top of page

The Who pt. 2: gã đập đàn mong manh

Updated: May 4, 2021

Đại hội âm nhạc Woodstock năm 1969. Toàn những nghệ sĩ khủng, những người khiến cho bất cứ đại hội âm nhạc nào ở thế hệ sau cũng đều cảm thấy thèm thuồng: Jimi Hendrix, Grateful Dead, Santana, CCR, Crosby-Still-Nash & Young, Jefferson Airplane, v.v. Vậy nên không ai có thể ngờ được ban tổ chức sự kiện hóa ra lại loay hoay khi không biết chọn ai làm headliner trong buổi diễn đinh vào đêm thứ 7. Beatles đã không biểu diễn live từ năm 1966, còn Rolling Stones thì tạm thời không xuất hiện trong khi Mick Jagger đang bận đóng phim. Jimi Hendrix thì đã được nhắm cho đêm Chủ nhật. Cái tên The Who cuối cùng được ban tổ chức chấm để chọn mặt gửi vàng.


Những fan nghe nhạc làng nhàng như tôi thường mơ ước được trở lại thập niên 60s, khi mà nhạc rock n roll lẫn những thể loại nhạc nặng khác còn đang ở thuở sơ khai, với những ban nhạc giàu ảnh hưởng đến lịch sử âm nhạc sau này. Cảm giác như ở thuở hỗn mang của âm nhạc thời ấy, bất cứ thứ gì phá cách đều có thể đem lại thành công (?!) Và nhắc đến những ban nhạc phá cách, thì hẳn The Who chả bao giờ kém cạnh gì ai. Ấy vậy mà cái con đường từ ban nhạc phá cách tới mức hiếu chiến như The Who, trở thành ban nhạc "đinh"dẫn dắt cho sự kiện âm nhạc như Woodstock trước gần 500 ngàn người, ngẫm ra cũng không hề ngắn và thiếu chông gai.


Sức lan truyền của The Who vào giữa thập niên 1960 gắn liền với một phong trào của đám trẻ trâu ở London bấy giờ gọi là “mod”. Đặc điểm chung của nhóm này là ăn mặc hợp thời trang, yêu âm nhạc, ưa tụ tập trên mấy chiếc xe gắn máy (Lambretta hay Vespa), và quan trọng hơn cả là phải “thái độ”. The Who lúc bấy giờ (năm 1965) được dẫn dắt bởi trưởng nhóm tự phong là ca sĩ Roger Daltry (ít nhất là anh nghĩ vậy), bên cạnh linh hồn là tay guitar Pete Towndshend, một sinh viên trường nghệ thuật (và sáng tác hầu hết các ca khúc); đối trọng cùng đôi bạn ưa tấu hài Keith Moon (trống) và John Entwistle (bass). Chọn khán giả ủng họ là đám thanh niên "nguy hiểm" cũng là cách Pete Townshend tuyên chuyến với những giá trị tức thời của xã hội lúc đó.


Với bộ tứ The Who, những người đều sinh ra vào cuối Thế chiến II và nằm nghe tiếng bom rơi từ trong bụng mẹ, có lẽ sự hiếu chiến là điều họ đều được trang bị khi lớn lên từ trong những đống đổ nát ở London. Ngay trong nội bộ của The Who, họ cũng đã hiếu chiến với nhau rất thật tình: cả 4 người bọn họ đều công nhận không có ai là bạn của nhau trong The Who, trong khi Roger Daltry và Pete Townshend thì luôn so kè xem ai mới là thủ lĩnh. Với cá nhân Pete Townshend, ngoài tính máu chiến thường trực thì sự bất an có lẽ là thứ luôn ngự trị sâu trong tâm trí.


Năm 4 tuổi, bố mẹ gửi Pete sang nhờ bà ngoại nuôi, lý do thực sự là để trong lúc bố anh đi lưu diễn, mẹ anh có thời gian qua lại với những người đàn ông khác. Chỉ có điều mà cả bố mẹ anh đều không ngờ, là bà ngoại Denny của Pete cũng thường xuyên qua lại với những gã đàn ông khác ở nhà, ngay trước mặt Pete. Denny cũng thường xuyên đánh đập và bỏ đói Pete để phạt mỗi khi Pete không theo ý bà. Chỉ lạ mỗi cái là, khi đã lớn lên và cả sau này, Pete Townshend đều không thể nhớ được những chi tiết trong khoảng thời gian đó. Đâu đó trong ký ức mờ mịt của Pete chỉ còn hình ảnh một người đàn ông bị điếc mà bà ngoại hay bắt anh gọi là “chú”, người mà lúc thì ôm ấp, lúc thì hành hạ anh. Thậm chí Pete đã phải tìm đến trị liệu để tìm lại ký ức, mà cũng không thể nhớ rõ mình đã ở nhà bà ngoại bao lâu và đã có sự kiện gì xảy ra.


Lớn lên cùng thứ nhạc jazz của bố và thần tượng tay rhythm guitar Bruce Welch của The Shadows, Pete tham gia ban nhạc jazz The Detours của tay guitar kiêm thổi kèn Roger Daltry và tay bass John Entwistle từ khi đang học đại học ngành nghệ thuật. Khi thập niên 60s mới chớm, Pete đã ý thức từ rất sớm rằng đây là thập niên với nhiều sự thay đổi lớn trong âm nhạc, và nếu The Detours không kịp tạo ra dấu ấn gì, họ sẽ bị bỏ lại phía sau. Có lẽ dấu ấn đầu tiên mà Pete Townshend có thể tạo ra cũng chính là khi họ gặp cặp đôi quản lý Kit Lambert/Chris Stamp, cặp đôi manager nổi tiếng một phần bởi Kit là người đồng tính và rất kết (lẫn bao bọc) Pete Townshend. Họ đổi tên thành The Who và sự thân thiết và hiểu ý giữa Kit Lambert và Townshend hẳn đã giúp The Who rất nhiều trong việc "định vị thương hiệu" một cách rất nhất quán, nhất là sau khi nhìn thấy những hiệu ứng trái ngược trong giới trẻ trước phong cách của The Beatles hay Rolling Stones. The Who chọn phá cách theo kiểu giới trẻ ngông nghênh, một phần vì đám mod thời đó không thèm để ý đến kiểu sạch sẽ của Beatles hay ngầu như Stones, nhưng có lẽ phần lớn bởi sự phá cách còn ghê hơn cả chính Rolling Stones giống như ban nhạc mà Pete rất thích: The Kinks.


Nhưng trước mắt, Pete Townshend, với sự hậu thuẫn của Kit Lambert, bắt đầu tuyên chiến với chính nội bộ của The Who. Tay trống Doug Sandom bị cho ra rìa chỉ vì lý do quá già so với phong cách băng đảng (nên khó kiếm được hợp đồng thu âm) và được thay thế bằng tay trống bị bệnh tăng động tên là Keith Moon. Dĩ nhiên là sau khi Keith Moon đập vỡ bộ trống hôm chơi thử.


Cùng lúc đó, album đầu tay của một người Mỹ tên là Bob Dylan đã khiến Pete Townshend cảm thấy rất hứng thú. Không chỉ về phần nhạc lạ lẫm, quan trọng là Bob Dylan tự viết nhạc cho riêng mình. Với thị trường âm nhạc ở London thời đó, khán giả hãy còn đang bị hấp dẫn bởi những band chơi Blues và R&B với cách truyền tải thứ nhạc của người da màu của Mỹ qua chất giọng và kiểu cách của mấy gã Ăng lê. Pete Townshend đã nhận ra từ rất sớm rằng thành công lâu dài phải được dựa trên những ca khúc tự viết, như Beatles hay như The Kinks vậy. Đúng vậy, Pete Townshend là người đầu tiên trong The Who tập tành tự viết nhạc, và cũng là một trong những tay guitar tiên phong ở Anh làm chuyện đó. Pete cũng bắt đầu thử nghiệm với những hiệu ứng phản hồi (feedback) từ guitar điện phát ra từ amply, thậm chí trong những buổi biểu diễn anh còn tìm cách dí sát cây đàn vào amply để tạo ra những âm thanh vang vọng lớn hơn.


Vốn là học trò của Jim Marshall, một tay trống kiêm thành giáo viên dạy nhạc và có shop bán đồ, Pete có cơ hội được tiếp cận những chiếc amply do Marshall tự chế đầu tiên từ đầu thập niên 60s. Sau khi John Entwistle là người đầu tiên xài amply Marshall với thùng 4x12, Pete Townshend cũng không chịu thua kém và thách thức Marshall tạo ra chiếc cab 8x12 đầu tiên. Đơn giản vì loa của Marshall thật lớn, và cũng vì vậy không ai trong đám khán giả có thể hò hét ngắt mạch trình diễn của band. Như vẫn chưa đủ, The Who bắt đầu khởi xướng cho việc xếp chồng các loa Marshall lên nhau (Marshall Stack). Dĩ nhiên là tiếng guitar phá tiếng và phản hồi nghe cũng đã hơn nhiều.


The Who bắt đầu gây được tiếng vang với những single ăn khách của Pete Townshend như “I can’t explain” (sáng tác vay mượn phong cách của The Kinks), hay “Anyway, Anyhow, Anywherere” (cùng Daltrey), và nhất là “My Generation”; với album đầu tay cùng tên được phát hành không lâu sau đó dựa trên sức công phá của mấy single. Đã có nhạc của riêng mình, phong cách, cũng như tạo ra một lực lượng khán giả không nhỏ từ "the mod", âm nhạc của The Who trong thời gian đầu mặc dù vậy vẫn phải dựa khá nhiều vào sự bùng nổ và màu sắc “lạ” được tạo ra từ tiếng trống của Keith Moon.


Thời Detours, Pete Townshend có vinh dự được đánh khởi động cho Rolling Stones, band nhạc mà anh luôn ngưỡng mộ với phong cách phóng khoáng và bất cần; Pete Townshend luôn theo dõi từng cử chỉ và phong cách của những Mick Jagger, Brian Jones, và đặc biệt là Keith Richards. Ghê gớm nhất vẫn là màn khởi động của Keith Richards, với cánh tay giơ lên thật cao ngay trước khi cánh gà cất lên, và rồi chém xuống dây đàn thật mạnh mẽ. Sau vài lần nói chuyện và thấy Keith Richards không cố ý làm thế, Pete "chôm" luôn động tác này.

Động tác mà Pete Townshend đã đưa vào kinh điển

Trong một lần trình diễn ở một pub tên là Railway, khi Pete Townshend say sưa trình diễn những chiêu trò quen thuộc gây ép phê với cây guitar như múa kiếm, cây đàn bỗng va phải cái trần khá thấp ở quán pub này khi Pete đang dựng đàn lên solo. Những tiếng cười phía dưới rộ lên khiến cho Pete tự ái. Anh dộng cần đàn lên trần pub thêm một lần nữa, nhưng chả có gì xi nhê với khán giả. Pete lúc này đã tức giận thực sự, và quyết định làm liều. Và đó là lần đầu tiên Townshend đập thẳng cây đàn guitar vào chiếc amply, khi âm thanh phản hồi vẫn còn đang chói tai. Lúc này thì khán giả ở dưới đã phải vỡ tung. Đêm diễn tiếp theo ở Railway, đến lượt Keith Moon đạp đổ bộ trống. The Who từ nay đã có trong tay một ngón nghề gây ép phê trước giờ chưa ai dám làm. Khi The Who còn chưa nổi tiếng, những hóa đơn nợ tiền từ những tiệm bán nhạc cụ đã ngày một nhiều hơn, đến mức có lần bí quá, Pete Townshend phải chạy vào shop quen (gơi ý nhé: Marshall) giật vội một cây đàn trên tường và bỏ chạy.


Nhưng nếu gạt chiêu trò qua một bên, thì về mặt âm nhạc, The Who chỉ có vài singles gây tiếng vang và My Generation (1965) ở mức "chấp nhận được". Trong khi đó, Rolling Stones èn èn cho ra đến 3 album trong năm 1965 đều lọt vào top 10, còn Beatles cho ra Rubber Soul với những ý tưởng tiên phong về việc làm ra những album giàu tính nghệ thuật và kể những câu chuyện xuyên suốt và là tiền đề cho St. Pepper của chính họ 2 năm sau đó.


Album tiếp theo của The Who, A Quick One (1966) chỉ là tập hơp những ý tưởng âm nhạc của Pete Townshend và điểm xuyết với các ca khúc viết bởi Roger Daltry lẫn John Entwistle; và mặc dù lượng khán giả bị thu hút bởi những màn trình diễn đầy năng lượng của họ càng ngày càng tăng. Bản tính bất an trong Pete Townshend bắt đầu thúc giục anh tìm đến những ý tưởng âm nhạc táo bạo hơn, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Rock Opera là một trong những ý tưởng của Pete Townshend được Kit Lambert hưởng ứng nhiệt tình. Kit vốn lớn lên với đam mê nhạc cổ điển, và chỉ quay sang nghề quản lý âm nhạc/sản xuất nhạc sau khi không thành công trong sự nghiệp nhạc cổ điển. Chưa hoàn toàn nghiêm túc với ý tưởng này, Pete Townshend chế ra một bản nhạc trào phúng để tặng sinh nhật Kit, “Gratis Amatis” với những câu đùa tếu táo, trừ việc Kit hoàn toàn không thấy khía cạnh vui vẻ trong đó.


Kit Lambert gọi ngay Pete đến để phát triển ý tưởng dựa trên “Gratis Amatis” – kết quả là single “I am a Boy”, một câu chuyện năm 1999 về một gia đình chọn giới tính cho 4 đứa con đều là gái (nhờ công nghệ), thì bỗng lại tòi ra một thằng út. Trong bài đó, Pete Townshend hát nửa verse đầu đóng vai 3 cô con gái, trước khi Roger Daltry hát các nửa verse sau trong vai cậu út. Nền móng của một album với câu chuyện dài và bố cục như Opera bắt đầu được gieo mầm từ đây.

My name is Bill, and I'm a head case/ They practice making up on my face

Yeah, I feel lucky if I get trousers to wear/ Spend evenings taking hairpins from my hair


Quả nhiên cũng hơi rợn người khi đọc lại những lời lẽ như vậy, nếu như không biết câu chuyện là về cậu út trong gia đình nhưng lời lẽ thì giống của một đứa trẻ bị áp bức, aka Pete Townshend.


Nhưng rồi cũng chỉ có vậy, The Who vẫn phải miệt mài đi lưu diễn lẫn cố gắng chen chân vào thị trường Mỹ, phần lớn bởi họ tiêu xài nhiều hơn số họ kiếm được. Số tiền họ kiếm được thì thậm chí không đủ trả cho số nhạc cụ mà Pete với Keith đập mỗi tối, đến mức Pete đã thành thục cách đập đàn đủ mạnh để thớt đàn vỡ ra làm đôi những không hỏng cần đàn, để sau có thể quấn băng keo lại và diễn tiếp, còn Keith Moon cũng đã tập được cách xô đổ dàn trống mà không có chiếc cymbal nào bị đổ, để rồi sau đó tang trống đều có thể được phục hồi. Đám thanh niên theo “mod” thì càng ngày càng tỏ ra ăn hại và khoái ăn chơi hơn là nghe nhạc, và những buổi biểu diễn của The Who thường xuyên kết thúc bởi những màn ẩu đả.


Mang danh là những gã nổi loạn trong âm nhạc – và có lẽ The Who chưa làm dược gì nhiều hơn là hình ảnh của chính họ - âm nhạc của họ vẫn chỉ là một bộ sưu tập những ý tưởng “gần tới”. Keith Moon thì cứ ở đâu vui là tham gia và sẵn sàng bỏ The Who bất cứ lúc nào (suýt vào "Lead Zeppelin" nhé), còn Roger Daltry thì bỏ The Who (và quay lại) đến 2 lần vì không chịu nổi sự gia trưởng của Pete Townshend, và phần nào là sự kiểm soát hình ảnh của Kit Lambert.


Năm 1967, Beatles ra Revolver và đã hoàn toàn thoát ly khỏi nhạc Pop thông thường. Kit Lambert liên tục giục giã Pete Townshend với ý tưởng về Opera để The Who có thể trở thành những người tiên phong. Nhưng thứ duy nhất Pete Townshend học theo The Beatles đâm ra lại là lao đầu vào học "thiền" với mấy vị pháp sư Ân độ. Ấy trong khi tứ quái Beatles thọ giáo môn phái Maharishi và George Harrison luyện môn Sitar cầm, thì Pete Townshend đâm đầu vào nghiên cứu bí kíp của Meher Baba, vì thiền sư Ấn Độ luôn tìm cách chỉ dạy ý nghĩa cuộc sống cho loài người.


Trong một diễn biến khác, có một vị khách không mời đến từ bên kia Đại Tây Dương đã chiếm dần vị trí của The Who trong đầu Kit Lambert. Mang nghệ danh là Jimi Hendrix, vị đại hiệp da ngăm này chơi đàn trái tay, và mang tới London một thứ nhạc Blues không hề giống cách những gã da trắng đang cố bắt chước kia. Chất nhạc được tuôn ra mới thật chất lịm với những ngón đàn nhanh và trôi chảy. Như một vị khách lạ không hề nể mặt chủ nhà, vị cầm thủ nọ trình diễn những kỹ thuật chưa từng thấy trên cây guitar guitar phá tiếng, phản hồi, và nhất là tiếng Wah wah theo một cách vô tiền khoáng hậu, thứ mà ở nước Anh thời đó được coi là đặc quyền của riêng Eric Clapton.


Kit Lambert và Chris Stamp như phát cuồng và ngay lập tức ký với The Jimi Hendrix Experience. Single đầu tiên của nhóm, “Hey Joe”, lọt vào top 10 khi hát về một anh bắn chết bạn gái, thứ mà "gấu" như The Who còn chưa dám hát.


Cũng năm 1967 đó, “dị nhân tóc xù” tung ra đến hai album: Are You ExperiencedAxis: Bold As Love. Jimi Hendrix đã tẩy não toàn bộ những người đang tập tành chơi guitar, chưa kể còn thể hiện một nghệ thuật trình diễn chưa từng có như lao cây đàn vào amply và đập vỡ đàn. Khán giả như phát cuồng với The Jimi Hendrix Experience, còn Pete Townshend nóng mắt vì nhìn thấy những thứ của mình nay được đẩy lên một tầm cao mới (nhân tiện, thì Pete Townshend cũng chưa từng dám đem cây đàn nát bét ra đốt đốt trên sân khấu). Đến như Bob Dylan cũng bắt đầu mang đàn điện vào trong nhạc của mình.


Nhận ra tất cả các "đối thủ" của mình đều vận động biến đổi không ngừng, và quan trọng nhất, họ đều có một dấu ấn riêng, thứ mà The Who vẫn tìm kiếm suốt vài năm qua, Pete Townshend cay đắng nhận ra rằng The Who chỉ tạo ra được một dấu ấn về khán giả của họ - sức hấp dẫn từ những màn trình diễn bạo lực và đám khán giả cuồng nộ. Khán giả thì luôn thay đổi theo những trào lưu mới đến. Phong trào "mod" cũng đã lỗi thời, còn The Who thì vẫn là ban nhạc được nhớ tới với nhiều ca khúc hit singles không hơn.


Những nỗ lực của The Who sau đó chỉ đem lại một album nửa vời vào năm 1967, The Who Sells Out, chỉ được nhớ tới với cái bìa đĩa chụp mất công vì phải mua rất nhiều đậu để đổ xung quanh người Roger Daltry; trong khi những ý tưởng manh nha về Rock Opera lại phải chờ thêm một năm nữa để phát triển. The Who thực sự đã bị bỏ lại phía sau, trong khi Kit Lambert chỉ chực đẩy họ đi lưu diễn để kiếm tiền trả nợ.


Khi Pete nhìn ra xung quanh, hóa ra vẫn có những nghệ sĩ không bị lôi kéo bởi thứ âm nhạc nặng và khả năng "múa đàn" của Jimi Hendrix. The Kinks vẫn đủ sức cho ra siêu phẩm The Kinks and the Village Green Preservation Society, được chính Pete công nhận là “St Pepper” của Ray Davies.


Ấy lúc này bỗng có một người không liên quan đến âm nhạc mang tên Michael Hollingstead bắt đầu truyền tay cho các nghệ sĩ thứ biệt dược mới có tên gọi LSD (acid), từ phòng nghiên cứu về ảo giác khi Michael đi du học ở Havard. Không lâu sau, The Beatles đã viết và thu album tuyệt phẩm St Pepper (1967) dưới sự “chỉ đạo” của LSD. Đặc biệt hơn, một ban nhạc mới toe tên gọi là Pink Floyd đã bắt đầu chen chân vào bảng xếp hạng với thứ gọi là psychedelic rock với ca khúc “Anorld Layne”. Về mặt âm nhạc, “Anorld” không có gì đang kể, ngoại trừ việc nó hoàn toàn không còn mang tí dáng dấp nào của nhạc Blues, R&B, hay nhạc cổ điển. Nó hoàn toàn tự do, và rất… lạ. Các ban nhạc như có một hướng đi mới cho mình không mang tên guitar điện phơ tè và cây keyboard bất chợt trở thành một nhạc cụ mới của nhạc Rock n roll.


Ngay chính Pete Townshend và Keith Moon cũng phải thử hòa mình vào trào lưu LSD. Nhưng đến khi cả Rolling Stones cũng tập tọe làm nhạc psychedelic của riêng mình; Pete Townshend cảm thấy phát ngấy với psychedelic. Anh hiểu rằng chỉ còn một con đường duy nhất cho The Who: phải tiến xa hơn cả St. Pepper lẫn Village bằng một album Rock Opera.


Tình cờ khi đào sâu hơn vào những điều răn của Meher Baba, Pete chợt nhận ra rằng Baba không hề ủng hộ việc sử dụng chất kích thích. Với những ý niệm từ Baba, Pete chấp nhận cuộc chiến với chính bản thân mình và chất kích thích. Cốt truyện về Tommy ra đời sau đó không lâu.


Tommy là một cậu bé sinh ra trong chiến tranh, và bỗng một ngày, người bố tưởng đã hi sinh trở về và bắt gặp mẹ của Tommy đã ở cùng với người khác. Bố Tommy giết chết gã nọ và mẹ của Tommy đã ám thị rằng cậu không nhìn thấykhông nghe thấy gì hết. Tommy trở thành cậu bé vừa mù và điếc, và bị lạm dụng bởi người chú của mình trong khi hoàn toàn không nhớ gì câu chuyện khủng khiếp đã xảy ra.


Khả năng duy nhất của Tommy còn sót lại là cảm nhận được những rung động (âm nhạc). Sau những lần trị liệu và thử LSD, lẫn được khuyên soi gương nhiều hơn, Tommy dần cảm nhận được bằng các giác quan trước khi mẹ cậu phát hiện ra và đập vỡ gương. Như một sự kích thích, Tommy bỗng lấy lại được khả năng nghe và nhìn, và sau đó trở thành một thủ lĩnh tinh thần thu nhận được rất nhiều con nhang đệ tử. Sau công cuộc truyền đạo không mấy thành công, Tommy nhận ra không đơn giản khi đi tìm cách giải thích ý nghĩa cuộc đời.


The Who đã diễn album Tommy trong sự kiện “đinh” của Woodstock trước sự chứng kiến của gần nửa triệu người có mặt hôm đó. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử âm nhạc, có một vở nhạc kịch nhạc Rock được diễn trên sân khấu trước đại chúng.


Pete Townshend hoàn toàn không nhận ra anh đã viết về chính cuộc đời mình, cho đến khi Tommy được dựng thành vở nhạc kịch vào năm 1992, khi anh có cơ hội được nhìn thị phạm những hình tượng đi ra từ những ca khúc của mình.


Album Tommy phát hành năm 1969 đã xác lập vị trí huyền thoại của The Who trên mảnh đất chật chội đầy những nhân tài âm nhạc thời đó, theo một cách không cần phải giống ai và thách thức những đối thủ nặng ký nhất trong lịch sử âm nhạc. Ít nhất thì có Pete Townshend đã từng coi những đồng nghiệp của anh là đối thủ và âm nhạc như là một cuộc chiến thực sự.


Và tất nhiên khi The Who đi ra khỏi "cuộc chiến" trong vai một người chiến thắng, sự hiếu chiến đã trở thành lòng can đảm, và sự bất an đã trở thành những chiêm nghiệm quý giá.


Hẹn gặp lại.


Kcid

756 views

Recent Posts

See All
bottom of page