đủ cho họ sắm những nhạc cụ mới, hay vị trí của Queen ở hãng đó không trong hàng ngũ những nghệ sĩ được tập trung lăng xê của hãng, hoặc đơn giản hãng đĩa đó không đủ tiếng tăm trên thị trường.


Vấn đề là cả 4 ông sinh viên đều đang ở tình trạng thiếu tiền trầm trọng.

Trident Studio là hội duy nhất tìm đến và trao cho Queen cơ hội sau khi nghe bản “Keep Yourself Alive” do Brian May sáng tác trên băng demo và chứng kiến Queen biểu diễn. Không những đồng ý với các điều kiện của Queen, họ còn mua cho các thành viên nhạc cụ mới. Điều kiện khó khăn duy nhất chỉ là ban nhạc chỉ được đến phòng thu âm vào buổi đêm khi không có ai sử dụng.


Các bản demo ngày một nhiều, nhưng không có hãng đĩa nào mặn mà với việc phát hành nhạc cho Queen, mặc cho Trident Studio ra sức tìm. Lần hụt đáng tiếc nhất là khi Trident suýt ký được với EMI ở Mỹ, nhưng do tham bán “bia” là Queen nhưng lại kèm theo hơi nhiều “lạc” là mấy band linh tinh khác, nên EMI chạy mất tiêu.

Cứ thế, ban nhạc dần đủ các bài để ghi âm cho album đầu tay dù anh nào anh nấy vẫn nghèo như con mèo. Được cái, nghèo thì lại có nhiều thời gian cộng với bản tính kỹ tĩnh của các thành viên, nên âm nhạc của Queen phải nói là rất chỉn chu. Giống như âm nhạc của Smile trước đó, với Queen, sự hoà hợp giữa các track ghi âm cực kỳ quan trọng, phải hoàn hảo đến 100%. Họ sẵn sàng ngốn hàng giờ đồng hồ để thu đi thu lại, họ la, họ hét, họ phàn nàn với nhau. Ấy cái thú một mình phòng thu vào ban đêm nó sướng vậy đó.

Âm sắc hoà hợp của Queen trong album đầu thể hiện rất rõ qua cách chơi nhạc của từng thành viên. Phần trống của Roger Taylor không nặng về phô diễn kỹ thuật mà anh chơi theo cách phục vụ bài hát. Không hoa mĩ, tất cả những gì tinh túy đều được thể hiện rõ nét không chỉ qua âm sắc trống snare được căn kỹ lưỡng, còn là nhịp điệu anh chơi, cách nhả âm “hi hat”, cách chọn từng cái cymbal cho mỗi lần kết câu fill cũng được tính toán kỹ lưỡng.

John Deacon thì chơi bass đầy giai điệu cho bài hát. Nghe những nốt bass của anh có lúc như đi dạo ngang qua tai thực sự gây hứng thú vì những dải âm trung.

Brian May và cây đàn guitar của anh thì khỏi phải nói rồi. Âm sắc đặc trưng ai cũng nhận ra được, với một màu “nâu” ấm áp hòa vào với tiếng trống của Roger Taylor và tiếng bass của John Deacon. Cả ba hợp lại thành một nhóm chơi rhythm cực kỳ chặt chẽ.

Tỉ như trong bài “Keep Yourself Alive” mà Brian sáng tác, những đoạn lick đối âm của John hoặc Brian với giai điệu bài hát hay giữa hai cây đàn với nhau cho thấy sự hòa hợp cao độ, chưa kể nó gợi ý một tương lai phong cách nhạc kịch đầy hoa mỹ mà Freddie Mercury theo đuổi.

Khác với cách sáng tác nhạc còn mang tính truyền thống của một người chơi guitar gốc blues như Brian, các bài mà Freddie sáng tác đa phần dựa trên những hợp âm lạ. Vòng hoà âm trong bài nhạc của anh phong phú theo lối nhạc kịch giống trong bài “My Fairy King”, thi thoảng chen vào hợp âm lạ, nhưng lại đầy rẫy những khúc chuyển tông mà vẫn tự nhiên như giọng hát của anh. Kỹ thuật hát của Freddie giờ đây đã rất trau chuốt mà ít ca sĩ nhạc Rock nào sau này bì được chất giọng dầy đầy nội lực của anh. Nhạc của Queen giờ cũng mở riêng một “khoảng trống” dành cho Freddie phô diễn ngón đàn piano, điều khó tưởng tượng cho người hâm mộ khi trước đó Freddie còn từng là thành viên có phần “lép vế” về kỹ thuật trong ban nhạc toàn tài này.


Điều thú vị trong ban nhạc Queen còn là sự chia sẻ ở vai trò sáng tác và góp giọng. Trong album đầu tay, mảng sáng tác còn phân chia chủ yếu giữa Brian và Freddie, xen kẽ bằng 1 ca khúc của Roger Taylor. Nhưng tôn chỉ của cả nhóm là mọi người đều tự sáng tác bài hát của riêng mình và cố gắng thể hiện và bảo vệ nó trước các thành viên còn lại để cả ban nhạc có thể lựa chọn ra những track hay nhất đưa vào đĩa. Dần dà trong các đĩa sau, vai trò sáng tác ngày một dàn đều hơn giữa cả bốn người.

Việc hát chính cũng gần như vậy. Dù Freddie vẫn đảm nhiệm phần lớn vocal cho các ca khúc, Brian và Roger vẫn có dịp này dịp kia khoe giọng, điều mà ban nhạc luôn tận dụng trong những lần thu âm hát bè, dựa vào những thế mạnh khác nhau của mỗi giọng ca.

Khi Queen cũng thu âm xong album đầu tiên cùng tên, vẫn chưa có hãng đĩa nào nhận phân phối cho họ. Đĩa nhạc đó cứ bỏ vậy trong phòng thu âm, điều gây bức xúc cho cả ban nhạc và đặc biệt là Freddie. Bỏ thì thương, vương thì tội, ba thành viên còn lại bỗng chốc rơi vào hoàn cảnh tréo ngoe giống như chính Freddie. Bọn họ đều nay phụ thuộc cuộc đời mình vào tương lai của ban nhạc. Và thay vì quay ra làm kỹ sư bác sĩ, họ vẫn phải mòn mỏi ngồi chờ cạnh đống đĩa Master với 30 Bảng Anh mỗi tuần do Trident Studio trả.


Tưởng chừng như mọi thứ rơi vào tuyệt vọng thì vào năm 1973, giám đốc bên EMI ở Anh Quốc nghe được băng demo và đòi gặp ban nhạc (nhớ trước đấy ông EMI ở Mỹ thì từ chối Trident Studio vì vụ “bán bia kèm lạc” không?). Vậy là phải mất 8 tháng sau khi album đầu tay được hoàn thành, nó mới được phát hành, lúc mà ban nhạc đang chuẩn bị cho album tiếp theo.

Thế nhưng album đầu tiên và single chủ đạo “Keep Yourself Alive” thất bại thảm hại trên bảng xếp hạng. Cứ mỗi bước nhọc nhằn mà Queen tưởng chừng tiến lên được một chút, thì lại là một bước lùi dài hơn đưa họ về gần với vạch xuất phát.

Tôi thật, nếu bỏ ngang lúc đó thì Brian May hẳn đã có bằng tiến sĩ vật lý sớm hơn và phát hiện ra thêm vài tiểu hành tinh mang tên BMxxxx nữa (chứ không phải chỉ hai cái). Còn John Deacon mà cứ theo nghề thợ điện có khi lại trở thành diễn viên nổi tiếng còn trước cả Rowan Atkinson a.k.a Mr. Bean.


Nhưng hôm nay ta cứ dừng dang dở ở đây đã. Ít nhất thì ai cũng biết đây là câu chuyện có hậu rồi mà.

Hẹn gặp lại!

Kink

7,386 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page