Có bao nhiêu người khi nhắc đến tên ban nhạc “Queen”, đã lập tức nghĩ ngay đến Nữ Hoàng Anh? Liệu có bao nhiêu người thực sự liên tưởng chữ “Queen” tới thứ âm nhạc hoành tráng, gợi nhớ tới những vở opera bất hủ?
Tôi biết ít nhất một người. Đó là anh chàng Farrokh Bulsara, một nghệ sĩ mảnh khảnh người gốc Ba Tư có giọng hát bấy giờ còn loay hoay đi tìm “chất”.
Khi câu chuyện của ban nhạc Smile của Brian May và Roger Taylor đi đến hồi kết, chính Farrokh đã khuyên hai ông bạn của mình hãy tiếp tục với âm nhạc nhưng dưới một cái tên nhiều ẩn ý đầy tự hào như Queen. Bản thân Farrokh cũng đổi tên mình thành Freddie Mercury. Khi Freddie hào hứng khoe với Brian về việc anh tưởng tượng tới “Đức mẹ Mercury” (trong lời bài hát “My Fairy King” ở album đầu tay Queen) đã sinh ra “Freddie Mercury” như thế nào, Brian chỉ biết ngao ngán “Ồi cái thằng này nó điên mịa rồi”.
Hóa ra trừ Freddie thì không ai trong ban nhạc thích tên “Queen” cả. Brian và Roger chỉ nghĩ đơn giản họ cần làm mới bằng một cái tên, rồi sau đó âm nhạc mới là thứ đại diện chính thống cho band.
Nhưng trước hết phải xem là band chơi nhạc gì đã chứ!
3. HEAVY METAL
Ý định về một thứ âm nhạc hoành tráng rõ ràng đã không được thành công lắm với album đầu tay Queen. Dù có cố gắng tạo ra những nét biến tấu trong nhạc của mình so với các band Rock nặng khác, và dù Brian May và các đồng đội đã cố gắng riff cây đàn bộ trống với tất cả những câu hay nhất họ từng nghĩ ra, xem ra lối hát của Freddie đem đến nhiều hoang mang về sự vay mượn chắp vá chả giống ai, hơn là sự hy vọng về một thứ âm nhạc kiêu hùng.
Có lẽ cách nhanh nhất để đến với sự hoành tráng trong nhạc Rock là chơi thật nặng. Không khó để nhận ra Queen cần mẫn chơi Heavy Rock trong hai album tiếp theo của họ đều phát hành vào năm 1974, Queen II và Sheer Heart Attack. Từ Queen II, nhạc của Queen được ghi âm phức tạp hơn, với nhiều track chồng lên nhau cực kỳ đặc trưng được dùng cho hát bè và đàn guitar.
Nếu như có một thực tại song song nơi mà Queen không bị mặc định là sinh ra là để hát nhạc Opera, tôi cá là Queen đã trở thành một trong những Heavy Metal band vĩ đại nhất bị bỏ quên của thập niên 70s, tất nhiên là vì khái niệm “heavy metal” chưa có ở thời đó. Giọng hát của Mercury khi “đanh đá” mới thật hợp với những câu riff lạo xạo của Brian May trong những “Stone Cold Crazy”, rồi cả sự bổ trợ đầy hứng thú từ giọng hát của Roger Taylor trong “Orge Battle” và cả “In the Lap of Gods”. Ai đó có thể nói lúc này giọng của Freddie Mercury hãy còn đang trong giai đoạn tìm “chất”, nhưng không ai có thể nghi ngờ giọng ca Heavy Metal cực “chất” của Roger Taylor.
Chưa kể, với sự khởi đầu cho việc thu âm nhiều track guitar chồng nhau, Brian May bỗng trở thành nhà tiên phong trong việc chơi guitar bè, thứ mà về sau những UFO hay Judas Priest đã biến nó thành khởi nguồn cho một làn sóng guitar đôi xuyên mấy thập kỷ. Riff tóe máu, kỹ xảo không thiếu (như màn dive bomb giữa đoạn guitar đầy bất ngờ trong “Brighton Rock”, thậm chí Brian May cũng không ngần ngại tapping bằng cả hai tay trong “It’s Late”, chỉ để một thời gian ngắn sau có tay guitar xứ cờ hoa mang tên Van Halen cũng làm vậy và đưa tất cả những kỹ thuật đó vào sách giáo khoa.
Không dừng lại ở những câu riff cực chất của Brian May, phần lời lẽ fantasy (và có lẽ hơi khó hiểu) của Queen có lẽ là thứ đặc sắc tiền thân của thứ âm nhạc hoành tráng sau này. Đúng vậy, Queen II đã có thể khiến Queen trở thành một ban nhạc như Rainbow từ trước khi Ritchie Blackmore có cơ hội rời bỏ Deep Purple, nhưng một lần nữa, dường như sự “quá cố gắng” trong cách hát của Freddie Mercury bỗng khiễn những bài hát trong Queen II trở nên thiếu sự đồng nhất và khấp khểnh mỗi khi có những cú chuyển trong lời hát, còn những bài trong Sheer Heart Attack lại trượt quá xa về phía "bắt tai" của nhạc Pop.
Chỉ có điều, không hiểu có phải những vận xui bám đuổi theo Queen đã khiến họ phải (miễn cưỡng) chuyển hướng trong âm nhạc hay không?!? Các chuyến lưu diễn của họ không hề thuận lợi hơn chút nào, nếu không muốn nói là thảm họa. Lần ban nhạc đi tour tại Úc, Brian bị tác dụng phụ của vaccine tiêm phòng hành hạ khiến cánh tay anh đau đớn mỗi lần ôm đàn. Freddie thì bị viêm tai ảnh hướng tới thính giác. Đã thế đám khán giả tại xứ sở kangaroo còn la ó vì bị ban nhạc bắt chờ đợi đến trời tối để trình diễn với màn ánh sáng để rồi sau đó trục trặc kỹ thuật tắt ngóm giữa chừng. Báo chí địa phương vùi dập Queen khiến ban nhạc phải bỏ dở chuyến lưu diễn ở Úc. Và mọi thứ dường như tắt ngúm ở đợt lưu diễn ở Mỹ sau đó, khi Brian May bị viêm gan do mấy mũi tiêm vaccine từ Úc. Thậm chí album Sheer Heart đã được sáng tác và thu âm khi Brian vẫn còn đang trên giường bệnh.
Dù sao thì Queen vẫn còn may mắn chán khi được lên diễn ở chương trình Top Of The Pops dù không có ca khúc nào lọt top 40 (nhờ David Bowie cho mấy ông BBC ở chương trình Top Of The Pops leo cây), và nhờ đó EMI nhanh tay phát hành single “Seven Seas Of Rhye” thì album Queen II mới lên được vị trí thứ 5 tại quê nhà. Track khá hot này bỗng khiến người nghe liên tưởng đến việc, Queen dường như lặng lẽ thử sức trong một thể loại còn gần với sự hoành tráng hơn?
4. PROG ROCK
Những ý tưởng hẳn là manh nha từ những bài “The March Of The Black Queen”, nhưng được rón rén đặt ở cuối album, do Freddie sáng tác đầy chất nhạc kịch. Lối hát “thả lỏng” đẩy cao trào của Freddie cũng bắt đầu dần được sử dụng nhiều hơn, điển hình như từ bài “Father To Son”.
Sự xuất hiện của thứ âm nhạc mang nhiều chương hồi và nhiều sự “chuyển biến”, hay tiếng Ăng lê gọi là “progress”, có lẽ bắt đầu không quá khó để nhận ra trong nhạc của Queen trong những “Seven Seas”, “Brighton Rock”, hay kể cả “Killer Queen”. Được sờ tay vào giàn máy 24-track đầu tiên của Trident khi thu Sheer Heart có lẽ cũng là một điều may mắn cho Queen, khi nó trợ giúp đắc lực cho những ý tưởng âm nhạc nhiều lớp nhiều tầng của họ. Và xin đừng trách tôi chỉ ra điều hiển nhiên rằng việc nhiều người có thể hát và nhạc cụ đa dạng khiến nhạc Queen thật là dễ mang tính “kịch nghệ”.
Nhưng trước mắt thì single “Killer Queen” trở thành bản hit đầu tiên của nhóm, giúp album Sheer Heart leo được lên số 2 ở Anh và top 10 tại Mỹ. Lúc này đây, người sướng nhất ban nhạc hẳn là Freddie Mercury. Sự nghiệp âm nhạc của anh và ban nhạc rõ ràng đi đúng hướng và giấc mơ về vị trí số 1 thế giới có lẽ đã dần thành hình.
Nhưng nghệ sĩ nổi tiếng thì cũng phải sống trước đã chứ hả.
Ai cũng biết, Prog Rock là một thứ “mốt” thời đầu thập niên 70s, trước khi cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 1974 đã làm kiệt quệ mọi thị trường, trong đó có cả thị trường âm nhạc và Punk lên ngôi.
Chấp nhận làm Prog Rock, Queen có thể thỏa mãn sự thể nghiệm của họ trong âm nhạc, nhưng rõ ràng nó cũng đẩy họ vào ngõ hẹp của những khán giả thiểu số. Queen hẳn hiểu điều đó hơn ai hết khi trong hai album Queen II và Sheer Heart, họ đã thử cân đo phản ứng khán giả bằng việc cân đối giữa Heavy, Prog, và những bản Pop dễ nghe.
Nhưng trái ngược với tiếng tăm mà Queen dày công gây dựng và số đĩa bán được tạm ổn từ thành công với đĩa Sheer Heart, các thành viên của Queen vẫn chỉ nhận được từ Trident Studio 60 Bảng Anh mỗi tuần!!! Trident từ chối Roger Taylor tiền ứng trước để mua ô tô mới, lẫn tiền “lên đời” đàn piano cho Freddie, chưa kể khoản vay 10 ngàn mua nhà khi John Deacon mới cưới vợ cũng bị khước từ (vay thôi mà). Lý do của Trident đơn giản là vì họ đã đầu tư cho ban nhạc và trả lương cho mỗi thành viên suốt 4 năm trời từ những ngày đầu và con số đó lên tới 200 nghìn bảng (tương đương 2 triệu ở mệnh giá hiện nay).
Và cái hợp đồng thu âm mà Queen dày công đàm phán để ký với Trident trước đây bỗng trở nên ngớ ngẩn và nay biến các thành viên trở thành bốn anh công nhân sản xuất các đĩa nhạc để Trident đem mang đi bán cho các hãng đĩa rồi đút túi riêng.
Tháng 8 năm 1975, Queen giải quyết mọi thủ tục pháp lý với Trident Studio bằng cách trả 100 nghìn Bảng Anh và cho hãng này hường 1% tiền bản quyền cho 6 album tiếp theo, rồi ký hợp đồng trực tiếp với “mẹ” của Trident là EMI ở Anh và Elektra ở Mỹ. Queen trước đó cũng kịp từ chối không ký hợp đồng với hãng Swan Song của Led Zeppelin, cũng như sự bảo trợ của ông bầu Peter Grant, vì không muốn núp bóng sự nổi tiếng của Led Zeppelin.
“Nghèo nhưng oai” thế thôi, album thứ tư của họ nếu không ra gì thì Queen chắc chắn tan vỡ. Đến đây chắc tôi không cần phải nhắc lại, Heavy Metal hay Prog Rock đều không phải thứ có thể bán được vào năm 1975.
5. “BLACK QUEEN”
Là một nhà khoa học, hoặc chí ít cũng ở khá gần với danh hiệu đó, Brian May hẳn thừa hiểu khoảng cách giữa thiên tài và tên ngớ ngẩn không cách nhau nhiều lắm. Ít nhất thì kẻ ngớ ngẩn cũng thường nghĩ mình là thiên tài.
Cũng may là Brian không chia sẻ điều này với Freddie Mercury, vì có lẽ trong thâm tâm cậu bé Farrokh Bulsara ngày nào, chưa bao giờ cậu nảy sinh một ý nghĩ nghi ngờ về định hướng nghệ thuật khác biệt trong âm nhạc của mình. Không cần biết đến khái niệm “giỏi” hay top 10 trong đầu, Farrokh luôn ước mong trở thành số 1. Cảm giác như một khi Farrokh tự đặt mục tiêu cho chính mình, do dự và nghi ngờ không bao giờ được lóe lên trong ý nghĩ của cậu. Nó tiếp cho Farrokh sức mạnh vươn lên từ đứa trẻ nhút nhát ngày nhỏ, hay bị bắt nạt, và luôn trăn trở về định hướng tính dục của mình, trở thành một Freddie Mercury vĩ đại và đầy tự cao, vung cây micro ngắn củn lĩnh xướng cho hàng chục ngàn người đứng dưới, và đi vào lịch sử như là một trong những frontman vĩ đại nhất.
Và nếu như đã có những gã cổ quái như Ozzy Osbourne tự nhận mình là Prince of Darkness, thì cũng có những người tự cao như Freddie Mercury coi mình như là Black Queen.
Chỉ đến khi Queen đã đi sâu vào lòng khán giả với thứ âm nhạc của riêng họ, mọi người mới chợt nhận ra ban nhạc Queen lâu nay mang chất riêng thật kiểu cách như là “Nữ hoàng độc nhất” của nhạc Rock, trong một thế giới có quá nhiều người tranh giành để trở thành “vua” hay chí ít cũng phải là “hero”. Khối người đã quên rằng họ đã hát “March of Black Queen” từ đời nào.
Độc đáo thay và cũng chưa từng có tiền lệ khi một ban nhạc Rock nặng được dẫn dắt bởi một ca sĩ đồng tính, với thứ âm nhạc đem đến sự phản kháng mọi người vẫn trông đợi từ nhạc Rock. Và dĩ nhiên cái chất “kiểu cách” ấy hẳn không thể được tạo ra nếu như frontman của họ không phải người đồng tính với một góc nhìn (và cả tầm nhìn) mà lâu nay không ai ngờ tới.
Tất nhiên đấy là khi thế giới đã an bài thời Hậu-Bohemian-Rhapsody.
Còn trong lúc này, tựu chung thì mọi người vẫn cho rằng bốn tay Mercury, May, Taylor, và Deacon chỉ là mấy gã liều lĩnh. Trong thời buổi nước Anh chìm vào khủng hoảng kinh tế và các ngành công nghiệp, kể cả công nghiệp ghi âm, đều bị kiệt quệ, Queen bỏ ra hơn 35 ngàn Bảng Anh để thu album tiếp theo của họ. Hãy nhớ rằng thời đó, các ban nhạc còn tồn tại được khi họ cố gắng vào phòng thu để thu thật nhanh, và cũng chơi thật nhanh, bởi vì thậm chí các phòng thu ở nước Anh lúc đó còn thường xuyên bị mất điện trong vài năm suốt cuộc khủng hoảng sản xuất. Nhạc Punk lên hương trong bối cảnh như vậy. Còn Queen thì quyết chơi liều cả về định hướng nghệ thuật, bất chấp thị trường âm nhạc thương mại đang diễn ra như thế nào.
Brian May, Roger Taylor, và John Deacon hoặc là có một niềm tin mãnh liệt rằng ban nhạc có cái tên ngớ ngẩn này là “thiên tài”, hoặc họ quyết chơi ngu “cú chót” để sau có thể gác đàn yên tâm làm kỹ sư bác sĩ.
Bài mở đầu "Death on Two Legs (Dedicated to...)" do Freddie chắp bút hướng thẳng mũi dùi vào đám quản lý ở Trident mà không cần giấu diếm.
Bài “You’re My Best Friend” do John Deacon sáng tác từ cảm hứng của người mới tập chơi đàn piano điện thể hiện rõ trong câu intro bằng chiếc đàn của Wurlitzer nghe nhòe nhòe bập bùng lạ tai đầy ấn tượng, và rồi vẫn là những câu bass giai điệu đặc trưng mà John hay chơi.
Bài “I’m In Love With My Car” do Roger Taylor sáng tác được chính anh đảm nhiệm vai trò hát chính là một trong những điểm sáng của đĩa với phần kết bài đan xen giữa tiếng solo của Brian với tiếng động cơ máy ô tô rồ ga đầy mãnh lực và đàn ông.
Bài “’39” do Brian May sáng tác trên đàn guitar thùng 12 dây với màu sắc nhạc dân ca cực hay được John góp sức bằng tiếng bật bông trên cây đàn double bass mà anh mới tập chơi sau lời thách nửa đùa nửa thật của Brian.
Nhưng dị hơn cả hẳn là “The Prophet’s Song” dài hơn 8 phút mà Brian sáng tác với nhiều khúc chương hồi, đổi tông, khác xa với phong cách sáng tác truyền thống trước đây của anh. Trong trường đoạn này, tiếng trống nện như tiếng sấm của Roger và tiếng guitar chói lóa của Brian chưa là gì so với khúc acapella canon dài 2 phút 30 giây với nhiều bè đối âm do Freddie đảm nhiệm bè trung, Brian bè trầm và Roger là bè cao. Bài “The Prophet’s Song” này phải mất gần 3 tuần để ghi âm.
Không thiếu những ca khúc thể nghiệm một cách lạ lùng, nhưng công bằng mà nói, tổng thể của A Night At The Opera không mang một ý tưởng xuyên xuốt mà giống một màn xả “xú páp” của bốn nghệ sĩ vừa được thoát cũi xổ lồng hơn. Họ chắc chắn sẽ bán được đĩa như Sheer Heart, nhưng để lịch sử có thể ghi danh Queen và A Night At The Opera vào lịch sử của Heavy Metal hay Prog Rock thì hãy còn chưa thuyết phục lắm. Nếu như không có ca khúc cuối cùng trong đĩa của họ.
“Bohemian Rhapsody”, có lẽ là bài hát điên rồ nhất thật sự quyết định số phận của Queen và ghi danh họ vào lịch sử âm nhạc. Không phải Heavy, cũng chẳng phải Prog, Queen đứng một mình với một kiểu nhạc chỉ họ có thể chơi được.
Thật vậy, cái tính cách “rock” của bài này đầy sức nặng, phần “ballad” thì mang đầy không gian, và chất “kịch” thì đầy những câu nhạc cao trào bắt tai không thể cưỡng lại được. Bỗng nhiên, “Bohemian” chỉ cho người nghe nhạc sành về Progressive, dạy cho người nghe nhạc Rock về âm thanh nặng, và sự đa màu sắc của nó đã đi vào lòng khán giả của tất cả các thể loại một cách thật giản đơn như một chiếc nồi cơm điện không bao giờ cần phải có bản hướng dẫn.
Với nhạc Rock bấy giờ, kể cả dòng Progressive đầy phức tạp cũng không có những thử nghiệm vô tiền khoáng hậu như trong “Bohemian Rhapsody”. Ngoài chuyện bài không có phần điệp khúc nào, nó còn được cấu thành từ 3 bài khác nhau gộp vào và chia nhỏ ra làm 5 khúc: đoạn acapella mở đầu, khúc ballad trên nền piano du dương tiếp theo, đoạn opera của dàn đồng ca ở giữa, khúc Hard Rock sau đấy và câu kết hồi tưởng. Điều đáng nói nhất mà người ta vẫn nhắc đi nhắc lại đến giờ chính là khúc hát Opera phức tạp ở giữa. Ngoài vô số lớp ghi âm nhạc cụ, ở khúc giữa này, có tới gần 200 track vocal tạo hiệu ứng dàn đồng ca hát bè cực kỳ phức tạp, nhưng thực tế được thực hiện bởi đúng Brian May (bè trầm), Freddie Mercury (bè trung) và Roger Taylor (bè cao).
Về kỹ thuật ghi âm, nó còn khó ở chỗ ngần ấy track được thu trên chiếc máy 24 track bấy giờ (nhiều hơn nhiều so với thời 4 track trước đó nhưng không là gì so với hiện nay). Mấy trăm lớp ghi âm thu đè lên nhau chia ra trên 24 rãnh đó, đoạn này chắp và nối tiếp đoạn kia trên cuộn băng bị ghi đè hàng chục lần đến mức trắng phớ ra. Và với những track nhạc đó, một khi đã tổng hợp các lớp nhạc lại thành một, thì không bao giờ kỹ sư âm thanh có thể sửa được âm lượng của một giọng hát hay nhạc cụ nào trong đó nữa.
Do đó, hoàn hảo là một điều kiện bắt buộc. Đã thế thời đó London còn hay mất điện nữa.
Ngay cả quản lý mới của Queen lúc này, John Reid (cũng là quản lý của Elton John) khi đưa cho Sir Elton John nghe thử “Bohemian” thì ông cũng phải phì cười mà rằng “bài này không có cửa phát trên radio đâu cưng”. Nhận định chung của hãng đĩa lúc đó là “You’re My Best Friend” sẽ thích hợp làm single đầu tiên hơn.
Cả ban nhạc không đồng tình như vậy, kể cả việc họ muốn đưa ca khúc tới người nghe trọn vẹn trong toàn bộ thời lượng của nó như ý đồ ban đầu mà ban nhạc mong muốn chuyển tải khi ghi âm.
Một lần nữa, sự kiên quyết không nhượng bộ, có phần bảo thủ của Queen lại chứng tỏ tầm nhìn đúng đắn của họ.
Khi mà DJ của kênh Capitol Radio thủ được một bản ghi âm về và rón rén bật từng đoạn ngắn của “Bohemian” trên đài cho chắc, trước khi chơi cả thời lượng 6 phút với tần suất thường xuyên trong 2 ngày, mọi người mới ùn ùn kéo tới đòi mua đĩa đơn này trong khi nó còn thậm chí chưa được đóng hộp để bán. Các DJ khác đâm ra lại nhanh chóng học theo và đấy là cách không ai ngờ “Bohemian” được phát rộng khắp trên radio cả ở Anh lẫn Mỹ.
Kết quả là single “Bohemian” sau đó đứng vị trí số 1 suốt 9 tuần liền. Còn album A Night At The Opera leo lên số 1 ở Anh Quốc và số 4 ở Mỹ, cộp dấu cộp khẳng định vị trí số 1 mà Freddie Mercury và anh em Queen luôn hằng phấn đấu.
Giờ đây, Freddie đã có thể thở phào nhẹ nhõm vì đã thực hiện được những lời hứa hẹn về thứ âm nhạc hoành tráng, nay đã đem lại thành quả cho Queen (và các thành viên nay đã có thể toàn tâm toàn ý trụ lại với âm nhạc). A Night At The Opera đã trở thành bước khởi đầu cho một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ theo cách của của riêng họ.
Nghiệt mỗi cái là, Freddie không có hứa là Queen sẽ tồn tại mãi mãi.
R.I.P., Black Queen!
Kcid
đỉnh