top of page

Từ The Strokes đến EmoodziK

“I just wanted to be one of the Strokes” - Alex Turner mở màn bằng một câu hát rất sốc ngay track đầu tiên Star Treatment trong đĩa Tranquility Base Hotel & Casino của hội Arctic Monkeys.


Thời điểm năm 2001 khi nhóm The Strokes tung album đầu tay Is This It có lẽ là một trong những thời điểm quan trọng nhất của nhạc rock hiện đại. Ít ra là cánh báo chí nói như thế.


Năm chàng trai từ New York được vinh danh như những kẻ cứu cánh cho nhạc rock giữa vô vàn những thứ nhạc của hip hop hay boyband và girlband. Britpop thì lúc đó cũng nghẻo rồi. Cái rock nhất mà có mặt trên các bảng xếp hạng là nu metal / rock rap gây tranh cãi. Thế nên với một album mang tính old school với âm hưởng cũ hơn từ ảnh hưởng của Velvet Underground thì chắc hẳn giới phê bình và mọi người phải đón nhận nồng nhiệt.


Chưa kể ngay lập tức đĩa này được cho vào top các album hay nhất mọi thời đại. Và quan trọng hơn cả, The Strokes được tôn vinh là kẻ cứu tinh của dòng nhạc rock, và mở đường cho các ban nhạc rock hiện đại khác được tung hoành hơn sau này.


Có thật là đến mức như thế không? Khi mà vừa không lâu trước đó, GrungeBritpop cũng được tung hô y hệt. Và kết quả thì ai cũng rõ.


1️⃣ Thời tiền Strokes

Trong bộ phim School Of Rock mà Jack Black đóng, có đoạn miêu tả cây gia phả của các dòng nhạc rất thú vị: coi Jazz (dòng nhạc do người da đen tạo ra) như chúa của dòng nhạc hiện đại và trực tiếp “tạo ra” nhạc Blues. Rồi Blues và Country (hai dòng nhạc cũng do người da đen tạo ra) như Adam và Eva phối hợp đẻ và cũng như tự đẻ ra vô vàn các thể loại nhạc hiện đại khác mà chúng ta nghe bây giờ: folk, r&b, soul, folk rock, funk, pop rock, pop, disco, hard rock, heavy metal, grunge, punk, hip hop, ..v..v..


Thế nên trước thời điểm chuyển giao thế kỷ 21 mà mọi người cứ lầm tưởng là ngày tận thế của thế giới, âm nhạc hiện đại đã có hàng đống lần chuyển mình rồi. Mọi người cũng từng la ó cười nhạo nhạc disco giải trí tầm thường nhưng sự thống trị một thời của disco cũng khiến nhạc rock xanh mặt.


Nhưng lần này thì cũng hơi căng thật, vì nhạc Rock dường như đã yếu lắm rồi sau sự sụp đổ của đế chế Grunge đến từ Seattle giữa thập niên 90s, và rồi cả Britpop không lâu sau đó. Nhạc Rock thiếu ý tưởng đến mức nó sinh ra những thứ gây tranh cãi như Nu Metal và Rock Rap. Các thể loại nhạc khác như Teen Pop thì thản nhiên "mượn đồ" của Rock n Roll, chỉ với vài nét câu guitar điện hay tiếng trống jazz đã có thể trở thành những hiện tượng như "Baby one more time", hay "I want it that way" (vâng thưa ngài, Max Martin). Những thể loại giàu kỹ thuật như progressive hay instrumental rock thì không bao giờ có thể tìm đến với số đông khán giả. Những đại diện của alternative / indie rock như Sleater-Kinney, Supergrass, Radiohead, Spoon, PJ Harvey, Beck vẫn tạo ra âm nhạc "chất", nhưng vô tình hay hữu ý, họ không tạo được nhiều tiếng vang trên thị trường mainstream. Cũng có thể, khán giả ở thời điểm đó cần thêm thời gian cho Indie rock?!?


Nhưng mà như Winston Churchill đã từng nói “nếu như bạn càng nhìn được xa về quá khứ, khả năng bạn nhìn được tương lai sẽ càng xa hơn”. Thế rồi mỗi lần có sự ngắc ngoải của nhánh nhạc nào thì lúc đó lại tòi ra một dòng nhạc mới. Khi nhạc rock dường như đi vào ngõ cụt, thì mấy gã ở New York của The Strokes chợt nghĩ ra là phải tìm đến tận ngọn nguồn của âm nhạc.


Chứ sao, chẳng phải thứ tình yêu sơ khai nhất với âm nhạc chính là từ chất gần gũi tự sự của nhạc blues hay sao?


2️⃣ Thời của The Strokes

Giống như hội Suede khi được đám báo chí thổi phồng như ban nhạc trẻ giỏi nhất để cứu nhạc Anh khỏi sự xâm lăng của nhạc Grunge hồi thập niên trước, thời kỳ The Strokes còn đang trong giai đoạn thai nghén, các bạn đã được đám truyền thông của Mỹ rêu rao là ban nhạc tài năng và vị cứu tinh cho nhạc rock. Sức ép đè nặng lên vai mấy chàng trai trẻ lúc bấy giờ. (May thay các chàng trai đều sinh ra từ nhà có điều kiện nên chẳng sợ bố con thằng nào)


Cơ mà khi thu âm đĩa đầu tay Is This It với sức ép vô hình từ báo chí, The Strokes vẫn không mảy may nghe theo lời đề nghị của hãng đĩa đi theo hướng nhạc “sạch và trau chuốt”. Ngược lại, Julian Casablancas,ca sĩ chính, và đám bạn liều lĩnh quăng luôn ba bản thu âm chất lượng cao với producer Gil Norton (người từng sản xuất cho PixiesFoo Fighters), và quay sang với Gordon Raphael để tìm tới âm thanh không hoàn hảo giống như trong mấy băng demo mà ban nhạc thu thử hồi đầu.


Cuối cùng cái âm thanh mà The Strokes muốn, thì cả tiếng đàn và tiếng hát trong đĩa nghe đều thô sơ như một sản phẩm ghi âm ngân sách thấp. Thậm chí mọi người còn đồn nhau là cả hội nhà giàu này chỉ bỏ ra có 10 nghìn đô để thu âm. Nghe cũng giống thế thật. Tiếng hát của Julian bị distort rè rè và tiếng đàn cũng như trống đều có vẻ lẫn nhiều tạp âm lắm, không có cái cảm giác dày tiếng và độ vang như “wall of sound” chút nào.


Nhưng đừng quên là, mấy gã này "thừa điều kiện". Và mấy gã đang đi ngược về quá khứ để tìm cảm hứng đi vào tương lai.


The Strokes thu Is This It với cách bố trí y như thời xưa. Chỉ có 2 mic treo thẳng trên đầu giàn trống để âm thanh của trống như bị nén vào trong hộp. Các thành viên thì thu nhạc cùng nhau luôn, với tinh thần giống như đang chơi nhạc live và hòa trộn cái không khí tưởng tượng của khán giả xem live vào trong sự bùng nổ của họ.


Âm sắc của The Strokes thẳng thừng thể hiện sự ảnh hưởng từ nhạc rock từ những năm 1970 của Velvet Underground lẫn những người trước họ không lâu là Pearl Jam hay Nirvana. Đích đến của họ, là radio, là cảm giác người nghe từ như tìm lại được thứ gì quen thuộc, trong bối cảnh lâu nay chỉ phát nhạc của nu metal và các thứ khác.


Còn phần nhạc, nhạc của The Strokes là sự thẳng tuột, không màu mè, và đập vào mặt. Tinh thần đó thể hiện rõ qua các track trong đĩa đều không cần intro gì phức tạp mà các nhạc cụ vào cùng lúc với nhịp trống rộn ràng và tiếng bass bập bùng. Các câu riff của guitar của Nick và Albert đều không quá cầu kỳ nhưng lại hiệu quả. Những đoạn điệp khúc cũng đơn giản nhưng lại catchy thể hiện trình độ sáng tác rất chắc tay của Julian. Barely Legal, Alone Together, Last Night hay Trying Your Luck đều là những bài có giai điệu tuyệt vời.


Nếu nhìn ra xung quanh, thì The Strokes thực ra cũng không đơn độc. Nhạc rock vẫn có những đại diện xuất sắc làm ra những thứ âm nhạc "về nguồn" như The White Stripes (kẻ có công đánh gục đám boyband / girlband khỏi sự sinh sôi nảy nở nhanh như bọn ốc bươu vàng), rồi Queens Of The Stone Age, Bright Eyes, Muse, System Of A Down, Foo Fighters, hay Radiohead. Họ đều tìm cảm hứng từ âm nhạc thời đầu theo cách này hay cách khác. Nhưng điểm chung thì vẫn là âm nhạc được xây dựng từ những âm thanh cơ bản nhất: bộ trống, bass, và tiếng guitar điện với giọng hát giàu cảm xúc.


3️⃣ Thời hậu Strokes

Thực ra 2-3 đĩa sau của The Strokes đều ổn (trừ đĩa thứ hai Room On Fire không quá thành công về thương mại khi chỉ đạt Gold), tiếng vang của The Strokes dường như cũng chìm dần. Mọi người mới đặt ra câu hỏi móc máy “Was That It” - “Có thế thôi à?”.


Chỉ khổ thân các chàng trai vật lộn tìm lại sự mới mẻ trong âm nhạc thì giới phê bình bắt đầu cảm thấy nguội với những gì đã từng thổi phồng với The Strokes. Kỳ vọng cao rồi thì thất vọng cũng cao.


Vậy The Strokes có thực sự cứu rỗi nhạc rock không? Bọn tôi cho là không hẳn.

Thế nhưng phải ghi nhận công lao cực lớn của The Strokes khi đem lại một niềm tin lớn lao cho các hãng đĩa đi tìm các tài năng rock trẻ khác để vươn tới thành công tương tự của hội này. The Strokes chính là cú đánh mạnh nhất vào sự ngạo nghễ của ngành công nghiệp âm nhạc, khi cho rằng họ biết hết các cách để thành công, và các các hãng đĩa lớn chỉ chực ăn tươi nuốt sống các hãng đĩa nhỏ (hoặc indie). Những cái đầu tỉnh táo còn lại trong ngành công nghiệp âm nhạc bỗng nhận ra, hóa ra âm nhạc không phải là khoa học chính xác, và không có một công thức chiến thắng nào cả. Đương nhiên rồi, sáng tạo trong âm nhạc là không có giới hạn, và cách này hay cách kia nó vẫn đến được với người nghe. Chính có những kẻ lâu nay đứng sau ngành công nghiệp ghi âm mới là giới hạn của âm nhạc.


Nhờ có The Strokes, các nhóm indie rock như Kings Of Leon, Arcade Fire, The National, Arctic Monkeys, The Killers, Kasabian, ..v..v.. bắt đầu được các ông lớn lăng xê chứ không còn làng nhàng theo đúng nghĩa "underground" hồi Tiền Strokes. Còn khán giả ư, họ đã chịu khó đi tìm mua đĩa indie rock và từ các hãng đĩa ít danh tiếng hơn hẳn, và một phần cũng phải cám ơn cuộc xâm lăng của nhạc số.


Như đã nói ở trên, hành trình của The Strokes không đơn độc. Có thể là, sự ra đời của Is This It tình cờ rơi vào đúng thời điểm và được giới truyền thông tung hô hết lời, trong khi mấy band được nêu tên ở trên kia cũng đều đã hoạt động được vài năm. Chưa kể, đó cũng là album đáng kể đầu tiên của thập niên mới, và nói gì thì nói, âm nhạc của họ vẫn rất chất lượng, dù không ở mức độ chấn động thế giới như cách Nirvana đã từng làm. Thế nhưng thói quen của cánh báo chí của Mỹ thì luôn là tìm cách giữa bó đũa chọn ra cột cờ, và lấy một band tiêu biểu tôn lên làm người hùng mà họ có thể làm cú hích với nhạc Mỹ, cũng là để trả thù cho vụ báo chí Anh đã từng hả hê với Britpop. Is This It được Rolling Stones cho vào vị trí số 2 những album hay nhất thập niên 2000 và NME cho hẳn vị trí số 4 những album hay nhất của MỌI thời đại. Nhưng nghĩ xem, ai là người điều hành Rolling Stones nếu không phải là những kẻ đứng sau ngành công nghiệp âm nhạc?

Lạm bàn thì như vậy, nhưng bọn tôi nghĩ là The Strokes hoàn toàn không hề muốn dính dáng vào bất kỳ cuộc so sánh nào ngay từ đầu. Cái cả bọn cần chỉ là tạo ra âm nhạc mà họ muốn chơi và họ thực sự thành công. Và bọn tôi nể họ vì dám làm những điều họ cho là thuần khiết nhất.

▶️ Quay lại câu chuyện các thể loại nhạc được vẽ nhánh trong phim School Of Rock, cái ADN của “ông cố nội” nhạc Blues vẫn len lỏi đâu đó trong các dòng nhạc của các nghệ sĩ lớn mà khán giả yêu âm nhạc tìm tới: nhạc rock của Greta Van Fleet hay Jack White; nhạc rap như Kanye West, Kendrick Lamar; nhạc pop của Lana Del Rey, Adele, Ed Sheeran vân vân..

Cây gia phả trong phim School of Rock

Trộm nghĩ, dù gì thì gì các cháu chắt chút chít của nhạc Blues dù gì thì vẫn giữ được cái cảm xúc “con người” nhất trong cách làm nhạc, đánh đàn, lối hát và thậm chí rap của nghệ sĩ. Thế nên cứ nói một thể loại nhạc gì sắp chết, nghe thật buồn cười. Các nhà làm nhạc thực ra cứ đánh lận khái niệm "chết" với việc không có tên tuổi nào đình đám trên bảng xếp hạng. Tệ hơn là có những nhà sản xuất âm nhạc dùng mô típ của mình và nói với khán giả rằng nhạc đó là thể loại gì. Hóa ra, âm nhạc thì vẫn luôn luôn tồn tại, và các nghệ sĩ họ cũng không quan tâm lắm là họ chơi thể loại gì, miễn là được chơi thứ nhạc họ muốn và nó thực sự chất lượng.

Thế nên quan điểm của hội chúng tôi thì là: chỉ có 3 thể loại nhạc trên đời: nhạc bạn thích, nhạc bạn chưa thích, và nhạc bạn không thích.


Mỗi năm lại có vô vàn các nghệ sĩ cho ra bao nhiêu sản phẩm âm nhạc mới và bạn sẽ tìm được thứ nhạc mà bạn yêu thích. Bọn tôi cũng thấy có chút tự hào vì đang ở trong thời đại mọi thứ đều mở và có thể đến tay. Nhưng ngược lại, truyền thông thời đại số và báo mạng là những kẻ cần phải cảnh giác.


Có thể đó cũng chính là lý do chúng tôi làm trang EmoodziK để chia sẻ suy nghĩ và sở thích. Bọn tôi chính ra hơi bị giống The Strokes nhé, tự trang trải nuôi sở thích viết lách, nên đôi khi dù có dè dặt, chúng tôi vẫn muốn có sản phẩm mang tính chất cá nhân chút (sở thích nhạc thì lại càng mang nặng tính chủ quan cá nhân).


Được cái, bọn tôi không phải dân làm báo mạng, với bọn tôi thích du hành ngược về quá khứ, càng xa càng tốt. Nếu có đông người du hành cùng thì càng vui. Để làm gì thì... ai biết.


Hẹn gặp lại.


Emoodzik

1,087 views

Recent Posts

See All
bottom of page