top of page

Âm nhạc vượt thời gian của Bob Dylan

Updated: Nov 30, 2020

Năm 2020, Rough And Rowdy Ways, album mới nhất của huyền thoại Bob Dylan được phát hành. Tính đến thời điểm này sự nghiệp âm nhạc của ông đã trải dài gần 6 thập kỷ, một quãng thời gian dài không tưởng cho sự nghiệp âm nhạc. Khi ta chợt nhận ra rằng ông giờ đã ngấp nghé tuổi 80, cái tuổi con người ta đa phần đã nghỉ hưu từ lâu, bất giác ta bỗng tự hỏi một nghệ sĩ già như vậy - nhất là với một tượng đài đã sừng sững như Bob Dylan - còn gì mới để mang tới cho người nghe?


Với đa số người nghe nhạc thông thường, khi đem sự nghiệp của ông ra phân tích sẽ thấy nhiều thời điểm âm nhạc chỉ ở mức trung bình khá, và cũng khó để tưởng tượng ra bề dày âm nhạc của Bob đủ để hiểu sao nhạc của ông được đánh giá vĩ đại đến thế.


Đó cũng là khó khăn của chính tôi mới tiếp cận âm nhạc của Dylan, đặc biệt là thời kỳ trước năm 1965, khi ông chỉ ôm độc đúng cây đàn guitar thùng hát và xen vào câu solo bằng kèn harmonica hơi chói tai. 


Giọng ông khàn và yếu, phát âm lè nhè như gã say, không tròn vành rõ chữ. Tiếng hát đó cũng không ngân nga, thiếu cảm xúc và nhiều lúc như đọc lời. Tiếng guitar thùng chỉ "quạt chả" một cách đơn điệu lặp đi lặp lại cả bài, đã thế lại còn dài nữa chứ. Có khi đến 6-7 phút chỉ quanh quẩn mấy hợp âm và một giai điệu không đổi. Lần tôi nghe đĩa The Freewheelin’ Bob Dylan (1963), đến bài “Down The Highway” tôi còn giật mình vì đàn của ông có dây còn chưa căn chỉnh hết, mỗi khi rải các dây nghe rõ bị “phô”.


Cùng với cây kèn harmonica, Bob Dylan dường như biết cách tô thêm màu sắc cho nhạc của mình, nhưng hình như cách thổi cũng giống như lối hát của ông, bất cần và hình như thiếu tình cảm.


Người ta bảo cái hay nhất của nhạc Bob Dylan nằm ở những lời thơ ca thông minh, sâu sắc và ý nghĩa. Và rồi cái không khí âm nhạc mà ông dựng lại một cách chính xác thời thập niên 60 lúc đó qua thể loại nhạc Folk mới là thứ chạm tới cảm xúc người nghe, đa số họ là những người sinh ra và lớn lên thời kỳ đó. Họ hiểu và thấm thía sự đặc biệt đầy kỳ diệu ở nhạc của Dylan. 

Những điểm cộng này trong âm nhạc của ông, theo tôi vì thế không dễ để cảm nhận đầy đủ với đa số người Việt Nam, đặc biệt những người sinh ra và lớn lên ở những thế hệ sau và tại một đất nước có ngôn ngữ và nền văn hoá khác xa. Cách tiếp cận gần gũi hơn có lẽ là từ cách mổ xẻ kỹ từng từ từng câu để thấm thía cái đẹp trong lời bài hát, thứ đã đưa ông tới giải thưởng danh giá Nobel văn học đầu tiên cho một nhạc sĩ.


Đây nhé, nếu lắng nghe nhạc của Dylan theo trình tự ngược thời gian, mà cũng không cần đi đâu quá xa, chỉ cần từ những album giữa thập kỷ 60 như Bring It All Back Home (1965) hay Highway 61 Revisited (1965), khi ông bắt đầu đưa vào âm thanh Blues Rock “dễ nghe” hơn với cùng ban nhạc, để thấm cái cốt lõi của âm nhạc ông như ca khúc tình yêu của tôi, như bài “Ballad Of A Thin Man” chẳng hạn; thì rồi sau đó, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn nhiều khi quay trở về thời kỳ đầu khi ông hát nhạc Folk, chỉ với chiếc đàn thùng và kèn harmonica. Ta sẽ phải ồ lên “Nhạc của ông hay và đẹp thật!”.


Nào là những “Girl From The North Country”, “Masters Of War” và dĩ nhiên “Blowin’ In The Wind” trong album The Freewheelin’ Bob Dylan (1963), hay “Ballad Of Hollis Brown”, “One Too Many Mornings”, “North Country Blues” trong The Times They Are A-Changin’ (1964), v.v.

Những mảnh ghép đến từ nhiều thời điểm đó khi được sắp xếp lại, bỗng phác họa ra những bức tranh miêu tả từng thời kỳ xuyên suốt những năm 60, 70, 80 cho đến cả năm đầu tiên của thập niên 2020 mới này.


Quay lại với đĩa mới nhất của Bob Dylan, Rough And Rowdy Ways (2020), tôi đã không có kỳ vọng gì trước khi nghe nó. Vậy mà thật ngạc nhiên là ở tuổi 79, Bob Dylan hóa ra vẫn còn dư sức lực để sáng tác ra một album hoàn hảo hơn bao giờ hết. Cả album là một hành trình đưa người nghe về với những cảm xúc cũ mà nhạc của ông trước đây đã mang tới cho từng thời kỳ.


Bài mở đầu “I Contain Multitudes” có lối hoà âm cực cơ bản khi chủ yếu chỉ có tiếng rải guitar thùng cùng giọng hát chậm rãi của Dylan. Không gian đó đưa người nghe quay về những ngày đầu chơi nhạc Folk của ông, không màu mè, không cầu kỳ, mà lại vẫn tạo được không khí qua âm thanh nhẹ bẫng của vài nhạc cụ. Ở track này, cái mới mà Dylan thêm vào là tiếng đàn steel guitar và chút cello tạo âm trầm. Nhưng đã không hề có một tiếng trống giữ nhịp nào cả. Vẫn là một Dylan đó, một nghệ sĩ kể chuyện qua những ý thơ:

You greedy old wolf, I'll show you my heart / But not all of it, only the hateful part / I'll sell you down the river, I'll put a price on your head / What more can I tell you? / I sleep with life and death in the same bed

Một bản nhạc mở đầu đĩa tượng trưng thời kỳ huy hoàng của Dylan và những hình ảnh giữa cuộc sống và cái chết với một người lớn tuổi như ông, dường như là một gợi ý về chủ đề của album này.

Bài tiếp theo “False Prophet” kéo ngay người nghe sang thời kỳ Dylan mới đưa tiếng đàn guitar điện cùng ban nhạc vào âm nhạc của ông. Nhớ hồi Dylan mới bắt đầu dùng guitar điện trong album Bringing It All Back Home (1965), ông đã phải cẩn thận chia ra 2 nửa, trong đó nửa sau là những bản track dài hơi chỉ gồm acoustic để không gây sốc với fan nhạc Folk lâu nay của mình. Thế mà cái lần ông biểu diễn tại Mỹ năm 1965 cho đến tại châu Âu năm sau đó, phản ứng mà Dylan nhận được là sự la ó phản đối mỗi khi ban nhạc cùng chiếc guitar điện xuất hiện - các fan nhạc Folk của Dylan coi sự thay đổi đó là một hành động phản bội với dòng nhạc. Mặc dù vậy, khán giả đã không nhận ra rằng album đó và cả Highway 61 Revisited (1965), với âm thanh đổi mới của guitar điện, sau đó là cảm hứng nhạc Rock N Roll cho bao thế hệ nghệ sĩ lớn sau này. Thế nên trong bài “False Prophet” có đoạn lời:

I'm first among equals / Second to none / The last of the best / You can bury the rest / Bury 'em naked with their silver and gold / Put them six feet under and pray for their souls


Ngôn từ của ông già 79 tuổi đến giờ vẫn vậy, vẫn một tâm thế tự tin có chút mỉa mai như lúc ông đáp lại sự phản đối những fan nhạc Folk của ông “Họ có thể la ó đến hết buổi diễn cũng được, vì tôi biết nhạc tôi đang chơi là thứ âm nhạc thực sự.


Đến bài “My Own Version Of You”, người nghe lại được tiếp tục cuộc hành trình âm nhạc sang đến thời năm 70 của Dylan, vẫn dùng ban nhạc chơi phía sau nhưng không cần âm thanh khàn đặc của chiếc cây guitar điện làm chủ đạo. Tiếp đó “I’ve Made Up My Mind To Give Myself To You” với phần hát bè gợi nhớ thời kỳ Dylan đưa vào đĩa Street Legal (1978), không phải kiểu Gospel như vậy nhưng làm thay đổi màu sắc cho bài nhạc. Nhạc của ông đến giờ vẫn vậy, vẫn là cấu trúc bài dài lặp đi lặp lại nhưng giai điệu cuốn vô cùng, nghe hoài không chán.


Nét thiếu hoàn hảo trong nhạc của Bob Dylan cũng vẫn còn xuất hiện trong album mới này. Như track “Black Rider”, tiếng guitar bấm không chặt để lộ tạp âm, hoặc ở phút 2:43 trong “Mother Of Muses” tiếng đàn bị nhoè mà ông vẫn để lại nguyên trong bài. Từ khi bắt đầu theo đuổi âm nhạc cho tới giờ, Dylan luôn cố tình để lại những “sai sót” trong nhạc của ông để tôn lên cái “hồn người” - thứ đóng vai trò một nhân vật trong các câu chuyện kể của ông, ở trong một không gian được tạo dựng bằng chính các nhạc cụ và giọng hát độc đáo.

Ở đĩa Rough And Rowdy Ways này, bầu không khí về một huyền thoại ở cái tuổi gần đất xa trời bao trùm cả album, mà nổi bật nhất ở bản “Black Rider”. Chỉ có tiếng đàn guitar thùng cùng đàn bass giống album Blood On The Tracks (1975), giọng Bob Dylan cất lên chuyện trò với Thần chết:

Black rider, black rider, all dressed in black / I'm walking away, you try to make me look back / My heart is at rest, I'd like to keep it that way / I don't wanna fight, at least not today / Go home to your wife, stop visiting mine / One of these days, I'll forget to be kind”.


Kể cả khi đối mặt với Thần chết, cái tính cách bựa tếu táo vẫn còn đó trong ông:

Black rider, black rider, hold it right there / The size of your cock will get you nowhere / I'll suffer in silence, I'll not make a sound /Maybe I'll take the high moral ground

Còn với “Mother Of Muses”, trên tiếng guitar và đàn cello có thứ nhạc gợi tới những bản track chậm rãi trong Oh Mercy (1989) của Dylan, lời ông hát đầy nhẹ nhàng, thanh thản có sự toại nguyện với đời:

Take me to the river, release your charms / Let me lay down a while in your sweet, loving arms / Wake me, shake me, free me from sin / Make me invisible, like the wind / Got a mind that ramble, got a mind that roam / I'm travelin' light and I'm a-slow coming home”.

Giọng hát của Bob Dylan trong album này, đặc biệt trong chính bài “Mother Of Muses” này tự dưng hay hơn bao giờ hết. Tại sao một ông già gần 80 lại có thể thả những nốt cao nhẹ bẫng khi mà cả cuộc đời ông, hầu như Dylan hát bằng giọng hát khàn đục?


Phải chăng lâu nay những thứ khiếm khuyết trong nhạc của ông đều là do ông tự chọn như một định hướng nghệ thuật của bản thân mình? Có những người tinh tế đã luôn nhận ra được vẻ đẹp trong nhạc của ông từ lâu, còn tôi thì tiếc thay mãi đến album này mới có được cái nhìn toàn diện.


Bob Dylan trước đây có chia sẻ rằng ông coi các bản nhạc mà ông ghi âm trong đĩa chỉ như các bản demo, vì ông cần thời gian để hiểu và hoàn thiện chúng hơn trong mỗi lần biểu diễn. Nhưng với tôi, đĩa Rough And Rowdy Ways là tác phẩm đã hoàn thiện lắm rồi. Tôi cảm giác như sự trải nghiệm của cả một đời người đã giúp Bob Dylan sáng tác một tác phẩm để đời này theo cách hoàn toàn không khiên cưỡng.

Và nếu nhìn lại sâu hơn sự nghiệp của ông, sau thời kỳ hoàng kim của thập niên 60, Bob Dylan vẫn lưu lại những dấu ấn của mỗi thập kỷ bằng các tuyệt phẩm như Blood On The Tracks (1975)Oh Mercy (1989)Time Out Of Mind (1997), v.v. và giờ là Rough And Rowdy Ways. Đâu đó điểm xuyết những thứ ông làm mới, như cách thêm thắt tiếng đàn điện, tiếng hát bè, tiếng đàn dây violin và cello, hay tiếng accordion; nhưng không bao giờ quá nhiều thứ được nhồi nhét chung cùng một lúc. Để rồi cuối cùng đọng lại vẫn là dấu ấn của một Dylan không hề thay đổi: âm nhạc giản đơn, lời ca sâu sắcgiai điệu tuyệt đẹp, không cầu kỳ mà nghe hoài không chán.


Một thứ âm nhạc không tuổi đúng nghĩa. Một thể loại nghệ thuật vượt thời gian!


Hẹn gặp lại!


Kroon

1,220 views

Recent Posts

See All
bottom of page