Alt-J là một ban nhạc indie/art rock hoặc thể loại nào đó mà tôi không biết định nghĩa nào cho chuẩn hoàn toàn. Cái tên nhóm đến từ tổ hợp ký tự Alt J trên máy Mac để hiện ra ký tự Δ (delta), cũng có nghĩa là độ chênh (!?!!). Tôi không chắc là tôi thích ý nghĩa về độ chênh hay độ vênh lắm, nhưng nghe là thấy khác biệt rồi đấy.
Được thành lập từ nhóm 4 người bạn sinh viên học nghệ thuật ở Leeds, Anh Quốc, ban nhạc bao gồm:
Joe Newman: phụ trách guitar và hát chính. Joe là người vào trường nghệ thuật với mục đích lập ban nhạc là chính.
Thom Green: chơi trống. Anh bị mắc triệu chứng Alport rất hiếm gặp dẫn đến yếu thận và giảm thính giác. Cho đến thời điểm này, anh điếc đến 80% và đang dùng thận của người khác.
Gus Unger-Hamilton: đánh keyboard và hát phụ. Anh có background nhạc đầy mình, đặc biệt là nhạc cổ điển cũng như đã từng trước đây tham gia dàn đồng ca.
Gwil Sainsbury: chơi bass và guitar. Anh chỉ gắn bó với ban nhạc được album đầu tay An Awesome Wave nhưng sau đó xin nghỉ vì không chịu được cuộc sống lưu diễn xa nhà.
Nhìn chung thì tiểu sử các chàng trai cũng không có gì đặc biệt giống như phong cách và diện mạo giống mấy cậu sinh viên học ngành khoa học. Cũng chẳng có gì để nói cho đến khi Alt-J nhận được giải Mercury, là giải thưởng cho album hay nhất năm cho cả Vương Quốc Anh, ngay cho album đầu tay, An Awesome Wave (2012). Hai album sau, This Is All Yours (2014) và Relaxer(2017), cũng đều được đánh giá cao.
Và cũng chẳng có gì để nói mấy nếu như nhạc của Alt-J chỉ hay một cách "thông thường" như các band indie khác. Nhưng nhạc của mấy chàng trai này có một sự lạ lùng gây cuốn hút đáng kể.
Cái lạ đầu tiên phải kể đến cách chơi nhạc khác người khi bạn Thom chơi trống nhưng không dùng đến cymbal. Nói chính xác là bộ trống của Thom không hề lắp cymbal. Đến cái trống snare còn bé tí. Thói quen này thực ra bắt nguồn từ việc hội Alt-J khi còn luyện nhạc trong ký túc xá của trường phải tối giản các nhạc cụ gây ồn như trống bass, đàn bass và vì vậy cả cymbal.
Thế nên Thom không chơi những câu dồn trống fill-in fill-out. Bù lại anh tập trung vào nhịp điệu biến chuyển liên tục qua mỗi khúc nhạc. Trong đoạn đầu bài "Tessellate" chẳng hạn, ở nửa đầu mỗi khuông nhạc anh đánh nhịp chùm 3 nhưng ở nửa sau lại 4 nhịp khiến cho bài hát như chững lại ở đầu mỗi khuông nhạc. Cách đánh này khá khó với người chơi pop rock thông thường, nhưng được anh thực hiện nó một cách hoàn hảo.
Cái lạ tiếp theo là âm thanh của tiếng bass của Gwil và tiếng keyboard của Gus. Hai âm thanh này thay đổi liên tục theo mỗi khúc nhịp điệu do Thom tạo ra. Đôi lúc là tiếng bass lung linh không cần bám nhịp của trống rồi đôi lúc là tiếng keyboard kêu leng keng ở cuối mỗi khúc nhạc (chắc thay cho câu fill-in của trống). Đôi lúc thì là âm thanh trầm rè đặc của synthesizer. Với background nhạc cổ điển, Gus đôi lúc chơi những câu chạy ngón trên keyboard nghe cuốn thôi rồi.
Cùng với tiếng keyboard, câu gảy guitar của Joe làm nên âm sắc lạ của Alt-J. Nó không phức tạp trong chuỗi hợp âm (như cách Radiohead, ban nhạc mà nhiều người dùng để so sánh nhạc của Alt-J, hay dùng) nhưng chính là cách thay đổi cách đánh nhạc trong cùng một bài của mỗi thành viên.
Nhưng trên hết, nhạc Alt-J lạ nhất vẫn là ở cách hát quái dị của Joe. Anh hát cao cao, giọng như bị ngạt mũi. Nhiều khi hội bản địa còn nghe không hiểu anh hát gì. Đơn giản vì mấy bài đấy anh chỉ hát mấy câu trừu tượng và từ phát âm cũng chẳng rõ. Thế nên tiếng hát của Joe lại như là một nhạc cụ không thể thiếu trong nhạc của Alt-J.
Ấy nhưng ở những bản mà lời nhạc có nghĩa thì phần lời thực sự sâu sắc thậm chí còn đẩy hiệu ứng bài hát lên một tầm đặc biệt khi nó hòa với giai điệu của bài.
Lấy ví dụ như bài "Taro". Đó là một câu chuyện tình buồn có thật giữa cô gái Gerda Taro và chàng trai Robert Capa. Họ đến với nhau trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc khi phát xít Đức tấn công các nước châu Âu và thảm sát người Do Thái. Đều là người Do Thái, Taro và Capa gặp nhau ở Paris khi đang chạy trốn Đức Quốc Xã. Họ đem lòng yêu nhau và Taro được Capa dạy các kỹ năng chụp ảnh. Theo bước Capa, cô gái Taro theo nghiệp chụp ảnh chiến sự và sau đó hy sinh ở tuổi mới 26 khi đang tác nghiệp tại Madrid. Mặc dù đau khổ vì mất đi người yêu, Capa vẫn tiếp tục công việc chụp ảnh chiến sự cho đến tuổi 40 và hy sinh tại chiến trường tại Thái Bình, Việt Nam do dẫm phải mìn.
Bài hát Taro của Alt-J tả lại những giây phút cuối đời của Capa khi chàng trai bị mìn xé nát chân với những đoạn lời miêu tả chân thực đến rợn người: “The left hand grasps what the body grasps not”. Lúc này đây khi đôi mắt và cơ thể của Capa không thể còn nhận thức được nữa, thì chỉ còn chiếc máy ảnh nằm trong tay trái anh là vẫn cố gắng ghi lại những hình ảnh khốc liệt của chiến tranh, cho đến tận khi anh trút hơi thở cuối cùng. Cách chơi chữ với từ "grasp" mới rợn người, khi những bức ảnh thì được thu lại vẹn nguyên, trong khi cơ thể anh thì không. Kết thúc bài hát là hình ảnh đoàn tụ trên thiên đường của Capa với Taro - người anh vẫn luôn mãi yêu. Một bài hát ý nghĩa và một câu chuyện vô cùng cảm động của Alt-J.
Thế nên nhạc của Alt-J nhìn chung hợp nhất là để người nghe khi đeo headphones vào thì sẽ ngay lập tức đắm chìm trong những chuyến đi theo các câu chuyện mà ban nhạc muốn kể cho người nghe. Ngoài câu chuyện tình buồn của Capa và Taro ở trên, đó là câu chuyện về một cô gái đang chết đuối (Arrival in Nara), câu chuyện của kẻ điên tình (Breezeblocks), mối quan hệ kỳ quặc giữa cô gái 12 tuổi Matilda và kẻ sát thủ dựa trên bộ phim Leon: The Professional (Matilda), v.v..
Giống như một chuyến đi không lên kế hoạch, các bài hát của Alt-J không có cấu trúc truyền thống, không có phân biệt đoạn verse, điệp khúc hay bridge, mà nổi lên là sự biến đổi trong nhịp điệu và nhạc điệu để người nghe có cả sự hứng khởi với những điều bất ngờ dọc đường, lại vừa có đủ thời gian để cảm nhận hết chuyến đi với cảm xúc thăng trầm nhưng trọn vẹn.
Hẹn gặp lại!
Kink