top of page

Alice in Chains và lời nguyền Seattle?

Ngày 3 tháng 7 năm 1996, Alice In Chains (AIC) tiếp tục chuyến lưu diễn với ban nhạc huyền thoại KISS. Kansas City, Missouri. Sean Kinney (trống) le te lên hát cover lại bài "Beth" của thần tượng KISS, khiến đám đông nửa hưởng ứng nửa la ó. Layne Staley (ca sĩ) đành phải lên tiếng trấn an đám đông: “Chúng tôi còn một bài cuối dành cho các bạn. Trong cả chuyến lưu diễn vừa rồi, các bạn là những người cổ vũ nhiệt tình nhất và bọn này sẽ chắc chắn phải diễn bài mà mọi người yêu thích chứ hả”.


Dĩ nhiên rồi, “Man In The Box”.

Kết thúc bài hát, đám đông hò reo ầm ĩ. Ngày hôm đó, đám khán giả của thành phố Kansas không biết rằng họ là những người được chứng kiến buổi diễn lần cuối cùng của Layne Staley.

Và chuyến lưu diễn với KISS đó của Alice In Chains cũng dường như là chuyến lưu diễn định mệnh với một vị khán giả, người mới vài ngày trước đó còn xem họ tại Louisville, Kentucky. Tên anh là William DuVall, kẻ sẽ tiếp bước vai trò ca sĩ trong Alice In Chains sau này.

Nhưng trước mắt, tất cả sự trân trọng cần được giành cho đội hình của Layne Staley (hát), Jerry Cantrell (guitar), Mike Starr/Mike Inez (bass), và Sean Kinney (trống), những người đã kịp ghi dấu vào lịch sử với âm thanh độc đáo khó ai bì kịp do họ tạo ra. Nếu trên đời này có một thứ được gọi là “mẫu chuẩn” cho âm thanh kiểu Seattle grunge, tôi cho rằng âm thanh của đĩa Facelift (1990) xứng đáng được bảo quản cẩn thận như cách các viện đo lường bảo vệ các mẫu chuẩn của họ. Quả vậy, nếu như Soundgarden được biết đến như band grunge đầu tiên đi ra ánh sáng với hợp đồng ghi âm từ hãng lớn đầu tiên, còn Nirvana thì đương nhiên là band làm cho cả thế giới phải dậy sóng, chính AIC có lẽ là band hay bị bỏ quên nhất như là những người đầu tiên mang đến âm thanh Seattle grunge đặc trưng từ album Facelift (1990). Tôi đã thấy những người sau này tạo ra những âm thanh như Soundgarden, còn âm thanh của Nirvana thì chắc rất quen thuộc rồi. Nhưng tạo ra âm thanh nặng mà ngầu, mà điển hình nhất là tiếng hòa âm bè giữa nhiều giọng hát với giọng guitar, thì có vẻ chưa có ai ra được màu sắc như AIC.


Tất nhiên, vạn sử khởi đầu nan, Facelift lúc đầu chưa tạo được dấu ấn nào với thị trường âm nhạc lúc mới phát hành. Nhưng mọi thứ quay ngoắt 180 độ sau khi video clip của bài “Man In The Box” may mắn được MTV chọn để phát, dù ban đầu có đôi chút rụt rè từ ban lãnh đạo do hình ảnh tối tăm có phần dị hợm của AIC. Khi lên sóng, “Man In The Box” bỗng trở thành cú sốc với tất cả khán giả nghe nhac, vì chưa có âm thanh nào được chơi như vậy trước đó: ma quái, hút hồn, nặng,u tối.

Chả mấy chốc, AIC trở thành cái tên được quan tâm nhiều nhất. Người người nghe AIC, nhà nhà nghe AIC. Số lượng yêu cầu gửi tới MTV đồng nghĩa với việc số đĩa bán được của Facelift tăng chóng mặt, từ 40.000 bản trong 6 tháng đầu lên 400.000 bản chỉ trong vòng 6 tuần sau đó. Các bài trong Facelift được người nghe nhạc yêu cầu nhiều hơn tất cả số lượng dành cho cả Nirvana, Pearl Jam và Soundgarden cộng lại thời đó.

Bài “Man In The Box” vì vậy được coi như bài hát mở rộng cánh cửa cho người nghe nhạc đại chúng đến với dòng nhạc Grunge đến từ Seattle. Với cá nhân tôi, nó khai mào cho âm thanh của grunge là vì thế.

Nhưng có lẽ những người góp phần tạo ra âm thanh đặc trưng đó lại không có được sự thừa nhận hay ghi nhớ nhiều như AIC. Người đầu tiên phải nhắc đến, có lẽ là ban nhạc King’s X, một ban nhạc bị lãng quên đến từ Seattle, những người dám pha trộn giữa hai thứ không liên quan đến nhau là punk và progressive.

Theo sử sách ghi lại, thì trước King’s X, ở Seattle hầu như không có hoạt động âm nhạc nào đáng chú ý trong suốt thập niên 70s và 80s. King’s X đem đến một thứ âm nhạc vừa nặng, vừa giai điệu, lại mang màu sắc ảo diệu của prog rock dựa trên những yếu tố như nhiều phần bè, pha lẫn nhạc giao hưởng, rồi thì guitar chỉnh dây không tiêu chuẩn. Trong khi mọi người còn mất công tranh cãi xem nhạc của King’s X có phải là prog rock hay không, AIC và Pearl Jam, đặc biệt là Jerry Cantrell, là những người lẳng lặng nghiên cứu Out of Silent Planet (1988) và Gretchen Goes To Nebraska (1989) của nhóm này kỹ nhất. Đến mức khi Facelift được phát hành, tay guitar Doug Pinnick của King’s X đã phải thốt lên “bọn nó nghe giống y như mình, nhưng hay hơn rất nhiều”. Anh em King’s X cũng không bao giờ so đo với AIC hay Pearl Jam về nguồn gốc âm nhạc, bởi theo họ thì trong âm nhạc ai chả mượn đồ của ai đó. Họ tự hào vì họ là band đầu tiên đáng nghe ở Seattle, thế là đủ.


Người thứ hai mà AIC cậy nhờ, đó là nhà sản xuất kiêm kỹ sư âm thanh Dave Jerden, người trước đó có công mang lại âm thanh cực rát cho ban nhạc Jane’s Addiction. Khi mới nghe băng demo của nhóm, Dave đã có một cảm nhận về thứ âm thanh nặng và đen tối rất gần với thứ nhạc mà Black Sabbath từng khai phóng ra Heavy Metal trước đó: riff và cách đi bass dựa trên kiểu blues truyền thống, nhưng tất cả nhòa đi bởi âm thanh căn nặng từ những dây đàn vặn xuống thấp.

Dave Jerden cũng chính là người “tặng” cho tay bass Mike Starr cây bass 6 dây để double track phần bass trở nên nặng trịch và hoàn thiện cho anh cách đánh bass dựa trên các nốt “độc và lạ” của scale, nhằm “tạo màu” cho phần power rhythm của Jerry Cantrell (Emoodzik trước đây có mô tả việc bổ trợ và tạo ra hợp âm linh hoạt nhờ chơi power chord kết hợp cùng 1 nhạc cụ khác ở đây). Ấy đừng quên nữa là người thay Mike Starr sau này, Mike Inez, cũng là một tay bass của “lò” Ozzy Osbourne đi ra. Nên yên tâm là mấy tay bass này đều bao “ma quái” và “u tối”.

Dave Jerden sau này đã từng chia sẻ lý do anh với AIC lại hiểu nhau đến vậy, khi ngay lần đầu gặp, anh đã nói với Jerry: “thấy Metallica không? Mấy anh đó lấy đồ của Tony Iommi và làm cho nó nhanh và nặng lên. Còn chúng mày thì làm cho nó chậm lại như cũ và nặng hơn” (nhưng không thấy Dave Jerden kể tại sao anh lại hiểu ý với AIC về trò ghi âm double track đến thế).

Người cuối cùng mà AIC có lẽ phải cảm ơn nhiều nhất, chắc là Greg Gilmore, tay trống của Mother Love Bone. Khi mới bắt đầu thu âm cho đĩa Facelift, Sean Kinney còn đang bó bột do một trò nghịch ngu trước đó một tháng. Greg Gilmore được gọi vào phòng thu để thu thế cho Sean, và chắc mới chỉ tập được một buổi, Dave Jerden bước vào và bảo: “dẹp mẹ đi. Đây không phải âm thanh của chúng mày”. Sean nghiến răng cắt luôn miếng bó bột tay ngay tại phòng thu, xếp một xô đá ngay cạnh giàn trống, và chơi luôn với cái tay bị gãy chưa lành. Quả vậy, tiếng trống bạo lực, dù là với một cánh tay bị gãy, của Sean Kinney không phải thứ dễ gì có thể mô phỏng lại được.

Mà chả hiểu có phải vì một tay vừa nện vừa chườm đá vậy không, hay vì Dave Jerden không cho Sean Kinney đánh trên click track, mà yếu tố “không đều” trong nhịp của cả album Facelift lấp ló ở nhiều chỗ, và bỗng nhiên, cái “cảm” rất con người trong không gian âm thanh của AIC bỗng trở nên rất đặc trưng và không thể bắt chước, giống như cách mà Keith Moon từng tạo ra trong nhạc của The Who. Khán giả có lẽ đều nhận ra điều này rõ nhất trong bài “Man In The Box”, phần trống của Sean có cảm giác chậm lại thấy rõ khi anh nã trống ở đoạn dạo trước khi vào câu verse thứ hai, khiến cho phần verse thứ hai bỗng trở nên háo hức và cuốn hơn như để đòi lại sự chú ý của người nghe sau đoạn nhãng ra đó.

Lan man thế chắc đu rồi, bởi vì thứ tôi khoái nhất và là đặc sản của AIC, vẫn là chất giọng độc của Layne Staley và cách hát bè của anh với Jerry Cantrell.


Layne không sở hữu giọng hát cao chói như hội ca sĩ trong mấy band rock khác. Có lẽ thế nên nhạc của AIC đều bị các nhà sản xuất bỏ ngoài tai vì thiếu tố chất “truyền thống” đó. Họ quên mất là AIC đang mang sứ mệnh tiên phong cho Seattle grunge. Trừ Dave Jerden. Chỉ có Dave là nghe ra chất giọng khỏe, có độ rung qua từng tiếng gằn của Layne. Khả năng hát của Layne được rèn đến mức điêu luyện khiến anh có thể sử dụng nó như một nhạc cụ không thể thiếu trong nhạc của AIC. Trong bài “Godsmack”, không ai biết được làm sao Layne có thể tạo kỹ thuật rung tremolo mà không có sự hỗ trợ của thiết bị bên ngoài. Anh cảm thụ âm nhạc đến độ anh thu thêm hiệu ứng tiếng hét như trong những giây đầu của bài “Them Bones” trên chính tiếng riff của Jerry nghe đến rợn người.


Jerry Cantrell thì có lẽ là kẻ cầu toàn không kém ai trong việc chọn âm thanh và nốt. Phần bè của Jerry thường ở cách nốt thứ 3 hoặc thứ 5 so với nốt giai điệu của Layne, và việc hát bè có lẽ khiến cho Jerry phải tập luyện rất nhiều để diễn live trong khi vẫn phải đảm nhiệm vai trò guitar. Chưa hết, Jerry Cantrell luôn để dành một phần bè guitar chơi cùng giai điệu với phần bè hát, mà đôi khi trong bài Jerry đã ngừng hát rồi mà tiếng đàn vẫn còn đó, khiến cho người nghe có cảm giác như giọng hát của Jerry vẫn văng vẳng mọc ra từ giữa tiếng đàn.


Kiểu solo guitar của Jerry Cantrell thì chắc là tôi thích nhất trong các anh em solo của bộ tứ Seattle rồi, có lẽ tại Jerry Cantrell hay lùa phần solo ra với tiếng đàn mịn như nước nhưng lại tuôn trào cảm xúc. Chưa kể, phần solo guitar của Jerry luôn ở thời lượng vừa đủ mà không quá tràn lan, có lẽ là sự "hy sinh thầm lặng" nhất của tay guitar giỏi như anh. Chơi đơn giản mà hiệu quả luôn là điều Jerry chia sẻ, và không phải vô cớ mà Darrell Dimebag đã khen tặng rằng "vài nốt của Jerry solo còn đáng quý hơn cả vài trăm nốt mà người khác chơi".


Phần thu guitar của Jerry thì rặt là double track, thường là dùng một cây guitar với pickup kép (humbucking) trước, rồi sau đó thu lại đúng phần đó ở track khác trên một cây guitar có pickup đơn kiểu nhu Stratocaster. Tiếng guitar của Jerry Cantrell vì thế, nếu không phải dân chuyên nghiệp, rất khó để bắt chước theo. Rất nhiều chỗ, Jerry còn thêm một bè guitar tiếng Wah wah, hoặc guitar dùng hiệu ứng Voice box (ý tưởng của Dave Jerden "mượn" từ Bon Jovi sau "Living On The Prayer").

Tính sơ sơ ra như thế này: Layne Staley luôn thu phần hát của mình double track để tăng độ dày – điểm đặc trưng của AIC mà Kurt Cobain cũng thường làm – thêm phần bè hát của Jerry Cantrell, hai phần bè guitar chính, một phần guitar wah wah, một phần guitar bè theo nốt hát của Jerry Cantrell, và phần bass cũng được double track với cây 6 dây. Chưa kể đôi lúc có cả phần guitar chơi với hiệu ứng voice box và phần hát đối đáp gọi-thưa của Jerry Cantrell. Và hãy nói tôi nghe bằng cách nào họ mix tất cả những thứ đó trên phần trống nền nặng trịch của tay trống Sean Kinney?

Ngay trước khi Sean Kinney quyết tâm tháo băng vào thu "Man in the box", Jerry Cantrell đã kéo Sean ra và nói rằng, AIC luôn là một gia đình không thể tách rời, vì 4 thằng giống như 4 góc của chiếc hộp. Bột thạch cao trên tay đã không thể ghìm được Sean Kinney cho ra một album nhạc để đời với AIC.

Nhưng có một thứ bột trắng khác đã chiến thắng được Layne Staley và Mike Starr sau đó, bất chấp sự ủng hộ tinh thần còn lớn hơn đến từ Jerry và Sean.

Layne lún sâu vào con đường nghiện ngập heroin cùng với cô bạn gái và tri kỉ Demri từ lâu rồi, nên khi AIC thu âm cho album thứ hai Dirt, Layne đã nghiện nặng lắm. Khâu thu âm giọng hát của Layne đầy vất vả vì có những lúc anh phê quá mà hát lệch cả tông. Để xốc lại được cảm xúc, Layne che hết kính phòng thu hát và làm một cái “miếu thờ” với nến, bức tranh Bữa Tối Cuối Cùng đặt bên và một cái lọ đựng một chú chó con đã chết trong đó. Không gian đó đáng sợ đến mức chẳng ai dám ngó vào. Nhưng Layne thì dùng để tạo cảm xúc khi nhìn vào mỗi lần thu âm.

Ông bạn chí cốt chơi bass Mike Starr cũng không thoát được sự cám dỗ của chất kích thích chết người đó. Cả Mike và Layne đều hay lúi húi trong phòng vệ sinh giữa những lần tập dượt, thu âm hay khi đang lưu diễn để tranh thủ “nạp năng lượng”. Chính cơn nghiện đã làm thay đổi con người Mike khiến anh có những hành xử mà cả ban nhạc và đội quản lý phải đau đớn đưa ra quyết định sa thải dù rằng cả hội AIC vô cùng gắn kết với nhau và Mike vẫn luôn là thành viên trụ cột từ ngày đầu. Ở buổi biểu diễn cuối cùng của Mike với AIC tại Rio, cảm giác ức nghẹn càng thôi thúc anh nạp thuốc vào người. Khi cả nhóm đánh bài “Would?”, đầu gối của Mike run lẩy bẩy và những ngón tay của anh khó điều khiển hơn. Cả người anh như chuẩn bị gục xuống đến nơi. Anh đã khóc ngay trên sân khấu vì cảm giác bất lực. Mike Inez - tay bass đánh cho Ozzy Osbourne sau đó được tuyển vào thay ngay sau album Dirt.

Sự thiếu vắng ông bạn thân Mike Starr chắc cũng khiến cho Layne cảm thấy mất cân bằng hơn. Anh ngày càng bị phụ thuộc vào heroin khiến cho cả ban nhạc trở nên rời rạc. Những lần tập dượt và thu âm cho album cùng tên Alice In Chains, hay lần ghi hình cho MTV Unplugged sau đó, Layne phải gồng mình để dồn chút ít sự tỉnh táo còn lại cho công việc.


Vào một ngày tháng 10 năm 1996, Demri chết do sốc thuốc. Layne đau đớn tột cùng. Mối quan hệ của anh và Demri kéo dài suốt mấy năm với đủ bao thăng trầm. Đã có lúc cả hai đính hôn nhưng rồi sau đó huỷ bỏ kế hoạch. Tuy vậy, Layne vẫn luôn yêu Demri nhất và cái chết của cô là cú sốc lớn nhất xảy đến với cuộc đời của anh.

Đối với những kẻ nghiện nặng như Layne, một khi họ chấp nhận hậu quả lớn nhất là cái chết thì họ sẽ không bao giờ có ý định từ bỏ cơn nghiện. Mất đi người bạn tình tri kỉ chỉ khiến Layne càng chìm vào vòng quay tự huỷ hoại cuộc sống của chính mình. Layne Staley nhốt mình trong căn hộ ở Seattle suốt nhiều năm. AIC cũng rơi vào trạng thái ngừng hoạt động vô thời hạn từ đó.

Về phía Jerry Cantrell, ngoài việc tự vật lộn với cơn nghiện của bản thân dù cho anh không dính dáng tới heroin, anh tập trung theo đuổi những dự án riêng để quên đi sự xáo trộn của ban nhạc. Thậm chí Jerry còn tự tập hát chính khi bản thân anh không biết được ban nhạc mà anh đã cùng lập nên có thể còn tồn tại được bao lâu. Dù trong thâm tâm anh và Sean, AIC luôn như một gia đình và Layne Staley là không thể thay thế. Cùng nhau, hoặc sẽ không có AIC nào hết.

Bẵng đi một thời gian, một ngày tháng 8 năm 1998, Jerry, Sean và Mike Inez muốn thu âm hai ca khúc mới với Layne cho đĩa tổng hợp Music Bank của AIC. Cả hội có mặt từ sớm, hồi hộp giây phút được gặp lại chiến hữu cũ sau một thời gian vắng bóng. Rồi Layne Staley xuất hiện ở phòng thu. Không một ai nhận ra anh. Layne nhìn tiều tuỵ như ông già ngoài 80 và giỏi lắm được 45kg. Cả hội đau đớn nhìn bộ dạng Layne giờ không còn chiếc răng nào cả.


Phải mất một lúc Layne mới lấy tập trung lại được để thu âm. Tiếng hát anh vẫn còn đó nhưng anh phát âm bị ngọng tiếng do không còn chiếc răng nào, khiến cho kỹ sư âm thanh phải xử lý bằng phần mềm sau đó. Hai bài cuối cùng mà Layne đã hát với AIC hôm đó là “Get Born Again” và “Died”. Ngày hôm đó, ban nhạc AIC như được sinh ra một lần nữa nhờ cuôc tái hợp ngắn ngủi này, và cũng linh hồn của nhóm cũng nhanh chóng tiêu tùng.

Một ngày tháng 4, gần 4 năm sau buổi thu âm, mẹ của Layne đã phải gọi 911 để nhờ phá cửa vào nhà riêng của Layne sau khi bà có linh cảm chẳng lành. Layne Staley đã thua trong cuộc đấu với sự tự hủy hoại bản thân. Xác Layne tựa trên chiếc ghế sofa. Chết vì sốc thuốc trước đó hai tuần. Trong đống đồ của anh, vẫn còn đó con gấu bông mà Demri đã ôm khi cô nằm trong viện.


Số phận của Mike Starr cũng không khá khẩm gì hơn. Anh giã từ cuộc sống cũng vì sốc thuốc, gần 9 năm sau khi Layne mất. Cho đến những ngày cuối đời, Mike Starr vẫn mang trong mình cảm giác tội lỗi vì đã không gọi cứu thương cho Layne Staley khi Mike gặp anh một ngày trước khi Layne chết, chỉ vì Layne không cho Mike làm thế.

Phải mất một thời gian dài sau đó, Alice In Chains mới có thể trở lại với William DuVall ở vị trí ca sĩ. Jerry Cantrell vẫn tiếp tục kiên cường trong suốt nhiều năm với sự nghiệp solo, cộng tác với các nghệ sĩ, lẫn chèo lái AIC, và đón nhận sự tán thưởng từ những đồng nghiệp lớn của anh như Metallica, Pantera, Van Halen, như là một tay guitar và nghệ sĩ ghi âm kiệt xuất, những sự ghi nhận không nhiều người có thể giành được.

Nhưng 4 góc của chiếc hộp thì đã không còn nguyên vẹn. Và gã ở bên trong chiếc hộp cũng đã tự giải thoát mất rồi.

*****

“Mẹ ơi con là người sáng tác bài hát đó!” Layne Staley gọi cho mẹ. “Layne, bài đó nghe tuyệt vời lắm con trai ạ”.

Mãi sau này, mẹ của Layne mới hiểu là Layne muốn bà biết anh chính là nhân vật bị nhốt trong bài “Man In The Box” đó - một kẻ nghiện đang cần có người cứu vớt.

“I'm the dog who gets beat

Shove my nose in shit

Won't you come and save me

Save me”

R.I.P Layne Staley (5 April 2002), Mike Starr (8 March 2011)

Long live Jerry Cantrell.


Kink

2,445 views

Recent Posts

See All
bottom of page