Hôm nay cho phép Emoodzik giới thiệu tới các bạn Tony Macalpine, tay guitar có lẽ là hào hiệp nhất trong giới heavy/progressive.
Nhưng trước tiên để làm quen với lối chơi shredding mượt như suối chảy này, xin mời các bạn nghe thử "Tears of Sahara":
Không hiểu có phải vì xuất thân từ người Mỹ gốc Phi hay không, mà tui thấy anh này hào hiệp ghê gớm. Macalpine (viết liền nha, không phải Mc Alpine) vốn xuất thân từ dân học Piano cổ điển, và bị ảnh hưởng bởi Chopin nặng nề. Đầu quân cho hãng đĩa Shrapnel, là hãng đĩa chuyên đầu tư cho các tay guitar triển vọng (cùng lứa với những Jason Becker(click đi), Marty Friedman, hay Vinnie Moore), không có gì quá ngạc nhiên khi lối chơi instrumental metal của Tony cũng nặng và đầy phô trương kỹ thuật. Và mặc dù không được khán giả biết đến nhiều như cỡ Joe Satriani hay Steve Vai, Tony vẫn là một virtuoso đáng nể trong ngành solo guitar thế giới.
Mà đấy là khán giả không biết thôi, chứ trong ngành công nghiệp âm nhạc, Tony lại được quá nhiều người biết đến và mời cộng tác, và hình như Tony không từ chối một ai cả. Các cây chơi nhạc thường đi theo hai hướng, hoặc là lập band rồi chơi nhạc original của họ, hoặc trở thành session musician, chơi theo hợp đồng khi thì thu âm, khi thì đi lưu diễn nhưng không gắn tên tuổi của họ với một điểm tựa cố định.
Vậy mới thấy đâu có ai làm được cả hai như Tony Macalpine: vừa cho ra album solo hay vãi, vừa đánh cùng các band khác. Chắc tại anh làm việc chăm chỉ vì anh vốn là người da đen.
Đây nhé, bài ở trên tui vừa share nằm trong album thứ hai của anh, Maximum Security (1987, bạn có thể kiếm nghe thêm "Key To the City", "The King's Cup" trong album này). Trước đó một năm, Tony cho ra album đầu tay Edge of Insanity (các bạn có thể kiếm nghe "Edge of insanity", "Wheel of fortune"), và tui thật, cách shred của Tony hoàn toàn độc đáo và khác hẳn so với các tay guitar khác từ lò Shrapnel (hay tại hội kia trắng?) với cách liên tưởng tới các âm hưởng nhạc cổ điển rất độc đáo. Shrapnel thậm chí đầu tư cho Tony bằng cách mời các tay gộc như Billy Sheehan (Mr. Big) chơi bass, rồi Dean Castronovo (Ozzy Osbourne, Steve Vai), hay Steve Smith (Journey) chơi trống cho Tony ngay từ những album đầu. Gớm đấy. Tạm thời cứ nhớ mấy cái tên kia đã nhé.
Cái, Tony quay ra chơi phụ cho Vinnie Moore trong album đầu tiên của anh này, cũng là sản phẩm của Shrapnel - Mind's eyes (1986). Có điều là, Tony chơi keyboard trong đĩa này. Nếu bạn tò mò, hãy thử nghe màn đấu solo giữa guitar của Vinnie và Keyboard của Tony trong track "In Control" hay "N.N.Y" nha. Chưa kể, câu bass đặc chất cổ điển ở đoạn bridge ở giữa track "Heroes without honor", tui đảm bảo là chiêu của Tony - và rồi rời Tony ra, Vinnie Moore sau này không còn có nhiều track có hòa âm độc như trong đĩa Mind's Eyes nữa.
Dường như ngần ấy project chưa đủ bận, cuối năm 1986, Tony rủ mấy anh Tommy Aldridge (Ozzy Osbourne), Rudy Sarzo (Quiet Riot), và Rob Rock chơi trong đĩa nghe rất lạ tên là M.A.R.S Project: Driver. M.A.R.S là chữ đầu của Macalpine, Aldridge, Sarzo, Rock. Album này có trên Spotify nha.
Thế rồi Tony Macalpine tiếp tục bận rộn ra album riêng (Evolution năm 1995 cũng rất hay), cộng tác với Vinnie Moore, đi diễn tour với Steve Vai (cân cả rhythm guitar với keyboard - bạn có thể thấy Tony lấp ló đằng sau trên DVD G3 mà Steve Vai đánh với Joe Satriani và Malmsteen ở Denvers, hay đĩa đánh cùng Satriani và Petrucci ở Tokyo.
Một chuỗi thành công đáng kể khác có sự góp mặt của Tony, là việc anh chơi guitar trong ba album của progressive band Planet X, được dẫn dắt bởi Derek Sherinian sau khi anh này rời nhóm Dream Theater năm 1999.
Và một cựu Dream Theater khác cũng tìm đến Macalpine là Mike Portnoy, năm 2013, khi Portnoy, Macalpine hội với Billy Sheehan (bass), và Derek Sherinian (Keyboard) cho ra jam video Instrumental Inspirations (theo đặt hàng của hãng đĩa), và liền sau đó là tour diễn được ghi hình thành DVD Live in Tokyo của PSMS (Portnoy, Sheehan, Macalpine, Sherinian). Đĩa này hay khỏi nói, khi các anh chơi cả nhạc của Dream THeater, của Macalpine, của Sheehan, và của Planet X. Nếu như bạn tò mò về nhạc của Dream Theater mà không phải chơi bởi John Petrucci thì nó ra sao, xin mời. Các track của PSMS đều có trên youtube.
Thôi giờ quay về việc chính, ấy là album Concrete Garden của Tony Macalpine (2015) mà tụi này muốn giới thiệu (tui có thể nói cả ngày về side project của anh). Album này được đầu tư khá kỹ lưỡng về phần âm thanh và sản xuất, và Tony không hề giấu diếm sự phô trương của anh về kỹ thuật shredding, âm thanh guitar đặc trưng, và cách hòa âm đặc sệt chất progressive.
Album này có 12 track, nhưng tui thường chia ra nghe thành 3 phần chính: 3 track đầu, 4 track giữa, và 4 track sau (đúng không ta?).
3 track đầu là thứ nhạc ngang ngạnh thừa năng lượng của Tony, với sự chát chúa của âm thanh và tốc độ của những chiếc xe đua (hình như anh nào chơi guitar cũng thích tốc độ?). Xin mời nghe thử "Exhibitionist Blvd":
Và bạn nhận ra ai chơi nhạc cùng Tony rồi chứ, ấy là một tay guitar đầy triển vọng mang cái tên là Nili Brosch (click đi), và tay trống Aquiles Priester, người vừa thi rớt vào Dream Theater lúc DT kiếm người thay Mike Portnoy vừa rời nhóm (có mỗi Mike Mangini thi đậu thì phải). Hào hiệp tương trợ anh em đến thế là cùng.
Roài, đến 4 track giữa, Tony Maclapine kéo chúng ta trở về với cái gốc progressive của anh, nơi bài hát được cấu trúc phức tạp hơn nhiều. Xin mời nghe thử "Poison Cookies":- track này mắc cười vì đoạn solo ở sau phút thứ 3, lúc trùng xuống, Tony như quên mất phải làm gì xong cứ cho ngón tay chạy lòng vòng không tải trước khi bắt dầu nhồi giai điệu lên bằng câu quét dây quen thuộc.
Và 4 track sau, Tony đưa chúng ta trở về không khí Heavy Metal quen thuộc ngày nào, với cách chơi đầy giai điệu của anh. Xin mời nghe thử "Square Circles" đánh cùng Jeff Loomis (Nevermore):
Cách chơi giai điệu của Tony trong phần này cũng đem đến một sự hào hứng lạ: anh tạo ra giai điệu cho guitar giống như cách ca sĩ tạo ra giai điệu cho bài hát vậy. Và ngược lại, anh dùng giọng người hát làm phần bè của câu dạo đoạn đầu bài "Concrete Garden": mấy anh chơi guitar thì vui tánh lấy giọng hát ra làm instrument cho bài guitar (Jason Becker cũng dùng chiêu này trong bài "Rain" của đĩa Perspective 1996), ngược lại với cách ca sĩ dùng guitar làm harmony instrument cho bài "hát".
Nếu các bạn để ý, sẽ thấy không có quá nhiều tay guitar thành danh chơi Heavy Metal mà có xuất thân là người Mỹ gốc Phi. Đâm ra lọt được anh nào, anh đó đều đặc biệt cả: Jimmy, Slash, Lenny Kravitz, với Tom Morello.
Coi bộ hiếm nên tần suất xuất hiện của các anh hình như cao hơn hẳn? Giống Samuel L Jackson với Morgan Freeman phim nào cũng đóng vậy?
Ủa quên, còn bài cuối Tony nhớ nguồn nên ngồi đánh piano một mình nghe chả ăn nhập gì với 11 track còn lại.
Hẹn gặp lại.
Kai
Comments