X Japan vs. Babymetal: Đâu mới là công thức thành công cho Metal Nhật?
- K.K.N.
- 12 minutes ago
- 8 min read
X Japan có lẽ là ban nhạc Rock gắn liền với thời trẻ của không ít các fan nhạc Rock ở Việt nam, có lẽ bởi thứ âm nhạc khá “lạ” kết hợp giữa tốc độ của trống và guitar, sức nặng trong âm nhạc được pha trộn với những nét piano cổ điển lạ lẫm, và trên hết có lẽ là cảm giác gần gũi về một ban nhạc châu Á có phong cách và kỹ thuật âm nhạc không thua gì các ban nhạc Âu Mỹ - một cảm giác đầy cảm hứng khiến người ta phải nghĩ “mình rồi sẽ cũng làm được”. Nhưng rồi khi cơn sóng X Japan đã qua đi vào cuối thập niên 90s, dường như các fan nhạc Rock đã không còn theo dõi một ban nhạc nào từ xứ Phù Tang có đủ sức nặng trong suốt quãng thời gian sau này. Có lẽ cho tới khi Babymetal “kute” xuất hiện.

Tui phải thừa nhận tui không có nghe nhiều nhạc nặng của Nhật, phần vì có khá nhiều band cố gắng chơi theo nhạc Mỹ, phần vì ngôn ngữ của nước này tui cảm giác chỉ hợp với một vài kiểu nhạc nặng (dù tui chả hiểu mô tê gì) như hát gào hoặc rap liên tục. Cảm giác như, những ca sĩ có chất giọng khỏe và có thể bay vọt lên trên nền tiếng rhythm đều chọn những thể loại nhạc chậm rãi hoặc nhẹ nhàng hơn để phô diễn chất giọng của họ.
Nhưng bỗng nhiên một ngày Babymetal xuất hiện. Kai tui, vốn thường hay để ý xem mọi người chơi đàn chơi trống ra sao mà không mấy khi để ý đến phần hát, lại thêm phần tiếng Nhật cũng chả hiểu tí ti ông cụ gì, đâm ra lại thấy kết cái thứ nhạc pha trộn giữa Metal và J-Pop này, và đâu đó từ trong cách chơi của họ, bỗng có những yếu tố khiến tui chợt hiểu hơn về sức ảnh hưởng trong âm nhạc của X Japan ngày nào.
Bản nhạc đầu tiên của Babymetal khiến tui nhớ tới X Japan là “No Rain, No Rainbow”. Có một sự liên quan kỳ lạ giữa “No Rain, No Rainbow” và “Say Anything” của X Japan. Trước hết là phần hợp âm của đoạn verse và đoạn điệp khúc, và sau là đoạn solo guitar. Hãy cùng nhau thử nghe đoạn solo của “No Rain, No Rainbow” và “Say Anything” ở trong 2 đoạn clip sau.
"No Rain, No Rainbow" với đoạn solo ở phút 2:00
"Say Anything" với đoạn solo ở 3:44
Điều đặc biệt tui muốn nói ở đây và cũng là điều đặc trưng X Japan tạo ra khiến người nghe nhận ra mô típ của lối chơi nay, là câu solo không ở cùng tông giọng với phần điệp khúc hay phần hát. Chưa kể, ngay trong câu solo, cả ban nhạc cùng đổi tông giọng thêm 1 lần nữa. Nếu như Babymetal chỉ làm thế 2 lần, thì X Japan, người tạo ra mô típ này, làm điều đó tới tận 4 lần, và cả hai band đều biết cách quay lại tông giọng cũ ngay khi người hát trở lại sau đoạn solo.
Nhưng nó cũng chỉ khiến tui thêm thắc mắc, tại sao X Japan không làm thêm nhiều lần chiêu này nữa, mà phải chờ tới mãi sau này khi Babymetal được tạo ra bởi một fan ruột của X Japan, đã không ngần ngại “chôm” ngay ý tưởng này trong một bản ballad của họ.
X JAPAN được lập ra bởi Yoshiki chơi trống và piano, ca sĩ Toshi, vốn là bạn của Yoshiki từ hồi bé; bộ đôi guitar Hide và Pata, cùng tay bass Taiji.
Điểm đặc biệt nhất trong âm nhạc của X Japan, có lẽ bất cứ fan hâm mộ nào của họ cũng đều biết, tới từ việc Yoshiki vốn học piano cổ điển từ nhỏ, nhưng vì một mất mát quá lớn khi bố của anh này tự tử khi anh mới 10 tuổi, Yoshiki tập thêm chơi trống và chọn nhạc Rock như là nơi để giải tỏa sự tức giận và bế tắc của mình. Vốn là người viết nhạc chính cho X Japan, Yoshiki vì thế đem tới cả những nét trầm lắng cùng tiếng đàn piano xen lẫn với sự giận dữ với chân bass đôi và tốc độ chơi nhạc được đẩy lên cực cao. Hợp lý thay cho X Japan, cặp đội chơi guitar Hide và Pata dường như luôn biết cách biến các ý tưởng của Yoshiki trở thành sức nặng với những câu riff tóe khói và những màn guitar solo, nhất là của Hide, với sự pha trộn giữa kỹ thuật của người Mỹ với những nét chấm phá vay mượn từ âm nhạc của người Nhật.
Trước khi chuyển sang vạch vòi X Japan, xin được nhắc thêm một bản nhạc khác của Babymetal đậm chất X Japan với phần piano dày đặc và phần trống ở đúng tempo ưa thích của Yoshiki với chân bass đôi. Khỏi phải nói bài này tương đồng với X Japan thế nào, nếu bạn tìm trên Youtube thì sẽ thấy vô khối những bản mash up hoặc thậm chí ghép hình X Japan vào chơi nhạc cùng Babymetal.
Giàu ảnh hưởng ở nước Nhật tới vậy, nhưng X Japan chưa bao giờ vươn tầm ra tới thế giới được như trình độ và kỳ vọng của họ. Mãi tới năm 2010, tức là 13 năm sau khi X Japan ra album cuối cùng của họ, band mới có dịp lưu diễn ở Bắc Mỹ và rồi sau đó mới có thể gây tiếng vang với những lần lưu diễn ở Anh Mỹ sau đó, dù rằng họ không còn ra thêm những album mới nữa. Babymetal thì ngược lại, họ đi lưu diễn nước Mỹ và cả thế giới ngay từ sau album đầu tay của họ và tằng tằng đi diễn ở những festival lớn như Download hay Knotfest suốt từ đó tới giờ mặc dù ai cũng biết thừa mấy cô gái nhí nhảnh trên sân khấu kia hầu như chả liên quan mấy tới việc làm ra thứ nhạc cực chất của họ.
Vấn đề to đùng đầu tiên của X Japan trước đây, chắc chắn là vẫn đề khác biệt ngôn ngữ. Mặc dù rất cố gắng để hát tiếng Anh trong rất nhiều bài, X Japan có lẽ vẫn gặp khó trong việc thuyết phục người nghe khi những bài hát của họ dường như được “dịch” từ tiếng Nhật và mất đi cái rhythm và flow tự nhiên của ca khúc, cũng như làm khó cho anh ca sĩ chính của họ. “Voiceless Screaming” chẳng hạn, một ca khúc với phần guitar tuyệt đẹp của bộ đôi Hide và Pata, nhưng phần hát không mấy ăn nhập.
Ca sĩ chính Toshi có thể hát những nốt cao chói vói và với sự trung thành gần như tuyệt đối dành cho Yoshiki, Toshi xứng đáng nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ các fan trung thành của X Japan. Nhưng với tất cả sự tôn trọng dành cho anh, Toshi không có một giọng hát Metal đủ mạnh mẽ để “đè” các câu riff xuống. Giọng của Toshi vì vậy lúc nào nghe cũng chói vói bay lượn ở trên cao như một nhạc cụ phụ trợ chứ không có đủ sức mạnh để dẫn dắt cả ban nhạc. Nhưng bù lại, mỗi khi X Japan chơi ballad và tiếng riff của guitar được dãn ra cùng tiếng piano, giọng của Toshi sẽ xuất hiện đầy hợp lý và có lẽ đây cũng là lĩnh vực nơi X Japan giành được nhiều sự yêu mến của khán giả nhất.
Babymetal thì có lẽ đã xử lý được vấn đề ca sĩ chính một cách khéo léo hơn. Dĩ nhiên giọng hát chính của Babymetal cũng không thuộc dạng khỏe như ai, nhưng họ đồng thời vặn dây đàn xuống thấp hơn và đục ngầu. Điều này có hai tác dụng, một là ca sĩ chính không cần phải hát cao quá đề vượt lên khỏi tần số của tiếng riff (nên ít bị lộ những chỗ hát yếu), và hai là tiếng đàn kiểu đục ngầu này rất hợp với thị trường Mỹ.
Chưa kể, Babymetal còn cố gắng hát rất nhiều thể loại (dù không phải cái nào cũng hay). Họ có thể rap, có thể hát ballad, có thể hát gào, và nhất là họ có cả những ca khúc tiếng Anh. Gì chớ, ở thời hiện đại này thì việc viết nhạc tiếng Anh (hoặc giả thuê ai đó viết nhạc tiếng Anh) nghe bắt tai với người Mỹ, chắc chắn dễ hơn thời thập niên 80s 90s rồi. Chẳng cần nhìn đâu xa, một ban nhạc Nhật gạo cội khác là Loudness ở thập niên 80s cũng đã từng lọt được vào thị trường Mỹ khi có một ca sĩ người Mỹ trong đội hình của họ là Mike Vescara. Đội ngũ quản lý của Babymetal cũng không ngần ngại mời những nghệ sĩ gạo cội cộng tác hoặc đi lưu diễn cùng.
Một yếu tố nữa tui muốn bàn ở đây, với X Japan, là ở sự lấn át trong viết nhạc của Yoshiki. Đương nhiên anh này tài giỏi khỏi phải bàn rồi, nhưng rất nhiều lần, cảm giác Yoshiki giữ những thứ giai điệu hay ho cho tiếng đàn piano của mình mà không phải là dành cho Toshi để hát. Chớ sao, Toshi thường được hát trên những hợp âm cơ bản và giai điệu khá dễ đoán, nhưng mỗi khi có phần piano solo chen ngang, bỗng nhiên phần chuỗi hợp âm sẽ nghe hay và đa dạng hơn hẳn. Phần hát của Toshi, dường như thường sẽ quay lại y như cũ mà ít khi được thăng giáng hay tăng giảm tốc, kể cả sau mỗi lần chờ đợi dài cổ những câu solo dài ngoằng và bay bổng từ Yoshiki/Hide/Pata.
Babymetal thì quá đơn giản, vì họ có cả một đội ngũ để viết nhạc và có thể tạo ra bất cứ chất nhạc nào họ muốn. Hãy nghe thử “Tales of the Destinies”, và tui cá là họ sẵn sàng chơi cả Prog Rock nếu cái món này có thể bán được đĩa.
Nói đi thì cũng phải nói lại, những vụ lùm xùm trong nội tại của X Japan như lần sa thải ca sĩ chính Toshi, hay cái chết của tay guitar Hide (và cả tay bass Taiji đầu tiên của họ sau cũng gặp rắc rối và chết trong tù) đều không giúp được gì cho danh tiếng cũng như sự tập trung cho X Japan để có thể lọt được vào thị trường Mỹ mơ ước, dù rằng ở ngay trên nước Nhật thì con số hàng chục triệu đĩa bán được cũng đã là giấc mơ của khối kẻ trên thế giới này.
Tui hoàn toàn không có gì khi so sánh X Japan, một tượng đài của nhạc Rock nước Nhật, với Babymetal, một hiện tượng nhạc Rock trên khắp thế giới cũng đến từ nước Nhật; mà chỉ đơn giản muốn chia sẻ vài quan sát về những điểm giống và khác giữa hai ban nhạc từ hai thế hệ. Một bên là ban nhạc cực “original” / "mới mẻ" với 5 thành viên chơi nhạc thượng thừa, còn bên kia là một sản phẩm “lắp ghép” mà ngoài ca sĩ chính Su-Metal ra, thì các nghệ sĩ cự phách chơi nhạc cho họ đều là những người được thuê và có thể thay thế ở bất cứ thời điểm nào.
Thế nên dù bài viết ngắn ngủi này chắc chắn nó không đủ để kết luận về việc thành hay bại trong âm nhạc, thì hy vọng cũng đem lại một vài câu chuyện chém gió cho mọi người trong một buổi sáng Chủ nhật như hôm nay.
Hẹn gặp lại!
Kai