Keith Moon, tay trống lừng danh của rock band đình đám The Who, có lẽ không còn lại gì với khán giả và cả dân chúng khắp nước Anh - dân tộc có lẽ ưa đọc tin lá cải và buôn chuyện bậc nhất thế giới - bởi tài năng vô tiền khoáng hậu thì ít, mà bởi những màn quậy phá thách thức trí tưởng tượng (và cả khả năng viết lách của nhà báo) thì nhiều. Có lẽ hình tượng Rock Star gắn liền với gái gú thác loạn và những màn đập phá cho sướng tay bắt đầu từ chính Keith Moon. Và biết đâu đấy, tư tưởng phá vỡ những khuôn khổ trong âm nhạc của Punk rock thập niên 70s cũng được định hình từ sau sự nổi tiếng của The Who?
Hẳn thế giới lúc đó đều sốc trước hình ảnh nổi loạn của The Who, với Pete Townshend luôn đập vỡ cây đàn sau khi biển diễn, còn Keith Moon thì đạp đổ cả giàn trống đồ sộ. Keith Moon thậm chí còn luôn tỏ ra sáng tạo trong việc đập phá vượt xa Pete, như lần diễn live trong chương trình The Smothers Brothers Comedy Hour năm 1967 được trực tiếp trên truyền hình, Moon thậm chí còn đút lót cho hội làm sân khấu để nhét thuốc súng vào trong thùng của trống bass. Khi bài "My Generation" kết thúc, Keith đá văng bộ trống và làm phát nổ cả sân khấu khiến Pete Townshend cháy tóc và giảm thính lực một bên tai suốt cả đời.
Trong một diễn biến không liên quan, như để chứng tỏ rằng xứ Wales là một vùng đất độc lập không phụ thuộc nước Anh, thì vẫn có một vài người dân vẫn tỏ ra nghi ngờ về khả năng phá phách của Keith Moon. Đó là một ông chủ khách sạn, tên cúng cơm là Gilbert Mylchreest, nhưng thường được gọi là The Stoat bởi cái mũi to oạch không thua gì Pete Townshend với bộ dạng cáu bẩn. Lần đó Keith Moon cùng người trợ lý thân cận của anh là Dougal Butler lái chiếc Jaguar XJ6 sang trọng từ Thủ đô sang tận xứ Wales để làm việc với hang đĩa Track Records, và tá túc ở khách sạn do The Stoat quản lý.
Tối hôm đấy sau khi nốc đủ từ cuộc gặp với vị đại diện của Track Records, Moon và Dougal trên đường về khách sạn bỗng trông thấy rất nhiều biển báo ở công trường có con đường đang sửa. Những cái biển báo như “DỪNG”, “ĐI”, hay “BẮT BUỘC RẼ TRÁI” đã gợi ý cho Keith Moon và hai tay hè nhau gom hết đống bảng biển mang về để treo lên trên nóc khách sạn. Hai tay say xỉn cũng không tài nào nhớ nổi đã leo lên nóc nhà và suýt té bao nhiều lần như thế nào, nhưng kết quả là sáng hôm sau các biển báo giao thông được treo đẹp đẽ trên khắp khách sạn và được treo cao đến nỗi xe của lính cứu hỏa được điều tới cũng không với tới được.
Nếu như các bạn đọc đến đây và cho rằng quậy phá như vậy mà ăn thua gì, thì tôi cá là các bạn có cùng cách nghĩ với The Stoat, người mà sau đó đã phạm sai lầm lớn nhất đời mình khi trót khen Keith Moon là một người khách lịch sự khi tiễn hai vị khách Moon và Dougal check-out khỏi khách sạn. Dăm lần đổ brandy ra sàn và sự vụ gắn bảng lên nóc nhà quả nhiên là "oan" cho Keith Moon quá so với những gì báo chí “tô vẽ” về tay trống của The Who.
Sự khen ngợi đó có thể đã là rất nồng hậu với người khác, nhưng lại là sự sỉ nhục với Keith Moon. Không cần nghĩ ngợi quá lâu, ánh mắt của Moon dừng ở chiếc xe XJ6 đang sẵn sàng để đưa ngôi sao nhạc Rock về lại London. Không để các khán giả chờ quá lâu để được chứng kiến, chiếc XJ6 ngay lập tức nhún ga và những chiếc xylanh trên động cơ V6 chỉ chờ có thể ném chiếc Jaguar thẳng tấm kính của căn bungalow gần đó với tiếng rú của The Stoat gần nhưng cùng lúc.
Như để chứng tỏ xe Jaguar bền lắm, chiếc xe nhanh chóng lùi lại, và một tấm kính của căn phòng thứ hai tiếp tục cố gắng ngăn chặn sức mạnh của động cơ V6 một cách không thành công. Xoảng!!!
Keith Moon chứng tỏ mình là bậc thầy về làm chủ những tình huống phá phách như vậy, khi vừa miệng an ủi The Stoat, vừa tay đưa một chậu cây cho The Stoat đáng thương để cùng tham gia màn đập phá của anh và cộng sự. Mặt tái đi trước những sự đổ vỡ và thiệt hại khủng khiếp, The Stoat cũng miễn cưỡng quăng nốt những chậu cây vào những tấm kính còn lại cùng Moon và đồng đội. Chiếc XJ6 móp méo rời đi khi không còn tấm kính nào còn lành lặn, và Keith Moon không quên dặn The Stoat gửi hóa đơn của những thiệt hại tới cho kế toán của The Who. Cách hành xử “có trước có sau” của Keith Moon, dù không làm cho vị quản lý khách sạn nào bị cho nghỉ vì anh, nhưng hình như cũng không ai muốn anh quay trở lại.
Chắc khỏi phải nói cũng có thể tưởng tượng ra những tổn hại mà Keith Moon gây ra cho các khách sạn sang trọng khắp hai bên bờ Đại Tây Dương, và nếu hồi đó mà có google, hẳn chúng ta sẽ có những tin tức thường nhật còn kỹ hơn cả chị em nhà Kardashian. Nhưng theo tất cả những người quen biết anh, Keith Moon phá phách chỉ thuần túy cho vui, và phần nào khỏa lấp cái sự cô đơn không nhiều người biết mà một ngôi sao nhạc Rock phải gánh chịu.
Keith Moon tham gia chơi nhạc cùng Pete Townshend và John Entwhitsle từ những năm 1964 khi vào thay cho tay trống của The Who lúc đó là Doug Sandom ở giữa một show nhạc mà sau đó kết thúc bằng việc Keith Moon đập hỏng cả bộ trống lúc cuối show, Keith Moon có lẽ là tay trống đại diện cho nhạc Rock nặng đầu tiên ở Anh quốc, khi mà những Ringo Starr (Beatles) hay Charlie Watts (Rolling Stones), dù là những kẻ tiên phong, nhưng vẫn được coi là những người giữ nhịn xuất sắc hơn là một nghệ sĩ chơi nhạc cụ. Thật vậy, lối đánh nện mạnh, những cú fill chùm theo kiểu chỉ có nhạc Jazz mới có, và đặc biệt là những cú chạm snare đầy tinh tế của Keith Moon đã khiến việc những tay trống có thể trở thành ngôi sao trong ngành nhạc này.
Nói mới nhớ, chính Keith Moon và Pete Townshend cùng John Paul Jones là những người trong phòng thu cùng Jeff Beck cho đĩa Beck’s Bolero do Jimmy Page sản xuất. Thu âm cho album đó thành công đến mức, khi Jimmy Page muốn lập ra một ban nhạc cho riêng mình, Pete Townshend và Keith Moon là những người đầu tiên Jimmy rủ đến chơi cùng. Chính Keith Moon là người đã vẽ ra hình ảnh ban nhạc nổi tiếng đến mức sau sẽ chốt hạ như một quả khinh khí cầu bằng chì. Vâng, The Lead Zeppelin.
Cũng thật may khi điều đó không xảy ra, để rồi Jimmy Page khai quật ra một John Bonham mạnh mẽ, để rồi cả Bonham lẫn Moonie sau này đều đi vào lịch sử với cách chơi khai sáng ra nhạc Rock nặng, dù rằng mỗi người có một phong cách thật khác nhau. Nếu như John Bonham cực kỳ chắc chắn về nhịp với những cú nện trời giáng từ đầu chí cuối thì Keith Moon đem đến sự hứng khởi và “bốc” của bài bằng lối đánh cuốn, nhứng cú nện mạnh nhưng nẩy, và đặc biệt là những câu fill vào những chỗ không ai ngờ tới. Keith Moon, đúng như cái tính cách tang động của anh, giống như một đứa trẻ luôn hào hứng đập vào bất cứ thú gì có trước mặt. Cho đến giữa thập kỷ 70s, giàn trống của Keith Moon đã dần phình to lên thành giàn trống to nhất thế giới thời đó với khoảng một tá cái Tum treo, chân Bass đôi, và những cách bố trí cymbal hay đồ gõ khác ở những chỗ khác thường. Thậm chí kể cả cách vung cymbal lệch nhịp hay cách nhả kick không vào đúng đầu nhịp có lẽ trước đó chỉ xuất hiện trong nhạc Jazz. Moonie đã cùng với Ginger Baker (Cream) tiên phong phổ biến kiểu chơi chân bass đôi từ rất sớm.
Những người chơi trống "kết" John Bonham thường hay cho rằng Keith Moon không làm được điều cơ bản nhất với người chơi trống: giữ nhịp. Nói đến giữ nhịp, tôi nghĩ thậm chí Ringo Starr mới là người giỏi nhất: anh hầu như không fill quá 1 nhịp và thường chỉ vuốt nhẹ lên cymbal thay vì chém nó cho đã tay, tất cả để không tổn hại đến cái sự "tực-tắc". Keith Moon giữ nhịp không hề tệ, chỉ có điều không theo cách thông thường như mọi người gõ lạch cạch trên Hi-hat hay ride cymbal, mà là bất cứ thứ gì trong tầm với. Mỗi khi đôi tay của Keith Moon rời khỏi mặt snare và dạo chơi trên những chiếc tum treo hay cymbal, không ai biết được khi nào đôi tay đó sẽ quay trở lại, không ai biết phần fill đó sẽ kéo dài một, hai, hay năm nhịp rưỡi. Thời gian dường như ngừng lại và nín thở, nhưng tin tôi đi, khi chiếc dùi trống gặp lại mặt snare, nó sẽ vào đúng nhịp. Khi Keith Moon chơi trống cùng với hai người khác cùng lúc, Ringo Starr và Jim Keltner, trong track “Rock Around The Clock” của Harry Nilsson, rõ rang Keith Moon hoàn toàn không bị lạc nhịp với những người còn lại, trong khi độ cuốn thì vẫn y chang. Quan trọng hơn, lối chơi đầy ngẫu hứng như vậy khiến cho những người xung quanh anh, là Pete Townshend, là John Entwistle phải ngẫu hứng theo trong từng khuông nhạc. Hãy nghe thử những track trống chơi một mình của Keith Moon, cầm lấy cây đàn và thử chơi theo xem, tôi tin rằng bạn sẽ có những cuộc jam thú vị.
Cũng giống như sự chặt chẽ trong phần rhythm của những “Good time, Bad Time” không thể tái diễn nếu không có John Bonham, âm nhạc của The Who nói chung và cách chơi của Pete Townshend và John Entwistle nói riêng, vì vậy, gắn liền với tiếng trống của Keith Moon như một thể thống nhất không thể tách rời.
Lẽ thường, khi nhắc đến những tay trống nện mạnh và thậm chí còn tán loạn như Keith Moon, hẳn nhiều người sẽ cho rằng rất mất công để thu trống, nhất là khi ở cuối thập niên 60s, công nghệ thu âm ở nước Anh vẫn còn loay hoay với hệ thống ghi âm có 4 hay 8 đường và những kỹ thuật thu chồng nhau rất mất công. Nếu so với công nghệ thu âm kỹ thuật số hiện nay với vô vàn các ngõ vào và cái bàn trộng khổng lồ mới thấy để tạo ra được âm thanh hay như Led Zeppelin hay The Who thời đó khó đến nhường nào. Chỉ một cú vung tay hào hứng quá trớn vào cymbal có thể làm hỏng hết toàn bộ và tất cả phải thu lại (cần lắm những người như Ringo Starr!!).
Có lẽ lúc này phải kể đến công lớn của kỹ sư âm thanh Glyn Johns, người hóa ra chả ngại gì lối chơi vũ bão của Keith Moon. "Less is more" - lấy ít làm nhiều - có lẽ là điều những người thu âm thời đó đều đau đáu. Thật vậy, nếu như nghe những Who’s Next (1971), hay Quadrophenia (1973), tiếng trống của Keith Moon vẫn tròn vành vạnh, tiếng snare vẫn chắc nịch và khô khốc, trong khi tiếng cymbal vẫn có đủ thời gian để ngân vang. Cũng phải nói thêm, Glyn Johns cũng chính là kỹ sư âm thanh kiêm nhà sản xuất đứng sau thành công của những Let It Be (Beatles), Led Zeppelin 1 (Led Zeppelin), ba album đầu của Eagles, và vô số các album của The Kinks hay Rolling Stones. Nhưng nếu đa số các band thường ưa chuộng tiếng trống long lanh nhất định, và cái sự chắc nịch gọn ghẽ của những Who’s Next hay Quadrophenia, xem ra vẫn là thứ đặc sản thời đó và phần nào đó đã đưa tên tuổi của Glyn Johns vào lịch sử ngành thu âm.
Glyn Johns chính là người đã phát minh ra cách đặt mic để thu trống độc chiêu thời đó (và còn nguyên giá trị đến thời nay), chỉ với 3 mic mà có thể thu lại đầy đủ sự sống động lẫn những khoảng lặng cần thiết của thứ nhạc cụ khó thu âm bậc nhất này. Cách bố trí mic của Glyn Johns sau đó đã đi vào sách giáo khoa của các kỹ sư âm thanh và nhả sản xuất, để rồi đến tận thế kỷ 21 rồi, khi mà các nhà sản xuất âm thanh đã có thừa mứa những ngõ vào, không ít lần họ vẫn phải lầm lũi quay lại cách bố trí 3 mic của Glyn Johns để có thể thâu tóm được sự sống động của giàn trống. Kể cả khi đã được ghi nhận xứng đáng trong lịch sử ngành thu âm, khi được hỏi về Keith Moon, Johns cũng chỉ cười mà rằng ông chỉ giúp Keith Moon có thể sound như Keith Moon ở trên đĩa.
Nhưng trái với bề ngoài nghịch ngợm phá phách và khả năng mua vui bằng những trò đùa nhảm với nghịch ngu vô tận, Keith Moon cũng có một góc khuất của mình, đó là sự cô đơn trong sự nổi tiếng, và có lẽ hơn thế, đó là sự lẩn trốn với những ngộ nhận của thế giới. Ai cũng nghĩ rằng, nếu ta giàu và nổi tiếng như Keith Moon, ta có thể làm được việc này hay việc kia giàu ý nghĩa, nhưng sự thật là chẳng có ai có thể giàu và giỏi như anh. Chưa kể, ngay trước khi vụt sáng trong thế giới nhạc Rock, Keith Moon cũng chỉ là một gã chơi trống với bề ngoài như bao người đang theo đuổi những ước mơ ngoài kia. Nhưng người như anh, hay rộng ra là các nghệ sĩ lớn của thập niên 70s, họ cũng xuất phát là người bình thường và hoàn toàn không có sự chuẩn bị để trở thành “người giàu”. Họ không có nhiều lựa chọn sau khi đã trở nên giàu có, trừ việc phải quay qua tiếp tục giao du giữa những người giống như họ: đạo diễn nổi tiếng hay diễn viên nổi danh, những người vừa giàu, vừa nổi, và cũng vừa "dặt dẹo". Sẽ không có những lựa chọn như kiểu người bạn thân từ thuở đi học, hay ông bạn hàng xóm hay đi đá banh cùng. Ấy là còn chưa kể đến những kỳ vọng vào một lối sống nhất định mà thế giới xung quanh áp vào họ. Người nổi tiếng, họ thực ra đã bị khuất phục bởi sự kỳ vọng đặt vào họ.
Với cá nhân Keith Moon, anh còn phải đeo thêm một sự kỳ vọng khi luôn bị so sánh với những đồng đội ở trong The Who. Nói trắng ra thì trong The Who, cả 4 người đều thừa nhận không thể đánh bạn với bất cứ ai trong số còn lại, và điểm chung duy nhất giữ họ với nhau chỉ là âm nhạc. Nhưng với thế giới bên ngoài, đó là 4 nghệ sĩ hàng đầu ở vị trí của họ và một The Who vô địch. Khi cả ba người kia: Pete Townshend, John Entwistle, và Roger Daltry đều ra những album solo thành công (và khổ cái, cả ba ông đó đều biết hát và chia nhau hát chính trong The Who), những sự trông đợi về album solo của Keith Moon đã chiến thắng chính anh, cho dù anh có là người kiệt xuất như Keith Moon.
Keith Moon cho ra album solo của riêng anh Two Sides of The Moon (1975), dường như là để chia sẻ với thế giới về cái "mặt khuất" của mình, và để nhận lại sự phê bình kịch liệt cho album này như là một trong những album solo tệ nhất trong lịch sử âm nhạc.
Đội hình thu âm cùng Keith Moon thì toàn danh thủ: Ringo Starr, Hary Nilsson, Joe Walsh, v.v. John Lennon đem tặng Keith vài đoạn nhạc vừa sáng tác, còn David Bowie thậm chí còn tham gia hát cùng (dù không được credit). Album được thu âm trong giai đoạn The Who nghỉ giữa album Quadrophenia và The Who by Numbers. 200 ngàn đô được Keith Moon đầu tư, với một vài nhà sản xuất danh tiếng bị sa thải giữa chừng. Thiên thời, địa lợi, và nhân hòa như được sắp đặt sẵn để Two Sides of The Moon trở nên thành công, trừ việc có lẽ Keith Moon chưa bao giờ sẵn sàng cho việc này. Thì đó, Keith Moon nay được hát chính trong cả đĩa (thay vì lâu lâu được hát bè trong The Who), và nhấn mạnh yếu tố “hát” bằng việc chỉ chơi trống trong 3 trên 10 bài trong album này, cú đánh trời giáng từ sự đón nhân nhạt nhòa của người hâm mộ đã đánh quỵ sự hào hứng đầy trẻ thơ được nuôi dưỡng bấy lâu. Cái sự ưu ái của khán giả với những người "biết hát" thực ra luôn vô tình gây áp lực cho những người trên giàn trống, những người luôn ít được chú ý đến trong ban nhạc trong khi có thể tỏa sáng theo cách ít người có thể.
Keith Moon chết sớm khi anh mới ngoài 30 sau khi uống đến 32 viên an thần clomethiazole để đối phó với chứng nghiện rượu của mình. Anh chết trong căn hộ thuê lại của người bạn nhậu (quậy) Harry Nilsson, khi những dự định của một cuộc phục thù mang tên “Two Sides of The Moon” phần hai còn đang nung nấu.
Những người bạn đến từ Anh hay Tô Cách Lan của tôi, mỗi người đều có một track ưa thích của The Who, lẫn một câu chuyện vui về Keith Moon mỗi khi ngồi cùng nhau quanh mấy chiếc ly. Keith Moon có lẽ cũng không ngờ rằng anh đã đi sâu vào văn hóa của người Anh bằng những trò nghịch phá đến như vậy, trong khi hình như đã không còn ai nhắc đến The Two Sides of The Moon, hay chí ít là “phần chìm” của Moon.
Đàn ông rốt cuộc cũng chỉ là những thằng bé to xác. Tôi nghĩ thời bé, ai hẳn cũng sẽ chọn cầm lấy đôi dùi và gõ đập tán loạn trên bộ trống hơn là lướt tay trên những phím đàn, để được gõ thật mạnh, thật to, để được cảm nhận cái cảm giác khuất phục âm nhạc theo cách giản đơn và gần gũi nhất (rõ là tập được bài đàn hẳn là lâu hơn nhiều). Keith Moon hẳn là người hiếm hoi đã nuôi dưỡng được cái sự hứng khởi của đứa trẻ trên giàn trống đó trong suốt hơn 30 năm, trong khi khán giả, trong đó có tôi và chúng ta, lớn lên và được “gợi ý” chơi những thứ nhạc cụ “tao nhã” hơn, hoặc thậm chí cũng chả cần chơi nhạc nữa.
Khi đã "trưởng thành" thành công, chúng ta bỗng được trao cho cái quyền kỳ vọng người khác phải nên như nào. Và dường như, ta vô tình không chấp nhận việc vẫn có những người không sẵn sàng để trở thành người lớn. “I hope I die before I get old” – Pete Townshend mới thật hiểu chuyện, và bài hát sôi nổi “My Generation” bỗng nghe phảng phất những suy tư.
R.I.P Moonie (7/9/1978).
Kcid
Comentarios