Nếu có thể xếp loại cho âm nhạc của Tool, tôi sẽ không nhìn vào thể loại Progressive Metal / Rock họ chơi, mà sẽ dựa trên cảm xúc rất riêng đến từ âm thanh của band này. Thử tưởng tượng bạn bật nhạc của Tool trên dàn loa, ngồi ngay chính giữa và nhắm mắt lại, thì thứ nhạc phát ra từ những chiếc loa giống như soundtrack của những bộ phim lấy bối cảnh trong một tương lai đen tối. Tương lai là bởi những nhịp lẻ và thay đổi liên tục, khó nắm bắt, tựa như những thứ kỳ dị đến từ vũ trụ, và vì âm sắc rộng lớn hoành tráng. Còn đen tối là bởi những hợp âm, giai điệu kỳ bí, và vì lối chơi đa nhịp (polyrhythm) mang màu sắc hoang dã, nguyên thuỷ. Giống như bộ phim Mad Max: Fury Road của George Miller chẳng hạn.
Bỗng dưng bạn thấy mình như đang ngồi giữa chiến trường trên sa mạc, bị bao quanh bởi đội quân mang tên Tool, trong đó mỗi thành viên đảm nhận một nhiệm vụ và đem theo một lối tấn công khác nhau. Họ tấn công bạn bằng những thế trận huyền ảo, qua cả âm thanh lẫn hình ảnh. Và rồi bạn mê lịm trong thế trận đó, chìm đắm trong nó mãi cho đến khi album của họ kết thúc.
TRẬN ĐỊA ÂM THANH:
Cái khác lạ trong âm nhạc của Tool là cả khi có đầy ban nhạc Rock với đủ những kim loại nặng trong “vũ khí âm thanh” của họ, thì thế trận mà Tool bày ra luôn khác biệt và có tính toán, khiến cho hiệu quả của mỗi trận đánh luôn đạt mức cao nhất có thể. Nó không đơn thuần là những đòn tấn công dồn dập, nã thật lực từ tất cả vũ trang được mang theo từ một ban nhạc, mà nó là những trận địa được dàn dựng theo nhịp, theo hồi, lúc thôi miên mê hoặc, lúc tung đòn hiểm, và quan trọng nhất là nhất cử nhất động đều khó đoán đối với con mồi – chính là người nghe như chúng ta.
Trong ban nhạc, khả năng thôi miên và mê hoặc bằng âm thanh phần lớn đến từ hai thành viên: ca sĩ Maynard James Keenan và cầm thủ guitar Adam Jones.
Khi nghe nhạc của Tool, giọng hát của Maynard James Keenan không hẳn đứng ở vị trí trung tâm để đóng vai trò chủ đạo. Giọng hát của anh được sử dụng như một nhạc cụ hòa cùng với 3 thành viên còn lại. Đó là lý do Maynard sẽ thường viết giai điệu theo lối chậm rãi, ngân dài để cân bằng với âm sắc và nhịp điệu liên tục của guitar, bass và trống. Giai điệu hát thì thường nằm trên âm giai mang màu sắc phương Đông (double harmonic scale hoặc phrygian scale) tạo nên âm sắc quyến rũ ma mị. Chính thế mà tiếng hát của Maynard tựa như chất gây mê trong trận địa âm thanh của Tool. Tiếng hát đó không quá lớn, không quá thô ráp, mà ngược lại, từng nốt chậm rãi rót vào tai ngọt đến tê người.
“If there were no desire to heal / The damaged and broken met along / This tedious path I've chosen here / I certainly would've walked away / By now” – Lời bài “The Patient”
“With my feet upon the ground I lose myself / Between the sounds and open wide to suck it in / I feel it move across my skin. / I'm reaching up and reaching out, / I'm reaching for the random or what ever will bewilder me. / And following our will and wind we may just go where no one's been. / We'll ride the spiral to the end and may just go where no one's been.” – Lời bài “Lateralus”
“I have come home now / Fetch me the Spirit, the Son, and the Father / Tell them their pillar of faith has ascended / It's time now / My time now / Give me my / Give me my wings" - Lời bài “10,000 Days (Wings Pt 2)”.
Giọng hát của Maynard ngân nga bay bổng, nghe được từng hơi thở, từ từ tăng dần âm lượng cho đến lúc bị bao trùm bởi tất cả âm thanh nhạc cụ khác, giống như việc ngay khi con mồi bị thôi miên bởi tiếng hát của Maynard, thì những “vũ khí nhạc cụ” khác sẽ nhấn chìm ở khúc cao trào bài nhạc.
Vũ khí thứ hai để mê hoặc đối phương là tiếng đàn guitar của Adam Jones. Dù Adam không chơi như kiểu của một virtuoso, cách sử dụng cây đàn và những hiệu ứng từ nó được anh khai thác cực kỳ hiệu quả.
Mặc cho thứ nhạc mà Tool chơi là thể loại Metal, nhưng rất nhiều lần, và có rất nhiều quãng dài trong một bài nhạc, Adam vẫn dùng tiếng clean guitar để đánh câu riff lặp đi lặp lại. Âm thanh đó cứ đều đều từ từ đi vào hai bên tai, nó tựa như hình xoắn quay tròn trước mắt con mồi, khiến nó đơ người và tê liệt các chi, đặc biệt khi anh hay chơi trên âm giai mang màu sắc phương Đông mà ta đã nói ở ngay trên. Do đó, hiệu ứng âm thanh tạo bởi cây đàn guitar của Adam tương trợ mạnh mẽ cho tiếng hát của Maynard.
Cái hay trong việc sử dụng chiêu thức này là khi đến đoạn cao trào, mọi âm thanh dồn dập bởi các nhạc cụ bao trùm khắp không gian, thì tiếng đàn của Adam sẽ chuyển sang hỗ trợ tấn công. Đa phần lối chơi của anh cũng là theo thế đánh power chord thường thấy trong nhạc Heavy Metal, nhưng cũng có lúc anh sẽ chỉnh dây, thay vì Drop D mà còn cả có lúc là Drop B như trong bài “Prison Sex” hoặc “Parabola”, với 5 dây còn lại giữ nguyên, hoặc chỉnh dây A xuống thành E. Như vậy, với thế đánh của power chord, các nốt mà Adam chơi sẽ tạo ra âm sắc khác với những quãng 5 thường thấy. Thay vào đó, có lúc sẽ là 2 nốt cách nhau quãng 8, lúc là quãng 4 hoặc quãng 7, đều là những quãng tạo sự mơ hồ trong âm sắc của một hợp âm. Nếu như power chord với nốt gốc và nốt quãng 5 của nó đã là không rõ ràng về một hợp âm thứ hoặc trưởng, thì cách đánh theo cùng thế tay, nhưng khác về tuning dây, đã dẫn đến việc sự lập lờ của cả hợp âm, tạo một khoảng trống lớn cho các nhạc cụ khác (bao gồm cả giọng hát của Maynard) lấp đầy và làm rõ âm sắc trong nhạc của Tool. Chính sự lập lờ này, cộng với cách điều chỉnh âm lượng tăng dần ở các nốt được chơi mang lại hiệu ứng sâu, trầm không cân bằng và chơi vơi, rất dễ để tạo không gian u mê với người nghe. Còn nếu Adam quyết định chêm thêm 1 nốt bậc 5 nữa ở dây thứ ba, thì cái power chord này sẽ dày tiếng và mang màu sắc khác lạ power chord phổ biến khác mà vẫn giữ được uy lực của nó.
Ngoài phần tấn công bằng các power chord, Adam còn chơi chúng theo những nhịp điệu của những câu riff mà Adam phải cân khi chơi cùng những quái kiệt như Justin Chancellor trên cây bass và Danny Carey ngồi bên giàn trống. Những đoạn đảo nhịp, nhấn lệch phách, chơi ở những số chỉ nhịp (time signature) khác nhau thay đổi liên tục, ở cả những nhịp hỗn hợp (odd meter), nhịp đan xen (cross rhythm) khi các nốt được chơi theo chùm lẻ kéo dài giữa các khuông nhạc và dĩ nhiên sẽ rơi vào phách mạnh của khuông nhạc trước rồi lệch khỏi phách đó ở khuông nhạc sau.
Tất cả những kiểu đánh đó rất khó đoán và ta sẽ đi vào sâu hơn ở lối chơi tấn công, chủ yếu đến từ hai thành viên kia: Justin Chancellor ôm cây bass và Danny Carey ngồi sau giàn trống.
Cùng với Adam, Justin Chancellor sẽ nghĩ ra những đoạn riff trên đàn bass để tăng sức mạnh cho Tool. Không ai ngờ là anh này mang đến bao điều thú vị với lối chơi sáng tạo sau khi thay tay bass đầu tiên Paul D’Amour kể từ năm 1995, và thu âm cùng band trong đĩa thứ hai - Ænima (1996).
Justin thậm chí được ví như “tay lead bass” trong band vì kiểu chơi vượt quá cả vai trò giữ nhịp. Những câu riff tuyệt hay trên cây đàn 4 dây mà Justin chưa bao giờ cảm thấy khai thác hết sức mạnh của nó luôn tạo ra âm lực cực mạnh nhờ những tiếng khoẻ sắc lẹm, kết hợp giữa dải trầm giữ nhịp với giải trung và cao đầy giai điệu như lối chơi của một guitar lead biến đàn bass thành một vũ khí kinh điển trong band Tool. Ví dụ như màn thể hiện trong bài “The Pot”, Justin sử dụng các hiệu ứng delay, whammy, fuzz trên cây bass của mình tựa như cây đàn guitar; hoặc anh sẽ chơi những câu riff hòa âm cùng guitar của Adam trong “Vicarious” hay đối ẩm trong “Rosetta Stoned”.
Mỗi khi tiếng đàn guitar của Adam lui về phía sau để giữ nhịp thì tiếng bass của Justin trồi lên dải cao một lúc và gặp nhau với tiếng guitar của Adam và rồi trở về các nốt trầm chắc nịch, như thể hai chiến binh phối hợp song hành tấn thủ cùng lúc trong trận địa.
Giống như Adam, Justin rất hay nghĩ ra những đòn tấn công hiểm trên nhịp lẻ của con số 7. Như cách chơi khó đoán với người nghe, kiểu nhịp lẻ gây “khó dễ” với đối thủ. Nếu như nhịp 4/4 thường thấy tạo sự dễ chịu bởi tính đều đặn quen thuộc thì nhịp 7 như thể đẩy chu trình quay vòng sớm ngay trước khi người nghe cảm thấy sẵn sàng, và vì vậy nó tạo một không khí vội vã.
Thêm nữa, Justin (và cả Adam) sẽ lại biến tấu khi thêm hoặc bớt một số nốt trong khuông nhạc về sau để tạo sự khác biệt trước đó. Bởi bất ngờ luôn là đòn hiểm nhất trong dàn trận của Tool.
Và để thực hiện chiến lược này hiệu quả, họ cần một người điều khiển tài ba. Đó chính là Danny Carey - tay trống của Tool, người không chỉ hiểu và biến những ý tưởng của Justin và Adam thành hiện thực, mà anh còn đẩy chúng lên những tầm cao mới.
Vậy nên có thể nói khi Tool tổng lực tấn công, là khi ta nghe được tiếng sấm rền phát ra từ giàn trống - vũ khí tối thượng được chơi bởi một virtuoso như Danny.
Việc một bản nhạc của một bài bất kỳ của Tool có time signature thay đổi thường xuyên đã là chuyện như cơm bữa: 5/8, 7/8, 5/4, 3/8, 9/8 và thậm chí 11/8 hay 13/16. Bài “Schism” là một ví dụ số chỉ nhịp thay đổi tới 47 lần trong số 12 nhịp khác nhau, mà chỉ một thiên tài như Danny mới có thể khiến mọi thứ trông thật dễ dàng và uyển chuyển.
Danny còn “quái vật” đến độ tứ chi của anh được phân tách độc lập như ở bài “Rosetta Stoned”, chân trái anh dậm nhịp 4/4, chân phải anh đập kick drum nhịp 5/8, tay trái gõ lên snare nhịp 3/4 còn tay phải gõ chùm 3 nhịp 3/8.
Lối chơi biến đổi liên tục đa nhịp (polyrhythm) này của Danny không phải để phô trương kỹ thuật mà nó mang lại hiệu ứng cho bài nhạc đầy hiệu quả. Thứ nhất là thứ màu sắc bộ lạc của châu Phi song hành với âm sắc phương Đông đã nói ở trên từ tiếng đàn guitar của Adam và tiếng hát của Maynard; thứ hai là để tạo sự chơi vơi với đầy bất ngờ ở nhịp, nhất là những lúc Danny, Justin, Adam chơi ở các nhịp khác nhau (như trong bài “Forty Six & 2”), và thứ ba là nó dùng để làm giàu thêm nội dung bài hát, như anh Friedemann Findeisen trên kênh Youtube có tên Holistic Songwriting lấy ví dụ ở bài “Vicarious”, khuông nhạc 1/4 được nới thêm ngay bên cạnh nhịp 4/4 tựa như phần lời kể về nhân vật trong bài được kéo dài thêm cuộc sống:
“‘Cause I need to watch things die / From a distance / Vicariously I, live while the whole world dies /You all need it too, don't lie”
Đến đây người ta mới trộm nghĩ, liệu có ẩn ý gì sâu xa trong thế trận Âm Thanh này của Tool hay không?
TRẬN ĐỊA HÌNH ẢNH:
Ban nhạc Tool đã từng phản đối việc đưa nhạc của họ lên nền tảng stream bởi họ muốn âm nhạc của Tool phải nghe theo cả toàn bộ album hoàn chỉnh. Đó là vì những gì ban nhạc gửi gắm từng đoạn nhạc, từng lời ca phải được trải nghiệm theo trình tự một cách trọn vẹn. Cũng giống như một thế trận vậy, đi tắt bước nào thì sẽ chỉ giảm khả năng chiến thắng của cuộc chiến đó.
Trận địa Âm Thanh của Tool cũng vậy, và nó còn cần đi kèm cả những hình ảnh artwork trong các ấn phẩm đĩa được thiết kế tuyệt đẹp. Không phải ngẫu nhiên mà cả ban nhạc Tool lại lưu tâm và trau chuốt đến khâu này đến vậy, bởi để “mê hoặc” và “đánh gục” người nghe hoàn toàn, họ cần cả những đòn tấn công thị giác. Phần lớn những tác phẩm artwork về hình ảnh đều được nghệ sĩ thị giác Alex Grey thực hiện.
Như phần miêu tả thế trận của tiểu đội 4 người kể trên, một trong những tác phẩm mà Alex từng thực hiện khá tương đồng với thế trận dàn quân như hình ở bên. Người nghe đặt trong vị trí ngay giữa phía dưới và bị bao trùm bởi những tác động âm thanh từ các phía, hiệu quả như một đội quân đang vây quanh người nghe vậy.
Riêng những đường nét cong uốn lượn cũng tựa như sóng âm phát ra từ âm nhạc của Tool, tạo nên trận đồ tứ quái bao quanh “con mồi”. Và đây cũng là lý do trong các show diễn live của Tool, những hình động artwork được Alex Grey thiết kế là những đường cong uốn lượn và những hình học thiêng liêng phản ánh vũ trụ (sacred geometry) luôn được trình chiếu trên màn hình lớn ở sân khấu phía sau các thành viên của ban nhạc. Không ít lần giới phê bình đã rất ngạc nhiên vì ca sĩ Maynard Keenan chỉ đứng quay lưng lại phía khán giả bởi anh không cần làm nhân vật chính của buổi diễn. Trong các album và tại các show của Tool, những yếu tố tác động lên thính giác và thị giác đều gắn kết chặt chẽ.
Vì thế khi fan của Tool đào sâu những ý nghĩa của nhạc lý, lời hát và hình ảnh, họ mới khám phá ra những liên kết chặt chẽ giữa nhạc và hình của Tool. Ví dụ tiêu biểu và đáng sợ nhất vẫn là bài “Lateralus” trong album cùng tên phát hành năm 2001.
Phần guitar riff chơi cùng bass và trống đảo qua đảo lại giữa các nhịp 9/8, 8/8 và 7/8. Đầu tiên phải kể đến là con số 987 (lấy từ số chỉ nhịp 9/8, 8/8 và 7/8 trên 3 khuông nhạc liền nhau) là số thứ tự 17 trên dãy số Fibonacci. Ở dãy Fibonacci, mỗi số trong đó là tổng của hai số đứng trước, bao gồm 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21, 34, 55, v.v. Chắc hẳn khối người đã biết sự liên quan giữa dãy Fibonacci tới tỷ lệ vàng thần thánh trong hình học như thể hiện dưới đây:
Tỷ lệ vàng này có thể tìm thấy ở các tác phẩm nghệ thuật và cả trong những thứ đẹp đẽ đến từ tự nhiên như vỏ ốc, vòng xoáy của cơn bão, nhụy hoa, v.v. Đặc biệt hơn, nếu lấy một số trong dãy Fibonacci chia cho số liền trước đó, sẽ có hệ số vàng 1.618. Và điều kỳ lạ là khi quay lại với bài “Lateralus”, ngay tại khúc 97 giây đầu bài, thì phần nhạc dừng hẳn, chỉ để lại phần trống và giọng hát của Maynard cất lên. Tool đã rất khéo léo ngừng lại ở giây thứ 97 - tương đương với 1.618 phút (!!!)– khớp đúng với chính tỷ lệ vàng nói trên. Maynard thì chắc chắn đã không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để tăng thêm sự kỳ bí với chủ đề Fibonacci này khi anh hát ngắt từng chữ như sau ở verse 1:
“(1) Black
(1) Then
(2) White are
(3) All I see
(5) In my infancy
(8) Red and yellow then came to be”
Đã có quá nhiều các công trình phân tích ý đồ của Tool trong bài hát này, nhưng dù họ thật sự có mục đích hay chỉ đơn giản là Tool muốn thử thách những giới hạn của việc xây dựng ý tưởng đi nữa, thì tôi cho là gói ghém để đưa rất nhiều ý tưởng vào trong một bài hát như vậy đã là quá thiên tài rồi.
Âm nhạc của Tool là vậy! Những hình ảnh trong âm nhạc của band có một sự tương quan dù tác động tới người nghe ở mức độ tiềm thức thì nó vẫn có sức mạnh mê hoặc và khuất phục những ai chịu dành thời gian cả chục phút để nghe một bài và cả giờ đồng hồ để ngẫm hết album nhạc album nhạc của họ, cứ cho là có thể ngấm hết được đi. Không chỉ khiến người nghe phải trầm trồ trước khả năng chơi nhạc chính xác và tỉ mỉ nhưng không thiếu uy lực, tôi còn khoái Tool ở chỗ họ luôn để lại những gợi ý khiến người nghe phải tò mò đi tìm hiểu xem tại sao những ý tưởng nhu vậy lại xuất hiện trong bài hát.
Mỗi bài hát của Tool vì vậy đều là những công trình kiệt tác, đòi hỏi thời gian và những gì tinh túy nhất của từng thành viên để xây dựng lên. Âm nhạc của họ có thể phức tạp thật, nhưng không một phần tử nào nằm trong đó được đưa vào một cách ngẫu nhiên. Mọi thứ đều có những lực gắn kết vô hình lẫn nhau mà phải đào sâu có khi mới tìm ra. Có lẽ, nghe nhạc của Tool nhiều cũng làm người ta có vẻ thông minh ra!
Đơn giản như chỉ cần nghe và đắm chìm trong đó, ngẫm về những “âm sắc linh thiêng” hay “tỷ lệ vàng” của âm nhạc cũng đã thấy mình thông tuệ lắm rồi.
Hẹn gặp lại! Kink
Comments