top of page

Harry Nilsson: cứ phải để John Lennon sản xuất

Updated: May 10, 2020

Trong một lần phỏng vấn vào năm 1968, Beatles, lúc ấy còn chưa tan rã, được hỏi ai là nghệ sĩ Mỹ ưa thích của họ. Câu trả lời là “Nilsson”. Đó là thời kỳ mà người Anh vẫn đang tung hoành trên đất Mỹ mà không gặp bất cứ trở ngại nào trong cuộc xâm lăng "The British Ivasion". Trước đó không lâu, vào năm 1967, Harry Nilsson đã gây chú ý cho Beatles bằng bài hát “You Can’t Do That”, có thể coi là một trong những bản mashup đầu tiên trong lịch sử với khoảng gần 20 bài hát của Beatles trong 1. 


Nilsson và Beatles trở thành bạn không lâu sau đó, và sau khi Beatles tan rã, Nilsson hợp cùng với Ringo StarrKeith Moon, lúc này đều mua nhà ở quanh Los Angeles, thành bộ ba "ăn hại" nhất Hollywood. Lâu lâu, bộ ba phá hại lại có thêm sự tham gia góp vui của John Lennon, lúc ấy còn đang bận bịu chạy qua chạy lại giữa Anh và Mỹ cho các dự án âm nhạc của riêng anh. 


Trong thời gian đó, Harry Nilsson đã kịp ghi dấu ấn trong sự nghiệp âm nhạc cực kỳ gây ảnh hưởng của anh, với album Pandemonium Shadow Show (1967), Nilsson Sings Newman (1970, giành giải Grammy cho Best Male Vocal với “Everybody’s Talkin”), rồi Nilsson Schmilsson (1971, một grammy nữa cho Best Male Vocal với bản cover “Without You” cực nổi tiếng nhắc tên thì ai cũng biết). Có thể nói Harry Nilsson là Paul McCartney của Mỹ cũng không ngoa. Trong mắt công chúng thời đó, Harry Nilsson hiện ra như là một nghệ sĩ tài năng đang lên với nhiều sản phẩm âm nhạc chất lượng, làm phim, soạn nhạc kịch; và hơn hết là có vẻ ít tì vết và kín đáo. Chí ít là mọi người tin thế cho đến năm 1973.


Năm 1973, John Lennon và Yoko Ono xích mích thậm tệ. Một trong những lý do đó, Ono cho rằng John dan díu với trợ lý riêng May Pang. John Lennon bị “phạt” trong suốt 18 tháng đến tận đầu năm 1975 trong một khoảng thời gian “kinh khủng” mà sau anh gọi là “The Lost Weekend”. Gọi là “phạt”, nhưng Yoko Ono “bắt” John ra ngoài mà ở với May Pang, và "để cho chị yên". John Lennon dọn sang New York ở cùng với May Pang và trong mắt các đồng nghiệp của anh, đó lại là quãng thời gian cực kỳ hiệu quả về âm nhạc, với liên tiếp ba album được phát hành: Mind Games (1973), Walls and Bridges (1974), và Rock 'n' Roll (1975). Chưa kể, anh còn tham gia sản xuất đĩa Ringo (1973) cho Ringo Starr, sản xuất "Too Many Cooks (Spoil the Soup)" cho Mick Jagger, viết “Fame” cho David Bowie (đạt no 1), cả thu nhạc với Elton John (bản cover "Lucy in the Sky with Diamonds" cũng đạt no 1).


Và quan trọng nhất là John Lennon sản xuất toàn bộ album Pussy Cat (1974) cho ông bạn Harry Nilsson. Ý tưởng của album có lẽ là để đáp lại biệt danh “bad boys” mà báo chí đặt cho cặp Lennon và Nilsson sau hai vụ rắc rối ở hộp đêm Troubadour nổi tiếng bên khu Tây Hollywood.


Có gì đâu, lần đầu thì John, tất nhiên say mèm như một cái giẻ, chít một cái băng vệ sinh Kotex lên đầu và ôm ghịt lấy một cô phục vụ bàn xong bị đuổi ra. Lần thứ hai tệ hơn – lần này có cả Nilsson, và lưu ý là cả hai thường uống được độ dăm bảy tiếng trước khi chui vào Troubadour – và hai tay này liên tục nói leo phá thối khi nhóm standup comedy the Smothers Brothers diễn trên sân khấu. Thân quen mấy thì cũng phải đuổi hai tay này ra ngoài.


Ngay cái bìa đĩa của Pussy Cats đã nhảm nhí một cách thâm thúy: chữ D và chữ S để dưới gầm cái bàn (rug) ám chỉ có DrugS ở dưới gầm bàn. Đội hình tham gia thu đĩa này cũng toàn hàng khủng, với sự tham gia của Ringo StarrKeith Moon trên giàn trống cùng với nghệ sĩ session danh tiếng lúc đó như Jesse Ed Davis (guitar), Klaus Voormann (Bass), thêm Jim Keltner (trống). Lâu lâu giữa các session còn có các lần ghé thăm của Paul McCartneyStevie Wonder. Nôm na là thu nhạc thì ít, mà jam với tiệc tùng thì nhiều. Thuốc thang và rượu yên tâm là vô biên.

John Lennon lúc đầu tính là để các anh em ở chung với nhau luôn cho nó có “tinh thần sáng tạo tập thể”. Thế là cả bọn thuê một căn nhà bên bờ biển ở Santa Monica, Cali để John Lennon (cùng nàng May Pang xinh đẹp), Nilsson, Ringo Starr, với Keith Moon ở trong thời gian thu âm. Và nghe đến đây thì ai cũng thấy đó là một sai lầm tệ hại. Thay vì ngủ dậy cùng nhau jam nhạc buổi sáng và thu âm buổi chiều, lịch trình hàng ngày trở thành: thử các loại thuốc và rượu mới trong bữa sáng, thu âm một chút vào buổi tối, và tổ chức tiệc sao cho hôm nay phải vui hơn hôm qua. Chưa kể Harry Nilsson còn tự phá luôn cả một bên thanh quản của mình, rồi thay vì đi chữa trị, thì cố gắng hát tiếp cho xong (vì sợ đi chữa thì John Lennon sẽ bỏ ngang); và kết quả là giọng hát cực hay của anh đã không bao giờ có thể phục hồi được nữa. Về sau khi đi diễn, Nilsson thường phải có người hát ở giọng cao phụ cho mình.


John Lennon cuối cùng cũng phát hiện ra là trò này không đi đến đâu, bèn quyết định quay về New York để tập trung sản xuất Pussy Cats, chứ ở với ba tay kia thì... vui quá không thể làm được trò trống gì.


Kết quả là những track rất hay như "Many Rivers to Cross" (cover của Jimmy Cliff), "Subterranean Homesick Blues" (cover của Bob Dylan), hay "Save the Last Dance for Me".


Có vẻ hứa hẹn là thế, nhưng lại có chuyện với hãng đĩa RCA của Nilsson. Sau hai album thường thường ra năm 1972 và 1973 không được như những album trước đó (đưa Nilsson tới giải Grammy danh giá), RCA tính chuyện bỏ rơi anh luôn. John Lennon phải bỏ ngang công việc sản xuất giữa chừng, lập tức bay ngay sang gặp RCA, và tham gia thương lượng cùng Nilsson mang theo "điều kiện" là John và Ringo có thể “cân nhắc” ký với RCA ngay khi hợp đồng với Apple hết hạn. Nilsson được ký tiếp hợp đồng 5 triệu đô. Dĩ nhiên sau đấy John và Ringo đổi ý. Bạn tốt.


Nhưng gì thì gì, chất giọng có chiều sâu và đầy rung động của Nilsson vẫn còn đâu đó, dù không phải là còn nguyên. Chẳng hạn như "Don't Forget Me", "Old Forgotten Soldier" (dù bài này có nhiều đoạn thấy giọng của Nilsson có vấn đề), hay "Save the Last Dance for Me", du dương và hay tuyệt vời với tiếng hát trên tiếng đàn piano nhẹ nhàng và lâu lâu điểm xuyết các câu nhạc jazz trầm ấm.


Và có lẽ track bốc nhất trong đĩa là "Rock Around the Clock", khi John Lennon quyết định để cả Ringo Starr, Keith Moon, lẫn Jim Keltner chơi trống trong bài này CÙNG LÚC. Trước đó thì tất cả phần trống và bộ gõ trong đĩa được phân chia đều giữa Keith và Jim, nhưng đến bài này, John quyết định tạo ra một cuộc đua ngầm giữa ba tay trống và cố gắng thâu tóm toàn bộ không khí sôi động đó.


Có thể tưởng tượng ra cảnh ba bộ trống chen nhau vào trong phòng thu cách âm. Bộ của Ringo Starr và Jim Keltner có lẽ không phải là vấn đề - cả hai đều chơi bộ chuẩn. Nhưng Keith Moon thì vốn quen chơi với bộ trống to gấp đôi người thường (Keith Moon và The Who là một trong những người tiên phong chơi hai chân bass trong nhạc Rock). Cũng không ai ngờ là, kẻ chuyên cầm đầu phá hại như Keith Moon lại là người đầu tiên thấy nôn nóng khi bắt đầu ngồi vào giàn trống. Có lẽ tại cái sức ép ganh đua giữa ba tay vô hình làm không khí nghẹt lại. Không chần chờ thêm nữa, Dougal Butler, trợ lý của Keith Moon lập tức quăng cho gã một miếng thuốc để trấn tĩnh lại.


“Ủa thế bọn tao thì sao” – Ringo Starr ngồi ngay sau bỗng lên tiếng cho sự bất công ngay trước mắt. Ô kê. Ringo nhận một liều. Không đưa cho Jim thì bất lịch sự quá, thêm một liều. Dougal chợt nhận ra là số cặp mắt đang nhìn gã hơi bị đông trong căn phòng chật chội. Thế là mỗi người một liều cho công bằng. Tất cả mọi người không còn ai tị nạnh, và tất cả cùng phê.


Chả thế mà khi đèn phòng thu phát lệnh, tất cả lao vào chơi nhạc như đây là lần cuối họ được chơi. Và thậm chí John Lennon hay Nilsson cũng không chắc là tempo mà bọn này đang chạy đua có đúng là cái dự định không nữa. Chỉ biết là, John Lennon, ngả mình sau tấm kính của bàn điều khiển, cười khà khà hài lòng với toàn bộ không khí và âm thanh nạp được lên mấy chiếc băng nhựa. Và John quyết định giữ nguyên phần thu như vậy luôn.


Pussy Cat sau đó được đón nhận nồng nhiệt từ giới chuyên môn, chủ yếu ca ngợi khả năng sản xuất của John Lennon và giọng hát của Harry Nilsson. Mặc dù vậy, đĩa nhạc này còn nổi tiếng xuyên nhiều thế hệ bởi nó được coi như một bằng chứng ghi nhận về khả năng tự hủy hoại bản thân cực sáng tạo của các nghệ sĩ ở Mỹ (nhất là ở Los Angeles) thời đó, và những điển tích xảy ra phía sau phòng thu, có lẽ sẽ còn được lưu truyền dài dài.


Pussy Cat cũng đánh dấu một vài cột mốc hay ho trong âm nhạc xung quanh John Lennon. Chẳng hạn như trong một lần ghé chơi trong thời gian ghi âm, Paul McCartney và Stevie Wonder nhảy vào jam với John Lennon. Sau khi lịch sự mời Stevie làm một rít, John vừa guitar vừa hát cùng Harry Nilsson, còn lúc đó Ringo Starr đã về nên Paul chơi trên bộ trống của Ringo (hôm sau Ringo quay lại và chửi quá trời), và Stevie thì chơi piano. Bản ghi của phần jam cũng là lần cuối John Lennon và Paul McCartney chơi nhạc cùng nhau, sau được phát hành dưới cái tên A Toot and a Snore in ’74, dù nhiều người ở đó hôm đó sau này cho rằng đĩa này đánh chả khác gì tội ác với đôi tai.


Ngày hôm sau, May Pang còn có dịp chụp được bức ảnh Paul McCartney ghé thăm John ở căn nhà cạnh bờ biển Santa Monica. Đó cũng là bức ảnh cuối cùng mà John và Paul chụp chung.


Năm 1980, ngay sau khi John bị fan cuồng bắn chết, Harry Nilsson cũng từ bỏ sự nghiệp ghi âm và chuyển qua làm nhà hoạt động phản đối việc sử dụng súng. Anh mất năm 1994 vì ung thư.

Bộ ba tiệc tùng: Ringo Starr, Nilsson, Keith Moon

À còn Keith Moon, thấy trò này cũng vui đáo để, Keith quyết định mua luôn một căn nhà ở bờ biển Malibu để sống gần những người anh em Ringo Starr và Harry Nilsson, và không lâu sau đó, bắt chước Nilsson làm một album solo, Two Sides of The Moon, với đội ngũ gần như y hệt. Trừ việc lần này Keith Moon hát chính và chỉ chơi trống vài bài, nhường hết cho Jim Keltner. Hát hay không bằng hay hát, nhất là khi Keith Moon lúc nào cũng tị nạnh không được làm front man do phải chơi trống. Nhưng có lẽ, cái cớ thật sự, cũng chỉ là tiệc tùng cùng anh em mà thôi.


Hẹn gặp lại.


Kcid

410 views

Recent Posts

See All
bottom of page