top of page

Kurt Cobain: giả vờ chơi guitar dở khổ không anh?

Updated: Mar 17, 2021

Nirvana và Kurt Cobain có lẽ là những cái tên quen thuộc với bất kỳ ai tập tành nghe Rock của thế hệ của tôi và thế hệ trước đó. Ngoài Beatles ra, có lẽ các ca khúc của Nirvana là thứ mà ai tập tành chơi guitar đều tập theo. Đơn giản vì nó nghe rất giận dữ (rất Rock theo tư duy hồi đó), hợp âm thì có vẻ đơn giản "bắt" được ngay, hát không quá cao, và quan trọng hơn là nó hoàn toàn phù hợp với đồ chúng tôi có: cây guitar second hand, cục phơ tè cũ, và ai may mắn thì có được cái amply tậm tọe.


Nhưng có lẽ tất cả đều đồng ý với tôi, rằng dù vòng hợp âm của Nirvana rất dễ bắt và dễ đánh, không nhiều người trong chúng tôi có thể đánh hoàn toàn giống như Nirvana. Thay vì trước đấy nhận định Kurt Cobain là tay guitar “hạng thường”, tôi chợt nhận ra gã tài giỏi hơn nhiều so với cái vẻ ngoài của cách chơi guitar của Nirvana. Và nhất là khi nghe được đĩa Nirvana Unplugged. Âm thanh của Nirvana nói chung và Kurt nói riêng độc nhất vô nhị bởi nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất chính là ở chủ ý của Kurt Cobain, một gã nhìn bề ngoài có vẻ yếu ớt và ít nói, gửi gắm tất cả cảm xúc lẫn sự thịnh nộ vào tiếng đàn của mình. Xem nhé.


1. Nirvana chơi ở drop D

Điều đầu tiên có vẻ rất hiển nhiên, nhưng không phải ai cũng phát hiện ra lúc mới tập tành chơi guitar Rock: các ban nhạc grunge từ Seattle thời đó đều chơi ở Drop D. Bảo sao nếu chơi bình thường thì đã nghe không giống. Khi vặn dây E guitar xuống trùng hơn bình thường, tiếng guitar nghe nó đục và thô một cách tự nhiên. Quan trọng hơn, nó hòa với giọng hát của các ca sĩ chuyên hát về nỗi tức giận của bản thân như Kurt Cobain, rồi cả Layne Staley, Chris Cornell, hay Eddie Vedder một cách hoàn hảo. Tiếng hát và tiếng guitar hòa quyện lại thành một âm thanh duy nhất ở những đoạn cao trào.


Tất nhiên không phải đến thời của Grunge thì người ta mới chơi ở drop D. Led Zeppelin hay Rolling Stones chơi ở tuning đó từ rất lâu rồi. Nhưng có lẽ, các nghệ sĩ guitar chỉ đôi khi dùng nó như một dạng gia vị tô điểm cho album nhạc của mình, chứ dùng “có hệ thống” như đám từ Seattle thì chắc đến thời đó mới tràn lan như vậy.


Và nói vuốt đuôi tý, tôi không chắc là những cây guitar second hand thời đó có thể chơi được ở drop D mà không có dây nào chạm phím. Dù chúng tôi hồi đó cũng giận dữ lắm.


2. Kurt Cobain là bậc thầy chơi power chord

Quay về với cơ bản một chút, chơi hợp âm thường cần tối thiểu là 3 nốt (nốt số 1, nốt số 3 và nốt số 5) để đại diện cho cả scale gồm 7 nốt. Có nhiều ngón tay và nhiều dây thì có thể chơi nhiều hơn, và có thể tạo nên các hợp âm làm tăng nhẹ hay giảm bớt uy lực lẫn cảm xúc của giai điệu. Bàn mà có đủ ba chân thì sẽ không đổ.


Power chord, trong khi đó, chỉ được tạo thành bởi 2 nốt là nốt số 1 và nốt số 5 của hợp âm, và thiếu mất cái nốt thứ 3. Nốt 3 này sẽ quyết định âm sắc buồn hoặc vui hoặc nghịch tai, thế nên khi thiếu nó, âm thanh nghe sẽ lung lay và căng hơn bình thường. Do vậy, thường khi guitar chơi ở power chord (heavy metal thường xuyên chơi như vậy cho tiếng tè đỡ bị nhòe), một nhạc cụ khác trong band, có thể là bass, có thể là keyboard, sẽ chơi cái nốt còn thiếu đó trong cùng vòng hòa âm. Vậy là cái bàn vẫn đủ ba chân, có điều một chân được ghép từ anh khác. Bấm guitar ở power chord cũng vào loại dễ nhất trong các thế bấm. Đây:

Bấm power chord là như vầy, và đánh hai dây thôi

Mỗi tội, cực kỳ nhiều lần Kurt CobainKrist Novoselic (bass) đều chơi ở Power chord. Và nốt còn lại của hợp âm, đến từ giai điệu mà Kurt hát.(!!?!)


Nếu nhìn cách chơi như vậy, sẽ rất dễ đánh giá Kurt Cobain chơi guitar với power chord “cho nhanh”. Nhưng hóa ra, cách chơi này có hai điều cực lợi và cực độc trong nhạc của Nirvana nói riêng, và âm nhạc của Seattle nói chung:


Thứ nhất, không phải Kurt Cobain không đánh được cái hợp âm đó trên đàn dù nó có chuyển qua chuyển lại, mà có vẻ như Kurt không tạo ra sự lặp lại không cần thiết. Nếu để ý, thì Nirvana chơi chỉ có 3 cây mà âm thành rất dày và quyện lại với nhau như một khối thống nhất. Nhịp điệu vững chắc, phần nền của cây Bass, và giai điệu. Guitar trở thành thứ làm đầy cho bài hát nên chỉ xuất hiện khi cần, và không dẫm chân lên các nhạc cụ khác (vocal cũng tính là một nhạc cụ).


Âm nhạc của Nirvana vì vậy hòa quyện lại như một khối thống nhất, với tiếng hát như được mọc ra từ trong tiếng đàn tiếng trống. Có nhiều lúc tôi cảm giác như đó là một nghệ sĩ độc tấu dương cầm, với tiếng hát như được phát ra từ trong hộp đàn, và đệm ở dưới là tiếng nhịp chân trên sàn gỗ. Phần chơi rhythm chặt chẽ như vậy là kết quả của việc luyện tập rất, rất nhiều với guitar, chứ không hề đơn giản, nhất là Nirvana chỉ chơi với ba cây. Hãy xem phần trình diễn live của "Smell Like Teens Spirit" sau đây, Nirvana chơi rhythm cực kỳ chặt chẽ.


Thứ hai, nó tạo ra sự linh hoạt trong cách dùng hợp âm. Chỉ cần xoay chuyền lời hát đi tí, thì toàn bộ hòa âm của bài có thể nhảy qua nhảy lại giữa hợp âm trưởng và thứ cực đơn giản. Chỉ đơn giản như trong câu giai điệu của "In Bloom"(giọng Bb), câu giai điệu verse chủ đạo “sells the kids for good” thì chữ “good” đã đẩy hợp âm qua lại giữa Eb và Ebm.


Có người sẽ thắc mắc, vậy tôi không biết nhạc lý thì tôi đâu nhận ra mấy vụ này đâu. Thực ra là có đấy, mà không để ý thôi. Cái tai của con người nhận ra rất rõ ràng khi chuyển từ hợp âm trưởng sang thứ, ví dụ như đoạn “you and me and my old friend, hoping it would never end” trong bài Never say goodbye của Bon Jovi, hay đoạn “In my life, I love you more” trong bài In My Life của Beatles, hay trong đoạn “That kinda loving, turns a man to a slave” trong bài Crazy của Aerosmith. Đúng không, bộ não cảm nhận được độ hẫng nhất định khi nghe cách chuyển kiểu đó.


Nhưng những ví dụ trên là cực kỳ rõ ràng, vì chúng ta nghe được tiếng guitar chuyển theo giai điệu hát. Còn Kurt Cobain, anh chơi độc hơn khi nén guitar và giọng hát vào một và bấm cái nút chuyển tưởng tượng bằng lời hát. Vậy ngược lại, nếu tập tành chơi nhạc Nirvana mà không có ai hát được ra trò, hẳn khó mà ra được âm thanh của Nirvana. Không có ai hát thì sẽ phải đánh đủ cả hợp âm, mà thế thì nghe cũng chẳng giống được.


Chưa kể Kurt còn có kiểu hát giai điệu lên xuống nửa cung (cũng không đơn giản lắm lúc mới tập hát), tạo ra cảm giác có một sức ép ngược lại với câu giai điệu. Các câu hát như “Even if you have, Even if you need” trong bài Breed, hay “I'll start this off Without any words” trong On a plain đều có hiệu ứng như vậy, tạo cho người nghe gây cảm giác bị kìm nén. Và không ngạc nhiên khi cách viết giai điệu này rất quen thuộc trong Grunge music.


Vậy, tôi đồ rằng Kurt Cobain cố ý chơi hợp âm đơn giản, nhưng là để phục vụ cho ý đồ của bài hát. (Spoiler alert: xưa có anh tên John Lennon cũng nói ông bạn George Harrison chơi đàn giảm lại chút và tăng giai điệu lên.)


3. Kurt Cobain biết chắc chắn nhạc của Nirvana phải "kêu" thế nào

Có nhiều người cho rằng Kurt Cobain không có học hành cơ bản về nhạc lý, tôi cũng không có ý định tranh luận về việc đó (chưa kể Kurt lớn lên với ảnh hưởng từ phong trào hard core punk, thường coi nhẹ nhạc lý). Tôi chỉ thấy là, ở cái thời mà Seattle có những chỗ tập nhạc cả vài trăm phòng, và ai đi ra đường cũng khoác theo cây guitar, chắc không có thiếu nguồn để học về hợp âm và viết giai điệu. Và dĩ nhiên anh bạn mà chúng ta đang nói tới là người xuất sắc nhất trong thời đó. Quan trọng hơn cả, anh biết chắc chắn nhạc của Nirvana phải "kêu" thế nào.


Kurt Cobain luôn muốn hai thứ: nhạc phải dựa trên giai điệu (như cách John Lennon viết), và phải thật nặng (như kiểu của Pixies).


Sau những đón nhận tích cực về album đầu tay Bleach, Nirvana kiếm được hợp đồng với hãng Geffen, và tự tay chọn Butch Vig để sản xuất Nevermind bởi Kurt muốn nhạc phải nặng như đĩa của Killdozer mà Vig vừa sản xuất ngay trước đó. Nhưng không thể không kể đến đóng góp của Andy Wallace, vị kỹ sư tài năng từng đứng sau thành công của Slayer với những Reign In Blood hay South of Heaven (và sau đó là với Rage Against The Machine). Nevermind, dù vẫn chưa thỏa mãn Kurt Cobain, vẫn trở thành hiện tượng trên toàn thế giới và sau đấy đá văng Dangerous của Michael Jackson ra khỏi vị trí No 1, trước khi bán đến 30 triệu đĩa trên toàn thế giới.


Nhưng nếu như có vẻ là Kurt phải nhờ đến tài năng của Butch Vig và Andy Wallace trong phòng thu để ghi lại tối đa tiếng đàn và khai thác hết tài năng viết nhạc của Kurt (Vig là người duy nhât biết cách động viên Kurt lúc thì doube track giọng hát, khi thì tạo thêm layer guitar vì “hồi trước John Lennon cũng làm thế”), khi lên sân khấu, dường như Kurt Cobain trở nên bùng nổ khác hẳn. Nên nhớ, Nirvana chơi chỉ với ba cây, và nghe phần rhythm của Nirvana, khi Kurt vẫn còn phải bận hát giai điệu, mới thấy nó dày, chặt chẽ, và ồn như thế nào. Tôi nhớ hồi đi học, tiếng ồn và âm luôn được nhắc đến như hai thể tách biệt. Cũng không phải ngẫu nhiên mà không nhiều nghệ sĩ có thể dùng tiếng ồn để tạo ra âm nhạc. Kurt dùng tiếng ồn từ guitar để làm được chuyện đó, đương nhiên khả năng "cầm thủ" không phải dạng vừa (phải không anh, Tom Morello?).


Nhưng có vẻ Kurt vẫn thấy Nevermind chưa đủ nặng, nên lần chuẩn bị thu In Utero (1993), Kurt quay sang mời Steve Albini sản xuất, vì Kurt muốn nhạc phải nặng như đĩa Surfer Rosa của Pixies. Nhưng không hiểu nội tình thế nào mà đoạn sau Kurt Cobain không hài lòng với bản mix của Albini, và mời thêm Scott Litt, người trước đó sản xuất cho R.E.M vào mix khiến Albini cảm thấy bị xúc phạm. Kết cục là chỉ có bài "Heart Shaped Box" và "All Apologies", cũng là hai single của In Utero được phát hành với bản mix lại của Scott Litt, trong khi đó phần của Steve Albini được Kurt Cobain và hãng đĩa cố chữa trong giai đoạn mastering với tài nghệ của kỹ sư Bob Ludwig.


Nếu có dịp, hãy thử nghe nghe bản mix khác nhau của Steve Albini và Scott Litt, để thấy tầm nhìn của Kurt Cobain trong âm thanh của Nirvana như thế nào (trong bản của Scott Litt). Scott Litt còn mix thêm cả “Perennial Tea”, đáng nhẽ là single thứ ba, nhưng bị hoãn phát hành bởi cái chết của Cobain.


Ba bài mix của Scott Litt đều có thể tìm thấy trong đĩa chọn lọc Nirvana (2002) cũng như đĩa Remastered kỷ niệm 20 năm của In Utero, và có thể so sánh được ngay với bản của Steve Albini. Có thể tìm thấy trên Spotify.


Nghe bản mix của Albini, tôi hay tưởng tượng đến việc luyện thiết trảo công mà chụm cả năm ngón tay xiên vào cát nóng, còn với bản của Scott Litt, mọi cấu thành đều nghe rõ ràng và nét hơn, giống như xòe năm ngón tay vục vào chậu cát. Sao cũng được. Nhưng tôi rất thích 3 bài mix của Scott Litt.


Chả hiểu có phải thế không mà Scott Litt sau đấy được mời sản xuất đĩa MTV unplugged. Và với tôi thì đó vẫn là đĩa thể hiện rõ nhất khả năng âm nhạc của Kurt Cobain: anh biết chắc chắn nhạc của Nirvana phải nghe ra thế nào.


Ví dụ dễ thấy nhất là bài “The man who sold the world”, dù chơi unplugged nhưng Kurt vẫn nhất quyết đánh câu riff qua phơ tè. Cả đĩa Unplugged được thu chỉ cần một take, và "Come as you are", "Plateau", và đặc biệt là "Lake of Fire" đều là những bản phối guitar tuyệt vời. Rời sân khấu sau bài “Where did you sleep”, Kurt từ chối MTV không chơi thêm encore. Vì không thể hay hơn được nữa.


4. ... và những ảo giác trải nghiệm

Đôi khi có những trải nghiệm khá thú vị của tôi với âm thanh của Kurt Cobain, một kiểu tạo ra ảo giác cho đôi tai. Chẳng hạn như cái thú nghịch với bài "Come As You are", chơi bài đó thật nhỏ rồi tăng volumn dần lên. Đến một ngưỡng nào đó, trong đầu tôi nghe được giai điệu guitar khác hẳn với với câu riff trầm của bài. Hay kiểu chơi nhạc đục ngầu nhiều tạp âm của Kurt cũng dễ tạo ra ảo giác, như trong bài "Polly", ở đoạn gã gào lên “to help myself”, trong đầu tôi tự sinh ra một giai điệu "ahhh ahhhh"ở quãng cao hơn với câu của Kurt.


Không biết đó có liên quan đến hiệu ứng Discontinuity illusion, khi âm nhạc ngưng trong quãng ngắn trong khoảng không gian tiếng ồn, thì bộ não sẽ tự làm đầy khoảng lặng đó bằng giai điệu tự tạo ra không? Tôi chưa đọc được nghiên cứu nào liên quan đến nhạc của Kurt Cobain và ảo giác về thính giác, nên không dám chém nhiều. Cũng có thể chỉ có mình tôi bị ảo giác (!!)


***

Cái gã tóc vàng trên TV đó, nói chứ trông thật mảnh khảnh và có vẻ rụt rè như một người ngẫu nhiên ta gặp trên phố. Nhưng khi gã đã cất giọng là giã đúng ngay nốt, cho dù lên cao xuống thấp ở toàn quãng khó. Guitar chơi vừa đủ tô điểm và đối ẩm với giọng hát của gã. “Smell Like teens spirit” và “Heart shaped box” chẳng hạn, là hai ví dụ điển hình khi hát câu verse đẹp, câu guitar của Kurt chỉ châm vừa đủ và đối ẩm tạo ra sự cân bằng với giọng gã. Tôi có thử chơi thêm guitar dày hơn vào chỗ đó, quả thật không giúp ích được gì cho phần giai điệu.


Cũng một phần vì sau lưng gã có hay tay cứng là Dave Grohl trên giàn trống và Krist Novoselic chơi bass hỗ trợ. Tiếng bass của Novoselic thì thôi rồi, nghe như chơi từ cây đàn từ thời ông cố nội và tiếng bass của gã lúc nào cũng như mấy ngón tay mọc ra và gãi sồn sột bên trong dạ dày của tôi vậy.


Kurt Cobain thì nhìn mong manh đến nỗi, có hai lần trong đĩa gần như ngã suýt gục ngã trước sân khấu unplugged: lần đầu là khi gã đánh nhầm ngay nốt đầu đoạn solo của bài “The man who sold the world” do nhắm chệch phím, gã thản nhiên lướt ngón tay lên quá nốt cần đánh rồi lướt về, làm như mọi sự lướt qua lướt lại là có chủ ý. Lần thứ hai, Kurt Cobain gào câu cuối bài “Where did you sleep…” đến lạc giọng, khiến cho hai chữ cuối “night thru” nghe cố gắng lắm mới vào đúng nốt và hai con mắt của Kurt như sắp rơi cả ra ngoài. Chưa kể vài lần trong đĩa gã giống như quên lời và lơ đãng, xong chợt bừng tỉnh. Ấy thế nhưng đó là Kurt, ngay cả khi gã nhìn có vẻ mỏng manh nhất và có vẻ dễ sụp đổ trên sân khấu khó khăn nhất, gã vẫn luôn có cách để bật lại bằng âm nhạc.


Hay cái sự stress của anh là do phải kìm nén trong việc chơi guitar?


Hẹn gặp lại.


Kcid

13,868 views

Recent Posts

See All

5 Comments


Dương Ánh
Dương Ánh
Feb 07, 2023

just make me feeling happy in the lonely night


Like

tuanromanholiday
tuanromanholiday
Nov 04, 2022

Cảm ơn Tác giả cho mình cơ hội đồng điệu với các anh Nirvana. Kurt Cobain mãi trong tôi và bạn.

Like

K.K.N.
K.K.N.
Feb 07, 2021

Cám ơn bạn nhé! Nghe được cả các bản demo thì là fan cứng rồi :)

Like

Diem
Diem
Feb 07, 2021

Cảm ơn bạn vì bài viết rất hay nhé! Mình là siêu fan của ông Kurt nên đọc cứ thấy sướng tê người :) Mình nghĩ cảm giác "giác ngộ" rock chỉ xảy ra một lần thôi và mình giác ngộ khoảnh khắc ấy qua Teen Spirit. Nhớ mãi không bao giờ quên lần đầu tiên nghe, cảm giác y như bị cục gạch nện vào mặt. Chẳng những các top hit mà nhạc của Kurt và Nirvana, kể cả các demo sơ sài chất lượng âm thanh tệ hại vẫn cho mình nhiều cảm xúc hơn bản thu âm mượt mà của hầu hết các band khác. Kurt Cobain - he's just too cool for this world :)

Like

Thuần Nguyễn
Thuần Nguyễn
Sep 27, 2019

Cảm ơn các bạn đã trả lời ở mail trước :) Và đây là Kurt, mình thì không thể rời được các video MTV Unplugged đó, mà mình hay nghe nhất là Where did you sleep last night ấy. Độc nhất nhỉ? Cảm ơn các bạn thật nhiều!

Like
bottom of page