top of page

AC/DC: Bon chen và bất chấp

Updated: Nov 17, 2019

Vào một ngày đẹp trời năm 1974, điện thoại trên bàn của Michael Browning, nhà quản lý âm nhạc tuy còn trẻ tài năng và tham vọng, bỗng rung lên. Ở đầu dây bên kia là Malcom Young, rhythm guitar của nhóm AC/CD gọi từ Adelaide, miền trung nước Úc: “bọn em kẹt rồi. Cho bọn em mượn ít tiền đi, chỉ cần đủ để quay về Melbourne chơi vài gig là tụi em trả lại”. Browning lúc đó đang là ông chủ của chuỗi nhà hàng Hard Rock ở Melbourne (nhái lại Hard Rock café nổi tiếng), chỗ AC/DC đã từng diễn vài lần.


AC/DC, ban nhạc có gốc từ Sydney, lúc đó đang trên đường đi lưu diễn sang phía Tây nước Úc bằng đường bộ, và bị kẹt ở chính giữa đường khi quản lý của họ, Dennis Laughlin, rắp tâm bỏ rơi ban nhạc. Chiếc xe bus lưu diễn kẹt ở Adelaide, không tiền, sắp hết xăng, với cái mặt chảy dài của anh em nhà Young ngồi trên đống amply dưới cái nóng 40o.


Ở phía ngược lại, Browning vốn là một fan của AC/DC từ vài tháng trước đó, khi ông biết được AC/DC được dẫn dắt bởi người anh George Young, vốn là một nghệ sỹ tài năng của nhóm Easybeats – nhóm nhạc vào loại nổi tiếng nhất của Úc thời đó, nhưng thất bại trong việc tìm hào quang trên thế giới. Ngay lần đầu nghe thứ âm nhạc giàu giai điệu được dẫn dắt bởi các câu riff bắt tai của Angus trên nền rhythm cực chất của Malcolm, Browning nhận ra đây chính là cơ hội sửa sai cho chính George và Easybeats ngày nào. Chưa kể với cá nhân Browning, đây còn là cơ hội ông chờ đã lâu khi lần trước tìm ra hào quang thế giới của ông với Billy Thorpe and the Aztecs, kết quả thu được chỉ là ít thành công nhỏ lẻ ở nước Anh xa xôi.


AC/DC trong mắt Browning, vì vậy chính là “kẻ được lựa chọn”, để là người đầu tiên đại diện cho nước Úc chinh phục thế giới. Browning gửi tiền giải cứu AC/DC khỏi Adelaide, và trở thành quản lý của ban nhạc ngay khi họ về đến Melbourne.


Ở thập niên 70s, thứ góp phần khiến cho âm nhạc Úc trở nên độc đáo chính là phong trào Pub Rock, xuất phát từ những quán bán beer chật như cái hộp ở Melbourne. Trong không gian chật hẹp và ồn ào đó (âm thanh thì không thể tốt được), muốn chơi nhạc chắc phải thật ồn, thật nặng, nhưng lời lẽ cũng phải đơn giản và phải xả được hết cái năng lượng thừa thãi của anh em đang bù khú.


Sau khi chuyển địa bàn về Melbourne, AC/DC nhanh chóng trở thành nhóm Pub Rock nổi bật nhất, và có lẽ bối cảnh như vầy cũng góp phần tạo nên đặc trưng âm nhạc đơn giản nhưng hiệu quả, nhịp nhàng và giàu năng lượng của họ, trở nên thăng hoa đến vậy. Hai album đầu phát hành liên tiếp trong năm 1975 của AC/DC, High VoltageTNT, nhận được thời lượng phát sóng đáng kể trên radio cũng như các phòng pub chật ních người nghe.


Cũng trong năm 1975, AC/DC tham gia Sunbury Music Festival ở Melbourne. Hôm đấy Deep Purple diễn chính, từ 9PM đến 10.30PM, nghĩa là AC/DC sẽ bắt đầu từ 11PM. Nhưng khi DP vừa kết thúc và đội của AC/DC bắt đầu lên, đội của DP đòi dỡ hết đồ thì AC/DC mới được lên, cũng có nghĩa là ACDC sẽ phải bắt đầu lúc 2 giờ sáng. Hỏng bét, hai bên không thể có tiếng nói chung. Không thấy quản lý chương trình của đại nhạc hội đâu, thế là hai đội crew của Deep Purple và AC/DC lao vào tẩn nhau. Manager đấm manager, kỹ sư âm thanh tìm kỹ sư âm thanh, hai bên đâm ra chia sẻ với nhau từng nắm đấm. Sau khi security đến giải tán màn ẩu đả, ban tổ chức đẩy AC/DC xuống đánh đầu tiên vào sáng sớm hôm sau, còn không thì cứ ngồi chờ đến khi nào có chỗ trống thì chèn vào. Ức vãi! Bài học lớn nhất của buổi hôm đó ư: cho dù ông có nổi tiếng ở Úc đến mấy, thì ông cứ ngồi đấy mà chờ các ban nhạc tên tuổi thế giới làm chủ ngay trên đất của ông.


AC/DC thực ra chả khác gì ban nhạc gia đình anh em nhà Young, những người nhập cư từ Scotland. Ông anh George thì giống như đầu não, lo luôn phần sản xuất và hình ảnh ban nhạc, trong khi Malcolm chơi rhythm và viết nhạc, còn Angus thì nhận vai ngôi sao trình diễn trên sân khấu với phong cách chơi lead guitar ép phê không lẫn vào đâu được.


Lần bị kẹt ở Adelaide đó cũng là dịp anh em nhà Young quen ca sĩ Bon Scott. Bon Scott, vốn biết chơi trống và hát, sau một vài thành công nhỏ lẻ ở Melbourne phải làm đủ nghề để kiếm sống do thói ăn chơi trác tác. Lúc đấy Bon thế nào lại đang là lái xe chở AC/DC, và mấy tay đó lập tức thân thiết rất nhanh vì Bon Scott cũng là dân nhập cư từ Scotland. Lúc đầu Bon cố gắng thuyết phục AC/DC để trở thành tay trống của nhóm cơ, nhưng sau khi nghe tin nhà Young sa thải ca sĩ cũ Dave Evans phong cách glam và poppy không hợp với anh em nhà Young, Bon Scott bèn liều xin thử giọng cho AC/DC.


Ngày Bon đến thử việc, gã cầm theo hai chai Bourbon, một ít dope một ít speed. Angus chỉ biết thở dài “gã này mà đứng thẳng được, chứ chả cần hát, thì gì em cũng chơi”. Ấy thế mà gã vào band thật. Angus cũng không ngờ, AC/DC vừa kết nạp được “nhà thơ trong toilet”, như cách Bon tự gọi gã.


Cùng với khả năng chơi guitar siêu hạng và ăn ý của AngusMalcolm, khả năng làm thơ con cóc của Bon Scott, Browning sau đấy tuyển thêm Phil Rudd chơi trống, và tay bass Mark Evan, vốn mới chuyển sang chơi bass từ guitar. Mặc dù không phải xuất chúng, được cái lối chơi bass đơn giản của Mark bằng miếng gảy chắc nịch do vừa chuyển từ guitar qua thực sự gắn kết tốt với Phil và Malcom ngay lập tức. Nhưng gì thì gì, mọi thứ vẫn phải nhất nhất theo các sếp nhà Young.


Nói về phần chơi rhythm của AC/DC, có lẽ mọi người đều cho rằng mấy ông này chơi quá đơn giản, và mỗi bài chỉ với vài hợp âm. Nhưng có lẽ sự vĩ đại của Malcom Young và đồng đội cũng nằm ở chỗ đó, khi họ đưa những thứ thật đơn giản lên tầm cỡ thượng thừa. Malcom có cái tay phải có khả năng phối hợp chập, nhả, chém dây đồng bộ với tay trái chính xác như một cái máy. Âm thanh mà anh tạo ra, vì vậy, hoàn toàn không có tiếng động thừa hay tiếng ồn. Ngay cả việc chọn chơi hợp âm rải trên bao nhiêu dây đàn cũng đã được Malcolm lựa chọn rất kỹ, và mỗi khi nhìn cánh tay phải đó vung lên chém xuống dây đàn, người nghe như chờ sẵn một cơn sóng năng lượng tràn qua đầu - và không chỉ có một, mà hàng đợt, hàng đợt sóng như vậy. Dưới các lớp sóng đó là phần nền của Phil RuddMark Evan/Cliff Williams, và như cưỡi trên các đợt sóng đó là mấy tay lướt ván siêu hạng mang tên Angus YoungBon Scott (và sau này là Brian Johnson)


Không quá khi Dave Mustaine của Megadeth đánh giá Malcolm Young là một trong ba tay rhythm guitar vĩ đại nhất. Còn Scott Ian của nhóm Anthrax thì coi Malcom Young là người thầy đưa anh đến với nghệ thuật chơi rhythm guitar. Với Scott Ian, mặc dù band của anh chơi thrash metal, nhưng thú vui của anh lâu lâu vẫn là mở đĩa của AC/DC lên và chập chập bùng bùng theo câu rhythm của Malcolm. Scott tâm sự anh có thể chơi mỗi hợp âm open A cả ngày theo Malcolm cũng không chán, bởi vì tạo ra được âm thanh như Malcolm và chơi được ra chất AC/DC hóa ra không dễ chút nào. Thay vì chơi phá tiếng với power chords như những tay guitar hard rock/heavy thường làm, Malcolm chơi open chord qua một sê ri các amply Marshall mắc nối tiếp mà không có phá tiếng.


Cuối năm 75, Browning bắt đầu gửi High VoltageTNT, với vài video clip tự chế cho chị họ của ông ở UK, lúc này làm việc cho MotownA&M, để đánh hơi cơ hội. Lúc này AC/DC đã có hẳn một loạt các video clip tự quay từ lượng fan hùng hậu, và video clip của “High voltage”, may thế nào, tìm được đến tay của Phil Carson, sếp của Atantic Records tại Anh và châu Âu: “em họ tôi đang quản lý band này ở Úc tên là AC/DC, và họ đã bán được hơn 100,000 bản”. Carson lập tức gọi cho Browning để thương thảo hợp đồng.


Hợp đồng đầu tiên của AC/DC với hãng Atlantic cũng không phải thơm lắm: chỉ có $25,000 ứng trước để thu album tiếp theo. AC/DC chấp nhận, vì hiểu rằng Atlantic là hãng đĩa tầm cỡ đã từng là bệ phòng của Ray Charles, Aretha Franklin, cũng như là ngôi nhà ở Mỹ của những band kỳ cựu như Led Zeppelin, Cream, hay Yes – những band từ UK cố gắng đi vào Mỹ theo đường “tiểu ngạch”.


Album thứ ba của AC/DC, Dirty Deeds Done Dirt Cheap, bắt đầu ghi âm từ giáng sinh 1975, và cũng là album đầu tiên dán nhãn Atlantic phát hành ở UK. AC/DC ngay sau đó lên đường tour nước Anh và Scotland đầu năm 1976, trong khi Atlantic lục tục phát hành High Voltage “phiên bản quốc tế” (thực ra là lấy những bài hay nhất của High Voltage và TNT) và ngay sau đó là Dirty Deeds. Lần lượt các thành phố lớn nhỏ từ Nam chí Bắc nước Anh, rồi Glasgow đều bị AC/DC chinh phục. Cho dù đó là thành phố lớn với vài ngàn khán giả, hay thị trấn nhỏ với chỉ vài trăm, AC/DC đều đem đến 100% những gì họ có. Không còn nghi ngờ gì nữa, AC/DC đã chứng tỏ họ là live band hay nhất.


Sau nước Anh, AC/DC tiếp tục cuộc chinh phạt khắp châu Âu. Tất cả mọi người đều không muốn bỏ lỡ hiện tượng live band hay nhất châu Âu lúc này, và việc các fan mặc đồng phục học sinh bắt chước Angus Young ở Show đã trở thành hiện tượng. AC/DC đã biến nước Anh và châu Âu thành ngôi nhà mới của họ ngay trong năm 1976, trước khi trở lại Úc vào cuối năm để ghi âm album thứ tư Let There Be Rock.


Sau khi làm thêm một vòng quảng bá cho Be Rock vòng quanh nước Úc và khắp châu Âu trong cả năm 1977, ACDC đã sẵn sàng để nhận nhiệm vụ khó nhất: chinh phục nước Mỹ, mà theo như họ, đây chả khác gì chinh phục nước Anh, mỗi tội phải lặp lại việc đó đến 50 lần, do đặc thù địa lý của nước Mỹ không “mở” như lục địa già, mỗi bang như một thành trì riêng rẽ.


Nhưng được cái, đây lại là sân nhà của Atlantic, và họ đã đưa ra một chiến lược không thể tuyệt vời hơn bắt đầu từ Texas, là nơi khán giả nhiệt nhất với Rock n Roll. AC/DC xực luôn Texas, và Atlantic bắt đầu xoa tay chờ album tiếp theo của band sẽ trở thành con ngỗng đẻ trứng vàng. Trong lúc đó, anh em nhà Young bắt đầu ghét tay bass Mark Evans vì “không theo kịp trình độ” của band, và trên đường về Úc thu đĩa tiếp theo, Mark bị sa thải, Cliff Williams vào thay.


Rất tiếc, album thứ năm, Powerage, dường như không có một cú đấm nào đủ mạnh cho thị trường Mỹ, cho dù tổng thể album là một khối khá hoàn chỉnh. Đến lúc này, Atlantic phải vào cuộc, và lần đầu tiên trong lịch sử, chủ quyền của nhà Young bị phá vỡ. Việc đầu tiên, George Young là người tiếp theo lên đường, và Atlantic giao AC/DC cho nhà sản xuất Eddie Kramer, người đã từng sản xuất cho Rolling Stones, Jimi Hendrix, và giúp sức cho những Led Zeppelin hay Peter Framton. Malcom và Angus nén sự tức giận của họ vào trong album thứ sáu.


Thế mà chỉ được 2 tuần, Malcolm lại cầu cứu Browning: “cứu bọn em. Gã Kramer này không chơi được”. Malcolm và Angus đã quá quen với phong cách làm việc được góp ý nhiều về mặt âm nhạc của George, trong khi Eddie chỉ quan tâm đến việc tạo ra những âm thanh chau chuốt và hay nhất. May thay, Browning vừa quen được Mutt Lang, người "chỉ quen sản xuất những album hơn 500,000 bản" ở Mỹ. Với một sự miễn cưỡng của Atlantic, và một AC/DC đã bị dồn đến đường cùng, Mutt tham gia band và sau đó lại hay, khi gã sản xuất một lèo ba album liên tiếp thành công của AC/DC: Highway to Hell, Back in Black,For Those About to Rock We Salute You.


Nhưng trước mắt, Highway To Hell cực thành công với track đầy sức nặng “Highway To Hell” giành được thời lượng phát sóng trên khắp nước Mỹ, và album đạt đĩa vàng không lâu sau đó. Sự tức giận của anh em nhà Young thì vẫn cần có chỗ để giải tỏa. Browning, tay quản lý giải cứu AC/DC khỏi sa mạc và góp công đưa họ lên đến đỉnh cao hôm nay, là cái tên tiếp theo bị sa thải. Đừng đùa với anh em nhà Young.


Đã có lúc, tưởng như chỉ còn mỗi ca sĩ Bon Scott là người không thể đụng đến, thì cú tiếp theo giáng vào anh có lẽ nằm ngoài dự đoán của bất cứ ai. Đêm ngày 18 tháng 2 năm 1980, Bon Scott ngủ quên trong xe sau khi nhậu quá xỉn và chết vì lạnh. Trước khi gặp AC/DC, Bon Scott đã từng bị tông xe máy nằm 3 ngày bất tỉnh mà vẫn sống. Sau khi vào AC/DC, Bon Scott đã có lần chơi thuốc quá liều tim ngừng đập mấy chục phút, xong vẫn sống. Quá tam ba bận. AC/DC có lẽ nhận cú đánh nặng nhất của họ từ trước đến giờ và tính chuyện giải tán.


Nhưng rồi AC/DC tìm thấy Brian Johnson ở Newcastle, phía Bắc nước Anh, người có phong cách biểu diễn cực sung giống Bon, lúc đó đang hát cho nhóm Geordie. Ý chí bất khuất của nhà Young mách bảo rằng AC/DC hãy tiếp tục.


Thế là chỉ 5 tháng sau khi Bon Scott chết, AC/DC ra Back In Black như để dành tặng cho chính Bon Scott và đĩa này đã trở thành đĩa nhạc Rock bán chạy nhất mọi thời đại của một nhóm nhạc (chỉ thua Thriller của Michael Jackson). Cuộc hợp tác với Brian Johnson cũng mở ra thời kỳ thành công vang dội với các album đều bán được từ 7 con số trở lên.


Thập niên 80s và 90s chứng kiến những sự thay đổi liên xoành xoạch trong đội ngũ của AC/DC, nhưng duy chỉ có một điều duy nhất không thay đổi: cỗ máy nhà Young bất chấp mọi trở ngại.


Nhưng đến khi số phận đánh vào chính anh em họ thì sao? Năm 2014, Malcolm Young không thể tiếp tục nữa sau nhiều năm chiến đấu với bệnh suy giảm trí nhớ, và ra đi vĩnh viễn năm 2017 (George Young cũng mất vào năm 2017). Đến lúc này anh em nhà Young đã đi lưu diễn cùng nhau suốt hơn 40 năm, và giờ là cú đánh vào chính họ. Kể cả vụ lùm xùm với tay trống Phil Rudd năm 2014 khiến anh này bị cho lên đường, hay cả việc Brian Johnson bỏ nhóm vì mất thính lực sau đó (Axl Rose được mời lắp vào), có lẽ cũng không thể so với mất mát của Malcom Young.


Ấy thế mà, người họ Young duy nhất còn sót lại, Angus, vẫn tuyên bố là nhóm sẽ tiếp tục lên đường và sẽ tiếp tục ra đĩa. “Long way to the Top”, như lời Bon Scott viết ngày nào.


Không có chỗ cho sự bi lụy với AC/DC và tính cách vừa bon chen vừa bất chấp điển hình có lẽ được thừa hưởng từ tinh thần bất khuất của mấy con người gốc Scotland này. Và nếu như còn có ai thắc mắc tại sao AC/DC là cái tên hầu như là duy nhất đến từ nhạc Rock của nước Úc mà có thể khuynh đảo thế giới, thì tinh thần bất chấp ấy có lẽ chính là câu trả lời nghiệt ngã nhất.


Hẹn gặp lại!


Kcid

3,255 views

Recent Posts

See All
bottom of page