top of page

The Pharcyde: Nhạc Rap cợt nhả

Các bạn có biết một trong những câu đùa phổ biến được loài người nói từ thời xa xưa cho tới nay là liên quan đến việc hạ nhục thân mẫu của kẻ đối diện không? Ở Việt Nam câu chúng ta thường thấy là “mẹ mày …”, còn ở các nước nói tiếng Anh người ta thường mở đầu câu “Yo mama …”. Câu đùa này có thể vừa được dùng để đùa cợt giữa bạn bè, vừa có được dùng để cà khịa với đối phương.


Một vài ví dụ của câu “Yo mama” có thể thấy như:

  1. Yo mama's teeth are so yellow when she smiles at traffic, it slows down (tạm dịch là “Răng mẹ mày vàng đến độ khi bà cười ở ngoài đường, xe phải đi chậm lại”)

  2. Yo mama is so fat when she sat on the ipod she made it ipad (tạm dịch là “Mẹ mày m ậ p đến mức khi bà lỡ ngồi lên chiếc ipod, nó biến thành cái ipad”)

  3. Yo mama is so mean that Taylor Swift wrote a song about her (tạm dịch là “Mẹ mày xấu tính đến độ Taylor Swift phải sáng tác hẳn 1 bài về bà ta”)

 

Ví dụ thứ tư tôi muốn nói tới ở đây là bài “Ya Mama” của nhóm The Pharcyde. Được lấy cảm hứng từ “The Dozens” - những trận đấu võ mồm để sỉ nhục đối phương của cộng đồng người da màu, các thành viên của Pharcyde phát triển theo một form mẫu chủ đề xỉ nhục thân mẫu của kẻ đối diện. Các thành viên mang các nghệ danh giống như tên username trên các trang diễn đàn “dăm mận”, gồm Fatlip, Bootie Brown, Imani & Slimkid3 thay nhau rap xỉa xói chế nhạo thân hình quá khổ, độ phàm ăn, bộ dạng ghê rợn của “ya mama” qua những câu rap như: 

 

“Your mama is so big and fat that she can get busy / With twenty-two burritos, but times are rough / I seen her in the back of Taco Bell with handcuffs”; 

 

Your mama look like she's been in the dryer with some rocks / With the big bust nose sucking dirt out of socks”

 

You said your moms was pretty and young / But she's old as dirt and got hair on her tongue

 

Your mom is so fat / We rode up on her back to get some burgers from Wendy's / And her skates went flat, I got stuck in her butt crack”.


Các bạn biết không? The Pharcyde là nhóm Hip Hop đến từ Bờ Tây, trình làng lần đầu tiên với thị trường bằng single “Ya Mama” này vào năm 1992, đúng thời điểm West Coast Hip Hop lên ngôi với nội dung cực ngầu đậm chất xã hội đen. Giữa những album như The Chronic của Dr. Dre, Predator của Ice Cube hay trước đó không lâu N****z4Life của nhóm N.W.A đều rap về bạo lực, trả thù băng nhóm, nạn phân biệt chủng tộc căng thẳng giữa cộng đồng da màu và cảnh sát, và cả những bản diss lẫn nhau vì những mâu thuẫn của các thành viên một thời trong cùng N.W.A, thì cũng tại Bờ Tây bỗng đâu xuất hiện The Pharcyde với một bài rap nhí nhố như “Ya Mama”.

Sẽ là sai lầm lớn để đánh giá về nhóm nhạc Hip Hop này nếu không nghe kỹ các bài còn lại trong album đầu tay mang tên Bizarre Ride II the Pharcyde (1992). Từ phần nhạc cho đến lời, album này hoàn toàn xứng đáng được coi là một tuyệt phẩm theo một cách rất riêng, bất chấp sự khác biệt với dòng West Coast Hip Hop ngày đó.

 

Được ví như “đám hề” được dịp quậy phá trong căn phòng studio thu âm, người nghe có thể phải bật cười trước các nội dung đề tài cũng như câu chuyện dí dỏm nghe chừng như nửa đùa nửa thật của The Pharcyde. Trong bài mang cái tên “Oh Shit” theo đúng nghĩa cảm thán, các thành viên trong nhóm lần lượt kể về những tình huống dở khóc dở cười trong đời họ. 

 

Uh, little Sally Walker, sittin' in a saucer / Oh, how I tossed that ass up / Like a mission in the woods, Woody Woodpecker would” - Slimkid3 mở đầu về lần anh chim chuột được cô gái và hành sự ngay tại trận một cách dã chiến như chú chim gõ kiến (trong đó từ “wood” là tiếng lóng cho kon kiu kung như khúc gỗ của anh). Không dã chiến sao được khi Slimkid3 vừa chơi trận đấu bóng bầu dục nên adrenaline còn đang chạy rần rật trong cơ thể (“On the fifty yard line and my adrenaline pumpin'”). Trớ trêu cái là địa điểm anh hành sự lại ngay tại chính sân bóng nên khi giật mình ngoảnh đầu lại, Slimkid3 chợt nhận ra cả trường đang chứng kiến cảnh “nóng” mà anh là nhân vật chính trong đó (“I looked over my shoulder and my cover was peeled / By my whole school saying, "Ooh," and I'm busted for real”).

 

“'Cause I stepped into his house / His mom's grinnin' ear-to-ear / Gigglin' and winks for weeks / I would encounter from this female /She's sizin' me up for the kill” - Imani tiếp lời bằng câu chuyện về lần anh đến nhà thằng bạn và gặp phải bà mẹ “dăm mận”. Những lời mô tả của sự việc hết sức chân thực, từ việc “She offered me a cup of Ripple” cho tới “Broke out the titty, squeezed her nipples”, từ câu thoại của bà mẹ thằng bạn “Suck it if you like, but please don't bite it" cho tới suy nghĩ trong đầu của Imani “I had an urge to say, "Fuck it," but I knew I had to fight it”. Và dĩ nhiên cái kết cho lời cảm thán “Oh shit” đến từ mồm thằng bạn khi trở về nhà bắt gặp cảnh Imani đang bận rộn với mẹ hắn.

 

One fine summertime, Sunday evening / Crenshaw Boulevard was in full swing / Perfect example of how looks can be deceiving / Rolled up to what I thought was a pretty young thing” - Fatlip kết bài bằng câu chuyện của anh, thế nhưng câu rap “Perfect example of how looks can be deceiving” đã cho thấy mùi về một chuyện chẳng lành sắp xảy đến. Cô gái trông rất “mlem mlem” mà anh bắt gặp “nháy đèn” đáp lại tín hiệu phát ra từ Fatlip “Dude, she was dope / Man, real dope, on the real / Well anyway, I went, "Toot-toot" / She said, "Hey, beep, beep"”. Thế rồi ngay ngày hôm sau họ đã lao vào nhau. Fatlip tả cô nàng mút cổ anh chặt như gã Dracula… nhưng cho đến lúc “every time I tried to touch upon her tay-titty / She would be like, "Quit, hehe"”. Hoá ra lý do cô không cho Fatlip rờ tay lên bộ loa bởi cô ta là người chuyển giới… “Oh shit”.


Thế rồi cứ như vậy, trong album này chúng ta bắt gặp những đoạn verse có chủ đề trái ngược nhau trong cùng một bài. Trong “On The DL”, khách mời Buc Fifty kể chuyện anh này đi tắm vào một buổi sáng và khi những hình ảnh của đêm mây mưa liền trước ùa đến, Buc bỗng chợt thấy nứng và phải mò ra bếp lấy chút bơ cacao trát lên tay. Nắm chặt cái “mic” của mình, anh nhắm mắt, quay tay và tưởng tượng. Đoạn verse đó của Buc đối lập hẳn với phần verse của Imani rap về chuyện anh phải ra tay giết người để tự vệ khi kẻ đó đột nhập vào nhà anh dí dao kè cổ. Hoặc ở bài “4 Better Or 4 Worse”, từ đoạn verse còn đang nói về chuyện Imani cưới một cô gái vì làm cô ta có bầu, đến lượt Fatlip, anh này đã đổi hẳn sang chủ đề rùng rợn hơn khi đóng giả tên sát nhân thực hiện cuộc gọi prank call để doạ cô gái bên kia đầu dây về việc hắn sẽ mò đến nhà, ra tay sát hại cô và rồi thực hiện các hành vi man di mọi rợ.

 

Tử tế nhất trong album có lẽ là bài “Passin’ Me By” mang nội dung tâm tư của những cậu thanh niên đem lòng nhớ nhung tới những cô gái vượt ngoài tầm với của mình. Cuộc đời không bao giờ được như mơ, bất chấp những cố gắng của các chàng trai, cái ngày những cô gái đáp lại tình cảm của họ không bao giờ trở thành hiện thực.

 

Với các chủ đề rap trên trời dưới biển và nội dung đủ mọi thể loại đa phần thiếu nghiêm túc, từ nhạo báng, tình dục cho đến thẩm du, bạo lực, bẩn bựa, nếu chỉ nhìn vào phần lyrics của album Bizarre Ride II the Pharcyde, thật khó hiểu sao cả nhạc phẩm này vẫn có thể thành một tuyệt phẩm. 


Với những nhà phê bình ngày đó, đúng là khó có thể đánh giá album này hay một cách nghiêm túc, nhất là khi nội dung của nó không nghiêm túc tẹo nào. Thế nhưng khi nhìn lại, vào thời điểm nhạc Hip Hop Bờ Đông vẽ nên những bức tranh thực tại, Hip Hop Bờ Tây kể về bạo lực băng đảng, thì các bài rap của The Pharcyde lại thổi một luồng gió tươi mới, giảm nhẹ sự nghiêm túc đôi lúc thực sự nghiêm trọng của các đồng môn Hip Hop khác.

 

Sự khác biệt này hẳn cũng bắt nguồn từ việc các thành viên của The Pharcyde đều là những vũ công thử nghề tay ngang ở bộ môn Rap. Khi họ tìm niềm vui từ những nhịp điệu để sáng tác các vũ đạo thì cái cảm hứng đó hẳn dẫn họ tìm đến những chủ đề vui vẻ, cợt nhả để mua vui cho chính họ và người nghe. Cả với cách thể hiện bài rap, The Pharcyde cũng có lối bắn tỉa lời với flow rất hay. Hẳn khả năng nhạy về nhịp từ kinh nghiệm trong nghề dancer trước đây nên cách rap của các thành viên đều mang tốc độ nhanh nhưng theo giọng điệu thoải mái và thư giãn như chính nội dung rap của họ vậy. 

 

Cá nhân tôi rất thích cách họ sáng tạo trong những flow rap rất đa dạng. Đó là cách Slimkid3 luyến các từ đồng âm liền nhau nghe rất bắt tai, ví dụ như câu “Like a mission in the woods, Woody Woodpecker would” rồi “Like a killer thriller, driller tiller, out with the Miller brew” trong bài “Oh Shit”, hay kéo dài thêm âm “uh” phía cuối từ “stare” và “dare”, để cùng vần với “prayer” trong câu sau, rồi thậm chí cố tình đánh vần sai “educated” thành “edu-ma-cated” (trong câu “Now she's more sophisticated, highly edu-ma-cated”) để tạo sự đối nghịch giữa cô gái cao sang với cậu con trai “ít học” trong bài “Passin’ Me By”. Cũng trong bài này, cả Imani lẫn Fatlip còn có lúc tăng tốc một vài từ trong phần verse để phá cách, và chêm cả giai điệu trong một vài câu ngắn làm đoạn rap có thêm tính nhạc điệu. Trong đoạn verse của Bootie Brown ở bài “Pack The Pipe”, hai giọng rap một cao một thấp cách nhau quãng 8 giúp tăng hiệu ứng của nội dung bài rap về mấy tay phê cần, chìm đắm giữa các nhân vật và giọng nói tưởng tượng.

 

Thế nhưng trên cả, yếu tố nghệ thuật mang chất “nghiêm túc hàn lâm” nhất đến từ chính các bản beat cực hay được sản xuất bởi J-Swift. Trong khi những nghệ sĩ Hip Hop khác hướng tới tiêu chí “chân thực”, đôi khi có phần cường điệu thì như cái tên của nhóm (“The Pharcyde” hay có thể hiểu là “The Far Side”), J-Swift tìm những ngóc ngách mới, vươn xa ra ngoài những khuôn mẫu để tạo nên phong cách Alternative Hip Hop đầy sáng tạo.

 

Ngoài phần vocal và nội dung rap khác biệt vừa kể trên, phần nhạc trong album Bizarre Ride II the Pharcyde được ghép lại thực sự tinh xảo. Tôi nghĩ những ai đã từng mê thứ nhạc Hip Hop mang màu sắc Jazz mượt mà của A Tribe Called Quest thì họ có thể tìm thấy cảm xúc tương tự với The Pharcyde.

Tiêu chí của J-Swift khi làm nhạc cho album của The Pharcyde là mang tới các âm thanh độc đáo ít thấy trong Hip Hop, và đưa  người nghe đến với một thế giới hoàn toàn khác lạ qua các bản sample lẫn phần thu âm nhạc cụ sống được trộn lẫn với nhau đầy kỳ ảo. Trong bài “Passin’ Me By”, Swift kết hợp tiếng loẹt xoẹt trong bài “Are You Experienced” của Jimi Hendrix với tiếng đàn organ ma mị trong “Summer In The City” của Quincy Jones. Nhưng đáng nể nhất là tiếng đàn organ đó của Quincy dùng trong các đoạn verse đó lại không hề bị đá tiếng với âm thanh saxophone jazzy ở phần hook lấy từ đoạn sample bài “Hill Where The Lord Hides” của Eddie Russ. Trong “Pack The Pipe”, Swift mix tiếng đàn piano trong bài “Autumn Serenade” của John Coltrane và Johnny Hartman thành câu riff như tiếng đàn bass. Ở dải âm cao trên đó, anh đưa tiếng sáo của Herbie Mann trong bài “Bijou”, tạo sự tương phản rõ rệt giữa hai lớp nhạc cụ, tiếng cao tiếng thấp, cái nhanh cái chậm.


Khác xa với âm thanh giản lược của nhạc Hip Hop nói chung, J-Swift tỉ mỉ lồng ghép nhiều lớp nhạc chồng lên nhau. Như bài “Soul Flower - Remix”, bên dưới câu riff chơi bởi nhạc cụ kèn mượn từ bài “Main Squeeze” của Quincy Jones và nhiều lớp sample khác, Swift còn trực tiếp sáng tác các hợp âm của bài và chơi trên cây keyboard để gắn kết tất cả lại với nhau. “4 Better Or 4 Worse” cũng vậy, Swift là người thể hiện những hợp âm lạ tai tạo bầu không gian cho phần instrumental rất hay này. Không dừng ở đó, thay cho những đoạn nhạc lặp xuyên suốt bài thường thấy trong cách sản xuất beat Hip Hop, Swift tỉ mẩn thay đổi các lớp âm thanh để thể hiện những biến chuyển trong nội dung hay chủ đề rap của các thành viên. Trong bài “Oh Shit”, sau đoạn verse của Imani, Swift thay thế các hợp âm nghịch tai trên phím đàn piano vừa chơi trước đó bằng những chùm nốt mang màu sắc tối tăm hơn hẳn để tạo sự chuyển cảnh sang câu verse của Fatlip.

 

Vì những đột phá trong khâu sản xuất nhạc này, producer tài năng Pharrell Williams sau này phải thừa nhận với J-Swift rằng nhạc của The Pharcyde đã ảnh hưởng lớn tới anh thế nào. Và chính album Bizarre Ride II the Pharcyde cũng là một nhạc phẩm ưa thích của Kanye West, điều mà chúng ta có thể thấy tầm ảnh hưởng qua cách làm nhạc đầy sáng tạo, không phụ thuộc vào các bản loop của Kanye như thế nào.


Điều đáng tiếc với sự nghiệp của The Pharcyde là những mâu thuẫn lục đục nội bộ đã đẩy họ sớm tới chia rẽ và tụt dốc không phanh. J-Swift bỏ đi ngay trước khi album Bizarre Ride được hoàn tất vì các thành viên khác đòi quyền đồng tác giả trong khâu production cho những đóng góp ý kiến mà họ thấy là xứng đáng. Album thứ hai Labcabincalifornia (1995) dù thiếu phép màu về nhạc của bàn tay J-Swift thì nhóm vẫn đạt được phần nào yếu tố độc đáo mang tính thể nghiệm nhờ producer J Dilla tài ba và sự thử sức với khâu sáng tạo beat của một vài thành viên. Album này dù không xuất sắc như sản phẩm đầu tay, nhóm vẫn tạo ra được những track rất hay như “Runnin’”, “Trust” và đặc biệt là “Drop” với bản MV do Spike Jonze đạo diễn với những phân cảnh tua ngược vô cùng ấn tượng. Chỉ rồi, đáng tiếc là một lần nữa các mâu thuẫn lại khiến họ mất thêm thành viên cốt cán - Fatlip khi anh này bỏ đi và theo đuổi sự nghiệp solo. 


Vậy phải chăng những gì diễn ra thực tế với nhóm cũng không hề giỡn cợt một cách vui vẻ như họ từng hướng tới trong những ngày đầu chung tay chuyển nghề sang ngành âm nhạc Hip Hop đầy khắc nghiệt này? Trong một lần tham gia phỏng vấn với tạp chí The Source, câu đầu tiên The Pharcyde được hỏi là “Album của các anh thực sự không có một thông điệp gì đúng không?”. Bootie Brown đã đáp là: “Có rất nhiều thông điệp ẩn ở trong đó đó. Ông không phát hiện ra ư?”. Mọi người có thể dễ lầm tưởng sự cợt nhả trong phong cách nhạc của The Pharcyde đồng nghĩa với sự nông cạn hời hợt. Nhưng thực tế là những đoạn lời đùa cợt mang niềm vui tới cho người nghe cũng mang một mục đích sứ mệnh riêng khi chúng giúp người nghe, đặc biệt với cộng đồng người da màu tìm đến sự cân bằng, tạm quên đi những khắc nghiệt của cuộc sống.

 

Hẹn gặp lại!

 

Kunt


50 views

Recent Posts

See All
bottom of page